Home > Khai Thị Phật Học
Kể Chuyện Vãng Sanh
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Mọi người ở đây kết thất niệm Phật cần phải hiểu rõ ý nghĩa của việc kết thất niệm Phật. Trong bảy ngày này chúng ta hy vọng đạt được kết quả gì thì bảy ngày này mới chẳng luống uổng.

Chúng ta sinh sống trong thời đại hiện nay, nếu có trí huệ thì nhất định sẽ có cảnh giác cao độ. Con người sống trong thế gian bất quá chỉ được mấy chục năm ngắn ngủi, búng ngón tay thì đã trôi qua mất rồi, bình tĩnh quan sát mới biết đó chỉ là một con số không [to tướng], đây là sự thật. Sự hạnh phúc quý báu nhất của người ta trong đời là không tạo ác nghiệp. Nếu có thể không tạo ác nghiệp, tương lai nhất định sẽ sanh vào cõi lành, cõi tốt đẹp.

Người xưa nhắc nhở người tu hành như chúng ta cần phải có ‘tiền hậu nhãn’. Tiền hậu nhãn nghĩa là biết quá khứ, nhìn thấy tương lai, không chỉ tập trung ở hiện tại. Ðiểm này vô cùng quan trọng.

Lúc Hàn Quán trưởng vãng sanh đã cho chúng ta rất nhiều bài học, nhắc nhở chúng ta ‘tử sanh sự đại’ (việc sanh tử vô cùng quan trọng). Chúng ta cần phải có cảnh giác cao độ, đến lúc lâm chung tự mình phải làm chủ được mình, được như vậy thì tiền đồ mới xán lạn. Nếu lúc lâm chung tự mình không làm chủ được, phải chịu sự sắp xếp của người khác, cho dù có rất nhiều người lo lắng chăm sóc, nhưng những gì mình cảm xúc chưa chắc sẽ được toại ý. Ðời sau đi về đâu đều quyết định ở một niệm cuối cùng. Một niệm cuối cùng là tham, sân, si thì sẽ đi vào ác đạo. Chuyện này dễ sợ vô cùng!

Hàn Quán trưởng có phước báo, từ lúc sanh bịnh đến lúc vãng sanh được ba mươi mấy vị xuất gia có tâm địa thanh tịnh, suốt ngày đêm ở bên giường bịnh niệm Phật và chăm sóc; sau khi vãng sanh [họ trợ] niệm suốt bốn mươi chín ngày đêm không ngừng, ngay cả những vị xuất gia, đại pháp sư cũng không làm được việc này. Ngay cả lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Ðài Trung cũng sánh không bằng, lúc thầy Lý sanh bịnh chỉ là do vài người học trò chăm sóc, không có nhiều người xuất gia đắp y đầy đủ oai nghi giúp đỡ. Phước báo này là một nhân duyên hiếm hoi! Ðây là quả báo của bà đã hộ trì chánh pháp suốt ba mươi năm, cho nên bà có thể vãng sanh Tịnh Ðộ một cách vô cùng thuận lợi -- trợ duyên quá thù thắng, tốt đẹp!

Suy nghĩ trở lại, tương lai lúc chúng ta vãng sanh có được duyên phận thù thắng như vậy hay không? Ðiều này chúng ta cần phải cảnh giác đến, đây thiệt là một việc lớn lao nhất trong đời này. Trong trường hợp và hoàn cảnh hiện tại, phương pháp [an toàn nhất] là tự mình phải nhất quyết tu học cho được thành tựu, không cần nhờ người khác, lúc vãng sanh không bị bịnh khổ, dự biết trước thời giờ ra đi, đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, nằm vãng sanh, tùy ý muốn của mình, đây là sanh tử tự tại, được vậy chúng ta mới không bỏ uổng đời này. Mọi người tham dự Phật thất niệm Phật phải hiểu rõ, nắm chắc tông chỉ này, chúng ta đến đây là để huấn luyện thêm, học tập để tương lai tự tại vãng sanh.

