Home > Khai Thị Phật Học > Tam-Phap-An
Tam Pháp Ấn
Hòa Thượng Thích Huyền Vi


Cùng toàn thể Tăng Ni và Phật Tử hiện diện: Hôm nay là ngày 8/6/2000, tức là ngày 7/5 năm Canh Thìn, Phật Lịch 2544. Trong thời pháp hôm nay, Thầy sẽ đặc biệt giảng về Tam Pháp Ấn trong Kinh Điển của Phật giáo. Tại sao phải học về Tam Pháp Ấn và Tam Pháp Ấn là gì?

Ấn là một khuôn dấu được dùng để xác nhận sự đích thực, chính thống, được đóng trên một văn kiện hay một mệnh lệnh. Thí dụ như Ấn của nhà Vua (được gọi là Ngự Ấn) được đóng trên một chiếu chỉ để xác nhận chiếu chỉ đó là đích thực của Vua ban ra.

Trong đạo Phật, Pháp Ấn được hiểu là những lời giảng dạy trong Kinh Điển, đích thực từ kim khẩu của Đức Phật, nói về chân lý, đúng với sự thật, không thể sai lầm hay nhầm lẫn với những giáo lý của ngoại đạo.

Sau khi thành đạo, Đức Phật đã đi truyền bá giáo lý của Ngài. Một số Đạo Sĩ ngoại đạo, vì muốn lôi kéo Ngài về tôn giáo của họ, nên thường rêu rao rằng Đức Phật đã lấy giáo lý của họ làm căn bản cho giáo lý của Ngài, nên nhiều lần, các Đạo Sĩ ngoại đạo đến chất vấn Ngài về Giáo Lý mà Ngài đang truyền bá. Đức Phật chỉ đáp một cách vắn tắt như sau: "Như Lai chỉ giảng dạy về Khổ và Con Đường Diệt Khổ". Pháp Ấn của Đức Phật là chân lý về khổ và con đường diệt khổ.

Tam Pháp Ấn là gì? Nói một cách đầy đủ, Phật dạy:

"Chư Hạnh Vô Thường,

Chư Pháp Vô Ngã,

Niết Bàn Tịch Tịnh."

Pháp Ấn thứ nhất và Pháp Ấn thứ hai, gọi tắt là Vô Thường và Vô Ngã; Đức Phật giảng về thế giới hiện tượng mà con người đang sống. Vì nhận thức sai lầm về những hiện tượng này mà con người chìm đắm trong đau khổ và trôi lăn mãi trong sinh tử. Nhận thức được chân lý của Luật Vô Thường và bản thể Vô Ngã của thế giới hiện tượng là hiểu được con đường hay phương pháp diệt khổ mà Đức Phật muốn giảng dạy.

Pháp Ấn thứ ba, gọi tắt là niết bàn, là sự chỉ dẫn của Đức Phật về một trạng thái vô vi của thế giới bản thể chân thật (một thế giới, trong đó, mọi đau khổ, phiền não đã bị tiêu diệt và không còn Sanh Diệt, Sinh Tử). Muốn đạt được trạng thái niết bàn, con người phải chuyên tâm tu tập, buông xả những vọng tình và phiền não, để trở về với bản thể như lai tự tánh của mình.

Chúng ta hãy lần lượt xét đến những nhận thức sai lầm về vô thường mà con người hay mắc phải:

1. Thân Vô Thường:  Khi có cái thân, con người thường chấp cái thân này là một vật quý báu, và muốn nó thường còn mãi mãi, nên lúc nào cũng muốn giữ nó, cũng muốn làm cho nó đẹp, cung cấp đầy đủ tiện nghi cho nó. Khi nó có bệnh hay có chuyện gì xảy ra cho nó thì liền cảm thấy đau khổ.

Nên biết rằng cái thân con người là do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hòa hợp mà có. Tứ đại còn hòa hợp thì thân thể còn được khỏe mạnh. Tứ đại xung khắc thì thân thể sẽ bị thay đổi hay tật bệnh. Con người chỉ biết có cái thân, chớ không thể làm chủ được tứ đại, mà tứ đại thì vô thường, cho nên, người ta ví tứ đại của thân như bốn con rắn nằm trong một cái bị, khi chúng hòa thuận thì tất cả đều yên vui, khi chúng cắn xé nhau thì lập tức có đau khổ. Cái thân này vô thường vì có các hiện tượng sanh, già, bệnh, chết mà không ai tránh khỏi.

