Thượng Tọa bộ(1), từ sau ngày Phật nhập diệt, vẫn một mực truyền thừa giáo chỉ của tôn giả Đại Ca Diếp, không hề thay đổi điều gì; đối với Ba Tạng, lấy KINH làm chủ yếu, sau đó mới đến Luật và Luận. Cho đến đầu thế kỉ thứ 3 Phật lịch, có ngài Ca Đa Diễn Ni Tử(2) là người đầu tiên hoằng dương LUẬN TẠNG, xem Kinh và Luật là thứ yếu. Ngài đã soạn bộ Phát Trí Luận, chủ trương tất cả các pháp hữu vi và vô vi đều có thật thể – nhưng không tin vào “Năm việc của Đại Thiên”; do đó, lập ra một bộ phái khác tên là Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ. Trong Thượng Tọa bộ, số người còn lại đã tin theo “Năm việc của Đại Thiên”, cùng với chúng xung đột, bèn dời vào Tuyết sơn(3), đổi tên thành Tuyết Sơn bộ. Rồi trong khoảng 100 năm kế tiếp, lại phân rẽ thành 9 bộ phái nữa; cộng với hai bộ phái vừa rồi, tất cả là 11 bộ phái.(4) Giáo nghĩa của những bộ phái đó như sau: 1) Tuyết Sơn bộ.(5) Bộ phái này chính là hậu thân của Thượng Tọa bộ; nhân vì dời vào ở Tuyết sơn, nên đổi tên thành Tuyết Sơn bộ. Giáo nghĩa của bộ phái này nói rằng: Ngã không thật có, còn Pháp thì thật có; cùng với kiến giải của Nhất Thiết Hữu bộ, đại khái tương đồng, nhưng lại tán thành “Năm việc của Đại Thiên”, khiến cho tông chỉ nguyên thỉ của Thượng Tọa bộ hoàn toàn bị bỏ mất.
2) Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ.(6) Tiếng Phạn là Tát bà đa bộ; nhân vì mỗi khi thuyết pháp thường xét kĩ đến nguyên nhân, cho nên cũng có tên là Thuyết Nhân bộ. Giáo nghĩa của bộ này, đại khái nói rằng: Ngã không thật có, nhưng Pháp thì thật có; thể tánh của quá khứ và vị lai cũng thật có. Gọi là “nhất thiết hữu”, vì bao gồm cả hai phạm vi: 1. PHÁP nhất thiết hữu, gồm có năm pháp: tâm, (7) tâm sở, (8) sắc, (9) bất tương ưng hành, (10) và vô vi, (11) 2. THỜI nhất thiết hữu, gồm có ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai.
Sau đó, vào giữa thế kỉ thứ 3 PL, từ Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ lại tách ra một bộ, đó là Độc Tử bộ. Kế tiếp nữa, từ Độc Tử bộ lại tách ra thêm bốn bộ: Pháp Thượng bộ, Hiền Trụ bộ, Chánh Lượng bộ, và Mật Lâm Sơn bộ. Giáo nghĩa của các bộ phái ấy như sau:
3) Độc Tử bộ.(12) Đây là họ của vị bộ chủ, cho nên đặt tên là Độc Tử bộ. Giáo nghĩa đại lược của bộ này đại lược là: Ngã thật có, Pháp cũng thật có; hai pháp môn làm nguyên nhân tối thượng cho sự giải thoát là tì bát xá na và xa ma tha; nếu hết tái sinh, chứng trí vô sinh(13), được gọi là Phật.
4) Pháp Thượng bộ.(14) Bộ này lấy tên của vị bộ chủ mà đặt tên. Trên hết tất cả các pháp, cho nên gọi là Pháp Thượng.
5)Hiền Trụ bộ.(14) “Hiền” là tên của vị bộ chủ; chữ “trụ” là chỉ cho hàng hậu duệ. Đồ chúng của bộ phái này đều là hậu duệ của Hiền A la hán, cho nên gọi là Hiền Trụ.
6) Chánh Lượng bộ.(14) Chữ “lượng” ở đây nghĩa là thẩm định. Bộ phái này tự cho rằng, pháp nghĩa của họ được thành lập là đã được thẩm định chính xác, không tà ngụy, cho nên gọi là Chánh Lượng.
7) Mật Lâm Sơn bộ.(14) Vị bộ chủ cư trú trong núi có rừng cây rậm rạp, cho nên gọi là Mật Lâm Sơn.
Giáo nghĩa của bốn bộ phái trên đây đại để giống với bộ phái gốc là Độc Tử bộ, chủ trương Ngã là thật có, Pháp cũng thật có; nhưng chỉ vì lối giải thích những lời kệ không giống nhau mà dẫn đến phân rẽ.
8) Hóa Địa bộ.(15) Tiếng Phạn là Di sa tắc bộ. Bộ chủ nguyên là một vị quốc vương đi xuất gia, dùng chánh pháp để giáo hóa dân chúng trong lãnh thổ thuộc quyền thống trị của ông, cho nên gọi là “Hóa Địa”. Giáo nghĩa đại lược của bộ này là: Ngã không thật có, Pháp quá khứ và vị lai cũng không thật có; chỉ có Pháp hiện tại là thật có. Bộ phái này lại chủ trương: Tất cả mọi hành vi đều tiêu diệt trong từng sát na, không có một pháp nhỏ mảy may nào có thể chuyển từ đời trước sang đời sau.
9) Pháp Tạng bộ.(16) Tiếng Phạn là Đàm vô đức bộ, cũng là tên của vị bộ chủ, nên gọi là Pháp Tạng; lại cũng gọi là Pháp Mật. Giáo nghĩa của bộ này, đại lược, Pháp tạng gồm có năm loại: Kinh, Luật, Luận, Chú và Bồ tát; quan điểm đối với Ngã và Pháp thì giống như Hóa Địa bộ; còn những giáo nghĩa khác, phần nhiều giống với Đại Chúng bộ.
10) Ẩm Quang bộ.(17) Đến cuối thế kỉ thứ 3 PL, từ Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ lại tách ra thêm một bộ, dùng họ của vị bộ chủ, gọi là Ẩm Quang. Giáo nghĩa của bộ này đại lược là: Nếu PHÁP nào đã đoạn dứt, đã biết cùng khắp thì không có; chưa đoạn dứt, chưa biết cùng khắp thì có.9 NGHIỆP QUẢ đã chín thì không có; chưa chín thì có.10 Có các HÀNH thì lấy quá khứ làm nhân; không có các HÀNH thì lấy vị lai làm nhân.11 Các giáo nghĩa khác phần nhiều giống với Hóa Địa bộ và Pháp Tạng bộ.
11) Kinh Lượng bộ.(18) Đầu thế kỉ thứ 4 PL, từ Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ lại tách ra thêm một bộ nữa, chủ trương chỉ y cứ vào KINH để có được sự thẩm định chính xác – mà không y cứ vào Luật và Luận; phàm dẫn cứ điều gì, đều lấy KINH làm chứng cớ, cho nên gọi là Kinh Lượng. Giáo nghĩa của bộ này, đại lược, các uẩn chuyển từ đời trước sang đời sau, cho nên cũng có tên là Thuyết Chuyển bộ. Bộ này lại chấp có “thắng nghĩa bổ đặc già la”12, (19) còn những giáo nghĩa khác thì phần nhiều giống với Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ.
