Home > Khai Thị Phật Học > Dia-Tang-Vuong-Bo-Tat-Cuu-Do-Chung-Sinh-Khong-De-Bi-Doa-Vao-Dia-Nguc
Địa Tạng Vương Bồ Tát Cứu Độ Chúng Sinh Không Để Bị Đọa Vào Địa Ngục
Đại Sư Thích Ấn Thuận | Mạt Nhân Đạo Quang, Việt Dịch


Bồ tát Địa Tạng thị hiện cứu độ chúng sinh trong đời ác năm trược, chúng sinh khổ não nhất vẫn là chúng sinh trong địa ngục, cho nên sức bi nguyện của Ngài, mọi người đều biết, đó là cứu thoát chúng sinh trong đường địa ngục. Nhưng “cứu độ, giải thoát chúng sinh khổ não trong địa ngục” không phải là cách duy nhất, cũng chẳng phải biện pháp lý tưởng nhất. Quan trọng và cấp bách nhất, vẫn là làm thế nào để chúng sinh vĩnh viễn không bị đọa vào địa ngục. Đây mới là cách hay nhất để cứu độ chúng sinh. Như bác sĩ giỏi, không phải trị liệu hoặc giải phẫu cứu bệnh nhân, mà phải dạy mọi người điều phục thân thể, duy trì sức khỏe, đề phòng bệnh tật. Chúng ta chỉ biết Bồ tát Địa Tạng cứu độ chúng sinh trong  địa ngục, mà không biết Ngài còn dốc hết sức giáo hóa chúng sinh, việc nào nên dừng, việc nào nên làm, mới có khả năng không đọa vào địa ngục, chứ đợi đến khi đã đọa vào địa ngục thọ khổ rồi, thì quá muộn.

“Ngựa đến vực sâu thu cương đà quá trễ, thuyền ra giữa dòng vá lỗ chậm lắm thay!”

1. Tội lớn nhất định phải bị đọa vào địa ngục Vô Gián

Tạo tội nghiệp gì bị đọa vào địa ngục? Địa ngục khổ nhất là ngục Vô gián (Ấn Độ gọi A tì địa ngục). Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nói có rất nhiều tên gọi địa ngục. Địa ngục Bát Nhiệt, đâu đâu cũng có lửa lớn, giường sắt cột đồng; tầng thấp nhất là địa ngục A tì. Gây tạo ác nghiệp cực trọng, vừa chết liền đọa ngay vào địa ngục; thời gian thọ khổ trong địa ngục, cũng không có giây phút gián đoạn, cho nên có tên Vô gián địa ngục. Phật gia nói, tạo nghiệp lành được quả báo lành, gieo nhân ác ắt gặp quả ác, tạo ác nghiệp nặng sẽ bị đọa vào địa ngục. Nhưng tạo nghiệp địa ngục, có phải nhất định phải đọa địa ngục không? Có những ác nghiệp đọa địa ngục, nhưng đời sau không nhất định phải đọa địa ngục. Ai cũng có nghiệp đọa địa ngục, là ác nghiệp đã tạo đời trước; sinh ra đời này, khi chào đời đến lúc nhắm mắt xuôi tay, con người không khỏi tạo tác nghiệp địa ngục, nhưng không nhất định phải đọa địa ngục. Nếu có nhân duyên công đức lành nhiều hơn ác nghiệp, có khi được sinh lên cõi trời, cõi người (nhưng không phải ác nghiệp không còn). Song, nếu đã tạo ác nghiệp cực trọng, trừ khi không phạm thêm rủi phạm liền đọa dù có tu tạo công đức hoặc sám hối, đều không thể cứu được. Ví như có người lâm bệnh hiểm nghèo, nhất định phải chết, lại mắc thêm bệnh khá nghiêm trọng, nếu gặp được thầy hay thuốc tốt, vẫn còn tia hi vọng chữa lành; nhưng nếu “bệnh mới” cũng bệnh nan y, đến Hoa Đà cũng không cứu nổi. Chúng sinh trong đời ác năm trược, cơ hội tạo nghiệp xấu rất nhiều, nguy hiểm đến tính mạng cũng không phải nhỏ. Cho nên cần phải phân biệt rõ nghiệp thiện ác, đầu tiên nhận thức rõ ràng nghiệp xấu đọa lạc, mới có thể chú ý không làm, tránh khổ đau ở chốn địa ngục.