Những hiện tượng này là chân lý của thế giới hiện tượng, không thay đổi được và các hiện tượng này lại có thể tới bất cứ lúc nào, không có kỳ hẹn. Người ta cảm thấy đau khổ vì không hiểu được cái chân lý vô thường này. Lão Tử đã nói:

"Ngô hữu đại hoạn vị ngô hữu thân,

Ngô nhược vô thân, hà hữu chi hoạn?".

Tạm dịch là:

"Tôi có cái lo lớn, vì tôi có cái thân. Nếu không có thân thì làm gì có lo!"

Thiền Sư Vạn Hạnh cũng than thở cho cái thân vô thường như sau:

"Thân như bóng chớp chiều tà,

Cỏ cây Xuân tốt, Thu qua rụng rời,

Sá chi suy thịnh cuộc đời,

Thịnh suy như giọt sương lơi đầu cành!".

Nhiều Phật tử muốn tu hành, nhưng lại không hiểu cái chân lý vô thường, vốn không có kỳ hẹn, mà cứ lần lựa cho rằng mình còn trẻ, đợi vài năm sau mới tu cũng chưa muộn gì. Than ôi! Khi vô thường tới thì làm gì cũng không còn kịp nữa; đành ôm cái nghiệp đã tạo mà tái sanh vào ba đường dữ, không có hy vọng ngày nào giải thoát khỏi luân hồi sanh tử.

2. Tâm vô thường: Tâm thuộc về phần tinh thần của con người, được hình thành bởi bốn uẩn: Thọ, tưởng, hành và thức. Từ cái tâm này, con người đã có những cảm thọ, hiểu biết sai lầm về chính mình và những hiện tượng xảy ra chung quanh mình. Đức Phật gọi cái tâm này là vọng tâm. Vì là vọng nên những cảm thọ, tri giác của tâm cũng là vọng, cũng sai lầm.

Người đời, vì không biết tâm là vọng, nên cứ chấp chặt lấy những sản phẩm của vọng tâm mà sống theo nó. Khi phải đối diện với sự thật vô thường của tâm, liền thấy không được như ý, và khổ đau có mặt ngay. Vì sống theo những vọng tâm và vọng tình thế gian hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố và dục, mà vọng tâm thì thay đổi mỗi giây, mỗi phút, phút trước muốn tu, phút sau giải đãi; lúc nhỏ nghĩ khác, lúc già  lại suy nghĩ khác. Phật nhắc nhở hoài là đừng có tin cái vọng tâm vì vọng tâm vô thường nên là nguồn gốc của phiền não, đau khổ và khiến ta lặn ngụp trong sinh tử luân hồi đời đời, kiếp kiếp. Phải tu cho tới khi chứng được quả vị A La Hớn thì vọng tâm mới dứt (đó là lời Phật dạy trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương).

3. Hoàn cảnh vô thường: Đức Phật cũng đã chỉ cho chúng ta, những hiện tượng bên ngoài thân và tâm cũng không ra khỏi cái luật vô thường: Thành, trụ, hoại, không, của vũ trụ. Thiền Sư Mãn Giác, đời Nhà Lý đã cảm thán về tính vô thường của cảnh, bằng mấy câu thơ tuyệt tác như sau:

  Xuân khứ bách hoa lạc,

  Xuân đáo bách hoa khai,

  Sự trục nhãn tiền quá,

  Lão tùng đầu thượng lai,

  Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận,

  Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Tạm dịch là:

  Xuân đi trăm hoa rụng,

  Xuân đến trăm hoa cười,                  

  Trước mắt việc đi mãi,

  Trên đầu già đến rồi,

  Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết,

  Đêm qua sân trước một cành mai.

Để diễn tả cái cảnh cũng vô thường, Cổ đức cũng nói: "Thương hải biến vi tang điền, tang điền biến vi thương hải."  Có nghĩa là hôm nay là biển, ngày mai đã biến thành ruộng dâu hay ngược lại.

