Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Phap-Mon-Niem-Phat-Danh-Cho-Nguoi-Me-Tin-Va-Can-Co-Thap...?

Pháp Môn Niệm Phật Dành Cho Người Mê Tín Và Căn Cơ Thấp...?
Từ Phong

- Dường như pháp môn niệm Phật chỉ dành cho những người già cả mê tín, hay những người có trình độ thấp về văn hóa, về Phật học phải không?

- Ông hiểu gì về pháp môn này?

- Tôi không rõ lắm, nhưng nhiều người nói như vậy.

- Họ có dẫn chứng gì không?

- Không.

- Bản thân ông không nắm vững vấn đề, lại tin theo những gì người ta nói, mà những gì người ta nói chỉ là một câu kết luận, không có dẫn chứng, thì thực nơi ông có vấn đề.

- Tại sao ông nói vậy?

- Đạo Phật là một đạo về trí tuệ. Ngay chữ “Phật”, có nghĩa là “giác ngộ” đã nói lên điều này.  Bản thân ông không biết gì về pháp môn này, lại tin theo những lời vu vơ mà kết luận như vậy. Không biết mà tin, tức tin mù quáng; tin như vậy gọi là mê tín. Không những ông mê tín mà còn hủy báng chư Phật nữa.

- Ông nói làm tôi sợ quá.

- Pháp môn niệm Phật là pháp môn duy nhất được chính đức Thích Ca nói ra, dù không ai yêu cầu. Đây là một pháp môn vi diệu, khó tin, khó nhận đã được chư Phật mười phương ấn chứng. Vi diệu vì nó bao trùm cả ba căn: thượng căn, trung căn và hạ căn. Khó tin vì nó quá dễ dàng trong thực hành. Khó nhận vì chưa hiểu rõ, hoặc phước đức mỏng trong pháp môn này. Một pháp môn như vậy mà ông cho là mê tín thì không phải ông hủy báng chư Phật sao?

- Tôi thực không hiểu nên có lời thất thố, mong ông chỉ dẫn thêm.

- Ông nên biết niệm Phật mà thân khẩu ý thanh tịnh, tức là Giới đó, tâm không lăng xăng là Định đó, buông vọng tưởng là Huệ đó. Một pháp môn gồm Giới-Định-Tuệ như vậy có là mê tín không?

- Quả là không

- Niệm lục tự Di Đà: “Nam Mô A Di Đà Phật” rõ ràng, đó là tỉnh. Lắng nghe không sót một chữ, đó là giác. “Tỉnh giác” có là mê tín không?

- Không.

- Phát ra câu niệm Phật, thoạt từ ý mà ra, nhưng cũng phải từ tự tánh. Lắng nghe không vướng mắc để trở về tự tánh. Như vậy  có  khác gì môn “Xoay cái nghe trở lại Tánh nghe của mình”, hay “Phản văn văn tự tánh” trong Thiền tông hay không?

- Không có gì sai.

- Niệm tới chỗ nhất tâm bất loạn, tới vô niệm viên thông,  không người, không ta, không cảnh, tâm thể sáng suốt, có gì khác với Minh Tâm Kiến Tánh trong Thiền Tông hay không?

- Đúng như vậy.

- A Di Đà Phật có nghĩa là Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Công Đức. Vô Lượng Quang chính là Trí Tuệ vô biên; Vô Lượng Thọ chính là bất sinh bất diệt và Vô Lượng Công Đức chính là Từ Bi không giới hạn. Và đây lại chính là Chân Tâm thường trụ của mọi chúng sinh. Vậy niệm Phật chính là trở về với chân tâm của chính mình không đâu xa, hay còn gọi là Di Đà tự tánh.  Nó thật nhanh và cũng tương tự như “Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật” trong Tổ Sư thiền, vậy ông thấy thế nào?

- Quả là như vậy.

- “Cảm ứng đạo giao nan tư nghì”, trong thì trở về với chân tâm của mình, ngoài thì tiêu dung cùng bi trí lực của Đức A Di Đà để rồi chân ngã hòa nhập cùng Ngài và hòa nhập cùng pháp giới.  Đó chính là chỗ Niệm Phật Thành Phật.

 - Pháp môn này nghe qua quả là một Pháp môn vi diệu có thể độ đươc căn cơ bậc hạ, bậc trung  mà cả bậc thượng trí như ông đã nói. Tuy nhiên trong “Pháp Bảo Đàn Kinh”, Lục Tổ Huệ Năng có nói: “Người mê tạo tội ở phương Đông, niệm Phật cầu sanh ở phương Tây, nếu người Phương Tây lỡ tạo tội, niệm Phật cầu sanh về đâu?”.

