Home > Khai Thị Phật Học
Làm Thế Nào Mới Được Vãng Sanh
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Trong cả đời tu học nếu người tu hành chẳng thoát khỏi tam giới thì chẳng kể là thành công, nhưng siêu việt tam giới thực sự là một việc rất khó. Tuy nói Tịnh Ðộ là pháp dễ hành (dễ hơn so với những pháp môn khác), trên thật tế thì cũng chẳng dễ, thê nên người niệm Phật thì nhiều nhưng người vãng sanh rất ít.

Người vãng sanh thực sự gồm có hai hạng. Một hạng là những người thượng căn lợi trí, họ có thể thông suốt chân tướng sự thật nên họ chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, tịnh niệm tiếp nối mà vãng sanh. Hạng thứ nhì là những người ‘ngu độn’, phần đông thường nói là những ông già, bà cả, cái gì họ cũng chẳng biết, chẳng hiểu, nhưng họ chết lòng trọn ý niệm câu A Di Ðà Phật đến cùng, những người này cũng có thể vãng sanh. Còn những người ở chính giữa chẳng phải là thượng trí cũng chẳng phải là hạ ngu thì khó hơn. Tại vì họ có phân biệt, có tri kiến, đây tức là chướng ngại. Chúng ta phải nên lắng lòng suy nghĩ xem chúng ta thực sự thuộc về hạng nào?

Bắt chước theo người thượng trí rất khó; bắt chước người ngu chỉ cần thực sự chịu học theo thì có thể học được, tức là phải buông xả hết thảy. Quan trọng nhất là phải buông xả hết danh văn lợi dưỡng. ‘Lợi dưỡng’ bao gồm ngũ dục, lục trần, ‘danh văn’ bao gồm quyền thế, địa vị, hết thảy chúng ta đều đừng đụng đến, chỉ một lòng một dạ chắc thật niệm Phật, phục vụ đại chúng.

Như Ðàm Hư pháp sư nói trong phần sau của cuốn Niệm Phật Luận, trong những người xuất gia có thầy Tu Vô, thầy là người ngu độn, cái gì cũng chẳng biết, cái gì cũng chẳng hiểu. Bà họ Trương ở chùa Trạm Sơn, Thanh Ðảo, chồng bà làm nghề kéo xe chở khách, một ngày không kéo xe thì chẳng có cơm ăn. Mỗi ngày chủ nhật chùa Trạm Sơn có pháp hội, bà đều đến nhà bếp giúp việc rửa chén, bà làm những việc cực nhọc này, bạn hãy xem họ vãng sanh vô cùng thong dong, tự tại! Ðó là những người ‘ngu độn’. Người ngu cũng có thể vãng sanh, người tuyệt đỉnh thông minh cũng có thể vãng sanh, những người ở chính giữa hai hạng này thì khó hơn nhiều.

Khó khăn đều là chướng ngại do mình tạo ra – tranh danh đoạt lợi, tham hưởng lợi dưỡng. Chúng ta có thể gặp được pháp môn Tịnh Ðộ là một nhân duyên hiếm có, nếu luống qua nhân duyên hy hữu này thì thiệt là vô cùng đáng tiếc!