Home > Khai Thị Phật Học > Kinh-Kim-Cang-Luoc-Giai
Kinh Kim Cang Lược Giải
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa


Bài Thứ 1

Đề mục kinh có tám chữ: “Kim Cang Bát Nhã Ba la mật kinh”; gọi tắt là kinh Kim Cang”

KINH: Kinh điển hay giáo lý, do Phật Phật hoặc Bồ Tát nói ra. Chữ “Kinh” có nhiều nghĩa, nhưng tóm lại có ba nghĩa như sau:

1. Đường canh (nghĩa đen): Sợi chỉ xuôi trong tấm vải. Nhờ sợi chỉ xuôi xâu kết các sợi chỉ ngang, để làm thành một tấm vải. “Kinh” cũng có nghĩa là sự tổng hợp ghi chép lại các lời nói của Phật hoặc thánh hiền.

2. Thường: Không thay đổi. Chơn lý của Phật không thay đổi; dù Phật quá khứ, hiện tại hay vị lai cũng đều nói chơn lý như vậy.

3. Hợp (Khế): Kinh của Phật “hợp với chơn lý của vũ trụ” và ” hợp với căn cơ trình độ của chúng sanh”. Cũng một bộ kinh, mà tuỳ theo trình độ của mỗi người, kẻ hiểu cao, người hiểu thấp. Tuy sự hiểu ngộ có cao thấp không đồng, mà cứ như lý tu hành thì đều được khỏi khổ luân hồi, không xót một người nào. Kinh Phật có những đặc điểm như thế, nên gọi là “Khế kinh”

KIM CANG: Chữ “Cang”, người Nam đọc là “cang”, người Bắc đọc là “cương”. Có hai nghĩa:

1. Ngọc Kim cương: Thuộc về loại khoáng vật rất quí giá. Tánh nó rất cứng và rất bén, đã không bị các vật phá hoại, trái lại còn phá hoại các vật.

2. Kim Cang: chất cứng rắn trong loại kim khí, tức là “thép”, cũng thuộc về loại khoáng vật. Tánh nó cũng rất cứng bén, và cụng không bị các vật phá hoại, trái lại còn phá hoại các vật, như khoan sắt, đục đá v.v…dao búa nhờ có thép mới bén.

Chất “cứng rắn” của “ngọc Kim cương” hay của “thép”, đã saün có từ hồi nào đến giờ, không phải do rèn luyện mới có, hay nhờ các vật bên ngoài tạo thành.

Phật dùng “ngọc kim cương” hay “chất thép cứng”, để thí dụ “trí huệ Bát Nhã” rất quí báu và saün có trong mọi người (tức là tánh Phật sáng suốt của mỗi chúng sanh).

Trí huệ Bát Nhã, không phải do tu mới có, hay nhờ các duyên bên ngoài luyện tập mới thành. Nó có saün trong mỗi chúng sanh từ vô thỉ đến nay. Dù ở địa vị phàm phu nó cũng không giảm, hay chúng quả Thánh nó cũng không thêm. Nó đã không bị các vô minh phiền não tàn phá, trái lại còn phá tiêu tất cả vô minh phiền não từ vô thỉ đến nay. Nó phá một cách rốt ráo và dễ dàng, nhu gió thổi mây bay, mặt trời chiếu sương mù tan. Bởi thế nr6n gọi là “Bát Nhã Ba La mật” Trí huệ rốt ráo.

BÁT NHÃ: Dịch âm của chữ Phạn “Prajnà”. Vì Trung hoa không có chữ dịch cho cân xứng nên chỉ dịch nguyên âm là “Bát Nhã”.

Bát Nhã có nhiều nghĩa sâu xa, nhưng tóm lại có sau nghĩa:

1. Viễn ly: xa lìa các vô minh, phiền não vọng chấp;

2. Minh: Sáng, không mờ tối

3. Huệ: Sáng tỏ

4. Thanh tịnh: trong sạch không nhiễm ô

5. Trí: Thông suốt

6. Trí huệ: Sáng tỏ thông suốt

Bát Nhã có nhiều nghĩa như vậy, nếu lấy một nghĩa thì không được đúng lắm, nên các nhà dịch chỉ để nguyên âm chữ Phạn (Bát Nhã).

Tuy nhiên, trong 6 nghĩa trên đây, nếu đem so sánh và cân nhắc, thì có thể dùng tạm nghĩa”trí huệ”; vì nghĩa “trí huệ” có phần rõ ràng và xác đáng hơn hết.

Nhưng cần phải chọn lọc thật kỹ, bỏ ra các thứ Trí huệ sau đây, mới đúng với nghĩa chữ “Bát Nhã”:

1. Trí huệ thế gian: Trong thế gian, những người học rộng thấy xa, thông minh lanh lợi, khôn khéo lịch duyệt, hay giỏi mọi phương diện, thiên hạ gọi đó là người “trí huệ”. Nhưng trí huệ đó là trí huệ của thế tục phàm phu, chứ không phải là “trí huệ Bát Nhã”.

2. Trí huệ ngoại đạo: Chúng ngoại đạo tu thiền định (xem bài “Thiền định” trong bản đồ tu Phật) lâu ngày cũng có trí huệ, biết được quá khứ vị lai, thần thông biến hoá vô cùng, nhiều pháp kỳ lạ. Nhưng trí huệ đó là tà trí huệ, chứ không phải là “trí huệ Bát Nhã”.

3. trí huệ Nhị thừa: Hàng Thoinh văn và Duyên giác, do tu pháp Tứ đế và Thập Nhị Nhơn duyên mà đặng đạo quả. Các vị này đã khỏi sanh tử luân hồi, thần thông tự tại và có trí huệ biết được việc quá khứ, hiện tại và vị lai. Nhưng trí huệ đó thuộc về Tiểu thừa trí huệ, chỉ thấy về “ngã không chơn như”(thiên không), chớ chưa thấy được “pháp không chơn như”, nên cũng không phải trí huệ Bát Nhã.

Trừ ba loại trí huệ trên đây, duy chỉ có trí huệ Phật hay của Đại thừa Bồ Tát, mới phải là trí huệ Bát Nhã.

Công dụng cũa trí huệ Bát Nhã, như mặt nhựt chiếu phá các mây mù vô minh vọng chấp: ngã, pháp, bốn tướng (ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả), có, không, chẳng phải có, chẳng phải không v.v…Bởi thế nên Trí huệ Bát Nhã chiếu soi các pháp, thì pháp nào cũng bỏ hình tướng giả dối, mà hiện ra tướng chơn thật. Tướng chơn thật của các pháp đã hiện, tức là chơn tâm, chơn như hay chơn lý của vũ trụ hiện ra vậy.

Trí huệ Bát Nhã, có công năng như chiếc thuyền đưa chúng sanh một cách rốt ráo, từ bên này bờ mê muội triền phược của phàm phu, đến bên kia bờ giác ngộ giải thoát của chư Phật, nên cổ nhơn cũng gọi là “thuyền Bát Nhã”.

Muốn phân biệt trí huệ Bát Nhã khác với trí huệ của phàm phu, ngoại đạo và Tiểu thừa, thì chúng ta nên dịch nghĩa chữ “Bát Nhã” như sau:

1. Trí huệ Phật

2. Trí huệ rốt ráo (Bát Nhã Ba La mật)

3. Trí huệ Bát Nhã (dùng cả chữ Phạn và chữ hán)

BA LA MẬT: “ba la mật” hoặc “ba la mật đa” là dịch âm của chữ Phạn “Paramita”. Có hai nghĩa:

1. Đáo bỉ ngạn: Đến bờ bên kia. Trí huệ Bát Nhã có công năng đưa chúng sanh từ bờ triền phược mê muội của phàm phu bêb này, mà qua đến bờ giác ngộ giải thoát của chư Phật bên kia, nên gọi là “Bát Nhã Ba la mật”.

2. Cứu kính viên mãn: hoàn toàn rốt ráo. Theo tục ngữ ở Ấn Độ, phàm làm việc gì, khi đã được hoàn toàn viên mãn, thì gọi là “Ba la mật”. Trí huệ Bát Nhã là loại trí huệ đã rốt ráo viên mãn, nên gọi là “Bát Nhã Ba la mật”.

Tóm lại, “Kim Cang Bát Nhã Ba la mật kinh” là kinh nói về “Trí huệ Phật”(Bát Nhã), loại Trí huệ đã rốt ráo viên mãn (ba la mật). Trí huệ này có công năng đưa hành giả từ bến mê muội triền phược của chúng sanh, sang bờ giác ngộ giải thoát của chư Phật (đáo bỉ ngạn).

Trí huệ Phật (Bát Nhã) rất quý báu (như ngọc kim cương), vừa cứng rắn và sắc bén (như thép), có thể phá tiêu núi vô minh vọng chấp (ngã, pháp hay bốn tướng) và đốn tận gốc rừng phiền não nghiệp chướng, từ vô lượng kiếp đến nay, mà không bị hư tổn; cũng như ngọc kim cương hay chất thép, có thể đục chẻ các loại rất cứng, như sắt, đá v.v…mà không bị hư hoại.

Phật nói kinh “Đại Bát Nhã” tại 4 chỗ, 16 hội gồm 600 quyển, trong 22 năm mới xong (nhị thp nhị niên Bát Nhã đàm). Tóm tắt lại kinh Đại Bát Nhã là “kinh Kim cann Bát Nhã Ba la mật”.

NÓI VỀ DANH, TƯỚNG, THỂ, DỤNG VÀ TÔN CHÆ CỦA KINH NÀY:

Danh: Kinh này lấy “thí dụ” (Kim Cang) và “pháp” (Bát Nhã Ba la mật) mà đặt tên.Tướng: Kinh này lấy “Đại thừa” làm giáo tướng.

Thể: Kinh này lấy “Thật tướng” làm thể.

Dụng: Công dụng của kinh này là phá các chấp tướng (Ngã, pháp) đoạn hết các vô minh mê hoặc.

Tôn chỉ: Kinh này lấy “Vô trụ”(không trụ chấp nơi nào) làm tôn chỉ.

KẾT LUẬN

Mới đọc đến đề mục kinh, chúng ta đã thấy thích thú lắm rồi! Đề mục kinh chỉ có tám chữ, mà đã nói lên được rõ ràng nội dung và tôn chỉ của kinh: Phật dạy tất cả chúng sanh đều saün có Trí huệ Bát Nhã (Trí huệ Phật) từ vô thỉ đến nay. Trí huệ Bát Nhã (Phật tánh sáng suốt hay khả năng thành Phật) rất là quý báu và cứng bén, như ngọc Kim cương hay chất thép. Trí huệ Bát Nhã có saün từ vô thỉ đến nay, đã không bị cái gì làm hư hoại; trái lại, còn phá tiêu núi Ngã tướng, Nhơn tướng, chúng sanh tướng và Thọ giả tướng, hay núi Ngã chấp, pháp chấp; nói tổng quát là phá các vô minh vọng chấp từ vô thỉ đến nay. Nó phá một cách hoàn toàn rốt ráo (Ba la mật) và dễ dàng, như mặt trời chiếu sương tan, gió thổi mây bay.

Trí huệ Bát Nhã có công năng như chiếc thuyền, đưa hành giả từ bêb này bến vô minh mê muôi của chúng sanh, vượt qua khỏi sông mê bể khổ, đến bờ bên kia Giác ngộ giải thoát của chư Phật, tức là “Đáo bỉ ngạn” (Ba la mật). Bởi thế nên Cổ nhơn gọi là “Thuyền Bát Nhã”.

Chúng ta đã saün có “Trí huệ Bát Nhã” hay “Trí huệ Phật”, thì thế nào chúng ta cũng sẽ thành Phật.

TÊN DỊCH GIẢ

Đức Phật Thích ca Mâu ni nói kinh này tại tịnh xá của ông Trưởng giả Cấp Cô Độc trong vườn của Thái tử Kỳ Đà, ở nước Xá Vệ.

Ngài A Nan kiết tập. Ngài Tam Tạng Pháp sư tên Cưu Ma La thập dịch từ văn Phạn (Ấn Độ) qua văn Trung hoa.

TAM TẠNG PHÁP SƯ: Tam Tạng là ba kho tàng; vì có công năng trùm chứa văn bghĩa của Phật pháp, nên gọi là “Tàng”.

1. Kinh tạng: chép những lời Phật dạy hoặc những lời của các vị Bồ Tát nói ra, khi đã được Phật chứng nhận.

2. Luật tạng: chép những giới và luật (kỹ luật) trong 7 chúng (Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, sa di ni, Thức xoa và Ưu bà tắc, Ưu bà di).

3. Luận tạng: chép những lời nghị luận chánh tà, phân biệt chơn vọng của các vị Bồ Tát và chư Tổ.

Thầy giảng “kinh” thì gọi là “Pháp sư”

Thầy giảng “luật” thì gọi là “Luật sư”

Thầy giảng “luận” thì gọi là “Luận sư”

Ngài Cưu Ma La Thập, thông suốt cả ba tạng và giảng dạy cả Kinh, Luật, Luận, nên gọi Ngài là “Tam Tạng Pháp sư” (vị Pháp sư thông ba tạng).

CƯU MA LA THẬP (Kumàralabdha): Tên của một vị Pháp sư có danh tiếng lỗi lạc ở Ấn Độ; bên Trung hoa dịch nghĩa là “Đồng Thọ”, nghĩa là vị Pháp sư, tuổi tác thì “đồng niên”, mà tài đức lại “kỳ lão” (thọ).

