Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tu-Tanh-Di-Da-Duy-Tam-Tinh-Do

Thế nào gọi là Duy Tâm Tịnh Độ? Tâm chúng ta chính là cõi Phật, ngoài tâm này thì không có Tịnh Độ. Vậy tâm này là tâm gì? Có phải là tâm hư vọng phân biệt của thức thứ sáu? Hay là tâm chấp thủ kiên cố của thức thứ bảy? Hay là lấy thức thứ tám làm tâm, tâm này dung chứa tất cả hạt giống của vạn pháp? Nếu nói tâm phân biệt hư vọng, vậy thì hư vọng là có nghĩa không chân thật, sanh diệt, vô thường và biến hóa; đương nhiên không phải là tâm này! Nếu nói tâm chấp thủ kiên cố, vậy tâm chấp thủ kiên cố làm sao mà sanh khởi Tịnh Độ, đương nhiên không phải là tâm này! Nếu nói tâm có khả năng dung chứa tất cả hạt giống của vạn pháp, trong đó có hạt giống thiện và hạt giống ác, hạt giống vô ký (Không thiện và không ác). Hạt giống thiện pháp khả năng sanh Tịnh Độ chúng ta có thể tin được; nhưng hạt giống ác và vô ký có khả năng hiện khởi Tịnh Độ, điều này không thể tiếp nhận được, vì nó không đúng. Như vậy, tâm này thuộc loại tâm nào? Đó chính là chân tâm vốn có trong mỗi chúng ta. Nhưng vì sao hiện tại chân tâm chúng ta không thể hiển bày rõ ràng? Vì sao Tịnh Độ biến thành uế độ? Nhân vì chúng ta chỉ dùng tám thức điều hành đời sống sinh hoạt mà không dùng chân tâm. Chân tâm làm sao biến thành tám thức? Tám thức này làm sao khôi phục thành chân tâm?

Chân tâm tại sao biến thành tám thức là do một niệm vô minh, không tỉnh giác, tâm sanh loạn động nên từ chân tâm hiện khởi thành tám thức. Chúng ta không nhận thức rõ rằng niệm không tỉnh giác đó khiến tâm sanh loạn động và chân tâm xưa nay vốn cùng một thể. Do vậy mà từ trí tuệ sáng suốt chuyển thành kiến phần của thức. Khi có năng kiến (Chủ thể nhận thức) thì có sở kiến (Đối tượng nhận thức). Cho  nên nó liền hiện khởi tướng phần của tám thức, đó là lý do chân tâm của chúng ta hiện khởi tám thức và quá trình tám thức hiện khởi kiến phần và tướng phần. Do kiến phần và tướng phần của tám thức biến hiện mà có mười pháp giới. Cho nên chúng ta biết được thế giới thân tâm trong mười pháp giới vì sao mà hiện khởi. Chúng ta đối diện với thế giới thân tâm đã hiện khởi mà không nhận biết đó là sự biến hiện từ bản tánh của chúng ta. Do vậy khi gặp cảnh giới sanh khởi tâm phân biệt, không ý thức được rằng tâm phân biệt này lâu nay vốn không thật có, đó chỉ là dòng niệm niệm tương tục, chỉ là tâm niệm phân biệt tương tục. Trong quá trình phân biệt lại sanh khởi các tâm dính mắc, bám víu, rồi cho là có tồn tại một cái “Ngã” chân thật; cho rằng tất cả pháp là có sự tồn tại chân thật. Đó chính là ngã chấp và pháp chấp sanh khởi. Vũ trụ sanh khởi do có ngã chấp và pháp chấp. Nhân đó ngã tướng và pháp tướng giả lập các loại danh xưng và ngôn từ. Khi có các sự vật thì có ngôn từ thiết lập sai biệt, chúng ta theo đó sanh khởi tâm thương ghét, tốt xấu, sanh khởi các loại phiền não tham, sân và si. Sanh khởi phiền não thì có sanh ra các thứ nghiệp lực; có nghiệp lực thì có luân hồi, đó chính là quá trình sáu nẻo luân hồi sanh khởi. Nếu chúng ta quyết chí tu hành, muốn giải thoát cảnh lục đạo luân hồi, có phải là muốn khôi phục chân tâm, khai ngộ thành Phật? Do vậy theo tu hành đúng phương pháp là vô cùng quan trọng.

