Home > Khai Thị Phật Học
Pháp Môn Dễ Chứng
Thượng Tọa Thích Trường Lạc


Về sự tu giải thoát, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật có nhiều pháp môn chỉ dạy từng bậc tu chứng từ phàm phu tiến lên Thánh hiền, từ Thánh hiền tiến lên Phật. Ngoài vô lượng pháp môn tu tự lực, Phật còn chỉ thêm một pháp môn tu tự lực nương tha lực rất viên đốn, rất huyền diệu, vì dễ thực hành mà thành công, dùng sức ít mà có hiệu quả, chính là pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh” hay là “Trì danh niệm Phật”.

Với pháp môn này, mỗi người có thể tùy phận, tùy sức mà tu chứng. Không luận kẻ trí người ngu, không luận kẻ tăng, người tục, không luận người sang, kẻ hèn, không luận người già, kẻ trẻ, v.v... nói tóm tắt, tất cả các giới người trong xã hội đều có thể tu tập và chứng quả tốt cả.

- Nhờ đâu mà pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh” tu dễ chứng?

- Pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh” tu dễ chứng là nhờ có:

1.- Nhị lực,
2.- Tam nhân,
3.- Tam duyên,
4.- Tam nhân duyên, thất nhân duyên, ngũ nhân duyên.

NHỊ LỰC.- Nhị lực là hai sức mạnh: 1/ Tự lực và 2/ Tha lực.

Tự lực là sức mạnh của cá nhân, sức mạnh của riêng mình có.

Tha lực là sức mạnh của người khác, mà đây ám chỉ về sức mạnh của chư Phật và chư Bồ tát gia bị hay ủng hộ, hoặc là bố hóa hay cứu giúp chúng sinh.

Công năng của Tự lực.- Ở đời con người ta, phàm muốn nên công kia việc nọ, dầu cho công việc nhỏ nhặt đến bậc nào hay là dễ dàng đến đâu, ít nữa mình cũng phải phí sức mình ra làm mới được kết quả; ấy gọi là do Tự lực.

Công năng của Tha lực.- Nếu một công việc lớn lao, nặng nề quá, đem hết sức mình làm chẳng xuể, bất buộc mình phải cần đến sức người khác giúp đỡ thêm mới mong được thành tựu; ấy gọi là nhờ Tha lực.

- Phẩm và lượng của Tự lực và Tha lực khác nhau thế nào?

- Luận về phẩm của Tự lực thì giá trị của nó thật là quý. Đây, giả sử một người con thảo muốn báo hiếu cha mẹ lúc còn sinh tiền, tự mình phải ra tay nấu cơm, đun nước dâng lên cho hai thân dùng được no lòng ấm dạ; tự mình phải ra sức giặt giũ y phục cho cha mẹ thay đổi sạch sẽ hằng ngày; tự mình phải ân cần hầu hạ bên giường, quạt nồng ấp lạnh cho cha mẹ nghỉ ngơi ngon giấc. Nói tóm tắt, là đích thân mình đứng ra làm các việc cần thiết để phục vụ cha mẹ trong lúc tuổi già, thì lòng mình mới cảm thấy vui sướng chẳng có chi bằng! Hơn là mình phó thác cho tôi trái tớ gái trong nhà, quanh năm cùng tháng vẫn thay thế cho mình chăm nom từ miếng ăn, thức uống, săn sóc từ manh quần tấm áo, coi chừng từ giấc ngủ của cha mẹ mình. Thật ra cách phụng dưỡng ấy, tuy không thiếu sót về phần vật chất nào; nhưng mà lòng mình cũng thấy nao nao, chưa được thỏa mãn lắm, vì mình xét lại còn khuyết điểm một tinh thần là tình thương yêu mật thiết giữa con cái đối với cha mẹ. Bằng chứng thực nghiệm là ai có dịp hầu hạ cha mẹ một vài hôm trong lúc tuổi già ương yếu, mà tự mình đi sắc thuốc, hoặc đích thân mình bồng lên đỡ xuống cha mẹ trên giường bệnh, hoặc để tắm giặt giũ mùng mền, thay xiêm đổi áo cho cha mẹ khi đau ốm. Mình có làm được những việc ấy một cách tận tình rồi mới biết thưởng thức cái chân giá trị của Tự lực nó thật là quý báu vô cùng! Cũng như một em bé học lớp sơ đẳng trường tiểu học, tự mình viết được một bài văn cỏn con với lời lẽ ngây thơ mà có ý nghĩa, làm cho thầy giáo là người chấm bài của cậu học trò ấy rất hài lòng khen ngợi, hơn cậu học trò khác đồng thời đi tìm sách vở chép lại những bài kiểu mẫu của nhà văn sĩ trứ danh đã soạn.

Còn bàn về lượng của Tự lực thì thật là rất hiếm hoi! Đây trên thế gian này, người ta ai ai cũng cần phải ăn no, mặc ấm và ở yên mới sống. Nhưng nếu bắt buộc mỗi người đều phải tự mình ra công cày sâu, cuốc bẫm, gieo mạ, cấy lúa mới có cơm ăn, tự mình phải trồng bông, kéo chỉ, dệt vải, cắt may mới có áo quần mặc, tự mình phải đốn cây đẵn gỗ, dựng cột xây tường mới có nhà ở v.v... thì sức một người làm có hạn, không bao giờ kịp hết cả trăm công ngàn việc cần thiết ấy được.