Trong Thượng Tọa bộ, từ đầu thế kỉ 3 đến đầu thế kỉ 4 PL, đã phân rẽ thành 10 bộ phái; cộng với bộ phái gốc đã đổi tên thành Tuyết Sơn bộ, cả thảy là 11 bộ phái.
Tình hình phân phái đó được tóm gọn trong đồ biểu sau đây:
CHÚ THÍCH
01. Phát Trí Luận là tên gọi tắt của A Tì Đạt Ma Phát Trí Luận, gồm 20 quyển, do pháp sư Huyền Trang dịch. Đây là bộ luận căn bản của Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ.
02. Tâm pháp cũng gọi là tâm vương. Vì tâm là độc tôn, có thể sai khiến những thứ khác, cho nên được ví dụ như ông vua. Tâm được chia làm tám loại, là: nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức, và a lại da thức.
03. Tâm sở là tiếng gọi tắt của tâm sở hữu pháp, là những pháp phụ thuộc vào tâm vương, gồm có 51 pháp.
04. Sắc pháp tức là mọi loại sắc chất có đầy đủ trong chánh báo và y báo của chúng ta – trong thì có năm căn, ngoài thì có năm trần, cộng với “pháp xứ sở nhiếp sắc”(20), cả thảy là 11 pháp.
05. Bất tương ưng hành pháp: là các pháp không phải vô hình như tâm vương và tâm sở, cũng không phải hữu hình như sắc pháp; chúng là những ảo tượng của vạn hữu biến hóa trong vũ trụ, không tương ưng với tâm vương, tâm sở và sắc pháp, gọi là “bất tương ưng hành pháp”; gồm có 24 pháp.
06. Vô vi pháp: là các pháp thường trú, vắng lặng, không sinh diệt, không biến hóa; gồm có 6 pháp.
07. Tì bát xá na dịch là “quán”, tức là quán sát sự lí.
08. Xa ma tha dịch là “chỉ”, tức là tâm không dính mắc vào các cảnh dơ, sạch v.v...
09. Chữ “đoạn” ở đây có nghĩa là không nhiễm trước. Đại ý câu này nói: Nếu không nhiễm trước vào pháp, lại thấu suốt tướng của pháp là không, là giả, thì pháp trở thành không có; đó là bậc thánh nói. Còn không phải như vậy thì pháp thuộc về có; đó là kẻ phàm phu nói.
10. Câu này có ý nói: Nếu nghiệp quả đã thành thục, thì chủng tử hóa làm hiện hành mà tiêu diệt mất, cho nên vẫn lại là không; nếu chưa thành thục thì vẫn tồn tại, cho nên có.
11. Có các “hành” là chỉ cho các pháp hiện hành, vì có nhân trong quá khứ nên mới có quả ở hiện tại. Không có các “hành” là chỉ cho các pháp chưa sinh khởi trong hiện tại, thì nhân quả của chúng đều ở trong vị lai.
12. Bổ đặc già la, cựu dịch là “nhân” hay “chúng sinh”, tân dịch là “sát thủ thú”, nghĩa là thường tới lui qua lại nơi các nẻo luân hồi. Thắng nghĩa bổ đặc già la nghĩa là trong chúng sinh có đầy đủ thắng nghĩa đế.
PHỤ CHÚ (01) Thượng Tọa bộ (S.: Arya thavira nikaya P.: Theravada): Giáo hội Phật giáo, sau khi đã thật sự phân rẽ thành hai bộ phái căn bản là Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ (xin xem lại phụ chú số 6, bài 17, và phụ chú số 1, bài 18 ở trước), Thượng Tọa bộ đã rời nước Ma kiệt đà và dời sang nước Ca thấp di la lập căn cứ hành đạo, rồi phát triển rộng ra khắp vùng Tây Bắc Ấn. Họ vẫn giữ đường lối bảo thủ, nhưng lâu ngày rồi cũng chịu ảnh hưởng của Đại Chúng bộ, nên đường lối bảo thủ cũng bị thay đổi ít nhiều, và cũng đưa đến tình trạng phân hóa như Đại Chúng bộ. Về giáo nghĩa, trước hết, Thượng Tọa bộ cho rằng A la hán tức là Phật; bởi vậy, A la hán là mục tiêu cuối cùng, còn Bồ tát thừa thì bị họ khinh thị. Thứ đến, bộ phái này nói rằng, không phải tất cả các lời Phật dạy đều là chuyển pháp luân và đều có lợi ích, mà chỉ có Tám Thánh Đạo mới là chánh pháp luân; bởi vậy, họ chỉ thừa nhận Ba Tạng đã được kết tập lần đầu tiên, mà không thừa nhận bất cứ kinh điển nào khác. Thứ nữa, họ chủ trương các pháp quá khứ và vị lai đều không có thật thể, chỉ có pháp hiện tại là thật có. Trong khi Đại Chúng bộ chú trọng về Tuệ học, thì Thượng Tọa bộ chú trọng về Giới học. Họ coi Giới Luật là bậc Đạo Sư duy nhất để y chỉ, và bảo thủ những kinh luật đã có sẵn, không thay đổi chút nào. Dưới thời vua A Dục, tôn giả Ma Thẩn Đà đã đem giáo lí Thượng Tọa bộ truyền sang nước Tích lan (xin xem phụ chú số 16, bài 18 ở trước), làm cho xứ này trở thành trung tâm của Phật giáo Nam truyền mãi đến ngày nay.
(02) Ca Đa Diễn Ni Tử (Katyayaniputra): cũng gọi là Ca Chiên Diên Tử, vốn xuất thân từ chốn danh môn của đạo Bà la môn, sau xuất gia theo Thượng Tọa bộ Phật giáo, và trở thành vị đại luận sư của Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ, có ảnh hưởng lớn ở khắp vùng Tây Bắc Ấn. Về niên đại xuất thế của ngài, các tài liệu đều nói không giống nhau: hoặc là đầu thế kỉ 3 PL, hoặc là giữa thế kỉ 3 PL, hoặc là cuối thế kỉ 3 PL; thậm chí có thuyết còn nói là giữa thế kỉ 5 PL. Nhưng, như phần nhiều các tài liệu đều công nhận, vào đầu thế kỉ thứ 3 PL, với chủ trương lấy Luận tạng làm chính yếu (chống lại chủ trương lấy Kinh tạng làm chính yếu của Thượng Tọa bộ), Ca Đa Diễn Ni Tử đã thành lập Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (gọi tắt là Hữu bộ – là bộ phái đầu tiên tách khỏi Thượng Tọa bộ); do đó, “đầu thế kỉ thứ 3 PL” có thể được coi là niên đại xuất thế của ngài chính xác hơn cả. Ca Đa Diễn Ni Tử là một bậc thạc học Phật giáo, tinh thông Ba Tạng, là đồ chúng của Thượng Tọa bộ nhưng lại không thích chủ trương thiên trọng Kinh tạng của Thượng Tọa bộ; bởi vậy, ngài đã chủ trương hoằng dương Luận tạng. Ngài soạn bộ A Tì Đạt Ma Phát Trí Luận (Abhidharma Jnanaprathana Sastra), vừa để đối kháng với tân thuyết của Đại Chúng bộ, vừa để đả phá các học thuyết thuộc hai phái Thắng Luận và Số Luận của ngoại đạo (rất hay công kích Phật giáo); và quan trọng hơn cả, bộ luận này đã được soạn để làm giáo lí nền tảng cho Hữu bộ, và ngài trở thành vị giáo tổ của Hữu bộ. Bộ luận Phát Trí này, về sau, dưới thời vua Ca Nị Sắc Ca, đã được ngài Thế Hữu cùng 500 vị A la hán giải thích, biên tập thành bộ luận A Tì Đạt Ma Đại Tì Bà Sa (Abhidharma Mahavibhasa Sastra).
