Home > Khai Thị Niệm Phật
Duy Thức Học Đối Với Người Niệm Phật
Pháp Sư Duy Hiền | Thượng Tọa Thích Đức Trí, Việt Dịch


1. Mục đích Duy Thức học là chuyển hóa tâm

Duy thức giảng về vấn đề gì? Tư tưởng trọng tâm của duy thức là cải tạo tâm địa. Kinh Hoa Nghiêm giảng: “Tâm như người thợ vẽ, vẽ ra hết cả thế gian; năm ấm cũng từ tâm sanh, tâm tạo ra tất cả pháp”. Kinh Tâm Địa Quán có dạy: “Tâm sanh thì pháp sanh, tâm diệt thì pháp diệt. Tâm nhiễm thì thế giới nhiễm, tâm tịnh thì thế giới tịnh”. Nếu tâm chúng ta tham, sân, si  quá nặng thì hình thành hiện tượng nhiễm ô, tâm chúng ta thanh tịnh, nội tâm thanh tịnh; dùng tâm thanh tịnh, tâm hiền lành thì có thể hình thành hiện thực thế giới thanh tịnh hòa bình. Duy thức học chính là thuyết minh nguyên lý này: “Ba cõi do tâm tạo, vạn pháp do thức sanh”. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Ba cõi hư vọng, do tâm và thức tạo”. Tâm năng tạo nghiệp, tức do từ vô minh mê hoặc mà có khí thế gian này (Hoàn cảnh sống thế gian). Tâm năng chuyển nghiệp, tức lấy tâm thanh tịnh để hình thành thế giới thanh tịnh, thế giới hòa bình. Cho nên Đức Phật A Di Đà có tâm tịnh và tâm nguyện hình thành thế giới Cực Lạc Tây Phương. Bồ tát Di Lạc dùng tâm thanh tịnh tại trong cảnh thiên dục giới hình thành Đâu suất nội viện. Tương lai Phật Di Lạc hạ sanh, Long hoa tam hội chính là dùng tác dụng đạo đức năm giới mười điều thiện để hình thành một thế giới thanh tịnh hoàn mỹ. Bộ “Du Già Sư Địa Luận” chính là do Bồ tát Di Lạc Thuyết, đó là một bộ luận căn bản của Duy thức tông. Luận đó đã giải thích tường tận thế giới này (Hữu tình thế gian, Khí thế gian, Thánh giả thế gian) do tâm thức kiến lập như thế nào.

2. Niệm Phật chính là thể hiện tất cả do tâm tạo

Bồ tát thế thân là tổ sư của Duy thức tông, đồng thời cũng là tổ sư của Tịnh độ tông đã viết bộ: “Vãng Sanh Luận” để giải thích giáo nghĩa Tịnh độ. “Vãng Sanh Luận” nói rằng: “Ba loại này thành tựu trang nghiêm tâm nguyện được nói tóm lược vào một câu; Một câu thanh tịnh; câu thanh tịnh là vô vi trí tuệ pháp thân.” Thế nào là một câu thanh tịnh? Chính là danh hiệu Phật, chúng ta niệm danh hiệu Phật chính là hình thành ba loại trang nghiêm của thế giới Cực Lạc: Phật trang nghiêm có đủ tám loại công đức, Bồ tát trang nghiêm có đủ bốn loại công đức, quốc độ trang nghiêm có đủ mười bảy món công đức. Công năng này rất lớn, cường độ của tâm là chủ đạo, đây chính là đạo lý “Nhứt thiết duy tâm” (Hết thảy pháp đều do tâm tạo).

Ý thức có năng lực rất to lớn, có thể cải tạo chính mình, có thể cải tạo thế giới. Cho nên công đức của pháp niệm Phật rất lớn, lấy câu thanh tịnh hình thành trang nghiêm thế giới. Các tổ sư của chúng ta dạy rằng: “Niệm Phật A Di Đà là pháp thiền tối thượng” Niệm Phật chính là tham thiền, tại sao nói được như vậy? Vì tham thiền chính là khôi phục tâm thanh tịnh của bạn, niệm Phật chính làm cho  tâm thanh tịnh, tâm rộng lớn, tâm chân chánh, tâm bình đẳng, tâm từ bi. Niệm danh hiệu Phật tiêu trừ tham sân si; tu từ bi quán chính là khôi phục tâm Phật.

Cho nên người niệm Phật cần phải hiểu đạo lý của Duy thức, đây chính là tư tưởng căn bản của Phật pháp, học tập Duy thức mà áp dụng trong pháp niệm Phật là nhận thức ý nghĩa chủ đạo sự tu hành một cách thiết thực nhất. Như thế mới là niệm Phật không phải là niệm một các mù mờ và không có định hướng. Niệm một câu thì có công đức một câu, nếu không thông đạt điều này e rằng bạn niệm suốt ngày, niệm đến khô môi rát lưỡi mà không có tác dụng lớn. Phật pháp là cải tạo tâm linh, ba cõi do tâm tạo, vạn pháp do thức sanh. Vậy tâm năng tạo tất cả, tâm có khả năng nhận thức tất cả, gióng như một kiến trúc sư vẽ bản thiết kế, rồi căn cứ bản thiết kế để cất nhà cửa, cất nhà ấy xong thì cần nương vào “Tâm” để xác nhận nó có đúng tiêu chuẩn hay không. Đạo lý này gọi là ba cõi do tâm tạo, vạn pháp do thức sanh. Chính vì lẽ đó mà Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tâm như người thợ vẽ, vẽ ra hết cả thế gian; năm ấm cũng từ tâm sanh, tâm tạo ra tất cả pháp”.

