Home > Khai Thị Phật Học
Tâm Sanh Tử Không Tha Thiết
Pháp Sư Thích Tự Liễu | Cư Sĩ Bích Ngọc, Việt Dịch


I. MỞ BÀI

Trung Phong thiền sư nói nguyên nhân người đời nay tham Thiền không linh nghiệm vì chẳng cho rằng sanh tử vô thường là một sự kiện trọng đại. Cùng một lý ấy, nguyên nhân khiến cho người niệm Phật không linh nghiệm cũng vậy: Chẳng coi trọng sanh tử vô thường, tâm vì sanh tử chẳng tha thiết. Tâm sanh tử không tha thiết là một vấn đề lớn, nhưng phần đông mọi người đều không coi trọng!

Thánh nhân trong thế xuất thế gian đều cảnh cáo chúng ta: “thân người vô thường”. Quý vị có thể biết ngày mai còn có thể sống ở nhân gian sao? Thiên tai nhân họa rất nhiều! Người chết mất mạng mỗi ngày có bao nhiêu người? Đây chính là thuộc tai họa ngoài ý muốn, trên mạng nhìn thấy số lượng thật đáng sợ, đây là cảnh cáo chúng ta. Chúng ta nghe đến những tin tức này, thấy hình ảnh này, phải cảnh giác, đây là vô thường.

II. NÊU VẤN ĐỀ

1. Hiện tượng phổ biến: Công phu niệm Phật chẳng đắc lực.

Nhiều người niệm Phật mười năm, hai mươi năm công phu chẳng đắc lực, chẳng nắm chắc vãng sanh, nguyên nhân là gì?

Khi dự Phật Thất, lúc ban đầu dường như niệm giỏi lắm, rất tinh tấn, nhưng dần dần càng niệm càng cảm thấy khô khan, chẳng có mùi vị, càng niệm càng chán, chẳng muốn niệm tiếp, nguyên nhân là gì?

Khi bế quan niệm Phật, lúc bắt đầu thì ba giờ sáng thức dậy niệm Phật, vài ngày sau năm giờ mới thức; qua một thời gian sau tám giờ mới thức. Sau cùng, ngủ miết chẳng muốn thức sớm nữa!

Mọi người đừng cười, quý vị cũng có thể lâm vào tình trạng này. Phần đông mọi người thường có tình trạng như sau: Khi niệm Phật, nếu không khởi vọng tưởng thì ngủ gục. Dù biết rõ pháp môn Tịnh độ thù thắng, biết công đức danh hiệu chẳng thể nghĩ bàn, nhưng câu Phật hiệu này càng niệm càng chẳng có hứng thú gì, càng niệm càng chẳng có động lực, cuối cùng chịu thua, bỏ luôn. Nguyên nhân là gì?

Giải đãi, đây cũng là điều rất phiền phức. Biết bao nhiêu người học tập nhưng không thể thành tựu đều do giải đãi. Nên trong chùa thời xưa, hiện nay không có, thời xưa mọi người cùng nhau học tập, đều theo chúng, nương chúng, không thể biếng nhác. Thời khóa có quy định, 3 giờ sáng mọi người cùng thức dậy, 3 giờ thức dậy là tiêu chuẩn thông thường.

Không làm bạn với những người chê bai ngôi Tam bảo. Không làm bạn với người viết truyện khiêu dâm. Không làm bạn với những người hay bàn luận đến chuyện phòng the. Không làm bạn với người trẻ dẫn dắt gái lầu xanh. Không làm bạn với những người thích rượu chè cờ bạc. Thường khuyên người qui y Tam bảo. Lưu hành sách khuyên làm việc thiện. Tin sâu nhân quả. Giữ giới dâm dục.

2. Nguyên nhân căn bản là tâm vì sanh tử chẳng tha thiết.

Chúng ta tìm trong các trước tác của tổ sư đại đức nhiều đời trước, rốt cuộc tìm ra câu trả lời cho những vấn đề nêu trên: Nguyên nhân căn bản là tâm vì sanh tử chẳng tha thiết. Đây là một vấn đề lớn, rất phổ biến của chúng ta hiện nay. Do vậy, niệm Phật lâu năm, thậm chí niệm cả đời, công phu cũng chẳng đắc lực, chẳng nắm chắc vãng sanh. Chúng ta hãy khoan nói có nắm chắc vãng sanh hay không, ngay cả chuyện không đọa trong tam ác đạo cũng chẳng nắm chắc, có đúng hay không?

3. Tâm vì sanh tử là cơ sở nhập đạo.

Bài báo cáo này trích một lời dạy của Triệt Ngộ Đại sư: “Nếu chẳng khởi tâm thật sự vì sanh tử, hết thảy khai thị đều là hý luận”làm đề tài. Nếu tâm sanh tử không tha thiết, có nói nhiều với họ cũng là dư thừa, vô ích. Ngược lại, nếu tâm vì sanh tử thật sự tha thiết, chẳng cần khai thị thì người đó cũng tranh thủ từng phút từng giây, ngày đêm chẳng gián đoạn để niệm câu A Di Đà Phật giống như hòa thượng Hải Hiền vậy. Tâm vì sanh tử là cơ sở nhập đạo! Xin trích dẫn nguyên văn một đoạn khai thị của Đại sư Triệt Ngộ:

“Hết thảy những nỗi khổ trong thế gian chẳng vượt hơn nỗi khổ sanh tử. Nếu không liễu sanh tử thì sanh rồi chết, chết rồi sanh, sanh sanh tử tử. Vừa xuất một bào thai này, lại nhập một bào thai khác; vừa thoát một đãy da liền khoác lên một đãy da khác, khổ chẳng nói nổi! Huống chi chưa thoát luân hồi, khó tránh khỏi đọa lạc. Bào thai heo, bào thai chó, chẳng có chỗ nào không vào. Đãy da lừa, đãy da ngựa, chẳng chừa thứ nào. Được làm thân người là khó có nhất, nhưng rất dễ đánh mất. Chỉ sai sót một niệm liền đọa vào ác thú. Tam đồ dễ vào khó ra, địa ngục thời gian lâu dài nỗi khổ nặng nề. Qua bảy thời đức Phật ra đời, một bầy kiến vẫn còn mang thân kiến. Tám vạn kiếp sau chưa thoát thân bồ câu. Thời gian trong cõi súc sanh dài lâu, thời gian trong cõi ngạ quỷ, địa ngục còn lâu dài gấp nhiều lần. Trải qua nhiều kiếp dài đăng đẳng tới lúc nào mới dứt, mới thoát? Vạn nỗi khổ nung nấu, chẳng thoát được, chẳng cứu vớt được. Mỗi lần nhắc đến, lông tóc dựng đứng. Mỗi lần nghĩ tới, ngũ tạng như đang bị thiêu như đang bị đốt”.

Ấn Quang Đại sư đánh giá đoạn văn trên của Triệt Ngộ Đại sư như sau: “Đoạn khai thị này tinh túy thiết tha đến cùng cực, mọi ngườihãy nên đọc cho nhuần nhuyễn”.

Nếu không may rơi vào địa ngục, địa ngục rất phức tạp, không phải một thứ, rất nhiều, có người ở rất lâu, đó là do tạo tội nghiệp quá nặng, cũng có người ở rất nhanh.

Hồi tôi học kinh điển ở Đài Trung, thầy giáo kể cho chúng tôi về một địa ngục, đây là bình thường, không phải quá nghiêm trọng, mạng sống người ở địa ngục bao lâu? Trước hết phải nói một ngày ở địa ngục là bao nhiêu năm của nhân gian. Thầy giáo cho chúng tôi biết. địa ngục này một ngày ở địa ngục này là hai nghìn bảy trăm năm ở nhân gian. Trung Quốc thường nói có lịch sử năm nghìn năm, trong địa ngục chưa đến hai ngày. Từ đó mới biết rằng, trăm nghìn vạn kiếp, rất có khả năng, không phải bịa đặt.

Quý vị chịu khổ thời gian dài như thế trong địa ngục, luân hồi ác thú, không có thời hạn ra, không có cách nào để ra. Bởi thế tam ác đạo rất dễ vào, rất khó đi ra. Thời gian ở cõi ngạ quỉ cách xa chúng ta, một ngày ở cõi quỉ là một tháng ở nhân gian. Bởi thế chúng ta cúng quỉ thần vào các ngày mùng một và rằm, gặp đúng một ngày ba bữa của họ. Bữa sáng, bữa trưa và bữa tối, mỗi ngày ba bữa. Một ngày của họ bằng một tháng của ta, thọ mạng cõi quỉ, sống ngắn nhất cũng được nghìn tuổi, một nghìn tuổi. Mười hai ngày cõi quỉ bằng ta một năm, thử tính xem, thời gian như thế bao lâu. Vì thế không nên vào ác đạo.

Cõi súc sinh, mạng sống rất ngắn, nhưng nó không thể rời khỏi cõi súc sinh. Chúng ta xem trùng nhỏ trên mặt nước, gọi là phù du, sáng sinh chiều chết. Chúng sống độ mấy tiếng, tạo nghiệp gì mà đoạ làm thân ấy? Người tạo nghiệp giết hại quá nặng, giết hàng vạn, họ sẽ đoạ vào cõi súc sinh. Một ngày chúng nó sống chết ba, bốn lần, suốt ngày chịu khổ trong sinh tử.

Như nhân gian chúng ta làm việc, ban ngày làm việc, tối về có nghỉ ngơi, ở đó họ chịu khổ không được nghỉ ngơi. Ngục tù của thế gian, ban ngày chịu hình phạt, đêm về có thể nghỉ chút ít, địa ngục Vô gián không có ngừng nghỉ.

Tôi giảng Kinh thường hay phụng khuyến các vị: “Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Không có nền tảng này, bạn muốn không bị những tà tri, tà kiến, tà hạnh của xã hội này mê hoặc thì e rằng không có người nào làm được, trừ khi bạn là Phật Bồ Tát tái sanh; nếu bạn không phải là người tái sanh, bạn không thể nào thoát khỏi bàn tay của ma, bạn chắc chắn sẽ đọa vào ma đạo. Do đó, giáo học là phương tiện cứu độ tất cả chúng sanh tốt nhất.

Người bây giờ phiền phức, trên người có mang theo điện thoại. Niệm được mấy câu Phật hiệu thì điện thoại reo rồi, lập tức bị dừng lại, liền bị gián đoạn. Điện thoại chính là ma chướng lớn nhất, Có người tặng cho tôi, tôi cũng cám ơn họ. Họ tặng một cái điện thoại cho tôi. Nhưng mà làm sao? Tôi đem nó bỏ đi. Tôi không có bị lừa, Không có điện thoại thanh tịnh biết bao nhiêu!

Không có điện thoại, Tôi không quấy nhiễu ai, Người khác cũng đừng quấy nhiễu tôi. Thâu nhiếp sáu căn đó là công phu thật sự.

