Hôm nay là bài khai thị thứ năm trong mùa An Cư Kiết Hạ năm 1999 này, bốn quả vị trước thầy đã chỉ cho quý vị thấy cái tâm nguyện và bổn phận của người xuất gia phải thực hành như thế nào cho đúng, mỗi quả vị có mười (10) phương pháp khác nhau, nhưng chung qui cũng chỉ là một mà thôi.
Bài học nào thầy cũng chỉ cho quý vị về tâm linh, vì người thế gian phần đông chỉ lo cho thân; lúc nào cũng nghĩ đến mua miếng ngon vật lạ để bổ dưỡng cung phụng cho cái thân được no đủ, chớ ít ai nghĩ đến cái tâm linh của mình, vì chúng sanh cho cái thân này là thiệt, là tồn tại vĩnh viễn mãi mãi. Theo chỗ thầy biết hiếm có người biết được thân này do tứ đại giả hợp mà thành, mà còn có người sợ biết sự thật nữa. Vì sao? Người đời đầu tiên là sợ già, sợ "chết" đó là thế gian pháp, còn người đã hiểu đạo rồi thì lúc nào cũng lo cho nhân quả, đó là xuất thế gian, nhưng dù cho quả tốt hay quả xấu cũng đừng nên bao giờ nghĩ đến, mỗi quả vị đều lồng cái tâm của mình trong đó. Tâm từ thô đến tế rồi từ tế sẽ thể nhập được cái phần vị sáng suốt giác ngộ giải thoát ở nơi tâm linh.
Hôm nay đây, nói về Thập Địa tức là mười cái tâm địa cũng chỉ về tâm tất cả. Nói một cách dễ hiểu là tu hành sửa đổi lần lần cái tâm của mình cho nó thanh tịnh, nhẹ nhàng. Phải sửa đổi từ thô đến tế, từ cái nặng đến cái nhẹ ở trong tâm hồn của mình. Thí dụ như: Chuyện ở bên ngoài thì mình phải mượn phương pháp bên ngoài để mà chỉ dẫn, để mà giảng giải chớ thật ra cuối cùng đều quy về nơi tâm địa của mình.
Mười tâm địa này là tâm địa đưa đến quả vị Bồ Tát. Phần trước, Thập Tín là chánh tín, còn Thập Trụ là cái tâm an trụ để tu tiến chứng ngộ, tuy chia ra mười chớ thật ra mười mà là một, một là mười. Thập Hạnh cũng giống như vậy, hạnh là để chỉ tâm hành cũng đi từ một đến mười, mỗi người chúng ta thể nhập để cho tâm mình tiến đến từng quả vị.
Thập Hồi Hướng cũng vậy, tâm mình khá khai thông, nghĩa là tu tập hành sự làm những gì nhứt cử nhứt động là mình đều hồi hướng, làm việc gì xong rồi cũng đem hồi hướng cho chúng sanh, là lúc nào cũng hướng về bên ngoài cho pháp giới chúng sanh, cho tam thiên đại thiên thế giới, hồi hướng cho hết không để nơi mình chút nào, như vậy là bắt đầu Bồ Tát tâm rồi đó.
Đến Thập Địa coi như là cái tâm địa Bồ Tát, tâm địa của giác hữu tình, tâm địa lợi ích cho chúng sanh, tâm địa hoàn toàn độ tận chúng sanh. Muốn trụ vững mười cái tâm địa này thì tự nhiên mỗi vị mỗi chúng ta phải diệt trừ ba chướng ngại của mỗi người mà khó có ai tránh khỏi được, tức là làm sao dẹp cho được cái phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng ở trong mỗi chúng ta. Khi mang thân này là không ai tránh khỏi hết, dù cho quý vị có thị hiện xuống cũng không sao tránh được cái phiền não, cái nghiệp chướng, cái báo chướng. Ba chướng ngại này trên con đường tu hành lúc nào cũng bị gặp phải, nhưng chúng ta tu theo hạnh Bồ Tát thì phải dẹp bỏ nó đi.
1. Phiền não chướng tức là cái phiền não đến từ bên ngoài và từ bên trong, mà hễ cái gì làm cho cái tâm của mình bị ngăn trở hay là khó khăn, thắc mắc đó là phiền não. Những cái gì mà bất như ý đều là nằm trong phiền não cho nên người tu tập phải làm sao dẹp từ thô cho đến tế. Chúng ta phải dẹp cái đó được rồi thì thực hành Bồ Tát hạnh mới có kết quả viên mãn.
