Cùng toàn thể Chư Tăng Ni và quý Phật Tử hiện diện:
Hôm nay là thời Khai Thị đầu tiên của Khóa Hạ năm 2000, Phật Lịch 2544. Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài chế ra một hình thức tu tập cho chư Tăng trong giáo đoàn, gọi là An Cư Kiết Hạ. Hàng năm, vào mùa Hạ, chư Tăng từ các nơi trở về tinh xá của Phật để tự mình kiểm điểm kết quả tu chứng và nghe Đức Phật giảng dạy thêm về giáo lý. Ngoài cái hình thức về Sự Tướng là tránh cho chư Tăng tạo nghiệp sát sanh trong mùa mưa, mùa côn trùng sinh trưởng; ba tháng An Cư Kiết Hạ còn là một pháp môn tu tập vi diệu, mà trong thời pháp hôm nay, Thầy sẽ giảng giải cho quý vị hiểu rõ thêm.
Hai câu đầu tiên trong bài An Cư Kiết Hạ như sau:
Cúi đầu lạy Phật mười phương,
Chứng minh đệ tử lệ thường An Cư.
Vậy thì khoá An Cư Kiết Hạ năm nay, cũng như mọi năm, được tổ chức tại Tùng Lâm cho các Phật tử tại gia và xuất gia, nhất là hàng xuất gia, từ mọi nơi về để học hỏi thêm đạo pháp. Về ý nghĩa an cư thì trong những khoá hạ trước Thầy đã giảng rồi. Đạo Lý An Cư thì Thầy cũng đã khai thị rồi và đã được ghi lại trong tập "Những dòng sữa Mẹ". Quý vị, mỗi người nên có một cuốn, để đọc và học hỏi thêm ý nghĩa của các thời pháp mà Thầy đã khai thị trong các khoá hạ trước.
Hôm nay, Thầy sẽ khai thị đặc biệt về Nghĩa Thú An Cư. Nghĩa là nghĩa lý, Thú là thú hướng. Đây là nói về phần "Sự Lý Dung Thông" của An Cư Kiết Hạ nên gọi là Nghĩa Thú An Cư.
Điểm chính yếu hay nghĩa của An Cư là ở yên hay cũng có nghĩa là an tâm. Như vậy, mục đích của sự tu trì trong thời gian này là luôn luôn giữ cho tâm được an tịnh. Hễ tâm được an rồi, thì mình sẽ thành tựu những gì mình muốn thành tựu được trên đường giải thoát. Sở dĩ chúng sinh quằn quại đau khổ ở cõi trần này, hay có những chúng sinh, tuy không bị quằn quại, nhưng lại bị cái đau khổ dằn vặt từng giờ, từng ngày, là tại đâu? Đó là tại tâm chưa được an. Tâm không an, thì mình cứ lăng xăng chạy theo hết cảnh này đến cảnh khác, hết phiền não này đến phiền não nọ. Có nhiều người suy nghĩ đến tột độ mà vẫn bị trần cảnh bức bách phải suy nghĩ, đến nỗi trở thành điên khùng, cuồng loạn.
Vì vậy, trọng điểm hay lý đạo của An Cư Kiết Hạ chính là làm sao cho người tu có được cái tâm an ổn. Nếu tâm ai được an ổn rồi thì phải tu tập thêm cho đến chỗ không thấy mình cần phải an tâm nữa thì đạo quả mới viên thành. Nếu thấy tâm còn phải an, còn có điều mình chưa rành rẽ, thì còn phải tinh tấn tu tập thêm, còn phải tìm hiểu thêm cái đạo lý bên trong những công việc mà mình làm hàng ngày trong suốt thời gian kiết hạ. Cho đến khi nào quý vị làm công việc nào cũng thấy rằng việc đó là Phật sự và lúc nào mình cũng vui vẻ làm với một cái tâm an ổn; làm mà không thấy mình phải so đo, suy nghĩ, tính toán gì cả.
Lúc đó quý vị mới mong đạt được nghĩa thú thâm sâu của An Cư Kiết Hạ. Đó cũng là ý nghĩa của câu:
An Cư Kiết Hạ thâm sâu,
Chúng sanh tác Phật lâu lâu thấm nhuần.