Tuy nhiên, mỗi người trong chúng ta, tự mình không ra công trồng lúa cũng được cơm ngày ba bữa no nê, tự mình không ra công chăn tằm, quay tơ cũng có quần áo lòe loẹt, tự mình không ra công đào móng, đắp nền, trộn hồ, gánh gạch cũng được nhà cửa kín đáo ngăn mưa đón gió v.v... Mặc dầu biết rằng chúng ta có xuất tiền ra trả công thuê người, mua vật liệu, song cũng phải mang ân người. Nếu không nhờ Tha lực là sức của người khác đóng góp vào, thì chúng ta đâu được cái cảnh sung sướng là ăn no, mặc ấm, ở yên như thế ấy! Nên chi quyết định rằng lượng của Tha lực thật là rất trọng đại lắm vậy!

- Sự liên quan của Tự lực và Tha lực.- Tự lực và Tha lực có liên quan mật thiết không thể rời ra được. Vì thế mà người ngoài đời cũng như trong đạo không nên thiên chấp Tự lực hay Tha lực, mà phải dung hòa, phối hợp cả hai sức ấy lại áp dụng mới được kết quả tốt trong công việc sinh sống cũng như trong sự tu hành. Đại phàm con người biết tín nhiệm Tự lực và Tha lực, thì chẳng khác nào chim có hai cánh mới bay được dễ dàng, cũng như xe có hai bánh mới chạy được vững vàng; nếu chích một cánh, thì chim kia phải sa, đâu còn bay liệng tự do được nữa, cũng như nếu hỏng một bánh thì xe nọ phải ngả nghiêng nằm lì một chỗ.

- Nếu thiên chấp Tự lực, tự hào nơi sức mình có đủ khả năng chẳng cần đến Tha lực, phủ nhận sức của quần chúng, thì người thế gian sẽ thâu thập một kết quả nhỏ nhít và khó khăn trong việc sinh sống hằng ngày. Bởi vì Tự lực là sức của cá nhân lẻ loi, yếu ớt đối với Tha lực là sức của nhiều người hợp lại mạnh mẽ. Nếu tự cao, tự mãn với sức mình mà chẳng cầu đến sức Phật, sức Bồ tát, sức thầy sáng, bạn lành, thì người học đạo giải thoát khó bề tu hành chứng được quả thánh. Bởi vì sức của phàm phu ngu tục, đã phước mỏng lại thêm chướng dày sánh với sức Phật, Bồ tát phước đức vô lượng, vô biên, kém xa một vực, chẳng khác nào bọt nước phập phều trong biển cả. Nên biết, bọt nước tuy là bé bỏng mà chu du được khắp cùng trong biển mênh mông, do vì nó nhờ sức thủy triều lôi cuốn trong lúc luân lưu xuống lên vòng quanh đại hải. Nếu không nhờ lực lượng của nước khi lớn khi ròng đưa đi, thì làm sao bọt nước lưu thông khắp cả đó đây trong biển dễ dàng! Vậy thì, người tu hành không nên phủ nhận “Tha lực” là sức Phật và Bồ tát mà thiên chấp “Tự lực” là sức của mình mà khó nỗi thoát ra khỏi ải sinh tử luân hồi, chẳng khác nào bọt nước nếu phủ nhận lực lượng thủy triều, thì không xê xích đi đâu được hết.

- Còn thiên chấp “Tha lực” thì sao?

- Nếu thiên chấp “Tha lực” mà phủ nhận “Tự lực”, thì người thế gian không làm công việc gì cả. Dụ như đứa con của một thầy giáo ỷ lại rằng cha mình hay chữ mà chẳng chịu ra công học tập, thì tự nhiên nó phải dốt. Cũng như người tôn giáo, người Phật tử nếu phủ nhận sức mình, cứ một mực đặt tín nhiệm vào Đức Phật, thì không làm sao chứng được quả Phật.

- Nếu dùng “Tự lực” nương với “Tha lực” thì kết quả sẽ được thế nào?

- Nếu dùng “Tự lực” nương với “Tha lực”, thì kẻ ngoài đời sẽ thâu hoạch được kết quả tốt đẹp trong công việc làm của mình. Dụ như một đứa con đã siêng năng, cần mẫn mà lại có cha mẹ chia sớt gia tài và bà con, anh em giúp thêm cả công lẫn của nữa, thì đứa con ấy chắc chắn được phát tài. Còn người trong đạo, vừa dùng sức mình vừa nương sức Phật, sức Bồ tát mà tu, thì quyết định người Phật tử ấy sẽ được vãng sinh về Tây phương Cực lạc thế giới gặp Đức Phật A Di Đà, nghe pháp “Vô sanh” chứng ngôi “Bất thối” và sẽ làm Phật kiếp vị lai. Như ngài Huệ Viễn với những người trong hội Liên xã có đến 123 vị ở Lô Sơn hằng ngày lo phát triển các việc lành và đem hết sức mình ra chuyên niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà cầu “Tha lực” đới nghiệp vãng sinh, khi lâm chung đều được Phật phóng hào quang đến tiếp dẫn tất cả về Tây phương Cực lạc thế giới.

