I. Chánh Văn
Ðệ lục giác tri
Bần khổ đa oán
Hoạnh kết ác duyên
Bồ tát bố thí
Ðẳng niệm oán thân
Bất niệm cựu ác
Bất tắng ác nhân.
II. Dịch Nghĩa
Ðiều thứ sáu giác ngộ rằng sự nghèo khổ sinh ra oán hận, tạo thêm duyên nghiệp bất thiện. Vì thế, Bồ tát cần thực hành hạnh bố thí một cách bình đẳng giữa kẻ ghét với người thương. Hãy quên đi những điều xấu ác mà họ đã gây cho mình, không nên ghét bỏ những người ác.
III. Giải Thích Nội Dung
Ðiều giác ngộ thứ sáu nói về công hạnh bố thí của người tu Bồ tát hạnh. Bài nầy có hai ý.
Hiểu rõ cái vòng lẩn quẩn của người nghèo khó: Do nghèo nên con người dễ sinh ra bất mãn, ganh tỵ, hận thù. Ðối với bản thân, họ không hài lòng với chính mình, tâm lý xáo trộn bất an. Ðối với gia đình vợ con họ quạu cọ không vui, dễ sân hận vì họ cảm thấy mình không đủ tài, không được coi trọng, dễ gây đổ vỡ tình cảm. Ðối với bạn bè xóm giềng, họ tự ty hoặc nghi ngờ và sanh tâm đố kỵ, ganh tỵ. Nói chung, họ bất mãn và không có niềm tin vào cái thiện, cái chân. Do vậy, cái nghèo dễ đẩy con nguời vào con đường tội lỗi, làm các việc bất thiện để mau giàu. Họ vi phạm luật pháp, đánh mất nhân cách, đạo đức... Vì vậy, cuộc đời của họ càng khốn đốn hơn, càng khốn đốn họ càng bất mãn oán hận... Ðó là cái vòng lẩn quẩn của con người bị cái nghèo khó bức bách.
Người thực hành hạnh Bồ Tát quán chiếu thấy rõ sự nghèo khó sẽ dẫn con người đến phạm tội, sẽ đưa xã hội vào sự bất an. Ðức Phật đã từng nêu lên thực trạng ấy rằng: "Do nghèo khổ mà trộm cướp bạo hành, giết hại, dối trá tăng trưởng làm cho băng hoại xã hội" (Kinh Trường Bộ: Chuyển Luân Thánh Vương và Sư Tử Hống). Ngài đã từng khuyên các vị vua cai trị không nên dùng hình phạt độc ác với ý nghĩa rằng nhờ đó mà trộm cắp cướp giật được diệt trừ. Ngài dạy rằng: " Những người nào có khả năng về nông nghiệp, chăn nuôi hãy cấp cho họ thực phẩm và thực vật; người nào có khả năng về thương nghiệp thì cấp cho họ vốn đầu tư; người nào có khả năng về quan chức thì cấp cho họ thực phẩm và lương bổng... tuỳ theo khả năng ngành nghề chuyên môn mà ban cho họ cái cần thiết... họ sẽ chuyên tâm vào công việc của mình, có phương tiện để sống nên không còn phạm tội quấy nhiễu trị an mà còn đóng góp vào ngân sách quốc gia" (Trường Bộ Kinh, Kutadanda). Ðể cho sự nghèo khổ giảm bớt áp lực, để cho tâm tư của người nghèo được an ổn và để cho xã hội được bình an thịnh vượng, Bồụ Tát phát nguyện thực hành bố thí, nghĩa là bố thí tiền bạc, vật chất an ủi phần nào nỗi đau của sự nghèo khó. Chúng ta có thể thấy rằng đây là một công hạnh tu tập mà phần lớn là khả năng của người Bồ Tát tại gia, tức người Phật tử cư sĩ.
