Home > Khai Thị Phật Học
Quả Báo Của Không Ác Khẩu
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Viên Đạt, Việt Dịch


Kinh văn: “Phục thứ long vương, nhược ly ác khẩu, tức đắc thành tựu bát chủng thiện nghiệp. Hà đẳng vi bát? Nhất, ngôn bất quai độ. Nhị, ngôn giai lợi ích. Tam, ngôn tất khế lý. Tứ, ngôn từ mỹ diệu. Ngũ, ngôn khả thừa lĩnh. Lục, ngôn tắc tín dụng. Thất, ngôn vô khả cơ. Bát, ngôn tận ái lạc. Thị vi bát. Nhược năng hồi hướng Anậu đa la tam miệu tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời cụ túc Như Lai Phạm Âm thanh tướng”.

Kinh văn rất rõ ràng, ý nghĩa sâu xa vô tận. Trong đây Phật nói cho chúng ta biết làm thế nào thành tựu tịnh nghiệp, đặc biệt là đối với pháp môn niệm Phật. Mọi người đều biết pháp môn niệm Phật là tu tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp tu từ đâu vậy? Tịnh từ miệng trước. Chúng ta xem thấy trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy chúng ta pháp cơ bản của tu hành là khéo giữ ba nghiệp. Trong khéo giữ ba nghiệp, vừa mở đầu Phật dạy chúng ta: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”, chính là chỗ này nói. Từ đó cho thấy, tu Tịnh Độ là bắt đầu từ đâu. Chúng ta biết và hiểu rõ tính quan trọng của đoạn giáo huấn này. Cho dù là cấp dưới của bạn, họ không thể không phục tùng bạn, nhưng cùng lắm là bề ngoài phục tùng thôi, chứ trong tâm không phục, vậy là thất bại. Thường thường đợi khi thời cơ đến thì thuộc hạ phản bội bạn. Tại sao lại bội phản vậy? Ắt có nguyên nhân, trong đó chắc chắn không thể thiếu nhân tố thường ngày nói năng không cẩn trọng tạo thành hậu quả. Đây là mấu chốt thành bại của tất cả sự nghiệp thế xuất thế gian. Chung sống giữa người với người, nói năng chiếm phân lượng thật quá lớn. Cho nên nhà Nho dạy học, ngôn ngữ được liệt vào môn học quan trọng. Phu Tử dạy học có bốn môn, trong đó môn thứ nhất là đức hạnh, môn thứ hai là ngôn ngữ. Từ đó cho thấy, Ngài coi trọng ngôn ngữ biết bao. Ngôn ngữ là biểu hiện của đức hạnh, xem ngôn ngữ của bạn, xem thái độ của bạn, xem động tác của bạn là biết ngay đức hạnh của bạn cao hay thấp.

Chúng ta phải làm thế nào tu đức, tích lũy công đức? Đây là điều mà Phật Bồ Tát trong Kinh luận thường hay dặn dò chỉ dạy chúng ta. Chư Phật Bồ Tát làm nên tấm gương cho chúng ta thấy. Nhu hòa ái ngữ, đây là cứu giúp mọi người. Chúng ta phải gần gũi thiện tri thức. Tôi trước đây gần gũi Chương Gia Đại Sư, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, chúng tôi đứng ở bên cạnh quan sát các Ngài tiếp đãi khách, tiếp đãi người đến học, chúng tôi thấy rồi cảm động rất sâu, học tập ngay chỗ này. Sự gần gũi của thầy đối với học trò thì không giống với đại chúng. Đối với học trò thường xuyên dạy dỗ nghiêm khắc, nhưng đối với đại chúng thì không. Thầy có trách nhiệm giúp đỡ, thành tựu học trò, nhìn thấy họ có lỗi nhất định phải nói. Cho nên trước đây, thầy nói với chúng tôi: “Nói người lỗi lầm, chứ ai muốn nói lỗi lầm của người? Ai muốn gây oan gia đối đầu với người?”. Người thông minh, có học vấn chắc chắn không làm việc này. Chỉ kết thiện duyên với người, dứt khoát không kết ác duyên với người. Bạn có lỗi lầm, người khác sẽ không nói. Chỉ có hai người nói lỗi lầm của bạn là cha mẹ bạn và thầy của bạn. Bạn bè đồng học nói lỗi lầm cũng chỉ một lần, nhiều nhất là hai lần và sẽ không nói lần thứ ba nữa. Nói hai lần mà bạn không chịu sửa thì lần thứ ba sẽ không nói nữa, tại sao vậy? Nói nữa sẽ trở thành oan gia. Vậy họ sẽ đối xử bạn thế nào? Kính nhi viễn chi! “Viễn chi” là gì vậy? Là không cộng sự với bạn. Trong xã hội, bạn làm bất kỳ sự nghiệp gì cũng không được người khác giúp đỡ. Người mà bạn gặp gỡ là người có quan hệ lợi hại với bạn. Bạn bè đạo nghĩa, một người bạn cũng không có. Cho nên, đức hạnh và ngôn ngữ không thể không học.

Thực tiễn của đức hạnh chính là thập thiện nghiệp đạo mà Thế Tôn đã nói trong bộ Kinh này. Khẩu nghiệp là quan trọng. Bạn có thể lìa ác khẩu thì bạn liền đạt được tám loại tịnh nghiệp.

Loại thứ nhất: “Ngôn bất quai độ”

Chữ “độ” này chính là ngày nay chúng ta gọi là chừng mực. Ngôn ngữ của bạn vừa đủ hay, thông thường nói là như lý như pháp, hợp tình hợp lý, không thái quá, cũng không bất cập, đây là loại tịnh nghiệp thứ nhất. Ngôn ngữ thái quá chứng tỏ là người nịnh hót, người xu nịnh. Ngôn từ bất cập chứng tỏ ngạo mạn, coi thường người khác. Muốn ngôn từ có thể nói được đến vừa đủ hay, thì nhất định ở trong đời sống thường ngày phải học tập, thường xuyên luyện tập để thành thói quen.

Loại thứ hai: “Ngôn giai lợi ích”

Việc này rất quan trọng. Lời nói vô ích, trong Phật pháp gọi là “hý luận”, người thế gian chúng ta gọi là lời giễu cợt. Chư Phật Bồ Tát, người tu đạo không có hý luận. Hý luận và dí dỏm không giống nhau. Sự dí dỏm của người thế gian chưa chắc là có lợi ích đối với đối phương, đối với đại chúng xã hội. Lời của thánh hiền, quân tử gọi là “xuất ngôn thành tắc”. Lời nói mà họ nói ra đều có thể làm tiêu chuẩn cho đại chúng xã hội, đây chính là lợi ích. Từ đó cho thấy, tịnh nghiệp là có lợi ích. Nếu như không có lợi ích đối với đại chúng xã hội thì đây không phải tịnh nghiệp. Lợi ích quan trọng nhất là khiến chúng ta được tâm thanh tịnh, giúp chúng ta đoạn phiền não, tăng trí tuệ, đây là lợi ích chân thực.