Cuộc sống của con người cũng không thể nhất định mãi mãi ở trong cùng một hoàn cảnh. Ngày nay giàu có, tiền rừng bạc biển, chỉ cần một ngọn lửa cũng đủ làm thay đổi hoàn cảnh giàu có trở thành trắng tay. Không thiếu gì chuyện đổi thay cái hoàn cảnh trong thế gian. Lúc còn giàu có thì gia đình êm ấm, lúc nghèo hèn thì gia  đình có chuyện lục đục ngay.

Ngày xưa có một chàng thư sinh vác lều chõng lên Kinh Đô ứng thí. Nửa đường dừng chân tại một quán trọ, nhờ bà chủ quán trọ nấu giùm nồi cháo. Trong khi chờ đợi cháo chín, chàng thư sinh chợp mắt ngủ trưa, mộng thấy, hoàn cảnh của chàng trong hơn 50 năm qua, thay đổi như bóng chớp. Khi tỉnh dậy cảm tác một bài thơ:

"...Vinh hoa phú quý

Ngũ thập dư niên, bất quá phiến thùy,

Mộng lý huỳnh lương du dị thục..."

Có nghĩa là: Đờì người, chẳng qua cũng như một giấc mộng ban ngày, hơn 50 năm (những cảnh trong giấc mộng) trôi qua mà nồi cháo kê vẫn chưa chín...

Cổ đức cũng đã nói: "Nhân gian phú quý hoa giang lộ, thế thượng công danh thủy thượng âu...". Công danh phú quý trong nhân gian cũng tỷ như giọt sương nằm giữa lòng hoa hay như cái bọt nổi trên mặt nước, chỉ một luồng gió là tan mất.

Trong Pháp Ấn Chư Hạnh Vô Thường, Đức Phật đã giảng dạy rằng nguồn gốc của cái khổ là do con người không có chánh kiến, chánh tư duy và cái thế giới hiện tượng mà chúng ta đang sống, chỉ là hư ảo, mà cứ chấp chặt lấy cái thân và những hoàn cảnh và cho chúng là thường hằng và có thật.

Trong Kinh văn có một câu như sau: "Tất cả muôn sự muôn vật đều vô thường. Khi nào, người nào có cái trí hiểu biết như vậy, thì lúc đó mới giải tỏa được cái khổ vì những biến chuyển của cuộc đời". Đó là con đường thanh tịnh mà Phật đã dạy. Nguyên văn bài kệ bằng tiếng Pali như sau:

  Sabbe Sankhàra aniccàti,

  Yadà pannaya passati,

  atha nibbindali dukkha,

  esa maggo visuddhyà."

Bây giờ nói đến Pháp Ấn thứ hai là Chư Pháp Vô Ngã. Trong Kinh Kim Cang, Phật dạy: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng" nghĩa là bất cứ vật gì hay hiện tượng gì mà có hình tướng, đều là giả dối. Chấp chặt lấy cái giả dối và cho đó là thật, là nguồn gốc của khổ đau và phiền não, trôi lăn mãi trong vòng sanh diệt. Các hiện tượng như thân ta, những cái của ta, những sự vật hiện diện chung quanh ta đều do nhân duyên tổ hợp lại mà thành. Không có cái gì có thật tánh (cũng gọi là Bản Ngã).

Khi những yếu tố hiện tượng được kết hợp bởi nhân duyên thành tựu, người ta tạm đặt cho nó một cái tên để gọi, để nhận biết nó mà thôi. Khi tách rời từng yếu tố ra thì cái vật đó không còn được mang cái tên mà người ta tạm đặt cho nó. Cái vật này, do đó mà được nói là không có bản ngã, hay dễ hiểu hơn, vật này không thật. Vì con người không nhận thức được cái tính chất "không thật" của cái được gọi là Ta (Nhân) và những hiện tượng chung quanh Ta (Pháp) nên đã sống một cách hết sức mê lầm, đau khổ.

Nhân vô ngã là thế nào? Nhân vô ngã là chỉ cho cái thân này là do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) nhờ hội đủ nhân duyên mà được kết hợp, mà thành tựu. Cái thân này muốn sống được cũng lại phải nhờ vào các điều kiện (nhân duyên) của tứ đại bên ngoài thân, thí dụ như bắp thịt là phần thuộc về yếu tố đất bên trong thân; muốn bắp thịt được nẩy nở thì phải có điều kiện từ ngoài thân là thức ăn để giúp cho nó nẩy nở.