(03) Tuyết sơn (Himalaya, Hiamavat, hay Himavan): là dãy núi dài phủ trọn biên thùy phía Bắc Ấn độ
(xin xem chú thích số 1, bài “Bậc Đạo Sư Cao Cả”, phần “Phụ Lục”, sách GKPH I). Từ thời vua A Dục, Phật giáo đã được truyền bá đến các nước ở biên thùy này. Luật Thiện Kiến chép: Tôn giả Mục Kiền Liên Tử Đế Tu dùng thần lực quán sát, biết rằng Phật pháp về sau sẽ thịnh hành lâu dài ở các nước biên địa, cho nên đã tập hợp tăng chúng, phái đi các nước biên địa để hoằng truyền chánh pháp. [......] Tôn giả Mạt Thị Ma (Majjhima) cùng bốn vị tôn giả khác, đã đến vùng biên địa Tuyết sơn (Himavantadesabhaga) giảng kinh Sơ Chuyển Pháp Luân, độ cho tám ức người đắc đạo. Cả năm vị ấy, mỗi vị hoằng hóa tại một nước, độ cho cả thảy 5. người xuất gia, làm cho Phật pháp lưu truyền khắp vùng biên địa Tuyết sơn.
(04) Các sử liệu liên quan đến tình hình phân phái của giáo đoàn Phật giáo đều nói: Sau khi chia thành hai bộ phái căn bản vào đầu thế kỉ thứ 2 PL, liền suốt trong thế kỉ thứ 2 đó, Đại Chúng bộ đã liên tiếp xảy ra bốn lần phân phái; trong khi đó thì Thượng Tọa bộ vẫn giữ được sự hòa hợp, thuần nhất, mãi đến đầu thế kỉ thứ 3 PL mới bắt đầu phân phái. Tình hình phân phái như vậy, theo hòa thượng Thích Thiện Siêu (1921 2001), trong sách Vô Ngã Là Niết Bàn (bài 6: “Duyên Khởi Các Bộ Phái Phật Giáo”), là không hợp lí. Hòa thượng nói: “...... Như vậy tưởng không hợp lý. Điều này có thể do tài liệu của Thượng Tọa Bộ đưa ra nhằm chê Đại Chúng Bộ cấp tiến, thiếu tinh thần hòa hợp theo luật ‘Đồng học một thầy như nước với sữa’, ưa tranh cãi chia rẽ, còn Thượng Tọa Bộ ngược lại, nghiêm trì giới luật nên mãi đến sau khi sự phân chia của phía Đại Chúng Bộ ngừng lại, Thượng Tọa Bộ mới bắt đầu phân chia. Trong bộ Phó Pháp Tạng và bộ Ma ha Tăng kỳ Luật Tư Ký của Ngài Pháp Hiền đều có ghi: Sau khi Phật niết bàn 100 năm, năm đệ tử của ngài Ưu Ba Quật Đa (hoặc Ưu Ba Cúc Đa) đối với Luật Tạng chia năm bộ là Đàmvô đức (Pháp Tạng), Di sa tắc (Hóa Địa), Ca diếp di (Ẩm Quang), Tát bà đa (Nhất Thế Hữu) và Bà thô phú la (Độc Tử). Vào thời kỳ 100 năm sau niết bàn, mà đã có năm bộ như vậy, và năm bộ này đều mang tên của năm bộ phái của phía Thượng Tọa Bộ, thế đủ biết cả hai bộ Thượng Tọa và Đại Chúng đều có sự phân chia song song, cùng thời gian chứ không phải ai trước ai sau. Điều này như vậy hợp lẽ tự nhiên hơn.” (Trang 134, bản in năm 2000.)
(05) Tuyết Sơn bộ (Haimavata): Theo các sử liệu ghi chép, sau khi giáo đoàn phân rẽ thành hai bộ phái căn bản là Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ, đến đầu thế kỉ thứ 3 PL, ngài Ca Đa Diễn Ni Tử, một vị trưởng lão thạc học của Thượng Tọa bộ, vừa chống lại NĂM THUYẾT MỚI của Đại Chúng bộ, vừa không tán thành chủ trương thiên trọng KINH TẠNG của Thượng Tọa bộ, đã tách ra khỏi Thượng Tọa bộ và tự thành lập một bộ phái mới lấy tên là Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (gọi tắt là Hữu bộ). Số đồ chúng còn lại của Thượng Tọa bộ (tức cũng gọi là Căn Bản Thượng Tọa bộ) bị thế lực của bộ phái mới này lấn át quá mạnh, phải dời vào Tuyết sơn để lập cứ địa, và đổi tên từ Thượng Tọa bộ thành Tuyết Sơn bộ. Căn Bản Thượng Tọa bộ sở dĩ bị lép vế trước thế lực cường thịnh của Hữu bộ, một phần là vì, trải qua thời gian, chính nó đã bị ảnh hưởng của Đại Chúng bộ, tin theo “năm thuyết mới” của Đại Chúng bộ mà bỏ mất lập trường cố hữu của Thượng Tọa bộ. Sách Dị Bộ Tông Luân Luận ghi như sau về chủ trương của Tuyết Sơn bộ (tức hậu thân của Căn Bản Thượng Tọa bộ): Bồ tát vẫn là chúng sinh; Bồ tát nhập thai không khởi tham ái; ngoại đạo không chứng được ngũ thông; A la hán vẫn còn bị “dư sở dụ”, vẫn còn “vô tri, do dự”, còn “phải nhờ người khác bảo mới biết mình chứng ngộ”, và vẫn còn phải “nhân âm thanh mới phát khởi thánh đạo”. Thập Bát Bộ Luận và Bộ Chấp Dị Luận cũng nói tương tợ như thế về quan điển của Tuyết Sơn bộ. Quả thật, Tuyết Sơn bộ đã hấp thụ “năm thuyết mới”, vốn là tư tưởng chủ đạo của Đại Chúng bộ.