Nghiệp xấu cực nặng đọa lạc vào địa ngục Vô gián, trong kinh chia ra làm hai loại:

A. Mười một loại nghiệp xấu:

Kinh Thập Luân quyển 3 ghi: “Gây tạo ngũ Vô gián và gần ngũ Vô gián bốn tội căn bản cùng với hai tội phỉ báng chính pháp, nghi ngại Ba ngôi báu (…) Trong 11 tội này, chỉ cần phạm một, khi thân hoại dứt hơi, lập tức đọa ngay vào đại địa ngục Vô gián”. Mười một loại trọng tội này, phân làm năm Vô gián, bốn giới căn bản và phỉ báng chính pháp cùng nghi ngại Ba ngôi báu. Năm tội Vô gián, chỉ cần phạm một trong năm, nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục đại Vô gián. Năm tội Vô gián là: Một là, giết cha. Hai là, giết mẹ. Cha mẹ sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ ta, từ khi còn tấm bé đến lúc trưởng thành, ân nặng như núi. Theo cách nói của thế gian, giết hại cha mẹ, rõ ràng hành vi của loài súc sinh; trong hình pháp tội chống trái, làm hại cha mẹ, cũng nặng nhất. Ba là, giết bậc A la hán: Bậc thực tập phương pháp giải thoát của Phật đà đạt được quả vị A la hán, là tứ quả (Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán) thánh nhân, nếu giết hại vị ấy, tội ác không chỗ dung thứ. Bốn là, làm thân Phật chảy máu: Lúc đức Thế Tôn còn tại thế, Đề bà đạt đa muốn hại Ngài, lăn đá từ trên núi xuống, với ý tưởng điên rồ đè chết Ngài. Nhưng thần hộ pháp ngăn đá lại, đá lăn đến nửa chừng gặp những tảng đá khác cản, sự va chạm làm tảng đá vỡ ra, một mảnh nhỏ bắn trúng cẳng chân của Ngài, chảy máu, do đó phạm vào tội làm thân Phật chảy máu (Điều này chúng ta cần hiểu, hiện tại đức Phật đã thị hiện nhập Niết bàn, nhưng nếu cố ý đập chùa, phá tượng, hủy hoại kinh điển cũng đều phạm vào tội này). Năm là, phá hòa hợp tăng: Ác ý phá hoại sự hòa hợp thanh tịnh của tăng đoàn, chia rẽ sự hòa hợp, sẽ tạo thành tội nặng Vô gián. Ba tội sau cùng là trọng tội nhà Phật nói. Thực tế, trong đời ác năm trược, người phạm năm tội Vô gián không nhiều. Người giết cha mẹ rất ít; làm thân Phật chảy máu, ngoài Đề bà đạt đa, không thấy có người thứ hai (không kể những người cố ý đập chùa, phá tượng…); người có khả năng phá sự hòa hợp thanh tịnh của tăng đoàn cũng không có mấy ai; còn giết bậc thánh A la hán, đời này thuộc thời kì mạt pháp, bậc thánh A la hán ít xuất hiện thế gian, tội giết A la hán ít có. Vì thế chỉ còn cận Vô gián, bốn tội căn bản, là sát hại sinh vật, trộm cắp, tà dâm và nói dối, tạo thành tội địa ngục Vô gián. Người xuất gia li dục, nếu phạm vào bốn tội căn bản này, liền bị trục xuất ra khỏi tăng đoàn hòa hợp thanh tịnh, như cây bị chặt hết rễ, không thể sinh trưởng được nữa; như tử  thi  trong biển, biển không bao giờ dung chứa. Nếu phạm những lỗi không phải tội căn bản cận ngũ Vô gián, hoặc vừa phạm liền tức tốc kiền thành cầu khẩn sám hối với tăng chúng, vui vẻ chịu tăng thân phân xử; tuy trong đời hiện tại, không thể liễu sinh tử, chứng quả thánh, nhưng vẫn có thể nương tựa vào tăng thân, gọi là học chung với chúng Sa di. Nếu không biết sám hối, sẽ bị loại trừ khỏi tăng thân. Chúng tại gia hoặc xuất gia, nếu phạm những trọng tội căn bản của cận Vô gián, vừa phạm liền đọa lạc, khó sám hối được. Trong đó sát sinh (Đức Phật là bậc không thể bị người khác giết, Ngài có đản sinh hoặc nhập Niết bàn, cũng chỉ là thị hiện mà thôi), giết bậc Độc giác (Bích chi Phật4) là nặng nhất của tội sát. Trộm cắp, trộm cắp vật của Ba ngôi báu là nặng nhất; những vật của Phật, pháp và tăng, do mọi người phát tâm lành hiến cúng, nếu lấy sẽ mắc tội rất nặng. Tà dâm, cưỡng đoạt vị Tì kheo ni đã chứng quả A la hán là nặng nhất, vị Tì kheo ni đã tu hành chứng đắc A la hán, nếu ép buộc cưỡng bức, ắt sẽ đọa vào địa ngục Vô gián. Nói dối, nói lời không chân thật, thiếu chính niệm, nói thêm bớt những chuyện phải trái trong tăng đoàn, khiến đại chúng mất thanh tịnh, an lạc, tội này nặng nhất. Hết thảy công đức của thế gian, thanh tịnh giải thoát, đoạn tận sinh tử, thực tập hạnh Bồ tát, cho đến thành Phật, đều nhờ Ba ngôi báu mà được. Trong bốn tội nặng này, phá hoại Ba ngôi báu, làm cho Ba ngôi báu mất thanh tịnh, tổn hại rất lớn. Ngoài ra, tội thứ ba (nói dối) có hai loại, tưởng như chẳng lớn lao gì, kì thực vô cùng quan trọng.

