Kinh A Di Đà dạy: “Từ đây đi về phương Tây qua khỏi mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc. Cõi ấy có Phật hiệu là A Di Đà, nay đang thuyết pháp”. Lại nói: “Cõi ấy vì sao tên là Cực Lạc? Do chúng sanh cõi ấy không có các sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên tên là Cực Lạc”. Không có các sự khổ, chỉ hưởng những điều vui là do được trang nghiêm bởi phước đức, trí huệ, thần thông, đạo lực của đức Phật A Di Đà. Thế giới chúng ta đang sống đây có đủ ba thứ khổ, tám thứ khổ, vô lượng nỗi khổ, trọn chẳng có niềm vui; cho nên gọi là Sa Bà. Chữ Phạn “Sa Bà”, ở đây (Trung Hoa) dịch là Kham Nhẫn, ý nói: Chúng sanh trong cõi này phải chịu đựng những nỗi khổ ấy. Nhưng trong thế giới này, không phải là không có niềm vui; nhưng tất cả những chuyện vui đa số là khổ, chúng sanh mê muội, ngược ngạo coi đó là vui. Như nghiện rượu, đắm sắc, săn bắn, vây bắt v.v... có gì vui đâu mà những kẻ ngu phu đắm đuối không bỏ được, vui quên cả mệt. Thật đáng thương xót! Dẫu là sự vui thật sự, cũng khó thể trường cửu. Như cha mẹ còn sống đầy đủ, anh em không có chuyện gì, chuyện như vậy làm sao có thể thường hằng cho được! Vì thế, cảnh vui vừa hết, tâm buồn nối tiếp dấy lên. Do vậy, bảo “trọn chẳng có niềm vui!” không phải là nói quá đáng vậy!
Thế giới này khổ nói chẳng thể trọn, dùng tam khổ, bát khổ để tóm lược thì chẳng còn sót gì. Tam khổ là: 1) Khổ Khổ 2) Hoại Khổ 3) Không khổ không vui tức là Hành Khổ. Khổ Khổ có nghĩa là do thể tánh của thân tâm Ngũ Ấm này bức bách nên gọi là Khổ. Lại còn phải thường chịu thêm những nỗi khổ sanh, già, bệnh chết v.v… nên gọi là Khổ Khổ. Hoại Khổ là có chuyện gì trong thế gian tồn tại dài lâu? Mặt trời đứng bóng liền chênh, trăng tròn rồi khuyết, đạo trời còn vậy, nữa là chuyện người! Cảnh vui vừa hiện, cảnh khổ đến ngay. Đúng vào lúc cảnh vui bị hoại diệt thì khổ chẳng thể nói được, cho nên gọi Lạc là Hoại Khổ. Hành Khổ là tuy không khổ không vui, tợ hồ thích nghi, nhưng tánh nó dời đổi, há thể thường trụ! Vì vậy, gọi là Hành Khổ. Nêu lên ba sự khổ này, không sự khổ nào chẳng thâu tóm. Về ý nghĩa của Bát Khổ, trong sách [Sơ Cơ Tịnh Nghiệp Chỉ Nam] đã trình bày cặn kẽ. Nếu biết cái khổ trong cõi này, tâm chán lìa Sa Bà sẽ ào ạt phát sanh. Nếu biết sự vui của cõi kia, ý niệm ham cầu Cực Lạc sẽ bừng bừng phát khởi. Do vậy, không làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, dùng đấy để vun bồi nền tảng. Lại thêm chí thành khẩn thiết trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương thì thoát được cõi Sa Bà này, sanh về nước Cực Lạc kia, làm con đích thực của Phật Di Đà, làm bầu bạn tốt trong hải hội. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 3, Lời tựa sách Sơ Cơ Tịnh Nghiệp Chỉ Nam)
Trích từ: Ấn Quang Pháp Sư Tinh Hoa Lục