Kinh này có nhiều bản dịch, nhưng bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập rất rõ ràng sáng suốt, nên được phổ biến nhiều hơn hết.

A. PHẦN TỰ

(PHẦN MỞ ĐẦU KINH BÁT NHÃ)

Tôi nghe như vầy: Một hôm, tại nước Xá Vệ, Phật và 1250 vị Đại Tỳ kheo, đều ở Tịnh xá Kỳ hoàn, trong vườn của ông Thái tử Kỳ Đà và ông Trưởng giả Cấp Cô Độc.

Sắp đến giờ ngọ trai, Phật và chúng tăng đều đắp y, mang bình bát vào thành Xá Vệ, theo thứ lớp khất thực.

Khất thực xong, Phât và chúng tăng đồng về Tịnh xá để thọ trai. Sau khi thọ trai xong, Phật xếp y, cất bình bát và rữa chân, rồi trải toạ cụ, ngồi yên tịnh.

LƯỢC GIẢI

Đây là những cử chỉ bình thường và rất đơn giản; nhưng đã tạo thành một bức tranh tuyệt diệu, nói lên được tinh thần “giải thoát vô trụ”, để mở màn cho Phật nói kinh Bát Nhã.

Chúng ta hãy định tâm, đọc kỹ lại một lần nữa, những câu sau này, thì chúng ta sẽ thấy bộc lộ rõ ràng tinh thần Bát Nhã (giải thoát vô trụ).

“Sắp đến giờ ngọ trai, Phật và chúng tăng

“đều đắp y, mang bình bát vào thành

“Xá Vệ, theo thứ lớp khất thực.

“Khất thực xong, Phât và chúng tăng

“đồng về Tịnh xá để thọ trai. Sau khi

“thọ trai xong, Phật xếp y, cất bình

“bát và rữa chân, rồi trải toạ cụ ngồi” yên tịnh.

Vì ngộ được tánh “Bát Nhã giải thoát”, trùm khắp trên muôn vật, nên Cổ nhơn có nói hai câu:

Thanh thanh tuý trúc, tổng thị Chơn như

Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã.

Dịch nghĩa:

Mướt mướt tre xanh, biểu lộ Chơn như.

Mởn mởn hoa vàng, trình bày Bát Nhã.

Ngài Thái hư pháp sư giảng:

“Phật nói kinh này để chỉ rõ trong mỗi chúng sanh đều saün đủ bản thể Kim Cang Bát Nhã. Cái diệu dụng của Kim Cang Bát Nhã là làm cho hành giả khi tu Lục độ vạn hạnh, mà không trụ chấp các tướng.

Người ngộ đưỡc Kim Cang Bát Nhã rồi thì đối với các pháp và mọi việc đều thông suốt vô ngại; những việc làm bình thường hằng ngày đều là Phật pháp, tạm bình thường đó cũng là Phật pháp cho đến đi, đứng, nằm, ngồi v.v…cũng đều là Phật pháp. Những việc thần thông biến hoá đều là diệu dụng vô thượng của chư phật đã đành, mà những nỗi mừng, vui, giận, ghét cũng là cái phương tiện hay khéo của phật pháp.

Trái lại, nếu người chưa nhập được “Kim Cang Bát Nhã”, dù có được thần thông biến hoá di sơn đảo hải đi nữa, thì cũng là tà thuật của yêu ma ngoại đạo, dù có thiền định muôm năm, cũng chỉ hưởng phước quả hữu lậu của cõi nhơn, thiên mà thôi; một mai nghiệp báo hết rồi, vẫn trở lại thọ khổ luân hồi trong lục đạo. Quí vị nên chín chắn nghĩ xét!

Kinh Kim Cang Bát Nhã, trong mỗi người đều saün đủ và khắp cả pháp giới. Nó không ở trong, không ở ngoài, không ở chính giữa và cũng không rời trong ngoài và chính giữa; không thể nghĩ bàn và cũng không trụ chấp được. Nếu người bền chí tu hành lâu dài, thì sẽ có ngày tự nhiên đốn ngộ. Trái lại, nếu người hướng ngoại tìm cầu, chấp rằng Phật có thần thông biến hoá v.v…phải có đủ như thế, mới phải là Phật. Những người chấp như thế, không thể phân biệt, giản trạch được thế nào là Phật pháp và thế nào là ngoại đạo. Than ôi! nếu sai một hào ly, thì cách xa ngàn dặm! Quí vị phải cẩn thận, rất cẩn thận!”


(KIM CANG GIẢNG LỤC)

GIẢI DANH TỪ

TÔI NGHE NHƯ VẦY: trong trí Độ Luận có chép: “Khi Đức Như Lai sắp nhập Niết bàn ông Ưu Ba Ly nói với A Nan rằng: Ông là người giưgìn “Pháp tạng” của Phật, ông phải bạch Phật những điều cần yếu về sau.

Ông Ưu Ba Ly và A Nan cùng nhau đến bạch Phật bốn điều:

1. Tất cả các kinh của Phật, mở đầu nên đề chữ gì?

2. Phật nhập diệt rồi lấy ai làm thầy?

3. Nương nơi đâu mà trụ?

4. Xá lợi và y bát của Phật, phân như thế nào?

Phật dạy:

1. Mở đầu các kinh, hãy để “Như thị ngã văn” (tôi nghe như vầy).

2. Ta nhập Niết bàn, các ông phải lấy “giới luật” làm thầy.

3. Các ông phải trụ nơi pháp “Tứ niệm xứ” (quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã).

4. Xá lợi của ta chia làm ba phần (một phần thờ tại nhơn gian, một phần thờ trên các cõi trời, một phần thờ dưới Long cung) còn y và bát truyền lại cho ông Ma Ha Ca Diếp.

TỲ KHEO: Tỳ kheo là dịch âm của tiếng Phạn, dịch nghĩa có ba:

1. Khất sĩ: Là kẻ đi xin: trên xin giáo pháp của Phật để nuôi thân, dưới xin vật thức để nuôi thân.

2. Phá ác: Phá trừ các việc tội ác.

3. Bố ma: Làm khủng bố các ma.

NGỌ TRAI: Phật độ cơm đúng giờ ngọ (12 giờ trưa) nên gọi là “ngọ trai”. Những thực phẩm cúng dường chư Tăng, trong giờ ngọ, thì gọi là “Trai Tăng”

Y: Y phục của chư tăng, tức là áo Cà sa. Y phục của chư Tăng bằng vải, có nhiều loại: Không điều (mạn y), năm điều, bảy điều và chín điều v.v…

BÌNH BÁT: Đồ đựng thức ăn của chư tăng, làm bằng sành v.v…lớn hay nhỏ tuỳ sức người dùng.

TOẠ CỤ: Tấm vải để lót vải ngồi của Phật hoặc chư Tăng.


Bài Thứ 2

PHẦN CHÁNH TÔN

1. Ông Tu Bồ Đề hỏi Phật hai câu quan trọng

2. Phật khen Ông Tu Bồ Đề và hứa sẽ khai thị

3. Phật dạy Bồ Tát hoá độ chúng sanh không nên chấp tướng

4. Phật dạy Bồ Tát bố thí không nên chấp tướng

5. Bố thí không chấp tướng, phước nhiều như mười phương hư không

6. Phật dạy an trụ chơn tâm.

1. ÔNG TU BỔ ĐỀ HỎI PHẬT HAI CÂU QUAN TRỌNG

Khi đó, ở trong đại chúng, ông Trưởng lão Tu Bồ Đề đứng dậy, vén tay áo bên hữu, gối quỳ xuống, chắp tay cung kính và bạch Phật rằng:

“Hy hữu thay Đức Thế Tôn! Ngài thường nhớ nghĩ và bảo hộ các vị bt. Ngài rất hay khéo dạy bảo các vị Bồ Tát .

Bạch Thế Tôn! Nếu có người phát tâm Bồ Đề muốn cầu quả Phật, thì:

Làm sao hàng phục vọng tâm?

Và làm sao an trụ chơn tâm?

LƯỢC GIẢI

Đoạn này, ông Trưởng lão Tu Bồ Đề hỏi Phật hai câu quan trọng, để mở đầu, phật nói kinh Bát Nhã.

“Hàng phục vọng tâm” và “an trụ chơn tâm” là vấn đề khó nhất. Nhưng nếu người phát tâm Bồ Đề, mà không “hàng phục được vọng tâm” và “an trụ chơn tâm” thì không bao giờ chứng đặng quả Phật.

Vậy “làm sao hàng phục vọng tâm?”

Và “làm sao an trụ chơn tâm?”

Đó là điều quan trọng, mà ông Trưởng lão Tu Bồ Đề, đã đại diện cho toàn thể đại chúng, đứng lên cung kính hỏi Phật.

Lãnh hội được diệu nghĩa của kinh này nên Ngài Xuyên Thiền sư có làm bài tụng rằng:

Nguyên văn (dịch âm):

Nễ hỷ ngã bất hỷ

Quân bi ngã bất bi

Nhạn tư phi hàn bắc

Yến ức cựu sào qui

Thu nguyệt xuân hoa vô hạn ý

Cá trung chỉ hứa tự gia tri

Dịch nghĩa

Người vui ta chẳng vui

Người buồn ta chẳng buồn

Nhạn bay về biển Bắc

Yến nhớ ổ trời Nam

Xuân hoa thu nguyệt vô cùng ý

Lãnh hội thế nào tự mình thôi (biết)

ĐẠI Ý

Bài này diễn tả lý Bát Nhã vô trụ

Hai câu đầu nói về “vô trụ vô chấp”. Ba câu sau tả canhvật thiên nhiên, như nhạn bay về biển Bắc; chim yến nhớ tổ bay về phương Nam, mùa xuân đến trăm hoa đua nở, mùa thu thì mặt trăng sáng tỏ.

Bức tranh tuyệt diệu của vũ trụ bao la, vô cùng ý tứ, biểu lộ “Bát Nhã chơn như”. Tự người ngộ lấy.

2. PHẬT KHEN ÔNG TU BỔ ĐỀ VÀ HỨA SẼ KHAI THỊ

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Lời ông vừa hỏi thật là quí lắm! vậy ông hãy chăm chú nghe, ta sẽ vì các ông chỉ dạy”.

Phật dạy tiếp: “Tu Bồ Đề! Nếu có người phát tâm Bồ Đề, muốn cầu quả Phật, thì như lời ta dạy đây mà “hàng phục vọng tâm” và “an trụ chơn tâm”.

LƯỢC GIẢI

Nhờ ông Tu Bồ Đề thưa thỉnh, mà Phật nói kinh Bát Nhã, để chỉ dạy cho chúng sanh tỏ ngộ: Tực mình có tánh “Bát Nhã” và phải tự trở về với tánh “Bát Nhã” của mình; nên phật khen câu hỏi của ông Tu Bồ Đề thật là quí lắm!

Nhưng ngộ nhập được lý “Bát Nhã”, không phải người vọng tâm loạn ý mà nhập được; phải người dọn mình sạch sẽ, thành tâm định ý, mới lãnh hội được, nên Phật dạy: “Phải chăm chú nghe”. Và Phật hứa sẽ dạy phương pháp “hàng phục vọng tâm và an trụ chơn tâm” như sau.

GIẢI DANH TỪ

Tâm Bồ Đề: Bồ Đề là dịch âm tiếng Phạn, dịch nghĩa là “Giác” tức là giác ngộ. Tâm Bồ Đề là tâm giác ngộ, sáng suốt; nói dễ hiểu ho7n là “tâm Phật” (Phật cũng dịch là Giác)

Người phát tâm Phật để cầu quả Phật, tâm Bồ Đề là “Nhơn Phật” quả Bồ Đề là “quả Phật”.

Tu Bồ Đề: Tên của một vị đệ tử phật. Trung hoa dịch có 3 nghĩa: 1. Thiện hiện (khéo thị hiện), 2. Thiện kiết (điềm lành), 3. Không sanh (ông ưa nhập “không định” và ngộ lý “chơn không” thứ nhứt).

Ông Tu Bồ Đề, bên trong thì ẩn hạnh bt, bên ngoài lại hiện tướng Thinh văn; địa vị cao, phước đức lớn, nên gọi là “Trưởng lão”.

Thế tôn: “Phật là một đấng mà tất cả chúng sanh trong thế gian và xuất thế gian đều tôn kính.

3. PHẬT DẠY bt ĐỘ SANH KHÔNG NÊN CHẤP TƯỚNG

phật dạy: “Tu Bồ Đề! các ông phải y như lời ta dạy đây, mà hàng phục vọng tâm của mình.

Tu Bồ Đề! Các vị Đại Bồ Tát phải độ tất cả các loại chúng sanh (như loài sanh trứng, loài sanh con, loài sanh chỗ ẩm thấp, loài hoá sanh, loài có sắc, loài có tưởng, loài chẳng phải không tưởng v.v…)đều được nhập Niết bàn. Bồ Tát tuy độ vô lượng vô số chúng sanh như vậy, nhưng không thấy có một chúng sanh nào được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy có mình độ và chúng sanh được độ, tức là Bồ Tát còn chấp bốn tướng (tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả) thì không phải là Bồ Tát”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dạy Bồ Tát độ sanh, phải dùng Trí huệ Bát Nhã, phá các vọng chấp ngã, nhơn v.v…đó là phương pháp “hàng phục vọng tâm”.