Thế gian này trước đây lão sư Lý thường hay nhắc nhở chúng tôi. Người niệm Phật chúng ta, 10 ngàn người niệm Phật, đại khái chân thật có thể vãng sanh chỉ có 5 3 người, đó là lời nói của 60 năm trước.

Ngày nay sau 60 năm nếu người ta hỏi tôi, đại khái trong 10 ngàn người chỉ có 1 2 người, 60 năm trước có 5 3 người, hiện nay chỉ có 1 2 người.

Tại vì sao? Càng về sau càng khó khan, hoàn cảnh quấy nhiễu quá nghiêm trọng, bạn không vượt qua được, bạn không buông xả được, sự quấy nhiễu của 60 năm trước so với hiện nay nhẹ hơn rất nhiều. Lúc đó trung quốc vẫn chưa phổ biến ti vi, thậm chí đến điện thoại cũng không có, điện thoại di động chưa được phát minh, truyền đạt tin tức rất không thuận tiện, 60 năm trước còn phải đánh điện báo, hiện nay không còn người sử dụng nữa.

Vì thế chúng ta biết rằng, khoa học kỹ thuật càng phát đạt, vãng sanh càng khó khan, sức quấy nhiễu của nó quá lớn. Cho nên Hải hiền lão hòa thường, vì chúng ta thị hiện sự vi diệu, thật quá diệu, chỉ cần dùng phương pháp đó của ngài, phương pháp đó của ngài là chân thật vạn duyên buông xuống.

Then chốt vẫn là Chương Gia Đại sư dạy một cách đơn giản quan trọng: nhìn thấu, buông bỏ. Đặc biệt là trong thời đại hiện nay của chúng ta, thời đại này nếu đầu ốc tỉnh táo một chút, dễ dàng buông bỏ. Quý vị không thể không nhìn thấu, không nhìn thấu phiền phức sẽ rất lớn, vì sao vậy? Vì quý vị không ra khỏi luân hồi lục đạo, đây là việc lớn.

Đời đời kiếp kiếp trong quá khứ chúng ta chắc chắn đã từng gặp được Phật pháp, nhất định có tu hành trong Phật pháp, nhưng không thành công, không thể thành công. Chúng ta có duyên với Tịnh độ, có nhân duyên rất sâu dày, đời này lại gặp được. Nếu đời này còn không thể nhìn thấu, như vậy vẫn phải luân chuyển trong luân hồi.

Thầy Lý nói phải luân hồi nhiều kiếp, không phải thời gian ngắn, rất gian khổ! Nếu chúng ta giác ngộ, đã biết, không muốn trôi lăn trong luân hồi, như vậy thì phải y giáo phụng hành. Nắm bắt vài cương lĩnh trong kinh nói, từng giờ từng phút cảnh tỉnh mình là được. Những điều trong 600 quyển Kinh Đại Bát Nhã nói tôi tổng kết thành 12 chữ. Đức Phật giảng 22 năm, ngài nói những gì? “Tất cả pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”ý này chính là đối với tất cả pháp đều phải nhìn thấu không nên để trong lòng, để trong lòng là sai.

Tôi nhớ vào dịp Tết năm nọ, thầy Lý khai thị cho mọi người tại Liên Xã, vừa mở đầu, thầy nói: “Tết đến mọi người gặp nhau vui sướng tràn trề. Câu chào hỏi đầu tiên khi gặp mặt là cung hỷ phát tài; suy nghĩ cặn kẽ, có chuyện gì đáng mừng? Thọ mạng ít đi một năm, nghiệp chướng lại tăng thêm không ít. Nói nghiêm ngặt là bi ai, có gì đáng mừng đâu? Người thế gian điên đảo, lầm loạn, coi chuyện đáng buồn là đáng mừng, quên sạch sành sanh chuyện thật sự đáng mừng. Nếu chúng ta mỗi năm một nhạt bớt chuyện tình cảm thế gian, đạo niệm mỗi năm một nồng hậu hơn, đó là đáng mừng! Vẫn tạo tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, chẳng nghĩ một câu Phật hiệu là chuyện đáng nên làm thì có gì đáng mừng đâu!”Người niệm Phật lui sụt nhiều, thành tựu ít ỏi, đạo lý là như vậy đó!

III. PHÂN TÍCH VẤN ĐỀ

1. Sanh tử đại sự.

Lúc còn trẻ, Liên Trì Đại sư đã viết bốn chữ “Sanh Tử Sự Đại”(Sanh

Tử là chuyện lớn) để trên bàn hòng tự sách tấn và khích lệ chính mình tinh tấn dụng công. Nếu quý vị cho rằng bốn chữ này chẳng liên quan gì tới mình, vậy thì xin lỗi, quý vị còn là người ở ngoài cuộc. Khi tâm thật sự vì sanh tử chưa khởi lên, tu hành còn chưa bước vào cửa, niệm Phật cũng chưa bước vào cửa!

Ấn Quang Đại sư dạy: “Người ta sanh ở trên đời, chẳng có chuyện nào không sắp đặt kế hoạch sẵn, chỉ có một chuyện sanh tử lại ngược ngạo không chịu để ý. Đợi đến khi báo hết, mạng sống chấm dứt, thì tùy theo nghiệp mà chịu quả báo. Chẳng biết một niệm tâm thức ấy sẽ đến cõi nào thọ sanh. Cõi trời người là quán trọ. Tam đồ ba đường ác là quê nhà. Một khi thọ báo ở tam đồ là trăm ngàn kiếp, chẳng biết tới bao giờ mới sanh trở lại cõi trời, cõi người được. Do vậy, phương pháp liễu sanh tử chẳng thể không gấp rút tìm cầu”.

Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đây là việc trọng đại của mỗi người chúng ta, đó gọi là “sanh tử đại sự”. Chúng ta có nỗ lực, thận trọng suy xét hay chăng? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi? Người xưa thường nhắc chúng ta “sanh tử sự đại”sanh tử là việc lớn, nhưng tình trạng hiện nay của chúng ta là như thế nào? Trong kinh Vô

Lượng Thọ, đức Thế Tôn nói: “Người đời tranh nhau những chuyện không đâu, chẳng cần thiết”. Cả ngày chúng ta bận bịu những sự việc chẳng cần thiết, đảo lộn gốc và ngọn, đối với những chuyện chẳng liên quan tới sanh tử thì tranh giành hơn thua, chưa hề coi trọng việc lớn sanh tử, và cũng chẳng sợ nỗi khổ luân hồi trong lục đạo, càng chẳng nghĩ tới sau khi chết sẽ sanh về đâu! Hoặc lâu lâu cũng nghĩ tới việc đó một lần, hoặc có lúc nhìn thấy người thân hoặc bạn bè đột nhiên qua đời, lúc đó xúc động trong chốc lát, nhưng chẳng lâu sau lại bị những chuyện thế gian chẳng cấp bách che lấp mất. Miệng tuy cũng niệm được vài câu Phật hiệu, niệm xong có thể vãng sanh hay không? Chỗ này chúng ta phải đặt một câu hỏi lớn.

Niệm Phật thì khác, ai cũng có thể niệm. Niệm Phật phải miên mật, trong tâm luôn luôn phải có câu Phật hiệu. Chuyện này có thể làm được, vấn đề là bạn tự mình có chịu niệm không. Khi có phiền não sanh ra thì bạn không chịu niệm nữa. Sân hận, hấp tấp, bồn chồn là phiền não, vui mừng cũng là phiền não. Khi bạn cao hứng, bạn bè khách khứa tấp nập, nói chuyện vui vẻ thì bạn quên niệm Phật rồi. Đây đều là phiền não. Thật ra trong lúc phiền não cũng có thể niệm Phật, chỉ tại bạn không muốn niệm thôi. Nếu bạn niệm thì tự nhiên sẽ được thành phiến. Có miệng tựa hồ câm, Có tai làm như điếc

Có người cái gì cũng tu một chút, trong lúc tỉnh tọa lại tưởng tham thiền, đang lúc niệm Phật lại muốn đi học trì chú, muốn niệm Di Đà, rồi muốn niệm Địa Tạng, niệm Quán Âm Bồ Tát. Đây không phải là tu thiệt mà là pha trò vui chơi. Chân cần chân chuyên thì công hiệu tự nhiên có thể thấy được. Hiệu quả tự thấy. Không phải hỏi người. Hãy xin tự xét. Cũng như người uống nước, Pháp môn Tịnh độ tốt là tốt ở chỗ này, người đời ai cũng có thể làm được, không phải là chuyện cao siêu quá khó không ai làm nổi, còn như chuyện khai ngộ thì rất khó, không phải ai cũng có thể làm được, trong trăm triệu người khó mà có được một người làm được

Chẳng lẫn lộn với đời, Mới là sùng đạo nghiệp, Hạnh chớ để biếng nhác.

Biếng nhác chẳng là Tăng, Nếu ông tự phế hạnh, Thân mang nhiều hậu họa. “Nếu trời không lạnh thấu xương, Làm sao mai nở rực mùi hương”.

Cái tâm luân hồi sẽ tạo nghiệp luân hồi. Quý vị nói xem: Chuyện này có đáng sợ hay chăng? Tuy đáng sợ, có mấy ai giác ngộ? Có mấy ai quay đầu? Chúng ta hãy tư duy, quan sát cặn kẽ từ chỗ này. Xem xét người khác xong, hãy quay trở lại, hồi quang phản chiếu, chiếu kiến chính mình. Chẳng có những tấm gương bên ngoài ấy, bản thân chúng ta rốt cuộc làm những gì? Chẳng biết! Thật đấy, chẳng giả đâu!

Hiện nay gọi là đạo hữu bạn bè, nói cười thân thiết nhưng chớp mắt đã phân chia thánh phàm, cách xa như trời với vực. Lẽ nào lại chẳng hổ thẹn sao? Lẽ nào lại chẳng đau xót sao? Suy xét như thế tự nhiên mạnh mẽ tiến bộ, một đời giải quyết xong xuôi không đợi đến đời sau.

RẤT SỢ LÂM CHUNG NGHIỆP THỨC MÊ KHÔNG THÀNH CHÁNH NIỆM LƯỠI HẦU TÊ.
NẾU NHƯ BÌNH NHẬT KHÔNG CHUYÊN THIẾT ĐÂU SẴN TƯ LƯƠNG LÖC TRỞ VỀ.