Vì vậy mà cái thân này không có thật tánh hay tự nó "không thật". Nếu lấy từng phần của cái thân ra, thí dụ như cái đầu, rồi hỏi cái đầu có gọi là thân không thì câu trả lời chắc chắn phải là "không", riêng cái mình hay riêng tứ chi, cũng không thể được gọi là thân. Chỉ có thể gọi là thân khi có sự tổ hợp của các chi phần của thân, bên ngoài là 5 giác quan; và các phần bên trong (lục phủ, ngũ tạng). Khi những bộ phận đó, hết nhân duyên, không hòa hợp với nhau nữa, thì con người sẽ bị hủy diệt; Các yếu tố của tứ đại lại trở về với tứ đại bên ngoài thân. Do đó, con người không phải là thật ngã, vì thế nó không có bản ngã hay nói con người là vô ngã (Nhân Vô Ngã). Người ta, vì không hiểu được tính vô ngã của con người mà cứ cho cái thân giả tạm này là mình (Ngã) thật, nên lúc nào cũng lo bảo vệ và cung phụng, chiều chuộng nó mà tạo không biết bao nhiêu nghiệp ác để làm vừa ý cho cái thân.

Thế nào là Pháp Vô Ngã? Pháp là chỉ cho những hiện tượng ngoài cái thân, thí dụ như cái nhà, cái xe v.v... Những hiện tượng này cũng chỉ do nhân duyên hòa hợp mà có. Cái nhà mà có cũng là do sự hòa hợp của các điều kiện không phải là cái nhà, như gạch ngói, vôi đá, gỗ, công thợ mộc, thợ nề v.v... mà có. Lấy riêng những điều kiện đó ra, thì cái mà được gọi là Nhà, không còn được gọi là nhà nữa. Đức Phật cũng nói: Cái gì mà có tướng thì cái đó không phải là thật, không có tự tánh. Vì vậy mà nói là Pháp Vô Ngã. Con người vì vô minh, cứ cho những hiện tượng đó là thật, nên mới sinh ra mọi sự cố chấp khổ sở.

Trong Kinh Pàli có bài kệ nói về vô ngã như sau: Pháp Ấn Vô Thường và vô ngã của giáo lý nhà Phật là chân lý mà Đức Phật giảng dạy trong tất cả Kinh Điển. Phật Giáo Nguyên Thủy chủ trương Tam Pháp Ấn là vô thường, khổ và vô ngã nên thường tu pháp môn quán Tứ Niệm Xứ: Quán thân bất tịnh, Quán tâm vô thường, Quán pháp vô ngã và Quán thọ thị khổ. Nói một cách rốt ráo, vô thường và vô ngã không nhất thiết là nguồn gốc của mọi khổ đau. Chính sự hiểu lầm, không liễu tri được chân lý vô thường và vô ngã mà con người trở nên đau khổ, tạo biết bao nhiêu nghiệp để mãi mãi trôi lăn trong luân hồi, chịu đọa vào ba đường dữ của lục đạo. Nếu hiểu rõ được chân lý của Pháp Ấn Vô Thường và Vô Ngã, thì con người có thể chuyển hóa đối tượng của vô thường và vô ngã để đạt được trạng thái của Pháp Ấn thứ ba: niết bàn.

Trong Giáo Lý Duyên Sinh của nhà Phật, Đức Phật đã nói "Thử hữu, bỉ hữu" (Cái này có thì cái kia có). Vậy khi có vô thường tất nhiên phải có cái chân thường, đã có vô ngã tất nhiên phải có chân ngã. Như vậy, trong Pháp Ấn Vô Thường và Vô Ngã, Đức Phật đã đồng thời chỉ cho ta hai đặc tánh của niết bàn là (Chân) Thường và (Chân) Ngã. Muốn tìm được hai đặc tánh còn lại (Chân Lạc và Chân Tịnh) chúng ta phải chuyên tâm tu hành, tham thiền và quán chiếu về những hiện tượng sanh diệt trong thế giới hiện tượng, liễu tri được chân lý vô thường và vô ngã là chúng ta thấy ngay Pháp Ấn Thứ Ba: Chân Lý Niết Bàn. Có một bài kệ trong Kinh Pàli nói về Pháp Ấn như sau:

  Anicca vata sankhàra,

  Uppàda vaya dhammino,

  Uppajjittvà nirujjhanti,

  Tesam vùpasamo sukho.