Trong quyển Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện có ghi rất nhiều người tự tại vãng sanh, số người không được ghi chép lại còn nhiều hơn. Gần đây trong quyển Niệm Phật Luận của lão pháp sư Ðàm Hư, Ngài nói đã chứng kiến tận mắt hơn hai mươi mấy người vãng sanh, [số người vãng sanh] nghe nói đến còn nhiều hơn. Trong quyển Niệm Phật Luận, Ngài thuật lại bốn chuyện vãng sanh, trong đó người xuất gia có pháp sư Tu Vô ở chùa Cực Lạc, Harbin (miền Ðông Bắc Trung Quốc), người tại gia có cư sĩ Trịnh Tích Tân và người em của ông, người thứ tư là cư sĩ họ Trương ở chùa Trạm Sơn.

Pháp sư Tu Vô là một người cực khổ cả đời và mù chữ; trong pháp hội truyền giới ở chùa Cực Lạc thầy phát tâm giúp đỡ săn sóc cho người bịnh. Pháp hội truyền giới còn chưa kết thúc, thầy Tu Vô dự biết trước thời giờ đã đến, niệm Phật vãng sanh. Trước lúc vãng sanh ngài nhắc nhở đại chúng ‘có thể nói mà không thể làm thì chẳng phải trí huệ chơn thật’.

Cư sĩ Trịnh Tích Tân là một người làm ăn buôn bán, được dịp nghe lão pháp sư Ðàm Hư thuyết pháp nên rất vui vẻ, tán thán. Sau này nghỉ buôn bán, học giảng kinh Di Ðà, ông đi đến nhiều nơi giảng kinh và khuyên người niệm Phật. Ông không sanh bịnh, ngồi mà vãng sanh. Một hôm sau khi giảng kinh xong ông nói với đại chúng: ‘Tôi phải đi đây’, thật là siêu thoát! Thật là tự tại! Người em của ông lúc trước cứ cho rằng ông học Phật quá mê lầm, sau khi nhìn thấy ông tự tại vãng sanh nên tỉnh ngộ và cũng siêng năng, thật thà niệm Phật. Ba năm sau người em của ông cũng vãng sanh, lúc vãng sanh mang bịnh nhẹ.

Gia đình cư sĩ Trương ở chùa Trạm sơn vô cùng nghèo túng, chồng bà làm nghề kéo xe chở khách. Bà làm công quả trong những pháp hội niệm Phật ở chùa Trạm Sơn, cả ngày từ sáng đến tối Phật hiệu không gián đoạn. Bà dự biết trước ngày giờ vãng sanh, hôm đó bà dặn dò chồng phải chăm sóc cho con xong rồi an nhiên ngồi trên giường mà vãng sanh. Ðây là tấm gương tốt cho những người học Phật chúng ta, không cần phải nhờ cậy người khác giúp đỡ, tự mình thiệt nắm chắc [có thể tự tại vãng sanh].

Ngoài ra cụ Ðàm [Hư] còn kể chuyện một học trò của lão pháp sư Ðế Nhàn, ông này là thợ vá nồi và không biết chữ. [Người này là bạn chơi thân với lão pháp sư lúc nhỏ, đến xin xuất gia vì đời sống quá cực khổ, muốn tìm lối thoát. Sau khi cho ông xuất gia], cụ Ðế [Nhàn] dạy ông đến một ngôi miếu đổ nát ở miền quê gần Ôn Châu, tìm vài người hộ pháp săn sóc [việc ăn uống] cho ông. Cụ Ðế chỉ dạy cho ông niệm một câu ‘A Di Ðà Phật’, dạy ông thật thà niệm câu Phật hiệu này, niệm đến mệt thì nghỉ, nghỉ ngơi xong thì niệm tiếp tục. Ông niệm trong vòng ba đến bốn năm thì thành công; ông đứng mà vãng sanh, còn đứng ba ngày sau khi vãng sanh [để đợi lão pháp sư Ðế Nhàn đến lo hậu sự]. Thật là vô cùng tự tại! Cụ Ðế khen ông: ‘So với những đại pháp sư giảng kinh thuyết pháp, những vị phương trượng trụ trì, [sự thành tựu của] ông vượt trỗi hơn họ quá nhiều, quá nhiều!’