(06) Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Sarvasti vadin): cũng gọi là Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ, gọi tắt là Hữu bộ; lại có tên là Thuyết Nhân bộ; và nói theo âm tiếng Phạn là Tát bà đa bộ. Vì bộ phái này chủ trương tất cả các pháp trong ba đời đều thật có, cho nên có tên là Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ. Sáng tổ của bộ phái này là trưởng lão Ca Đa Diễn Ni Tử, sống vào khoảng đầu thế kỉ thứ 3 PL (xin xem phụ chú số 2 ở trên). Thượng Tọa bộ từ trước vẫn thiên trọng Kinh tạng và Luật tạng, nhưng đến đây, Ca Đa Diễn Ni Tử chống lại truyền thống ấy, chuyển sang chú trọng hoằng dương Luận tạng, tự thành lập một bộ phái riêng, đối lập với Thượng Tọa bộ. Sau khi xảy ra sự phân rẽ này, Thượng Tọa bộ đã dời vào Tuyết sơn lập cứ địa, còn Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ thì vẫn đặt căn cứ tại Ca thấp di la, gây thanh thế vững mạnh, lan dần sang nước Kiền đà la, rồi bao trùm cả Bắc, Tây Bắc và Trung Ấn độ, luôn cả các nước Tây vực, tỏa rộng ra đến các nước phương Nam và phương Đông như Nam dương, Đông dương và Trung quốc, cực thịnh một thời, địa bàn rộng lớn không bộ phái nào sánh bằng. Bộ phái này cường thịnh đến nỗi nó đã được coi là đại diện cho toàn thể Thượng Tọa bộ.
Tôn giả Ca Đa Diễn Ni Tử đã soạn bộ A Tì Đạt Ma Phát Trí Luận để làm giáo lí nền tảng cho Hữu bộ. Ngoài Phát Trí Luận ra, giáo nghĩa của Hữu bộ còn được y cứ vào sáu bộ luận khác nữa, đó là: A Tì Đạt Ma Tập Dị Môn Túc Luận (tôn giả Xá Lợi Phất soạn hồi thời Phật còn tại thế), A Tì Đạt Ma Pháp Uẩn Túc Luận (tôn giả Đại Mục Kiền Liên soạn hồi thời Phật còn tại thế), A Tì Đạt Ma Thi Thiết Túc Luận (tôn giả Đại Ca Chiên Diên soạn hồi thời Phật còn tại thế), A Tì Đạt Ma Thức Thân Túc Luận (tôn giả Đề Ba Thiết Ma soạn, khoảng hơn 100 năm sau ngày Phật nhập diệt), A Tì Đạt Ma Phẩm Loại Túc Luận và A Tì Đạt Ma Giới Thân Túc Luận (tôn giả Thế Hữu soạn – Thế Hữu ở đây khác với Thế Hữu là tác giả của Dị Bộ Tông Luân Luận). Cả sáu bộ luận này đều được soạn trước khi bộ Phát Trí Luận ra đời. Các vị luận sư đời sau cho rằng, sáu bộ luận trên đã giúp tư tưởng để hình thành bộ Phát Trí Luận, cho nên chúng được gọi là “túc luận” (tức là “lục túc luận” – chữ “túc” ở đây nghĩa là nâng đỡ, phần phụ); còn bộ Phát Trí Luận thì được gọi là “thân luận” (chữ “thân” ở đây nghĩa là chính yếu). Đó là bảy bộ luận căn bản làm nền tảng cho giáo lí Hữu bộ.
Vì có liên quan đến bộ Phát Trí Luận, những bộ luận sau đây cũng được xếp vào kho luận thư của Hữu bộ: A Tì Đạt Ma Đại Tì Bà Sa Luận (500 vị A la hán soạn), A Tì Đàm Tâm Luận (tôn giả Pháp Thắng soạn), A Tì Đàm Tâm Luận Kinh (tôn giả Ưu Ba Phiến Đa soạn), Tạp A Tì Đàm Tâm Luận (tôn giả Pháp Cứu soạn), A Tì Đàm Câu Xá Luận (tôn giả Thế Thân soạn), A Tì Đạt Ma Thuận Chánh Lí Luận và A Tì Đạt Ma Hiển Tông Luận (tôn giả Chúng Hiền soạn). Giáo nghĩa căn bản của Hữu bộ là: Ba đời thật có, thể của pháp hằng hữu. Ba đời thật có tức là quá khứ, vị lai và hiện tại đều giống nhau, đều có thật thể, thuật ngữ Phật học gọi là “thời nhất thiết hữu”. Thể của pháp hằng hữu tức là tất cả các pháp hữu vi và vô vi đều có thật thể, thuật ngữ Phật học gọi là “pháp nhất thiết hữu”.
Tuy thiên trọng Luận tạng, Hữu bộ cũng chú trọng đến giới luật. Các bộ luật mà bộ này truyền trì gồm có: Thập Tụng Luật, Tát Bà Đa Tì Ni Tì Bà Sa, Tát Bà Đa Tì Ni Ma Đắc Cần Già, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bật Sô Ni Tì Nại Da.
(07) Tâm (citta): Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ chia vạn pháp trong vũ trụ ra làm hai nhóm tổng quát: hữu vi pháp (các pháp nương vào nhân duyên mà sinh diệt, biến chuyển) và vô vi pháp (bản lai thường hằng, không bị nhân duyên làm cho sinh diệt, biến chuyển). Hữu vi pháp lại được chia làm bốn nhóm nhỏ: sắc pháp, tâm pháp, tâm sở hữu pháp, và tâm bất tương ưng hành pháp. Chữ “TÂM” ở đây tức là Tâm pháp (citta dharma). TÂM là chủ tể của các tác dụng tinh thần, cho nên cả Hữu bộ (tiểu thừa) và Pháp Tướng tông (đại thừa) đều gọi nó là “tâm vương”. Pháp Tướng tông phân tích TÂM VƯƠNG có tám tác dụng, và gọi đó là tám thức (tức nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý, mạt na, và a lại da thức). Nhưng Hữu bộ thì không nói tới hai thức mạt na và a lại da, còn sáu thức nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân và ý, thì cho rằng, thức thể của chúng chỉ là một; cho nên, đối với Hữu bộ, nhóm Tâm pháp chỉ có một pháp là tâm vương (hoặc gọi là ý thức tâm vương). Bởi vậy, số lượng của nhóm Tâm pháp mà tác giả chú thích ở trên (chú thích số 2) là theo giáo lí của Pháp Tướng tông, chứ không phải của Hữu bộ; tức là tác giả đã nhầm lẫn trong khi chú thích: thay vì chú thích về Tâm pháp theo Hữu bộ thì lại chú thích về Tâm pháp theo tông Pháp Tướng. Các chú thích tiếp theo của tác giả về các nhóm Tâm sở, Sắc, Bất tương ưng hành, và Vô vi cũng vậy.