Tại sao có nhiều người niệm Phật không tinh tấn và khó thành một khối? ". Đại sư khai thị: "Điểm quan yếu bậc nhất của sự tu hành là: tha thiết vì thoát ly nỗi khổ sống chết luân hồi. Nếu không tha thiết nghĩ đến điều này, thì làm sao có thể niệm Phật tinh tấn và thành một khối được? Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, mỗi niệm buông theo vọng tưởng, gốc tình ái bám sâu, ngay ở cõi người vui ít khổ nhiều, còn trong nẻo luân hồi thì sanh lên cõi nhơn thiên như đất nơi móng tay, đọa xuống ba đường ác như đất miền đại địa! Cổ nhơn đã bảo: "Tam đồ một đọa ngàn muôn kiếp. Tái phục nhơn thân biết lúc nào? ". Nếu trong đời này không thống thiết vì sự khổ sống chết luân hồi, mỗi niệm vẫn theo tình nhiễm, muốn đem lòng tin hời hợt niệm Phật để cầu thoát ly, thì khác nào mong dùng một gáo nước để cứu muôn xe lửa đỏ? Tu hành như thế chỉ e khi mất thân người khó bề lại được, một phen bê trễ tiếc hận lâu đài! Vậy phải phát lòng tinh tấn, dùng hạnh niệm Phật vượt phá muôn ngàn vọng tưởng, tùy thời tùy chỗ đều giữ cho câu Phật hiệu được hiện tiền. Quyết tâm hạ công phu khổ thiết như thế, lâu ngày sẽ được thuần thục tương ưng, và câu niệm Phật tự thành một khối. Việc này toàn do nơi mình suy gẫm và hết lòng gắng sức. Nếu đem câu niệm Phật làm hình thức bên ngoài, chắc chắn khó mong có ngày được vãng sanh giải thoát!".

Không thấy khổ báo trong địa ngục, siêng tu nhưng không dõng mãnh. Không thấy niềm vui vi diệu ở Tịnh độ, nên mong cầu nhưng ý niệm không mãnh liệt”.

2. Ý nghĩa ghi chặt ẩn kín trong chữ Tử (Chết).

Chúng ta nghe câu chuyện về người thợ vá nồi, một câu Phật hiệu niệm mệt bèn nghỉ ngơi, nghỉ xong lại tiếp tục niệm. Chúng ta rất ngưỡng mộ, rất muốn học theo và bắt chước ông ta. Người xưa miêu tả:

“Bách bát luân châu lục tự kinh,
Tiêu ma tuế nguyệt độ quang âm”

(Trăm lẻ tám hạt châu dùi mài câu kinh sáu chữ, Tiêu mòn ngày tháng chẳng uổng thời gian trôi qua).

Nhưng lúc thật sự làm chuyện này, chúng ta làm chẳng nổi. Lúc vừa khởi đầu thì rất tinh tấn, dần dần trở nên giải đãi. Giải đãi, cứ thường giải đãi, cuối cùng thất bại không phấn chấn khắc phục được nữa. Đối với chuyện thường giải đãi, Ấn Quang Đại sư có dạy: “Lý do quý vị giải đãi vì chẳng suy xét cho kỹ sự khổ trong tương lai. Nếu có thể cân nhắc và suy xét cho kỹ, sẽ chẳng đến nỗi giải đãi mãi”.

Đó là vì tâm sanh tử chẳng tha thiết, chẳng suy xét cho kỹ: Nếu chẳng vãng sanh, sự thống khổ đời sau khi đọa vào ba đường ác sẽ dễ sợ vô cùng. Do vậy, Ấn Quang Đại sư dạy cho chúng ta bí quyết niệm Phật: Dán một chữ Chết trên trán.

Chữ Chết này có ý nghĩa ẩn kín vô cùng sâu sắc. Người xưa có câu “Chưa thấy quan tài chưa rơi lệ”. Người đời nay nhìn thấy quan tài cũng không rơi lệ, chẳng sợ chết, chẳng sợ luân hồi! Đồng tu chúng ta thường đi trợ niệm cho người khác, nhìn thấy tình huống đau khổ của người sắp lâm chung, thường có tâm cảnh giác, âm thầm hạ quyết tâm “lần này về nhà tôi nhất định sẽ buông xuống vạn duyên, niệm Phật đàng hoàng”. Nhưng rồi qua vài hôm sau, tật cũ cứ hiện ra, đáng nên bận rộn những chuyện không đâu thì vẫn bận rộn những chuyện ấy. Kết quả ra sao? Chết đi đáng luân hồi như thế nào, thì vẫn luân hồi như thế ấy. Do vậy, tổ sư dạy chúng ta dùng chữ “Chết”này để tự nhắc nhở chính mình “sanh tử là chuyện lớn”. Lão nhân gia dạy chúng ta ngắn gọn như sau:

“Muốn tâm chẳng tham đắm chuyện bên ngoài, hãy chuyên niệm Phật. Chẳng thể chuyên, phải bắt nó chuyên. Niệm không được, phải ép cho nó niệm được. Không thể nhất tâm, ép cho nó nhất tâm... Cũng chẳng có phương pháp gì đặc biệt. Chỉ lấy một chữ „Chết‟ dán lên trán, dán rủ lên mi. Trong tâm thường nghĩ: Chúng ta từ vô thỉ kiếp cho đến nay, tạo ra các ác nghiệp vô lượng vô biên. Giả sử ác nghiệp đó có thể tướng, mười phương hư không cũng chẳng thể dung chứa. May mắn làm sao, đời này được thân người, lại được nghe Phật pháp, nếu không nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây phương, khi một hơi thở ra không hít vào được nữa, nhất định sẽ rơi vào lò than, vạc dầu, rừng kiếm, núi đao trong địa ngục, chịu khổ chẳng biết trải qua bao nhiêu kiếp. Lúc ra khỏi địa ngục rồi lại phải đọa vào cõi ngạ quỷ, bụng to như biển, cổ họng nhỏ như kim, đói khát nhiều kiếp, cổ họng thiêu đốt, chẳng nghe đến danh từ „tương hay nước‟, hiếm có khi nào được no lòng. Từ cõi ngạ quỷ thoát ra, lại phải làm súc sanh, để cho người ta cỡi, hoặc cho người ta nấu nướng. Dù cho có được thân người, cũng ngu si, vô tri, chỉ biết tạo nghiệp, chẳng biết tu thiện, chẳng được mấy mươi năm lại phải đọa lạc trở lại. Trải qua số kiếp nhiều như cát bụi, luân hồi trong lục đạo. Tuy muốn thoát lìa, nhưng không thể được‟. Nếu có thể nghĩ như vậy, những gì mong cầu nói trên liền có thể được”.

3. Tấm gương của lão Hòa thượng Hải Hiền.

Phần trên có nhắc tới người thợ vá nồi, đệ tử của lão pháp sư Đế Nhàn, là tấm gương điển hình cho người niệm Phật vãng sanh. Pháp sư Oánh Kha đời Tống, người thợ vá nồi, và gần đây nhất là lão hòa thượng Hải Hiền, thật ra, bao gồm trọn hết những người vãng sanh được chép trong Tịnh độ Thánh Hiền Lục, họ đều có một điểm giống nhau: Lý do họ niệm Phật thành công đều ẩn kín một đại tiền đề dễ bị mọi người coi thường. Chúng ta coi kinh nghiệm của họ, chuyện nào cũng có chung một điểm, đó là tâm sanh tử của họ đều khẩn thiết. Nếu tâm sanh tử khẩn thiết, nhất định là tâm cầu mong vãng sanh cũng rất khẩn thiết. Nếu tâm cầu vãng sanh khẩn thiết, nhất định sẽ mong cho mình sớm có ngày được vãng sanh. Thế giới này khổ không nói nổi, tôi còn muốn ở lại nơi đây để làm gì? Tốt nhất là vừa nhắm mắt, đức Phật A Di Đà liền tiếp dẫn tôi đi, dù một khoảnh khắc cũng chẳng muốn lưu lại, không thể chờ lâu được. Lão hòa thượng Hải Hiền là như vậy, đó gọi là chân tín thiết nguyện.

Chúng ta đọc thơ của người xưa bèn có thể hiểu được tâm trạng này.

Mọi người đều rất quen thuộc với quốc sư Trung Phong, Ngài nói:

“Dù cho thành Phật hôm nay,
Lạc bang hóa chủ cũng chê trễ rồi,
Nếu còn bàn luận khơi khơi,
Luân hồi giữ chặt đến đời nào buông?”.

Lại xem bài thơ của Nhật Quán Đại sư trong tập Hoài An Dưỡng có ghi:

“Trong mộng khóc thưa Phật,
Nguyện sớm được vãng sanh,
Đóa sen nho nhỏ nở,
Vĩnh viễn thoát tử sanh”.

Ý bài này là nói dù trong mộng, tôi cũng không ngừng khóc trước đức Phật A Di Đà cầu xin cho tôi sớm được vãng sanh, sớm thoát lìa thế giới Ta bà. Không cần nói chi cao xa, chỉ cần đóa hoa sen nhỏ của tôi nở ra, từ lúc đó liền siêu thoát sanh tử, được giải thoát vĩnh viễn. Qua mấy câu này, liền thấy nguyện vọng lớn nhất của Ngài là vãng sanh Cực Lạc thế giới, dùng chân tâm cầu nguyện vãng sanh.

Chúng ta coi hai đoạn trích dẫn nguyên văn lời tự bạch của lão hòa thượng Hải Hiền:

“Nay tôi đã hơn trăm tuổi, muốn vãng sanh tới thế giới Cực Lạc Tây Phương, Lão Phật Gia tức đức Phật A Di Đà là cội gốc của tôi! Tôi đã cầu xin Lão Phật Gia mấy lần, muốn đi theo Phật, nhưng Lão Phật Gia chẳng cho tôi đi theo, đức Phật nói tôi tu tập tốt đẹp, phải sống thêm hai năm nữa, làm một tấm gương cho mọi người thấy”.

“Tôi phải gấp rút niệm Phật, cầu A Di Đà Phật đến tiếp dẫn tôi”.

Mọi người đừng coi thường những lời nói này. Chúng ta hãy thật lòng tự hỏi, cả đời mình có mấy lần đã thật sự từ đáy lòng phát nguyện muốn vãng sanh? Lại có bao nhiêu câu Phật hiệu là niệm ra từ chân tín thiết nguyện? Do vậy, niệm Phật chẳng thể vãng sanh là một vấn đề vô cùng nghiêm túc trước mắt, và cũng là một vấn đề rất phổ biến.

Ấn Quang Đại sư dạy: “Người vãng sanh ít ỏi, lý do thật sự là vì tín nguyện chẳng chân thật, chẳng thiết tha mà ra. Nếu tín nguyện chân thật, thiết tha, dù lúc lâm chung mới bắt đầu niệm, cũng được vãng sanh”.

Lão hòa thượng Hải Hiền cả đời chỉ trì niệm sáu chữ hồng danh, từng giờ từng phút, từng ngày từng tháng, từng năm chưa hề gián đoạn. Vì sao Ngài có thể làm được như vậy? Đừng nói ngày nay chúng ta niệm Phật từ đầu năm tới cuối năm, ngay cả niệm Phật chỉ một ngày thôi, chúng ta cũng niệm không được tốt đẹp. Lúc tinh thần tỉnh táo bèn khởi vọng tưởng, lúc tinh thần uể oải bèn ngủ gục. Niệm được một lát bèn không chịu niệm tiếp, không muốn niệm nữa, có đúng như vậy hay không? Vì sao lão nhân gia có thể niệm hai mươi bốn giờ đồng hồ không gián đoạn? Nguyên nhân là vì lão nhân gia có tâm sanh tử khẩn thiết. Có tâm sanh tử khẩn thiết, nhất định tâm cầu vãng sanh sẽ khẩn thiết. Có tâm mong cầu vãng sanh khẩn thiết, nhất định sẽ niệm miết câu Phật hiệu này ngày đêm không ngừng, không thể nào ngừng được!