Bồ Tát muốn biết mình còn phiền não vọng chấp hay không, để diệt trừ, tất nhiên phải lao mình vào phiền não; nghĩa là phải nhập thế độ sanh, làm các Phật sự.

Phật dạy Bồ Tát khi nhập thế độ sanh làm các Phật sự, luôn luôn phải dùng Trí huệ Bát Nhã phá trừ các chấp ngã, chấp pháp, không còn thấy bốn tướng (ngã nhơn v.v….)thì phiền não vọng chấp không sanh. Đó là phương pháp “hàng phục vọng tâm”.

Nếu Bồ Tát vừa khởi vọng chấp: “có mình độ và người được độ v.v…”, tức là Bồ Tát còn ngã, nhơn, bỉ, thử, thì vô số phiền não đua nhau nổi lên như sóng. Cổ nhơn nói:

“Nhứt ba tài động, vạn ba tuỳ”.

Nghĩa là: Một lượng sóng vừa nhô lên, thì trăm ngàn lượng sóng liền theo đó mà nổi lên.

Nếu Bồ Tát còn vô minh phiền não vọng chấp nổi lên, thì không phải là Bồ Tát; vì chưa nhập được Trí huệ Bát Nhã.

Kinh Tứ thập nhị chương chép:

“Giáo pháp của ta: “Niệm” mà không trụ chấp nơi niệm, mới thật là “Niệm”. “Làm” mà không trụ chấp nơi làm, mới thật là “làm”. “Nói” mà không trụ chấp nơi làm, mới thật là “nói”. “Tu” mà không trụ chấp nơi làm, mới thật là “tu”. “Chứng” mà không trụ chấp nơi làm, mới thật là “chứng”.

Đó là tôn chỉ “vô trụ tướng” của kinh Bát Nhã.

GIẢI DANH TỪ

Tất cả chúng sanh chia làm 9 loại:

1. Loài sanh trứng (noãn sanh): như gà, vịt, chim, cò v.v…

2. Loài sanh con (thai sanh): như người, trâu, bò v.v…

3. Loài sanh nơi ẩm thấp (thấp sanh): như vi trùng, con oăn v.v…

4. Loài hoá sanh (hoá sanh): như cỏ mục hoá sanh đơm đớm v.v…

5. Loài có hình sắc(hữu sắc): như chúng sanh ở cõi Dục và cõi Sắc.

6. Loài không hình sắc (vô sắc): như chúng sanh ở cõi Vô sắc v.v…

7. Loài có tâm tưởng (hữu tưởng): như chúng sanh ở cõi trời hữu tưởng v.v…

8. Loài không tâm tưởng (vô tưởng): như chúng sanh ở cõi vô tưởng. Chúng sanh ở cõi Dục, tu định vô tưởng, được sanh về cõi trời Vô tưởng, hưởng thọ 500 kiếp, rồi vẫn trở lại trong vòng sanh tử luân hồi.

9. Loài chẳng phải có tưởng và chẳng phải không tưởng (phi hữu tưởng, phi vô tưởng): như chúng sanh ở cõi trời phi phi tưởng xứ, trong cõi Vô sắc. Chúng sanh ở cõi này, đồng với hư không, không có thân thể và thế giới. Họ chỉ có định không có huệ, thọ đến tám vạn kiếp, rồi trở lại đoạ về chỗ không vong.

BỐN TƯỚNG: Mỗi chúng sanh đều có bốn tướng: Như đối với người khác tự xưng “tôi” hay “ta”, là “ngã tướng”; Ta có nhơn cách là “nhơn tướng”; Ta thuộc loài hữu tình, sanh vật là “chúng sanh tướng”; Ta có thân mạng, sống trong một thời gian là “thọ giả tướng”.

Tóm lại, phàm chấp một tướng, tất nhiên chấp đủ bốn tướng:

Ngã tướng: chấp có “ta”

Nhơn tướng: chấp có “loài người”.

Chúng sanh tướng: chấp có chúng sanh.

Thọ giả tướng: chấp có mạng sống trong một thời gian

NIẾT BÀN: Dịch âm của tiếng Phạn “Nirvana”, dịch nghĩa là viên tịch: Viên mãn vắng lặng. Niết bàn có bốn loại:

1. Tánh tịnh Niết bàn.

2. Vô trụ xứ Niết bàn.

3. Hữu dư Niết bàn.

4. Vô dư Niết bàn.

(Xem đoạn Diệt đế trong quyển Tứ diệu đế).

4. PHẬT DẠY BỔ TÁT BỐ THÍ KHÔNG NÊN CHẤP TƯỚNG

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Bồ Tát khi tu pháp Bố thí, không nên trụ chấp các tướng; nghĩa là không nên trụ chấp tướng sáu trần là: sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát bố thí mà không chấp tướng bố thí, thì phước đức nhiều lắm, không thể nghĩ bàn”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn trên (đoạn 3), Phật dạy Bồ Tát khi độ sanh, phải dùng Trí huệ Bát Nhã phá trừ “ngã chấp”, tức là không chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả.

Đoạn này, Phật dạy Bồ Tát khi bố thí, cũng phải dùng Trí huệ Bát Nhã, phá trừ “pháp chấp”; nghĩa là không chấp tướng sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp. Đó là phương pháp “hàng phục vọng tâm”.

Bồ Tát làm Phật sự, như hoá độ chúng sanh hay bố thí v.v…mà tâm còn chấp ngã chấp pháp, tất nhiên tâm còn phiền não nhiễm ô mà làm các phật sự (phước thiện), thì các Phật sự đó cũng biến thành nhiễm ô; cũng như đem đồ nhơ bẩn mà đựng vật tinh khiết, thì vật tinh khiết trở thành nhơ bẩn, nên hành giả chỉ hưởng phước hữu lậu nhiễm ô; nghĩa là phước báu nhơn thiên ở thế gian, hưởng có thời hạn; như hư không bị cuộc hạn trong ly nhỏ.

Trái lại, khi làm các Phật sự, như bố thí v.v…nếu Bồ Tát dùng Trí huệ Bát Nhã, phá trừ chấp ngã, chấp pháp; nghĩa là không chấp mình là người bố thí, ban ơn (chấp ngã), kia là kẻ thọ thí, chịu ơn (chấp nhơn), đây là vật bố thí (chấp pháp), thí các phiền não nhiễm ô không sanh, tâm được thanh tịnh. Tân thanh tịnh tức là tâm Phật hay tâm chơn như, rộng rãi bao la, như mười phươnh hư không. Nếu đem tâm thanh tịnh mà bố thí, thì hành giả được phước vô lậu thanh tịnh, rộng lớn như hư không, không cùng tận. Cũng như một giọt nước tuy nhỏ (bố thí ít), nhưng được hoà vào biển cả (tâm tinh) thì cũng được biến khắp cả biển, rộng rãi bao la.

Bởi thế nên Phật dạy: Bồ Tát khi bố thí phải “tam luân không tịch”, nghĩa là không thấy (chấp) có mình ban ơn, kẻ chịu ơn và vật bố thí. Như thế mới gọi là “Bố thí Ba la mật” (Bố thí rốt ráo).

5. BỐ THÍ KHÔNG CHẤP TƯỚNG PHƯỚC NHIỀU NHƯ MƯỜI PHƯƠNG HƯ KHÔNG

Phật Hỏi: “Tu Bồ Đề! Hư không ở phương Đông có thể nghĩ bàn được không?”. Tu Bồ Đề thưa: “bạch Thế Tôn! không thể nghĩ bàn được”.

Phật hỏi tiếp: “Hư không phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương trên, phương dưới và bốn gốc, có thể nghĩ bàn được không?” Tu Bồ Đề thưa: “Bạch thế tôn! không thể nghĩ bàn được”.

“Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Bồ Tát bố thí, không trụ chấp các tướng, đặng phước đức cũng như mười phương hư không, nghĩa là nhiều lắm không thể nghĩ bàn”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này tiếp theo đoạn trên (đoạn 4), Phật dùng mười phương hư không, để thí dụ phước đức của người bố thí không chấp tướng.

Phật dạy, Bồ Tát không chấp tướng bố thí, hay nói cách khác là đúng như Trí huệ Bát Nhã mà làm việc bố thí, thì được phước đức vô lậu thanh tịnh và nhiều như mười phương hư không, không có cùng tận.

Thế nào là phước hữu lậu nhiễm ô, có cùng tận?

Và thế nào là phước vô lậu thanh tịnh, không cùng tận?

Chúng tôi xin dẫn một thí dụ làm điển hình, để giải thích vấn đề này:

Có hai gia đình nghèo khó, đồng gặp một hoàn cảnh như nhau, trong nhà đều có tai nạn. Cả hai đều đến hai nhà khá giả để mượn triền. Một nhà khá giả có tâm tham, thủ lợi, nên khi đưa của ra đòi có lời. Nhà khá giả thứ hai có tâm từ bi, thương người nghèo khổ lại gặp tai nạn, nên cho mượn không, chẳng nghĩ đến việc cảm ơn hay tiền lời.

Đúng kỳ hẹn, cà hai gia đình tai nạn đều đem số tiền trả cho hai người khá giả. Người khá giả tham lợi, nhận thêm số tiền lời chi tiêu ít ngày hết. Thế là hai bên không còn ơn ích gì nhau nữa cả. Người khá giả thứ hai, vì tâm nhơn từ giúp người không cầu danh lợi, nên được người khốn khó kia nhớ ơn và thương kinh mãi mãi.

Đến khi nước nhà bị giặc giã, cả hai nhà khá giả đều tản cư. Gia đình người tham lợi, tìm người giúp đỡ không ra; đến cậy anh vay tiền lúc trước cũng không được. Đây là dụ cho phước hữu lậu nhiễm ô (đem tân tham làm phước) có cùng tận.

Trái lại, gia đìng người nhơn từ, được người nghèo khó thọ ơn trước kia, tình nguyện hy sinh giúp đỡ mãi mãi không tính tiền công. Đây là dụ cho phước vô lậu thanh tịnh (đem tâm từ bi làm phước) không cùng tận.

Tóm lại, nếu hành giả đem tâm phiền não nhiễm ô (tham, sân, si v.v…) mà làm các Phật sự, thì chỉ hưởng phước ô trược hữu lậu của nhơn thiên, có cùng tận.

Trái lại, nếu hành giả đem tâm thanh tịnh (từ bi, Trí huệ, không cầu danh lợi v.v…) mà làm các Phật sự, thì hưởng phước vô lậu thanh tịnh của Phật, không cùng tận.

6. PHẬT DẠY AN TRỤ CHƠN TÂM

Tóm lại, Phật dạy: “Tu Bồ Đề! các vị Bồ Tát phải y như lời ta dạy đó mà an trụ chơn tâm”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật tóm kết lại hai đoạn trên, để trả lời câu hỏi của ông Tu Bồ Đề: “Làm sao an tru chơn tâm”.

Phật dạy: “Các vị Bồ Tát độ vô lượng vô biên chúng sanh đều được nhập Niết bàn, nhưng không thấy có một chúng sanh nào được độ”; và “Bồ Tát tu pháp bố thí, không nên trụ chấp các tướng như sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp”, nghĩa là Bồ Tát không chấp ngã (khi độ sanh) không chấp pháp (khi bố thí); đó là phương pháp “hàng phục vọng tâm” mà cũng là “an trụ chơn tâm”.

Nếu Bồ Tát độ sanhvà làm các Phật sự, mà còn khởi vọng tâm, chấp nơi các tướng (ngã, nhơn v.v…) thì các phiền não tham, sân, si đua nhau nổi lên. Nếu tham, sân, si đã nổi thì không sao khởi tạo nghiệp sanh tử luân hồi.

Trái lại, nếu Bồ Tát độ sanh hay làm các Phật sự, mà không khởi vọng tâm, chấp các tướng ngã, pháp v.v…thì các phiền não không sanh. Phiền não không sanh, thì không tạo nghiệp. Nghiệp không tạo thì không còn sanh tử luân hồi.

Tóm lại, Phật dạy: “Đừng trụ chấp một nơi nào”. Đó là phương pháp “hàng phục vọng tâm” và “an tru chơn tâm” của hàng Đại thừa Bồ Tát.

Ngài Long Tế Hoà thượng ngộ được lý “vô trụ” của kinh Bát Nhã, nên có làm bài tụng rằng:

Nguyên văn (dịch âm)

Tâm cảnh đốn tiêu dung

Phương minh sắc dữ không

Dục thức bổn lai thể

Thanh sơn bạch vân trung

Dịch nghĩa

Không còn chấp tâm và cảnh

Mới ngộ được lý sắc, không

Muốn biết bổn lai bản thể

Kìa, mây trắng với non xanh.

ĐẠI Ý

Muốn ngộ được lý “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, thì phải trừ các vọng chấp ngã (tâm) và pháp (cảnh). Muốn biết bản thể Bát Nhã chơn không, xưa nay như thế nào, thì cứ xem ” Kìa, mây trắng với non xanh”.


Bài Thứ 3

PHẦN CHÁNH TÔN

7. Không nên chấp: “Thấy thân tướng của Phật là thấy được Phật”.

8. Người tin được kinh này, là do đã trồng căn lành từ nhiều kiếp.

9. Người thọ trì kinh náy được công đức vô lượng

10. Giáo pháp của Phật cũng như chiếc thuyền đưa người qua bể khổ

11. Phật phá cái chấp “Như Lai có thành Phật và thuyết pháp”.

12. Phật pháp không có sai khác, do trình độ của chúng sanh mà thấy có sai khác

7. KHÔNG NÊN CHẤP: ”THẤY ĐƯỢC THÂN CỦA PHẬT LÀ THẤY ĐƯỢC PHẬT

Phật Hỏi: “Tu Bồ Đề! Ông có thể cho thấy cái thân tướng của ta đây là thấy được Như Lai chăng?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch thế Tôn! không thể cho thấy cái thân tướng của Ngài đó là thấy Như Lai. Tại sao vậy? Vì Như Lai nói: “Cái thân tướng này, không phải thật là thân tướng của Như Lai”.

Phật dạy tiếp: “Tu Bồ Đề! Phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu ông thấy các pháp (tướng) đều hư vọng, không thậ (phi tướng) tức là thấy được Như Lai (thật tướng các pháp).

LƯỢC GIẢI

Đoạn này, Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá trừ cái chấp: “Thấy sắc thân của Phật là thấy được Phật”. Đây là lần thứ nhứt, nói về việc thấy Phật.

Trên đường tu hành, phải có đủ cả Sự và Lý. Nhờ Sự tướng bên ngoài, mới ngộ được lý tánh bên trong; có ngộ Lý tánh bên trong, mới thấy rõ được Sự tướng bên ngoài.

Người chấp Lý mà bỏ Sự, cũng như người chỉ kể suông đủ các thức ăn caso lương mỹ vị, nhưng bụng vẫn đói. Người mê Sự mà bỏ Lý, cũng như trẻ con mê bánh vẽ.

Nhờ có tượng cốt giả, kinh giấy, tăng phàm v.v…là sự tướng bên ngoài, để giúp chúng ta nhớ lại tìm cầu Phật thiệt, Pháp thiệt và Tăng thiệt trong tự tâm của chúng ta.

Nếu bác bỏ Sự tướng bên ngoài là hư giả (không thờ Phật, tụng kinh v.v…) mà chỉ chấp suông về phần Lý tánh bên trong (Phật tức tâm), thì đức Phật nơi tâm ta cũng không làm sao biểu lộ ra được.

Chư Tổ dạy:

“Thật tế lý địa, bất thọ nhứt trần

phật sự muôn trung, bất xả nhứt pháp”.

Nghĩa là: Về Phật tâm thanh tịnh, thì không có một nảy trần. Nhưng về phần Sự tướng tu hành, thì không thể bỏ qua một pháp nào.

Trái lại, nếu chấp về Sự tướng (cầu Phật bên ngoài) mà không tìm Phật thiệt nơi tự tâm của mình, thì cũng không bao giờ thấy được Phật. Bởi thế nên phật dạy:

“Nếu người chấp: “thấy sắc thân của ta cho là thấy được Phật, nghe tiếng nói Pháp của ta cho là nghe được tiếng Phật”, thì người đó đã đi lạc về đường tà, không bao giờ thấy được Phật”.

(KINH KIM CANG)

Ngày xưa có hai vị Tỳ kheo, từ phương xa đến chiêm bái Phật. Đi đường xa hết nước, bị khát lâu ngày, vừa gặp ao nước có sinh trùng, một vị giữ giới không uống nên chết giữa đường; một vị uống nước được sống, đi đến ra mắt Phật.

Phật quở rằng: “Ông Tỳ kheo giữ giới kia tuy chết, nhưng ông vẫn sống và đã thấy ta rồi. Còn ông không giữ giới tuy sống, ở sát bên ta, nhưng thật ra ông đã chết và cách ta ngàn dặm”.

Tại sao, vị Tỳ kheo giữ giới bị chết giữa đường không thấy Phật, mà Phật lại cho “đã thấy được ta rồi”; trái lại, vị Tỳ kheo không giữ giới còn sống ở bên Phật thấy được Phật, mà Phật lại cho là “cách Phật ngàn dặm?”.

Cho biết, thấy cái sắc thân có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp bên ngoài của Phật, chưa phải là thấy được phật; phải thấy “Phật tâm thanh tịnh” hay “pháp thân Phật” mới thật là thấy Phật.

Song le, đa số chúng sanh, chỉ rong ruổi chạy theo giả tướng, tìm ohật bên ngoài, mà không biết xoay trở lại tìm đức Phật thiệt trong tâm của mình. Bởi thế nên cổ nhơn quở: “Phật trong nhà không thờ, mà thờ đức Phật Thích Ca ngoài đường” là vậy.

Vì phá cái mê lầm này, nên Tổ Đơn Hà đốt một vị Phật gỗ (Phật giả). Có người hỏi ngài: “đốt để làm gì?”. Ngài trả lời: “đốt để tìm xa lợi” (tìm Phật thiệt). Ông chủ chùa thấy vậy sợ khủng khiếp, nên rụng hết râu mày; vì huỷ kinh đốt Phật là tội rất nặng.

Vì sự kiện này, nên cổ nhơn có lám bài kệ:

Nguyên văn (dịch âm):

Đơn Hà thiêu mộc Phật

Viện chủ lạc tu mi

Nhứt trường kỳ đặc sự

Thiên hạ thiểu nhơn tri

Dịch nghĩa:

Tổ Đơn Hà đốt Phật gỗ

Ngài viện chủ rụng râu mày

Một trường hợp rất đặc biệt

Trong thiên hạ ít người biết.

Trọng tâm trong đoạn văn này là hai chữ “thấy Phật”. Phật Hỏi: “Ông có thể cho thấy cái thân tướng của ta đây là thấy được Như Lai chăng?” Ngài Tu Bồ Đề Đáp: “Không thể cho thấy cái thân tướng của Phật là thấy Phật”.

Phật dạy tiếp: “Phàm cái gì có hìng tướng đều là hư vọng”, (phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng). Sắc thân của Phật do tứ đại giả hợp, có hình tướng nên cũng là hư vọng. Bởi thế nên thấy sắc thân của phật, chưa phải là thấy được Phật.

Vậy thì thấy cái gì mới thấy được Phật?

Phật dạy tiếp: “Nếu ông thấy các pháp (tướng) đều là hư vọng, tức là thấy được Như Lai (thật tướng các pháp).

Ngài thái Hư Pháp sư giảng:

Đoạn này không những nói sắc thân của Phật là hư vọng, mà tất cả các hình tướng, như thế giới chúng sanh v.v…cũng đều hư vọng, như hoa trong gương, như trăng duới nước, không có chơn thật. Nếu người rõ thấu được các tướng đều hư vọng như vậy, tức là đã thấy được “pháp thân của Như Lai”, tức là rõ thấu được “tướng chân thật của các pháp”, cũng tức là “Trí huệ vô thượng”, và cũng tức là “Kim Cang Bát Nhã diệu tâm”.

(KIM CANG GIẢNG LỤC)

Tóm lại, đoạn kinh nầy, Phật dùng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã, phá trừ vọng chấp: “Thấy sắc thân có 32 tướng tốt, và 80 vẻ đẹp bên ngoài của Phật, rồi chấp là thấy được Phật”, mà quên xoay trở lại, tự tìm cấu đức Phật thiệt trong tự tâm của minh.

8. NGƯỜI TIN ĐƯỢC KINH NÀY, DO ĐÃ TRỔNG CĂN LÀNH TỪ NHIỀU KIẾP

Ông Tu Bồ Đề hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! chúng sanh nghe đến kinh này, chẳng biết có tin được không?”.

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Ông chớ nên lo như vậy. Không những hiện tại mà cả vị lai đều có người nghe và tin được kinh này. Sau 500 năm, khi Như Lai nhập diệt, nếu có người xuất gia (trì giới) hoặc tại gia (tu phước) nghe đến kinh này, mà sanh lòng tin thọ, thì biết người này đã trồng căn lành (đã tu), không phải mới bốn năm đời Phật, mà đã nhiều kiếp tu hành, từ vô lượng vô số chư Phật đến nay

LƯỢC GIẢI

Ông Tu Bồ Đề hỏi Phật: “Không biết chúng sanh nghe đến kinh này, có tin được không?”. Đây là lần thứ nhứt hỏi về việc tin thọ.

Phật vì những hàng Đại thừa Bồ Tát, nói kinh Kim Cang Bát Nhã, dạy các vị Bồ Tát, dùng Trí huệ Bát Nhã, phá trừ các vô minh vọng chấp ngã, pháp, để trở vềvới bản tâm thanh tịnh là tánh Bát Nhã chơn không, vô trụ vô tướng.

Ông Tu Bồ Đề lo ngại cho chúng sanh căn cơ thấp kém, sợ e không hiểu và không tin, nên ông hỏi Phật: “Không biết chúng sanh nghe đến kinh này, có tin được không?”.

Đại ý, Phật dạy: không những hiện tại ở đời Chánh pháp, có chúng sanh hiểu và tin được kinh này, mà vị lai, sau khi Phật nhập diệt 500 năm, trong đời Tượng pháp hoặc Mạt pháp, cũng có chúng sanh hiểu và tin được kinh này. Nhưng, những chúng sanh đời Tượng pháp hoặc Mạt pháp tin được kinh này, là do họ đã nhiều kiếp có tu hành, trồng căn lành từ vô lượng đức Phật về trước (như Ngài Huệ Năng chỉ nghe một câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh này mà được tỏ ngộ), chứ không phải mới tu từ bốn năm đời đức Phật trở lại đây.

9. NGƯỜI THỌ TRÌ KINH NẦY CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG

Phật dạy tiếp: “Tu Bồ Đề! Như Lai thấy rõ ràng và biết chắc chắn: Nếu có chúng sanh nào nghe đến kinh này, sanh tâm tin thọ, cho đến trong thời gian rất ngắn, chỉ nhứt niệm, thì chúng sanh đó sẽ được phước đức vô lượng vô biên.

Tại sao vậy” Vì chúng sanh này không còn chấp tướng ngã tướng nhơn, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tướng phải pháp và tướng không phai pháp”.

LƯỢC GIẢI

Phật khuyên người tin và thật hành theo kinh này, sẽ được công đức vô lượng. Đây là lần khuyên thứ nhứt.

Người có cái khiếu về âm nhạc, mới nhận được cái hay và ưa thích về âm nhạc. Người có cái khiếu về hội hoạ mới thấy được cái đẹp và ưa thích về hội hoạ. Người có cái khiếu về văn chương mới thấy cái hay và ưa thích về văn chương.

Cũng thế, người có cái khiếu về Bát Nhã, hay nói theo danh từ Duy thức là “hạt giống Bát Nhã”, mới hiểu và tin được kinh Bát Nhã.

Người đã có hạt giống Bát Nhã, tất nhiên không còn chấp các tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, tướng phải pháp (Phật pháp) và tướng không phải pháp (tà pháp). Người này đuợc nghe thêm kinh Bát Nhã làm cho hạt giống Bát Nhã của mình được sanh trưởng, sẽ mau đặng quả Bồ Đề. Bởi thế nên phật dạy: ” ta thấy rõ ràng và biết chắc chắn: chúng sanh nào nghe hiểu và tin được kinh này, thì sẽ được phước đức vô lượng vô biên”.

10. GIÁO PHÁP CỦA PHẬT CŨNG NHƯ CHIẾC THUYỀN ĐƯA NGƯỜI QUA BỂ KHỔ

Phật dạy: “Nếu các ông còn chấp các tướng, hoặc chấp “tướng chánh pháp” hay chấp “tướng phi chánh pháp” thì cũng đều bị dính mắc nơi bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả. Bởi thế nên khôngđược chấp “tướng chánh pháp” hay chấp “tướng phhi chánh pháp”.

Cũng vì lẽ đó, nên Như Lai thường dạy: “Các thầy Tỳ kheo phải biết: giáo pháp của ta cũng như chiếc đò, đưa người qua sông; các ông không nên trụ chấp nơi giáo pháp.

“Chánh pháp” còn không nên trụ chấp huống chi là “phi pháp”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã, phá trừ cái chấp “chánh pháp” và chấp “phi chánh pháp”.

Phật dạy hành giả, không nên chấp một tướng gì cả; dù là “chánh pháp” (hay Phật pháp) cũng không được chấp. Nếu còn trụ chấp, bất luận một tướng gì, thì cũng đếu bị mắc vào bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả, hay nói gọn hơn là mắc vào tướng ngã, pháp. Nếu còn chấp ngã, pháp thì phiền não vọng chấp đua nhau sanh khởi. Phiền não vọng chấp sanh khởi, thì hành giả không thể hàng phục được vọng tâm và an trụ chơn tâm.

Bởi thế nên Phật dạy: ” Giáo pháp của Phật cũng như chiếc đò đưa người qua sông”. Khi đến bờ rồi hành giả phải bỏ chiếc đò, mà lên bờ. Trái lại, nếu hành giả cứ khư khư chấp giữ chiếc đò, thì không bao giờ lên bờ được. Người tu hành cũng thế, phải bỏ cái “chấp”, mới lên bờ giải thoát được.

Trong kinh Viên giác chép: ”Tất cả kinh giáo của Phật, cũng như ngón tay để chỉ mặt trăng. Người xem, phải nương ngón tay mới thấy được mặt trăng. Nhưng nếu chấp ngón tay (chỉ xem ngón tay) thì không bao giờ thấy được mặt trăng”.

Tóm lại, Phật dạy: ”chánh pháp” (Phật pháp) còn không nên chấp, huống chi là “phi pháp”.

Ngài Xuyên Thiền sư ngộ được lý vô trước của kinh Bát Nhã, nên làm bài kệ rằng:

Nguyên văn (dịch âm):

Đắc thọ phàn chi mạt túc kỳ

Huiyền nhai tán thủ trượng phu nhi

Thuỷ hàn dạ lãnh ngư nan mích

Lưu đắc không thuyền tải nguyệt qui.

Dịch nghĩa:

Niu nhánh chuyền cây chẳng phải tài

Dốc đứng buông tay mới trượng phu

Gió lạnh đêm khuya câu chẳng có

Thuyền không chỉ chở bóng trăng thanh.

ĐẠI Ý

Câu thứ nhứt, nói về tiệm tu, phải lần hồi, còn chấp trụ nơi danh tướng; cũng như người đi mà níu nhánh vịn cây, thì không có gì hay cả.

Câu thứ hai, nói về đốn tu, không trụ chấp các tướng; cũng như người đi lên dốc ngược, mà không níu vịn đâu hết, mới là bực đại tài.

Câu thứ ba, nói về tâm cảnh đều vắng lặng, cũng như canh khuya thanh vắng, bầu trời yên lặng, mặt nước phẳng lặng như tờ, cá chim cũng đều lặng nghỉ, không hoạt động.

Câu thứ tư, nói về khi các vọng chấp các tướng ngã, pháp đã hết, thì chỉ còn ánh Trí huệ Bát Nhã chơn không; cũng như chiếc thuyền không (không chấp) chỉ chở bóng trăng thanh (Trí huệ Bát Nhã).

11. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “NHƯ LAI CÓ THÀNH PHẬT VÀ THUYẾT PHÁP” [^]

phật hỏi ông Tu Bồ Đề: ”Như Lai có thành Phật không? Và Như Lai có thuyết pháp không?”.

Tu Bồ Đề thưa: ”Bạch Thế Tôn! Như Lai không thành Phật và Như Lai cũng không thuyết pháp. Tại sao vậy? Vì pháp của Như Lai, không thể chấp thủ, nói năng không trúng, suy nghĩ chẳng nhằm, không phải chánh pháp, mà cũng không phải phi pháp.

Như thế thì làm sao, có cái gì quyết định là “thành Phật”, và có cái gì quyết định là “nói pháp”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá trừ cái chấp “Như Lai thật có thành Phật, và thật có nói pháp”.

Trong Duy thức Tam thập tụng có chép:

Hiện tiền lập thiểu vật

Vị thị Duy thức tánh

Dĩ hữu sở đắc cố

Phi thật trụ Duy thức

Nghĩa là: nếu hành giả hiện tiền còn phần nào chấp mình có chứng Duy thức tánh, thì chưa phải thật chứng Duy thức tánh, vì còn vọng chấp có “sở đắc” vậy.

Nếu Như Lai có thành Phật, tất nhiên phải có chúng sanh chưa thành Phật, thế thì bốn tướng: ngã, nhơn v.v….đua nhau sanh khởi. Nếu còn ngã, nhơn v.v…thì không phải là Phật.

Nếu Như Lai có nói pháp, tất nhiên phải có chúng sanh nghe pháp. Nếu còn có kẻ nói người nghe, tức nhiên còn nhơn, ngã, bỉ, thứ. Nếu còn ngã, nhơn thì không phải là thuyết Phật pháp. Bởi thế, nên Phật thuyết pháp 49 năm, mà rốt cuộc Phật nói: ”Ta không nói một chữ”.

Đức Lão Tử nói: ”Cái “đạo” mà có thể nói được, thì không phải thật là đạo. Cái “tên? mà có thể kêu gọi được, thì không phải thật là “tên” (Đạo khả đạo, phi thường đạo giả, danh khả danh, phi thường danh).

Kinh chép: ”Một hôm, ông Tu Bồ Đề ngồi yên lặng dưới gốc cây. Trời Đế Thích đến rưới hoa cúng dường. Ô ng Tu Bồ Đề Hỏi: ”Ai rãi hoa và rãi hoa để làm gì?”. Trời Đế Thích thưa: ”Ngài nói kinh Bát Nhã hay quá! Con đến rãi hoa cúng dường”. Ông Tu Bồ Đề nói: ”Ta không nói kinh Bát Nhã”. Trời Đế Thích thưa: ”Ngài không nói, con không nghe”.

Kết luận: ”Không nói Bát Nhã và không nghe Bát Nhã”, như thế mới thật là “nói Bát Nhã và nghe Bát Nhã”.

Ông Tu Bồ Đề đã hiểu: ”Phật pháp” không thể nghĩ bàn, không thể chấp thủ, chẳng phải “có”, chẳng phải “không”, không phải “chánh pháp” và cũng không phải “phi chánh pháp”; nên bạch Phật rằng: ”Như Lai không thành Phật và Như Lai cũng không thuyết pháp”.

Tóm lại, phải rời các vọng chấp, không còn dụng tâm suy nghĩ và lời nói luận bàn, mới thật là “thành Phật” và “thuyết pháp”.

12. PHẬT PHÁP KHÔNG CÓ SAI KHÁC, DO TRÌNH ĐỘ CỦA CHÚNG SANH MÀ THẤY CÓ SAI KHÁC

Ông Tu Bồ Đề bạch Phật: ”Phật pháp đã như thế, tại sao lại có các quả thánh hiền cao thấp khác nhau?”. Phật dạy: ”Vì trình độ của chúng sanh có sai khác, nên có các quả thánh hiền sai khác, chứ không phải Phật pháp (vô vi) có sai khác”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn nầy phá cái chấp “Phật pháp có sai khác”.

Đoạn trên đã nói: ”Pháp của Như Lai, không thể chấp thủ, nói năng không trúng, suy nghĩ chẳng nhằm, không phải chánh pháp và cũng không phải phi pháp” . phật pháp đã cao siêu như vậy, vượt ra ngoài nói năng và suy nghĩ, tại sao lại có các quả thánh hiền cao thấp khác nhau?

Phật giải thích: ”Vì trình độ của chúng sanh có sai khác, nên có các quả thánh hiền sai khác, chứ không phải Phật pháp có sai khác”

Trong kinh thường thí dụ: ”Như ba con thú qua sông”. Nghĩa là Phật pháp như con sông, không cạn không sâu. Hành giả như ba con thú lội qua sông: Con Dê thì lội ngập đầu (dụ cho Tiểu thừa); con Nai thì lội ngập cổ (dụ cho Trung thừa); con Voi thì lội ngập ống chân (dụ cho Đại thừa).

Phật pháp cao siêu huyền diệu, không thể nói năng và luận bàn, nên Ngài Xuyên Thiền sư có làm bài tụng rằng:

Nguyên văn (dịch âm):

Hư không cảnh giới khởi tư lương

Đại đạo thanh u lý cánh trường

Đản đắc ngũ hồ phong nguyệt tại

Xuân lai y cựu bách hoa hương.

Dịch nghĩa:

Hư không rộng rãi lớn bao la

Lý đạo lại càng quá thẩm xa

Trăng, gió, nước hồ thường tự tại

Chào xuân đua nở trăm nghìn hoa.

ĐẠI Ý

Hư không đã rộng lớn bao la không thể nghĩ bàn, Phật pháp lại càng cao siêu huyền diệu rộng lớn hơn hư không. Cảnh vật thiên nhiên của vũ trụ, như trăng thanh gió mát, nước hồ phẳng lặng, xuân về trăm hoa đua nở v.v…đều nói lên tinh thần tự tại giải thoát của Phật pháp.

Kinh chép: ”Nhứt thế chư Pháp vô phi Phật pháp”. Nghĩa là “Tất cả các pháp thế gian cũng đều là Phật pháp”. Nếu mê thì pháp thế gian, còn ngộ là Phật pháp.

GIẢI DANH TỪ

Chấp thủ: nắm giữ

Chánh Pháp: Pháp chơn chánh

Phi Pháp: Pháp không chơn chánh

Vô vi: Pháp không bị tạo tác thi vi, không sanh diệt, tức là chơn như hay Phật tánh.


Bài Thứ 4

PHẦN CHÁNH TÔN

13. Phật nói công đức trì kinh, nhiều hơn bố thí thất bảo.

14. Bốn quả Thinh văn, không nên chấp mình có chứng quả.

15. Phật phá cái chấp “Như Lai có đắc pháp”.

16. Phật phá cái chấp “Bồ Tát thật có làm trang nghiêm cõi Phật”.

17. Phật dạy: ”Đừng sanh vọng tâm trụ chấp một nơi nào”.

18. Phật phá cái chấp “Thân Phật cao lớn như núi Tu Di”.

13. PHẬT NÓI CÔNG ĐỨC TRÌ KINH NÀY NHIỀU HƠN BỐ THÍ THẤT BẢO

Phật Hỏi: ”Tu Bồ Đề! Nếu có người đựng đầy bảy báu trong đại thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) đem bố thí (tài thí), thì phước đức nhiều không?”. Tu Bồ Đề thưa: ” Bạch Thế Tôn! Nhiều lắm”.

Phật dạy: ” Tu Bồ Đề! Nếu có người thọ trì đọc tụng kinh này, hoặc vì người giảng nói trọn quyển hoặc nửa quyển, cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì công đức (pháp thí) của người này nhiều hơn người trước. Tại sao vậy? Vì tất cả Phật và Pháp đều từ kinh này mà ra”.

Phật dạy tiếp: ” Tu Bồ Đề! Gọi là “Phật, Pháp”, thực ra cũng không phải “Phật, Pháp”, chỉ tạm gọi là “Phật, Pháp”.

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ hai, Phật nói về công đức thọ trì đọc tụng kinh này, nhiều hơn người bố thí thất bảo.

Đoạn nầy nên chia làm ba phần để giải thích.

1. So sánh phước đức giữa tài thí và pháp thí

Ngọc ngà châu báu là vật rất quý, đã ít có và khó kiếm, nên không ai có nhiều được. Nhưng nếu người nào có nhiều châu báu, đựng đầy một nghìn triệu thế giới nhỏ (đại thế giới) đem ra bố thí, tất nhiên phước đức nhiều lắm.

Nhưng, nếu có người thọ trì kinh này hoặc giảng nói cho người nghe, từ một quyển, nửa quyển, hoặc một tờ cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì công đức của người sau, lại nhiều hơn người trước. Tại sao vậy? Vì bố thí tiền tài, dù có nhiều bao nhiêu cũng chỉ giúp về phần vật chất, làm cho người giàu có sung sướng nhứt thời mà thôi. Còn bố thí về giáo pháp là giúp về phần tinh thần, làm cho người hiểu biết giáo lý tu hành, thoát ly sanh tử luân hồi, kiến tánh thành Phật, rồi trở lại độ chúng sanh đều được giải thoát. Bởi thế nên bố thí pháp (tinh thần) tuy ít, nhưng phước đức nhiều hơn bố thí tài (vật chất).

2. Phật và Pháp đều từ kinh này sanh.

Kinh này là kinh “Kim Cang Bát Nhã”, tức là kinh nói về “Trí huệ Phật”. Trí huệ này phá núi vô minh phiền não, nhưng không bị hư hoại, nên gọi là “Kim Cang”.

Nhờ Trí huệ Kim Cang Bát Nhã phá hết vô minh, nên mới minh tâm kiến tánh thành Phật, nên nói: ”Kinh này sanh ra chư Phật”. Và sau khi thành Phật rồi, cũng nhờ có Trí huệ Bát Nhã mới nói ra giáo pháp, nên nói “kinh này sanh ra Pháp”.

3. Phá cái chấp “thật có Phật, Pháp”.

Đúng theo “tánh Bát Nhã Chơn không”, thì nói năng không trúng, suy nghĩ chẳng nhằm, nên không có thể kêu gọi là gì được cả. Nhưng sở dĩ gọi “Phật, Pháp”, là một danh từ, đặt ra để gọi tạm mà thôi; thật ra cũng không phải là “Phật, Pháp”. Nếu còn chấp “thật có Phật, Pháp” thì không đúng với “Tánh Bát Nhã chơn không”, nên Phật dạy: ” Gọi là Phật Pháp, thực ra cũng không phải Phật Pháp, chỉ tạm gọi là Phật Pháp”.

GIẢI DANH TỪ

Bảy món báu: Vàng, bạc, ngọc lưu ly, ngọc xà cừ, ngọc mã não, ngọc san hô và ngọc hổ phách.

Đại thế giới: Tức là Đại thiên thế giới. Thế giới chúng ta ở đây là một thế giới nhỏ; 1. thế giới nhỏ, gọi là “Tiểu thiên thế giới”; 1. Tiểu thiên thế giới, gọi là “Trung thiên thế giới”; 1. Trung thiên thế giới, gọi là “Đại thiên thế giới”. Một Đại thiên thế giới là một nghìn triệu thế giới nhỏ. Thế giới Ta bà là một Đại thiên thế giới.

Kệ: Một bài kệ là 4 câu, hoặc nhiều câu, như thơ tứ cú, bát cú v.v…ở nước ta.

Thọ trì: Lãnh thọ và hành trì.

14. BỐN QUẢ THINH VĂN, KHÔNG NÊN CHẤP MÌNH CÓ CHỨNG QUẢ.

Phật Hỏi: ”Tu Bồ Đề! Nếu vị Tu đà hoàn tự nghĩ rằng: “Tôi đã đặng quả Tu đà hoàn”, nghĩ như thế có được không?”

Tu Bồ Đề thưa: ” Bạch Thế Tôn! Không thể được. Tại sao vậy? Vị Tu đà hoàn, phải không còn có thấy mình có chứng quả Tu đà hoàn (Tàu dịch Nhập lưu), thế mới thật là chứng quả Tu đà hoàn”.

Phật Hỏi: ” Tu Bồ Đề! Nếu vị Tư đà hàm tự nghĩ rằng: ”Tôi đã đặng quả Tư đà hàm”; nghĩ như thế có được không?”.

Tu Bồ Đề thưa: ”Bạch Thế Tôn! Không thể được. Tại sao vậy? Vị Tư đà hàm, phải không còn có thấy mình có chứng quả Tư đà hàm (Tàu dịch Nhứt lai), thế mới thật là chứng quả Tư đà hàm”.

Phật Hỏi: ” Tu Bồ Đề! Nếu vị A na hàm tự nghĩ rằng: ”Tôi đã đặng quả A na hàm”; nghĩ như thế có đặng không?”.

Tu Bồ Đề thưa: ”Bạch Thế Tôn! Không thể được. Tại sao vậy? Vị A na hàm, phải không còn có thấy mình có chứng quả A na hàm (Tàu dịch là Bất lai), thế mới thật là chứng quả A na hàm”.

Phật Hỏi: ” Tu Bồ Đề! Nếu vị A la hán tự nghĩ rằng: ”Tôi đã đặng quả A la hán”; nghĩ như vậy có đặng không?”.

Tu Bồ Đề thưa: ”Bạch Thế Tôn! Không thể được. Tại sao vậy? Vị A la hán, phải không còn có thấy mình có chứng quả A la hán, thế mới thật là chứng quả A la hán. Nếu còn thấy mình chứng quả A la hán tức là còn trụ chấp (dính mắc) về bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và tu hành giả, thì không phải thật chứng A la hán.

Bạch Thế Tôn! Cũng như con đây, vì con không còn chấp mình có tu chứng, nên mới được Như Lai chứng nhận: ”Tu Bồ Đề đã đặng pháp Tam muội vô tránh; Tu Bồ Đề là người ưa tu hạnh tịch tịnh (A lan na); Tu Bồ Đề là vị A la hán ly dục thứ nhứt. Trong chúng, Tu Bồ Đề là hơn hết”.

Bạch Thế Tôn! Nếu con nghĩ (châp rằng: ”Con đã đặng quả A la hán, con l;à vị A la hán ly dục thứ nhứt v.v…thì Đức Như Lai không chứng nhận và không khen ngợi con như vậy”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã, phá trừ cái chấp của bốn quả Thinh văn, tự thấy mình có chứng quả.

Trong kinh Tứ thập nhị chương có chép:

“Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng v.v…”

Nghĩa là: Tu mà không còn chấp mình tu, thế mới thật là tu. Chứng quả, mà không chấp mình chứng quả, thế mới thật là chứng quả v.v….

Nếu người tu chứng, đúng theo tinh thần của “Kim Cang Bát Nhã”, nghĩa là không còn các vọng chấp ngã và pháp hay bốn tướng, thì mới thật tu và thật chứng.

Trái lại, nếu còn chấp ngã, pháp hay bốn tướng (ngã, nhơn v.v..) tức là không nhập được “Kim Cang Bát Nhã”, thì không phải thật tu và thật chứng.

Bởi thế nên bốn quả Thinh văn, nếu còn tự thấy mình có chứng quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, tức là còn chấp ngã (ta chứng đặng) và chấp pháp (quả vị để chứng) thì không nhập được “Kim Cang Bát Nhã”, nên không phải là Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán.

Ông Tu Bồ Đề, tự đem mình ra làm thí dụ điển hình. Đại ý ông nói: Nếu ông chấp rằng: ”Tôi đã đặng pháp Tam muội và đặng quả A la hán v.v…” tức nhiên ông còn chấp ngã (quả A la hán) chấp pháp ( Tam muội), chưa nhập được Kim Cang Bát Nhã, thì Phật đâu có ấn chứng cho ông là vị A la hán ly dục thứ nhứt v.v….

Ngài Phó Đại sĩ nói bài tụng giải thích rằng:

Nguyên văn (dịch âm):

Vô sanh tức vô diệt

Vô ngã phục vô nhơn

Vĩnh trừ phiền não chướng

Trường từ hậu hữu thân

Cảnh vong tâm diệc diệt

Vô phục khởi tham sân

Vô bi không hữu trí

Hốt nhiên độc nhậm chơn.

Dịch nghĩa:

Không sanh cũng không diệt

Không ngã cũng không nhơn

Dứt trừ phiền não chướng

Không còn có thân sau

Tâm cảnh đều vắng lặng

Do đâu khởi tham sân

Không bi cũng không trí

Thế mới nhập Chơn như.

ĐẠI Ý

Nếu không còn các vọng chấp nhơn, ngã, sanh, diệt v.v…thì các phiền não không do đâu mà sanh ra. Phiền não không sanh, tức không tạo nghiệp, nên không bị sanh tử luân hồi. Vì tâm và cảnh đã vắng lặng thì do đâu khởi tâm, sân, si. Cho đến bi và trí cũng không chấp, nên chơn tâm hay chơn như tự hiện bày.

Tóm lại, vì không còn các vô minh vọng chấp: nhơn, ngã, tâm, cảnh, sanh, diệt v.v…nên mới chứng đặng chơn tâm thanh tịnh. Như thế mới thật tu và thật chứng.

GIẢI DANH TỪ

Tu đà hoàn: trong bốn quả Thanh văn của Tiểu thừa, Tu đà hoàn là quả Thánh nhỏ nhứt. Tu đà hoàn là dịch âm tiếng Phạn, Trung hoa dịch là “Dự lưu” hoặc “Nhập lưu”, nghĩa là mới dự vào dòng Thánh nhơn.

Tu đà hàm: Quả Thánh thứ hai trong bốn quả Thinh văn. Trung hoa dịch âm của tiếng Phạn, dịch nghĩa là “Nhứt vãng lai”; nghĩa là còn một lần qua cõi nhơn, thiên để tu hành đoạn hoặc, rồi mới chứng đặng quả A la hán.

A na hàm: Quả Thánh thứ ba trong bốn quả. Trung hoa dịch âm tiếng Phạn, dịch nghĩa “Bất lai”; nghĩa là không còn trở lại thọ sanh trong Dục giới nữa.

A la Hán: Quả Thánh thứ tư trong bốn quả. Trung hoa dịch âm tiếng Phạn, nếu dịch nghĩa, có ba:

a. Vô sanh: Không còn sanh trở lại ba cõi

b. Sát tặc: Đã giết hết các giặc phiền não.

c. Ứng cúng: Xứng đáng cho nhơn thiên cúng dường.

Do tu nhơn Tỳ kheo có 3 nghĩa, nên chứng quả A la hán cũng có 3 nghĩa:

Nhơn Phá ác ….. Vô sanh Quả

Tỳ kheo Bố ma … Sát tặc A la hán

Khất sĩ …. Ứng cúng

TAM MUỘI: Trung hoa dịch âm tiếng Phạn, dịch nghĩa là “Chánh định”.

TAM MUỘI VÔ TRÁNH: Pháp chánh định hơn hết.

A LAN NA: Trung hoa dịch âm tiếng Phạn, nghĩa là không ồn ào náo nhiệt, vắng vẻ thanh tịnh, giải thoát không bị trần luî.

15. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “NHƯ LAI CÓ ĐẮC PHÁP”.

Phật Hỏi: ” Tu Bồ Đề! Về quá khứ đối với trước Phật Nhiên Đăng, ta có đắc pháp không?”.

Tu Bồ Đề thưa: ” Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai thật không có “đắc pháp” gì cả”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá trừ cái chấp “Như Lai thật có đắc pháp”.

Kinh chép: ”Về quá khứ, vô lượng, vô số kiếp về trước, Đức Thích Ca đối trước Phật Nhiên Đăng, được Ngài truyền chánh pháp và thọ ký, tương lai sẽ được thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni”.

Nhưng, nếu Như Lai còn chấp mình có “đắc pháp và được thọ ký” tức là Như Lai còn chấp ngã (ta được) chấp pháp (đắc pháp) thì không phải là Như Lai. Bởi thế nên ông Tu Bồ Đề thưa: ”Bạch Thế Tôn! Như Lai không có đắc pháp gì cả”.

Vì Như Lai không chấp mình có “đắc pháp” và “thọ ký”, nên không mắc vào bốn tướng ngã, nhơn v.v…được nhập Kim Cang Bát Nhã. Như thế mới thật là “đắc pháp” và “được thọ ký”.

16. PHẬT PHÁ CHẤP “BỔ TÁT THẬT CÓ LÀM TRANG NGHIÊM CÕI PHẬT”.

Phật Hỏi: ” Tu Bồ Đề! Bồ Tát có làm trang nghiêm cõi Phật không?”

Tu Bồ Đề thưa: ” Bạch Thế Tôn! Bồ Tát không làm trang nghiêm cõi Phật. Tại sao vậy? Bồ Tát làm trang nghiêm cõi Phật, mà không thấy (chấp) mình có trang nghiêm cõi Phật, như thế mới thật là trang nghiêm cõi Phật”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá trừ cái chấp “Bồ Tát có làm trang nghiêm cõi Phật”

Bồ Tát làm các Phật sự, giáo hoá chúng sanh, đó là trang nghiêm cõi Phật. Nhưng, nếu Bồ Tát còn chấp mình có làm Phật sự, giáo hoá chúng sanh, thì Bồ Tát còn tâm nhiễm ô vọng chấp ngã (ta giáo hoá) nhơn (người được giáo hoá). Đem tâm nhiễm ô vọng chấp mà làm “trang nghiêm cõi Phật”, thì cõi Phật thành nhiễm ô, không thể “trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh” được.

Trái lại, phải dùng tâm thanh tịnh (không còn các nhiễm ô vọng chấp, chấp ngã, chấp pháp v.v…) mà trang nghiêm cõi Phật, thì cõi Phật mới thanh tịnh trang nghiêm được.

Ngài Xuyên Thiền sư dạy:

Nguyên văn (dịch âm):

Chánh nhơn thuyết tà pháp, tà pháp tất qui chánh

Tà nhơn thuyết Chánh pháp, chánh pháp tất qui tà

Giang Bắc thành chỉ, Giang Nam quít.

Xuân lai đô phóng nhứt ban hoa.

Dịch nghĩa:

Người chánh nói pháp tà, tà pháp trở về chánh

Người tà nói pháp chánh, pháp chánh trở thành tà.

Cũng một cây, nhưng ở Giang bắc thì cây chỉ xát, Giang nam thì thành cây quít.

Xuân về đều trổ một thứ hoa.

ĐẠI Ý

Người đem tâm đời (danh, lợi, sân, si v.v…) mà làm việc Đạo (làm các phật sự) thì việc Đạo biến thành việc đời. Trái lại, người đem tâm Đạo (từ bi, hỷ xả v.v…)mà làm việc đời (tiếp xúc làm việc với chúng sanh) thì việc đời trở thành việc Đạo (tứ nhiếp pháp, ngũ minh v.v…) cũng như một thứ cây, nhưng nếu ở đất Giang Bắc thì thành cây chỉ xát, trái đặc ruột và chua, ăn không được; còn ở đất Giang Nam thì thành cây quít, trái ngọt.

Dù việc chánh hay tà, việc đời hay đạo, đều có nhơn và có quả, chẳng qua tốt hay xấu mà thôi. Cũng như cây chỉ xát hay cây quít, Xuân về đều trổ một thứ hoa và một thứ trái; nhưng trái quít thì ngọt, mà chỉ xát lại chua.

17. PHẬT DẠY: “ĐỪNG SANH VỌNG TÂM TRỤ CHẤP MỘT NƠI NÀO”

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Các vị Đại Bồ Tát phải giữ tâm thanh tịnh, chớ nên sanh vọng tâm trụ chấp nơi sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần. Tóm lại, Bồ Tát đừng khởi vọng tâm trụ chấp một nơi nào cả” (Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm).

LƯỢC GIẢI

Hai đoạn trên phá cái chấp “Như Lai có đắc pháp” và “Bồ Tát có làm trang nghiêm cõi Phật”. Đoạn này tóm lại, Bồ Tát phải giữ tâm thanh tịnh, không nên sanh vọng tâm trụ chấp một nơi nào cả.

Tất cả sự vật trong vũ trụ, tuy vô cùng vô tận, nhưng không ngoài 18 giớilà 6 căn, 6 trần và 6 thức; căn và trần thuộc về vật chất, còn thức thuộc về tinh thần.

Phật dạy các vị Bồ Tát, phải giữ tâm thanh tịnh, không nên sanh vọng tâm dính mắc (trụ chấp) nơi sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần v.v…

Tóm lại, chỉ trong một câu, Phật dạy: “Đừng sanh vọng tâm dính mắc (trụ chấp) một nơi nào”.

Thuở xưa, ngài Huệ Năng vừa nghe phú ông tụng kinh Kim Cang Bát Nhã vừa đến câu:

“Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”

Đừng khởi vọng tâm trụ chấp một nơi nào).

Ngài liền tỏ ngộ lý Kim Cang Bát Nhã!…Ngài hân hoan ca ngợi: “Hay quá! kinh Kim Cang Bát Nhã hay quá!”(1)

“Đừng sanh vọng tâm trụ chấp một nơi nào”, tức là “đừng sanh vọng tâm chấp ngã, chấp pháp v.v…” không chấp ngã, pháp thì phiền não không sanh. Phiền não không sanh thì tâm dược thanh tịnh, không tạo nghiệp sanh tử luân hồi. Đó là phương pháp tu của Đại thừa Đốn giáo, rất giản di và mau chóng, để hàng phục vọng tâm và an trụ chơn tâm.

