Home > Khai Thị Phật Học
Kẻ Trộm Bảo Y
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Có gã sơn dã trộm bảo y trong kho vua, trốn bỏ đi xa, vua sai người truy tìm khắp bốn phương, bắt được giải về cho vua. Vua hỏi y phục này lấy ở đâu, gã đáp, của tổ phụ để lại. Vua bảo gã mặc thử, quả thực không phải của gã nên không biết cách mặc, tay áo thì sỏ chân vào, hông áo thì phủ trên đầu. Vua thấy vậy biết chắc là gã trộm, nên thương nghị với quần thần, và nói rằng, nếu là của ngươi ắt biết cách mặc, cớ sao lại điên đảo, trên mặc xuống dưới? Vì vậy biết áo này do ngươi trộm chẳng phải là vật gia truyền của ngươi.

Vua như đức Phật, kho bảo như pháp, sơn dã như ngoại đạo, nghe trộm Phật pháp, cho là của mình, song do trộm pháp, nên không hiểu biết thứ lớp, thuyết giảng mê loạn trên dưới, không hợp đạo lý, như người sơn dã trộm bảo y nhưng không biết dùng.

Lời Bình:   Không cho tự lấy, lại dối là của mình, đó là trộm cắp. Ngoại đạo trộm giáo pháp của Như lai cho là của mình, để dối gạt phàm phu, khiến phàm phu nể sợ tin theo, nhưng kì thật ngoại đạo mê muội nên không sao sử dụng được giáo pháp trí huệ của Như lai, như gã sơn dã quê mùa, không biết cách ăn mặc y phục cao quý của nhà vua.

Ngoại đạo được định nghĩa theo Phật pháp, không phải là người ăn mặc, sinh hoạt khác với đệ tử Phật, mà ngoại đạo chính là những người chỉ biết pháp hữu vi, và đem vô vi pháp, nói thành hữu vi. Bất luận người đó hình thức thế nào cũng vẫn bị coi là ngoại đạo, xuyên tạc Phật pháp. Nên trong luận Huyết mạch Đạt ma tổ sư dậy, nhược kiến tự tâm thị Phật, bất tại thế trừ tu phát, bạch y diệc thị Phật, nhược bất kiến tính, thế trừ tu phát, diệc thị ngoại đạo (Nếu thấy tự tâm là Phật, không cần phải cạo tóc xuất gia, cư sĩ vẫn là Phật, nếu không thấy tính, thì xuất gia cũng vẫn là ngoại đạo).

Phàm phu vô trí không thể phân biệt được chính tà, chân ngụy, nên thấy ngoại đạo và chư Phật trí huệ như nhau, vì vậy Như lai phương tiện tùy thuận trí của phàm phu mở bầy thí dụ, khiến họ hiểu được sự khác biệt giữa chính pháp và ngoại đạo. Như lai rõ biết ngoại đạo vô trí, trộm pháp Phật, nên không biết dùng, chỉ cần tùy thuận ngoại đạo, khiến ngoại đạo luận pháp, ngoại đạo ắt sẽ tự bế tắc vì không thông, giống như vua biết chắc kẻ kia trộm cắp, tất sẽ không biết cách mặc, vì vậy chỉ cần bảo gã trộm mặc thử, ắt sẽ lúng túng, lộ mặt trộm cắp.

Người xuất gia dựa lực công đức của Phật pháp, nương giới đức tu hành, được mọi người kính trọng, đó là công đức xuất gia của Phật pháp, hễ là tu sĩ đều được hưởng công đức này, nhiều hay ít tùy theo sự tu hành của mỗi người, hữu Thích tử tư cách, thọ nhân thiên cúng dường. Khi thọ nhận được nhiều danh văn lợi dưỡng, người xuất gia vô trí đó ngỡ phúc báo ngũ dục này là do tự mình làm thành, là của mình, nên sinh tâm ngã mạn, và do vậy tham vọng càng cao, đến độ không khác gì Điều đạt muốn tranh dành ảnh hưởng với cả chư Phật, những người này tuyên thuyết là Phật đã diệt độ, giờ chỉ có ta là đáng được quy y, hay kích bác vãng sinh tu hành theo Phật, bằng luận điểm niệm Phật cầu vãng sinh là mê muội, yếu hèn vì dựa vào tha lực hoàn toàn, còn quy y theo ta học đạo tự lực, mà không hiểu theo ta thì cũng vẫn là tha lực rồi, nếu đã tha lực thì nên dựa vào tha lực có đầy đủ đặc tinh của ba yếu tố, thật đức và năng, đó là đức Phật và cảnh giới tịnh độ.