Phẩm vị vãng sanh của những người này không phải ở Trung phẩm, Hạ phẩm mà là ‘Thượng phẩm vãng sanh’ nói trong kinh Vô Lượng Thọ. Họ có thể làm được là vì họ đã buông xả danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần. Ngày nay chúng ta làm không nổi là vì buông xả chẳng nổi những sự quyến rũ, khó là khó ở chỗ này. Nên biết danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần đều là giả hết, đã hại chúng ta đời đời kiếp kiếp kẹt mãi trong lục đạo luân hồi, đọa lạc trong ác đạo chịu hết bao nhiêu khổ nạn.

Cho nên mới nói người đời nay ‘ngu si’, không những không hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, mà còn không có khả năng phân biệt những thứ tà chánh, thiện ác, lợi hại. Không biết tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần tai hại vô cùng; chỉ có buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm Phật là việc thiện lớn nhất. Ðây là lời kinh dạy: ‘Ðoạn dứt tất cả điều ác, tu tất cả điều thiện’, chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa chân chánh của nó.

Trong đời này mỗi vị đồng tu có thể đạt được sự thành tựu thù thắng nhất hay không? Có thể. Thiện Ðạo đại sư nói: ‘Chín phẩm vãng sanh đều là do gặp duyên chẳng đồng’. Chúng ta đã gặp được nhân duyên thù thắng, gặp được Phật pháp Ðại thừa, gặp được Tịnh Tông, gặp được bản hội tập của kinh Vô Lượng Thọ, gặp được đồng tham đạo hữu tốt, nếu trong đời này không thể thành tựu thì đó là vì tập khí phiền não của mình quá nặng, cứ mỗi ngày tạo nghiệp như cũ.

Khi khởi tâm động niệm đều vì mình là tạo nghiệp. Ngôn ngữ gây tổn hại cho người khác, thị phi nhân ngã đều là khẩu nghiệp. Trong kinh Vô Lượng Thọ nói đến tam nghiệp, đặt khẩu nghiệp ở hàng đầu: ‘khéo giữ gìn khẩu nghiệp, đừng chê bai lỗi của người khác’ tức là cảnh giác chúng ta khẩu nghiệp quan trọng nhất, dễ phạm nhất. Nhìn thấy chúng sanh có lỗi lầm đều không thể nói đến; nếu [người ta] không có lỗi mà mình đặt chuyện, và còn hoài nghi người ta có lỗi thì tội nghiệp này còn nặng hơn.

Người tu học còn chịu ảnh hưởng của phiền não tập khí [tích lũy] từ vô lượng kiếp đến nay nên thoái chuyển rất dễ dàng, tinh tấn rất khó khăn. Thế nên những vị đại đức, tổ sư ngày xưa đề xướng tu tập chung, kết Phật thất để cùng nhau niệm Phật, nương vào đại chúng để tu tập, đó là đạo lý của việc tu tập chung.

Niệm Phật Ðường ở Tân Gia Ba càng ngày càng thù thắng, từ mồng một tháng Giêng đến 30 tháng Chạp (tháng 12), mỗi ngày niệm Phật 24 giờ đồng hồ không gián đoạn, đây là Phật thất [kéo dài] quanh năm. Giảng đường mỗi ngày giảng kinh hai giờ, 365 ngày trong năm không gián đoạn, thiệt đúng là giải và hành đều quan trọng như nhau, đều cùng nhau tu Ðịnh và Huệ. Lão hòa thượng Tịch Ðộ ở Ngũ Ðài Sơn, lão hòa thượng Nhân Ðức ở Cửu Hoa Sơn, lão hòa thượng Mính Sơn ở chùa Ðịnh Huệ, Tiêu Sơn, Trung Quốc, đều tán thán đạo tràng này là ‘đạo tràng hạng nhất trên thế giới’.

Mọi người ở Cư Sĩ Lâm từ trên xuống dưới đều hòa thuận, ai cũng thường nở nụ cười tươi, chúng ta ở đây có thể nhìn thấy việc ‘thường sanh tâm hoan hỷ’ nói trong kinh. Hy vọng mọi người có cơ hội đến Tân Gia Ba tham học, đem phương pháp tu học ở đây phổ biến đến khắp nơi trên thế giới, để mọi nơi đều có thể xây dựng đạo tràng như vậy. Chúng ta nỗ lực hết lòng tu học, không những tự mình trong đời này nhất quyết vãng sanh, chúng ta còn có thể đem lại sự an định cho xã hội, hòa bình cho thế giới, đây là công đức chân thật, tự hành hóa tha nói trong nhà Phật. Hy vọng mọi người hãy siêng năng tinh tấn niệm Phật.

C. KHUYÊN TIN SÂU NHÂN QUẢ

Chư Phật, Bồ Tát giúp đỡ chúng sanh đang bị khổ nạn như thế nào. (Buổi sáng 14 11 98)

Những năm gần đây, tai nạn ngày càng nhiều, đời sống chúng sanh ngày càng khổ, từ đây trở về sau sẽ càng nghiêm trọng hơn. Có người hỏi tôi: ‘Phật, Bồ Tát đại từ đại bi làm sao đến cứu độ hết thảy chúng sanh khổ nạn?’. Những lời nói này chẳng sai nhưng ý nghĩa chân chánh trong đó hoàn toàn bị hiểu sai. Chư Phật, Bồ Tát từ bi cứu độ, chẳng phải nói chúng sanh thiếu thốn đồ ăn, quần áo, Phật liền tặng lương thực, cho quần áo. Phật giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ, làm cho chúng sanh hiểu rõ nguyên nhân của tai nạn, sau đó tiêu trừ nguyên nhân ấy, vậy thì quả báo tai nạn sẽ tiêu trừ, đó mới là chân chánh cứu độ chúng sanh. Muốn được hạnh phúc mỹ mãn, tự tại khoái lạc, những thứ này đều là quả báo, quả nhất định phải có nhân; Phật, Bồ Tát dạy chúng ta tu nhân, tu nhân thiện nhất định được quả thiện, ấy mới là đạo lý đúng đắn, cứu độ thực sự.

Lòng từ bi của Thế Tôn được biểu hiện trong cả đời của Ngài. Phật là Phước Huệ Nhị Túc Tôn, nghĩa là cả phước báo lẫn trí huệ đều viên mãn. Phước báo đã viên mãn thì tại sao chẳng thị hiện hưởng phước? Kinh Vô Lượng Thọ giảng người có phước báo lớn nhất trên thế gian này là Ðại Phạm Thiên Vương, nhưng phước báo của Ðại Phạm Thiên Vương còn chẳng sánh bằng phước báo của người vãng sanh về Cực Lạc hạ hạ phẩm. Từ đó chúng ta mới hiểu phước báo của Phật đích thật là chẳng ai trong thế gian và xuất thế gian có thể sánh bằng. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện ba chiếc y, một bình bát, ngày ăn một bữa, đêm ngủ dưới gốc cây, đây là sự thị hiện đại từ đại bi. Người giàu sang trong thế gian ít ỏi, người nghèo khổ nhiều, nếu Phật thị hiện thân phận người phú quý thì người nghèo khổ nhìn thấy Phật chỉ có ngưỡng mộ nhưng chẳng dám đến gần. Phật thị hiện bần tiện đến cùng cực, người bần tiện nhìn thấy Phật giống y như mình thì sẽ cảm thấy rất thân thiết nên tâm sẽ bình. Ðây là sự đại từ đại bi của Phật, chúng ta phải thể hội điểm này.

Nếu những người học Phật đều giàu sang, cao quý, chỗ ở đều giống hoàng cung, khi ra đường đều ngồi xe sang trọng, mắc tiền thì những người nghèo khổ nhìn thấy sẽ nghĩ ra sao? Ðặc biệt là tiền tài, sự hưởng thụ của người xuất gia là do mười phương cúng dường, đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật cũng chẳng hưởng thụ như vậy. Cả đời đức Phật chẳng cầu người ta, mỗi ngày trì bát khất thực thì cũng chỉ đi trong vòng bảy nhà mà thôi, nếu đi cả bảy nhà không được hoặc chẳng đủ thì ngày hôm đó sẽ nhịn đói một ngày; khi khất thực nhà thứ nhất mà đủ rồi thì sẽ chẳng đi xin ở nhà thứ hai. Sự thị hiện này là nhằm dạy chúng ta phải biết đủ, thường vui, bịnh căn của người thế gian là chẳng biết đủ nên mới chiêu cảm đến vô lượng vô biên họa hại.