(08) Tâm sở (caitasika): nói cho đủ là Tâm sở hữu pháp. Tâm sở là thuộc tính của Tâm vương – mà triết học Tây phương gọi là những hiện tượng tâm lí. Nói rõ hơn, tâm sở là những tác dụng tinh thần vô cùng phức tạp của tâm, như buồn, vui, giận, ghét, xấu hổ, tin tưởng, v.v... Do sự quan hệ giữa vật và tâm mà khởi lên tác dụng của tâm, đó là tâm sở. Bởi vậy, mối quan hệ tương ưng giữa tâm và tâm sở luôn luôn đồng nhất, mà thuật ngữ Phật học gọi là “bình đẳng”. Theo sự phân tích của Hữu bộ thì mối quan hệ tương ưng ấy có năm nghĩa bình đẳng: 1) Chỗ y cứ bình đẳng (sở y bình đẳng): Tâm vương và tâm sở cùng có một nơi y cứ đồng nhất, ví dụ, khi tâm vương y cứ nơi nhãn căn thì tâm sở cũng y cứ nơi nhãn căn; 2) Cảnh duyên bình đẳng (sở duyên bình đẳng): Tâm vương và tâm sở cùng duyên một đối tượng đồng nhất, ví dụ, khi tâm vương duyên một bông hoa thì tâm sở cũng duyên cùng bông hoa đó; 3) Hành tướng bình đẳng: Hình thái của đối tượng hiển hiện trong tâm và tâm sở đều đồng nhất; 4) Thời gian bình đẳng (thời bình đẳng): Tâm vương và tâm sở luôn luôn khởi tác dụng cùng một lúc; 5) Sự bình đẳng: Khi tâm vương và tâm sở khởi tác dụng thì chỉ có một tâm vương cùng một tâm sở đồng chủng loại khởi tác dụng; không có hai tâm vương hoặc hai tâm sở trở lên phát khởi đồng thời. – Tông Duy Thức (tức Pháp Tướng) chỉ nói tới bốn nghĩa bình đẳng là chỗ y cứ, cảnh duyên, thời gian, và sự việc; không nói tới hành tướng.
Lại nữa, tâm sở hữu pháp cũng còn được gọi là “tâm tương ưng hành pháp”. Vì tâm vương và tâm sở khởi tác dụng cùng lúc, cho nên nói là “tương ưng”; và vì tâm vương và tâm sở đều là pháp hữu vi, cho nên nói là “hành”. (Về từ “tương ưng”, xin xem lại phụ chú số 4, bài 35, sách GKPH I; về từ “hành”, xin xem lại chú thích số 1, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 16, 17 và 18” ở trước.)
Về số lượng và phân loại tâm sở, Hữu bộ phân tích có cả thảy 46 loại tâm sở (như tham lam, xấu hổ, lười biếng, v.v...), bao gồm trong sáu nhóm: 1) Đại địa pháp (10 tâm sở); 2) Đại thiện địa pháp (10 tâm sở); 3) Đại phiền não địa pháp (6 tâm sở); 4) Đại bất thiện địa pháp (2 tâm sở); 5) Tiểu phiền não địa pháp (10 tâm sở); 6) Bất định địa pháp (8 tâm sở). Trong khi đó, tông Pháp Tướng lại phân tích có tất cả 51 loại tâm sở, cũng bao gồm trong sáu nhóm: 1) Biến hành (5 tâm sở); 2) Biệt cảnh (5 tâm sở); 3) Thiện (11 tâm sở); 4) Căn bản phiền não (6 tâm sở); 5) Tùy phiền não (20 tâm sở); 6) Bất định (4 tâm sở). (Xin xem thêm bài 32 ở sau; và bài 15, sách GKPH III.)
(09) Sắc: tức là Sắc pháp (rupa dharma), là tất cả các pháp thuộc vật chất, có hình thái, có chiếm một khoảng không gian, làm chướng ngại nhau, có tính biến hoại. Những pháp mặc dù không có hình tướng, nhưng có thể nhận biết bằng năm giác quan, cũng thuộc về sắc pháp. Cả Hữu bộ và tông Pháp Tướng đều phân tích sắc pháp gồm có 11 pháp, gồm có: năm căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân), năm cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc), và vô biểu sắc. (Xin xem lại chú thích số 6, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 22, 23 và 24”, sách GKPH I.)
Trong năm nhóm bao gồm vạn pháp, Hữu bộ đặt Sắc pháp là nhóm đầu tiên, vì quan niệm rằng, sắc pháp là loại pháp ô nhiễm, có thể làm khởi tâm tham dục, ái nhiễm, là đối tượng trọng yếu để đối trị. Trong khi đó, tông Pháp Tướng thì đặt Sắc pháp làm nhóm thứ ba, sau Tâm pháp và Tâm sở hữu pháp, vì quan niệm rằng, sắc pháp không thể sinh khởi độc lập, mà chỉ biến hiện khi tâm và tâm sở phát khởi. Bởi vậy, trong bài học trên, trong khi tác giả đang nói về Hữu bộ thì lại trình bày thứ tự của các nhóm Tâm, Tâm sở, v.v... theo lối trình bày của tông Pháp Tướng; đó có phải là một sự lẫn lộn chăng?
(10) Bất tương ưng hành: tức là Tâm bất tương ưng hành pháp (citta viprayukta samskara), là những pháp hữu vi (cho nên nói là “hành”) không thuộc vào tâm, cũng không thuộc vào sắc, và không tương ưng với tâm (cho nên nói là “tâm bất tương ưng”). Đó là những pháp như: mạng sống, sinh, trụ, lão, vô thường, v.v... Hữu bộ nói: Ở ngoài sắc, tâm và tâm sở, còn có những thật pháp không cùng với tâm tương ưng; thể của chúng là pháp hữu vi, được hàm nhiếp trong hành uẩn (một trong năm uẩn), cho nên gọi là “tâm bất tương ưng hành”. Về số lượng của tâm bất tương ưng hành, rất nhiều thuyết khác nhau, tựu trung, hai thuyết được chú ý nhiều nhất là của Hữu bộ và Pháp Tướng tông; theo đó, Hữu bộ (nói chung là tiểu thừa) phân tích có 14 pháp, còn Pháp Tướng tông (nói chung là đại thừa) thì phân tích có 24 pháp. (Xin xem bài 32 ở sau; và bài 15 của sách GKPH III.)
(11) Vô vi: tức là Vô vi pháp (asamskrta dharma), là những pháp không do nhân duyên tạo tác, không biến đổi sinh diệt, tuyệt đối thường trú. Do đó, hữu vi và vô vi là hai loại pháp đối lập nhau. Nguyên thỉ, vô vi là một tên khác của niết bàn, về sau, ngoài niết bàn ra, các pháp vô vi khác được thành lập thêm; từ đó mà sản sinh ra có 3 pháp vô vi, 6 pháp vô vi, hoặc 9 pháp vô vi. Ở đây, theo giáo lí của Hữu bộ, vô vi có 3 pháp; còn theo tông Pháp Tướng thì vô vi có 6 pháp. (Xin xem thêm bài 32 ở sau; và bài 15 của sách GKPH III.)