2. Nghiệp chướng là những hành động tạo tác về ý, những hành động tạo tác từ miệng, từ thân, từ ý phải làm sao dẹp bỏ nó đi. Luôn luôn giữ ba nghiệp thân, miệng và ý cho được thanh tịnh là điều quan trọng nhất. Cho nên có câu "Ba nghiệp hằng thanh tịnh, đồng phật vãng Tây phương". Nếu ba nghiệp của mỗi người trong chúng ta mà được yên ổn thì đồng với các đức Phật, được về cõi Phật.
3. Báo chướng tức những cái chướng ngại đến với mình, thì mình phải hiểu và tự giải tỏa. Có những cái nhơn mà mình tạo nhiều đời nhiều kiếp, bây giờ quả chín thì phải nhận lấy chứ đừng nên than vãn vô ích mà thôi (hễ quả nào chín trước thì phải rụng trước). Là người học Phật thì biết đó là như vậy để dể dàng giải tỏa tất cả mọi báo chướng khó khăn trong cuộc đời của mình. Cố gắng làm sao đừng có gây thêm cái nhơn nữa, cũng có những trường hợp người ngoài họ gây nhơn đó chứ không phải mình nhưng việc đó có liên can đến mình thì mình phải có tâm giải tỏa liền đừng chấp nhận cho gieo nhân thêm, bởi vì chấp nhận cho gieo nhơn, thì kiếp sau sẽ có quả.
"Nhơn nào thì quả đấy". Khi báo chướng đến, thì phải biết ngay là nhân đời trước mình gieo, bây giờ vui lòng mà trả quả. Quả nhỏ, quả trung, quả lớn, hoặc kiểu nào đi nữa chúng ta vẫn sẳn sàng vui vẻ trả và còn cầu nguyện không bao giờ gây tạo nhân mới. Nếu ai cố tình gây tạo cho mình, khi biết đạo rồi cũng xin xả bỏ tất cả, nghĩa là đừng bao giờ nhào vô để cùng tạo tội, đó mới là người biết đạo biết tu.
Cho nên muốn thực hành hạnh Bồ Tát hay con đường của Bồ Tát đi, trước hết phải phát nguyện mỗi ngày chứ không phải chỉ có chữ tín không đâu và còn phải nguyện tiêu ba chướng trừ phiền não (Nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng). Bài kinh này chúng ta đọc hàng ngày, khi nào mà giải được ba cái chướng đó thì lúc bấy giờ mới mong sao cho trí tuệ được tăng trưởng và hiển lộ. Được như vậy thì con đường tu chứng mới được dễ dàng.
"Nguyện cho trí tuệ thường sáng tỏ", nghĩa là mong muốn làm sao cho cái ánh sáng trí tuệ về tâm linh nhứt cử, nhứt động đều được sáng suốt giác ngộ mãi mãi, đặng thể nhập với Tuệ Bát Nhã Thánh Trí, lúc ấy sự tu chứng không có gì gọi là khó khăn như nhìn một hoa trái trong lòng bàn tay.
Chẳng những chúng ta cầu nguyện cho mình, cho những người xung quanh và cho tất cả muôn loài chúng sanh (nếu nói rộng ra) bởi vì mình với muôn loài chúng sanh cùng sống chung ở giữa cõi đời nầy. Thực tế mà nói, không ai có thể sống cá biệt được cả, cũng không có một vật gì có thể đứng một mình mà tồn tại được. Con người cũng vậy, lúc nào cũng có liên quan mật thiết với nhau, vì thế quý vị nên cầu nguyện cho tội chướng của mình và của người được tiêu trừ.
Nguyện bao tội chướng được tiêu trừ, tội chướng, nghiệp chướng, báo chướng nó nằm ở trong ba chướng. Chúng rất vi tế và sâu sắc nên cần phải trừ cho hết, lúc bấy giờ chúng ta mới Đời đời thường hành Bồ Tát Đạo. Mỗi đời, mỗi thời gian mới thật hành được con đường của Bồ Tát, con đường của Bồ Tát tức nhiên con đường của Giác Hữu Tình luôn luôn để giác ngộ cho chúng sanh vì chúng sanh với mình đồng một bản thể, và chúng sanh với Phật cũng đồng một bản thể. Bởi vậy nên có câu "Tâm, Phật và chúng sanh, ba cái không sai biệt", ba cái này lý thể không sai khác. Chính lý do đó cho nên chư Phật và chư Bồ Tát thay phiên nhau ra đời, kể cả chư Tổ ra đời cũng đều một cùng một mục đích là độ tận chúng sanh. Mỗi chúng sanh đều có điển quang, linh quang và cái tánh biết, tánh giác, tánh Phật.