Có thể chúng ta có một cách lý giải khác rằng: Nghèo khổ ở đây là nghèo về đạo đức, nghèo về trí tuệ. Do vậy phiền não tham hận thù sinh ra, các ác nghiệp được nối kết. Thế nên Bồ Tát phải thực hành pháp thí làm cho mọi người được mở con mắt trí tuệ thấy được chân lý, đoạn tận nghiệp duyên bất thiện. Nghèo tinh thần, nghèo trí tuệ sẽ đưa đến phiền não sanh trưởng và nghiệp ác sẽ phát sinh. Bố thí ở đây là pháp thí, đây là khả năng của Bồ Tát xuất gia. Tuy vậy ý nghĩa của điều giác ngộ thứ sáu này nặng về hạnh bố thí tài vật, mà hạnh nầy hợp với sở trường của người cư sĩ tại gia hơn là xuất gia. Trong Ðại Trí Ðộ Luận nói: "Như Ðức Phật dạy: Ở đời có hai hạng người khó được: một là trong hàng xuất gia, vị Tỳ Kheo được phi thời giải thoát; hai là trong hàng tại gia, kẻ bạch y thường hành bố thí thanh tịnh".
Bố thí bình đẳng: Tức là bố thí với tâm vô chấp, tâm vị tha và tâm giải thoát. Thường thì người bố thí có tâm phân biệt người mình thương hay người dễ thương, mình sẽ đối xử rộng rãi hơn, mau mắn hơn; còn người dễ ghét hay người nghịch với mình, có thể mình cũng cho nhưng có giới hạn hơn, ít hoan hỷ hơn. Thái độ bố thí của Bồ tát không phân biệt như vậy mà bố thí với tâm bình đẳng, vô chấp gọi là bố thí Ba la mật. Trong Ðại Trí ÐộLuận, Bố thí Ba la mật là: "Nếu bố thí còn có ba thứ chướng ngại chấp có ta cho, người kia nhận và tài vật bố thí thì rơi vào cảnh giới ma, chưa lìa khỏi các nạn. Còn như Bồ tát bố thí cả ba thứ đều thanh tịnh không chướng ngại thì được chư Phật khen ngợi, gọi là Ba la mật" (ÐTÐL trang 467 của HT Thiện Siêu dịch).
Bố thí mà tâm không bình đẳng, bị các phiền não sai sử như thương, ghét, giận tức hay vui buồn thì bố thí rất hạn chế, kết quả không cao và không phù hợp với con đường giải thoát và chí nguyện độ sanh. Bố thí như vậy gọi là bố thí không thanh tịnh. Theo Ðại Trí Ðộ Luận bố thí không thanh tịnh là: "Hàng ngu si bố thí mà không hiểu gì; hoặc vì cầu tài nên bố thí; vì sợ hiềm trách nên bố thí; vì sợ sệt nên bố thí; hoặc vì muốn cầu ý người nên bố thí; hoặc sợ chết nên bố thí; hoặc dối người làm cho họ mừng nên bố thí; hoặc tự cho giàu sang nên bố thí; hoặc tranh hơn nên bố thí; hoặc ganh ghét sân si nên bố thí; hoặc kiêu ngạo tự cao nên bố thí; hoặc vì danh dự nên bố thí; hoặc vì chú nguyện nên bố thí; hoặc vì giải trừ suy hoại cầu tốt lành nên bố thí; hoặc vì qui tụ đông người nên bố thí; hoặc vì khinh hèn không cung kính nên bố thí. Cách bố thí như vậy gọi là bố thí không thanh tịnh"(sđd T). Quan điểm về bố thí thanh tịnh thì ngược lại các điều trên, bố thí như vậy có ý nghĩa rất cao dựa trên nguyên lý Không VôTướng Vô nguyện.
Trong kinh tạng Nguyên thủy, các động cơ bố thí cũng được đề cập đến tương tự như trên:
Vì có người đến (đông đảo) nên bố thí.
Vì sợ hãi nên bố thí.
Vì nghĩ rằng "nó đã cho ta" nên bố thí.
Vì nghĩ rằng "nó sẽ cho ta" nên bố thí.
Vì nghĩ rằng "Bố thí là tốt lành" nên bố thí.
Vì nghĩ rằng "mình giàu có, người kia nghèo thật không xứng đáng nếu không cho" nên bố thí.
Vì nghĩ rằng "do ta bố thí mà tiếng tốt được truyền đi xa" nên bố thí.
Vì trang nghiêm tâm, trang bị tâm nên bố thí.
Tám động cơ khác nữa là:
1) Vì lòng tham mà bố thí 2) Vì sân hận mà bố thí.