Loại thứ ba: “Ngôn tất khế lý”

“Lý” là chân lý, nhất định sẽ không đi ngược chân lý. Lời nói trái lý, thánh hiền quân tử dứt khoát không có. Tại sao vậy? Họ nhìn thấy chân lý rồi, nhà Phật thường nói là “minh tâm kiến tánh”. Cho nên, hành vi của họ, ngôn ngữ của họ nhất định tương ưng với tánh đức. Ngôn hạnh đều từ tánh đức tự nhiên lưu xuất. Phật Thích Ca Mâu Ni trong 49 năm đã nói ra mười hai bộ Kinh giáo này, đều là từ trong tánh đức lưu xuất ra, đây là khế lý.

Loại thứ tư: “Ngôn từ mỹ diệu”

Đây là khế cơ, khiến người ta nghe thấy hoan hỷ tiếp nhận. Ngôn ngữ khế cơ, khế lý mới có thể rộng độ chúng sanh. Trong Đàn Kinh, Đại Sư Huệ Năng đã nói: “Nếu người thật tu đạo thì không thấy lỗi thế gian”. Đây là khế nhập cảnh giới, không phải phàm phu. Tại sao họ không thấy lỗi thế gian vậy? Chúng ta dùng cách nói của tướng tông để nói cho mọi người dễ hiểu, họ đã chuyển thức thành trí rồi. Cương lĩnh tu hành của tướng tông là chuyển ý thức thứ sáu thành diệu quan sát trí. Ý thức thứ sáu là phân biệt. Không còn phân biệt nữa, mọi thứ không phân biệt nữa thì quan này là diệu quan, trí tuệ hiện tiền ngay. Chúng ta ngày nay đối với người thế gian là phân biệt, họ không phân biệt nữa. Chuyển thức Mạc na thành bình đẳng tánh trí. Thức Mạc na là chấp trước, họ không chấp trước nữa, đối với tất cả pháp thế xuất thế gian đều không chấp trước. Các bạn thử nghĩ, xa lìa phân biệt, chấp trước, bạn muốn tìm lỗi lầm là hoàn toàn không thể. Pháp thế xuất thế gian đều không có lỗi lầm.

Trong các Kinh như Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Viên Giác, Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Phật đều nói: “Tham sân si chính là giới định tuệ; giới định tuệ tức là tham sân si”. Lời nói này là ý gì vậy? Bình đẳng quan. Tham sân si và giới định tuệ là cực kỳ không bình đẳng, nhưng nó lại là bình đẳng. Bình đẳng thế nào vậy? Tham sân si và giới định tuệ là cùng một tánh, là pháp tánh. Giác ngộ rồi là giới định tuệ, mê rồi thì là tham sân si. Mê và ngộ không hai! Mê là pháp tánh, ngộ vẫn là pháp tánh, nhưng pháp tánh không có mê ngộ. Tướng khi mê biến là tướng của tham sân si, tướng của giác ngộ biến là tướng của giới định tuệ. Nhưng bạn phải hiểu rằng: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, tướng này là không phải thật, là tướng vọng. Đạt lý rồi thì tâm họ bình ngay, thế là tâm thanh tịnh hiện tiền. Tâm thanh tịnh là chúng ta thường nói thân thanh tịnh, cảnh giới thanh tịnh, tham sân si và giới định tuệ đều thanh tịnh. Đây là người gì vậy? Pháp thân Đại Sĩ. Pháp thân Đại Sĩ ứng hóa vào trong lục đạo, các Ngài vẫn nghiêm trì giới luật, tại sao vậy? Chúng sanh sáu cõi đang mê nên các Ngài phải làm một tấm gương tốt cho người ta thấy. Các Ngài đi biểu diễn, lên sân khấu biểu diễn. Biểu diễn nhất định phải chú ý đến đại chúng, phải chú ý đến xã hội trước mắt, lợi ích chúng sanh. Sự biểu diễn này không lợi cho chúng sanh, không lợi cho xã hội thì không được phép làm. Ví dụ xã hội ngày nay, mọi người đều không biết đạo hiếu, bất hiếu với cha mẹ, bất kính sư trưởng, thì Phật Bồ Tát đến những chỗ này nhất định thị hiện hiếu thuận cha mẹ, phụng sự sư trưởng. Hiện nay, đại chúng xã hội này không biết tôn sư trọng đạo, quên ơn bội nghĩa, phản thầy bội đạo, Phật Bồ Tát thị hiện ở thế gian này nhất định là đặc biệt thị hiện hiếu thân, tôn sư, nhất định là làm như vậy. Tại sao làm như vậy?

Để cứu vãn nhân tâm thế đạo. Chư Phật Bồ Tát thị hiện ở nơi nào, thị hiện vào lúc nào, nhất định phải quan sát thời tiết nhân duyên này, tức là chúng sanh nơi đó, lúc đó đã phạm những tật xấu nào, làm sao có thể cải tạo họ, giúp họ sửa đổi lại (Phật pháp là giáo dục), đây là thiện tri thức.

Ngày nay trên thế giới này, chúng ta đã không còn biết tôn sư trọng đạo. Chúng ta còn muốn phỉ báng thầy, còn muốn phê phán họ, còn muốn đấu tranh với họ. Đây là dạy đại chúng xã hội bất hiếu với cha mẹ, không tôn trọng sư trưởng, quả báo sẽ ở tam đồ. Loại giáo dục này, loại thị hiện biểu diễn này là dẫn dắt chúng sanh đi vào tam đồ ác đạo. Loại người này là người nào vậy? Ác ma, đây không phải Bồ Tát. Cách làm của Bồ Tát là hoàn toàn ngược lại với điều này. Bồ Tát nhất định thuận tánh đức. Cho nên, Bồ Tát dứt khoát không nhớ ác cũ, không ghét người ác. Giáo hóa chúng sanh phải biết đến lợi ích toàn thể, có thể hy sinh cá nhân để tác thành đại chúng. Đối với người phỉ báng ta, người làm nhục ta, người hãm hại ta, ta vẫn đặc biệt kính trọng. Sự kính trọng này không phải là giả bộ, mà là xuất phát từ tâm chân thành. Cảm hóa người ác, khuyến hóa xã hội, đây chính là Bồ Tát.

“Ngôn từ mỹ diệu” không phải là nói âm thanh nghe hay, âm thanh nghe hay dĩ nhiên là có trong đó. Ý của “mỹ diệu” càng sâu xa hơn nữa, đó là khiến người khác nghe thấy hoan hỷ tiếp nhận, lời nói này của bạn là lời vàng ngọc, đây gọi là mỹ diệu. Chúng ta hiện nay nói là hợp tình, hợp lý, hợp pháp, thật sự là từ trong nhân từ, bác ái lưu xuất ra, đây là thuộc về tịnh nghiệp. Nhất định là từ trong tâm thanh tịnh lưu xuất ra, cũng có thể tịnh hóa nhân tâm, tịnh hóa tam nghiệp. Đây đích thực là khế lý, đích thực là mỹ diệu.