Hàng Thanh Văn và Duyên Giác, họ muốn nhanh chóng thoát ly Tam giới lục đạo, nội dung tu hành của họ là đoạn trừ ngã chấp; chỉ cần đoạn trừ ngã chấp là không sanh khởi phiền não; không còn phiền não thì không còn tạo nghiệp; không còn nghiệp lực thì không bị luân hồi. Ngay lúc đó, không còn cảnh lục đạo. Cho nên căn bản của phiền não là ngã chấp. Thanh Văn Duyên Giác đoạn trừ ngã chấp để đạt đến mục đích của sự giải thoát luân hồi.

Thanh Văn thừa dùng phương pháp tư duy Khổ, Tập, Diệt, Đạo để đạt đến mục đích của sự giải thoát, cho nên từ kết quả của sự khổ đau trong Tam Giới mà bắt đầu tư duy. Tam Giới bản chất của nó là khổ, thực sự không có hạnh phúc chân thật. Cái mà người ta thường gọi là hạnh phúc chỉ có tính chất tương đối chỉ giảm bớt sự khổ đau, đó cũng là cảm giác sai lầm. Nếu không muốn chịu cảnh luân hồi thì cần phải truy tìm nguyên nhân của khổ, đây chính là nội dung của tập đế. Nhân vì chúng ta có ngã chấp mà có phiền não, muốn làm sao mới chấm dứt cảnh luân hồi sanh tử thì cần phải biết rõ phương pháp tu đạo. Phương pháp chấm dứt tất cả sự khổ chính là giáo lý Tứ Niệm Xứ, Bát Chánh Đạo, cho đến ba mươi bảy chi phần trong Đạo đế. Giai đoạn sau cùng của sự chấm dứt đau khổ đó là Diệt Đế, gọi là Niết Bàn. Cho nên cần nhận thức rằng tất cả các pháp đều vô ngã. Một khi có trí tuệ tánh không mới thực sự chứng đạt vô ngã và không còn phát sanh tâm chấp trước. Không còn chấp trước thì không sanh phiền não, không có phiền não thì không tạo nghiệp, đương nhiên luân hồi chấm dứt. Cho nên đoạn trừ hai món kiến hoặc và tư hoặc chính là nội dung của con đường thoát ly luân hồi sanh tử. Đoạn trừ kiến hoặc tức chứng sơ quả A la hán, đoạn trừ chín phẩm tư hoặc trong dục giới cũng tức là chứng đắc tam quả A La Hán, đoạn trừ tư hoặc trong sắc giới và vô sắc giới tức là chứng đắc chứng quả A la hán, chứng nhập Niết bàn, đạt đến cảnh giới giải thoát.