1. Phỉ báng chính pháp:

Ngoại đạo phỉ báng chính pháp, bởi họ không hiểu Phật pháp, nói năng hồ đồ, như rắn nuốt nhái xanh, mèo ăn chuột, tuy có tội song không phạm trọng tội. Nhưng đệ tử xuất gia thực tập phương pháp giải thoát của Phật đà mà hủy hoại ngôi nhà chính pháp do cha mình gầy dựng nên, như trùng trong thân sư tử ăn thịt sư tử, tội nghiệp không gì sánh được. Chúng ta tin đức Thế Tôn, thực tập theo phương pháp giải thoát của Ngài, tuyệt đối không được hủy hoại Phật pháp. Có những pháp sư cư sĩ, vốn rất tôn trọng Phật pháp, tuyệt nhiên không có tâm hủy hoại chính pháp, nhưng có khi hủy hoại mà chính mình không hay biết. Trong Phật pháp có Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa (Đại thừa). Thực tập theo Thanh văn thừa, tán thán, xiển dương cái mình tu học, lại bảo Đại thừa chẳng phải Phật nói, đây chính là hủy hoại chính pháp. Người tu học Đại thừa, chê trách Tiểu thừa, cho rằng pháp đó không đáng học, cũng thuộc vào tội hủy hoại chính pháp. Chỉ chú trọng trì giới, phế bỏ thiền định và tu tuệ; hoặc chú trọng thiền định, phế bỏ trì giới và tu tuệ; hoặc đặt nặng tu tuệ, phế bỏ trì giới và thiền định…, thấy biết sai lầm như vậy, khuyên người không nên học, đây đều là hủy hoại chính pháp. Lại có người, chỉ học và thực tập một pháp môn, khinh  chê pháp môn khác, cho rằng pháp môn đó thấp bé không đáng để học, nếu học cũng chẳng lợi ích gì, đều là phỉ báng chính pháp. Một pháp môn đủ rồi, thế đức Như Lai dạy 84.000 pháp môn làm gì cơ chứ? Chú trọng một pháp môn, khinh chê các pháp môn khác, đưa chúng sinh vào kiến giải điên đảo, mê lầm, lạc vào đường tà, làm mù mắt chúng sinh… là tạo tội nặng ngục Vô gián.

2. Nghi ngại Ba ngôi báu:

Ba ngôi báu là Phật, pháp, tăng, nơi quay về nương tựa của đệ tử Phật. Đã quay về nương tựa Ba ngôi báu, thọ trì giới pháp thanh tịnh, bất luận tại gia hay xuất gia, mà còn tin quỉ thần của đạo khác, cho chúng ngang hàng với Đức Phật, hoặc siêu việt hơn Phật; xem kinh sách của ngoại đạo, hay hơn Ba tạng5, Mười hai thể loại kinh6  của đức Như Lai; nương tựa những người ngoại đạo, không có niềm tin thanh tịnh với tăng chúng xuất gia li dục… Những người này không tương ưng với Phật pháp, nghi ngại Ba ngôi báu, biểu hiện bằng hành vi không có niềm tin thanh tịnh. Một số người không phân biệt được thần và Phật, đã quay về nương tựa Ba ngôi báu mà họ vẫn có những luận điệu xằng bậy: Cái gì là Tam giáo đồng nguyên? Ngũ giáo hợp nhất? Cho rằng tất cả tôn giáo đều dạy người làm lành, đều có thể tín ngưỡng, đây là hành vi phản bội lý tưởng của mình. Không rõ phải trái, không phân biệt được thần Phật như vậy, thuộc vào tội nặng Vô gián vì nghi ngại Ba ngôi báu. Giết người, trộm cắp, chưa nhất định đọa địa ngục, nhưng nếu phạm bất kì một trong 11 loại ác trên, ắt sẽ bị đọa ngay.