Dịch là:

  Chư hành vô thường,

  Thị sanh diệt pháp,

  Sanh diệt diệt dĩ,

  Tịch diệt vi lạc.

Hiểu được chân lý vô thường và vô ngã là pháp hữu vi, là khái niệm sanh diệt và lìa được cái khái niệm sanh diệt đó, thì chấm dứt mọi đau khổ và đạt được trạng thái vô vi của thế giới bản thể: Tịch Diệt Vi Lạc. Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật cũng dạy: "Chư Pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng" nghĩa là các Pháp tự nó đã có tự tánh tịch diệt (vắng lặng). Tịch Diệt là tính của bản thể, có tịch diệt thì có chân lạc và chân tịnh của niết bàn.

Tu theo Tam Pháp Ấn, các Vị Thanh Văn sẽ đạt được Thánh Vị A La Hớn, chấm dứt sinh tử. Ngay trong đời này có thể đạt được Hữu Dư Y Niết Bàn. Còn muốn tiến xa hơn nữa trong thánh vị, như thành Phật và Bồ Tát thì phải thấu triệt về Nhất Thật Tướng Ấn mà Thầy sẽ khai thị trong tuần tới.

Trước khi chấm dứt thời pháp hôm nay, Thầy muốn nhắc nhở quý vị, hãy chuyên tâm tu hành, nếu không về được cõi Phật thì cũng đạt được Hữu Dư Y Niết Bàn trong cuộc sống hiện tại, rồi từ đó tiến tu đạo nghiệp, đặng đạo quả viên mãn mà đồng với chư Phật nhập vào Tự Tánh Thanh Tịnh Niết Bàn. Thầy tặng quý vị Tăng Ni một bài Thơ, coi như bài Thơ Khuyến Tu sau đây:

        "Chớ bỏ trôi qua uổng tháng ngày,

        Tu hành gắng lấy, để cầm tay,

        Bến mê lánh khỏi trăm phần khó,

        Cửa Pháp nương nhờ lắm chuyện may!

        Nợ trước bốn ơn, lo gắng trả,

        Thân sau ba cõi, nguyện đừng vay,

        Vô thường niệm niệm xin ghi nhớ,

        Chớ bỏ trôi qua uổng tháng ngày!"

Thầy mong quý vị hãy tư duy sâu xa về bài thơ này và luôn luôn nhớ rằng vô thường tấn tốc, lúc nào cũng rình rập ngay bên cạnh ta. Đừng có chần chờ, giải đãi. Nên biết "Nhất thất nhân thân, vạn kiếp nan phục". Không biết tiến tu để giải thoát thì thân này mất đi rồi, biết đến bao giờ mới có cơ hội được tu để giải thoát sanh tử nữa.

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát. 

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Giáo Khoa Phật Học - Cấp Ba, Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
2.    Giáo Khoa Phật Học - Cấp Hai, Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
3.    Giáo Khoa Phật Học - Cấp Một, Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
4.    Giáo Trình Phật Học, Chan Khoon San | Lê Kim Kha, Việt Dịch
5.    Phật Học Cho Trẻ Em, Cư Sĩ Hoàng Phước Đại, Việt Dịch
6.    Phật Học Cơ Bản, Nhiều Tác Giả
7.    Phật Học Dị Giải, Cổ Phong Trăn | Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Việt Dịch
8.    Phật Học Phổ Thông Toàn Tập, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
9.    Phật Học Tinh Hoa, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận
10.    Phật Học Tinh Hoa, Nguyễn Duy Cần
11.    Phật Học Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
12.    Phật Học Trung Đẳng Tập 1, Đại Sư Thái Hư | Nguyễn Khuê, Việt Dịch
13.    Phật Học Trung Đẳng Tập 2, Đại Sư Thái Hư | Nguyễn Khuê, Việt Dịch
14.    Phật Học Vấn Đáp, Pháp Sư Sướng Hoài | Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Việt Dịch
15.    Phật Học Vấn Đáp, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Thượng Tọa Thích Đức Trí, Việt Dịch
16.    Phật Học Vấn Đáp Loại Biên, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
17.    Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư, Cư Sĩ Thiên Nhơn | Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Việt Dịch
18.    Tịnh Độ Vãng Sanh Truyện, Sa Môn Giới Châu ở Phi Sơn , thuộc Phước Đường Đời Tống Soạn | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch