Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Mo-Rong-Coi-Long-Vuot-Qua-Su-Rang-Buoc-Cua-Hoan-Canh

Bất luận ở trong gia đình hay trong môi trường công sở, môi trường xã hội, chúng ta đều nghe thấy rất nhiều sự hờn oán, trách móc nhau: có người oán vợ, trách chồng, có người trách con không nghe lời, có người trách cấp trên chèn ép, có người trách cấp dưới không nghe lời, thậm chí còn có người oán trách các chính sách của chính phủ, môi trường xã hội... Thực ra, oán trách chỉ làm cho tinh thần của chính họ sa sút, phiền muộn chứ chẳng giúp được gì cho mong ước của họ. Đương nhiên, mọi oán trách đều có lí do chứ không phải trách khống, trách bừa mà có thể là trách vì người khác không hiểu mình, trách vì đối phương ăn nói thiếu tôn trọng, xử lí vấn đề không thỏa đáng... Có người thường có tính giận cá chém thớt, không dám trực diện nói với người mình oán trách mà chỉ nói với người khác, nói sau lưng hoặc trút giận vô cớ lên ai đó.

Trách oán sau lưng tuy giảm căng thẳng, bực tức trong lòng nhất thời nhưng nếu một khi đối phương nghe thấy thì sự việc sẽ phức tạp hơn lên. Vì thế, oán trách không giúp gì được cho vấn đề cần giải quyết mà còn tăng thêm ngăn cách giữa mình và đối phương. Vậy nên tốt nhất là chúng ta không nên oán trách sau lưng, nếu có bất kì điều gì mâu thuẫn thì hãy bày tỏ, kiến nghị hoặc tìm một cách nào đó tiện nói nhất để giải quyết. Cần lưu ý rằng khi chúng ta nói với đối phương là mong đối phương sửa đổi chứ không phải nói để trút cho đã cơn giận.

Thực ra, trong sâu thẳm lòng mình, ai cũng biết được mình thiếu sót mặt nào, tốt mặt nào. Trường hợp này chúng ta nên nói như cách nói của các nhà sản xuất: “Hãy nói khuyết điểm của chúng tôi cho chúng tôi nghe và xin hãy nói ưu điểm chúng tôi cho người khác nghe”. Thế nhưng, lời hay thường chối tai. Tâm lí chung của con người là thích nghe lời ngon ngọt, thích được khen ngợi dù mình không có ưu điểm đó.

Ngược lại, dù đó thực sự là khuyết điểm nhưng lại không muốn nghe người ta phê bình, vấn đề chung của con người là ít nhìn ra lỗi của mình nên khi nghe người khác phê bình thì không chịu chấp nhận, đổ lỗi là người ta xúc phạm mình, lỗi ở người ta chứ mình chẳng chút khuyết điểm gì.

Lời trách oán thường mang cảm giác khó chịu cho người nghe nên chúng ta cần dưỡng đức tính khiêm nhã đối với những lời nhận xét, trách oán. Khổng Tử nói “văn quá nhi hỷ” (nghe người nói lỗi của mình thì vui). Bất luận là người ta phê bình trực diện hay nói xấu sau lưng, thậm chí người khác bêu diếu cái xấu của mình trước mặt mọi người thì chúng ta cũng cần có khí độ của người quân tử để nhận sai nếu có. Những ai chịu nghe lời phê bình mới thực sự trưởng thành, mới mong hoàn thiện bản thân, mới mong mình ngày càng tốt đẹp. Có lúc người khác phê bình, chỉ trích không đúng như những gì mình có, trường hợp này cũng cần học thêm đức tình nhẫn nhịn, hơn nữa phải biết cám ơn sau những lời nhận xét, bất luận đó là nhận xét đúng hay sai. Hơn nữa, khi nào đối phương còn chỉ trích, phê bình thì khi đó mình còn có trong lòng đối phương. Vì thế, những lời phê bình kia thực ra là một động lực giúp chúng ta hoàn thiện bản thân, hoàn thiện nhân cách.

Cuối cùng, chúng ta phải nhớ lấy hai nguyên tắc cơ bản trong “oán trách”: thứ nhất là không nên oán trách bất kì ai; thứ hai là khi nghe người khác oán trách mình thì không nên buồn cũng không nên xem họ là thù địch. Điều quan trọng và rất khó làm là khi người ta oán trách, chỉ trích mình dù đúng dù sai đều phải biết cảm ơn họ từ đáy lòng, nếu làm được thế bạn không những là bậc quân tử như Nho giáo quan niệm mà bạn còn là một vị Bồ tát tu hạnh nhẫn nhục.

 



Trích từ: An Lạc Từ Tâm