Xứng lý mà nói, nếu chỉ cần giác ngộ bản tâm phá tan màn lưới vô minh, vượt khỏi vòng sông ái dục để chứng quả Niết bàn, thì gọi là nương sức mạnh của mình. Người do “Tự lực” mà tu chứng quả Thánh là những bậc đại trượng phu, những bậc thượng căn, thượng trí. Chính là các bậc đại Bồ tát và Thanh Văn ở trong thời kỳ Chánh pháp. Chí như đến thời kỳ Tượng pháp và Mạt pháp căn khí con người đã kém sút, tuy có tu mà không ngộ, hoặc có ngộ mà không thuần. Vì soi chiếu vào trong thì in tuồng thanh thoát mà khi đối cảnh bên ngoài cũng chưa khỏi mê mờ. Như không mê mờ đi nữa, cũng chẳng qua là cuộc hạn mà thôi. Đến như bậc Bồ tát chưa chứng “Vô sanh nhẫn” còn có cái mê cách ấm (cái mê khi thay đổi thân ngũ ấm), bậc Sơ quả (Tu Đà Hoàn) còn phải trải qua bảy lần sinh tử ở cõi Dục giới vẫn chưa khỏi cảnh tối nhập thai. Huống chi là hạng bát địa phàm phu làm sao khỏi theo dòng sinh tử. Thế thì nương “Tự lực” mà tu thật là rất khó xuất trần lao lắm. Vì một phen mê lầm rồi thì trăm thứ đều mê. Tai hại thay!

Bởi cớ, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật mới tùy phương tiện dạy pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh” để cho người ở thời kỳ Mạt pháp nương “Tha lực” mà tu hành mới chắc chắn thành đạo.

TAM NHÂN HAY TAM TƯ LƯƠNG

Tam nhân là ba nguyên nhân. Nguyên nhân là yếu tố căn bản để được kết quả.

Tam tư lương là ba món tư lương. Tư lương là những gì có thể giúp đỡ đời sống của con người. Nhất là trong những cuộc hành trình như du lịch, tản cư chẳng hạn, v.v...

Tư lương là thứ phải được đặc biệt sắp sửa đàng hoàng. Bởi vì con người cần phải sống để làm cho đời họ tiến hóa thêm lên, đồng thời lại cần phải vì người mà giúp đỡ, nâng cao đời sống đại đồng được bớt khổ.

Thí dụ: Như người học sinh Việt Nam, sau khi nhận thấy ở xứ sở mình không đủ điều kiện để thỏa mãn sự học theo ý muốn, hoặc vì xã hội rối ren, hoặc vì nền giáo dục quốc gia kém khuyết, v.v... nên vừa nghe người giới thiệu ở một nước khác có đủ điều kiện tốt cho người học sinh ấy học tập thành tài, là người học sinh ấy nghe theo và quyết định xuất dương du học. Rồi nào quần áo, sách vở, nào tiền bạc, cơm gạo v.v... người học sinh ấy lo sắm đủ để lên đường. Như thế là người học sinh ấy đã dự bị đủ “Tư lương” đi ra nước ngoài học tập.

Nhưng đó chẳng qua là câu chuyện thế gian mà thôi. Còn “Tư lương” về mặt đạo giải thoát của pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh là những tinh thần cần thiết có một sức mạnh chuyển đổi được cả một đời hiện tại của Phật tử chúng ta và có thể đưa chúng ta ra khỏi các thống khổ ở thế gian ô trược để sau này sẽ sinh sang một giữ an vui và giải thoát.

Những “Tư lương” của pháp môn “niệm Phật cầu vãng sinh”, theo Kinh A Di Đà, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật dạy có ba món là: 1.- Tín, 2.- Nguyện, 3.- Hạnh.

- TÍN là gì?

- Tín nghĩa là tin. Nó là đầu mối, là bước trước nhất để vào đạo tín là chỗ phát sinh các công đức. Bởi vậy trong Khế kinh có phân biệt sáu thứ Tín: 1.- Tín tự, 2.- Tín tha, 3.- Tín nhân, 4.- Tín quả, 5.- Tín sự, 6.- Tín lý.

“Tín tự là tin tưởng mình có khả năng sửa đổi tâm tánh mình như: Sửa đổi ý nghĩ, lời nói, việc làm từ dở ra hay, từ quấy ra phải, từ dữ ra lành, từ xấu ra tốt, từ mê ra giác v.v... và cố gắng phát triển.

“Tín tha” là tin lời Phật nói: “Chúng sinh đều sẵn có bản tánh sáng suốt, có thể tu hành tiến hóa đến địa vị Phật như Ngài”. Và tin ở sự hộ niệm thầm kín của Phật, của Bồ tát nếu lòng thành mình cảm đến.