Khi ở Tự Viện hay tại trụ xứ của quý vị, hàng ngày quý vị cũng tu tập đều đặn, nhưng không giống như sự tu tập trong khi nhập Hạ. Trong Khoá Hạ, quý vị luôn luôn giữ tâm được an tịnh để hành trì tu tập cho đúng giờ khắc, đúng sự tướng, đúng từng đường đi nước bước của từng thời khoá tu niệm. Mọi thời, mọi lúc, tâm phải được an trú trong sự an ổn, thanh tịnh. Nhờ vậy, mọi phiền não mới được giải tỏa.
Tháng đầu, quý vị mới được giao phó trách nhiệm trong các Ban Điều Hành, thời khắc, nhân sự chưa quen nên cái tâm làm việc hãy còn lăng xăng, chưa hiểu được lý đạo trong công việc mình đảm nhiệm.
Qua tháng thứ hai, thâm nhập lý đạo, tâm mới bắt đầu an tịnh và đến tháng thứ ba, tâm đã thuần thục thì mới mong được cụ túc viên mãn. Chúng sanh tác Phật lâu lâu thấm nhuần, chính là như vậy.
Trong thời pháp hôm nay, quý vị phải nhất tâm, nhất đức, lắng lòng nghe với tinh thần trừng tâm đế thính, thì lý đạo mới thâm nhập được vào như lai tạng tánh. Quý vị phải nghe bằng cái tánh nghe (của Chân Tâm), thì mới có lợi lạc. Đức Phật dạy: Chân tâm của mình, trong cuộc sống hàng ngày, thỉnh thoảng có lưu lộ ra trong cái Kiến, Văn, Giác, Tri (cái thấy, nghe, hiểu, biết) của mình, nhưng nó vừa mới lưu lộ ra thì lại bị cái "vọng" khỏa lấp đi nên chân tâm không hiển lộ được. Vì vậy, phải có một cái tâm an ổn thì mới trực nhận được sự lưu lộ của chân tâm.
Trong khi nghe lời Thầy nói ở đây, quý vị phải ngồi trong tư thế tọa thiền và chăm chú vào từng câu, từng chữ, gọi là "Cú cú tùng tự tâm lưu xuất, tự tự tùng tự tâm lưu nhập" thì mới hiểu được cái lý đạo cao siêu của nghĩa thú an cư.
Đến đây, Thầy sẽ giảng cho quý vị hai bài kệ của chư Tổ về Nghĩa Thú An Cư như sau:
I. Phật chế An Cư vi diệu pháp,
Kiết Hạ tam kỳ đăng bửu tháp,
Cấm túc cửu tuần Tâm hoan lạc,
Sách tấn tu trì chiếm khôi giáp.
II. Nhất nguyệt diệt thô ngộ quả tiên,
Nhị ngoạt tẩy phiền chứng đạo hiền,
Tam nguyệt đoạn trần đăng thánh vị,
Vô minh trừ tận nhập chân nguyên.
Hai bài kệ này nói về nghĩa thú của ba tháng kiết Hạ và về đạo quả mà người tu trì đứng đắn sẽ đạt được sau ba tháng an cư.
Thời Phật còn tại thế, sau ba tháng Hạ, các vị Tỳ Kheo đều đắc A La Hán quả, và từ đó, vị nào giữ được Phật tâm thì nhập được chân nguyên, đạt được quả vị Phật ngay chớ không phải chờ đợi lâu xa gì hết.
Bây giờ, Thầy sẽ giải nghĩa từng câu của bài kệ thứ nhất:
1. Phật chế An Cư vi diệu pháp.
Người ta thường nói rằng: Vì ba tháng Hạ là thời kỳ sanh sản và trưởng dưỡng của côn trùng nên Phật gọi chư Tăng về tinh xá để chư Tăng bớt tạo sát nghiệp dẫm đạp lên côn trùng; hoặc cũng còn nói: Chư Tăng, sau chín tháng hoằng Pháp khắp nơi, phải trở về tinh xá một thời gian để trau dồi giới đức, thúc liễm thân tâm, kiểm chứng lại kết quả tu trì của mình. Đó cũng chỉ là một lời giải thích theo sự tướng mà thôi. Thật ra, lối giải thích đó chưa phải là ý nghĩa chân thật của Kiết Hạ An Cư.
