Home > Khai Thị Phật Học > Du-Song-Trong-Bat-Ky-Hoan-Canh-Nao-Thuan-Canh-Cung-Tot-Ma-Nghich-Canh-Cung-Tot
Dù Sống Trong Bất Kỳ Hoàn Cảnh Nào, Thuận Cảnh Cũng Tốt Mà Nghịch Cảnh Cũng Tốt
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng, Việt Dịch


Đức Thế tôn thường dạy các đệ tử rằng, dù sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thuận cảnh cũng tốt mà nghịch cảnh cũng tốt, đều phải tu tập song song giữa Phước và Huệ. Chúng ta không nên nghĩ rằng mục tiêu tối hậu của sự tu tập là phải đạt cho được Vô thượng bồ đề hay siêu thoát tam giới. Kỳ thật, cuộc sống an lạc hạnh phúc chân chính chúng ta có thể đạt được ngay trong hiện tại. Như vậy nhân với quả mới tương ưng. Cái nhân tốt đẹp thì đương nhiên kết quả phải tốt đẹp. Phước và Huệ là nguyên tắc tu hành mà trong kinh Kim Cương gọi là: "phải phát triển cái tâm không ở vào đâu cả để thực hành bố thí". "Không ở vào đâu cả" có nghĩa là đối với tất cả các pháp đều không nắm giữ, chấp thủ. Thấu rõ được bản chất của các pháp, đồng thời buông bỏ tất cả, để cho tâm trống rỗng, không có vướng bận gì hết, hoàn toàn thanh tịnh, viên dung, tròn đầy. Đó là ý nghĩa mà đức Phật gọi là "vô trụ".

"Thực hành bố thí". Bố thí thì có nhiều nghĩa và nhiều cách. Đạo Phật của chúng ta lấy pháp giới chúng sanh làm đối tượng, cho nên, chúng ta phải dùng toàn tâm, toàn lực để chiếu cố đến tất cả mọi loài chúng sanh, giúp đỡ, phục vụ tất cả chúng sanh như chính bản thân mình. Như vậy mới có thể gọi là hiểu hai câu kinh mà đức Phật đã dạy. Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, mọi cử chỉ hành động đều có thể đạt được toàn thiện, toàn mỹ. Chẳng hạn, không hưởng thụ cho riêng bản thân mình cũng là một cách bố thí. Sự bố thí đó được gọi là làm một tấm gương sáng cho tất cả mọi người noi theo, khiến cho mọi người khi nhìn vào đều sinh tâm ngưỡng mộ, cung kính. Từ sự ngưỡng mộ, cung kính họ sẽ phát tâm đi đến với ta, cùng ta tu hành.

Thí dụ, có một gia đình nọ có nếp sống rất lành mạnh, văn hóa, mẫu mực, cố nhiên là chỉ lo cho gia đình họ, nhưng như thế cũng đã có thể làm một tấm gương sáng cho hàng xóm noi theo rồi.

Cho nên, bố thí tuyệt đối không phải là chỉ đem một ít tiền đến chùa cúng dường là xong, là đủ. Hiểu nghĩa bố thí như vậy là nông cạn lắm! YÙ nghĩa của sự bố thí rất rộng, rất sâu. Nhưng có thể nói một cách ngắn gọn, đó là làm một tấm gương tốt cho tất cả chúng sanh noi theo, là một cách bố thí. Cũng giống như chư Phật, Bồ tát làm một tấm gương sáng cho tất cả chúng ta noi theo vậy. Điều này chúng ta đã nói nhiều lần. Người học Phật cần phải thay đổi những quan niệm sai lầm. Đem cái tâm niệm của phàm phu đổi thành tâm niệm của Phật, Bồ tát; đem cách sống của phàm phu biến thành cách sống của Phật, Bồ tát.

Nói tóm lại, kẻ phàm phu thì khởi tâm niệm làm bất cứ việc gì cũng không ngoài mục đích có lợi cho riêng bản thân mình. Còn tâm niệm của chư Phật, Bồ tát làm bất cứ việc gì cũng muốn đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh. Nếu như chúng ta muốn học làm Phật, thì trước hết, phải dẹp bỏ cái tâm tự tư tự lợi cho riêng mình, ngược lại, phải phát khởi cái tâm làm lợi ích cho tất cả mọi người, mọi loài chúng sanh trong khắp hư không, pháp giới. Đó mới gọi là "học Phật", mới gọi là "giác ngộ".