“Tín nhân” là nhận thức tu nhân hiện tại như thế nào thì đời sau sẽ kết quả như thế ấy. Thí dụ như chuyên tu niệm Phật, thì thế nào cũng được vãng sinh.

“Tín quả” là nhận thức rằng cái quả không phải tự có, chính phải suốt nguồn nhân.

Thí dụ như anh A và anh B là hai anh em ruột, mà anh A thì giàu, còn anh B lại nghèo, mặc dầu hai người đều chí thú làm ăn. Vì chỗ tạo nhân đời trước của hai người sai khác: Anh A đã từng tu hạnh bố thí nên ngày nay được giàu; anh B đã không gây nhân bố thí mà lại bỏn sẻn nữa nên hiện giờ nghèo.

“Tín sự” là như tin lời Phật nói: “Cách Ta bà mười vạn ức cõi Phật, có thế giới Cực lạc Tây phương”.

“Tín lý” là nhận xét, tuy nhiên thế giới Cực lạc Tây phương ấy vẫn không ngoài nhất tâm thanh tịnh của mình.

Nói đến TÍN, không phải Đức Phật bắt buộc chúng ta phải tin ngay lời của Ngài đâu; mà Phật bảo chúng ta nghe cho kỹ, rồi suy nghĩ cho cùng, nếu nhận định lời Ngài nói là đúng, thì mới tin, bằng không thì thôi. Vậy thì, tính cách tin này không có nghĩa quên mình mà chạy theo lời nói của kẻ khác. Trái lại, nó còn đề cao tinh thần tự chủ, đánh tan óc mê tín, dị đoan, thần quyền mà phát khởi nhiều đức tính tốt khác sẵn có của chúng ta. Như thế gọi là “Tự tín”.

Tuy biết rằng Tự tín là vấn đề then chốt, nhưng nếu không do Đức Phật chỉ dạy, thì chúng ta cũng khó biết được. Do đó, đã là Phật tử, chúng ta không vì lý do gì mà không tin Phật? Ví dầu có điều Đức Phật đã nói mà chúng ta chưa đạt được, chưa chứng được, hay chưa thấy được với con mắt thịt của chúng ta, chưa nhận được với sự suy nghĩ nông cạn của chúng ta, thì những điều đó vẫn bất di bất dịch. Chẳng hạn, như trong Kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca bảo rằng kinh này là pháp khó tin, thảo nào chúng sinh lại chẳng lắm kẻ chưa tin!

Bây giờ chúng ta hãy tạm so sánh những việc gần nhất để hiểu và tin theo lời của Phật đã nói Tây phương Cực lạc. Thí dụ như chúng ta thấy trong một thành phố chúng ta ở, nhà cửa thật nhiều, nhưng đại khái có nhà tốt đẹp, sạch sẽ, rộng rãi, mà cũng có nhà xấu xa, nhơ nhớp, chật hẹp. Trong những nhà ấy, có gia đình sung sướng, vui vẻ, mà cũng có gia đình khổ sở, buồn rầu. Còn xa, khỏi xứ Việt Nam, cũng có xứ dân cư lạc hậu và những xứ dân cư văn minh.

Đây xin nhắc lại vài chuyện để làm bằng:

1.- Trước khi Kha Luân Bố chưa tìm châu Mỹ, nào ai đã tin có thế giới mới?

2.- Sau khi Phan Thanh Giản đi sứ bệnh nước Pháp về nói những cái văn minh bên nước ấy, như đèn điện không dùng dầu mà thắp lại cháy sáng tỏ như ban ngày, thêm giữa gió mưa đèn ấy cũng không tắt; còn cái xe đạp có hai bánh trước sau ngay một chiều mà người cỡi xe đạp chạy bon bon không ngã. Các quan tại triều đình Huế không ông nào tin.

Và bây giờ, nếu chúng ta thử nói với các em ở cồn đảo suốt đời không ra khỏi quê hương, rằng có những xứ người ta xài tiền bằng vàng và người xứ ấy ở tại nhà mà bắt được tin tức các nước khác, chắc rằng các em ấy sẽ bảo nhau chúng ta nói gạt.

Nước Cực lạc của Đức Phật A Di Đà, kể về y báo, chánh báo đối với người chưa tin cũng bị ở trong tình trạng bi quan này.

Hoặc có người nói: “Tôi có tin Tịnh độ Di Đà mà chỉ là Tịnh độ duy tâm, Di Đà duy tánh mà thôi”.

Nói như thế là nói lý, tưởng rằng người đã tỏ vẻ thông minh, cao kiến; nhưng kỳ thật, người ấy vướng phải bệnh “kiến thủ” mà không hay, vì chưa nhận được lý tâm tánh là thế nào. Xét ra nếu Lý rời Sự thành lý suông, mà Sự rời Lý là sự mê tín. Trong đạo Phật bao giờ Sự, Lý cũng đi đôi, thể với tánh lúc nào cũng hòa hợp. Biết rằng tự tâm ta thanh tịnh là Tịnh độ, tự tánh ta sáng suốt là Di Đà, nhưng ngoài tâm tánh cũng vẫn có một cõi Tây phương Cực lạc; một Đức Phật A Di Đà đúng với sự thật là Sự, Lý viên dung, ấy cũng như tinh thần với vật chất rất liên quan mật thiết vậy.