Sau khi đại ngộ lý kinh Bát Nhã, Tổ Huệ năng đã minh tâm kiến tánh, nên Ngài có dạy rằng:

Nguyên văn (dịch âm):

Hà kỳ tự tánh bổn tự thanh tịnh

Hà kỳ tự tánh bổn bất sanh diệt

Hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc

Hà kỳ tự tánh bổn vô diêu động

Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp

Dịch nghĩa:

Ai ngờ tâm mình vốn tự thanh tịnh

Ai ngờ tâm mình vốn không sanh diệt

Ai ngờ tâm mình vốn tự đầy đủ

Ai ngờ tâm mình vốn không diêu động

Ai ngờ tâm mình hay sanh muôn pháp

Đức Ngũ Tổ đến lúc tuổi già, muốn chọn người để truyền Tổ vị, nên Ngài truyền dạy trong chúng, mỗi người phải làm một bài kệ, để trình bày sự tu chứng của mình, nếu người nào tỏ ngộ được lý Đạo, ngài sẽ truyền Tổ vị, làm Tổ thứ Sáu.

Ngài Thần Tú là bực Thượng toạ, tài đức siêu quần, làm kệ rất hay, nhưng vì chưa tỏ ngộ được lý Kim Cang Bát Nhã, còn trụ chấp các tướng, có tu, có chứng v.v…nên bị Tổ Huệ Năng quở rằng: “Còn đứng ngoài hàng rào”.

Bài kệ của Ngài Thần Tú:

Nguyên văn (dịch nghĩa):

Thân thị Bồ Đề thọ

Tâm như minh cảnh đài

Thời thời thường phất thức

Vật sử nhá trần ai.

Dịch nghĩa:

Thân là cây Bồ Đề (có tướng)

Tâm như đài gương sáng (có tướng)

Mỗi giờ thường lau quét (có tu)

Chớ cho dính bụi trần (có chứng)

Tổ Huệ Năng, đã ngộ được lý Kim Cang Bát Nhã, không trụ chấp các tướng, nên được đức Ngũ Tổ truyền trao y bát và làm vị Tổ thứ sáu.

Bài kệ của Tổ Huệ Năng:

Nguyên văn (dịch nghĩa):

Bồ Đề bổn vô thọ

Tâm phi minh cảnh dài

Bổn lai vô nhứt vật

Hà xá nhá trần ai.

Dịch nghĩa:

Bồ Đề không phải cây (vô tướng)

Chơn tâm không phải đài (vô tướng)

Xưa nay không một vật (vô tướng)

Chỗ nào dính bụi trần (vô tướng)

18. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “THÂN PHẬT CAO LỚN NHƯ NÚI TU DI”

Phật Hỏi: “Tu Bồ Đề!báo thân của Phật như núi Tu di. Vậy Báo thân của Phật có cao lớn không?”.

Ông Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Lớn lắm. Nhưng, Phật nói: “Không chấp thân cao lớn, mới thật là cao lớn”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã, phá trừ cái chấp “Báo thân Phật cao lớn”.

Từ trước đến đây, đã nhiều lần hỏi và đáp. Vì muốn phá các vọng chấp, để nhập với “Tánh Bát Nhã chơn không”, cho nên Phật hỏi. Và cũng vì muốn phá các vọng chấp, để nhập với “Tánh Bát Nhã chơn không” cho nên ông tu Bồ Đề đáp. Nếu chúng sanh chấp có, thì Ngài nói không; chúng sanh chấp không, thì Ngài nói có v.v…Dù nói có, nói không, nói lớn, nói nhỏ v.v…đều để phá các chấp của chúng sanh, đem về “Tánh Bát Nhã chơn không”.

Phật hỏi ông tu Bồ Đề: “Báo thân cùa Phật có cao lớn không?”.

Tu Bồ Đề Đáp: “Báo thân của Phật cao lớn lắm”.

Nhưng sợ chúng sanh chấp “thân Phật cao lớn”, nên ông Tu Bồ Đề liền dẫn lời Phật nói để phá chấp: “Phật nói không chấp thân cao lớn, mới thật là cao lớn”. Nghĩa là: Phàm cái gì còn thấy nghe và suy nhgĩ được, thì cái đó không phải tuyệt đối; phải siiêu thoát ra ngoài sự thấy nghe và suy nghĩ, mới là tuyệt đối.

Đức Lão tử nói: “Đạo mà có thể nói được, thì không pghải là Đạo”.

Tóm lại, nếu còn “chấp thân cao lớn”, tất nhiên còn chấp ngã và chấp pháp, thì không nhập được Kim Cang Bát Nhã, nên chưa phải thân cao lớn.

GIẢI DANH TỪ

BÁO THÂN: Phật có 3 thân:

1. Pháp thân: tức là Pháp tánh hay chơn tâm, không có hình tướng

2. Báo thân: Thân do phước báo tu hành, trải qua 3 vô số kiếp mới được. Kinh chép: Báo thân của Phật lớn bằng núi Tu di; duy có bực Bồ Tát mới thấy được.

3. Ứng thân hay Hoá thân: Phật tuỳ các loại chúng sanh mà ứng hiện hay hoá hiện ra mỗi thân, để tế độ.


Bài Thứ 5

PHẦN CHÁNH TÔN

19. Thọ trì kinh này phước đức vô lượng

20. Công đức của kinh Kim Cang Bát Nhã

21. Ông Tu Bồ Đề hỏi Phật tên kinh

22. Phật phá cái chấp “kinh Kim Cang Bát Nhã”

23. Phật phá cái chấp “Như Lai có thuyết pháp”

24. Phật phá cái chấp “thật có vi trần và thế giới

25. Phật phá cái chấp “thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy Phật”

19. THỌ TRÌ KINH NÀY PHƯỚC ĐỨC VÔ LƯỢNG

Phật Hỏi: “Tu Bồ Đề! Như trong sông hằng, có vô số cát, rồi lấy mổi một hạt cát, lại du cho một sông hằng. Vậy những số cát trong vô số sông Hằng đó, có nhiều không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Nhiều lắm. Nếu chỉ tính nhũng sông hằng mà thôi, hãy còn nhiều vô số, huống chi là tính tất cả số cát, trong vô số sông Hằng”.

Phật hỏi tiếp: “Tu Bồ Đề! Nếu có chúng sanh nào dùng 7 món báu, đựng đầy trong nhiều Đại Thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) d8ể đem bố thí; số đại thế giới này cũng nhiều như số cát trong vô số sông Hằng, thì chúng sanh đó phước đức nhiều khôn?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Nhiều lắm”.

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! ta nay thành Phật bảo ông: Nếu có người thọ trì đọc tụng hay giảng kinh này hoặc trọn quyển hay nữa quyển, cho đến tối thiểu, chừng bốn câu kệ, thì phước đức của người này nhiều hơn người trước”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật nói công đức người thọ trì hoặc giảng dạy kinh này (thí pháp) nhiều hơn công đức người bố thí thấ bửu (thí tài) đựng đầy trong vô số Đại thế giới, nhiều như số cát trong vô số sông Hằng. Đây là lần thứ ba, Phật tán thán về công đức thọ trì kinh.

Ngọc ngà châu báu, không ai có nhiều được. Nhưng nếu có người, có nhiều châu báu, đựng đầy trrong vô số đại thế giới, đem bố thí, thì phước đức người này không thể nghĩ bàn.

Nhưng nếu có người thọ trì hay giảng kinh này, hoặc trọn quyển hay nữa quyển, hoặc tối thiểu là bốn câu kệ, thì công đức của người sau nhiều hơn người trước.

Vì bố thí về châu báu, dầu nhiều đến đâu, cũng chỉ giúp cho người về phương diện vật chất, giàu sang, sung sướng nhứt thời mà thôi, chứ không thể đem hạnh phúc vĩnh viễn cho người được.

Còn người thọ trì hoặc giảng dạy kinh này, tuy ít và dễ làm, nhưng thuộc về pháp thí, giúp cho người về phương diện tinh thần, có ảnh hưởng sâu rộmng hơn. Mình và người được trồng hạt giống Bát Nhã, một ngày sau, không sớm thì chầy, thế nào cũng được nứt mộng nẩy chồi, đơm bông kết quả, sẽ được thành Phật, rồi hoá độ vô số chúng sanh cũng sẽ thành Phật. Bởi vì người trì kinh và bố thí pháp, thuộc về phước vô lậu thanh tịnh, nên phước đức nhiều hơn người bố thí vật chất.

Tóm tắt đoạn này, Ngài Phó Đại sĩ có làm bài tụng như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Bảo mãn tam thiên giới

Tê trì tác phước điền

Duy thành hữu lậu nghiệp

Chung bất ly nhơn thiên

Trì kinh thủ tứ cú

Dữ Phật tác lương duyên

Dục nhập vô vi hải

Tu thừa Bát Nhã thuyền

Dịch nghĩa:

Đựng báu đầy Đại thiên

Bố thí trồng ruộng phước

Chỉ thành nghiệp hữu lậu

Hưởng phước cõi nhơn thiên

Trì tụng bốn câu kệ

Tạo duyên lành với Phật

Muốn vào biển vô vi

Phải nương thuyền Bát Nhã.

ĐẠI Ý

Bài tụng này nói, của báu đựng đầy Đại thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) đem bố thí làm phước, hành giả chỉ hưởng phước hữu lậu của cõi nhơn thiên. Không bằng người trì tụng bốn câu kệ, để gieo duyên lành với Phật, đặng nương nhờ thuyền Bát Nhã, dạo chơi biển vô vi, hưởng phước vui vĩnh viễn.

GIẢI DANH TỪ

Sông Hằng: Tên một con sông bên Ấn Độ. Dài rộng và rất hiều cát. Mỗi khi Phật thuyết pháp, muốn chỉ cái gì nhiều klhông thể tính được, thì Phật thí dụ “Như số cát sông Hằng (Hằng hà sa số)

Đại thế giới: Nguyên văn chữ hán là “Tam thiên đại thế giới”, gọi tắt là “Đại thế giới”.

Nhơn lên 3 lần ngàn, là một đại thế giới. Nghĩa là năm châu thế giới của chúng ta ở đây là một thế giới nhỏ; nhơn lên 1000 thế giới nhỏ, gọi là “Tiểu thiên thế giới”, nhơn lên 1000 tiểu thiên thế giới, gọi là “Trung thiên thế giới”; nhơn lên 1000 trung thiên thế giới, gọi là “Đại thiên thế giới”; tức là một nghìn triệu thế giới nhỏ, gọi là một “Đại thiên thế giới”. Ngoài Thế giới Ta bà là “một Đại thiên thế giới”. Ngoài thế giới Ta bà còn hằng hà sa số Đại thiên thế giới.

20. CÔNG ĐỨC CỦA KINH KIM CANG BÁT NHÃ

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Những chỗ được giảng kinh này, hoặc trọn bộ hay nữa quyển, cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì chỗ đó cũng được chư thiên, người và thánh thần đến cúng dường và đều kinh trọng như chỗ chùa tháp của Phật”.

Phật dạy tiếp: “Tu Bồ Đề! Nếu chỗ nào thờ kinh này, thì chỗ đó có Phật và có các vị đệ tử tôn qui của Phật. Bởi thế nên người chí thành thọ trì đọc tụng kinh này, người ấy sẽ thành tựu Trí huệ Kim Cang Bát Nhã”.

LƯỢC GIẢI

Đạon này tiếp theo đoạn trên, nói về công đức qui báu của kinh và khuyên người thọ trì kinh này. Đây là lần thứ tư.

Đoạn trước (đoạn 13) Phật dạy: ” …tất cả Phật và pháp đều từ kinh này mà ra”. Bởi thế nên chỗ giảng kinh này và chỗ thờ kinh này, thì chỗ đó như chùa Phật hay tháp Phật, có Phật, có đệ tử tôn quí của Phật; thánh, thần, trời, người đều kinh trọng và cúng dường.

Vì kinh này rất quý bau như vậy, nên người chí thành thọ trì kinh này sẽ được Trí huệ Phật (Kim Cang Bát Nhã).

21. ÔNG Tu Bồ Đề HỎI PHẬT VỀ TÊN KINH

Lúc bấy giờ ông Tu Bồ Đề hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Kinh này tên gì? Và tại sao chúng con phải phụng trì”.

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Kinh này tên là “KIM CANG BÁT NHÃ Ba la mật”; Vì thế nên các ông phải phụng trì”.

LƯỢC GIẢI

Đến đây, ông Tu Bồ Đề thỉnh Phật xác định tên kinh và giải thích, tại sao phải phụng trì? Phật trả lời: Kinh này tên “Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật” (nghĩa đã giải ở đề mục kinh). Vì “Kim Cang Bát Nhã”, nên các ông phải phụng trì.

22. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP VỀ KINH “KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT”

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Như Lai nói Bát Nhã Ba La Mật, tức là không phải Bát Bát Nhã Ba La Mật, thế mới gọi là Bát Nhã Ba La Mật”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá trừ cái chấp về kinh “Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật”. Nếu hành giả còn vọng chấp “có kinh Bát Nhã và có ta phụng trì”, tức là hành giả còn chấp ngã (ta phụng trì) và chấp pháp (kinh Bát Nhã) thì không phải là kinh Bát Nhã và thọ trì Bát Nhã. Phải dẹp trừ hết các vọng chấp ngã, pháp v.v…mới phải thọ trì kinh Bát Nhã.