(12) Độc Tử bộ (Vatsi putriyah): Về sự ra đời của bộ phái này, các thuyết nói khác hẳn nhau. Theo Dị Bộ Tông Luân Luận, Độc Tử bộ đã tách ra từ Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ vào khoảng đầu thế kỉ thứ 3 PL. Theo Phật giáo Nam truyền, bộ phái này đã tách ra từ Thượng Tọa bộ vào khoảng thế kỉ thứ 2 PL. Dựa vào thuyết này của Phật giáo Nam truyền, phối hợp với tên của bộ phái này bằng tiếng Pali là “Vajjiputtaka” (Bạt kì), hòa thượng Thitananathera, trong tác phẩm Phật Giáo Sử (Phật Giáo Nam Tông – Giác Nguyên dịch) đã khẳng định: Độc Tử bộ chính là nhóm tì kheo tộc Bạt kì ở thành Tì xá li, vào thời kì kết tập kinh điển lần thứ hai (đầu thế kỉ thứ 2 PL), đã trực tiếp tách ra từ Thượng Tọa bộ vì chấp thủ “mười quan điểm bất đồng về giới luật”. Hòa thượng cũng nói rằng, bộ phái này vốn thuộc pháp hệ của tôn giả Phú Lâu Na từ kì kết tập kinh điển lần thứ nhất. Về tên của bộ phái này, theo Dị Bộ Tông Luân Luận Thuật Kí, Độc Tử là một họ thuộc chủng tộc Bà la môn. Nguyên vào thời Phật tại thế, có ngoại đạo tên Độc Tử theo Phật xuất gia, rồi môn đồ truyền nối mãi, cho đến đầu thế kỉ thứ 3 PL thì từ Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ tách riêng ra, thành lập bộ phái tên Độc Tử bộ.
Về giáo nghĩa, Độc Tử bộ tự nhận mình thuộc pháp hệ tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả Xá Lợi Phất đã sáng tác A Tì Đàm Luận, đệ tử ngài là tôn giả La Hầu La, đã tích cực hoằng dương bộ luận này. Đệ tử của ngài La Hầu La là Độc Tử, cùng môn đồ kế tiếp nhau truyền thừa, xiển dương. Vì vậy, cả hai vị tôn giả Xá Lợi Phất và La Hầu La, đều được Độc Tử bộ tôn xưng là giáo tổ của họ.
Độc Tử bộ tự sáng lập hệ thống giáo lí riêng, không thuộc vào Thượng Tọa bộ, cũng không giống với Đại Chúng bộ. Trước hết, bộ phái này đem vạn pháp chia thành 3 “tụ” (nhóm): Hữu vi tụ, Vô vi tụ và Phi nhị tụ (không phải cả hai); hoặc chia làm 5 “tạng” (kho chứa): Quá khứ tạng, Hiện tại tạng, Vị lai tạng, Vô vi tạng, và Bất khả thuyết tạng. Quá khứ, Hiện tại và Vị lai lại được gọi là Tam thế tạng, tương đương với Hữu vi tụ; Vô vi tạng tương đương với Vô vi tụ; và Bất khả thuyết tạng tương đương với Phi nhị tụ. Tất cả đều là thật có. Trong Bất khả thuyết tạng thì thành lập một thứ NGÃ, gọi là “bổ đặc già la”. Cái ngã này không phải là thứ linh hồn hay thần ngã theo chủ trương của ngoại đạo (có nguyên chất, chủ tể tồn tại ngoài năm uẩn). Nó không phải là năm uẩn, mà cũng không nằm ngoài năm uẩn (phi tức phi li uẩn). Nó là một thực thể tự do tự tại, thường trú không biến đổi, tiếp nối suốt cả ba đời để duy trì nghiệp nhân quá khứ, rồi dẫn đến sự hiện hữu trong hiện tại, và duy trì nghiệp nhân hiện tại để dẫn đến sự hiện hữu trong vị lai. Nó tiếp nối từ địa vị phàm phu cho đến sau khi thành Phật. Vì bổ đặc già la không phải năm uẩn, cũng không nằm ngoài năm uẩn, nên không thể nói nó thuộc về pháp hữu vi năm uẩn, hay thuộc về pháp vô vi niết bàn; nó là “bất khả thuyết”, là “phi nhị tụ”.
(13) Trí vô sinh: là trí tuệ của các bậc thánh ở hàng “vô học”, thấy rõ tất cả các pháp là không sinh diệt. Đó là trí tuệ rốt ráo đã hoàn toàn đoạn diệt tất cả phiền não, xa lìa mọi hình thái biến đổi, sinh diệt. Đó cũng là trí tuệ vô lậu, đối với bốn sự thật thì tự mình đã biết khổ, đoạn nguyên nhân của khổ, tu tám chánh đạo, và chứng quả tịch diệt; đồng thời cũng biết rõ là mình KHÔNG biết, đoạn, tu, chứng.
(14) Pháp Thượng bộ (Dharmottariyah) Hiền Trụ bộ (Bhadrayanika) Chánh Lượng bộ (Sammatiya) Mật Lâm Sơn bộ ((Sandagarika): “Pháp Thượng” nghĩa là pháp đáng được tôn kính, cũng có nghĩa, đối với chúng nhân trong thế gian, pháp là tối thượng; đó là tên của vị tổ sáng lập ra Pháp Thượng bộ. “Hiền Trụ” nghĩa là hàng hậu duệ của A la hán Hiền. “Chánh Lượng” nghĩa là thẩm định phải quấy, chân ngụy một cách chính xác, không sai lầm. Có thuyết nói Chánh Lượng bộ là các đệ tử của A la hán Đại Chánh Lượng, nên cũng có tên là Chánh Lượng Đệ Tử bộ; hoặc cũng có thuyết nói, vị tổ của bộ phái này tên là Sammata, nên bộ phái này được đặt tên là Sammatiya, tức Chánh Lượng bộ. “Mật Lâm Sơn” nghĩa là núi có rừng cây rậm rạp; đó là nơi cư trú của vị sáng tổ, nên bộ phái được đặt tên như vậy.
Cả bốn bộ phái ấy đều tách ra cùng lúc từ Độc Tử bộ, vào khoảng giữa thế kỉ thứ 3 PL. Vì cùng có nguồn gốc từ Độc Tử bộ, nên giáo nghĩa của bốn bộ phái này đều giống với Độc Tử bộ; nhưng vì trong khi giải thích một bài tụng trong A Tì Đàm Luận của tôn giả Xá Lợi Phất, thấy ý tứ không rõ ràng, bèn đem ý nghĩa của kinh mà bổ túc, rồi do ý kiến bất đồng mà chia rẽ ra thành bốn bộ phái như trên. Trong bốn bộ phái ấy, giáo nghĩa của Chánh Lượng bộ dần dần chiếm ưu thế, hơn hẳn các bộ phái khác – ngoại trừ Hữu bộ. Giữa thế kỉ thứ 7 Tây lịch, lúc pháp sư Huyền Trang sang Ấn độ, đó chính là lúc Chánh Lượng bộ đang rất thịnh hành, truyền bá khắp các vùng Trung, Tây, Đông và Nam Ấn độ, địa vị và thanh thế chỉ đứng sau Hữu bộ. Vì vậy, Hữu bộ và Chánh Lượng bộ đã có thời được coi là hai bộ phái trọng yếu nhất của Phật giáo tiểu thừa.