Tóm lại đoạn này, người Phật tử tu tập pháp môn niệm Phật, trước hết phải giữ một lòng tin cho kiên cố, nhưng không phải cố chấp, tin cho chí quyết, nhưng không phải lý thuyết, tin những điều chân chính, hợp lý mà không tin một cách mê muội những việc dị đoan. Nghĩa là lòng tin ấy phải có đủ mấy nghĩa này: Tự, Tha, Nhân, Quả, Sự, Lý một cách sáng suốt.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy ; “Tin là nguồn của đạo, là mẹ đẻ của các công đức. Tin có thể thêm lớn căn lành, có thể thành tựu đạo quả Chánh giác”.

Vậy chúng ta phải bảo vệ lòng tin cho vững, nếu chúng ta thật tâm muốn giải thoát. Vì đó là một thứ “tư lương” cần nhất trước hết, mà trong Kinh A Di Đà Đức Bổn Sư Thích Ca đã cặn kẽ dạy.

- NGUYỆN là gì?

- Nguyện là thề quyết làm việc gì cho đến kết quả mới thôi. Như chúng ta sau khi nghe nói cõi Tây phương Cực lạc là nơi vui sướng, giải thoát, có Đức Phật A Di Đà sẵn sàng tiếp dẫn chúng sinh, dĩ nhiên chúng ta phát lòng thệ nguyện mãnh mẽ tu tịnh nghiệp cầu sinh Tịnh độ.

Nói như thế chắc không khỏi có người vội phê bình rằng thuyết Tịnh độ là bi quan, chán đời và từ cái bi quan, chán đời ấy sẽ làm cho con người yếu hèn chăng?

- Xét kỹ lại, đối với thế gian này cũng đáng bi quan lắm chớ! Vì như sự thật đã thấy phần nhiều con người ít sống theo tư cách của con người. Nào là con cháu ngỗ nghịch với cha mẹ, ông bà, nào là vợ chồng oán hận giết dốc lẫn nhau không biết gớm, nào là anh em một nhà mà lại nồi da xáo thịt v.v... Nói tóm, phần nhiều vì “chấp ngã” mà sống xa đạo đức, sống thuần theo phàm tình để vừa theo dục vọng. Do đó, trên thế giới này không mấy khi an ổn và thật vui được. Ai cũng vì một lẽ phải riêng của mình mà quên cái lẽ phải chung đi. Bởi thế, càng sửa đổi lòng người càng táo bạo, quỷ quyệt, độc ác, càng sửa đổi thế giới càng điên đảo, hỗn loạn. Lắm lúc người lấy khổ làm vui, lấy dơ làm sạch, lấy quấy làm phải, v.v... Như thế bảo sao chúng ta không bi quan, không chán đời.

Nhưng thế này, bi quan theo đạo Phật là bi quan để nhận thật bề trái của cuộc đời, của bản thân để thức tỉnh, để kích thích lòng thương đối với nhân loại. Sự chán đời của đạo Phật không phải là lối chán đời hủy mình, bỏ liều, ích kỷ, mà trái lại chán đời để không bị nhiễm theo đời hầu gây tạo một trí huệ sáng suốt đủ phương pháp cứu đời cho hợp lý.

Một bằng chứng chắc chắn là người Phật tử, nhất là người tu tịnh nghiệp, ngày nào cũng thệ nguyện rằng:

“Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não
Nguyện đắc trí huệ chân minh liễu
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ
Thế thế thường hành Bồ tát đạo”

Chướng là tất cả những cái gì có thể làm hại cho mình và di họa đến người khác, mà miếng mồi nuôi lớn nó, chính là những cảnh vật ở thế gian. Nếu không chán nó, nhàm nó, nguyện lìa bỏ nó, thì chắc rằng không bao giờ có được cái trí huệ siêu xuất thế gian. Mà thiếu trí huệ ấy lòng từ bi cũng sai lạc đi, thì làm thế nào thực hành theo công hạnh Bồ tát là giáo hóa thế gian, cải tạo thế gian một cách chân chính thiết thiệt.

Ở tại cõi này, đồng thời tự tu và độ người là quý lắm rồi, nhưng cũng tương đối một phần nào thôi, không thể bỏ bổn phận được. Nhưng nếu không khéo, thì cả mình và lẫn người đều sai lạc và đắm chìm trong bể khổ. Do đó, Đức Thích Ca Từ phụ đã cặn kẽ khuyên chúng ta phải phát nguyện sinh về cõi Cực lạc của Đức A Di Đà dễ tu và dễ chứng quả Phật hơn. Và nếu mỗi người nghe như vậy, thì có lo gì thế giới này sẽ không ai cứu độ!