Hàng Duyên Giác quán sát tư duy mười hai nhân duyên để đạt đến mục đích của sự giải thoát. Cái gọi là Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão tử… Đó chính là dây xích luân hồi làm sao phải cắt đứt? Ngay trong yếu tố Xúc và Thọ không để dính mắc vào Ái, Thủ và Hữu. Như thế nào ngay từ Xúc và Thọ để tâm thức không dính mắc vào Ái, Thủ và Hữu? Đó chính là khi đối diện cảnh giới với ba duyên: Căn, Cảnh, Thức hòa hợp sanh xúc, chúng ta giữ tỉnh giác không để chuyển tiếp phát sanh thọ. Đây là vấn đề khó, trừ khi tâm chúng ta luôn bảo trì chánh niệm, đối cảnh không sanh tâm, xem chỉ là xem, nghe chỉ là nghe, thông thường tốc độ của chúng rất nhanh, cho nên ngay khi tiếp xúc nhanh chóng phát sanh ba món cảm thọ. Như đối nghịch sanh khởi khổ thọ, đối với thuận cảnh sanh khởi lạc thọ, đối cảnh không thuận không nghịch sanh khởi cảm thọ không khổ và không lạc. Cho nên thông thường khi đối cảnh giới bên ngoài ba loại cảm thọ này dễ dàng sanh khởi nhanh chóng, trừ khi chúng ta có định lực rất cao mới phòng ngừa được. Nếu như phòng hộ tâm thì khi ba loại thọ này phát sanh thì lập tức nhận thức rõ không để chuyển qua giai đoạn Ái. Làm sao mà không để các đối tượng nhập sanh tâm Ái? Tức là ngay cảm thọ khổ phát sanh nên biết nguyên nhân chúng từ đâu tới thì nó không tiếp tục phát sanh, khổ chỉ là khổ, không có một cái ngã thọ khổ. Chúng ta không nên đưa khái niệm Ngã vào trong đó, chỉ là nhìn cảm thọ khổ đang sanh khởi, nó sẽ sớm biến mất. Lúc ấy, chúng ta không vì khổ mà sanh sân hận, không còn tạo nghiệp, cũng không lạc vào trong cảnh giới của Ái. Lúc tâm sanh khởi lạc thọ cũng tư duy như thế, lạc chỉ là lạc, không còn khái niệm Ngã đang nhận cảm thọ khoái lạc. Lạc thọ cũng là pháp nhân duyên sanh diệt, vô thường, nên không bị dính mắc tiếp tục vào cảnh giới đó. Chúng ta không vì lạc thọ mà sanh khởi tâm tham nhiễm. Đây chính là phương pháp xa lìa cảnh giới của Ái. Không nhiễm vào Ái thì không có Thủ và Hữu, luân hồi không còn cơ hội tiếp diễn, đây chính là phương pháp hàng duyên giác giải thoát luân hồi.

Nếu khi chúng ta đối diện cảnh giới tâm phân biệt nhưng không chấp trước, chính là tiến nhập vào cảnh giới Bồ Tát. Nếu chỉ có phân biệt thì chỉ có thiện phân biệt, đó cũng là tác dụng của Diệu Quán Sát Trí. Đó là cảnh giới từ sơ địa đến thất địa Bồ tát. Cảnh giới ấy xuất hiện khi có phân biệt mà không chấp Ngã và chấp Pháp. Nhưng nếu như tiến xa hơn một bước thấy rõ Tướng phần của thức A Lại Da sanh khởi như thế nào thì cần phải chứng đến Bát Địa Bồ Tát, lúc ấy mới biết rõ cảnh giới như thực.

Hàng Bát Địa Bồ tát khi đối diện cảnh giới biết rõ chúng là Y Tha Khởi. Cái gọi là Y Tha Khởi, chính là nhận thức rõ thân tâm thế giới cho đến mười pháp giới đều do nhân duyên sanh, vốn không tự tánh, cho nên không còn phát khởi trạng thái Biến Kế Sở Chấp. Cái gọi là Biến Kế Sở Chấp là chấp Kiến Phần của tám thức làm ngã, chấp Tướng Phần của tám thức làm pháp. Theo nguyên lý Y Tha Khởi, không khởi tâm Biến Kế Chấp, tướng cảnh giới liền biến mất. Nếu như, muốn nhận thức rõ Kiến Phần của thức thứ tám sanh khởi như thế nào cần phải chứng đến Cửu Địa Bồ Tát. Cửu địa Bồ Tát biết rõ Kiến Phần là bản thể của Thức thứ tám hiện khởi. Chỉ cần đưa Kiến Phần trở về Tự Chứng Phần trong bản thể của thức thứ tám, Kiến Phần của thức thứ tám liền đoạn diệt. Nếu như muốn thấy rõ thức thứ tám sanh khởi như thế nào, cần chứng đến Thập Địa Bồ tát; chỉ có Thập Địa Bồ tát mới thấy rõ thức thứ tám sanh khởi như thế nào. Chân tâm là năng hiện, thức thứ tám là sở hiện, quá trình từ năng hiện đến sở hiện là Y Tha Khởi. Chỉ cần nhận thức Y Tha Khởi là nó không chân thật tồn tại, Y Tha là như huyễn, như vậy mới có thể từ thức thứ tám trở về chân tâm.