4. Gương tu hành của người xưa.

Chúng ta hãy xem những người chân tâm tu hành đời xưa, ngày đêm tinh tấn:

Hoài Ngọc pháp sư cả đời thường ngồi chẳng nằm, tụng kinh Di Đà ba mươi vạn biến, mỗi ngày niệm Phật năm vạn tiếng.

Bảo Tướng pháp sư mỗi ngày tụng kinh A Di Đà bảy biến, niệm Phật sáu vạn tiếng.

Đạo Xước Đại sư mỗi ngày niệm Phật bảy vạn tiếng.

Tư Chiếu pháp sư đời Tống mỗi ngày canh tư (từ một giờ tới ba giờ sáng) thức dậy bắt đầu niệm Phật, ba mươi năm như một ngày.

Liên Tông thập nhất tổ, Tỉnh Am Đại sư đời Thanh, từ khi ngài thọ Cụ Túc Giới năm hai mươi bốn tuổi, suốt đời mỗi ngày ăn một bữa, đêm ngồi không nằm. Đến cuối đời mỗi ngày niệm Phật mười vạn tiếng. Ngài viết một bài minh Thốn Hương Trai đặt trong phòng tiếp khách như sau:

“Tôn khách tương phùng, vật đàm thế đế
Thốn hương vi kỳ, duy đạo thị ngữ
Bất cận nhân tình, bất câu tục lễ
Tri ngã tội ngã, thính chi nhi dĩ”

(Khi tiếp khách đừng bàn chuyện đời
Hạn chế một tấc hương, chỉ nói chuyện đạo
Chẳng cận nhân tình, chẳng nệ lễ tục
Hiểu tôi hay trách tôi, chỉ im lặng nghe mà thôi).

Vì sao người xưa tu hành có thể ngày đêm dụng công chẳng ngừng, chẳng nghỉ? Vì tâm sanh tử của họ khẩn thiết. Nghĩ tới sanh tử là việc lớn, nghĩ tới vô thường nhanh chóng, một tích tắc cũng không chịu buông lỏng. Lý do chúng ta muốn bắt chước theo người thợ vá nồi chẳng được, niệm Phật không được lâu, Phật hiệu thường bị gián đoạn giữa chừng, nguyên nhân chính là vì tâm sanh tử không tha thiết.

IV. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1. Những lời khai thị về tâm sanh tử tha thiết của Ấn Quang Đại sư:

Niệm Phật phải niệm như mình đang bị rơi vào nước, đang bị lửa cháy, như cứu đầu đang bị thiêu đốt, thì chẳng có nghiệp chướng và ma chướng gì mà không bị tiêu diệt.

Yếu quyết muốn cầu thoát khổ chỉ là mỗi niệm phải sợ chết, khi chết liền bị đọa vào tam đồ ác đạo, được như vậy thì niệm Phật tự nhiên sẽ thuần, tịnh nghiệp tự nhiên thành tựu. Hết thảy trần cảnh chẳng thể đoạt mất chánh niệm ấy.

Niệm Phật phải thường nghĩ mình sắp chết, nghĩ mình sắp đọa địa ngục, thì không khẩn thiết cũng sẽ khẩn thiết, không tương ứng cũng sẽ tự tương ứng. Dùng tâm sợ khổ để niệm Phật chính là diệu pháp đệ nhất để thoát khổ, cũng là diệu pháp đệ nhất để tùy duyên tiêu nghiệp.

Niệm Phật tâm chẳng quy nhất là vì tâm sanh tử chẳng khẩn thiết. Nếu nghĩ mình đang bị nước cuốn, bị lửa thiêu chẳng có cách nào cứu chữa nên gần sắp chết, hoặc nghĩ mình gần bị đọa địa ngục, thì tâm tự quy nhất, chẳng cần phải tìm diệu pháp nào khác.

Niệm Phật không hôn trầm thì tán loạn, đó là hiện tượng dùng tâm qua quýt làm cho lấy có, làm cho xong chuyện để niệm Phật. Nếu nghĩ mình đang bị rơi vào nước lửa, gặp giặc cướp, tâm mong cầu mau được cứu vớt thì sẽ hết những khuyết điểm nêu trên.

Khi họa hại bức bách thì thành khẩn, tha thiết. Khi nhàn rỗi vô sự thì khoan thai, thong thả. Đó là căn bệnh chung của phàm phu. Trong thời thế hiện nay, tình hình đời đạo như đang nằm yên trên đống củi, phía dưới đã bốc lửa mạnh chưa đốt đến thân, nhưng chớp mắt liền cháy lan ra khắp toàn thể, trọn pháp giới không chỗ nào trốn được! Vậy mà vẫn còn lơ là, vẫn coi thường để ngày tháng trôi qua, chẳng thể chuyên chí cầu cứu nơi một câu Phật hiệu, thì cái tri kiến đó thiển cận quá mức vậy!

Từ những câu đối mà Ấn Tổ tự họa cũng có thể thấy tâm sanh tử khẩn thiết của lão nhân gia.

Đạo nghiệp chưa thành sao dám để tâm tán loạn.

Hạn chết gần kề, tạ tuyệt hết thảy khách khứa.

- Bảy mươi năm luống qua, chẳng còn mấy chốc, giống như tù nhân đi ra pháp trường, mỗi bước gần kề cái chết.

Tạ tuyệt hết thảy, chuyên tu Tịnh độ, nếu ai xét thấy lòng ngu thành là liên hữu thật sự.

* Ngươi gần chết, hãy mau niệm Phật, tâm chẳng chuyên nhất, quyết đọa địa ngục, ngạ quỷ súc sanh còn khó được, đừng vọng tưởng phước quả trời người.

Ngươi gần chết, hãy mau niệm Phật, nếu chí chân thành bèn dự hội Liên Trì, Thanh văn Duyên giác còn chưa trụ, nhất định khắc chứng Đẳng Diệu Viên Thừa.

2. Tỉnh Am Đại sư khai thị về nỗi khổ sanh tử.

Nên kinh Hoa nghiêm nói: “Nếu quên mất tâm Bồ đề mà tu các pháp lành, gọi đó là nghiệp ma”: Vì thế Kinh Hoa Nghiêm nói: Nếu như quên mất tâm Bồ đề, dù có tu các pháp lành, cũng là tu các nghiệp thiên ma ở sáu cõi trời Dục giới”. Vì vô minh của mình chưa đoạn, tâm dâm dục chưa đoạn, tu các pháp này đều là tạo nghiệp thiên ma. Quên mất tâm Bồ đề chính là niệm không thanh tịnh. Nếu niệm thanh tịnh chính là tâm Bồ đề, tâm niệm không thanh tịnh chính là ma nghiệp. Quên mất mà còn như thế, huống chi chưa phát ư?: Quên mất tâm Bồ đề, dù tu các pháp lành, cũng đều là ma nghiệp, huống hồ là chưa phát ư! Nếu không phát tâm Bồ đề, thì chúng ta có thể tu cái gì? Tu cái gì cũng đều là ma nghiệp.

Nếu như ông không phát tâm rộng lớn, mà cứ hẹp hòi, nhỏ mọn. một chút thiệt thòi cũng không chịu, cũng không thể xả bỏ. Còn phải lập nguyện kiên cố vững bền nhất; nguyện này tôi đã trình bày, thì nhất định cần phải làm như thế, không thể thay đổi, đó gọi là nguyện kiên cố vững bền, nếu không phát tâm rộng lớn, không lập nguyện kiên cố vững bền, thì dù trải qua nhiều kiếp như số vi trần, cũng vẫn y nhiên ở trong vòng luân hồi: thì dù có trải qua nhiều kiếp như số vi trần, cũng không thể thoát ra vòng luân hồi. Luân hồi, chính là lục đạo luân hồi – thiên đạo, nhân đạo, a tu la là tam thiện đạo; và địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là tam ác đạo. Vẫn phải xoay chuyển trong vòng luân hồi; dù cho là làm việc lành nào, hoặc là sanh thiên, hoặc làm người hưởng phước báu cũng không có ý nghĩa gì, vẫn y nguyên ở trong vòng luân hồi! Dù có tu hành cũng chỉ là uổng công lao nhọc: Tuy ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, nhưng bất luận chúng ta cố gắng bỏ ra bao nhiêu công phu, đều là uổng công lao nhọc một cách vô ích, rất cực khổ; chúng ta tu pháp môn gì, cũng không phải cứu cánh.

Như thế nào là tà chánh, chân ngụy, đại tiểu, thiên viên?

Ðời có kẻ tu hành mà từ trước đến nay chỉ một bề hành theo sự tướng, không biết tham cứu tự tâm: Thế gian có người tu hành, là người xuất gia. Người ấy tu hành thì tu hành, nhưng cứ mãi chấp trước, chuyên làm những việc bên ngoài. Ví dụ, hàng ngày bái sám, lễ Phật, tụng kinh, chỉ để cho người ta xem, còn mình thì không biết hồi quang phản chiếu: Trong tâm mình có bái sám không? Có niệm Phật chăng? Có lễ Phật chăng? Có tụng kinh chăng? Niệm ở trong tâm mới gọi là chân! Nếu cứ làm những việc ngoài mặt màu mè, làm điệu bộ như mình là lão tu hành, bất luận dụng công phu gì, đều muốn cho người ta xem: Ví dụ quét nhà, quét sân cũng đợi có người đến mới quét, cho người ta biết mình đang làm việc cực khổ!

Cứ làm những việc bên ngoài, chẳng những không có công đức, mà còn là tà! Ðó chính là không chánh đáng, chỉ để khoe công! Ðối với người có chút việc lành, việc tốt nào, bèn nói: “Bạn biết không? Vì bạn mà tôi như thế, như thế”. khiến người ta cảm kích mình, đó gọi là tà. Quý vị nên triệt để hiểu rằng, thi ân không cầu báo; giúp người không hối hận, mình đối với ai có làm điều tốt gì, đều nên quên đi, không nên thường nhớ đến, mở miệng là nhắc đến, một ngày từ sáng đến tối, cứ dùng cái này làm quảng cáo, làm bảng hiệu: “A! Tôi đã làm việc tốt đó, bạn có biết không? ngôi chùa ở đó là do tôi tu bổ, bạn có nhìn thấy trên tấm biểu có tên của tôi chăng?”. Sợ người khác không biết đến mình, kêu người ta nhìn trên tấm biển có tên mình không, cứ ở chỗ đó tham danh vọng lợi dưỡng đó chính là tà. Nếu không phải người như thế thì chính là chánh. Vì thế, tà chánh thì trái ngược nhau, tà thì thuộc về âm, chánh thì thuộc về dương. Tà thì nhìn không thấy trời, nhìn không thấy ánh sáng. Chánh thì chánh đại quang minh, bất luận chỗ nào đều cũng có thể làm được. Nhất hướng tu hành chính là từ trước đến nay tu hành. Nay là nói có người tu hành từ trước đến nay không ở tự tâm dụng công phu, chuyên môn hướng bên ngoài dong ruổi tìm cầu.