Phật dạy pháp An Cư thậm thâm vi diệu để sau ba tháng, mỗi vị đều có thể tinh tấn tu trì, đạt được lý Đạo mà thành Phật, thành Bồ Tát. Nếu chúng ta nhận ra cái Nghĩa Thú này thì chắc không còn ai dám thờ ơ hay lãng quên Kiết Hạ, vì đó chính là kết quả tu chứng, hành trì để có thể trở lại nguồn chơn (chân nguyên) của mình.
Suốt trong 3 tháng Hạ, tuy công việc tại Tùng Lâm có chia ra nhiều lãnh vực khác nhau, nhưng nếu quý vị xem những công việc ấy đều là Phật sự, hành trì trong chánh niệm, dù có rửa chén, trồng hoa, niệm Phật, kinh hành v.v... tất cả đều được thực hành một cách nhất tâm, thì cái tâm của mình lúc nào cũng sẽ được yên ổn, tĩnh lặng. Đã nhất tâm thì dù mình có ở chỗ động, tâm mình vẫn tịnh, như Lục Tổ đã nói: "Khi Tâm đã tịnh, thì dù giữa chốn ba quân, mình cũng vẫn Tịnh". Chẳng cần phải đi tìm một chỗ hoàn toàn yên tĩnh, chung quanh không có bóng người hay tiếng động, Tâm mới tịnh được.
Trong ba tháng Hạ, quý vị phải đặc biệt chú ý đến chữ an; lúc nào cũng giữ chánh niệm trong những công việc mình làm, đừng để bất cứ một phiền não gì dấy khởi lên. Phiền não đó là cái gì? Đó là lòng tham lam, giận dữ và si mê. Cũng đừng để những vọng tình thế gian là hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục chen vào tâm mình. Quý vị phải luôn luôn tỉnh thức, đề phòng sự xâm lấn của vọng tình. Tỉnh thức là giác, mà tâm giác là tâm Phật. Nếu một lúc nào đó, vọng tình khởi lên thì tâm giác sẽ giúp mình nhận diện được nó ngay, đồng thời cũng giúp mình quán sát nó để có thể tránh được nó mà trở về với cái tâm yên ổn. Xúc cảnh mà không sanh tâm (vọng tưởng) thì gọi là an.
Đức Phật cũng chế ra những hình tướng trong khi hành trì Kiết Hạ như kiết giới, tác bạch, chỉ bày nội tướng, ngoại tướng v.v...Đó chỉ là phương tiện bên ngoài. Lý đạo bên trong những hình tướng đó nằm trong cái pháp thậm thâm vi diệu với mục đích làm cho tâm được yên. Khi Tâm đã yên rồi thì con đường giải thoát sẽ thênh thang, không còn rắc rối gì nữa.
Thầy muốn nhắc nhở quý vị nên cố gắng chỉ sống với cái tâm Phật, cố gắng lìa những vọng tri, vọng kiến, thì sau ba tháng, chắc chắn quý vị sẽ đạt được đạo quả. Cái vi tế trong Lý Đạo An Cư là "chúng sanh tác Phật". Phật cũng từ chúng sanh mà thành. Các bậc thượng căn, thượng trí thì chỉ cần nghe một câu, làm một việc, là "hoát nhiên ngộ đạo", nhưng đại chúng ở đây, có vị thuộc hàng trung căn trung trí nhưng phần lớn thuộc hàng hạ căn, hạ trí nên phải kiên nhẫn mà tu tập và phải tu tập bằng cách giữ gìn lục căn thanh tịnh. Lục căn có thanh tịnh thì mới thâm nhập được cái vi diệu của Pháp An Tâm hay Pháp An Cư. Đó là ý nghĩa của câu "Chúng sanh tác Phật lâu lâu thấm nhuần" trong bài Sám An Cư mà quý vị tụng hàng ngày.
2. Kiết Hạ tam kỳ đăng bửu tháp
Tam kỳ ở đây là chỉ cho thời kỳ đầu, thời kỳ giữa và thời kỳ cuối hay nói cách khác là tháng đầu, tháng thứ hai và tháng thứ ba Kiết Hạ. Bửu tháp ở đây cũng đồng nghĩa với chữ tháp Đa Bảo trong Kinh Pháp Hoa, tức là cái tháp chứa đựng nhiều của báu.