Bản chất của thức thứ tám còn gọi là sanh tướng vô minh, tất cả vũ trụ vạn pháp chính là từ một niệm bất giác, từ một niệm vô minh mà sanh khởi. Nhân vì một niệm vô minh khiến cho thân tâm chúng ta hiện khởi tám thức, tám thức này gọi là từ sanh tướng vô minh. Cho nên hàng Đẳng Giác Bồ tát cần phải phá trừ phẩm sau cùng là Sanh tướng vô minh mới có thể thành Phật. Lúc đó, Duy Tâm Tịnh Độ của chúng ta mới hiện tiền.

Trên đây đã giới thiệu xong phần chân tâm hiện khởi thành tám thức, hình thành mười pháp giới, cho đến quá trình hình thành luân hồi lục đạo và sự hoàn diệt của chúng. Hàng Nhị Thừa Thanh Văn đạt được giải thoát như thế nào. Quá trình tu chứng của hàng Bồ tát từ sơ địa đến Đẳng giác thành Phật. Do đây, chúng ta rõ được hàng nhị thừa chưa rõ pháp tánh, chưa rõ Phật tánh, cho nên mới nói hàng nhị thừa chưa thể khai ngộ thành Phật, vì mới đoạn trừ Ngã chấp, còn tồn tại Pháp chấp. Pháp chấp này biểu hiện ý nghĩa  chân tâm chuyển thành thức thức tám như thế nào. Quá trình thức thứ tám hình thành mười pháp giới. Trong giáo lý Thanh Văn và nội dung tu tập của họ chưa tiếp cận tư tưởng này. Cho nên chúng ta thường nói họ không hiểu rõ Phật tính, không có pháp khai ngộ thành Phật là vậy.

Lẽ nào phải đợi đến lúc thành Phật, Duy Tâm Tịnh Độ của chúng ta mới hiện tiền? Không hoàn toàn như vậy. Tâm tịnh thì quốc độ tịnh, chỉ cần tâm hiện tiền thanh tịnh, đó chính là Tịnh Độ. Vậy chúng ta làm sao để tâm thanh tịnh hiện tiền? Các tông, các phái đều có pháp môn tu thể nhập tâm thanh tịnh, nhưng bất cứ pháp môn nào cũng không rời xa phạm vi Chỉ Quán. Mục đích Chỉ Quán chính là khôi phục chân tâm, khôi phục tâm thanh tịnh của chúng ta. Cho nên chúng ta chỉ cần làm tâm thanh tịnh hiện tiền thì Duy Tâm Tịnh Độ mới hiện tiền. Tin tưởng rằng mọi người đều có tâm thanh tịnh hiện tiền, nhưng không có phương pháp bảo trì tâm ấy thường xuyên, chỉ có Phật mới niệm niệm sáng suốt, chân tâm thường trụ, không khởi niệm vô minh. Chúng ta làm sao để bảo trì tâm thanh tịnh ấy tương tục? Đây chính là dựa vào công phu Chỉ Quán. Ngoài ra, có cảnh giới tương tự, khiến nhiều người lầm đó là tâm thanh tịnh hiện tiền. Khi chúng ta chuyên chú nhất tâm, không tán loạn, có cảm giác thân tâm an lạc, cho là tâm thanh tịnh hiện tiền, nên biết đó chỉ là cảnh giới pháp trần của thức thứ sáu, không phải là chân tâm thanh tịnh. Đó là trạng thái thức thứ sáu tạm thời không sanh khởi phân biệt thuộc bên ngoài của hiện tượng, không phải là tâm thanh tịnh chân thật. Vì chân tâm là ly niệm, chỉ cần chúng ta đạt đến vô niệm, không còn vọng tưởng thì tâm chân như, Duy Tâm Tịnh Độ mới hiện tiền. Trên đây đã giới thiệu xong nội dung Duy Tâm Tịnh Độ.

Thế nào gọi là Tự Tánh Di Đà, tự tánh giác ngộ chúng ta chính là A Di Đà Phật. Thế nào là tự tánh giác ngộ? Thế nào gọi là A Di Đà Phật? Bồ đề chính là trọn vẹn giác ngộ, cho nên Phật A Di Đà là giác ngộ trọn vẹn. Tự tánh giác ngộ của chúng ta vốn sáng suốt, cho nên A Di Đà gọi là vô lượng quang.  Tự tánh giác ngộ của chúng ta vốn không sanh không diệt, cho nên Phật A Di Đà gọi là vô lượng thọ. Giác ngộ viên mãn, sau cùng đạo lý ấy như thế nào? Đó là thật tướng của các pháp. Cho nên A Di Đà là trung đạo thật tướng. Chúng ta niệm Phật chính là niệm tánh viên mãn giác ngộ của chính mình. Chúng ta niệm Phật chính là niệm vô lượng quang, niệm vô lượng thọ của tự tánh. Chúng ta niệm Phật chính là niệm trung đạo thật tướng. Kỳ thật tự tánh giác ngộ của chúng ta chính là A Di Đà Phật. Vì sao chúng ta còn niệm Phật? Như vậy có thừa hay không? Nếu bạn nghĩ như vậy tức lạc vào chấp không. Nếu chúng ta niệm Phật A Di Đà có cái ngã là năng niệm và Phật A Di Đà là sở niệm; đây chính là chỗ ngăn cách giữa năng và sở.  Nếu chúng ta niệm Phật, cho rằng ta ở Ta bà thế giới đang niệm Đức Phật A Di Đà cõi Tịnh Độ ở Phương tây; đây chính là không gian cách biệt. Nếu chúng ta niệm Phật chỉ hy vọng đến lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn về cõi Tây Phương, đây chính là chỗ cách biệt thời gian. Nếu niệm Phật như vậy thuộc chấp Có, không niệm thì lạc vào chấp Không. Rốt cuộc, chúng ta phải niệm Phật như thế nào? Hay là không cần niệm Phật? Đương nhiên phải niệm Phật, nhưng niệm mà tâm không chấp trước, tức không lạc vào tâm chấp Có và Không.

Tại sao cần phải niệm? Vì tự tánh giác ngộ chúng ta chưa hiển lộ thì Phật A Di Đà chưa hiển bày. Do vô minh che lấp chân tánh nên chúng ta cần phải niệm Phật. Niệm Phật là đánh thức tánh giác ngộ của chúng ta, khiến cho tự tánh A Di Đà chúng ta phát khởi trở lại. Tình huống này, giống như vàng quý còn trong mỏ quặng, tuy rằng có vàng nhưng còn trộn lẫn với nhiều hợp chất khác. Cho nên cần phải trải qua nung nấu, tẩy rửa để loại trừ tạp chất thì mới có vàng nguyên chất. Đạo lý niệm Phật chính là đoạn trừ vô minh thì tự tánh A Di Đà trong chúng ta mới hiển bày.