Hàng tại gia vô trí, không biết tư duy theo quá trình thật đức năng để nhận chân các pháp, chỉ chạy theo bóng dáng của bảo y bị trộm, mà tôn xưng kẻ trộm đó là vương giả, họ đồng hóa áo là vua, nên theo phục dịch học pháp mặc áo điên đảo. Những người này không phân biệt được người biết sử dụng mới là chủ bảo y, và chủ bảo y mới thật sự là bậc vương giả. Còn những kẻ có bảo y mà không biết sử dụng chung quy chỉ là kẻ trộm hay ngoại đạo trộm Phật hình nghi. Chiếc áo không làm nên tu sỹ, hay nói khác hơn chiếc áo không làm nên nhà vua. Thậm chí trong kinh Kim cương Như lai còn nói rằng không do nơi 32 tướng gọi là Phật, hà huống chiếc cà sa sao đủ để gọi là Phật.

Người trộm công đức này cũng giống như gã trộm bảo y, sử dụng bảo y một cách hồ đồ điên đảo, cũng vậy người này sử dụng lực công đức của Phật hồ đồ và điên đảo, biến công đức có năng lực thượng cầu hạ hóa, như kinh Vô lượng nghĩa miêu tả, thành phúc báo ngũ dục, ngũ dục là pháp ái thủ năng tạo thành hữu đưa đến sinh, lão tử trong tương lai, kinh Viên giác nói ái dục vi nhân, ái mệnh vi quả, ái mệnh là ngã chấp, do vậy ngũ dục là pháp trợ duyên cho ngã chấp thêm kiên cố, như thế ắt biết rằng mọi sở đắc của ngã đều thuộc về 12 nhân duyên, tức sinh tử luân hồi và vô minh. Sở đắc tu hành này đi ngược lại với công đức lực của chính pháp, giáo pháp của chư Phật có lực công đức khiến từ phàm phu năng thành thập địa, phân thân độ hóa nhất thiết chúng sinh, vĩnh viễn trừ diệt gốc của sinh tử luân hồi là vô minh. Căn bản vô minh này theo kinh Viên giác là ái dục, như đức Phật nói với Di lặc bồ tát, đương tri luân hồi ái vi căn bản, do hữu chư dục trợ phát ái sinh, thị cố năng linh sinh tử tương tục (phải biết ái là căn bản của luân hồi, lại do các dục trợ duyên cho ái tăng trưởng nên thành sinh tử không ngừng), lấy sự thỏa mãn ái dục làm công đức tu hành, khác nào lấy sinh tử làm chỗ cứu cánh.

Người xuất gia biết rõ mọi trí huệ và từ bi, đều là lực công đức của chính pháp, nên nhờ nương vào giáo pháp tức như Phật thuyết tu hành, tất các công đức lực này hiển bầy, từ trí huệ thượng cầu đến từ bi hạ hóa, tất cả đều do lực công đức này thành tựu, thật chẳng phải chỗ đắc của ngã. Hễ ngã vừa có chỗ đắc, thì mọi công đức này biến thành phúc báo hữu lậu có sinh diệt, bởi ngã chỉ đắc được các pháp hữu vi, phúc báo hữu lậu mà thôi. Ngã là căn bản của vô minh sinh tử, nên mọi pháp của ngã đều là pháp sinh diệt.Vì vậy cho ngũ dục là thành quả tu hành hay chỗ đắc của ngã, thì thật là hồ đồ và điên đảo.