3. Niệm Phật và tư tưởng Phật giáo nhân sinh

Nhân sinh Phật giáo là tư tưởng do đại sư Thái Hư đề xuất, đại sư luôn áp dụng tư tưởng Duy thức học vào đời sống. Trước đây, đi học tại Tấn Vân Sơn, Đại sư đã dạy môn Duy thức học cho chúng tôi, giảng qua vấn đề Phật giáo trong đời sống con người. Tu theo Phật cần chuyển hóa tâm linh, điều tất yếu con người phải thực hành tốt. Đại sư có hai câu thơ, câu đầu tiên là: “Đức Phật bậc tôn kính, hoàn thành đủ nhân phẩm, thành người mới thành Phật, đó mới là chân thật”. Bạn muốn thành người, trước phải làm người tốt, làm người tốt mới có thể thành Phật, đây là căn bản. Còn thêm một câu thơ khác nữa: “Muốn phát tâm làm Phật, trước lập chí làm người, Tam quy Tứ duy tịnh hóa cõi đời, Bát đức Thập thiện trang nghiêm thân” Đây là vấn đề rất cụ thể là chúng ta  học Phật như thế nào? Tiêu chuẩn làm người là Tam Quy, tức phải nương tựa ba ngôi báu: Phật, Pháp và Tăng; Tứ Duy: Tức phải hiểu rõ Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ; Bát Đức: Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ; Thập Thiện: Tức là thân có ba: Không sát, không đạo, không tà dâm; khẩu có bốn: Không nói láo, không nói lời hung ác, không nói lời li gián, không sáo ngữ; Ý có ba: Không tham, không sân, không si”. Đại sư Thái Hư trong hai câu thơ nói trên chủ ý đề xuất tầm quan trọng của tiêu chuẩn làm người là Quy y, Tứ duy thục thế (cõi đời hiền hòa thanh lương) dùng Bát đức thập thiện tự nghiêm thân. Đây chính là cùng tương ưng ý nghĩa tu ba phước nghiệp của giáo lý Tịnh độ tông. Kinh điển của Tịnh độ, “Kinh Quán Vô Lượng Thọ” có dạy rõ: “Người niệm Phật phải tu ba phước nghiệp”. Ba phước nghiệp đó là gì? Đó là: “Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng dưỡng sư trưởng, từ tâm không giết hại, tu mười điều thiện. Hai là thọ trì ba pháp quy y, giữ gìn giới luật, không phạm oai nghi. Ba là phát Bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh luận đại thừa, khuyến hóa mọi người tu tập”. Đây là ba phước nghiệp, phước thứ nhất là đại biểu cho pháp thiện của hàng trời người, phước thứ hai là đại biểu cho pháp thiện của hàng Thanh văn và Duyên giác, phước thứ ba là đại diện cho pháp thiện của hàng Bồ tát. Cho nên học Phật trước phải tu nhân là điểm khởi đầu, đây là điều tối thiểu.

Trong thời kỳ chiến tranh, có một ký giả đến phỏng vấn Đại sư Thái Hư rằng: Thế nào là pháp trọng yếu nhất của Phật giáo? Thế nào là sự việc cần thiết chính yếu nhất của đất nước Trung quốc? Thái Hư trả lời: Một pháp trọng yếu của Phật giáo là giảng đạo lý nhân quả và nghiệp báo. Không hiểu nghiệp báo, không tin nhân quả là không hiểu Phật giáo, nên người học Phật cần tin hiểu nhân quả. Vấn đề thứ hai: Thế nào là sự việc cần thiết chính yếu nhất của đất nước? Đại sư trả lời: “Đạo đức”, cần lấy đức để chuyển hóa quốc gia thì quốc gia mới thái bình, xã hội mới an định, nhân loại mới hòa hợp. Đại sư Thái Hư rất tinh thông Duy thức học, đi đâu cũng giảng cải tạo tâm linh, tâm linh không sữa đổi, đạo đức không thành lập, đạo lý nhân quả không tuyên dương thì xã hội sẽ hổn loạn.

Cho nên mong mọi người cần nhận thức rõ đạo lý này, học Duy thức đối với hiện thực của người niệm Phật có ý nghĩa vô cùng to lớn, năng lực của tâm rất lớn. Bạn niệm Phật nên dùng năm thứ  tâm mà niệm, đó là: Thanh tịnh tâm, quảng đại tâm, chân chánh tâm, bình đẳng tâm, từ bi tâm”. Chính tâm đó là Tịnh độ, chính tâm đó là Cực lạc. Các bạn nên có những tâm ấy, khi có đủ những tâm ấy thì có thể sáng tạo một thế giới hòa bình, đoàn thể hòa hợp, gia đình hòa thuận, có khả năng thắt chặt tính đoàn kết, năng lực hướng thượng, năng lực đổi mới; đó chính là sự phát khởi tác dụng  to lớn của sự tu học.