Chỉ lo những việc ở ngoài: Chỉ biết làm những việc bề mặt bên ngoài, như tụng kinh cho người, bái sám cho người. . . Bạn xem, rất náo nhiệt, từ sáng đến tối mệt muốn chết, vô cùng cực khổ”. A! Ta thật là vì pháp quên mình! Các ông có biết tôi không?”. Ðó là cứ mãi khoe công với người, biểu thị đức hạnh củamình, tuyên dương thanh thế, không thể giấu kín tài năng, không có tu dưỡng, không có hàm dưỡng. Tại sao người này chỉ giong ruổi đeo đuổi theo những việc bên ngoài?

Hoặc mong cầu lợi dưỡng: Chính là vì lợi ích cho chính mình, dạy người cúng dường mình, tin tưởng mình, bảo người hoặc là chưng nhân sâm, hoặc là nấu nấm mèo cho mình ăn v. v… Vì thế, các ông nếu là đệ tử chân chánh của tôi, không ai được làm thức ăn cho tôi dùng. Dù sao đi nữa hiện nay tôi vẫn chưa chết đói mà! Ông nay nấu nồi canh, ngày mai lại làm món khác, rườm rà, thật đáng ghét! Quý vị cho rằng đó là thành tâm chăng? Ông không nghĩ đến rằng đó là giúp kẻ xấu làm điều ác! Chính là làm một người tu hành không còn tu hành nữa. Quý vị hiểu chưa? Vì thế không nên riêng cúng dường cho người nào.

Hoặc ưa thích hư danh: Hoặc là mong muốn kẻ khác đi khắp nơi thay mình tuyên truyền: “Thầy đó thật là lão tu hành! Thật là vị đại tu hành a! Thật là tốt a! Như thế a!. . . « . Phái rất nhiều thủ hạ, rất nhiều nhân viên đi khắp nơi tuyên truyền. Giống như « Phật giáo thương mại hóa » chăng? Ðây chính là tội nhân trong Phật giáo, kẻ bại loại trong Phật giáo! Phật giáo làm sao thương mại hóa được? Muốn thương mại hóa thì ra khỏi nhà (xuất gia) gì? Ở nhà cũng có thể làm thương mại, ai cũng đều có thể buôn bán kiếm tiền, tại sao người xuất gia, Phật giáo đồ lại làm thương mại? Người thường còn nói: « Ai da! Phật giáo thương mại hóa, hay a! được a!. .”. . Ði về hướng địa ngục mà còn không biết! lại còn cho rằng hay, rằng tốt! Ðó chính là cầu mong lợi dưỡng, cứ mãi kêu người đưa tiền cho mình, Ô! Ta làm cái gì, làm cái gì. . . Thật là tham cái danh vọng hão huyền.

Hoặc ham dục lạc hiện đời: Loại người xuất gia này, không phải tham hiện tại dục lạc thì làm việc gì? Suốt ngày ăn ăn uống uống, lại ăn thịt, uống rượu, lộn xộn bừa bãi, cái gì cũng đều làm, đó chính là tham dục lạc hiện tại, đó không phải là gieo giống địa ngục thì là cái chi?

Hoặc mong cầu phước báo mai sau: Hoặc là nay làm các thứ công đức, là vì mong muốn tương lai làm quốc vương, hoặc như thế như thế, tương lai có quả báu tốt như thế. Ðó đều là tà! Khi tôi nói, thì nói hết những gì tôi biết, tôi biết thì không gì không nói, đã nói thì không gì không nói cho hết.

Phát tâm như vậy gọi là tà: Quý vị đã không nhận thức, lại a dua phụ họa theo « A! chỗ đó xây dựng rất hay a, rất đẹp, giống như hoàng cung vậy ». Hoàng cung thì làm sao? Vua trong hoàng cung vẫn đọa lạc như thường có gì hay ho đâu? Các ông không hiểu đạo lý, cứ mãi chạy theo tà tri tà kiến, tham sự náo nhiệt nhất thời thì không nên!

Dù tu thiện pháp phần nhiều cũng bị nghiệp tội làm ô nhiễm: Tuy Phật pháp thì rất thiện, người lại ở trong thiện pháp làm những việc dâm dục, làm những việc không dám công khai với người. Như nay trong một tôn phái nọ, bừa bãi buông thả theo dục lạc, khắp nơi lộn xộn lăng nhăng, lại còn nói với người: « Tôn phái của chúng tôi phải là như thế », thật là hại chết người không! vậy mà có một số người vô tri lại nghe theo mà nói: « Ðây thật là pháp môn bí mật nhất », thằng mù dẫn thằng đui, đó chính là nhiễm ô!Phát tâm như vậy gọi là ngụy: Người phát tâm như thế chính là ngụy.

Cái gì gọi là chánh? Ðã không mong cầu hư danh lợi dưỡng: Ðã không tham danh vọng lợi dưỡng, cũng không muốn làm cho thanh danh của mình rộng lớn, cũng không muốn mọi người cúng dường cho mình. Lại không ham quả báu dục lạc đời sau: Cũng không tham dục lạc, cũng không nghĩ đến việc hưởng thụ.

Chỉ vì mong liễu thoát sinh tử, vì chứng đắc Bồ đề: chỉ là vì mong liễu thoát sanh tử, vì mong giác ngộ, mong cầu trí huệ chân chánh.

Phát tâm như vậy gọi là chánh: Phát tâm như thế gọi là chánh. Nếu không phải vì liễu thoát sanh tử, không phải vì phát tâm Bồ đề, đó chính là tà. Vì thế, mọi người nên nhận rõ điều này ; không nhận rõ điều này, tu hoài tu mãi đều là ma nghiệp, đều làm quyến thuộc của ma vương.

- Niệm niệm trên cầu Phật đạo, tâm tâm dưới độ chúng sanh, nghe con đường thành Phật lâu xa cũng không sanh tâm thối chí khiếp sợ, thấy chúng sanh khó độ mà không chán nản mệt mỏi, như leo núi cao vạn trượng cũng quyết trèo lên tận đỉnh, như lên tháp lớn chín tầng cũng cố lên đến tột nóc, phát tâm như vậy gọi là chân. Có tội không sám hối, có lỗi không trừ bỏ, trong trược ngoài thanh, trước siêng năng sau biếng lười, dù có tâm tốt phần lớn cũng bị danh lợi xen lẫn, dù tu thiện pháp phần nhiều cũng bị nghiệp tội làm ô nhiễm, phát tâm như vậy gọi là ngụy. Chúng sanh độ hết nguyện ta mới hết, đạo Bồ đề thành nguyện ta mới thành, phát tâm như vậy gọi là đại. Xét xem ba cõi như lao ngục, nhìn sanh tử như oan gia, chỉ mong tự độ, không muốn độ người, phát tâm như vậy gọi là tiểu.

Ấn Quang Đại sư tán thán bài văn Khuyến Phát Bồ Đề Tâm của Tỉnh Am Đại sư như sau:

“Kế vãng thánh, khai lai học, kinh thiên địa, động quỷ thần, quả năng y nhi hành chi, khẳng định năng phủ tạ Ta bà, cao đăng Cực Lạc”. Kế thừa thánh hiền đời trước, mở đường cho hậu học đời sau, kinh động thiên địa quỷ thần. Nếu có thể y theo đó mà làm, chắc chắn có thể từ tạ Ta bà, vãng sanh Cực Lạc.

Trong đó, có một đoạn văn miêu tả rõ ràng nỗi khổ sanh tử, đấy là trạng huống đời đời kiếp kiếp của chúng ta ở trong lục đạo luân hồi:

“Ta và chúng sanh, từ nhiều kiếp tới nay luôn luôn ở trong luân hồi sanh tử, chưa từng được giải thoát.
Trên cõi trời và người, thế giới này và thế giới phương khác, ra vào vạn lần, thăng trầm phút chốc.
Lúc thì ở cõi trời, lúc thì cõi người, lúc thì địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.
Hắc môn sáng ra chiều về, hang sắt tạm lìa rồi lại nhập.
Lên núi đao, khắp mình không còn mảnh da lành.
Trèo cây kiếm, từng tấc thịt xương đều rách nát.
Sắt đỏ không thể đỡ đói lòng, hễ nuốt vào ruột gan đều nhừ nát.
Đồng chảy khó uống cho đỡ khát, uống vào xương thịt đều nát tan.
Cưa sắc xẻ thân, đứt rồi lại nối.
Gió nghiệp vừa thổi, chết rồi bèn sống lại.
Trong thành lửa cháy, không nỡ nghe tiếng gào thảm thiết.
Trên mâm chưng nướng, chỉ nghe được tiếng kêu thống khổ.
Băng lạnh đông lại, hình trạng tội nhân như sen xanh kết nhụy.
Máu thịt nứt nẻ, thân thể tội nhân như sen đỏ nở hoa.
Một đêm trong địa ngục, chết sống đã trải muôn lần.
Một sáng thống khổ, nhân gian đã qua trăm tuổi.
Nhiều phen phiền ngục tốt vất vả, ai tin lời răn dạy của Diêm Vương.
Lúc chịu tội biết khổ, tuy hối hận cũng đã trễ rồi.
Vừa thoát lại quên, vẫn cứ gây nghiệp ác như xưa.
Đánh con lừa ra máu, ai hay mẹ ta đau đớn?
Xua con heo vào lò, đâu biết cha ta rên xiết.
Ăn thịt con mà không biết, Văn Vương còn vậy,
Ăn thịt cha nào có ai hay, hàng phàm nhân cũng vậy mà thôi.
Năm xưa ân ái, nay thành oan gia.
Ngày trước oán cừu, nay thành ruột thịt.
Đời trước là mẹ, mà nay thành vợ;
Đời trước là cha, nay lại là chồng.
Có túc mạng thông biết được, xấu hổ biết bao.
Có thiên nhãn thông thấy được, thật nực cười đáng thương.
Lẫn trong bọc phân, mười tháng nằm co tù túng.
Hết còn chịu nổi, qua đường ngập máu.
Một phen chúi xuống, thương thật là thương!
Nhỏ dại biết chi, chẳng gì biết rõ.
Lớn khôn dần hiểu, tham dục bèn sanh.
Loáng thoáng mới đó già bệnh đã tìm tới.
Thình lình xuất hiện vô thường lại hỏi thăm.
Gió lửa trong lúc giao tranh, thần thức tơi bời rối loạn.
Khí huyết bên trong vơi cạn, xương thịt bên ngoài teo khô.
Không một kẽ chân lông nào không bị kim đâm,
Không một khiếu huyệt nào không bị dao cắt.
Rùa già đem nấu, lột được vỏ ra, tưởng e còn dễ,
Thần thức sắp đi, phải lìa khỏi xác, khó gấp bội phần.
Tâm là ông chủ vô thường, giống chú lái buôn rày đây mai đó.
Thân là cái hình vô định, khác nào phòng ốc rày đổi mai thay.
Như mảy bụi ở cõi ba ngàn, thân nọ quay cuồng qua lại vô cùng tận.
Nhấp nhô như sóng bốn biển, nước mắt ly biệt trào tuôn, kể sao cho xiết!
Cao quá núi cao, chất ngất xương chồng.
Dày hơn đất dày, thây sắp tràn mặt đất.
Giả sử không được nghe lời Phật dạy, việc ấy ai thấy ai nghe.
Không được xem kinh Phật, lý đó ai hay ai biết?
Vậy mà có kẻ vẫn tham luyến như xưa, si mê không bỏ.
Chỉ e ngàn đời muôn kiếp mới được làm người.
Một lầm hai lỡ, dây dưa trăm kiếp.
Thân người khó được mà dễ mất, vận may dễ qua khó tìm.
Ðường đời mờ mịt, ly biệt dài lâu.
Ác báo ba đường, rồi phải tự thọ.
Khổ hết chỗ nói, ai chịu thay đây?
Nhân hứng mà nói dông dài, đến đây thấy lòng mình giá buốt.
Cho nên phải dứt dòng sanh tử, vượt thoát biển ái dục, Mình người cùng thoát, bờ giác cùng lên.
Công lao muôn kiếp, chính được bắt đầu từ buổi hôm nay”.