Bởi thế, chúng ta cần phải nguyện sinh Cực lạc Tịnh độ một cách thiết tha mạnh mẽ. Vì ở đấy, theo lời Đức Bổn Sư Thích Ca đã bảo trong Kinh A Di Đà thì tất cả đều vui vẻ, không bị hoàn cảnh thân, tâm làm thối chuyển đời sống của bậc Thánh nhân tu hành cho tới khi nào chứng quả Phật hoàn toàn.

Nguyện là sức mạnh để chứng thật lòng tin trước kia là chắc chắn. Nguyện có công năng kích phát sự thực hành và còn làm bánh lái cho con thuyền của chúng ta không lạc nẻo quanh co. Đức Phổ Hiền là một vị Đại Bồ tát mà còn phát nguyện vãng sinh, lời lẽ còn ghi trong Kinh Hoa Nghiêm, đức Mã Minh sau khi tạo xong Luận Khởi Tín còn nguyện về Tây phương Cực lạc.

- HẠNH là gì?

- Hạnh là công hạnh nghĩa là sự thực hành, sự áp dụng đúng theo lời nguyện.

Nếu pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh” chỉ có Tín, Nguyện, thì không trách gì người ta sẽ bảo là một lối ỷ lại Tha lực, thần quyền, chẳng khác nào thằng giáo, đồng thời nó tự mâu thuẫn với giáo lý của Phật. Và có Tín, Nguyện suông, chẳng khác nào thuyền kia có mũi, có lái mà chẳng có chèo, xe nọ có đủ bộ phận mà không ai điều khiển. Bởi cớ đó dầu muốn dầu không, người Phật tử cầu vãng sinh về Cực lạc thế giới cần phải thực hành y theo lòng tin và chí nguyện của mình; cũng như muốn đi thuyền từ chỗ này đến chỗ kia, chúng ta phải ra tay chèo chống.

TAM DUYÊN

Tam duyên là ba duyên. Duyên là điều kiện phụ thêm để giúp sự kết quả được dễ dàng. Tịnh độ môn lập ra thuyết minh niệm Phật có ba duyên công lực là:

1.- Thân duyên.- Chúng sinh bắt đầu tu hành, thì:

a) Miệng thường xưng niệm danh hiệu Phật, Phật liền nghe vì tiếng niệm Phật của chúng sinh thấu cảm đến lòng từ bi của Phật.

b) Thân thường lễ kính Phật, Phật liền thấy.

c) Tâm thường niệm Phật, Phật liền biết đó.

Như thế nghĩa là ba nghiệp của chúng sinh và ba nghiệp của Phật không tách rời vậy.

2.- Cận duyên.- Chúng sinh nguyện thấy Phật, Phật liền ứng niệm mà hiện đến trước mắt.

3.- Tăng thượng duyên.- Chúng sinh xưng niệm danh hiệu Phật thì trong mỗi niệm trừ được tội lỗi từ nhiều kiếp; khi chết, Phật và Thánh chúng đều đến rước, không bị các tà nghiệp ràng buộc (Định thiện).

TAM NHÂN DUYÊN

Không luận là người chuyên tu, chuyên niệm, nếu ai có thể đủ ba điều kiện sau đây, vẫn được vãng sinh Cực lạc thế giới, nhưng vào bậc thấp “Hạ bối”.

1.- Giả sử không thể tạo các công đức, thì phải phát tâm Bồ đề vô thượng.
2.- Một mặt chuyên ý cho đến chừng mười niệm mà niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà.
3.- Đem tâm chí thành nguyện sinh về nước An lạc.

THẤT NHÂN DUYÊN

Người tu tịnh nghiệp, muốn toại nguyện vãng sinh về bậc “Trung bối”, trong Kinh Vô Lượng Thọ có dạy phải đủ bảy nhân duyên:

1.- Phát tâm Bồ đề vô thượng.
2.- Một mực chuyên niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà.
3.- Có làm lành, giữ trai giới nhiều.
4.- Xây tháp, dựng tượng.
5.- Cúng dường bậc Sa môn.
6.- Treo phan, đốt đèn, rải hoa, xông hương.
7.- Đem các công đức trên hồi hướng về Cực lạc thế giới, thì về sau có thể trụ vào bậc “Bất thối”.

Điều quan hệ là phải giữ được “Nhất tâm bất loạn”.

NGŨ NHÂN DUYÊN

Người tu Tịnh độ muốn toại nguyện vãng sinh về bậc “Thượng bối”, trong Kinh Vô Lượng Thọ có dạy phải đủ năm nhân duyên:

1.- Bỏ nhà, lìa dục, làm vị Sa môn.
2.- Phát tâm Bồ đề vô thượng.
3.- Một mực chuyên niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà.
4.- Tu các công đức.
5.- Nguyện quyết sinh về nước An Lạc.

Điều quan hệ là phải giữ được “Nhất tâm”.

Ngoài ra còn một hạng, ngoài ba cấp vừa kể ở đoạn trên, người tu Tịnh độ mà còn nghi hoặc, nhưng biết tội phước chỉ được sinh về “Biên địa” ở cõi Tịnh độ.

Tuy nhiên, sự vui ở cõi “Biên địa” này bằng ở Trời Đao Lợi.

QUYẾT NGHI

- Nói rằng chỉ có pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh” là dễ tu, dễ chứng, thì tất cả vô lượng pháp môn khác đều khó tu và khó chứng là tại làm sao?

- Vì vô lượng pháp môn khác chỉ dùng Tự lực mà tu chớ không nương Tha lực. Và tu Tự lực từ địa vị phàm phu vượt lên quả Phật thật rất khó khăn, rất lâu dài. Phải là bậc đại căn, thượng trí có đại kiên cố lực mới được; còn bậc tiểu căn, hạ trí không bền chí, thì chẳng tài nào tu được, nên gọi là rất khó. Lại nữa, vì phải trải qua ba A tăng kỳ kiếp làm hạnh Bồ tát mới được chứng quả Phật, nên gọi là rất lâu dài.

Thì đây trong “Tịnh độ Thập nghi luận” nói:

Những người tu Phật ở thế giới này mà cứ dùng lấy sức mình thôi, thì thật chưa thấy ai được sinh về Tây phương Cực lạc của Đức Phật A Di Đà, nên trong Kinh An Lạc nói: “Bắt đầu từ địa vị phàm phu đủ thứ phiền não ràng buộc, chưa biết Tam Bảo là gì và cũng chưa biết thiện ác nhân quả là chi, ban sơ phát Bồ đề tâm, lấy đức tin làm cội gốc mà trụ ở nhà Phật và lấy giới hạnh làm nền tảng, tu bỏ thân đời này làm thân đời khác, tiếp tục luôn luôn, giới hạnh không khi nào khuy khuyết, trải qua một kiếp, hai kiếp, ba kiếp mới lên bậc “Sơ phát tâm trụ”. Lại y cứ như vậy tu hành lần lên Thập tín nối nhau mãikhông hở dứt chút nào mà mãn một muôn kiếp mới lên đến bậc “Chánh tâm trụ” thứ sáu. Nếu do đó mà tăng lên, thì đến bậc “Bất thối trụ” thứ bảy.

Thế thì lấy sức mình mà tu phải trải qua nhiều thời gian lâu dài, nhưng cũng chưa được sinh về Tây phương Cực lạc thế giới của Đức Phật A Di Đà. Còn tu theo pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh” dung hòa Tự lực với Tha lực, phối hợp sức mình với sức Phật, sức Bồ tát mà tu từ địa vị phàm phu vượt lên quả Thánh thật rất dễ, rất mau. Vì là vừa phát các hạnh lành vừa nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà là đủ, nên gọi rằng mau. Và vì từ một ngày nhẫn đến bảy ngày, hay là từ một hơi niệm Phật đến mười hơi niệm Phật mà được “nhất tâm bất loạn” trong lúc sắp lâm chung liền được siêu thoát cõi phàm trần nhập vào nước Phật, nên gọi là rất mau.

Sách Tịnh độ Thập nghi luận cũng nói: “Những người tu Phật nếu tin chắc sức mình với sức Phật A Di Đà có cái nguyện lực đại bi nhiếp thọ những chúng sinh niệm Phật, rồi tức thì phát Bồ đề tâm tu pháp “Trì danh niệm Phật” nhàm chán cái thân trong ba cõi, khởi làm những hạnh bố thí, trì giới và trong khi làm được một hạnh tốt nào cũng đều hồi hướng về Tây phương Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, thì đến lúc lâm chung chắc chắn nhờ cái nguyện lực của Phật cơ cảm tương ưng lẫn nhau mà được vãng sinh trong một đời khỏi phải trải qua nhiều kiếp.

Hồi hướng có ba cách:

1.- Hồi tự hướng tha.
2.- Hồi tiểu hướng đại.
3.- Hồi sự hướng lý.

Hồi tự hướng tha là đem công đức của mình mà xoay về cho người khác, nghĩa là không ích kỷ để thọ hưởng một mình.

Hồi tiểu hướng đại là chuyển hóa những tâm tánh nhỏ nhặt riêng biệt thành những chí nguyện cao cả, đại đồng, phổ biến.

Hồi sự hướng lý là kết quy tất cả những động tác bên ngoài về bản tâm của mình, nghĩa là thể nhận rằng tất cả sự vật đều từ tâm mà có và đều gom về bản thể của tâm. Thế thì làm Phật được là do tâm, mà làm chúng sinh cũng là do tâm. Tâm, Phật, chúng sinh ba thứ không sai biệt. Giờ đây chúng ta niệm Phật cũng do tâm, Phật hay chúng sinh chỉ như là bề trái, bề mặt của bàn tay thôi. Hễ niệm chúng sinh thì phải làm chúng sinh và chúng sinh chắc chắn phải ở cõi phàm chịu khổ sở. Còn trái lại, nếu niệm Phật thì sẽ làm Phật và Phật thì ở cõi Thánh được an vui giải thoát. Thánh với phàm và Ta bà với Cực lạc không ngăn ngại người, chỉ có lòng người ngại thánh phàm thôi, nên chi có câu rằng:

Lênh đênh trong cõi Diêm phù
Khéo tu thì nổi (siêu), vụng tu thì chìm (đọa)

Tóm lại, về phần dễ chứng của pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh” nhờ có hai sức mạnh: Tự lực và Tha lực, ba món Tư lương: Tín, Nguyện và Hành, ba duyên: Thân duyên, Cận duyên và Tăng thượng duyên với ba nhân duyên hoặc bảy nhân duyên hay năm nhân duyên.

