Trong quá trình tu tập, dần dần chúng ta sẽ có cảm giác mình đang lìa khổ, song song với cảm giác đó là cảm giác hạnh phúc, vui sướng. Có nhiều cách lìa khổ như thay đổi quan niệm sống của mình hoặc tu hành để thoát khổ, lìa khổ, diệt khổ.

Nhiều người sợ đi máy bay vì một khi máy bay từ trên cao rơi xuống, khả năng sống sót cực kì hiếm. Một người bạn từng kể với tôi, lần nọ hai vợ chồng anh ta đi máy bay, không may trời xấu, máy bay không thể đáp xuống như dự định mà cứ lượn vòng trên bầu trời. Vợ anh ta khuyên: “Rất hiếm khi máy bay gặp nạn, nếu gặp nạn thật thì chúng ta chết chắc nên ông có lo lắng cũng vô ích, cứ yên tâm đi”. Vợ anh ta nói thế nhưng vẫn không giấu được nỗi lo lắng, sợ hãi trong lòng.

Tôi nói đùa với anh ta rằng, lần sau nếu đi máy bay gặp trường hợp tương tự thì anh cứ nghĩ đấy là chiếc nôi đong đưa thôi! Anh thử nghĩ xem, lớn thế rồi mà vẫn được nằm nôi chẳng phải là cách đi ngược thời gian trở về với thời thơ ấu đang nằm trong nôi đó sao? Được nằm nôi quả thực là điều thích thú!

Đấy là những cách quán tưởng hay giúp chúng ta lìa khổ trong trường hợp như thế hoặc khi đó chúng ta cứ niệm Phật, niệm Bồ tát để có nơi bám víu cho tinh thần. Những lúc như thế nếu là người bình thường thì tốt nhất nên cầu Phật, cầu Bồ tát và La hán: Giao hết sự sống, niềm tin vào những vị Bồ tát thì không những chúng ta có thể nhắm mắt niệm Phật mà còn tận hưởng giây phút chao đảo, lắc lư trên không. Đấy chính là sức mạnh của niềm tin vậy.

Vì thế, khi chúng ta lâm vào trường hợp khẩn cấp, khổ nạn trùng trùng, tốt nhất không nên hốt hoảng, lo sợ, nhất định phải vững tâm, lấy bất biến ứng vạn biến đồng thời phải khéo léo vận dụng các phương pháp tu tập, niềm tin tôn giáo để xử lí tình huống cấp bách trước mắt. Ví dụ khi gặp hỏa hoạn, nếu chúng ta trầm tĩnh niệm danh hiệu Phật, Bồ tátthì không những giúp chúng ta giảm bớt lo âu, trấn tĩnh lòng mình mà còn giúp chúng ta đủ sáng suốt để tìm cách thoát thân nữa. Đấy chính là mình tự cứu nhưng nghĩ là Phật cứu! Rất nhiều trường hợp chết không do lửa thiêu mà chết do tâm lí hoảng loạn gây nên.

Ví dụ nêu trên cho chúng ta thấy người có niềm tin tôn giáo, biết áp dụng các phương pháp tu tập vào đời sống thực tế trong lúc khổ nạn nguy cấp tuy chưa thể giải thoát hoàn toàn đau khổ nhưng ít nhất cũng giảm bớt rất nhiều khổ đau, hơn nữa cũng nhờ thế mà giúp họ tăng thêm niềm tin vào Phật pháp.

Trích từ: An Lạc Từ Tâm