3. Kinh Phật lời Tổ dạy về nỗi khổ sanh tử.

Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta ở trong sanh tử luân hồi chịu khổ vô lượng. Nếu suy nghĩ theo nội dung của Kinh Trừ Ưu, có thể làm cho tâm mình vô cùng chán ghét luân hồi sanh tử, đó là những nỗi khổ mỗi người chúng ta đã từng hứng chịu trong luân hồi: “Số lượng nước đồng nung chảy mà chúng sanh trong địa ngục đã uống, tuy lượng nước trong biển cả cũng chẳng sánh bằng. Khi sanh làm loài chó, heo, những thứ bất tịnh mà chúng ăn còn nhiều hơn Tu Di Sơn Vương. Số giọt nước mắt khóc khi thân bằng quyến thuộc xa lìa, chỉ có biển cả mới chứa hết. Số đầu người bị chém trong những lúc đấu tranh, nếu xếp lại, sẽ cao hơn tầng trời Phạm Thiên. Số đất phẩn mà những con trùng đói ăn chất lại nhiều như biển, cao như núi”.

Chớ hẹn đến già rồi niệm Phật
Đồng hoang mồ trẻ thấy đông người.

Đây là những điều xác thật. Cho nên muốn phòng ngừa cơn vô thường chợt đến, mỗi thời khắc chúng ta phải gắng chăm niệm Phật. Như thế, gặp giây phút cuối cùng mới không bị bối rối tay chân.

Trên đường tu, để ngăn trách về sự giải đãi, đức Phật đã răn dạy: "Thầy Tỳ Khưu thường hay có tám cách biếng trễ. Chẳng hạn, bữa nào đi khất thực đói, liền nghĩ rằng: "Hôm nay, khất thực đói, trong người tất thiếu sức khỏe, để huỡn tu một đêm”. Bữa nào khất thực no, liền nghĩ: "Hôm nay ăn no, trong người nặng nề mệt nhọc, thôi tạm xả tu, mai sẽ tiếp tục”. Như thế cho đến những khi: sắp làm việc nhiều lúc làm việc nặng vừa xong sắp muốn đau khi đau bịnh vừa mạnh sắp đi xa lúc đi xa mới về; trong các trường hợp ấy, lúc nào cũng nại cớ này, cớ khác, rồi bỏ tu để ngủ nghỉ. Trái lại, những vị Tỳ Khưu tinh tấn, trong tám trường hợp đó, luôn luôn nghĩ đến sự vô thường, hằng siêng năng tu tập”.

Tâm niệm giải đãi của người xuất gia đã như thế, tất tâm lý biếng trễ của hàng tại gia chắc có lẽ nhiều hơn. Hoằng Nhứt Đại sư từng khuyên một người thân hữu niệm Phật. Ông này viết thư gởi đến, than mình mắc bận nhiều công việc, xin để tạm xếp đặt cho ổn thỏa rồi sẽ hay. Đại sư liền biên vào bức thư đó hai câu thi, rồi gởi trả nguyên lại. Hai câu ấy như sau:

Ngay giờ quyết dứt, liền thôi dứt.
Chờ hẹn cho xong, chẳng lúc xong!

Thật thế, chuyện đời đến khi nhắm mắt cũng không rồi công việc.

Khi xưa, có vị Tăng khuyên người bạn là Trương Tổ Lưu niệm Phật.

Ông bạn bảo: "Tôi có ba việc làm chưa xong: Một là quan tài ông thân còn để ở nhà mồ chưa chôn, hai là đứa con trai chưa cưới vợ, ba là đứa con gái chưa gả chồng. Chờ ba việc đã xong, tôi sẽ vâng lời”. Mấy tháng sau, ông bạn bị bạo bịnh chết. Vị tăng đến tụng kinh cầu siêu, và điếu một bài thi rằng:

Bạn tôi tên là Trương Tổ Lưu
Khuyên ông niệm Phật, hẹn ba điều. Ba điều chưa vẹn, vô thường bắt
Đáng trách Diêm Vương chẳng nể nhau!

Trong bài thi, ý vị tăng nói: Ông hẹn khi xong ba việc sẽ niệm Phật, nhưng ngặt nỗi vô thường bất ngờ đến, nó có chờ hẹn ông đâu? Xem đấy chúng ta ai dám bảo đảm rằng mình chẳng là ông Trương Tổ Lưu thứ hai? Cho nên người quyết chí tu hành, được hở giây phút nào liền niệm Phật ngay lúc ấy,

Những bài thơ của các vị tổ sư, đại đức đời xưa cũng có thể giúp chúng ta khởi lên tâm sanh tử tha thiết. Ưu Đàm Đại sư đời Nguyên có bài thơ như sau:

“Ủy hài hội thị tích như sơn
Biệt lệ phiên thành tứ hải lan
Thế giới đáo đầu chung hữu hoại
Nhân sanh đạn chỉ hữu hà hoan
Thành nam tác nữ kinh thiên biến
Đái giác phi mao lịch vạn đoan
Bất hướng thử sanh sanh Tịnh độ
Đầu thai nhất thác hối thời nan”.

Tạm dịch:

“Nhìn lại núi thây cao chót vót,
Bốn biển đong đầy lệ biệt ly, Thế giới mai sau hư hoại hết, Đời người thoáng chốc có vui gì?
Làm thân nam nữ hơn ngàn lượt,
Mang đội sừng lông đã vạn kỳ,
Đời này chẳng quyết sanh Tịnh độ, Lầm lạc đầu thai hối kịp chi!”.

Tỉnh Am Đại sư có bài thơ như sau:

“Nhất tự Ta bà hệ nghiệp nhân
Đa sanh lưu chuyển thật toan tân
Tu du xuất ốc hựu đầu ốc
Tấn tốc xả thân hoàn thọ thân
Tằng tác vương hầu tranh quốc ấp
Kỷ vi lâu nghĩ táng ai trần Giá hồi nhược bất tư quy khứ
Y cựu tùng tiền thọ khổ luân”.

Tạm dịch:

“Nghiệp nhân trói buộc cõi Ta bà,
Lưu chuyển nhiều đời quá xót xa, Khoảnh khắc thoát ra, liền trở lại, Xả thân thoáng chốc lại đầu thai. Từng làm vua chúa giành non nước, Mấy lượt cát lầm phận kiến hôi! Lần này chẳng tưởng về An Dưỡng, Như cũ vùi đầu khổ mãi thôi!”.

Trên đây là lời khai thị của tổ sư đại đức, vun bồi tâm sanh tử khẩn thiết cho chúng ta. Kế tiếp là một thí dụ và câu chuyện giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tâm sanh tử.

4. Từ thí dụ, chuyện kể để hiểu rõ về tâm sanh tử khẩn thiết.

Đại sư La Thập có kể một câu chuyện như sau: “Thí dụ có người gặp giặc cướp đến sắp giết hại. Người ấy muốn mau vượt qua sông để chạy thoát. Lúc đó, trong tâm người ấy chỉ có một niệm là bằng hết mọi cách phải vượt qua sông, chỉ có một niệm này, không có niệm nào khác. Ý niệm vượt qua sông ấy chính là nhất niệm. Chỉ có niệm này, không có tạp niệm nào khác”. Đây chính là hình dáng của tâm sanh tử khẩn thiết, chỉ có một niệm muốn vượt thoát, ngoài ra không có niệm nào khác. Lão hòa thượng Hải Hiền dùng ngay tâm này để niệm Phật, mỗi niệm đều là A Di Đà Phật, do vậy, Ngài có thể thành công. Người có tâm sanh tử tha thiết, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, chẳng có tâm niệm nào khác.

Thêm một câu chuyện giúp chúng ta hiểu được tâm sanh tử tha thiết. Lương Võ Đế mời thiền sư Bảo Chí Công coi hát. Lúc vãn tuồng, Lương

Võ Đế hỏi thiền sư: “Hôm nay tuồng hát diễn hay không?”

Thiền sư đáp: “Tôi không biết”.

Vua lại hỏi: “Hôm nay đào kép hát hay không?” Thiền sư cũng đáp: “Tôi không biết”.

Nhà vua cảm thấy vô cùng kỳ lạ, thiền sư rõ ràng ngồi ở đó coi hát, làm sao không biết?

Thiền sư đáp: “Tâu Bệ Hạ! Ngày mai hãy mời họ hát thêm một tuồng nữa, đồng thời dẫn một tù nhân sắp bị tử hình đến xem. Ra lệnh cho tù nhân ấy bưng một thau nước gần tràn đầy quỳ trước khán đài để coi hát. Hãy nói với người ấy rằng: “Ngươi quỳ xem hát đến hết tuồng, nếu bưng thau nước này một giọt cũng không văng xuống đất thì vua sẽ xá tội cho ngươi khỏi chết; nếu có giọt nước văng xuống, lập tức đem ngươi chém đầu”.

Tuy vua không hiểu dụng ý nhưng cũng làm theo lời của thiền sư.

Hôm sau, lúc coi hết tuồng hát, một giọt nước trong thau cũng không văng ra ngoài.

Ngài Bảo Chí Công hỏi tội nhân: “Tuồng hát hay không? “ Đáp: “Không biết”.

