Phật pháp giảng “vô ngã” có thật là vô ngã không? Nếu tất cả các pháp đều là vô ngã rồi thì tu hành làm gì? Nếu đã là vô ngã, thì tạo nghiệp ác ai là người thọ khổ địa ngục? Nếu quả thật vô ngã, tu phước tu thiện ai là hưởng thọ? Cho nên nói “hữu ngã” mới có thể thông được, nếu nói “vô ngã” Đức Phật giảng nhân quả “nhân” ai tạo, “quả” ai hưởng?
Như vậy làm sao giảng cho chư vị tiếp thọ được đạo lý vô ngã đây? Vì đây là đạo lý không dễ dàng gì nghe qua có thể hiểu được. Nay xin đơn cử thí dụ cho bạn hiểu được. Chư vị! Chúng ta ai cũng có nằm mộng. Trong mộng tất cả chúng sinh hữu tình, đại địa vô tình, chung quy có hay là không? Nếu có thì không thể nói là không được. Tuy nói có, song tất cả là hư giả, huyễn hóa không có thật. Nếu tất cả trong mộng đều là thật, khi nằm mơ bạn thấy mình mua vé số trúng, khi tỉnh dậy, bạn có phát tài hay là không? Trong mộng vui không có, khổ cũng không. Trong giấc mơ bạn thấy mình bị rắn cắn, sợ quá liền thức dậy, bạn thấy thân thể mình có bị rắn cắn hay không? Trên giường có con rắn nào không? Đó chẳng qua tự ý thức của bạn khởi vọng tưởng mới thấy có thật, nói theo góc độ Duy thức học thì những hình ảnh đó hoàn toàn do Độc Đầu Ý Thức tạo nên, tất cả đều là hư giả không có thật, như vậy bạn làm sao nhận cái giả cho là thật được? (Lời chú giải của người dịch: ý thức là thức thứ sáu trong tám loại thức tâm vương, thức này tác dụng rộng sâu hơn năm thức trước và làm chủ năm thức trước. Thức này duyên với các tâm sở, căn bản phiền não và tùy khởi phiền não mà tạo nên nghiệp. Vì nó có tác dụng suy đoán, phân biệt và quyết định đưa đến thể hiện hành động cụ thể của thân và miệng, hoặc bằng hành động tình cảm như: yêu ghét, tham muốn… Về suy nghĩ làm việc phải thức này đứng đầu, còn tính toán tạo việc ác thức này cũng hơn các thức còn lại. Cho nên trong Duy thức có nói: “Công vi thủ, tội vi khôi”, chính là nói đến hoạt dụng của thức này vậy. Thức này có đủ ba tính: thiện, ác và vô ký. Khi nó duyên với 51 món tâm sở thì nó được chia thành hai loại: Độc đầu ý thức và Ngũ câu ý thức. Ý thức độc đầu là ý thức hoạt động độc lập, không có cộng tác với năm thức trước. Ý thức độc đầu lại được chia thành năm loại: 1. Ý thức tán vị: là ý thức phát khởi trong trạng thái phân tán. 2. Ý thức trong mộng: là hoạt động trong trạng mê ngủ, hoặc nằm chiêm bao. Vì trong mộng mị, người ta thường nghĩ rằng thế giới trong mộng là thế giới có thật, thật ra những cảnh tượng đó chỉ là những phát hiện của chủng tử độc ảnh trong kho chứa A Lại Da thức. 3. Ý thức cuồng loạn: là ý thức phát khởi khi điên loạn. 4. Ý thức trong định: là ý thức trong trạng thái thiền định, ý thức này chỉ có những người tu thiền định mới có kinh nghiệm. 5. Ý thức tán loạn: là ý thức bị loạn động phát khởi. Chúng ta làm việc quá sức, cũng gọi là trạng thái lơ đãng, hoảng hốt… Hòa thượng Diệu Liên đang nói đến loại thứ hai của ý thức độc đầu).
Theo bạn, những cảnh tượng trong mộng có hay là không? Nếu nói có thật, thì trong mộng có sợ hãi, lúc tỉnh dậy tâm cũng vẫn còn sợ hãi, trong mộng vui sướng lúc tỉnh lại tâm cũng còn vui sướng, như vậy cứu cánh có hay là không? Kỳ thật “chẳng có cũng chẳng không”. Nói có nói không đều rơi vào biên kiến, không còn trung đạo. Từ góc độ tục đế mà nói thực tại của vạn vật vừa có lại vừa không. Nhưng đứng từ góc độ chân đế, phải xa lìa thực tại, lìa ngôn ngữ thì đó mới là cứu cánh. Nếu chư vị có thể hiểu được bản chất thực tại, lý giải được tính không hữu thật tướng của vạn pháp, trì danh với cái nhận thức như thế chắc chắn vãng sinh thượng phẩm.
Phật pháp nói tất cả đều vô ngã, là muốn nói tất cả vạn vật không có tướng hay một cái ngã cố định, vì bản chất của vạn vật là duyên sinh, do nhiều yếu tố hợp lại mà có không có gì gọi là thật ngã. Nếu bạn không có hiểu được đều đó thì chứng tỏ bạn là người kém phước đức trí tuệ. Vì vậy, bạn phải tu phước và trí tuệ, một khi phước trí viên mãn bạn sẽ nhận thức được vạn vật là hư giả, thế gian là mộng huyễn. Trong kinh có nói: “Vô ngã thì không có người tạo và người thọ, nghiệp thiện nghiệp ác cũng đều không”. Do đó, kính khuyên chư vị đối với Phật pháp hãy đọc nhiều, nghe nhiều, suy tư cho sâu, siêng năng lễ bái, và niệm Phật cho nhiều thì nhất định đến một ngày nào đó quý vị tự nhiên sẽ đại ngộ.