(15) Hóa Địa bộ (Mahisasaha): Theo các tài liệu tiếng Pali thì bộ phái này đã từ Thượng Tọa bộ tách ra; nhưng theo Dị Bộ Tông Luân Luận thì bộ phái này đã phân rẽ ra từ Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ. Về tên của bộ phái, theo pháp sư Khuy Cơ thì sáng tổ của bộ phái này vốn là một vị quốc vương, nhân ông dùng chánh pháp mà giáo hóa nhân dân trong toàn địa phận dưới quyền cai trị của ông, nên ông được gọi là Hóa Địa. Về sau ông từ bỏ vương vị đi xuất gia, hoằng dương Phật pháp, và đặt tên cho bộ phái do ông sáng lập là Hóa Địa bộ. Nhưng theo pháp sư Chân Đế (Paramartha, 499 569), bộ phái này có tên là Chánh Địa bộ; và, sáng tổ của bộ phái này nguyên là một đạo sĩ Bà la môn, thông suốt giáo điển Phệ Đà, từng làm quốc sư, giúp vua đem chánh đạo trị quốc. Về sau ông xuất gia theo Phật giáo, chứng quả A la hán, trong lúc giảng kinh, nếu chỗ nào thiếu sót thì đem giáo điển Phệ Đà vào bổ túc, coi như lời Phật nói. Sau khi ngài viên tịch, các đệ tử bèn lập nên bộ phái gọi là Chánh Địa bộ.
(16) Pháp Tạng bộ (Dharmaguptaka): Theo Dị Bộ Tông Luân Luận thì bộ phái này đã tách ra từ Hóa Địa bộ, vào khoảng giữa thế kỉ thứ 3 PL; nhưng theo Xá Lợi Phất Vấn Kinh và một số sử liệu khác thì bộ phái này đã tách ra từ Thượng Tọa bộ, hoặc Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ. Pháp Tạng là tên của vị bộ chủ, nguyên là đệ tử của ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu, thường đi theo thầy và ghi nhớ tất cả những lời thầy đã nói. Sau khi thầy viên tịch, Pháp Tạng bèn đem kinh điển chia thành năm tạng: Kinh, Luật, Luận, Chú, Bồ tát; vì thế mà biệt lập thành một bộ. Nhưng theo Xá Lợi Phất Vấn Kinh thì sáng tổ của bộ phái này chính là ngài Mục Kiền La Ưu Ba Đề Xá (tức Mục Kiền Liên Tử Đế Tu). Vì bộ phái này rất chú trọng đến hai tạng Chú và Bồ tát, nên đã được coi là đầu mối của Mật giáo (đại thừa) về sau này.
(17) Ẩm Quang bộ (Kasyapiya): Trong thần thoại Ấn độ thời cổ đại, có một vị tiên nhân, thân có ánh sáng vàng, có thể hút những loại ánh sáng khác, cho nên được gọi là “Ẩm Quang tiên nhân”. Từ đó, “Ẩm Quang” (Kasyapa – Ca diếp ba) trở thành một họ, truyền nối mãi về sau. Vào khoảng cuối thế kỉ thứ 3 PL, trong tăng đoàn Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ có ngài Ẩm Quang (thuộc dòng dõi vị tiên nhân xưa), chứng quả A la hán, đem lời Phật nói chia thành hai bộ phận: một bộ phận để đả phá tà thuyết ngoại đạo, và một bộ phận để diệt trừ vô minh phiền não cho chúng sinh; vì vậy mà ngài đã chủ trương thuyết “phá tà hiển chánh”, và tách ra khỏi Hữu bộ, lập riêng một bộ phái, tức Ẩm Quang bộ.
(18) Kinh Lượng bộ (Sautrantika): Bộ phái này đã tách ra từ Hữu bộ, và đi ngược lại với Hữu bộ. Mục đích của nó là “phục cổ”, tức là tái lập cái lập trường nguyên thỉ của Thượng Tọa bộ: lấy KINH tạng làm chính yếu, còn Luật và Luận tạng chỉ là thứ yếu. Sáng tổ của phái này là Cưu Ma La Đà (Kumaralabdha), cũng gọi là Đồng Thọ, ra đời ở miền Bắc Ấn độ, cuối thế kỉ thứ 3 PL. Sang thế kỉ thứ 4
PL, ngài Thất Lị La Đa (Srilata) đã trung hưng bộ phái này, cho nên cũng được coi là tổ sư của bộ phái này. Những tác phẩm của ngài Cưu Ma La Đà như Dụ Man Luận, Si Man Luận, Hiểu Liễu Luận, cùng với giáo nghĩa của bộ phái này, nhiều điểm đã trở thành cơ sở cho các giáo lí Duy Thức, Trung Quán, và loại văn học “Thí Dụ” của Phật giáo Đại thừa về sau này.
(19) Thắng nghĩa bổ đặc già la: “Bổ đặc già la” (pudgala) được dịch là nhân (người), chúng sinh, hay sác thủ thú; tức chỉ cho cái chủ thể chuyển sinh trong luân hồi. – Từ “sác thủ thú” có nghĩa là nhiều lần qua lại trong các nẻo luân hồi. Nói rõ hơn, bổ đặc già la là một tên gọi khác của NGÃ, vốn là một trong những kiến chấp trọng yếu của ngoại đạo. Pháp sư Khuy Cơ có liệt kê 16 “tông” (tức hệ phái) ngoại đạo ở Ấn độ thời cổ đại, trong đó có Kế Ngã Thật Hữu tông, vọng chấp có một cái NGÃ chân thật, thường nhất; và giải thích rằng, cái ngã đó vừa là năm uẩn, vừa ở ngoài năm uẩn (tức li uẩn ngã), vừa không phải năm uẩn vừa không ở ngoài năm uẩn (phi tức phi li uẩn ngã). Luận Thành Duy Thức phân loại có ba thứ ngã: 1) Ngã chính là cái thân ngũ uẩn này (tức uẩn ngã); đó là kiến chấp thông thường của mọi người thế gian. 2) Ngã ở ngoài cái thân năm uẩn (li uẩn ngã); đó là quan điểm của các phái ngoại đạo như Số Luận, Thắng Luận, v.v... 3) Ngã không phải là thân ngũ uẩn này, mà cũng không ở ngoài thân ngũ uẩn này (phi tức phi li uẩn ngã); đó là chủ trương của các bộ phái Độc Tử và Chánh Lượng.
Độc Tử bộ đã có một lập luận rõ ràng về bổ đặc già la: Khi người ta tạo nghiệp lành dữ, tất phải có một năng lực liên hệ giữa nghiệp nhân và nghiệp quả, mới dẫn đến sự hiện hữu trong tương lai. Cái năng lực đó chính là bổ đặc già la. Nếu không có bổ đặc già la, khi người ta chết rồi, năm uẩn tan rã, thì cái gì dẫn đến sự hiện hữu trong tương lai? Phải có bổ đặc già la duy trì nghiệp, thì mới có luân hồi hay giải thoát. Nhưng, bổ đặc già la không hẳn là năm uẩn, cũng không nằm ngoài năm uẩn. Bổ đặcgià la cũng không phải tâm và tâm sở. Tâm và tâm sở biến diệt vô thường, không thể biết hết mọi pháp, hoặc hễ biết pháp này thì không thể cùng lúc biết pháp khác, cho nên không làm cho phàm phu thành bậc Nhất Thiết Trí; còn bổ đặc già la thì trái lại, đó là thực thể thường trú bất biến, quán thông cả ba đời, biết tất cả mọi pháp, vì vậy mà chúng sinh từ địa vị phàm phu mới có thể tiến lên thành bậc Nhất Thiết Trí. Bởi vậy, không thể nói bổ đặc già la thuộc năm uẩn hữu vi, cũng không thể nói nó thuộc niết bàn vô vi; nó là “bất khả thuyết”. Chánh Lượng bộ và Kinh Lượng bộ cũng đồng quan điểm này của Độc Tử bộ. Các bộ phái Phật giáo này cùng với ngoại đạo đều công nhận thật có cái NGÃ, gọi là “bổ đặc già la”, vì vậy, để phân biệt chánh tà, các bộ phái Phật giáo trên lại gọi cái bổ đặc già la do mình chủ trương là “thắng nghĩa bổ đặc già la”, tức là chân ngã, cũng tức là thánh pháp ở trong chúng sinh; nhờ đó mà chúng sinh có thể thành Phật.