Do đó quý vị cố gắng tiến lên mãi, cuối cùng làm cho giác ngộ hoàn toàn để được thành Phật. Quả vị Thập Địa nầy là mười cái tên đưa đến siêu thoát giác ngộ và cũng là quả vị Bồ Tát.
1. Hoan Hỷ Địa: Giữ tâm luôn luôn hoan hỷ, dầu cho gặp cảnh thuận hay nghịch cũng giữ tâm hoan hỷ, nhứt như đối với chúng sanh.
2. Ly Cấu Địa : Tâm địa phải lìa những trần cấu, lìa những vi tế phiền não. Phần phiền não thô thiển thì ở mấy quả vị trước như Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng đã bớt rồi, giải tỏa nhiều rồi, nhưng phần phiền não vi tế thì ngay những vị đại Bồ Tát cũng vẫn còn. Cho nên mỗi người tu chứng giải tỏa được kiến hoặc, tư hoặc, rồi mới đạt được quả vị cao thêm một chút để tiến lên hàng nhị thừa, rồi mới đoạn trần sa hoặc thì tiến lên hàng Bồ Tát, nhưng phải đoạn cho được cái vô minh hoặc, tức nhiên là đoạn cái mê lầm tối tăm ở trong mỗi con người của chúng ta. Xong rồi tiếp tục dẹp bỏ cái vi tế vô minh, hay là sự mê lầm còn ở nơi cạn cợt một chút. Phần này cũng dễ đoạn trừ nhưng mà vi tế lắm. Phần ly cấu địa này tức là tâm địa xa lìa cho hết cái vi tế phiền não ở trong mười cái căn bản phiền não thuộc về phần thô, trọng.
Sau đây là mười vi tế trần cấuẠ. Mười phần vi tế phải đạt cho được thì mới gọi là đạt được quả vị ly cấu địa. Tâm địa lúc bấy giờ đã xa lìa trần cấu vi tế vô minh, lìa cái đó để chèo chống con thuyền Bát Nhã, thuyền trí tuệ để cứu vớt chúng sanh ra khỏi biển khổ luân hồi, để đến bờ giác ngộ hoàn toàn.
3. Phát Quang Địa: Tâm địa lúc bấy giờ lúc nào cũng phát ra yến sáng từ ba nghiệpẠ. Nghiệp thân cũng phát quang, khi đi, đứng, nằm, ngồi làm sao giữ cho được oai nghi tế hạnh siêu thoát. Nhìn thấy là liền biết cái thể chất của vị đó "đường đường tăng tướng, dung mạo khả quan".
Đến nghiệp ý thì lúc nào ý cũng suy nghĩ điều sáng suốt giác ngộ giải thoát đi lên đừng cho thoái chuyển.
Cuối cùng là nghiệp miệng, nói câu nào cũng đều như có hào quang từ trong miệng tủa ra. Là người con Phật làm sao khi mở miệng ra nói thì nên nói giáo pháp của Phật những điều hay lẽ phải, nhứt là đừng nên nói chuyện đời vì nói chuyện đời là vướng thị phi. "Thiệt động thị phi sanh" có nghĩa là khi cái lưỡi cử động thì tiếng nói xấu, nói tốt sanh ra từ nơi miệng.
Từ cái đó mà chúng ta gặt hái được ba nghiệp thân, khẩu, ý lành. Tuy là ba, nhưng cuối cùng nó trở thành một, vì chỉ có tâm linh không ý, chuyển qua tâm ý. Do đó phát ra hiện ra lời nói, ý nghĩ những hành động sáng suốt giác ngộ hoàn toàn. Nếu vị nào đạt được tâm ý như vậy thì đạt được Phát Quang Địa, nghĩa là phát ra ánh sáng cũng từ nơi ba nghiệp hằng ngày của mình vậy. Vì thế cho nên Thầy lúc nào cũng muốn quý vị cố gắng học kinh, học luật, học luận, học sử, học những gì hay, để biết, để nhớ của đức Phật rồi ra thuyết pháp độ sanh báo đền công ơn Thầy Tổ và còn gọi là (Hoằng pháp lợi sanh, báo đền công ơn chư Phật chư Tổ).
Được như vậy thì mới gọi là đạt phát quang địa. Nói lời nào ra cũng đúng chơn lý hợp sự thật, nói ra những lời lẽ gì đều để giải tỏa tất cả những tâm bệnh của chúng sanh, giống như mình là một ông thầy thuốc, một bực y vương. Ý lúc nào cũng suy nghĩ sáng suốt để tự lợi, lợi tha. Cố gắng làm sao cho lúc nào cũng tỏa được ra cái ánh sáng giác ngộ, để cho người đời nhìn thấy cử chỉ điệu bộ, cách đi, cách đứng, cách nằm, cách ngồi, của một vị phát Bồ Tát tâm, một vị coi như là siêu xuất thế gian. Nếu quý vị được như vậy thì thầy tin chắc rằng sự chứng ngộ của quý vị không còn xa lắm.