Vì ngu si mà bố thí.
Vì sợ hãi nên bố thí.
Vì theo truyền thống nên bố thí.
Vì muốn quả báo cõi trời nên bố thí.
Vì nghĩ rằng: "Bố thí làm cho tâm được hoan hỷ" nên bố thí.
Vì trang nghiêm tâm trang bị tâm nên bố thí. (Anguttara Nikàya III, Chương VIII Pháp).
Như vậy mười sáu động cơ bố thí không thanh tịnh của Ðại Trí Ðộ Luận và mười sáu động cơ bố thí của Kinh Tăng Chi có khá nhiều điều giống nhau. Bố thí được coi là đúng chánh pháp và đúng hành vi của một người có trí tuệ là "Ðể trang nghiêm tâm, trang bị tâm" (theo Kinh Tăng Chi), nghĩa là tâm được thanh tịnh vượt thoát các phiền não chấp thủ mà trong Ðại Trí Ðộ Luận gọi là bố thí Ba La Mật: - Không chấp thủ người cho, kẻ nhận và của cho. Ðó là tâm vô chấp, tâm bình đẳng xả bỏ được nhân ngã.
Chấp thủ bất cứ một điều gì thô hay tế, trong hay ngoài đều có tác dụng làm cho tâm ô nhiễm. Thông thường, khi ta có thiện cảm với ai, thương mến ai thì ta rất dễ mở rộng lòng mà cho một cách vui vẻ không tiếc, ngược lại đã không thương thì cõi lòng khép lại, vì vậy tu tập lòng từ bi sẽ rất dễ dàng thực hành bố thí; bố thí là sự thể hiện của tâm từ bi. Tâm chướng ngại cho tâm từ bi là tâm sân hận; sự giận ghét đưa đến chướng ngại làm hạn chế hành động bố thí. Cho nên, điều giác ngộ thứ sáu này nói rất rõ rằng Bồ Tát tu hạnh bốù thí phải có tâm bình đẳng không phân biệt người thương, kẻ thù và đặc biệt cần phải đối trị tâm sân hận và "không nên nghĩ nhớ đến điều xấu ác mà kẻ khác đã làm cho mình, cũng không nên có tâm ghét bỏ kẻ ác".Ðiều đó nói lên ý nghĩa chân chính của hạnh bố thí theo Phật giáo.
Ðể có được hành động bố thí vô chấp, vô cầu, vô nguyện thì người hành bố thí phải có trí tuệ, thấy được tính vô ngã của vạn pháp. Nhờ đó mà tâm vượt thoát sự giới hạn của tình cảm thông thường thương, ghét. Tâm thương ghét, thù hận, làm trở ngại lớn cho hành động bố thí, như Jesus nói: "Nếu con chỉ thương những người thương con thì con có công gì đâu?"( Ðó chỉ là sự trao đổi mà thôi! ). Không những không có công mà có tội là gây thêm sự bất mãn hận thù.
IV. Kết Luận
Bố thí là một công hạnh có tác dụng lợi ích rất đặc biệt, biểu hiện đủ hai mặt: Phước đức và trí tuệ.
Phước đức có được là do đem đến cho chúng sanh bị đau khổ niềm an ủi, sự an tâm, sự đầy đủ, giảm cho họ những áp lực của đời sống mà có thể đưa họ vào con đường tội phạm tối tăm. Làm cho người khác được an vui hạnh phúc là ý nghĩa của phước đức.
Trí tuệ là do thực hành bố thí mà quán chiếu thực trạng đau khổ của đời sống, nhận được chân lý khổ đế. Mặt khác, mình thấy được tự tính vô ngã trong mọi thứ mà mình nắm trong tay: Không có người cho kẻ nhận và của cho. Thực hành tâm bình đẳng, xả bỏ chấp thủ nhân, ngã, bỉ, thử, chủ thể, đối tượng.... đạt được tâm thư thái thanh thản, giải thoát là ý nghĩa của trí tuệ.
Một người là đệ tử của Phật luôn được trang bị giáo dục để có được hai đức tính căn bản này là phước đức và trí tuệ. Qua hành động bố thí, ta có thể thành đạt hai đức tính ấy.