B. Thập ác luân:

Kinh Thập Luân quyển 4 ghi: “Trong thập ác luân, nếu phạm một hoặc tất cả, hết thảy những điều lành đã tu tập được trước đó, đều bị phá tan hủy diệt hết, khi chết nhất định sẽ đọa ngay vào địa ngục Vô gián”. Luân nghĩa là phá tan. Có khả năng phá hoại hết thảy công đức căn lành, gọi là “ác luân”. Thập ác luân tức là 10 việc xấu, nếu phạm một, hoặc tất cả, mọi công đức lành tu tập được trước kia, đều bị phá hoại sạch. Thập ác luân: Chê bai A lan nhã (chùa); chê bai thừa khác (có ba); trừng trợn, làm hại thầy Tì kheo (có hai); xâm chiếm, đoạt lấy những vật thanh tịnh của chư tăng và Tì kheo phá giới; làm hại pháp sư; xâm đoạt vật của các thầy; phá chùa đuổi tăng.

1. Chê bai A lan nhã:

A lan nhã tiếng Ấn Độ, nghĩa là nơi vô sự,  vắng lặng không có tranh đấu. Bậc xuất gia li dục ở nơi tịch tĩnh tu hạnh thanh tịnh, gọi A lan nhã Tì kheo, người Trung Quốc gọi đóng cửa tu hành. Đức Phật nói Tì kheo có ba hạng: Một, vị chuyên thực tập thiền định, tinh tấn thực tập chỉ quán, chân thật dụng công, để đạt đến mục đích đoạn trừ vọng tưởng chứng quả thánh. Hai, vị đọc tụng nghiên cứu, như đọc tụng nghiên cứu đại Tạng kinh… Ba, vị làm Phật sự, phát tâm phục vụ tăng chúng, làm những việc tu tạo phước lành, như xây chùa, làm giám viện, tri khách… Trong ba việc này, đương nhiên tu tập thiền định được đánh giá cao nhất. Tì kheo thực tập thiền định, ở yên trong chùa, ít ra ngoài, chuyên tâm thực tập thiền định và tu tuệ, đoạn tận sinh tử, giải thoát mọi ràng buộc. Còn phát tâm phục vụ tăng chúng, chùa chiền, tuy tu tạo phước lành, nhưng không phải việc chính của người xuất gia li dục. Nghiên cứu  học  tập, cũng vì muốn dụng công tu tập, nhưng nếu chỉ quanh quẩn trên chữ nghĩa, kì thực chẳng phải lý tưởng của người xuất gia li dục chân chính. Cho nên, A lan nhã Tì kheo, tinh tấn tư duy thiền định, vị này được đức Thế Tôn cho phép thọ nhận đồ cúng dường tốt.

Lúc đức Như Lai còn tại thế, tất cả thành viên trong tăng đoàn, đều phải theo chúng, nếu chân chính tu tập thiền định, trí tuệ, đến giai đoạn quan trọng, cho phép vị ấy được tạm thời tự do, nghĩa là không sinh hoạt theo chúng cũng được. Nếu có người thấy vậy mà hủy báng Tì kheo A lan nhã, tức phạm vào một trong 10 ác luân. Vì đối với những bậc chân chính thực tập phương pháp giải thoát của Phật đà, đoạn tận sinh tử, không những không được làm chướng ngại, mà nên tạo duyên cho họ thành tựu đạo quả. Hủy báng, chướng ngại tu hành, là mục đích lớn nhất của những kẻ đang tâm phá hoại Phật giáo.

2. Chê bai thừa khác:

Giáo pháp nhà Phật chia ra làm ba thừa Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa. Người tu Thanh văn thừa, chê bai Duyên giác thừa, Bồ tát thừa; người tu Duyên giác thừa, chê bai Thanh văn thừa, Bồ tát thừa; người tu Bồ tát thừa, chê bai Thanh văn thừa, Duyên giác thừa. Ba hạng này, đều hủy hoại chính pháp, là ba loại của mười ác luân.

3. Trừng trợn, làm hại thầy Tì kheo:

Có hai. Một, trừng trợn, làm hại thầy Tì kheo thật học, thật đức, thật tu, như mắng chửi vị ấy, đánh đập vị ấy, hoặc tìm cách khiến cho vị ấy mất tự do, an ninh, thêm nhiều loại hãm hại. Có một số Tì kheo xấu, lôi kéo thế lực xấu ác ở địa phương, ẩn nấp dưới trướng của thầy trú trì, tìm cách lợi dụng thế lực xấu ác, hãm hại, phá hoại những vị Tì kheo có tài đức, hòng đạt mục đích chiếm đoạt. Ngoài ra, có một số người coi thường, oán hận, bức hiếp, hại vị Tì kheo phá giới, cho rằng vị ấy không phải người xuất gia li dục chân chính, không đáng được tôn trọng. Tự bào chữa bách bức hãm hại vị Tì kheo có đức, tất nhiên là tạo nghiệp, nhưng trừng trợn, làm hại thầy Tì kheo phá giới có tội gì đâu? Cần biết, tuy vị Tì kheo này phá giới, chỉ cần thầy ấy vẫn còn sống trong tăng đoàn, không đánh mất tư cách của người xuất gia, nếu mình trừng trợn, xem thường, hãm hại, cũng vẫn là nghiệp xấu. Tôi xin dẫn chứng nước Thái Lan: Phật giáo ở Thái Lan là quốc giáo, những vị xuất gia không phải ai cũng thánh thiện. Ví như có thầy Tì kheo đi ra ngoài phạm pháp, cảnh sát sẽ không bắt liền, bởi thầy ấy vẫn còn mặc ca sa, vẫn còn thân phận Tì kheo; cảnh sát sẽ theo thầy ấy về chùa, trình báo sự việc cho thầy trú trì, đợi tăng chúng quyết định, xóa bỏ tư cách Tì kheo, thu lại y ca sa của vị ấy rồi, lúc này cảnh sát mới bắt. Đây là bằng chứng sống của việc tôn kính Tì kheo. Đối với vị Tì kheo phá giới, phạm pháp, cũng không được trừng trợn, xem thường, làm hại. Cho nên, dùng thủ đoạn phi pháp đối với thầy Tì kheo phá giới, cũng là ác luân.

4. Xâm chiếm, đoạt lấy những vật thanh tịnh của chư tăng và Tì kheo phá giới:

Có những Tì kheo xấu, xúi dục, tiếp tay cho thế lực đen tối, mà thường xưng hộ pháp. Tiếp tay cho Tì kheo xấu, tranh đoạt chùa chiền, tài vật… của chư tăng và Tì kheo phá giới, bề ngoài trông như hộ trì người xuất gia, nhưng nếu tiếp tay cho Tì kheo xấu, quả thật đã tạo nghiệp ác.

5. Làm hại pháp sư:

Làm hại những vị pháp sư giảng kinh, thuyết pháp, hoằng pháp lợi sinh. Trước kia pháp sư Thiên Hi, đệ tử pháp sư Đế Nhàn, đến Quí Dương (Trung Quốc) hoằng pháp, giảng kinh trong một ngôi chùa nhỏ ở Kiềm Linh. Pháp sư giảng rất hay, thính chúng đến nghe đông nghịt, do đó có những kẻ ghen ghét, cấu kết với quan phủ, vu khống thầy là hạng du dân, phải đuổi đi ngay, đây là ví dụ làm hại pháp sư. Xâm đoạt vật của các thầy:

Cướp đoạt tài vật của người xuất gia li dục, cũng là tội nặng địa ngục Vô gián. Từ cuối đời nhà Thanh, tài sản chùa chiền tại Trung Quốc, không biết vô tình hay cố ý mà đều bị cho là của công, cưỡng đoạt chiếm lấy. Chẳng có gì người ta không làm được, luôn mượn danh nghĩa xây dựng trường học, xâm chiếm tài sản nhà chùa. Hoặc, thấy chính quyền địa phương lơ là, liền lợi dụng quyền thế, chiếm đoạt chùa chiền. Có một số tuy nói lấy chùa xây dựng trường học, họ chỉ mượn cớ vậy thôi, nhưng trên thực tế đều lấy làm của riêng. Chùa là trung tâm tín ngưỡng của dân chúng, cần phải thanh tịnh trang nghiêm. Quốc gia nào có hành vi như thế, tức là đã không tôn trọng tự do tôn giáo.

Giáo đường của các nước Âu Mỹ cũng tốt, đại tự viện của Nhật Bản cũng được, ngày thường hay thấy vắng, nhưng có lễ là không đủ chỗ chứa! Chùa chiền, thánh đường là trung tâm tín ngưỡng của nhân dân, nơi đây dạy con người hướng thượng hướng thiện, nếu cho là lãng phí, mặc tình chiếm đoạt, tức đã phạm một trong 10 ác luân. Nếu cứ mãi tạo nghiệp xấu như vậy, thế có thể đạt được kết quả tốt không?

6. Phá chùa đuổi Tăng:

Phá hủy tất cả chùa chiền, đánh đuổi chư tăng, đây là ác nghiệp vô cùng lớn.

Bảy loại này thập ác luân, bất cứ làm một việc nào, tội báo đều lớn, chắc chắn phải đọa địa ngục Vô gián. Mười một loại tội và mười ác luân, đều là nhân địa ngục. Không ai muốn mình bị đọa địa ngục Vô gián. Muốn không bị đọa vào đó, cần phải rõ nhân duyên đưa đến đọa lạc. Không gây tạo những nghiệp xấu này, nhất định sẽ không gặp quả báo xấu, không bị đọa địa ngục Vô gián.

C. Tôn kính thầy Tì kheo chớ có quát mắng hủy hoại:

Tại gia cư sĩ, phải cung kính bậc xuất gia li dục, không được quát mắng hủy hoại. Kinh Thập Luân quyển 3, đức Thế Tôn dạy: “Các loài hữu tình, phát tâm xuất gia theo chính pháp của ta, cạo bỏ râu tóc, khoác y ca sa, vị ấy trì giới, không trì giới, thậm chí không có giới, nhưng tất cả trời, người, a tu la… chiếu theo luật pháp thế gian, còn không được phép đánh đập, quát mắng, giết hại… huống gì chẳng phải luật pháp!” Phát tâm rời bỏ gia đình thế tục vào sống trong nhà tình thương của Phật pháp, cạo bỏ râu tóc, khoác y ca sa, tức là xuất gia. Nhưng xuất gia cũng có mấy loại: Có vị trì giới, có vị phá giới, cũng có vị không có giới. Sao gọi không có giới? Tuy mang hình tướng xuất gia, nhưng nương tựa những người không chịu thực tập phương pháp giải thoát của Phật đà, không thọ giới, tùy tiện đắp y ca sa, xem ra cũng là người xuất gia. Theo luật pháp của nhà nước, phạm tội gì, sẽ bị hình phạt đó. Nhưng hễ người xuất gia trì giới, phá giới hoặc không có giới, giả sử phạm pháp, cũng không được đánh đập, giam cầm, hoặc giết hại. Theo pháp luật chính đáng của nhà nước, còn không cho phép như vậy, huống gì hình phạt oan khuất không đúng pháp luật? Tóm lại, bất luận thế nào, chỉ cần mang hình tướng xuất gia, sống trong tăng đoàn, không cho phép tra tấn, bức hại theo pháp luật của thế tục hoặc phi pháp. Trong Phật pháp tự có cách xử lý, như đã nói ở trên, người xuất gia ở nước Thái Lan, nếu phạm pháp, do đại chúng xuất gia giải quyết, tước ca sa, không cho sống trong tăng đoàn thanh tịnh hòa hợp, sau đó mới thọ hình phạt của quốc pháp. Vì tôn kính Ba ngôi báu, không được dùng pháp luật la mắng, tra tấn theo kiểu thế tục một cách tùy tiện.

Tì kheo trì giới thanh tịnh, đương nhiên không cho phép dùng phi pháp của thế tục khiển trách, trừng phạt. Thế còn những thầy Tì kheo phá giới, vì sao cũng không cho phép pháp luật hoặc phi pháp của thế tục khiển trách, trừng phạt? Vấn đề này mang hàm ý rất sâu xa. Kinh Thập Luân quyển 3, đức Như Lai nói: “Tì kheo phá giới làm ác, tuy ẩn mình trong giới luật của ta, nhưng vị ấy chỉ là thây chết, song giới đức xuất gia vẫn còn lưu đôi chút”. Lại dạy tiếp: “Tuy người xuất gia phá giới hạnh, nhưng những loài hữu tình thấy được hình tướng của vị ấy, nên sinh khởi 10 loại tư duy thù thắng, sẽ thu hoạch được công đức quí báu: Niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới, niệm thí, niệm nhẫn, niệm xuất gia, niệm viễn li, niệm trí tuệ, niệm căn lành xuất li sẵn có”. Theo ý nghĩa của kinh văn: Tì kheo phá giới, giống như thây chết (đời này không có khả năng tu hành chứng quả), biển lớn Phật pháp, không thể dung nạp vị ấy, cho nên tốt hơn hãy cho ra khỏi tăng thân thanh tịnh. Nhưng Tì kheo phạm giới làm xấu, trước kia đã từng có thời gian xuất gia thọ giới trong tăng đoàn; tuy hiện tại phá giới, song giới đức trước kia vẫn còn đôi chút. Tóm lại, Tì kheo phá giới không phải là phá hoại hết thảy giới lành, vẫn còn một số công đức! Giống như chậu trước kia chứa đầy hương liệu, dẫu lấy hết hương liệu, song vẫn còn lưu lại chút ít mùi thơm. Tì kheo phá giới, nhờ trước kia đã từng thọ giới, cho nên vẫn còn một số công đức, vẫn có khả năng làm cho những ai nhìn thấy sinh khởi 10 thứ tư duy thù thắng, tăng trưởng phước đức và trí tuệ. Nói đến đây, đại chúng suy xét lại mình. Hiện tại chúng ta biết học Phật, hoặc giả trình độ Phật pháp đã tương đối khá, đã thọ trì Năm nguyên tắc đạo đức hoặc Bồ tát giới, nhưng lúc đầu nguyên nhân nào giúp chúng ta tin Phật? Đương nhiên, có một số gặp được chư đại đức, pháp sư mà sinh khởi tín tâm, quay về nương tựa Phật pháp; có một số lúc nhỏ tại quê hương, thấy những vị xuất gia không mấy nổi tiếng, nhưng nhờ đó dần dần kết pháp duyên với vị đó mà phát tâm thực tập phương pháp giải thoát của Phật đà; hoặc giả thấy những vị xuất gia không ra gì phá giới hoặc không có giới, có lẽ ấn tượng lúc mới gặp không tốt lắm, nhưng lại giúp bạn sinh khởi cái nhìn tốt đẹp, biết có Phật, có pháp, có tăng, gieo trồng hạt giống tu tập hiện tại. Cho nên, tượng Phật hư vỡ, kinh sách mục nát, người xuất gia phá giới, đều có khả năng giúp chúng sinh có niềm tin thanh tịnh vào Ba ngôi báu. Như vậy, Tì kheo phá giới, vô giới, có khả năng giúp người ta sinh khởi công đức, tăng trưởng tư duy thù thắng. Như nhớ nghĩ công đức không thể nghĩ bàn của Ba ngôi báu, nhớ nghĩ trì giới, bố thí, công đức nhẫn nhục, phát khởi tâm muốn xuất gia, xa rời phiền não, nghĩ đến tìm cầu trí tuệ, căn lành mình đã gieo trồng trước kia. Cho nên, đứng trên lập trường của người xuất gia, Tì kheo phá giới, làm việc ác, nên trục xuất khỏi tăng đoàn; nhưng còn đứng về phương diện của tín chúng, vị ấy vẫn còn có khả năng giúp mọi người tăng trưởng công đức, làm ruộng phước cho chúng sinh. Tóm lại, thầy Tì kheo giữ gìn giới pháp thanh tịnh, cố nhiên lý tưởng, càng sinh tâm sùng bái, kính ngưỡng; còn thầy phá giới, dù có biết, người tại gia cư sĩ cũng không được chửi mắng, hãm hại, giam cầm vị ấy, bởi hành vi này đang tạo tội nghiệp với tăng đoàn. Bồ tát Địa Tạng thị hiện vào cõi đời ác năm trược này, hiện tướng xuất gia, làm công việc biểu hiện tinh thần từ bi cứu độ chúng sinh của chư vị Bồ tát, cho mọi người biết thế nào là cạo bỏ râu tóc, khoác y ca sa, sống trong đoàn thể của những bậc xuất trần thanh tịnh, là tốt hay xấu, nên giữ hình ảnh đẹp của người xuất gia sống đời tỉnh thức. Nếu thầy Tì kheo nào đó đánh mất thân phận của người xuất gia, song vẫn còn sống trong tăng đoàn, chúng ta có thể không ca ngợi, cúng dường, hộ trì nhưng tuyệt đối không được dùng thủ đoạn mắng nhiếc, hãm hại, dù trước mặt hay sau lưng. Bằng không, có ảnh hưởng không tốt đến Phật pháp, vô hình trung tạo thành trọng tội hủy hoại Ba ngôi báu.

