Người tu Ðạo cần có cơ sở, nền móng cho vững chắc. Muốn liễu sanh tử thì phải có công phu. Công phu tức là gì? Tức là cách vật, chánh tâm, thành ý, tu thân.
Muốn chánh tâm trước hết phải hiểu cách vật. Thế nào gọi là cách vật? Cách vật là trừ tự kỷ dục vọng; bỏ đi lòng tư dục, bỏ đi tạp niệm, bỏ đi lòng ham muốn vật chất. Vật dục thì bao quát tiền tài, sắc dục, ăn uống, ngủ nghỉ, những thứ đó mình phải cần diệt trừ tuyệt, sau đó mới chánh tâm.
Chánh tâm tức là không ích kỷ; có tâm ích kỷ thì tâm mình không chánh được. Thành ý tức là mình luôn như vậy; mình tin Phật thì tin hoài, tin vĩnh viễn; đem tâm chân thật ra tin tưởng, đem tâm hết sức kiên định ra mà tin tưởng, không chút hồ nghi, sợ sẽ chịu thiệt thòi, thua lỗ: "Chà, không biết có Phật hay có Bồ Tát chăng? Làm sao mình chẳng gặp các ngài?" Nghĩ như vậy cũng giống như cái nghĩ của con chồn khi đi trên mặt băng. Trên mặt băng, nó nhón gót đi hết sức cẩn thận, khi tiếng băng vỡ một chút xíu thì nó lập tức thối lui. Cho nên tục ngữ nói "như lý bạc băng" (như đi trên băng mỏng) là vậy. Người tin Phật đừng nên có tâm hồ nghi, rụt rè như rớt vào vực sâu hay là đi trên băng mỏng. Mình phải có lòng tin kiên cố.
Tu thân nghĩa là chuyện gì hại đến thân thì mình không làm. Lúc nào cũng phải cẩn thận, giữ gìn, bởi: Thân thể, phát, phu, thọ chi phụ mẫu, Bất cảm hủy thương, Hiếu chi thủy dã. (Thân thể, tóc, da là từ cha mẹ mà ra, do vậy không dám hủy hoại, thương tổn. Ðó chính là khởi đầu của đạo hiếu vậy.)
Tu hành thì phải có công phu "nội Thánh, ngoại Vương" (trong lòng như bậc thánh, bên ngoài biểu hiện như bậc vua). Nội Thánh tức là cách vật, chính tâm, thành ý. Tu thân là công tác của ngoại Vương, tức là phải lập công: Cần lao công khổ tác, Bất phạ hoạt kế đa. (Cần cù, lao khổ làm đủ chuyện, Không sợ ít hay nhiều.) Chuyện gì mình cũng làm cả; không thể nói rằng: "Tôi phải ngồi Thiền hàng ngày mới là tu hành, tôi không muốn làm chuyện khác"; bởi kẻ biết tu thì trong lúc động cũng tu hành được!
Tu hành nghĩa là tâm lúc nào cũng bình tịnh, không phiền não, không vô minh, không cống cao ngã mạn, không ganh tị, chướng ngại. Những lỗi lầm trên không trừ, thì dù mình ngồi Thiền tám vạn đại kiếp, tánh nóng giận, ganh tị, chướng ngại cũng còn trơ trơ và mình không thể tu thành công được. Cho nên tu hành cần phải chân chính trừ bỏ tập khí lỗi lầm, kiểm điểm bản thân; đó mới là thái độ của người dụng công.
"Quân tử bất khí" nghiã là người quân tử không phải như đồ vật, giống như ly trà thì chỉ có thể dùng để uống trà mà thôi, bát ăn cơm thì chỉ đựng đồ ăn mà thôi, không thể dùng vào việc khác được. Người quân tử thì văn, võ phải song toàn, chuyện cao chuyện thấp đều làm được, như vậy thì mới có thể trị quốc bình thiên hạ đặng: Năng nã đao thượng trận, sát thối địch nhân. (Có thể vung đao xông pha nơi trận mạc, đuổi giặc diệt thù.)
Thế nên người tu Ðạo hằng ngày phải phấn chấn nỗ lực; tinh tấn tức là tu hành! Căn bịnh lớn nhất khi tu là tâm nổi lên phiền não. Nếu không có phiền não thì mình sẽ tự tại, giải thoát, thì mình chính là kẻ đại tu hành. Quan trọng nhất là bất cứ ở trong tình trạng nào, mình cũng phải hết sức định tĩnh, không sinh phiền não; đó là chỗ đắc lực của sự tu hành. Không sinh phiền não thì chân chánh trí huệ mới xuất hiện được.
Người quân tử có thể biến lớn, có thể thu nhỏ; khi nhỏ thì như hạt bụi, khi lớn thì như núi Tu Di, như cả Pháp Giới. Bậc đại trượng phu thì cái chí có thể co giãn; kẻ nào cư xử với mình oan ức thì cũng không sinh phiền não, có thể co giãn một cách tự nhiên lúc vuông, lúc tròn, lúc thẳng đều được cả. Bởi vậy cho nên người quân tử không phải như là đồ vật. Quân tử bất trọng tắc bất uy, học tắc bất cố. (Người quân tử không có trịnh trọng thì chẳng có uy đức, sở học cũng không kiên cố.)
Nếu không kiểm soát bản thân thì mình không có oai nghi; sở học đều là giả. Cho nên người quân tử thì không cẩu thả, cười đùa bỡn cợt, không khinh cử vọng động. Người tu Ðạo cần phải vượt trên người quân tử. Người học Phật thì ngày nào cũng tu như vậy, không thể có một chút lười biếng, an phận!