Ngày xưa, tháp được xây dựng để chứa đựng xá lợi của chư Phật và chư Đại Bồ Tát. Bửu tháp ở đây dụ cho cái sáng suốt của Phật tâm trong chúng ta. Mặc dầu, chúng ta sẵn có cái tâm quý báu như ngọc Ma Ni, nhưng vì không biết sử dụng hay không biết giữ gìn cho nó luôn luôn sáng, nên không đáng được để trong bửu tháp. Trong ba tháng Hạ, chúng ta phải tu tập thế nào để mỗi ngày tâm được trong sáng mà lên bửu tháp. Đôi khi, người ta thường dùng ngôi chùa (thay vì dùng bửu tháp) để nói lên giá trị của trạng thái an nhiên tự tại của tâm Phật. Người ta dùng hình ảnh của ngôi chùa để nói lên cái giá trị quý báu đó vì trong chùa có ngôi Tam Bảo.
Theo lý, trong con người chúng ta, ai ai cũng có đầy đủ tam bảo: Phật Bảo là tánh giác ngộ, sáng suốt mình sẵn có. Pháp Bảo là tánh bình đẳng, lợi tha mình sẵn có và Tăng Bảo là tánh thanh tịnh, nhu nhuyến, hòa hợp mình cũng sẵn có. Đức Phật luôn luôn nhắc nhở cho mọi người biết là mình sẵn có tất cả cái thanh tịnh quý báu đó.
3. Cửu tuần cấm túc tâm hoan lạc
Trong chín tuần cấm túc, quý vị phải cố gắng xa lánh những chuyện thế gian, phải xa lánh bà con, thân thuộc, xa lánh những vọng tình có thể đem phiền não đến cho mình, nhất tâm làm Phật sự, tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền v.v...để giữ cho tâm thanh tịnh, luôn luôn sống với cái tâm Phật an nhiên tự tại của mình thì quý vị sẽ có một niềm hoan lạc mà quý vị không thể có trong một hoàn cảnh hay nơi chốn nào khác. Đó cũng là ý nghĩa của bài Sám mà quý vị đọc tụng hàng ngày:
"Chín tuần cấm túc đoan trang,
Trên đài Sen báu, rõ ràng Phật tâm".
4 Sách tấn tu trì chiếm khôi giáp.
Trong khi tu trì, mình phải sống cùng đại chúng, tu cùng đại chúng, làm việc cùng đại chúng. Quý vị phải khai triển tinh thần lục hòa mà Phật đã chế ra cho Tăng đoàn của Ngài. Quý vị phải gìn giữ và cư xử với nhau một cách hòa nhã. "Chúng đức như hải" nghĩa là công đức của chúng đối với mình rộng lớn như biển cả. Phải luôn luôn coi các bạn đồng tu là các bậc thiện trí thức của mình. Phải có tinh thần học hỏi lẫn nhau, khuyên bảo lẫn nhau, khuyến khích lẫn nhau cùng hướng thượng trên đường giác ngộ. Tất nhiên quý vị đều có hy vọng thấy tên mình ghi trên bảng vàng đắc đạo. Đó là chiếm được khôi giáp.
Bao nhiêu công đức vô biên,
Đều do tuổi Đạo cần chuyên tháng ngày,
Mong nhờ Phật lực hôm nay,
Đồng tròn giống trí, Liên Đài bước sang.
Quý vị đọc những câu Sám An Cư này hàng ngày, Thầy mong quý vị thâm thấu và tinh tấn tu trì cho tròn giống trí và cùng bước lên tòa sen.
Sang đến bài kệ thứ hai:
1 Nhất nguyệt diệt thô ngộ quả tiên.
Trong tháng thứ nhất, nếu quý vị giữ được sự tu trì đứng đắn và chuyên cần, quý vị sẽ diệt được các nghiệp thô phù, nghĩa là diệt được những mê mờ về kiến hoặc, tức là về sự. Không còn mê mờ về sự nữa là quý vị đạt được sơ quả trong hàng thánh tức là quả vị Tu Đà Hoàn. Thế nào là nghiệp thô phù hay là mê mờ về sự? Nếu quý vị không nhìn thấy những công việc mình làm hàng ngày đều là Phật sự hay nếu quý vị làm bằng cái tâm lăng xăng, so đo hơn thiệt, thì quý vị chưa dứt được phiền não. Chỉ khi nào quý vị thực hành công tác với một cái tâm tỉnh thức, an nhiên, làm việc gì ra việc đó một cách đúng đắn thì cái thấy của quý vị mới được gọi là chánh kiến, mới diệt được kiến hoặc. Diệt được kiến hoặc là đắc được quả Tu Đà Hoàn.
2 Nhị nguyệt tẩy phiền chứng đạo hiền.
Sang đến tháng thứ hai, hãy cố gắng diệt tư hoặc hay giải tỏa những mê mờ về lý. Làm thế nào cho mọi phiền não thế gian không còn sanh khởi nữa. Luôn luôn gìn giữ cái tâm Phật bằng các Pháp vị như tụng kinh, niệm Phật, tham thiền v.v... Phiền não thế gian mà diệt được hết thì quý vị sẽ đắc được đạo quả Tư Đà Hàm hay là Nhất Lai. Chỉ cần tái sanh một lần nữa thôi là đắc quả giải thoát, A La Hớn.
3 Tam nguyệt đoạn trần đăng Thánh Vị.
Trần ở đây là nói đến trần sa hoặc, nghĩa là những mê lầm nhỏ nhưng dày đặc như cát, bụi. Tu đến tháng thứ ba này, quý vị đã thuần thục, phiền não đã diệt và sẵn sàng bước vào Thánh vị A Na Hàm hay A La Hớn. Còn bao nhiêu mê lầm nhỏ thì trong tháng này phải rũ bỏ cho hết, đạt được tâm an nhiên tự tại và hiểu rõ ràng, tường tận về nhân quả, nghiệp báo. Quý vị đắc được quả A La Hớn thì không còn phải tái sanh trong cõi ngũ trược ác thế này nữa. Nếu có tái sanh thì đó cũng do nguyện lực để độ chúng sanh mà thôi.
4 Vô minh trừ tận nhập chân nguyên.
Khi quý vị không còn phiền não, không còn bị lôi cuốn theo những vọng tình thế gian, hiểu rõ tất cả lý và sự về nhân quả và nghiệp báo thì chắc chắn quý vị sẽ thể nhập được cái chân tánh sáng suốt sẵn có của mình. Chỉ cần tu trì đúng mức trong ba tháng Hạ là đắc quả viên mãn, hiện đời thành Phật.
Vì cái Pháp An Cư của Đức Phật vi diệu như thế nên từ năm 1976, khi ra nước ngoài, riêng thầy chưa từng dám lơ là, giải đãi trong vấn đề tổ chức Kiết Hạ cho quý Tăng Ni và Phật tử cùng tu. An Cư Kiết Hạ thuần thục rồi thì tòa sen đó, thầy mời quý vị cùng thầy bước lên.
Thầy xin tóm tắt lại bài Pháp vi diệu "Nghĩa Thú An Cư". Thật ra, cái vi diệu nói ở đây chỉ là làm sao giữ cho được cái tâm bình thường, an nhiên tự tại trong mọi hoạt động hàng ngày. Hoạt động nào cũng là công phu hành trì Phật pháp. Lặt rau, cuốc đất, rửa chén, quét nhà, niệm Phật, kinh hành, tọa thiền đều là Phật sự và đều phải được thực hành với cái tâm tỉnh thức, an nhiên tự tại. Sống trong chúng, tuy đông người, mà không thấy có Ta có người, không thấy năng mà cũng không thấy sở; mọi thời, mọi lúc chỉ biết hướng về nguồn chơn mà mình sẵn có. Sự tu tập không nên căng thẳng như dây đờn quá căng hay giải đãi, buông lung như dây đờn quá chùng.
Không cần phải có những hành động mới lạ, xuất chúng mà chỉ cần giữ cho tâm được bình thường. Cái "bình thường" mà Phật dạy trong Kinh: "Tâm bình thường là đắc đạo"
Thầy mong toàn thể quý vị lưu tâm tối đa.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát