Home > Khai Thị Phật Học > Mon-No-Nua-Dong
Món Nợ Nửa Đồng
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Một người cho bạn vay nửa đồng, lâu không thấy trả, nên đi đòi nợ, khi qua sông phải trả hai đồng tiền đò, đến nơi thì bạn đi vắng nên phải lộn về, mất thêm hai đồng tiền đò nữa. Vì nửa đồng mà tốn hết bốn đồng, chưa kể đến nỗi nhọc mệt đi đường, món nợ ít mà hao tốn nhiều, quả đáng chê cười.

Thế nhân cũng vậy muốn được chút danh lợi mà đánh mất phẩm đức, làm bại hoại tư cách, hiện tại bị tiếng xấu, tương lai chịu khổ báo.

Lời Bình:

Nghiệp là chỗ tích lũy mọi nhân quả trong ba đời, nhân quá khứ tạo thành quả hiện tại, quả hiện tại lại thành nhân của tương lai quả, cứ vậy triển chuyển không ngừng, tích tụ các nhân duyên quả báo này thành cảnh giới lục đạo, vì mọi nghiệp nhân này chỉ đưa đến sáu cảnh khổ quả gọi là lục đạo, do nhân không thoát khỏi quả, nên mọi nhân hành nơi ba nghiệp của chúng sinh đều gói trọn trong quả khổ của sáu đường. Trông quả biết nhân, thấy quả lục đạo tất biết nhân vô minh ái dục, lại trông nhân biết quả, thấy nhân vô minh ái dục tất rõ chịu quả luân hồi lục đạo. Như trong kinh Nhân quả đức Phật dậy, "dục tri tiền thế nhân, kim sinh thọ giả thị, dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị" (muốn biết nhân đời trước, nhìn đời nay đang thọ, muốn biết quả tương lai, nhìn đời nay đang làm).

Đức Phật quán sát cảnh giới của nhất thiết chúng sinh, và phân các cảnh giới này làm sáu đường (đường đến luân hồi có sáu nẻo đường nên gọi là lục đạo), trong sáu đường không có chỗ an lành vĩnh hằng, vì bị mọi nhân quả thiện ác bức bách, chịu đủ quả báo, lưu chuyển theo nhân quả không ngừng nên không có chỗ bám víu, như người bị trôi dạt trong sóng biển, không chỗ trụ, chẳng chỗ bám để được nghỉ ngơi, cứ thế mà hụp lặn theo sóng nước, như chúng sinh thăng trầm theo sóng nghiệp, không bao giờ đuợc ngơi nghỉ, gọi là vô gián khổ. Vì vậy Như lai nói, nhân sinh thị khổ, hay trong kinh Pháp hoa dậy "tam giới vô an, du như hỏa trạch" (ba cõi bất an, giống như nhà lửa) . Thấy quả khổ thực sự là khổ đế, tất biết nhân hành, nhân hành này do ái dục che mờ tưởng là thực hiện hạnh phúc, mà nào hay là quả khổ, cứ đâm đầu vào, như loài thiêu thân gieo mình vào lửa vì ngỡ là hạnh phúc, nên bị "hạnh phúc đó" thiêu thân, ái dục vô minh này cũng đưa chúng sinh vào ngọn lửa lục đạo, chịu biết bao khổ, và thay vì tìm đường thoát khỏi khổ, lại chỉ mong kiếm cách tìm chỗ an toàn trong khổ. Đó là tập đế nguyên nhân thọ khổ.

Nhân quả như món nợ vay trả, nhân vay quả trả, chúng sinh có nợ tắng ái, thuận nghịch với nhau, nên cứ mãi vay trả trả vay mà lặn lội trong sáu nẻo chịu vô lượng gian khổ và trả giá đắt cho những món nợ này, một món nợ không bao giờ trả hết cũng như không sao đòi được, trong sáu nẻo không có chỗ bám, chỗ trụ, và chúng sinh cũng không sao sở hữu được bất kì sự vật nào, ngoài cái nghiệp bồng bềnh của một gã cùng tử nhất vô sở hữu.

Gã đòi nợ nửa đồng cũng vậy hao sức tổn tài, đòi cho được món nợ không đáng giá so với công sức của gã, như chúng sinh lặn lội trong luân hồi để đòi những món nợ tắng ái, thắng bại, thuận nghịch đắc thất với nhau, nợ đòi chỉ là những thứ có giá trị tạm bợ không thật, mà công sức thì chịu bao kiếp thăng trầm trong sinh tử nơi lục đạo, mỗi lần sinh là đến đòi nợ với tay không, rồi mỗi lần tử lại ra về với tay không, nhưng bao nhiêu nghiệp nợ thì vẫn chưa hề đòi hay trả xong. Hơn nữa người đòi nợ đời chỉ đồng nghĩa với gây khổ cho kẻ bị đòi. Người trả nợ dĩ nhiên cũng chỉ có một cách trả nợ là hứng chịu mọi khổ nhục từ chủ nợ. Họ đòi và trả dưới danh nghĩa của cha mẹ con cái, vợ chồng, chủ tớ, bạn bè cho đến kình địch và kẻ thù. Nhìn đi xét lại thì dù dưới hình thức thương hay ghét, nợ nào cũng được đòi và trả bằng khổ não bất an.

Lưu chuyển trong luân hồi chúng sinh không sao thủ được bất cứ món nợ ái, vinh, thuận hay đắc nào, những thứ này thoạt đến, và rồi thoạt đi để biến ái thành hận, vinh thành nhục, và thuận thành nghịch. Vô thường nên không thật đắc, chúng sinh lại bị nhân duyên nghiệp báo cuốn trôi không ngừng từ trẻ đến gìa, từ vinh đến nhục, từ có đến không và từ sinh đến tử. Nhưng do tâm ái kiên cố không thấy sự thật này nên vẫn cương cường tìm cách chấp thủ mọi sở ái, tạo thành nghiệp hữu, dẫn đến sinh và lảo tử nơi tương lai, theo đúng thứ lớp của 12 nhân duyên. Nên kinh Viên giác đức Phật nói ái dục là căn bản của luân hồi (đương tri luân hồi ái vi căn bản), vì vậy muốn thoát sinh tử, hết luân hồi phải diệt tham dục và trừ khát ái trước nhất. (thị cố chúng sinh dục thoát sinh tử, miễn chư luân hồi, tiên đoạn tham dục, cập trừ khát ái).

Người tu học nếu chưa thật sự cát ái, tất sẽ bị ái che mờ, nên thay vì bỏ thứ che mờ là ái, để thấy rõ vọng hoặc, nhờ vậy lìa vọng được chân, lại vẫn chịu sự chi phối của ái, mà phát tâm truy cầu, thủ cho bằng được các đối tượng của ái, như ái sắc, ái danh, ái tiền, ái quyền, ái thầy ái trò, ái đồng đạo, không sao kể hết các thứ ái, vì là vô lượng ái, nên chồng chất thêm nợ nần với nhau, để rồi vay trả trả vay trong cảnh giới ngũ thú đầy ngũ trược này. Ái tuy vô lượng song chỉ từ một gốc sinh, như từ một gốc ngu năng sinh ra mọi thứ ngu vậy. Bản chất của ái dục là che mờ, nên còn gọi là vô minh, do vô minh mà thành gã khờ đi đòi nợ, vì chút ái dục mà hỏng một cơ hội xuất tam giới gia, diệt hết trí huệ thoát li, thành tựu kiếp cùng tử bồng bềnh theo giòng sinh tử trôi nổi trong tam giới, chỉ để đòi và để trả món nợ vừa khó đòi vừa khó trả, nên tựu chung chịu khổ bao đời, như gã khờ đi bao chuyến cũng vẫn tay không.

Về lời bình của câu chuyện thì vì ham chút danh lợi mà đánh mất phẩm đức, làm bại hoại tư cách, hiện tại bị tiếng xấu, đời sau chịu khổ báo. Đó chẳng qua là vì coi danh lợi nặng hơn phẩm đức, nay mượn lời của hiền triết Đổng trọng Thư đời Đông hán phân tích về lợi và nghĩa, để nhận chân sự thật về 2 thứ này như sau:

" Lợi để nuôi thân, nghĩa để nuôi tâm. Tâm không nghĩa không thể vui, thân không lợi không thể yên. Thân thể không gì quí bằng tâm, nên nuôi không gì quý hơn nghĩa. Nghĩa nuôi sống lớn hơn lợi. Nay có người lấy nghĩa làm lớn không chút lợi, tuy nghèo cùng nhưng vẫn cho việc làm mình là vui mà sống an. Còn như chỉ để bụng đến lợi tuy giầu sang nhưng vẫn thẹn nhục vì điều ác lớn, ác sâu thì họa nặng, tuy chưa chết ngay nhưng cái họa cũng quanh quẩn bên mình, nên vẫn lo sợ mà không thể sống vui được, và rồi cũng bị nạn chém giết, ấy là chết non. Thế thì có nghĩa tuy nghèo mà vẫn tự lạc, vô nghĩa tuy giầu mà không giữ đuợc thân. Như vậy đủ thấy nghĩa nuôi người lớn hơn lợi là của cải. Người thường không biết như vậy, nên quên cái lý mà đắm cái tà đến hại thân hại nhà. Nếu không phải do họ tự tính toán cho mình không hết lòng thì cũng do vì họ biết không tỏ vậy. Như cho trẻ con nắm táo và nắm vàng, thì chúng sẽ lấy táo, hay cho người quê mùa cân vàng và viên ngọc, hẳn họ sẽ lấy vàng. Cho nên vật đối với người, nhỏ thì dễ biết, lớn thì khó thấy, như lợi đối với người thì nhỏ mà nghĩa thì to. Nên chẳng lạ gì mà người dân xu hướng về lợi mà không xu hướng về nghĩa, do vì mờ tối vậy. Việc của thánh nhân là làm sáng cái nghĩa để soi rõ chỗ mờ tối của người, khiến họ không rơi vào chỗ không hay".

Nho gia hiểu rõ lợi chẳng bằng nghĩa, nên không đổi nghĩa lấy lợi. Phật gia nhận chân trí ngu, nên chẳng dùng ngu sai sử trí, mà thường dùng trí để chỉ dậy ngu, nhờ vậy hiện đời an lạc, tương lai giải thoát.