Học Phật tức là học tập theo Phật, bất luận là thân phận gì, bất luận làm ngành nghề gì, đều phải học tập tinh thần, quan niệm, từ bi của Phật, vả lại phải thực hiện trong đời sống. Sanh hoạt của chính mình phải giản dị, chất phác, phải biết đủ, có dư phải chia xẻ với hết thảy chúng sanh cùng hưởng, đây là chỗ khác nhau giữa quan niệm của chư Phật, Bồ Tát và người thế gian; Phật, Bồ Tát có phước thì mọi người cùng hưởng, phàm phu có phước thì một mình hưởng, chẳng chịu phân chia cho người. Phật chẳng những chỉ dùng ngôn ngữ dạy dỗ chúng sanh, Ngài nói được làm được. Ngài thực sự nhìn thấu, nhìn thấu nghĩa là thông suốt hết tất cả lý sự, nhân quả trong thế gian và xuất thế gian. Ngài thực sự nhìn thấu, chẳng quyến luyến bất cứ một pháp nào trong thế gian và xuất thế gian, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần chẳng tiêm nhiễm một tí nào hết. Hiện nay có rất nhiều đồng tu cảm thấy nghiệp chướng của mình nặng nề, tai nạn quá nhiều, họ làm thế nào để tiêu trừ nghiệp chướng, hóa giải tai nạn, thực ra đó chính là sự thị hiện trong suốt cả đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nếu chúng ta học được rồi, lợi ích vô lượng vô biên, chẳng những tai nạn trước mắt có thể tiêu trừ, nghiệp chướng tập khí từ vô thỉ cũng có thể đoạn dứt.

Do đó có thể biết chúng ta học Phật đích thật là quá sơ ý. Phật pháp chẳng có bí mật, bày trước mắt chúng ta vô cùng rõ ràng, nhưng chúng ta nhìn không thấy, và cũng chẳng cảm được, đây là vì chúng ta nghiệp chướng sâu nặng. Mặc dù chúng ta đọc kinh, nghe kinh nhưng vẫn chẳng hiểu ý nghĩa trong kinh, chẳng thể thực hiện những lời dạy này và áp dụng vào trong đời sống hiện thực hằng ngày, cho nên chẳng đạt được lợi ích chân thật. Chúng ta chẳng thể trách Phật, Bồ Tát chẳng từ bi, chẳng thể trách Phật, Bồ Tát không giúp đỡ chúng ta; Phật, Bồ Tát thực sự có giúp đỡ nhưng chúng ta chẳng thể hội được, lại còn đánh mất cơ hội nhân duyên, lỗi này là ở tại chúng ta. Thế nên tự mình phải phản tỉnh, phải sám hối, phải học tập từ trong sự phản tỉnh và sám hối.

Khắc phục phiền não và tập khí của mình chính là tiêu nghiệp chướng. Phương pháp khắc phục rất nhiều, nhà Phật thường nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp là phương pháp, môn là cửa vào; cánh cửa khắc phục phiền não và tiêu trừ nghiệp chướng thì vô lượng vô biên. Trong vô lượng pháp môn này đức Thế Tôn nói với chúng ta Pháp Môn Niệm Phật là phương tiện nhất, đơn giản nhất, dễ dàng nhất, có hiệu quả nhất. Nhất định phải hiểu lý luận của sự niệm Phật thì sẽ chẳng hoài nghi, Phật hiệu có thể niệm đến có hiệu quả, có sức mạnh; sức mạnh tức là có thể tiêu trừ nghiệp chướng, đoạn phiền não. Niệm Phật có thể tiêu trừ nghiệp chướng, đoạn phiền não hay không then chốt ở chỗ niệm đúng như pháp hay không, biết cách niệm hay không. Người biết niệm đúng như lý như pháp thì hiệu quả sẽ vô cùng thù thắng.