Tối hôm qua, chúng ta đã nghe bài giảng vắn tắt về Do Thái giáo. Đây là một tôn giáo cổ xưa, chúng ta tương đối ít tiếp xúc, vì ở Trung Quốc đại lục không có. Trung Quốc đại lục chỉ có năm tôn giáo, do đó cơ hội tiếp xúc rất ít. Sau khi chúng ta nghe xong thì biết Kinh điển chủ yếu nhất của họ là “Cựu Ước”. Lịch sử của họ có hơn bốn ngàn năm, điều này Thiên Chúa giáo (là “Tân Cựu Ước”) đều chấp nhận. Cơ Đốc giáo thì nghiêng về “Tân Ước”, họ tôn thờ chỉ một vị thần. Sự khác biệt ở đây là Cơ Đốc giáo nghiêng nặng về Chúa Giê Su, còn Thiên Chúa giáo nghiêng nặng về Đức Mẹ.

Hôm qua, chúng ta đã nghe bài báo cáo của họ. Họ khẳng định Thượng đế chính là chân lý, là đấng có năng lực lớn trong vũ trụ. Khái niệm này rất hay, rất chính xác, thật sự được người hiện đại tiếp nhận. Đệ tử Phật học rộng, nghe nhiều, đặc biệt là người xuất gia gánh vác trên vai sứ mệnh giáo hóa chúng sanh. Đối với tình hình của chúng sanh, chúng ta phải biết rõ thì việc hoằng pháp lợi sanh mới thật sự có thể đạt đến khế cơ, khế lý. Lần này, chúng ta mời mỗi tôn giáo đến truyền đạo, đây là việc mang tính lâu dài, không phải việc ngắn hạn. Mỗi một lần, chúng ta đều ghi lại băng ghi hình phần tiếng Anh, chúng ta có thể dùng tiếng Trung làm phụ đề. Chúng ta phải học tập thật nghiêm túc.

Trong các tôn giáo khác nhau, chúng ta phải tìm ra một điểm chung nhất. Điểm chung nhất này chính là chân lý mà mọi người đều công nhận. Nghĩa gốc của Phật Đà là trí tuệ, là giác ngộ. Họ nói chân lý, nói quyền năng lớn so với nhà Phật nói đại trí đại giác là cùng một ý nghĩa, cùng một đạo lý. Để giáo dục tôn giáo thật sự có lợi ích cho thế nhân, chúng ta cần phải đem chân lý này thực tiễn vào trong đời sống. Chân lý biểu hiện ra bên ngoài chính là nhân từ, bác ái. Chúng tôi đem đường lối trung tâm của Phật giáo tổng kết thành năm câu, mười chữ là: “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Đây không chỉ là tinh nghĩa của Phật pháp mà còn là tinh hoa của tất cả tôn giáo thế gian. Thượng đế yêu thế nhân, Thần yêu thế nhân, Phật Bồ Tát đại từ đại bi. Phật, Bồ Tát, Thần, Thượng đế là gì? Ở đâu vậy? Chính là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác vốn đầy đủ trong tự tánh của con người. Đại dụng của tự tánh là từ bi, là bác ái, không phân quốc gia, chủng tộc, không phân tôn giáo, nhân từ với người với vật. Thông thường trong tôn giáo chỉ nói yêu người, nhưng phạm vi trong Kinh Phật nói thì rộng hơn. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Đây là nói rõ, ngay cả thực vật và khoáng vật chúng ta cũng có tâm yêu thương, thiện ý tràn đầy, huống hồ đối với chúng sanh hữu tình. Nếu chúng ta thật sự đối với hữu tình và vô tình có thiện ý và yêu thương một cách chân thành, thanh tịnh, bình đẳng tràn đầy, thì người này ở trong Phật pháp được gọi là Phật Đà, là Bồ Tát. Nếu như còn xen tạp bất thiện, xen tạp ác ý thì là phàm phu. Sao gọi là “ác ý”? Bất thiện chính là ác. Tiêu chuẩn mà Phật nói với chúng ta là thập thiện nghiệp đạo, còn tiêu chuẩn của Do Thái giáo là mười điều răn của Chúa. Nội dung của mười điều răn tương đồng với thập thiện, cho nên trong Kinh điển của tất cả tôn giáo đều chỉ dạy rõ ràng thập thiện nghiệp này, các tín đồ nhất định phải biết tuân thủ. Xa rời giáo học cơ bản này là chúng ta bất thiện rồi, liền tạo tác ác nghiệp, biến hiện ra khổ báo tam đồ.

Từ xưa đến nay, tổ sư đại đức chỉ dạy chúng ta, học Phật là tu từ căn bản. Căn bản là gì vậy? Là ý nghĩ. Ý nghĩ phải thiện, ý nghĩ phải thanh tịnh, ý nghĩ phải bình đẳng. Nếu bạn nghĩ: “Ở giữa đại chúng, tôi cảm thấy thân phận của tôi đặc thù, cảm thấy địa vị của tôi không giống như người khác” thì đây là bất thiện. Chúng ta thử xem thánh triết của thế xuất thế gian, người Trung Quốc nói là pháp thế gian, coi trọng pháp thế gian thì Khổng Lão Phu Tử là người đại biểu. Hành nghi cả đời của Phu Tử, thái độ đối nhân xử thế là tự ti mà tôn người. Thánh nhân đã làm nên hình mẫu cho chúng ta thấy. “Tôi cảm thấy cao hơn người khác một bậc”, vậy bạn là phàm phu. Ý nghĩ, hành vi cao hơn người một bậc này, trong Phật pháp gọi là tập khí nghiệp chướng sâu nặng. Ai hiểu được điều này? Phật hiểu được. Làm đệ tử Phật thì phải đem điều đã nói trong Phật pháp là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” làm ra cho mọi người thấy, đây là giáo hóa chúng sanh. Bản thân bạn thật sự làm được là tự thọ dụng, làm cho người khác thấy là hóa tha, do đó, chúng ta phải làm thật nghiêm túc, nỗ lực mà làm.

Mỗi một tín đồ tôn giáo cũng giống như Phật pháp vậy, phải thông đạt, hiểu sâu “nghĩa thú” của Kinh điển. “Nghĩa” là đạo lý, là nghĩa lý; “thú” là phương hướng, mục tiêu. Sau khi hiểu rõ rồi thì phải thực tiễn những đạo lý lớn này vào trong đời sống, thực tiễn vào trong đối nhân xử thế tiếp vật, niệm niệm vì xã hội tạo phước, làm tấm gương tốt cho chúng sanh, xa lìa danh vọng lợi dưỡng, từ bỏ năm dục sáu trần, thông thường trong tôn giáo nói: “Người này mới được cứu”. Ai cứu bạn? Tự mình cứu mình. Trong Phật pháp Đại thừa nói: “Tự mình độ chính mình”, chư Phật Bồ Tát, tất cả thần thánh làm tăng thượng duyên cứu giúp, tự độ. Đây là điều chúng ta cần phải nên biết.

Đời người khổ và ngắn ngủi. Hôm qua, có một đồng tu gọi điện thoại nói với tôi là anh đã đi đến Mỹ một chuyến rồi, đi một vài tháng rồi trở về. Trong số bạn bè tốt của anh, có ba người đã qua đời ở tuổi chưa đến 50. Anh có cảm xúc sâu sắc khi thấy sự mỏng manh của kiếp người, “mạng sống vô thường, quốc độ nguy biến”. Nếu muốn mạng sống dài lâu, thì đây là vọng tưởng, đó là người ngu nói mộng. Trong sáu cõi nhất định không có dài lâu, Phật nói chân tướng cho chúng ta biết là “Sát na biến đổi”, thế gian là vô thường. Người có trí tuệ, họ thông minh, nắm chắc được hiện tại. Họ nắm chắc được sát na hiện tại này thì họ liền thành công. Nếu đánh mất hiện tại đó thì liền nhất định đọa lạc.

Nhà Phật nói: “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”. “Thường, lạc, ngã, tịnh” là từ trong tự tánh mới nhìn thấy. Thật sự tự tánh là vô hình, vô tướng, phủ khắp mười phương ba mé, trong đây có chân thường, có chân ngã, có đầy đủ bốn loại tịnh đức “thường, lạc, ngã, tịnh” này. Trong hiện tướng chắc chắn không có. Tướng là hư vọng, “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Chúng ta có thể thấy rõ ràng, thấy sáng tỏ điều này rồi thì tướng có thể thọ dụng, quyết không chấp trước. Không những không chấp trước mà còn không được phân biệt. Xa lìa phân biệt chấp trước, bạn liền nhìn thấy thực tướng các pháp. Người nhìn thấy thực tướng các pháp thì trong Phật pháp gọi họ là “Phật Đà”, là “Như Lai”. Cho nên, chúng ta học Phật phải biết bắt đầu học từ đâu, hạ thủ từ chỗ nào, làm thế nào thành tựu. Trong đời sống thường ngày tràn đầy chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, đối nhân xử thế tiếp vật tràn đầy đại từ đại bi thì người này là lạc, thật sự lìa khổ được vui rồi. Khổ là gì vậy? Là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Họ đã xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Họ là lạc, họ thấy hư không khắp pháp giới tất cả chúng sanh là một tổng thể chân thành, thanh tịnh, bình đẳng. Quan niệm này, thọ dụng này không lúc nào không viên mãn, không nơi nào không viên mãn, được đại viên mãn, được đại tự tại. Đây là sự thật, ngoài điều này ra đều là hư vọng. Cho nên, học Phật là học cái gì? Tâm yêu thương của chúng ta phải rộng khắp viên mãn.

Nhà Phật nói từ bi, đại từ đại bi hiện rõ trong đời sống thường ngày, từng li từng tí đều là đại viên mãn, sự thọ dụng của bạn từng li từng tí đều là đại tự tại. Trong Phật pháp có thể có được thọ dụng này. Tất cả nền giáo dục tôn giáo, nếu có thể tu học như lý như pháp thì đều có thể đạt đến cảnh giới y như vậy. Cho nên, trong Kinh Phật nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Chữ “pháp môn” này không hạn chế ở pháp môn của Phật giáo mà là nói đến tất cả mọi pháp thế xuất thế gian. Đây đúng là điều mà Đại thừa gọi là “viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên”, viên ngộ, viên tu, viên chứng. Trong tất cả pháp, thật sự chỉ có Đại thừa nói rất rõ ràng, thấu triệt, chúng ta phải ngay chỗ này hạ công phu. Hạ công phu không những chỉ là nghiên cứu giáo lý mà phải thực hiện, phải giải hành tương ưng. Giải giúp bạn hành; hành giúp bạn giải; giải và hành phụ trợ lẫn nhau, điều này sẽ nâng chúng ta lên đến vô thượng đạo. Có giải mà không hành thì “đáng đọa lạc như thế nào vẫn phải đọa lạc như thế ấy; đáng sanh tử như thế nào vẫn phải sanh tử như thế ấy”, không giúp được gì, không thể giải quyết vấn đề. Đại Sư Thanh Lương ở trong Kinh Hoa Nghiêm Sớ Sao nói rất hay: “Hữu giải vô hành, tăng trưởng tà kiến. Hữu hành vô giải, tăng trưởng vô minh”. Chư Phật Bồ Tát, tổ sư đại đức đều chỉ dạy chúng ta giải hành phải tương ưng. Đây là chánh pháp, là chánh giáo. Lệch ở một bên là tà giáo rồi. Đi đường không đi ngay chính giữa mà đi qua hai bên, đi một bên này là bỏ bên kia rồi, thiên lệch tà kiến. Tà và chánh chúng ta phải có năng lực biện biệt. Chúng ta phải hiểu thật rõ, thật sáng tỏ đường mà bản thân chúng ta đi là đường gì.

Gần đây, chúng tôi nghe nói Liên Hiệp Quốc muốn cử hành một cuộc hội nghị tôn giáo thế giới. Sự việc này dường như trước đây chưa từng có, đây là lần đầu tiên, là sự việc tốt. Nhân loại mong cầu hòa bình, cầu mong trời xanh phù hộ đã có hàng ngàn hàng vạn năm rồi, nhưng hòa bình vẫn mãi không hề đến được. Ngược lại, thiên tai nhân họa, đặc biệt là chiến loạn mỗi lần một nghiêm trọng hơn, tài sản, mạng sống thương vong không cách gì tính hết. Lấy cận đại mà xem, chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đại chiến lần thứ hai, e rằng tương lai còn có đại chiến lần thứ ba, cho nên sự hy vọng về hòa bình là quá mù mịt. Tại sao lại có những hiện tượng bất hạnh này vậy? Tuy Thánh hiền cổ đại Trung Quốc cũng có cầu nguyện trời xanh, cũng cầu mong thần thánh nhưng không dựa hoàn toàn vào đó, mà dựa vào lời giáo huấn của thánh hiền. Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, tam giáo trở thành đỉnh ba chân tại Trung Quốc. Tam giáo là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. “Giáo” không phải là tôn giáo như trong quan niệm của người hiện nay, mà “giáo” là giáo dục, giáo học. Giáo dục, giáo học của nhà Nho; giáo dục, giáo học của nhà Phật; giáo dục, giáo học của Đạo gia. Hay nói cách khác, đây là ba học phái lớn, mỗi phái đều có lịch sử hàng ngàn năm. Giống như ở phần chiếu thư phía trước của Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Hoàng đế Ung Chính đã nói: “Tam giáo chi giác dân ư hải nội dã”. Ba loại giáo dục này đều là chỉ dạy nhân dân giác ngộ. Lý xuất từ một nguồn, đạo song hành mà không trái. Lời của Hoàng đế Ung Chính không sai, hoàn toàn chính xác.