Tại sao người đời không làm được những việc như vậy? Đức Phật đã hiểu rõ được sự thật chân tướng của nhân sinh và vũ trụ – vạn sự vạn vật tận cùng hư không, khắp cả pháp giới, đều do tự tánh biến hiện ra. Cho nên, hết thảy chúng sanh cùng một thể với bản thân mình, cái đó được gọi là "vô duyên đại từ, đồng thể đại bi". Do đó, quý Ngài xem người khác giống như bản thân mình, với mình là một, không có gì khác biệt. Còn phàm phu không thể làm được là bởi vì họ còn mê muội, không biết được sự thật của vũ trụ nhân sinh là do tự tánh của mình biến hiện ra, lại cho rằng ở ngoài bản thân mình thật có sự vật hiện tượng. Vì vậy mà phát sinh ý niệm thương, ghét, chiếm hữu, tự tư tự lợi cho riêng bản thân mình, và đánh mất cái tâm rộng lớn vì lợi ích cho người khác, và không có ý nguyện vì lợi ích cho chúng sanh. Kẻ phàm phu ngu muội, quên mất tự tánh cho nên bị trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi; còn chư Phật, Bồ tát do thấy rõ tự tánh nên chỉ an trú trong nhất chân pháp giới(1). Ở trong những cảnh giới đó, cảm thọ hạnh phúc, khổ đau hoàn toàn khác nhau.

Chúng ta thử lấy một ví dụ đơn giản: Vì chúng sanh mê muội, cho nên phạm vi cuộc sống của chúng rất nhỏ, chỉ loanh quanh trong sáu nẻo luân hồi; mà ở trong sáu nẻo luân hồi ấy, sự sống, chết, xả thân, thọ thân phạm vi hoạt động còn nhỏ hơn nữa. Không phải chỉ chúng sanh ở Trung quốc, mà ở nước Mỹ cũng không ngoại lệ. Chúng ta thấy rất nhiều người cả một đời của họ không ra khỏi nơi mảnh đất mình sinh ra. Ở nước Mỹ, một số người thấy người khác thường đi du lịch nước ngoài họ cũng rất ngưỡng mộ. Đương nhiên, chúng ta sống trong cuộc đời này cũng có rất nhiều tiền tài, cũng có người rất giàu sang phú quý, cũng có tự do rất lớn, nhưng mà, không gian hoạt động của chúng ta, nói cho cùng, vẫn còn bị giới trong quả địa cầu này. Chúng ta không có cách gì để có thể thoát khỏi trái đất này để tiến thẳng vào hư không bao la, dù cho khoa tiến bộ đến mấy, cũng không thể đưa loài người thoát khỏi hành tinh này. Do đó có thể biết được rằng, chúng sanh mê muội là phải chịu rất nhiều đau khổ. Còn bậc thánh đã giác ngộ, giống như chư Phật, Bồ tát thì quý Ngài đi lại rất tự do, phạm vi hoạt động của quý Ngài nói nhỏ thì ba ngàn Đại thiên thế giới, nói rộng thì tận cùng khắp hư không pháp giới, không nơi nào là không đến được.

Như chúng ta đã biết, trong kinh Vô lượng thọ có nói, chúng sanh ở thế giới Tây phương cực lạc có không gian hoạt động giống như chư Phật, không hề khác biệt. Tận cùng khắp hư không pháp giới, tất cả các quốc độ của chư Phật, hễ họ muốn đi là đi, muốn về là về, trong tích tắc.

Chúng ta có nói đến khổ và vui, ở đây không cần phải dùng ví dụ khác, chỉ cần nhìn từ khía cạnh này, chúng ta cũng hiểu được một hai phần.

Như vậy, học Phật là để làm gì? Nói một cách tổng quát, là để phát triển cái không gian, phạm vi cuộc sống của chúng ta, và ở trong không gian đó chúng ta có tự do tự tại, đồng thời tuổi thọ của chúng ta cũng rất dài.

Mạng sống của chúng sanh trong lục đạo rất ngắn ngủi, không thể so sánh được với chúng sanh ở bên thế giới Tây phương cực lạc – tuổi thọ của mọi người đều vô lư?ng, vô biên. Đạo lý này phải thấu hiểu, sự thật này phải thấy rõ, thì chúng ta mới có thể giải đáp đúng đắn câu hỏi học Phật để làm gì? Vì sao phải thành Phật? Thành Bồ tát? Công đức và lợi ích thù thắng nhất của sự tu học chính là làm sáng tỏ được sự thật chân tướng này!