Ngài Bảo Chí Công lại hỏi: “Giọng hát hay không?” Đáp: “Không biết”.

Ngài Bảo Chí Công hỏi: “Ngươi quỳ trước khán đài xem hát, nghe hát, tại sao lại không biết?”

Đáp: “Tôi lo canh thau nước để nó đừng tràn ra ngoài còn không xuể, đâu còn tâm tình gì để coi hát, để nghe hát!”

Lương Võ Đế nghe xong mới vỡ lẽ, không quan tâm đến tuồng hát thì có nhìn cũng không thấy, có nghe cũng chẳng biết hát gì. Tâm của Bảo Chí Công đặt trên việc lớn sanh tử, chẳng quan tâm đến tuồng hát, làm sao biết tuồng hát hay hoặc dở! Nếu tâm chúng ta đặt trên việc lớn sanh tử, trên việc lớn vãng sanh, vậy thì câu Phật hiệu này tự nhiên sẽ chẳng gián đoạn, dù cho người ta cấm không cho quý vị niệm, trong tâm quý vị cũng sẽ miên miên mật mật, niệm câu này xong lại sang câu kế. Giống như lão hòa thượng Hải Hiền, trong thời Cách Mạng Văn Hóa, người ta cấm không cho hòa thượng niệm Phật, trong tâm Ngài vẫn niệm thầm, chưa từng buông bỏ câu Phật hiệu trong tâm.

Loại đại tâm đại nguyện nàycó thể không chịu sự mê hoặc ở bên ngoài, không chịu sự quấy nhiễu từ bên ngoài, chỉ cần chính mình có một chút tâm danh lợi, thì không có chuyện không bị tổn hại, hay gọi là lỡ một bước thành mối hận thiên cổ, rõ ràng một đời này. Có thể đến thế giới cực lạc làm Phật, rất không may lại đi vào tam đồ, nhân thiên cũng chẳng có phần, do ai hại bạn? Do tài sắc danh lợi không ra khỏi phạm vi này. Ngày ngày đều câu dẫn bạn tham sân si mạn nghi, bạn sống trong một môi trường đầy dãy tham sân si mạn nghi điều này quá khủng khiếp! Dựa vào chính mình không ngừng hướng lên cao, đây là thụ siêu. Tịnh độ bổn nguyện là pháp thật sự do tha lực, pháp môn Tịnh độ hoàn toàn nương vào oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì, đây là dựa vào Phật. Chúng ta chỉ cần đầy đủ điều kiện mà Phật đã nói. Điều kiện rất đơn giản, người người đều có thể đầy đủ, đó là chân thật tin tưởng, không hoài nghi, chân thật phát nguyện, nguyện sanh Tịnh độ, lão thật niệm A Di Đà Phật liền thành công.

Chúng ta xem thấy bé gái 10 tuổi vào năm 7 tuổi nghe người ba nói về tây phương cực lạc thế giới sau khi nghe xong vô cùng mong mỏi về đó, nghĩ đến thế giới cực lạc cô bé liền muốn đi xem thử, yêu cầu người ba đưa bé đi, người cha nói rằng: Cha không thể mang con đi. Cô bé hỏi vậy ai có thể? Là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật ở đâu? Con chịu niệm ngài, ngài sẽ đến đưa con đi, đứa bé này liền niệm thật, ngày ngày niệm A Di Đà Phật, ngày ngày nhớ nghĩ đến A Di Đà Phật, hy vọng A Di Đà Phật đưa bé đến thế giới cực lạc. Niệm được 3 năm, trong 3 năm này, nguyện tâm không hề gián đoạn, niệm niệm không quên. Đến lúc 10 tuổi là 3 năm, 10 tuổi A Di Đà Phật đến thật, nói với bé ngày đó ta sẽ đến đưa con đi, bảo với bé sẽ đưa bé trở về nhà thế giới cực lạc chính là nhà của bé, trở về nhà của mình. Cô bé mang sự việc này nói cho ba nghe, yêu cầu ba mời những người bạn thân thiết đến tiễn bé vãng sanh, người ba liền làm thật, cô bé cũng đi thật. Điều này nói rõ nam nữ già trẻ, bé gái này là trẻ nhỏ, xuất hiện vào thời đại của chúng ta, đều là vì chúng ta tác chứng, đều là vì chúng ta biểu pháp, người bạn nhỏ này không hề đau ốm, nói đi liền đi thật. Cha mẹ nhìn thấy đều hoan hỉ, làm sao có thể không tin cho được? Pháp môn này, nhất định phải cảm ân A Di Đà Phật, phải cảm ơn Phật Thích ca mâu ni, nếu Phật Thích ca mâu ni không giới thiệu, chúng ta cũng không biết được.

Phật thích ca mâu ni biết bao lần vì chúng ta diễn thuyết kinh vô lượng thọ, đối với sự việc này nhiều lần giới thiệu chứ không phải một lần. Còn những kinh điển khác một đời ngài chỉ giảng một lần không hề giảng lại, nhưng lại giảng kinh vô lượng thọ rất nhiều lần. Chúng ta phải cảm ân 2 bậc đạo sư của thế giới ta bà và thế giới cực lạc. Phật Thích ca mâu ni gửi chúng ta đến đó gọi là cử đi, A Di Đà Phật ở nơi đó nghênh tiếp, thù thắng biết bao. Vãng sanh đến thế giới cực lạc bạn sẽ rất quen thuộc, một chút cũng không bỡ ngỡ, tại vì sao? Vì nhiều đời nhiều kiếp, đời đời kiếp kiếp, những người này là những người có duyên với chúng ta, đều đã vãng sanh trước rồi, đang ở thế giới cực lạc. Những người đó thảy đều theo A Di Đà Phậtcùng nhau đến tiếp dẫn chúng ta vãng sanh

Chúng ta trong vãng sanh truyện xem thấy, cũng thấy trong Tịnh độ thánh hiền lục 3 năm, nếu 3 năm mà vẫn không thể vãng sanh LÀ DO bạn còn lưu luyến đối với thế gian này, bạn không chịu đi, nếu như bạn đối với thế gian này chẳng chút lưu luyến, khẳng định được vãng sanh

Dưới tầng hai của chúng ta, trong kết duyên pháp bảo, chúng ta có một phần tư liệu, một bé gái 10 tuổi vãng sanh, cũng là niệm Phật 3 năm. Khi đứa trẻ 7 tuổi, nghe ba của mình đọc kinh, cháu bé hỏi ba đang đọc kinh gì? là kinh A di đà, cô bé liền hỏi cái gì gọi là kinh A di đà? người ba liền đem thế giới cực lạc, giới thiệu sơ lược cho bé, sau khi bé nghe xong rất hoan hỉ nói rằng: ba ơi, có một thế giới tốt như vậy, ba có thể dẫn con đi xem một chút có được không? Người ba nói với cô bé rằng: ba không có năng lực này, vậy người nào thì có năng lực đó? Là A Di Đà Phật. Nếu con thật sự muốn đi, con hãy niệm A Di Đà Phật, người bạn nhỏ này làm thật, niệm được 3 năm, bổng nhiên có một ngày cô bé nói với ba của mình, cô bé đã nhìn thấy A Di Đà Phật. A Di Đà Phật đã nói với bé, muốn tiếp dẫn bé đến thế giới cực lạc. Nên bé yêu cầu ba của mình kêu những người bạn thân của gia đình họ, đến tiễn bé vãng sanh, người ba thật sự làm y như vậy. Có những người bạn thân nói rằng, lời của trẻ con mà anh cũng tin sao? Có một số người lại nói chúng ta cứ xem thử, xem thử lời của người bạn nhỏ này, khi đứa bé thật sự vãng sanh, cô bé nói một chút cũng không sai. Chúng tôi tin tưởng, trong thời gian 3 năm, niệm niệm không quên, mỗi ngày đều hướng về thế giới cực lạc, mỗi ngày đều nhớ đến A Di Đà Phật, bé làm sao không vãng sanh được chứ?

Chúng ta niệm Phật hết một đời cũng không thể vãng sanh, chính là do trong tâm có tạp niệm, có vọng tưởng, có nhiều chỗ còn vướng mắc tình chấp, nên sinh ra chướng ngại, cho nên chân thật muốn vãng sanh, phải hoàn toàn bài trừ những chướng ngại này. Do đó chúng tôi tin tưởng, Hải Hiền lão hòa thượng của chùa Phật Lai ngài 20 tuổi xuất gia, vào cái ngày xuất gia Sư Phụ chỉ truyền cho ngài 1 câu A Di Đà Phật, dặn dò ngài cứ thế mà niệm tiếp tục, người này là người thật thà. Thật thà, nghe lời, thật làm ngài đều đầy đủ, chân thành, thanh tịnh, cung kính ngài cũng đầy đủ. Có điều kiện như vậy, 3 năm có thể không thành tựu sao? Khẳng định có thể mà còn thành tựu vô cùng tốt, hay nói cách khác 3 năm nhất định cảm được Phật hiện thâ, dạy ngài tiếp tục thêm 3 năm nữa, tôi tin rằng ngài được sự nhất tâm bất loạn, lại 3 năm nữa thì đắc được lý nhất tâm bất loạn, lý nhất tâm chính là đại triệt đại ngộ minh tâm kiến tánh

V. KẾT LUẬN

Ấn Quang Đại sư bế quan ở chùa Pháp Vũ núi Phổ Đà hơn ba mươi năm, trụ tại Tàng Kinh Lầu. Ngài duyệt Đại Tạng Kinh nhiều lần, tổng kết thành hai câu dạy chúng ta.

“Quy căn kết đảnh cao thâm xứ, chỉ tại hồng danh nhất cú trung”(Trở về cội nguồn quy kết tới đảnh cao nhất, chỉ ở tại một câu hồng danh).

Lão hòa thượng Hải Hiền âm thầm chấp trì câu hồng danh này suốt chín mươi hai năm, Ngài đã tự tại vãng sanh. Từ bản thân của hòa thượng Hải Hiền, chúng ta có nên phản tỉnh tín nguyện của mình, tín nguyện cầu vãng sanh của chúng ta hay chăng?

Chân tín thiết nguyện của Ngài đạt đến trăm phần trăm, còn chúng ta đạt tới mức nào? Có đủ điểm hay không?

Tâm sanh tử không khẩn thiết thì tìm đâu ra chân tín thiết nguyện? Không có chân tín thiết nguyện, làm sao vãng sanh được?

Bất luận là người tại gia hay xuất gia, chúng ta cần phải phản tỉnh một phen, chúng ta gặp được pháp môn Niệm Phật lúc hai mươi mấy tuổi. Năm nay chúng ta đã hơn ba mươi tuổi, bốn mươi tuổi, hơn năm mươi tuổi rồi... đã bao nhiêu năm trôi qua, thể lực ngày càng xuống dốc, chúng ta vẫn chẳng thành tựu được việc gì, đạo nghiệp chẳng ra gì! Bôn ba bận bịu suốt cuộc đời, giống như La trạng nguyên đã viết trong bài thơ Tỉnh Thế:

“Tân khổ đáo đầu hoàn tân khổ
Bôn ba nhất thế uổng bôn ba
Cực khổ đến cuối cùng vẫn cực khổ,
Bôn ba cả đời cũng uổng bôn ba”.