(20) Pháp xứ sở nhiếp sắc: Tông Pháp Tướng chia vạn pháp trong vũ trụ thành năm nhóm tổng quát – thuật ngữ Duy Thức học gọi là “ngũ vị”, trong đó có nhóm Sắc pháp (là các pháp thuộc về vật chất, có hình sắc, có tính chất ngại, biến hoại). Nhóm Sắc pháp bao gồm 11 pháp, tức là 5 căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân), 5 cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc), và pháp xứ sở nhiếp sắc. Chữ “xứ” ở đây có nghĩa là trưởng dưỡng (tức sinh trưởng và dưỡng dục); có ý chỉ cho những gì có thể trưởng dưỡng tâm và tâm sở của chúng ta, lại cũng là nơi để cho tâm và tâm sở phan duyên, nương tựa. Những gì được gọi là “xứ” đó, có cả thảy 12 thứ mà thuật ngữ Duy Thức học gọi là “mười hai xứ”, gồm có 6 căn và 6 cảnh: nhãn căn, nhĩ căn, tị căn, thiệt căn, thân căn, ý căn, sắc cảnh, thanh cảnh, hương cảnh, vị cảnh, xúc cảnh, và pháp cảnh. (Nếu thay những chữ “căn” và “cảnh” bằng chữ “xứ”, chúng ta sẽ có 12 xứ là: nhãn xứ, nhĩ xứ, tị xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ, sắc xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ, và pháp xứ.) Vậy, PHÁP XỨ tức là PHÁP CẢNH. Nhưng chỗ khác nhau là, khi dùng từ “pháp cảnh” là có ý nhấn mạnh rằng, đó chính là đối tượng khách quan của tác dụng nhận thức phát khởi từ chủ thể ý căn; còn khi dùng từ “pháp xứ” là có ý nói rõ rằng, chính nó và 11 xứ kia là những gì có thể trưởng dưỡng tâm và tâm sở, lại cũng là nơi để cho tâm và tâm sở nương tựa, phan duyên. Tất cả những gì nằm trong phạm vi sắc pháp, hễ thống thuộc vào pháp xứ, thì gọi là “pháp xứ sở nhiếp sắc”.
Vậy, pháp xứ sở nhiếp sắc bao gồm những gì? Theo A Tì Đạt Ma Tạp Tập Luận và Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương (do Phật Quang Đại Từ Điển trích dẫn), pháp xứ sở nhiếp sắc bao gồm 5 lĩnh vực như sau:
1) Cực lược sắc: tức sắc pháp cực vi, là tất cả mọi thứ vật chất có tính chất ngại như 5 căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân), 5 cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc) và 4 đại (địa, thủy, hỏa, phong), đem chia chẻ ra cho tới lúc đạt được đơn vị nhỏ nhất (cực vi).
2) Cực hồi sắc: cũng gọi là tự ngại sắc, là những loại hiển sắc không có tính chất ngại, như hư không, ánh sáng và bóng tối, đem chia chẻ ra cho tới đơn vị cực vi.
3) Vô biểu sắc: là loại sắc pháp vô hình trong tự thân, được phát sinh bởi hai nghiệp thiện ác do thân miệng phát động, không biểu hiện ra ngoài để có thể trông thấy; ví như do sự hành trì giới luật, dẫn tới sự sinh khởi trong tự thân một loại tác dụng tinh thần có tính “ngừa sai quấy, ngăn xấu ác”. – Vì nó được xem là do bốn đại trong tự thân tạo thành, cho nên được liệt vào sắc pháp.
4) Biến kế sở khởi sắc: Ý thức duyên năm căn và năm cảnh mà phát sinh tác dụng kế độ, phân biệt một cách hư vọng, rồi biến hiện thành các ảnh tượng trong tâm; đó là loại sắc pháp này. Nói tóm tắt, biến kế sở khởi sắc là loại sắc pháp chỉ gồm toàn các ảnh tượng trong ý thức (tức pháp cảnh), không có thực chất.
5) Định tự tại sở sinh sắc: nói tắt là định sở sinh sắc, chỉ cho các cảnh như sắc, thanh, hương, v.v... do định lực biến hiện ra. Những loại sắc pháp này, vì do định lực thù thắng, biến hiện một cách tự tại đối với tất cả các sắc, nên gọi là định tự tại sở sinh sắc. Nhưng, cả phàm và thánh đều có thể biến hiện các loại sắc pháp như vậy, cho nên cần phải phân biệt chân giả. Nếu do định lực của phàm phu biến hiện thì đó là giả sắc, không thể sử dụng; nếu do định lực của bậc thánh nhân (Bồ tát ở địa thứ tám trở lên) với đầy đủ uy đức thù thắng biến hiện, thì đó là thật sắc, có thể sử dụng – như biến hiện đất cát thành ra vàng bạc cơm nước, v.v... để cứu giúp chúng sinh.
Theo cái nhìn của Duy Thức học đối với năm loại sắc vừa kể trên, bốn loại đầu (cực lược sắc, cực hồi sắc, vô biểu sắc, biến kế sở khởi sắc) đều là “giả sắc”; còn loại sau cùng (định sở sinh sắc) thì vừa là giả, vừa là thật; bởi vì, định lực của thánh nhân có đầy đủ uy đức thù thắng, đó là loại định lực vô lậu, cho nên những sắc pháp từ đó biến hiện ra đương nhiên đều là “thật sắc”. Nhưng, nếu cứ theo quan điểm của các bộ phái tiểu thừa, như Hữu bộ chẳng hạn, thì cả năm loại sắc ở trên đều là thật sắc.
BÀI TẬP 1) Thượng Tọa bộ đã phân rẽ thành tất cả mấy bộ phái? Hãy nói tên của bộ phái do Thượng Tọa bộ đổi tên, và tên của các bộ phái khác từ Thượng Tọa bộ phân rẽ ra.
2) Hãy giải thích: tâm sở pháp, bất tương ưng hành pháp và vô vi pháp.
3) Hãy giải thích: tì bát xá na, xa ma tha và thắng nghĩa bổ đặc già la.
4) Hãy giải thích câu: “Nếu pháp nào đã đoạn dứt, đã biết cùng khắp, thì không có; chưa đoạn dứt, chưa biết cùng khắp, thì có.”
5) Hãy vẽ đồ biểu về tình hình phân phái của Thượng Tọa bộ.