Trên thế giới có biết bao tôn giáo, có thể nói về lý đều xuất từ một nguồn. Lý gì vậy? Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Chúng tôi hiện nay tổng kết lời dạy của Phật thành mười chữ là: “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Đây là lý, cùng xuất từ một nguồn, đạo song hành mà không trái. “Đạo” là gì? Là yêu thương, đây là lời của cư sĩ Hứa Triết ở Singapore. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi bà: “Tôn giáo là gì?”. Tôn giáo chính là yêu thương. Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo đều nói “Thượng đế yêu thương thế nhân”, “Thần yêu thương thế nhân”, còn trong Phật giáo, Phật Bồ Tát một mực “từ bi”. Ở khu vực này đại đa số người dân tín ngưỡng Đạo Hồi. Quốc gia lân cận chúng ta như Malaysia, Indonesia đều là quốc gia Hồi giáo. Kinh điển của họ triển khai mỗi một đoạn, câu đầu tiên là “A la quả thật là đấng nhân từ”. Họ xưng là Thượng Đế, xưng là “A la”. Cho nên, thế gian tôn giáo có nhiều đi nữa nhưng căn bản là một, đều là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, trí tuệ, nhân từ, bác ái. Mục tiêu giáo dục của tôn giáo cũng giống nhau, dạy người tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa mục, đối xử bình đẳng, không phân quốc gia, không phân chủng tộc. Khi một tôn giáo nào truyền giáo, có khi nào nói hạn chế rằng anh không phải là người của quốc gia tôi, anh không phải là người thuộc chủng tộc của tôi, anh không được phép tin tôn giáo của tôi không? Không hề! Mỗi một tôn giáo đều truyền khắp toàn thế giới, tôn giáo quả thật là bình đẳng. Chỉ có dùng giáo dục mới có thể đạt đến hòa bình.

Tôn giáo vốn đều là giáo dục, dùng cách nói hiện đại mà nói, đều là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Quí vị hãy tỉ mỉ xem thử tất cả Kinh điển các tôn giáo, quý vị sẽ hiểu rõ ngay, lòng dạ đều là quảng đại. Nhà Phật nói: “Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, có tôn giáo nào không như vậy? Tôn giáo nào cũng như vậy cả. Tại sao tâm lượng của nhân sĩ tôn giáo hiện nay trở nên nhỏ hẹp, chỉ có mình, hạ thấp người khác? Đó không phải là ý của Thần, không phải ý mà trong giáo nghĩa tôn giáo nói, mà đó là cá nhân. Chúng ta không nói những tôn giáo khác, chỉ nói riêng Phật giáo, chúng ta có làm theo Kinh điển của Phật hay không? Không có. “Đạo tràng này của tôi, tôi hy vọng nó hưng vượng. Đạo tràng bên cạnh tôi mong cho họ suy bại, mong cho tín đồ của họ đều đến chỗ này của tôi”, vậy là chính mình đã bài xích lẫn nhau rồi. Đây có phải là Phật giáo hay không? Không phải. Phật chế định giới điều ở trong giới Bồ Tát là “tự tán hủy tha”, đây là trọng giới Bồ Tát. Bạn tự mình tâng bốc chính mình, tán thán chính mình, phỉ báng người khác, đây là sai lầm cực lớn. Phật dạy chúng ta như thế nào vậy? Chúng ta đọc trong Kinh Hoa Nghiêm, mỗi một vị Bồ Tát, mỗi một vị thiện tri thức, bản thân khiêm tốn, tôn trọng người khác, nâng cao người khác. Làm như vậy là “đạo song hành mà không trái”, thế giới này mới có hòa bình. Phật nói với chúng ta, tất cả pháp thế xuất thế gian, pháp nào cũng là bình đẳng, pháp nào cũng là đệ nhất. Nếu như có thứ nhất, thứ hai, thứ ba thì phiền phức liền đến ngay, chắc chắn không thể chung sống hòa mục. Bình đẳng mới có thể chung sống hòa mục. “Hòa vi quí” là điều chúng ta mong cầu. “Hòa” từ đâu mà có vậy? Từ bình mà có, không bình đẳng thì chắc chắn không có hòa bình. Cho nên, tất cả tôn giáo đều dạy người phải bình đẳng.

Thế gian tại sao có nhiều tôn giáo như vậy? Chúng ta phải hiểu rõ. Trước đây, giao thông không phát triển, giữa người với người rất ít qua lại. Chúng ta đọc thấy trong sách xưa thấy “đến già chết không qua lại với nhau”, thật sự có. Người dân sống ở trong làng, họ chỉ sống ở trong thôn này, cả đời cũng chưa từng qua thôn bên kia, phạm vi sinh hoạt cả đời của họ chỉ ở trong thôn nhỏ này. Trong cái vòng nhỏ này, họ phải chung sống hòa mục với đại chúng, họ cần phải có giáo dục thánh hiền. Do hoàn cảnh cư trú, văn hóa, bối cảnh lịch sử không giống nhau, nên khi thánh hiền lập giáo, giáo hóa nhân dân mới hình thành rất nhiều tôn giáo như vậy. Chúng ta xem thấy ở trong Kinh Phật, Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời, vào thời đại đó Ấn Độ có hơn 100 tôn giáo, dùng cách nói hiện nay mà nói tức là hơn 100 loại giáo dục, giáo hóa mọi dân tộc khác nhau, cư dân quốc độ khác nhau trên khắp Ấn Độ. Tôn giáo đã ra đời như vậy.

Ở Trung Quốc, tôn giáo không phát triển. Nguyên nhân của không phát triển là vào đời nhà Tần, Trung Quốc đã được thống nhất rồi, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc. Ông thống nhất Trung Quốc tuy thời gian ngắn nhưng ảnh hưởng vô cùng lớn. Thời đại tiếp sau đó là triều Hán, thời gian rất dài, từ tiền Hán đến hậu Hán kéo dài 400 năm. Hán Vũ Đế (hoàng đế thứ hai của triều Hán) chế định chính sách giáo dục, phương châm giáo dục, tức là áp dụng ba nhà Nho, Thích, Đạo. Vào thời đó Phật giáo chưa truyền vào Trung Quốc, lấy Nho gia làm chánh giáo. Đường lối giáo dục này kéo dài mãi đến đời Mãn Thanh cũng không có thay đổi. Trong 2. năm, thay đổi triều đại rất nhiều lần, chế độ chính trị cũng có đổi mới, duy chỉ có chính sách giáo dục, phương châm giáo dục là không hề thay đổi. Ngay cả khi người Mông Cổ vào làm chủ Trung Quốc cũng không hề sửa đổi, người Mãn Thanh vào làm chủ Trung Quốc cũng vậy, không hề sửa đổi. Vào thời Hán Minh Đế, Phật giáo truyền đến Trung Quốc, dần dần hình thành nền giáo dục của ba nhà để chỉ dạy nhân dân Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc từ xưa đến nay tiếp nhận sự giáo dục của ba nhà này, dùng danh từ của Phật học mà nói là có thiện căn sâu dày. Đế vương các đời đều là tu dưỡng đạo đức của mình. Những quốc gia lân cận này, trước đây gọi là “quy thuận” Trung Quốc, tôn Trung Quốc làm anh cả, đây là vì họ tôn kính, không phải Trung Quốc yêu cầu đối với họ. Họ tôn kính và triều cống đối với Trung Quốc. Việc “triều cống” này hiện nay gọi là tặng quà. Nhưng Trung Quốc trả lễ hậu hơn gấp nhiều lần so với quà họ đem tặng. Họ tặng chúng ta một vạn đồng thì quà chúng ta đáp lại họ là mười vạn đồng. Hậu đãi nước nhỏ, tôn trọng nước nhỏ, việc này thử xem lịch sử Trung Quốc liền hiểu ngay. Trung Quốc khoảng giữa triều Mãn Thanh về sau dần dần xa lìa lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, xa lìa giáo huấn của thánh nhân, thế là tập khí phiền não liền hiện hành ngay, tự tư tự lợi, tham sân si mạn đã làm bại hoại phong khí xã hội.