Tự lực là sức của mình, còn Tha lực là sức của Phật và Bồ tát. Mỗi sức đều có công năng hiệu quả đặc biệt. Nhưng nếu Phật tử thiên chấp một sức, thì sự tu hành phải khuy khuyết, khó thành tựu được quả “Vô thượng Bồ đề”. Bởi thế chúng ta chẳng những cậy nơi sức của mình tín ngưỡng mà tỏ thấu chân lý của sự vật và thực hành cái mục đích của mình mà thôi; lại còn phải mong nhờ đến sức của Phật và Bồ tát mới chứng được quả “vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”, như chúng sinh phải nương nhờ nguyện lực của Đức Phật A Di Đà mà được vãng sinh Tịnh độ dễ dàng.

Tín là để phát khởi lòng nghĩ sự hồi đầu của con người đối với pháp môn niệm Phật sau khi đã suy xét kỹ lưỡng.

Nguyện là tỏ vẻ ham muốn, ngưỡng mộ và chính nó là một sức mạnh để thúc đẩy lòng tin ấy được lớn thêm và vững vàng.

Hành là bắt đầu vào thực tế để chứng tỏ lòng tin và nguyện trước kia không phải là lý thuyết suông ngõ hầu đạt được kết quả theo như ý muốn đã tin, đã nguyện.

Nhưng có điều rất quan hệ là làm sao cho sự thực hành kia luôn luôn được kềm giữ cho quay về một nơi khỏi bị tản mác để tăng cường sức mạnh trước kia cho thỉ chung như nhất. Đồng thời lại còn phải khởi lên tấm lòng rộng rãi hơn, lợi ích hơn để cho bao nhiêu công đức của chúng ta vừa mới tạo nên được đem ứng dụng trên tinh thần tự lợi lợi tha xứng đáng. Làm được như thế, tức là chúng ta hồi hướng.

Đức Phật Thích Ca là vị Giáo chủ cõi ngũ trược ác thế chỉ cách đưa chúng sinh ra khỏi cõi Ta bà đau khổ. Còn Đức Phật A Di Đà là vị Giáo chủ cõi Tây phương thế giới đón chờ tiếp dẫn chúng sinh về cõi Cực lạc an vui. Tất cả lòng từ bi của hai Ngài đã bộc lộ rõ ràng cho chúng sinh thấy trong công hạnh độ sinh tợ như một ông cha hùng dũng hy sinh vào nhà lửa để kêu gọi, dẫn dắt bầy con ngây dại ham chơi và một bà mẹ hiền từ thắt lòng héo ruột đang đứng chờ ở ngoài cửa để tiếp độ đám con ấy. Nhưng than ôi! Chúng sinh ham chơi quá, mê nghịch ngợm quá! Nhiều khi chúng trở lại xua tay phỉ báng lời cha, không thèm đoái hoài đến mẹ. Nhà gần cháy hết, thân chúng cũng sắp tàn, sức chúng hầu kiệt. Thế mà chúng còn kháng cự, khinh lờn, lý thuyết và cậy mình để chờ hảo hoạn thiêu thân.

Thế mà lòng từ bi của Đức Phật vẫn không giảm. Với cái sức nhiếp thọ mạnh mẽ của Ngài, nếu chúng sinh thật lòng tín, nguyện và hành, thì không bao giờ bị bỏ rơi.

May mắn thay! Trong đám chúng sinh ham chơi quá, mê nghịch ngợm quá, lại còn có đám Phật tử chúng ta: Kẻ xuất gia và người tại gia biết vâng lời ông cha giáo hóa (Đức Thích Ca) và bà mẹ tiếp dẫn (Đức A Di Đà). Hằng ngày chúng ta vừa ráng sức mình ngăn ngừa các việc ác, lại rộng làm các điều lành, ấy là chúng ta dùng tự lực mà tu. Đồng thời chúng ta lại chuyên niệm danh hiệu Phật không ngớt. Ấy là chúng ta biết dung hòa Tự lực và Tha lực, biết phối hợp sức mình với sức Phật lại để mà tu. Sự học đạo và hành đạo của chúng ta rõ ràng là phải đường lối. Vậy cứ y theo chiều hướng ấy mà phấn khởi tu hành càng ngày càng thêm tinh tấn để gây tạo một cái đà có suc lớn, có trớn mạnh đưa chúng ta thẳng thắn một nước về Tây phương Cực lạc thế giới lúc lâm chung để nghe Đức A Di Đà thuyết pháp “Vô sanh” chứng ngôi “Bất thối” hầu có làm Phật kiếp vị lai.

Nam mô A Di Đà Phật



Từ Ngữ Phật Học Trong: Pháp Môn Dễ Chứng