Người xưa nói: “Cử thế tận tùng mang lý lão, thùy nhân khẳng hướng tử tiền hưu”(Cả đời già đi trong bận rộn, có ai chịu nghỉ hưu trước khi chết).

Mọi người ai cũng già thêm trong cuộc đời bận rộn, chẳng ai nghĩ tới cái chết, chẳng ai biết buông bỏ chuyện thế gian sớm hơn. Cứ như vậy thì lúc lâm chung chúng ta sẽ sanh về đâu? Thật sự giống như Ấn Quang Đại sư đã dạy “Quyết đọa địa ngục. Ngạ quỷ, súc sanh còn khó được! Đừng vọng cầu phước báo nhân thiên”.

Chẳng thể niệm vài câu Phật hiệu một cách qua loa hời hợt mà có thể giải quyết được chuyện lớn sanh tử từ vô lượng kiếp đến nay. Đó gọi là “bôi thủy xa tân”(một ly nước chẳng thể cứu nổi cả xe chở củi đang cháy bừng). Phật hiệu của chúng ta thường xen tạp, thường đánh mất, thường gián đoạn. Người thật sự muốn đời này được vãng sanh, phải hạ thủ công phu trên tín nguyện cho tốt đẹp, hạ công phu trên chân tín thiết nguyện. Muốn tăng trưởng tín nguyện trước hết phải có tâm sanh tử khẩn thiết, thật sự vì sanh tử.

Nhân dịp tham gia lớp nghiên cứu Giới Luật tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu, xin trích một đoạn khai thị của Liên Trì Đại sư để cúng dường đại chúng, cùng nhau khích lệ.

“Giới Định Huệ chính là pháp môn Niệm Phật. Vì sao vậy? Giới có nghĩa là phòng ngừa những điều sai trái. Nếu có thể nhất tâm niệm Phật, chẳng dám làm ác, đó là Giới. Định có nghĩa là trừ tán loạn, nếu nhất tâm niệm Phật, tâm chẳng duyên theo cảnh bên ngoài, đó chính là Định. Huệ nghĩa là chiếu soi rõ ràng, giống như quán tiếng niệm Phật, từng chữ phân minh rõ ràng. Và quán năng niệm sở niệm đều chẳng thể được, đó chính là Huệ. Niệm Phật như vậy chính là Giới Định Huệ”.

Liên Trì Đại sư có viết một đôi liễn đặt trong Niệm Phật Đường. Ấn

Quang Đại sư khen đôi liễn này hay quá, nhưng chưa thấy người ta phổ biến nên Ấn Quang Đại sư thường chép lại đôi liễn này tặng người ta. Dùng đức của Đại sư để cảm động người khác, chắc chắn sẽ sâu dầy. Đôi liễn đó như sau:

Chủ Cực Lạc lục bát đại nguyện chi từ tôn, tuyệt hạn lượng thọ mạng quang minh, bất ly đương xứ.

Quá Ta bà vạn triệu Phật bang chi Tịnh độ, diệu trang nghiêm lầu đài trì chiểu, nguyên thị ngô hương.

Bốn mươi tám lời nguyện của đấng Từ tôn nơi cõi Cực Lạc, thọ mạng quang minh vô lượng chẳng rời nơi đây.

Cõi Tịnh độ cách Ta bà vạn triệu cõi Phật, lầu đài ao báo vi diệu trang nghiêm vốn là quê cũ của ta.

Cuối cùng, thật ra bài báo cáo này chẳng phải do tôi viết, mà chỉ là gom lại các lời pháp ngữ của tổ sư đại đức liên quan đến tâm sanh tử, dùng phương thức báo cáo để cúng dường đại chúng. Sau đó xin thỉnh sư phụ thượng nhân giảng giải, khai thị. Những pháp ngữ này thật ra quá trọng yếu, như mỗi mũi kim đều đâm thấy máu, có thể giúp cho chúng ta niệm Phật được tốt đẹp hơn. Trong quá trình báo cáo, nếu có gì sai sót, xin sư phụ thượng nhân và các vị đồng tu phê bình, sửa đổi cho đúng, mong đại chúng từ bi, bố thí hoan hỷ.

A Di Đà Phật,
Đệ tử bất tiếu Thích Tự Liễu khấu trình.


LÃO HÕA THƯỢNG TỊNH KHÔNG GIẢNG

Chúng ta coi bài báo cáo này. Đức hiệu của pháp sư chẳng phải là Tự Liễu. Nếu là Tự Liễu, pháp sư sẽ chẳng soạn ra bài báo cáo này. Pháp sư viết bài này thật sự là cúng dường đại chúng, phổ độ chúng sanh, đào bới tận gốc để chỉ rõ những căn bệnh của người tu hành, nói chẳng sai tí nào. Những đoạn trích dẫn kinh điển, có một số người trong chúng ta đã đọc qua những lời khai thị này của các vị đại đức đời xưa, nhân dịp này ôn lại ở đây. Thật sự là phải ôn lại, vì sao? Chúng ta đã quên mất hết. Ai chưa đọc qua những lời khai thị này, hôm nay ở đây cũng có thể đọc được. Trong kinh, đức Phật khai thị, tổ sư đại đức nhắc nhở chúng ta, sự việc hạng nhất trong đời người đích thật chính là việc lớn sanh tử. Nhưng con người ngày nay luôn mê hoặc. Mức độ cảnh giác đối với việc này của người xưa cao hơn chúng ta, ngày nay chúng ta hoàn toàn quên mất. Vì sao lại quên mất? Vì suốt ngày bận rộn trong cái thế giới phồn hoa này, tất cả đều un đúc làm cho chúng ta mê hoặc tới mức này, quên sạch sành sanh chuyện lớn sanh tử. Tuy có người nhắc nhở, mỗi ngày nhắc đi nhắc lại mười mấy lần cũng uổng công, vì sao? Vì chúng ta chẳng đặt nó ở trong tâm. Nhưng vấn đề này quan hệ rất lớn, nếu chẳng thể giải quyết ổn thỏa trong đời này, đời sau nhất định sẽ trầm luân. Một khi trầm luân, sẽ đáng sợ vô cùng!

Lúc thầy Lý còn tại thế, đặc biệt là những năm cuối, Ngài vô cùng từ bi, thường nhắc nhở chúng tôi. Chúng tôi đối với những chuyện này nghe rất quen tai, nhưng như thế nào? Chẳng thật sự làm, chẳng có biện pháp đoạn hết các duyên. Duyên có thiện duyên và ác duyên, chúng ta có khả năng phân biệt thiện duyên, xa lìa ác duyên. Nhưng thiện duyên, đặc biệt là thiện duyên có lợi ích cho chúng sanh, chúng ta không thể không làm. Nếu không có duyên, nhất định chẳng phan duyên. Tuy có duyên, chúng ta tận tâm tận lực, làm một chút chuyện tốt cho chúng sanh đang chịu khổ nạn, quyết định đừng để nó trong tâm. Nếu để trong tâm, sẽ chẳng tương ứng với Tam Không Tam Muội, vậy thì sẽ biến thành gì? Biến thành phước báo nhân thiên. Nếu không để nó trong tâm, thì sẽ tương ứng, tức là Vô Tác Vô Nguyện. Vô Tác Vô Nguyện chẳng phải là không làm, mà là thật sự có làm. Làm mà chẳng làm, thân làm, khẩu làm, tâm chẳng làm nghĩa là chẳng đặt, chẳng ghim việc đó vào tâm), trong tâm sạch sẽ, chẳng nhiễm mảy trần. Vì sao? Tâm đó là chân tâm; do vậy, hành động là chánh hạnh, lời nói là chánh ngữ, ba nghiệp đều 'chánh'. Dù 'chánh', nhưng cũng đừng chấp trước tướng 'chánh', đừng có ý niệm ấy! Có ý niệm ấy, sẽ lại biến thành phước báo. Chẳng có ý niệm ấy, đó là công đức. Công đức và phước đức khác nhau ở chỗ này: Trong tâm có ý niệm thì là phước đức; chẳng có ý niệm thì là công đức. Công đức giúp chúng ta liễu sanh tử thoát khỏi tam giới, phước đức chỉ cho chúng ta hưởng thọ phước báo nhân thiên.

Chúng ta phải hiểu rõ ràng, hiểu rành rẽ những lời khai thị này của đức Phật. Chúng ta từ sáng đến tối khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác tương ứng với công đức hay phước đức? Công đức hay phước đức đều tốt. Nếu tương ứng với ác nghiệp, tương ứng với tham, sân, si, mạn, tương ứng với tự tư tự lợi, thì vấn đề sẽ rất nghiêm trọng. Đó là gì? Đó là tạo nghiệp của địa ngục, của ba đường ác, đáng sợ vô cùng! Vì sao? Rốt cuộc chúng ta chưa có khả năng thật sự phân biệt thị phi, thiện ác. Tiêu chuẩn thị phi thiện ác của chúng ta ngày nay là do chúng ta đặt ra cho rằng như vậy, sai khác rất nhiều so với những gì nói trong kinh giáo. Đó là gì? Chúng ta chẳng khiêm tốn, chúng ta ngạo mạn, thậm chí còn có đố kỵ; thật ra, chúng ta chẳng y giáo phụng hành. Đại căn đại bổn trong lời dạy của đức Phật chính là Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện. Tám vạn tế hạnh của Đại Thừa cũng là khai triển từ chỗ này mà ra. Ba ngàn oai nghi của Tiểu Thừa quy nạp lại chính là Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện. Khai triển quy nạp chẳng giống nhau, triển khai thành vô lượng vô biên hạnh môn, quy nạp lại bèn thành mấy câu này. Chúng ta có tìm hiểu chúng đến mức thấu đáo, rõ ràng, tương ứng hay không? Điểm này rất quan trọng.

Pháp sư soạn bài báo cáo xong; chúng ta coi bài báo cáo này, có thể thấy pháp sư chẳng phải là tự liễu, Ngài đến đây là nhằm cứu độ chúng sanh, quảng độ chúng sanh. Người tu hành chân chánh, thật sự mong thoát khỏi Ta bà trong đời này, muốn thoát lìa lục đạo luân hồi, thoát khỏi biển khổ sanh tử, hãy nên coi nhiều lần, hãy nên nỗ lực học tập. Tôi rất coi trọng bài này, chẳng thua kém gì sự nêu gương tiêu biểu về pháp của lão hòa thượng Hải Hiền. Do vậy, chúng ta phải cảm ân, cảm tạ Pháp sư Tự Liễu.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Tâm Sanh Tử Không Tha Thiết