Pháp môn niệm A Di Đà Phật để cầu sinh về thế giới AN LẠC (Tịnh Độ) là một pháp môn hay nhất, tiện nhất, mau và dễ đạt tới mục tiêu chuyển mê thành ngộ, hết khổ được vui nhất trong tất cả những pháp môn tu hành của Phật Giáo.
Cốt tủy của pháp môn ấy được cô đọng vào 3 điều kiện:
TÍN, NGUYỆN và HẠNH
1. TÍN nghĩa là hiểu biết tường tận, không còn mảy may nghi ngờ, tâm chí chuyên tinh và cương quyết. Tín chia ra ba loại:
- Tin tâm mình
- Tin cõi Phật
- Tin pháp môn
Thế nào gọi là tin tâm mình?
Tức là tin rằng bản tâm chúng ta từ vô thỉ kiếp, tùy duyên lưu chuyển, tiếp nối mãi mãi không bao giờ tiêu diệt. Tâm ấy từ trạng thái chúng ta sống tới khi chúng ta chết, tuy chết song tâm vẫn còn; rồi lại từ chết đến sống, tuy sống nhưng không phải y nhiên bất biến; có nhân có quả, nhân thành thục phát sinh kết quả, do đó, kiếp sống của chúng ta không phải chỉ ngẫu nhiên xuất hịên một lần rồi thôi mà nó được tiếp nối, dưới nhiều hình thức, vô cùng tận. Vì thế, chúng ta cần phải cầu một sự an lạc vừa chân thật vùa vĩnh viễn. Đó là điều tối quan yếu trong kiếp sống của con người.
Vì còn nghiệp nên phải đầu thai làm người làm thú... Khi đã có thân lại tạo ra nghiệp mới, cứ thế từ đời nọ qua kiếp kia, chứ không phải một phen chết là chấm dứt, là rũ sạch. Ấy là một vấn đề cần biết rõ và phải lo nghĩ luôn luôn.
Trong đêm dài sinh tử, thăng trầm thay đổi, trôi lăn trong ba nẽo, chìm đắm trong sáu đường mịt mờ, sờ soạng chẳng biết về đâu! Không những thế, chúng sinh trong ba đường ác còn phải chịu những cực hình, như tù đày, cưa xẻ, nấu nướng, khảo tra vô cùng kinh khiếp! Ai nghe vậy mà không lo lắng, suy tư? Thân người khó được, nay đã được, Phật Pháp khó gặp khó nghe, nay đã được nghe, thời gian chớp nhoáng qua mau, muôn kiếp một lần. Bởi thế, chớ lần lửa, chần chờ, phải chuyên tâm niệm Phật để cầu giải thoát sanh tử ngay trong kiếp này.
Thứ nữa, chúng ta tin cái Bản nguyên chơn tính trong tâm ta, nghĩa là tin rằng chúng ta vốn có Phật tính và đầy đủ trí huệ đức tướng, viên thường an lạc, tự tại thanh tịnh như chư Phật. Do đó nếu gặp thiện tri thức chỉ dẫn, quy y Tam Bảo, tin theo pháp môn chân chánh của Phật để tu tập thì chắc chắn sẽ tìm lại được BẢN TÂM.
Sau hết, tin rằng: chúng ta từ vô số kiếp đến nay nhất định đã từng làm trời làm người; mười phương chư Phật, chư đại Bồ Tát, Thánh Hiền, phân thân hóa độ, giác ngộ quần sanh, bởi vậy, trong một kiếp nào đó thế nào chúng ta cũng đã có duyên gặp gữ, phụng sự, cúng dường các Ngài, gieo trồng căn lành, nên hôm nay mới có tín tâm, mới có duyên để nghe học Phật Pháp. Tuy chúng ta mê mờ không thấy không biết, song kỳ thực chư Phật, Bồ Tát luôn luôn hộ niệm cho ta. Vì thế, chúng ta nên phát tâm kiên quyết, tinh tấn, lập chí dũng mãnh, vững bền trên đường tu học. Lòng TỪ BI và đức HÙNG LỰC của chư Phật, Bồ Tát trong mười phương bao la vô giới hạn, nhiếp hóa hết mọi căn cơ, nên không một sự tu tập nào mà không có kết quả, không một lời nguyện cầu chính đáng nào mà không được ứng cứu, tiếp độ. Điều này đã được sách sử chép ghi; xưa nay trong hàng tăng, tục, nam nữ đã có biết bao nhiêu người nhờ sẵn căn lành và siêng tu tịnh nghiệp mà được sanh về Tây Phương Tịnh Độ thật không sao kể xiết!
Thế nào gọi là tin cõi Phật?
Có hai: một là, tin rằng trong quá khứ vô số kiếp trước, đức Phật A Di Đà cũng là một chúng sinh như ta, nhưng Ngài đã bỏ ngôi vua, xuất gia và phát tâm đại bồ đề, lập 48 thệ nguyện rộng lớn, kiên tâm trì chí tu hành trải qua nhiều kiếp nhiều đời. Nhờ nhân địa như vậy, nên kết quả về y báo thì tạo thành Cực Lạc Tịnh Độ, về Chánh Báo thì chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ ba diệu đức: Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, và Vô Lượng Công Đức. Nệu hợp cả y lẫn chánh báo thì như chúng ta thường gọi là Thế GiớiCực Lạc của đức Phật A Di Đà.