Chúng ta thúc đẩy đường lối hòa bình đến toàn thế giới. Hòa bình làm sao đạt được đây? Giáo dục. Giáo dục quan trọng nhất là giáo dục gia đình, đây là nền móng. Gia đình bị phá hoại rồi thì xã hội coi như xong. Gia đình là cơ sở của xã hội. Hạt nhân của gia đình là vợ chồng, vợ chồng bất hòa thì thiên hạ đại loạn. Cho nên, ở Trung Quốc, Nho Thích Đạo đều coi trọng giáo dục gia đình. Nhà Phật dạy người quan niệm căn bản là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Bộ Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo chính là nói bốn câu này. Nho gia dạy ngũ luân bát đức đều là bắt đầu làm từ gia đình. Nếu như giáo dục gia đình bại hoại rồi thì toàn bộ những cái khác đều hỏng hết. Nền giáo học gia đình là gốc, giống như bốn tầng lầu này của chúng ta, nó là tầng thứ nhất, không có tầng thứ nhất thì đâu có tầng thứ hai. Tầng thứ hai là giáo dục nhà trường, tầng thứ ba là giáo dục xã hội, tầng thứ tư là giáo dục tôn giáo. Giáo dục tôn giáo là giáo dục tinh thần, chỉ dạy bạn vượt phàm nhập thánh, đem lòng nhân từ, bác ái của bạn phát huy đến cực điểm, yêu thương tất cả chúng sanh thế xuất thế gian.

Tâm yêu thương chân thành, dùng giáo dục tôn giáo đem nó mở rộng ra. Bốn loại giáo dục này thực tiễn rồi thì thế giới được hòa bình ổn định vĩnh cửu, giữa người với người biết tôn kính lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác, thật sự là cùng tồn tại cùng phát triển. Nếu như không có bốn loại giáo dục này làm cơ sở thì những lời nói nghe hay này đều là khẩu hiệu, dứt khoát không thể thực tiễn.

Chúng ta nhìn xem thế giới hiện nay, giáo dục gia đình không còn nữa nên con cái không nghe lời cha mẹ, giáo dục nhà trường không còn nữa nên học trò không nghe lời thầy cô, còn giáo dục xã hội thì sao? Mọi người đều biết, các bạn mỗi ngày xem báo, tạp chí, truyền hình, điện ảnh, dạy bạn những điều gì vậy? Dạy bạn sát, đạo, dâm, vọng. Giáo dục tôn giáo hoàn toàn rơi vào hình thức rồi, đều làm theo trong nghi thức tôn giáo, giáo dục tôn giáo không còn nữa. Biết tụng Kinh mà không hiểu gì cả, ý nghĩa còn không hiểu thì làm sao có thể thực hiện? Bốn loại giáo dục đều không còn nữa thì thiên hạ sao có thể không loạn được? Ngày nay người nhân từ, chí sĩ trên thế giới, nếu muốn cứu vãn kiếp vận của thế gian thì không có gì khác hơn là nhất định phải hồi phục bốn loại giáo dục lớn này. Có cần thiết lập ra tôn giáo mới nữa hay không? Không cần thiết nữa. Xưa nay trong tôn giáo, nội dung quá phong phú rồi, chúng ta có thể làm được một phần ngàn, một phần vạn thì thế giới hòa bình đã có hy vọng, không cần thiết lập tôn giáo mới nữa. Lập ra tôn giáo mới nữa thì giống như vẽ rắn thêm chân mà thôi, chẳng có ý nghĩa gì cả, chẳng qua chỉ là nhiễu loạn trật tự mà thôi. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này.

Trước đây trên thế giới có sáu tôn giáo lớn, toàn thế giới đều thừa nhận. Ở Singapore hiện nay có chín tôn giáo lớn, Kinh điển, giáo nghĩa đều hay, làm sao chúng ta đem nó lĩnh hội thông suốt, cố gắng học tập, đem nó phát huy mạnh mẽ để cứu vãn xã hội, cứu vãn kiếp vận, thực tiễn thế giới hòa bình, xã hội ổn định, nhân dân hạnh phúc. Đây là vấn đề cấp bách trước mắt. Thập niên 70, tiến sĩ Thang Ân Tỉ người Anh đã nói: “Giải quyết vấn đề xã hội của thế kỷ 21 chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp Đại Thừa”. Ông đã nói hai điểm này rất có đạo lý. Nền giáo dục đối với tất cả chúng sanh thì hai nhà này nói rất cụ thể và thấu triệt, đáng để chúng ta cố gắng nỗ lực học tập, phát huy mạnh mẽ.

Loại thứ năm: "Ngôn khả thừa lĩnh"

"Thừa" và "lĩnh" đều là ý nghĩa của tiếp nhận, không chỉ là tiếp nhận mà còn hoan hỉ tiếp nhận. Ngôn ngữ nhất định phải ôn hòa thì tự nhiên liền sẽ cảm động người, để đối phương cảm động sâu sắc, vĩnh viễn không quên, vậy thì bạn thành công.

Khi còn trẻ, tôi làm việc ở cơ quan chính phủ. Công việc tuyệt nhiên không bận rộn lắm, nên lúc rảnh rỗi chúng tôi ngồi xem sách, xem báo chí. Thanh niên chúng tôi tương đối phóng túng, khi ngồi thân thể hoàn toàn dựa vào lưng ghế, làm hai chân trước của ghế bị nhấc bổng lên, ngồi dựa như vậy thì cảm thấy rất thoải mái. Lãnh đạo của chúng tôi từ phía sau đến, xem thấy vậy, ông vỗ vào vai tôi và nói: “Cách ngồi này của anh rất nguy hiểm, dễ dàng té ngã”. Lời nói của ông rất ôn hòa, cho nên tật xấu này của tôi từ đó liền thay đổi hết. Nếu như ông kêu bạn mắng cho một trận thì hiệu quả sẽ ngược lại, vì khi ông ấy đi rồi, ta vẫn ngồi dựa như thế. Cho nên, bạn mới biết được chân thật làm sự nghiệp lớn và nhân vật lớn không như nhau. Ngạn ngữ thường nói: "Diêm vương dễ thấy, tiểu quỷ khó trốn". Càng là nhân vật lớn càng có thể bao dung, ôn hòa; càng là tiểu quỷ càng nổi sung mắng người, càng biểu thị ta đây. Sự việc này mọi lúc mọi nơi, chúng ta đều có thể quán sát thấy được.