Vậy ý ông nghĩ sao về câu này?  Niệm Phật có được vãng sanh không?

- Ông nên nhớ là trước câu này Tổ có nói “… Nếu tâm mình thanh tịnh thì ngay đây  là Tịnh độ …”  hay “Tâm tịnh thì độ tịnh”. Ý Tổ nói là muốn về cõi Tây Phương Cực Lạc không phải đâu xa, chính ở tâm mình, hay chính là “duy tâm tịnh độ”. Tổ muốn chúng ta chú ý đến tu tâm là chính, đây thuộc về lý, và không trái với những điều tôi nói với ông ở trên.

Còn câu nói như ông đề cập thì thuộc về sự. Tổ nhắc nhở chúng ta nếu chỉ biết lo niệm Phật cầu xin về Tây Phương mà không chịu tu thì Tây Phương đó cũng chỉ là nơi tội lỗi.  Và Tây Phương này cũng không phải là Tây Phương của Đức Phật Di Đà.

Điều này trong kinh A Di Đà cũng đã nói rõ: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”, nghĩa là không thể lấy chút ít phước đức nhân duyên mà được sinh về cõi kia (Tây Phương Cực Lạc).

Còn niệm Phật có được vãng sanh hay không thì còn tùy vào Tín – Hạnh  – Nguyện  của ông.  Tín là tin có Đức Phật A Di Đà với 48 lời nguyện của Ngài, cùng có Thế Giới Tây Phương Cực Lạc do vô tận công đức của Ngài, của chúng sinh tạo ra.  Nguyện là nguyện sau khi bỏ xác thân này ông xin được về thế giới của Ngài. Còn Hạnh hay Hành là ông phải tu trì, làm lành tránh dữ, tinh tấn  niệm Phật. Tin sâu, Nguyện thiết (tha), Hành chuyên (cần), được vậy thì theo Đức Phật Thích Ca và chư Phật mười phương đồng xác quyết, chắc chắn dù hạ căn cũng sẽ được vãng sanh.

- Ông có bằng chứng gì về chuyện vãng sanh, về thế giới Tây Phương của Đức A Di Đà không?

- Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phổ Hiền Bồ Tát đem mười đại nguyện khuyến tấn Thiện Tài Đồng Tử và thiện chúng nơi hải hội nên dùng công đức để sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Trong kinh Đại Bảo Tích, Phật hứa khả cho vua cha là Tịnh Phạn và bảy muôn người dòng họ Thích được về cõi An Dưỡng Tây Phương. Các vị Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, các vị  Tổ như Mã Minh, Long Thọ… cũng đều nguyện về Tây Phương. Rất nhiều vị bồ tát, thánh chúng, còn xin về Tây Phương, huống chi là phàm phu như tôi và ông mà còn không tin ư.  Tổ Bách Trượng Hoài Hải là một vị Thiền sư mà trong thanh quy còn bắt các tăng chúng khi tụng cầu cho một vị tăng nào bệnh thật nặng đều phải xưng tán Đức Phật A Di Đà và Niệm Nam Mô A Di Đà Phật.

Khi niệm xong thì phục nguyện rằng:

“Nếu các duyên chưa mãn, sớm được an lành.

Như hạn lớn đến kỳ, được sanh về An Dưỡng”.

Ông nên xem thêm các kinh, sách để biết về những điều này.  Ngoài ra ông nên tìm đọc thêm về những chuyện vãng sanh của biết bao người trung căn và hạ căn từ xưa tới nay mà tôi không thể nhớ hết được để kể ra đây cho ông.

- Theo ông tôi có nên chuyển sang tu Tịnh Độ không?

- Trình bày cùng ông về pháp môn Tịnh Độ, tôi chỉ có ý nêu lên vài điểm căn bản của pháp môn này để ông hiểu đó không phải là một pháp môn mê tín và dành cho người căn cơ thấp. Còn lựa chọn pháp tu thì ông nên hỏi chính ông. Pháp tu nào của Phật cũng đưa đến giải thoát cả. Điều cần thiết là ông phải hiểu rõ ràng căn cơ mình, hiểu từng pháp tu, thấy mình hợp với pháp nào nhất. Thiền, Tịnh, Mật hay các tông phái khác đều tốt cả, ông nên tự chọn. Muốn chắc thì ông nên tìm đọc kinh điển, hỏi chư tăng cùng thiện tri thức thêm vì tôi vẫn còn trong vòng phàm phu học hỏi.

Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