Bồ-tát Địa Tạng cứu độ chúng sinh đọa trong địa ngục, song vẫn đặc biệt chú trọng làm thế nào để chúng sinh không bị đọa địa ngục. Muốn không đọa địa ngục, có thể tổng quát làm tám chữ: “Tôn Kính Tam Bảo, Tin Sâu Nhân Quả”. Những chữ này người xuất gia sống đời tỉnh thức và tại gia đệ tử Phật nằm lòng, Bồ-tát Địa Tạng thị hiện tướng xuất gia vào thế giới dơ xấu hóa độ chúng sinh, cũng không ngoài điều này. Trong đó, chú trọng nhất, đặc biệt làm thế nào tôn kính pháp, tôn kính tăng, mới có khả năng hộ trì Phật pháp, giữ mãi Phật pháp tồn tại trong thế gian cứu độ chúng sinh, làm cho họ được lợi ích và tắm trong dòng suối pháp an lành của đức Như Lai. Đức Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện thành Phật ở thế giới này, hiện tướng xuất gia, hi sinh xả bỏ nhà cửa, dòng họ, tài sản… tu hành thành bậc Chính Giác. Chúng đệ tử theo Ngài xuất gia tu tập, tạo thành tăng đoàn xuất gia của Phật giáo. Tăng là một trong Ba ngôi báu, các thầy là những vị hết sức quan trọng trong Phật pháp, đức Như Lai dạy các thầy hãy hi sinh vinh hoa phú quí, hưởng thụ, để tâm vào việc hóa độ chúng sinh, do đó tổ chức chúng xuất gia, thành đoàn thể thanh tịnh lợi mình lợi người. Nếu nội bộ tăng đoàn hỗn loạn, cư sĩ tại gia không rõ tình hình nội bộ, dùng mọi thủ đoạn bất chính “can thiệp”, kết quả tăng thêm khốn khó cho tăng đoàn, làm cho tăng đoàn không hòa hợp, đánh tan năng lượng, sức mạnh cứu độ chúng sinh. Pháp môn kinh Địa Tạng chỉ rõ, bất luận là 11 tội nặng đọa địa ngục, hoặc 10 ác luân đọa địa ngục, vẫn chú trọng nhất là tội nặng phỉ báng chính pháp, bức hại người xuất gia, phỉ báng người thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, xâm chiếm tổn hại tài vật của chúng tăng… Bởi đây là pháp và tăng của tăng đoàn Phật giáo. Nếu ra sức phá hoại, Phật giáo ở thế gian mất đi tướng thanh tịnh của các sứ giả Như Lai, vậy có thể phát huy công dụng to lớn cứu độ chúng sinh không? Ví dụ như người yêu nước, không thể không trung thành với đất nước mình, càng không thể đi  ra nước ngoài rao giảng rằng quốc gia mình không tốt. Hành vi này chỉ làm cho đất nước hỗn loạn, càng làm cho quốc gia gặp nguy nan, y là tội nhân của nước nhà. Phật giáo cũng vậy, người chân chính có niềm tin thanh tịnh đối với Phật giáo, nhưng nếu phá hoại Phật pháp và tăng đoàn, làm cho Phật pháp suy yếu, cũng là tội ác cực đại. Vấn đề này không chỉ có riêng kinh Địa Tạng nói, mà tất cả kinh điển Đại thừa đều nói đến. Bồ-tát Địa Tạng biết đời ác năm trược, thời đại mạt pháp, người xuất gia không giữ được lý tưởng của mình, còn cư sĩ tại gia không chịu tu phước tu tuệ, lại có những hành vi không đúng với pháp, luật của Ba ngôi báu. Điều này, không cần ngoại đạo phá hoại, không cần ngoại đạo hủy báng, tự mình đã làm mình sa sút rồi. Do đó Bồ-tát Địa Tạng mới thị hiện tướng xuất gia, trong pháp hội của đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn hiển thị pháp môn này, cho chúng sinh biết được cái gì dễ đưa mình vào địa ngục nhất? Giúp đệ tử xuất gia và tại gia, đều phải đặc biệt chú ý điểm này, từ đó càng sinh tâm yêu kính và bảo hộ Ba ngôi báu. Đây không chỉ chính mình không bị đọa lạc vào địa ngục, mà cũng còn chấn hưng được Phật giáo, những cái không thanh tịnh dần dần được thanh tịnh, ngày càng huy hoàng thêm.
 

Trích từ: Thánh Đức Và Sự Linh Ứng Của Bồ Tát Địa Tạng