4. Diệm Huệ Địa: Tâm địa của hành giả lúc nào cũng phát trí huệ như ánh lửa hừng hực. Giờ phút nào cũng sống với trí huệ chứ không sống với thức, nhất là chúng sanh hay sống với ý thức nhiều hơn, mà ý thức thì luôn luôn ích kỷ, lo cho cá nhân, lúc nào nhỏ hẹp của mình trước tiên. Nếu người mà sống ích kỷ như vậy thì cái trí của mình không thể phát triển được. Người tu phải chuyển thức thành trí, rồi từ cái trí đó mới trở thành Trí Huệ Ba La Mật.
Diệm huệ địa tức là trí huệ chiếu sáng hừng hực, có nghĩa là phải sống với trí huệ luôn luôn thì mới làm lợi ích cho sự nghiệp tu hành của hành giả. Chúng sanh nan điều nan phục, (chúng sanh tánh tình cứng cõi, khó nói, khó độ) cho nên, nếu người xuất gia mà thiếu trí tuệ thì tự mình cũng không thể độ mình chứ đừng nói tới chuyện ra hoằng pháp lợi sanh.
5. Cực Nan Thắng Địa: Nan thắng là nhờ vượt qua. Tâm địa một lòng đi tới để xả mê khai ngộ cho mình chuyển phàm thành thánh, chuyển tối thành sáng giúp cho mình và cho người. Khó mà làm được, mà thắng được mới hay. Phải cố gắng hết sức mình đó mới gọi là cực nan thắng địa, là tâm địa rất là khó mà vượt qua những cái khó đó mới có thể ra hành đạo được. Đây không phải là việc dễ áp dụng, dễ thực hành mà quý vị áp dụng được, thực hành được cho đúng mức, thì đó mới gọi là người học Phật.
Cũng như nói chuyển thức thành trí, nghe thì dễ mà thực hành đâu phải là dễ, nhưng với tâm địa này và địa vị này hành giả có thể chuyển một cách dễ dàng. Chẳng những được dễ dàng mà còn thành công rực rỡ, cho nên mới gọi là cực. Cực là cùng cực, tuyệt đỉnh, tối hậu hoàn toàn để đi đến chỗ ổn định chắc chắn, không bị xê dịch. Đó mới gọi được gọi là Cực Nan Thắng Địa.
6. Hiện Tiền Địa: Tức là tâm địa hiện tại đầy đủ tự giác, giác tha. Tâm địa đầy đủ tự lợi, lợi tha, tự độ, độ tha coi như mình và người được sáng suốt giác ngộ. Hiện tiền địa tức là địa vị liễu ngộ được vô sanh pháp nhẫn. Sanh với pháp hay là nhơn sanh với vũ trụ mà mình thấu rõ không có cái gì là rắc rối hết. Cả pháp giới tâm trí mình cũng đều sáng suốt và hiểu biết hết, nhứt là về hiện tại mình thấy công tu tập của mình tới chỗ tự giác, giác tha, tự độ, độ tha, tự lợi, lợi tha. Quý vị nên nghĩ rằng lúc nào nó cũng nằm nhan nhãn trước mắt đó mới gọi là tâm địa hiện tiền lúc nào cũng sáng suốt giác ngộ, giải thoát cho mình cho người và cho chúng sanh. Đạt được như vậy mới gọi là Hiện Tiền Địa.
7. Viễn Hành Địa: Là đi xa. Lý là đã rời xa khỏi phiền não, không còn phiền não chướng, nghiệp chướng, báo chướng, nên được gọi là viễn hành. Bây giờ chỉ còn có con đường giải thoát gần, xa tất cả những con đường coi như là ràng buộc trầm luân phiền não, nghiệp chướng, báo chướng. Đến quả vị này, quả vị đoạn được vi tế vô minh, giải tỏa hết không cho chướng ngại gần gũi nữa. Khi còn là chúng sanh thì cùng chướng ngại phiền não ở một nhà ; các Ngài khá hơn thì tống ra nhưng ở gần, còn lên địa vị này thì phiền não, chướng ngại đi xa quá rồi. Các Ngài dùng đủ thần lực chuyển tất cả phiền não thành bồ đề, chuyển tất cả nghiệp thức xấu xa trở lại thành trí nhiệm mầu cho nên gọi đó là Viễn Hành Địa.
8. Bất Động Địa: Tâm địa của mỗi người không có một chút nào lay động ở nơi thất tình lục dục, như hư không bất động. Trong sách có bài kệ:
"Như như bất động thị Di Đà,
Giáo lý chơn truyền tự Thích Ca,
Ca Diếp Tây Thiên vi nhất tổ,
Đạt Ma Đông Độ thủ tăng già,
Huệ Năng ngộ đạo tồn y bát,
Thần Tú thất truyền triệt bát sa,
Việt Nam chư tổ hành thiền tịnh,
Ưng tu thất chúng lục ba la ".
Như như bất động, có nghĩa là chỉ cho tâm địa mình lúc bấy giờ định cho đến nổi không còn thấy động, dù trời long đất lỡ cũng không có lay động. Tâm mình không động thì chuyển nghiệp dễ dàng. Làm sao cho tâm địa trực nhập với lại tâm Phật của mỗi người, thì đạt được Bồ Tát Bất Động Địa.
9. Thiện Huệ Địa: Tâm địa lúc bấy giờ giống như Bát Nhã Thánh Trí hoa khai. Tâm địa của vị nầy giống như là hoa Thánh Bát Nhã nẩy nở, tức nhiên đó là quả vị giác ngộ, quả vị Phật. Thiện là khéo léo, cao quý, và thật đặc biệt, cho nên rất khó mà đạt được. Thầy cũng rất mong, sao cho quý vị mỗi ngày tu hành đạt được Thiện Huệ của mình.
10. Pháp Vân Địa: Pháp là vũ trụ bao la, vân là mây. Áng mây lành che khắp cả trần gian, chúng sanh nhờ đó mà không có nắng mưa, lạnh nóng. Pháp vân địa chỉ cho Phật tánh, tâm của vị này lúc bấy giờ le lói sự giác ngộ, sáng suốt giải thoát, chỉ còn chút xíu nữa là hoàn toàn. Pháp vân chỉ cho "Diệu pháp Bồ Đề khắp trang nghiêm, tùy nơi chỗ ở thường an lạc". Tức là pháp nhiệm mầu ở trong cái tâm giác ngộ của mình bây giờ trải khắp tất cả, chỗ nào cũng được coi như là tự tại, tùy theo ở chổ nào cũng được an lạc hết (tâm bình thế giới cũng bình). Vì vậy cho nên các vị Bồ Tát vẫn ở nơi cảnh địa ngục như thường, ở để mà độ sanh chứ không phải ở để mà thọ tội.
Mười quả vị tâm địa này lên tới cái mức độ gần như là giác ngộ như Phật khá hoàn toàn, cả mười cái tâm địa hoan hỷ... Địa là tâm địa của mỗi người chúng ta, nếu mọi người trong chúng ta mà cố gắng đạt cho được quả vị hay là địa vị như nảy giờ thầy giảng đó tức nhiên là chứng, ngộ được quả vị Thập Địa.
Đẳng Giác là trực nhận hoàn toàn không có một mảy may nào nghi ngờ nữa, Phật với chúng sanh coi là bình đẳng như nhau, trực nhận cho đúng không sai chạy. Chẳng những chỉ có loài hữu tình mới có trực giác mà loài vô tình cũng có trực giác đồng như Phật vậy.
Còn Diệu Giác tức nhiên là nhân muôn sự, muôn vật ở giữa chỗ nầy từ phàm đến Thánh, từ nghèo đến giàu, từ tối tới sáng, có nghĩa là tất cả đều là nhiệm mầu đặc biệt. Trực nhận là sống với cảnh đó, không phải chỉ hiểu thường thôi đâu mà phải hiểu một cách cao siêu hơn, được như vậy mới gọi là Diệu Giác.
Còn Viên Giác là người đã giác ngộ hoàn toàn, không cần phải giải thích nầy nọ hoặc nói năng nhiều thêm nữa, vì cái hay, cái quý, cái cao, cái sáng, cái đặc biệt nào đó mà không thể nói lên được. Thí dụ : Ai uống nước thì mới biết nước đó nóng hay lạnh. Sự tu chứng cũng giống như thế đó, được sự chứng ngộ này chỉ có chính hành giả mới biết và cũng không thể thố lộ cùng ai, vì không ai hiểu được sự chứng ngộ này.
Trước khi chấm dứt buổi thuyết giảng hôm nay, thầy cầu chúc cho toàn thể quý vị hiện đang ngồi trong đạo tràng này, tu hành nhật tấn, trí huệ nhật tăng và sớm giác ngộ viên mãn.