Phải niệm như thế nào mới đúng phương pháp niệm Phật?Trước hết cần phải nhận thức thế nào là bản chất của tự tánh giác ngộ và công năng của nó. Chúng ta đều biết, công năng tự tánh biến khắp mọi nơi, cũng có thể nói, pháp giới vô lượng vô biên không xa rời trong một niệm tâm tánh của chúng ta, tự tánh chúng ta là toàn bộ pháp giới.  Vô lượng vô biên thế giới đều trong tự tánh ấy, giống như những đám mây nhỏ bé trong không trung bao la. Tất cả thế giới vô lượng vô biên đều nằm trong tự tánh của chúng ta, đương nhiên nó có cả Phật A Di Đà ở cõi Tây phương, có Phật Dược Sư Lưu Ly Quang ở cõi Đông phương, có Phật Bảo Sanh ở cõi Nam phương, có Bất Không Thành Tựu Phật ở cõi Bắc phương, còn có Phật Tỳ Lô Xá Na ở chính giữa. Ngoài năm phương Phật này còn có vô lượng vô biên chư Phật. Chúng ta nhận thức rõ đạo lý này, thì biết rằng toàn bộ pháp giới chính là tự tánh của chúng ta. Nếu trong tự tánh chúng ta khởi niệm Phật A Di Đà chính là độ tận chúng sanh vô biên chúng sanh trong tự tánh. Chúng ta niệm một danh hiệu Phật A Di Đà chính là đoạn tận phiền não vô lượng trong tự tánh của chúng ta; chúng ta niệm danh hiệu Phật A Di Đà chính là tu học pháp môn vô lượng trong tự tánh chúng ta; chúng ta niệm A Di Đà chính là thành tựu Phật A Di Đà trong tự tánh của chúng ta. Nội dung trình bày ở trên chính là pháp môn niệm Phật tự tánh Di Đà.

Bài giảng hôm nay đến đây đã kết thúc./.

Hỏi: Bạch sư phụ, phải an trụ tâm ở đâu?

Đáp: Không trụ vào Có và Không.

Hỏi: Sáu căn: Mắt,tai, mũi, lưỡi, thân và ý; tâm nên trụ ở căn nào?

Đáp: Tâm không có chỗ trụ, đúng như vậy.

Hỏi: Bạch sư phụ, Thiên Thai Chỉ Quán có phải là không giảng về thứ lớp tu học hay không?

Đáp: Ai nói vậy tức là chưa hiểu về Thiên Thai Chỉ Quán. Nó gồm có hai loại: Một là giáo lý thực tập chỉ quán theo thứ tự, hai là giáo lý thực tập chỉ quán không theo thứ tự.

Hỏi: Bạch sư phụ, phương pháp tu nào đơn giản nhất và dễ dàng nhập thiền định?

Đáp: Đây là một phương pháp dụng công khéo léo. Tôi đã giảng chân tâm là xa vọng niệm, chỉ cần bạn chấp dứt vọng tưởng thì đây là phương pháp nhanh nhất, là một pháp môn nhanh nhất để khiến chân tâm hiển bày, xem bạn có làm được hay không?

Hỏi: Bạch sư phụ, làm sao để đoạn phiền não, ăn trường chay có được ăn trứng hay không? Xin cám ơn!

Đáp: Như thế nào để đoạn phiền não? Chỉ cần nhận thức rõ chân lý vô ngã xưa nay không có phiền não để đoạn trừ. Ăn trường chay có thể ăn trứng không? Đây chính là bản thân quyết định. Ăn chay hay không ăn chay, cùng với việc thành Phật không có quan hệ trực tiếp. Xuất gia hay không xuất gia cùng với việc thành Phật cũng không có quan hệ trực tiếp.

Hỏi: Bạch sư phụ, người niệm Phật làm sao mà tu chỉ quán?

Đáp: Căn bản của pháp môn niệm Phật chính là tu chỉ quán, khi tâm đạt đến sự chuyên chú điều phục phiền não đạt đến nhất tâm, niệm niệm phân minh đây chính là chỉ quán.
 

Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị