Hãy coi ngày quy y là ngày sinh nhật. Cuộc đời tu hành tính từ đó.

Một năm có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Ðó là chuyện hiển nhiên, ai cũng biết. Nhưng quý vị có biết chăng là đời người cũng phân thành bốn giai đoạn: Sanh, lão, bệnh, tử. Làm người, ai ai cũng chết, nên mình phải tính chuyện về sau mà lo tu Ðạo. Tu hành cũng có bốn giai đoạn, tức là: học, hành, thành, và liễu.

Con người từ lúc mới ra đời đến lúc hai mươi tuổi là khoảng thời gian học Ðạo. Trong thời kỳ này mình phải học hỏi, học Phật pháp cho giỏi. Cũng giống như là trong sách Ðại học có nói: "Tại minh minh đức." Nghĩa là làm chói ngời cái đức sáng suốt. Ðó là lúc mình huấn luyện đức tánh của mình ngày càng thêm trong sáng. Từ hai mươi mốt tuổi cho đến lúc bốn mươi là khoảng thời gian hành Ðạo. Ðây là lúc mình áp dụng cái sở học; đem chỗ học hỏi và sự hiểu biết khi trước của mình ra phổ độ chúng sinh, khuông phò thế tục. Như trong sách Ðại học có viết: "Tại thân dân" nghĩa là làm đổi mới đời dân. Từ tuổi bốn mươi mốt cho đến tuổi sáu mươi gọi là thời gian thành Ðạo. Trong sách Ðại học có ghi rằng: "Chỉ ư chí thiện" nghĩa là ngừng lại ở nơi tốt đẹp nhất. Khổng tử giảng về "chí thiện" nhưng không được triệt để lắm, bởi vì chưa đạt tới cảnh giới Chân không Niết bàn, nên chưa phải là cứu cánh. Vì vậy ở giai đoạn chót, chúng ta cần phải "liễu Ðạo." Sau khi thành Ðạo rồi, mình trở về cảnh giới Niết bàn. Nếu so sánh với ba cương lĩnh của Nho giáo: "Minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện" thì Phật lý tu hành viên dung hơn nhiều nữa.

Có người nói: "Từ lúc nhỏ tới lúc hai mươi tuổi tôi chưa tin Phật. Bây giờ, nói là học Ðạo thì thời gian đó đã qua rồi. Làm sao tôi còn học hỏi được? Phải chăng tôi không cần học?" Quý vị phải hiểu, khi tôi nói tới bốn giai đoạn, đó chỉ là điều lý tưởng mà thôi, không phải là cố định, bất di bất dịch. Bởi thế mình có thể coi ngày quy y như là ngày sinh nhật vậy, rồi từ ngày đó tính đi mới kể là thời gian bắt đầu tu hành.

Lại có người nói: "Tôi đã quy y được bốn năm rồi mà sao chưa học được một chút Phật pháp gì cả?" Kỳ thật quý vị tuy đã quy y được bốn, năm năm, nhưng đối với Phật giáo, chẳng qua quý vị chỉ là một đứa trẻ bốn, năm tuổi mà thôi. Bởi thế quý vị đừng lo sầu rằng mình không làm nên việc gì cả. Phật pháp rất là thâm áo. Chỉ cần sau khi mình quy y, hai mươi năm nỗ lực học Ðạo, hai mươi năm nỗ lực hành Ðạo, thì chẳng lẽ mình không có ngày thành tựu sao?

Lại có một ông lão cảm khái thở dài mà than rằng: "Hiện nay tôi đã tám mươi tuổi rồi, e rằng không còn cơ hội để có được hai mươi năm rồi thêm hai mươi năm nữa để mà hạ thủ công phu." Ðúng vậy. "Thời gian giảm khứ mệnh quang vi, " tức là ngày tháng trôi đi, mạng giảm dần. Ngày tháng thì không còn nhiều đâu, thật đó! Nếu mình đem thời gian làm rút lại mà tính, cứ hai tháng tu Ðạo, hai tháng hành Ðạo như vậy mà suy rộng thì chỉ cần mình chân tâm với quyết chí thì dù già cũng như kẻ thanh niên, tinh tấn dũng mãnh, từng bước, từng bước mà tu tập thì lo gì không có ngày thành đạt. Hãy nỗ lực!

Giảng ngày 15 tháng 6 năm 1958

Trích từ: Khai Thị 1
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
2 Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Chú Giải Giảng Nghĩa, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
3 Tịnh Từ Yếu Nghĩa, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về

Chú Ðại Bi Tiêu Trừ Tai Nạn
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa

Bậc Đạo Sư Cao Cả
Cư Sĩ Phương Luân

Tính Cách Trọng Yếu Của Sự Phát Nguyện
Hòa Thượng Thích Trí Thủ

Phạm Vi Cõi Cực Lạc
Hòa Thượng Thích Trí Thủ