Bởi vậy chẳng những phải hiểu ý kinh mà còn phải ‘thâm giải nghĩa thú’, vì hiểu kinh giáo càng sâu, càng triệt để, thì lòng tin càng kiên định, lòng tin có thể chuyển cảnh giới. Kinh Kim Cang nói: ‘Tín tâm thanh tịnh ắt sanh thật tướng’. Khi tín tâm thật sự thanh tịnh thì có thể chuyển thập pháp giới thành Nhất Chân pháp giới, Nhất Chân pháp giới chính là thật tướng. Có thể chuyển biến thập pháp giới thành Nhất Chân pháp giới chính là ‘cảnh chuyển tùy theo tâm’. Thế nên Phật cứu độ hết thảy chúng sanh bằng cách dạy cho họ tự chuyển cảnh giới, vì cảnh giới là do chính mình tạo thành nên chỉ có mình có thể giải quyết, bất cứ người nào khác cũng chẳng giúp được gì cả, chư Phật, Bồ Tát cũng chẳng giúp được. Trong kinh Lăng Nghiêm [có ghi] khi tôn giả A Nan bị nạn, Phật cũng chẳng thể giúp ngài, Phật chỉ nói rõ tiền nhân hậu quả của sự gặp nạn này, sau đó dạy ngài làm sao hóa giải tai nạn, việc này vẫn phải do chính ngài hóa giải. Tự mình thông đạt hiểu rõ, chuyển tâm hạnh trở lại, tai nạn liền được tiêu trừ, cảnh giới liền chuyển biến.

Khởi một tâm niệm ác, cảnh giới thiện liền biến thành cảnh giới ác; khởi một tâm niệm thiện, cảnh giới ác liền biến thành cảnh giới thiện, rõ ràng nhất là thập pháp giới. Khởi một tâm niệm bình đẳng thì pháp giới Phật hiện tiền; khởi một tâm niệm Lục Ðộ thì pháp giới Bồ Tát hiện tiền; khởi một tâm niệm tham sân, một niệm thập ác, hoàn cảnh sinh hoạt sẽ là ngũ trược ác thế; khởi một tâm niệm thanh tịnh thì sẽ là thanh thái an ổn, chính là Cực Lạc thế giới. Phật thường nói: ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng, vì tướng là hư vọng nên tâm niệm mới có thể chuyển cảnh giới, vả lại sự hư vọng này giống như ‘mộng, huyễn, bọt, bóng’. Cho nên Phật nói: ‘Các thứ tâm sanh [nên] các thứ pháp sanh; các thứ pháp sanh, các thứ tâm sanh’, câu này nói rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Lại nói: ‘Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh’, chân chánh có thể lý giải triệt để đạo lý này thì sẽ biết tâm chúng ta tưởng như thế nào thì hoàn cảnh thế giới sẽ biến đổi như thế ấy; hoàn cảnh lớn sẽ thay đổi, hoàn cảnh nhỏ cũng sẽ thay đổi; dung mạo của chúng ta cũng sẽ thay đổi, thể chất sẽ thay đổi, tất cả hoàn cảnh sanh hoạt sẽ đều thay đổi, đây tức là ‘cảnh chuyển theo tâm’. Cho nên chẳng có cảnh giới nào không thể thay đổi, không thể thay đổi là vì chẳng thấu triệt lý luận, chẳng rõ phương pháp, thêm vào chẳng có nhẫn nại nên không được hiệu quả; nếu làm đúng như lý như pháp thì làm sao có chuyện không thay đổi được?

Chỗ thù thắng vi diệu của Phật pháp là hết thảy pháp thế gian, xuất thế gian không thể nào so sánh nổi. Ðời này chúng ta may mắn được thân người, được nghe Phật pháp, nếu có thể hiểu một chút nghĩa lý, nghĩa thú thậm thâm [vi diệu] này thì thiệt là rất hy hữu, rất khó được. Cho nên chúng ta phải nỗ lực hết lòng hết sức để tu học. Tu học tức là thực hành, làm ra hình dáng cho hết thảy chúng sanh nhìn thấy, đây là thực sự giúp đỡ hết thảy chúng sanh giác ngộ. Hình dáng là chiêu bài (bảng hiệu), chiêu bài tốt làm cho người ta thấy liền sanh hoan hỷ. Tướng hảo của Phật chẳng ai có thể sánh bằng nên khi Phật thuyết pháp chúng sanh tin tưởng. Chỉ cần tu học y theo lời dạy của Phật thì sẽ đạt được tự tại, viên mãn giống như đức Phật, đây chính là hiện thân thuyết pháp.