Chúng ta học theo Phật Bồ Tát thì phải giúp tất cả chúng sanh đoạn ác tu thiện. Tập khí ác, tâm bệnh ác của chính mình vẫn không thể sửa thì làm sao có thể dạy người khác? Bạn nói một đường nhưng bạn làm một nẻo, điều này không thể làm cho người sanh khởi tín tâm, không thể khiến người cảm nhận được. Khi vừa gặp mặt, người ta nhìn sắc mặt của bạn, vừa nghe âm thanh của bạn thì người ta liền nhìn thấu được bạn, Luận ngữ gọi là “nhân yên sấu tai”. Cho nên, trong nhà Phật tại sao đem Bồ Tát Di Lặc để ở ngay cửa lớn? Để bạn đầu tiên nhìn thấy thì phải học Bồ Tát Di Lặc là mỉm cười đón người, lời nói ôn hòa. Dùng lời nói khó nghe hơn hoặc lời nói mềm diệu để biểu đạt sự trách cứ người thì người nghe cảm nhận đều không như nhau, người ta nghe rồi cũng cảm ân, cảm kích bạn, nhà Phật gọi đây là "ái ngữ". Ái ngữ là lời nói thương yêu chân thật, không nhất định là bạn ưa thích nghe, nhưng chắc chắn có lợi ích đối với bạn. Vì sao bạn không ưa thích nghe? Vì tâm bệnh tập khí quá nặng. Thánh hiền giáo huấn chúng sanh, các Ngài không bao giờ tùy thuận tâm bệnh tập khí của bạn. Tùy thuận tập khí của bạn là hại bạn, giúp bạn đọa lạc; điều chỉnh tâm bệnh tập khí của bạn thì đây chân thật là ái ngữ. Tuy nhiên trong lời ái ngữ phải khiêm tốn, phải hòa kính, chân thật yêu thương đối phương. Sau khi đối phương nghe rồi vĩnh viễn cải đổi lại thì bạn thành công rồi. Nếu trước thuận, sau quấy thì bạn vẫn bị thất bại, bạn làm không được thành công. Cho nên, bốn loại khẩu nghiệp là vọng ngữ, hai lưỡi, ác khẩu, thêu dệt chắc chắn không nên phạm.

Loại thứ sáu: "Ngôn tắc tín dụng"

Bạn là người thành thật thì lời nói của bạn người ta tin tưởng, không chỉ biểu hiện ngay trong lời nói mà nhất định phải biểu hiện ở trên sự thật. Lời nói có tín, nhất định phải tuân thủ. Phật pháp là nói trí tuệ, Phật Bồ Tát là nói đạo nghĩa, thế nhưng có lúc ở trong tình hình đặc thù, lời nói có thể không giữ tín dụng, sự việc có thể không cần có kết quả. Trong tình hình đặc thù phải phù hợp đạo lý, không trái ngược đạo nghĩa, có thể thị hiện làm sự việc cho kết thúc.

Có một lần, khi tôi còn ở Đài Trung, đạo tràng Chùa Thiền Lâm mời tôi giảng Thiền Lâm Bảo Huấn và Phật Học Thường Thức cho họ. Phân lượng của Thiền Lâm Bảo Huấn rất lớn, còn Phật Học Thường Thức là do lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam biên soạn, số lượng không nhiều. Tôi còn nhớ, khi tôi giảng đến bài thứ mười một thì trong chùa xảy ra vấn đề. Chùa mới xây rất đẹp, rất trang nghiêm, do một số đệ tử của Lão hòa thượng đến khắp nơi hóa duyên. Đạo tràng này vừa xây xong thì ngay sau đó trong đồ đệ cãi nhau, tranh địa vị, tranh quyền lực. Người này nói tôi đã bỏ ra bao nhiêu tiền, tôi phải làm thầy giám tự; người kia nói tôi đã bỏ ra bao nhiêu tiền, tôi phải làm thầy tri khách. Ngày ngày họ cãi nhau, cãi đến thật là khó coi. Lão hòa thượng xem thấy tình hình này cũng không biết làm cách nào, đành phải tránh mặt. Tôi quay lại Đài Trung, báo cáo sự việc này với lão sư Lý. Thầy nói: “Thôi đi! Không nên đến đó nữa”. Tôi nói: "Con chưa giảng xong". Thầy nói: “Chưa giảng xong cũng không hề gì”. Đây chính là gì? Là nghĩa. Trong đạo tràng không hòa thuận, chúng ta đến giảng cũng không ích gì, cho nên chưa giảng xong cũng có thể gián đoạn. Nghĩa là có nên hay không nên. Chúng ta đều biết, tăng đoàn của Phật pháp là

"tăng đoàn hòa hợp", nếu ngày ngày cãi nhau, ngày ngày tranh danh đoạt lợi thì giống thứ gì chứ? Tuy ngày ngày chúng ta giảng, nhưng một câu họ cũng không nghe lọt vào, vì nếu thật nghe thì họ liền có thể buông xả, tranh những thứ này để làm gì? Những người này không có trí tuệ, không thông minh.

Người chân thật có trí tuệ thì các bạn muốn tranh, thảy đều cho bạn hết, làm thanh chúng thì thoải mái nhất. Ở đạo tràng giống như người làm công quả vậy, bất cứ việc gì cũng đều không lo lắng, không có bất cứ trách nhiệm nào, “bạn phân phối công việc cho tôi, tôi thành thật, trung thực đem việc làm cho tốt”, vậy thì không gánh lấy trách nhiệm nhân quả. Người hiểu tường tận đạo lý này thì không nhiều. Nếu tường tận rồi thì họ không tranh, không những không tranh mà còn nơi nơi nhường nhịn. “Bạn mời tôi làm, tôi chưa chắc đã làm”, vì sao vậy? Làm việc phải gánh vác trách nhiệm, làm không được tốt là có lỗi; làm tốt rồi là việc nên làm. Những đạo lý này Nho cùng Phật đều nói được rất rõ ràng.

Hôm nay, chúng ta ở đây nói đến tín dụng, phải biết ở trong tình huống đặc thù, nếu trái với đạo nghĩa thì có thể bội tín. Chúng ta xem thấy người xưa, trong cổ thánh tiên hiền cũng có bội tín, đó có phải là lỗi lầm hay không? Không phải! Tất cả là lấy đạo nghĩa làm tiêu chuẩn, phù hợp đạo nghĩa thì nhất định phải thủ tín, nhất định làm đến viên mãn. Đây là việc nên làm.

Loại thứ bảy: "Ngôn vô khả cơ"

Chữ "cơ" này, dùng lời hiện tại mà nói là nghị luận, phê bình. Ngôn ngữ của bạn không có người có thể phê bình, vì sao vậy? Vì chính xác. Người xưa rất xem trọng lời nói, cho nên có câu: "Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra".

Vì vậy, lời nói không thể không cẩn trọng, nói nhiều quyết không phải là việc tốt. Bạn nói nhiều thì ông chủ của bạn, lãnh đạo của bạn chắc chắn sẽ không trọng dụng bạn, vì sao vậy? Dễ làm hỏng việc. Cẩn ngôn, cẩn hạnh là điều mà người lãnh đạo của các ngành các nghề đều xem trọng, con người này có thể thành tựu, người không giỏi cũng vui mà bồi dưỡng. Nếu là người nhiều lời phiếm, nhiều lời thừa, ưa thích đùa cợt, thì họ quyết sẽ không trọng dụng bạn vì sợ bạn làm hỏng việc. Trung Quốc thời xưa dạy trẻ nhỏ thì bắt đầu dạy chúng phải cẩn ngôn, cẩn hạnh. Hiện tại, chúng ta xem thường đối với giáo học này. Lời nói nhiều, lời nói không có trách nhiệm đương nhiên người ta sẽ chỉ trích bạn nhiều, phê bình bạn nhiều, bạn làm sao có được tín nhiệm của người khác?

Loại thứ tám: "Ngôn tận ái lạc"

Chữ “lạc” này đọc trại âm, không đọc là "lạc" mà đọc là "nhạo". "Nhạo" là ưa thích tiếp nhận, hoan hỉ tiếp nhận, ngôn từ bạn nói ra người khác đều ưa thích tiếp nhận. Tất cả nghề nghiệp ở thế xuất thế gian, không luận lớn nhỏ, quyết không phải do một người tạo thành, sự nghiệp càng lớn thì càng cần có nhiều người. Đoàn thể Cư Sĩ Lâm Singapore có đến hai, ba chục ngàn người, nên mới có thể thành tựu sự nghiệp giáo hóa một phương, không có nhiều người như vậy thì làm sao được? Một đoàn thể lớn như vậy, người lãnh đạo sẽ nhiều, trong hội đổng sự có mấy mươi người cùng nhau kế hoạch, cùng nhau lãnh đạo. Ngôn ngữ là điều kiện thứ nhất, khai hội lấy ý kiến lẫn nhau không thể rời khỏi ngôn ngữ. Người lãnh đạo tuyên bố với mọi người cách nghĩ, cách thấy, cách làm của họ, nhưng nếu mọi người nghe không được hoan hỉ thì sự nghiệp này không thể thành tựu. Do đây có thể biết tính quan trọng của lời nói. Bồi dưỡng từ chỗ nào? Học tập từ chỗ nào?

Đều ở ngay trong cuộc sống thường ngày. Bạn thấy người sẽ nói chuyện, nói chuyện chính là để bạn rèn luyện, để học tập, nhất là bạn phải xem ở người nhiều. Lỗi lầm của chính mình rất không dễ dàng phát hiện, còn lỗi lầm của người khác thì rất dễ dàng phát hiện. Khi phát hiện lỗi lầm của người khác mà chính mình không thể bao dung, dễ dàng phê bình hủy báng thì chính mình tạo nghiệp. Lỗi lầm của người khác rốt cuộc là thật hay là giả có lỗi lầm? Điều này tuyệt nhiên không rõ ràng, trái lại chính mình tạo thành lỗi lầm nghiêm trọng. Sự việc này thì quá nhiều quá nhiều. Chúng ta từ sớm đến tối thường hay phạm nhưng không hề biết, không có người nói với bạn, cũng không có người nhắc nhở bạn, vì sao vậy? Vì họ không muốn kết oán thù với bạn.

Trong lễ xưa, đối với một người trưởng thành thì phải rất tôn kính họ. Bạn có điều không tốt thì đối với bạn kính mà không gần, không thể nói bạn có lỗi lầm. Người hiện tại rất dễ dàng đắc tội với người, dễ kết oán thù đối với đại chúng xã hội, còn người xưa không kết oán thù với người. Bạn có lỗi lầm, tôi sẽ không nói ngay mặt bạn, cũng không nói sau lưng, đây là thành tựu đức hạnh của chính mình. Người nào nói lỗi lầm của bạn? Là cha mẹ, thầy giáo của bạn, những người này có quan hệ mật thiết với bạn. Bạn bè có tốt hơn, xem thấy bạn có lỗi lầm thì nhiều nhất là khuyên bạn hai, ba lần, sẽ không khuyên bạn hơn ba lần, hơn ba lần thì biến thành người thù. Dân tộc chúng ta có thể kéo dài mấy ngàn năm mà không bị tiêu mất chính là có đạo lý này trong đó. Ngày nay, người Trung Quốc đem giáo huấn của tổ tông hoàn toàn bỏ mất hết thì có khả năng vong quốc diệt chủng. Nếu như chúng ta không quên di huấn của tổ tông, thì tuy chịu khổ nạn nhưng không đến nổi vong quốc diệt chủng, việc này phải nên biết.

Các vị đọc lịch sử thì biết, trong bốn đại văn minh cổ xưa trên thế giới thì ba nước đã mất rồi, chỉ còn có Trung Quốc. Bạn muốn hỏi vì sao Trung Quốc còn? Giáo hóa của tổ tông chúng ta là chân lý, chỉ cần ghi nhớ y giáo phụng hành, dân tộc cổ xưa này vĩnh viễn sẽ không suy. Hiện tại, văn hóa phương tây xảy ra vấn đề, xã hội động loạn, không tìm được phương pháp để đối trị, cho nên rất nhiều học giả phương tây đề xướng phải học tập với phương Đông về ngôn luận (phương đông là Trung Quốc). Phật pháp truyền đến Trung Quốc 2. năm trước, chúng ta mở Kinh điển xem Phật Bồ Tát dạy chúng ta thế nào? Mỗi câu, mỗi chữ đều là lời hay. Người xưa đã nói: "Thế gian hảo ngữ Phật thuyết tận", lời nói này không sai, chúng ta làm sao có thể không cảm kích Phật Bồ Tát?

Đây là nói lìa ác khẩu có tám điều tốt. Tám loại này đều thuộc về tịnh nghiệp, có quan hệ rất lớn đối với người tu Tịnh Độ. Chúng ta ngày ngày niệm A Di Đà Phật mà vẫn thường phạm ác khẩu thì không thể vãng sanh, vì sao vậy? Tập khí này không thay đổi, cho dù A Di Đà Phật rất từ bi có thể dung nạp bạn, tiếp nhận bạn, nhưng đại chúng hải hội ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc không hoan hỉ bạn, bạn không cách gì vào được đoàn thể của họ nên không thể vãng sanh. Người vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc phải tu tịnh nghiệp, ba nghiệp thanh tịnh, niệm Phật mới có thể vãng sanh. Trong ba nghiệp thì quan trọng nhất là khẩu nghiệp.

Kinh văn: "Nhược năng hồi hướng, A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, cụ túc Như Lai, phạm âm thanh tướng".

Trên Kinh điển Đại thừa, Thế Tôn thường hay nói với chúng ta, âm thanh của Phật gọi là viên âm, viên mãn âm. Phật dùng một âm thanh nói pháp mà tất cả chúng sanh tùy loại đều hiểu được. Phạm âm thù thắng này của Phật từ nơi đâu mà có? Từ không ác khẩu. Chúng ta muốn có được âm thanh phạm âm này trên quả địa Như Lai thì không thể không học theo Phật điều này.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Quả Báo Của Không Ác Khẩu