Hai là, tin chắc rằng về phía tây của Thế giới Sa Bà do đức Thích Ca Mâu Ni hóa độ, trải qua mười vạn ức cõi Phật, thật có một thế giới vô cùng an lạc do đức A Di đà giáo hóa với sự phụ tá của hai vị đại Bồ Tát là Thế Chí và Quán Âm; đồng thời lại có vô biên Bồ Tát, Thánh Hiền, Tăng Chúng thường tụ hội để nghe đức Phật A Di Đà thuyết pháp. Đó là những vị đã được đại giải thoát, một mặt tuy vẫn y pháp Phật để tiến tu, nhưng mặt khác lại có thể dùng thần thông diệu dụng, hóa thân đi khắp mười phương để nhiếp hóa những chúng sinh có duyên với Tịnh Độ.
Những người đã được sanh về Lạc độ hoàn toàn do Liên hoa hóa sanh, tuyệt đối chấm dứt cảnh ân ái thai sanh. Và, tùy thuộc lòng tin sâu hay cạn, nguyện lực lớn hay nhỏ, công phu niệm Phật it́ hay nhiều mà những người ấy được ở vào một trong 9 phẩm bậc sau đây: Thượng phẩm có 3, Trung phẩm có 3, và Hạ Phẩm có 3. Những phàm phu còn nhiều tội lỗi nhưng được vãng sanh sẽ ở vào một trong ba bậc của Hạ phẩm. Những vị Thánh đã đoạn phiền não, chứng một phần chân lý sẽ ở vào một trong ba cấp của Trung phẩm. Những vị Bồ Tát đầy đủ trí huệ, từ bi sẽ ở vào một trong ba bậc của Thượng phẩm. Dưới cấp thấp nhất của Hạ phẩm lại còn có một cấp tên Thiết liên nghi thành, trong đó gồm chứa hết thảy những người tuy được vãng sanh, song tội nghiệp quá nặng nề và lòng tin nguyện hết sức bạc nhược, nên phải trải qua nhiều năm tháng sám ác tu thiện, đoạn trừ nghi hoặc, sinh lòng tin tưởng, rốt cuộc mới được hoa nở, và thấy Phật.
Một phen được thấy Phật, liền hưởng cảnh ăn mặc như ý muốn, sống lâu vô lượng, thân tâm tự do tự tại, dạo khắp vô biên quốc độ như chúng ta đi lại trong sân vườn. Hơn thế, tiếng gió reo, nước chảy, rừng cây, chim hót... mỗi mỗi đều là tiếng thuyết pháp và tất cả Bồ Tát, thánh chúng đều là những thiện hữu tri thức. Vì Y báo lẫn Chánh báo đều vô cùng an lạc, thiện mỹ, chân thường, và minh tịnh như thế, nên cói tịnh độ của đức Phật A Di Đà còn gọi là cõi Cực Lạc.
Điều nên biết là, tuy rằng chúng sinh được vãng sanh về Tịnh độ có chia ra chín phẩm ba cấp khác nhau, nhưng một khi đã về đều vĩnh viễn ly sinh tử luân hềi và cuối cùng đều thành Vô Thượng Giác cả.
Thế nào gọi là tin Pháp môn?
Chúng ta có thể chia ra ba phần để thuyết minh:
a. Tin rằng pháp môn trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di đà cầu vãng sanh thế giới AN LẠC là do Đức Bổn Sư Thích Ca nói ra và chính Bồ Tát Di Lặc, A La Hán Xá Lợi Phất cùng Hoàng Hậu Vi Đề Hy v.v... trực tiếp nghe, gồm có các Kinh: Vô Lượng Thọ, A Di Đà, Quán Vô Lượng Thọ Phật. Ngoài ba kinh chính vừa kể, còn có rất nhiều kinh luận, rải rác trong Đại Tạng khuyên chúng ta tu pháp môn niệm Phật cầu sanh về Tịnh Độ, thật không kể xiết.
Khi Đức Phật nói Kinh Vô Lượng Thọ các vị Bồ Tát, La Hán, Chư Thiên, Thần, Người và các phi nhân, hằng hà sa sốm đều phát nguyện cầu vãng sanh; Khi Đức Phật nói Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Hoàng Hậu Vi Đề Hy thực hành theo và được vãng sanh ngay trong một đời này; Và khi Đức Thích Ca Mâu Ni nói Kinh A Di Đà, vô số chư Phật trong sáu phương đều đồng thanh ca ngợi: tuy ở cõi Sa Bà ác trược, thế nhưng Đức Bổn Sư lại có thể thuyết minh cái pháp môn tiện lợi nhất, đặc thù nhất (pháp môn Tịnh Độ), thật là điều bất khả tư nghì!
Xưa nay đã có biết bao nhiêu Tăng, tín đồ nhờ tu theo pháp môn Niệm Phật mà được vãng sanh và cũng đã có vô số các bực Thánh Hiền, Tổ Sư nhờ y vào pháp môn ấy mà mau thành tựu quả Phật. Do đó, chúng ta càng tin tưởng rằng niệm Phật là một pháp môn vô cùng chân quí.
B. – Tin rằng pháp môn niệm danh hiệu A Di Đà Phật cầu vãng sanh về Tịnh Độ, từ loại chúng sinh cực ác đến hàng Đẳng Giác Bồ Tát đều có thể và nên tu. Bởi lẽ, những người sanh về phẩm Hạ Hạ và hóa sanh từ Thíêt liên hoa đều là những chúng sinh đã từng tạo tội ngũ nghịch, mười điều ác, đáng lý họ phải đọa vào ba đường ác (Địa ngục, Ngạ quỉ và Bàng sinh), nhưng nhờ nghe Pháp môn niệm Phật nên sanh lòng tin tưởng, tha thiết cầu về Lạc Độ và quyết tâm tu trì theo mà được vãng sanh. Những người sanh vào phẩm Trung tức là những chúng sinh đã giữ ngũ giới, tu thập thiện hoặc tu thêm chút ít thiền định nữa; những người này đều đáng lẽ được sanh làm người, làm trời ở Dục giới, nhưng nhờ nghe và tinh pháp môn niệm Phật rồi phát nguyện cầu sanh và tu tập theo nên lại được sanh về Tịnh Độ.
Cứ xem trong cuốn Vãng Sanh Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, chúng ta thấy từ các bậc Đại Thánh Hiền đến hàng dâm nữ, đồ tể, chim, thú, cá, trùng đều được vãng sanh, suy ra sẽ tự biết.
Ai là người được vãng sanh về phẩm Thượng Trung? - Đó là các vị Bồ Tát ở Hoan Hỷ địa đến Viễn Hành địa (tức từ sơ địa tới đệ thất địa) tu pháp môn Niệm Phật.
Ai là người được sanh vào phẩm Thượng Thượng? – Đó là những vị Bồ Tát thuộc Bất Động địa cho đến Đẳng Giác tu theo pháp môn niệm Phật... Bởi thế, trong kinh Hoa Nghiêm nói Bồ Tát Phổ Hiền cũng phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ, xem thế đủ biết. Vì thế, chúng ta không còn nghi ngờ gì mà không tin rằng niệm Phật là pháp môn rộng rãi nhất, thù thắng nhất.
C. – Trong thời kỳ tu nhân, đức Phật A Di Đà đã từng phát hoằng nguyện tiếp độ hộ trì hết thảy chúng sinh trong mười phương thế giới, nếu họ thường xưng niệm danh hiệu của Ngài. Do đó, trong kinh A Di đà đức Thích Ca có nhắc đến vấn đề: “Nếu người nào trì niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà đến trình độ NHẤT TÂM, người ấy liền tự biết mình sẽ được vãng sanh Tịnh Độ. Và, một khi đã được vãng sanh vị đó sẽ từ từ tiến tu rồi đi thẳng đến Phật vị chứ không còn quanh co lẩn quẩn và không bao giờ bị thoái chuyển nữa.”
Cách tu của pháp môn này rất giản dị: chúng ta chỉ cần xưng niệm hoặc tâm niệm trong lòng sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật một cách liên tục thì sẽ đầy đủ vô lượng công đức và thấy được bản tính. Còn có một cách dễ dàng hơn thế nữa: mỗi buổi sáng, chỉ cần niệm Nam Mô A Di Đà Phật khoảng 30 tới 50 lần cũng quyết định được vãng sanh Tây Phương...Cho nên pháp môn này cũng gọi là Hoành Siêu Tam Giới pháp môn *. Và một phen đã siêu xuất Tam giới, vị ấy sẽ từ từ tiến thẳng về Phật vị, chứ không còn lên xuống quẩn quanh như những pháp môn khác, nghĩa là không phải bắt đầu từ giữ giới, tu các thiện nghiệp để ra khỏi ba đường ác, sau đó lại tu thiền định để ra khỏi Dục giới, kế tiếp lại do Bát nhã để siêu thoát Sắc và Vô Sắc Giới, chứ chưa có thể vào địa vị chánh định tụ của Bồ Tát (theo luận Khởi tín thì: từ Thập Tín về trước là Tà định tụ, Thập Trú trở lên là Chánh định tụ). Ấy là chưa kể trên quá trình tu chứng đó hành giả còn phải nhiều phen thăng trầm sa đọa khó mà lường được. Vì thế, chúng ta tin rằng chỉ có pháp môn niệm Phật là dễ nhất hay nhất trong vấn đề hết khổ được vui vĩnh viễn.
Chú thích:
* Động từ Hoành siêu phản nghĩa với Thụ xuất. Hoành siêu: siêu thoát khỏi một vật theo chiều ngang. Thụ xuất: thoát ly khỏi một vật theo chiều dọc. Ý nói pháp môn niệm Phật là còn đường ngắn nhất đổ ra khỏi luân hồi sanh tử trong Tam giới.