Bởi thế nên, Phật vừa nói ra tên kinh, sợ chúng sanh chấp tên kinh, nên Phậtliền phá chấp: “Như Lai nói Bát Nhã Ba La Mật, không phải Bát Nhã Ba La Mật, thế mới thật là Bát Nhã Ba La Mật”.

23. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “NHƯ LAI CÓ THUYẾT PHÁP”

Phật Hỏi: “Tu Bồ Đề! Như Lai có thuyết pháp không?”. Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Như Lai không có thuyết pháp”.

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ hai, Phật phá cái chấp: ” Như Lai có thuyết pháp” (lần thứ nhứt ở đoạn 11).

Tiếp theo đoạn trên, ông Tu Bồ Đề hỏi kinh này tên gì? Phật nói kinh này tên là “Kim Cang Bát Nhã Ba la mật”. Sợ người chấp: ”Như thế Phật co nói pháp Bát Nhã”, nên tiếp đến đoạn nầy, Phật phá luôn cái chấp: ”Phật có thuyết pháp.

Nếu hành giả còn vọng chấp: ”Phật có thuyết pháp”, thì không nhập được “Kim Cang Bát Nhã”. Vì ông Tu Bồ Đề đã nhập được lý “Kim Cang Bát Nhã”, nên ông trả lời: ”Như Lai không có thuyết pháp”.

Muốn cho độc giả rõ thêm đoạn nầy, tôi xin nhắc lại lời giải thích ở đoạn trước thêm một lần nữa: Một hôm ông Tu Bồ Đề ngồi yên tịnh dưới gốc cây. Trời Đế Thích rưới hoa cúng dường. Ông Tu Bồ Đề Hỏi: ”Ai rưới hoa?”. Trời Đế Thích thưa: ”Ngài thuyết kinh Bát Nhã hay quá! Con xin dâng hoa cúng dường”.

Ông Tu Bồ Đề nói: ”Tôi không nói kinh Bát Nhã”. Trời Đế Thích thưa: ”Ngài không nói Bát Nhã, con không nghe Bát Nhã”.

Kết luận: ”Không nói Bát Nhã và không nghe Bát Nhã”, như thế mới thật là “nói Bát Nhã và nghe Bát Nhã”.

Vì ngộ được lý chơn không của kinh Bát Nhã, nên ngài Viên Ngộ Thiền sư có làm bài kệ rằng:

Nguyên văn (dịch âm)

Thập phương đồng tụ hội

Cá cá học vô vi

Thử thị tuyển Phật trường

Tâm không cập đệ qui.

Dịch nghĩa:

Mười phương đồng tụ hội

Người người học vô vi

Đây là trường thi Phật

“Tâm Không” mới được đậu.

ĐẠI Ý

Bài kệ này quan trọng nhứt là hai chữ “Tâm không”. Nếu người nào tâm không còn các phiền não vọng chấp ngã, pháp v.v…thì người đó nhập được Kim Cang Bát Nhã, tức là đậu quả Phật.

24. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “THẬT CÓ VI TRẦN VÀ THẾ GIỚI”

phật Hỏi: ” Tu Bồ Đề! Những vi trần chứa trong đại thế giới (1 nghìn triệu thế giới nhỏ) có nhiều không? “.Tu Bồ Đề thưa: ” Bạch thế tôn nhiều lắm”.

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Như Lai nói các vi trần, không phải thật vi trần. Như Lai nói thế giới, không phải thật thế giới, chỉ tạm gọi là thế giới: .

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá trừ cái chấp “thật có vi trần và thật có thế giới”.

Phật đã day: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”; nghĩa là: phàm cái gì có hình tướng, đều là hư dối không thật. Tất cả muôn vật trong vũ trụ, lớn như thế giới, nhỏ như vi trần, cũng đều là hư giả không thật.

Do hiệp nhiều vi trần (bụi nhỏ) thành ra một vật lớn nhứt, rồi tạm đặt tên là thế giới.

Trái lại, do vật lớn nhứt như thế giới, chẻ cho đến thật nhỏ, không còn chẻ được nữa, rồi tạm đặt tên là vi trần (bụi nhỏ). Vật thế giới hay vi trần, cùng các vật khác, đều do vọng thức của chúng sanh, phân biệt so đo (kể đạt phân biệt) rồi đặt tên như thế này hay như thế khác, chứ không có thật thể.

Trong bộ Cu xá luận tung lược thích, về trang 210, có chépvề vi trần và thế giới, đại ý như sau: Từ vật lớn nhứt là thế giới, rồi chẻ nhỏ thế giới ra nhiều lần, cho đến thành hột bụi bay qua lại các kẻ hở (như mỗi buổi sáng, mặt trời chiếu vào các kẻ hở, chúng ta thấy rất nhiều bụi bay qua bay lại). Các thứ bụi nàygọi tên là:

1. Khích du trần: Bụi bay qua các kẻ hở.

2. Ngưu mao đầu trần: Hạt bụi nhỏ ở trên đầu lông con trâu. Bụi này do chẻ nhỏ bụi “khích du” mà thành.

3. Dương mao đầu trần: Hạt bụi ở trên đầu lông con dê. Thứ bụi này do chẻ nhỏ bụi “Ngưu mao đầu” mà thành.

4. Thố mao đầu trần: Hạt bụi ở trên đầu lông con thỏ. Thứ bụi này do chẻ nhỏ bụi “Ngưu mao đầu” mà thành.

5. Thuỷ trần: Bụi rớt trong nước không ướt, vì quá nhỏ. Thứ bụi này do chẻ nhỏ bụi “Thố mao đầu” mà thành.

6. Kim trần: Bụi này có thể lọt qua những vàng khối hay sắt dầy hoặc kiếng dầy; do chẻ nhỏ bụi “Thủy trần” mà thành.

7. Vi trần: Bụi nhỏ; do chẻ nhỏ bụi “Kim trần” mà thành.

8. Cực vi trần: Bụi rất nhỏ. Hạt bụi này do chẻ nhỏ bụi “Vi trần” mà thành.

9. Lân hư trần: Bụi gần mé hư không. Thứ bụi này nhỏ nhứt, không thể chẻ nhỏ nữa được, nếu chẻ nữa thì thành hư không. Bụi này do chẻ bụi “Cực vi” mà thành.

Rồi trở lại, từ vọng tâm nhỏ như “Lân hư trần”

Tích tụ 7 Lân hư trần thành một “Cực vi trần”

7 cực vi trần thành một “Vi trần”

7 Vi trần thành một “Kim trần”

7 Kim trần thành một “Thuỷ trần”

7 Thuỷ trần thành một “Thố mao đầu trần”

7 Thố mao đầu trần thành một “Dương mao đầu trần”

7 Dương mao đầu trần thành một “Ngưu mao đầu trần”

7 Ngưu mao đầu trần thành một “Khích du trần”

Cứ tích tụ mãi mãi như vậy, thành những vật nhỏ, đến vật lớn, cho đến vật lớn nhứt là “thế giới”.

Tóm lại, chứa nhiều vi trần thành thế giới; chẻ nhỏ thế giới thành ra vi trần. Vì trần và thế giới đều do sự đối đãi lớn với nhỏ, mà đặt ra cái tên để kêu gọi, chớ không có cái gì là chơn thật.

Ngài Phó Đại sĩ làm bài tụng, nói về vi trần và thế giới.

Nguyên văn (dịch âm):

Tích trần thành thế giới

Chiết giới tác vi trần

Giới dụ nhơn thiên quả

Trần vi hữu lậu nhơn

Trần nhơn, nhơn bất thật

Giới quả, quả phi nhơn

Quả nhơn tri thị quyển

Tiêu diêu tự tại nhơn

Vọng kế nhơn thành chấp

Mê thằng vị thị xà

Tâm nghi sanh ám quỉ

Nhãn bịnh kiến không hoa

Nhứt cảnh tuy vô dị

Tam nhơn nãi kiến sai

Liễu tư danh bất thật

Trường ngự bạch ngưu xa.

Dịch nghĩa:

Chứa trần thành thế giới

Chẻ giới hoá vi trần

Giới dụ quả nhơn thiên

Trần là nhơn hữu lậu

Trần nhơn, nhơn không thật

Giới quả, quả chẳng chơn

Biết quả, nhơn đều huyễn

Được tự tại tiêu diêu

Vọng thấy dây thành rắn

Chấp mê bởi tại tâm

Tâm sợ nên ma hiện

Mắt nhậm thấy đốn hoa

Một cảnh không sai khác

Ba người thấy chẳng đồng

Ai biết đó là huyễn

Tức là bực Đại giác.

ĐẠI Ý HAI BÀI TỤNG

Bài tụng thứ nhứt nói: chứa vi trần thành thế giới, chẻ thế giới thành vi trần. Thế giới là dụ cho quả nhơn thiên, vi trần là dụ cho nhơn hữu lậu. Nhơn vi trần đã không thật, nên quả thế giới cũng hư vọng. Nếu người biết được nhơn quả đều như huyễn, thì sẽ được tiêu diêu tự tại.

Tiếp đến bài tụng thứ hai, đại ý nói: Vì tánh “Biến kế sở chấp”, nên chấp sợi dây là con rắn, ban đêm thấy bóng tối cho là ma; cũng như vì con mắt bị nhặm, nên thấy có hoa đốm giữa hư không. Cũng một cảnh không sai khác, nhưng ba người (biến kế sở chấp, y tha khởi và viên thành thật) thấy chẳng đồng. Nếu người được giác ngộ như Phật, mới biết đó là giả danh không thật.

25. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP: “THẤY 32 TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT LÀ THẤY PHẬT”

Phật Hỏi: “Tu Bồ Đề! Ông có thể cho thấy 32 tướng tốt của Như Lai là thấy được Như Lai không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “bạch Thế Tôn! Không thể được. Tại sao vậy? Vì đức Như Lai nói 32 tướng tốt, chỉ giả gọi 32 tướng tốt”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn trên (24) Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá chấp về y báo (chấp pháp) là vi trần và thế giới. Đoạn này Phật lại dùng Trí huệ Bát Nhã phá chấp về chánh báo (chấp ngã); nghĩa là chấp “thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy được Phật”. Đây ;là lần thứ hai (lần thứ nhứt ở đoạn thứ 7) Phật phá chấp về thấy Phật.

Nếu còn hấp “thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy được Phật”, tức là còn chấp ngã (ta thấy) chấp nhơn (Phật) v.v…thì không nhập được Kim Cang Bát Nhã, nên không thấy được Phật thiệt.

Ngài Phó Đại sĩ làm bài tụng, nói về việc phá các vọng chấp ngã, nhơn, năng, sở v.v…

Nguyên văn (dịch âm)

Tảo trừ tâm ý địa

Danh vi Tịnh độ nhơn

Vô luận phước dữ trí

Quang thả ly tham sân

Trang nghiêm tuyệt năng sở

Vô ngã diệc vô nhơn

Đoạn, thường cu bất nhiễm

Tần thoát xuất hồng trần

Dịch nghĩa

Quét sạch đất tâm ý

Đó là nhơn tịnh độ

Không cần tu phước huệ

Miễn bỏ được tham sân

Trang nghiêm không năng sở

Không ngã cũng không nhơn

Đoạn, thường đều chẳng nhiễm

Siêu xuất cõi hồng trần

ĐẠI Ý HAI BÀI TỤNG

Không cần tu phước huệ hay phương pháp nào khác, chỉ quét sạch tham, sân, si v.v…ở trong tâm địa của mình, đó là nhơn để vãng sanh về Tịnh độ.

Dẹp trừ cái vọng chấp: năng, sở, nhơn, ngã, đoạn, thường v.v…thì được siêu thoát cõi hồng trần, đó là trrang nghiêm cõi Phật.

GIẢI DANH TỪ

32 Tướng tốt: Phật có 32 tướng tốt

1. Dưới bàn chân no tròn

2. Dưới bàn chân có cả ngàn khu ốc

3. tay chân mềm dịu

4. Ngón chân có màn như chân nhạn

5. Ngón tay ngón chân no tròn

6. Gót xứng với bàn chân

7. bàn chân xứng với gót

8. Hai chân tròn vót như hai chân nai

9. Tay dài thòng tới đầu gối

10. Âm tướng qui tàng

11. Chân lộng ửng màu xanh tía

12. Tóc lông đều xoay qua phía mặt

13. Da trơn min không dính dơ

14. Màu da sắc vàng

15. Tay chân vai cổ, bảy chỗ đều đủ

16. Cổ tròn lạ thường

17. hai cái nách no đủ

18. Dung nghi đoan chánh

19. Thân tướng trang nghiêm

20. Hình thể xứng nhau

21. Oai dung như sư tử

22. Chói hào quang mỗi phía một lần

23. hàm răng bốn mươi cái khít và bằng

24. Bốn răng cấm trắng và bén

25. Trong miệng có mùi thơm

26. Lưỡi dài che đặng cả cái mặt

27. Tiếng nói diệu dàng đủ giọng

28. Lông nheo như ngưu vương

29. Con mắt có quần đỏ

30. Mặt như trăng tròn

31. Chổ gian mi có lông trắng

32. Trên đầu lồi thịt lên, như đầu tóc


Bài Thứ 6

PHẦN CHÁNH TÔN

26. Phật nói công đức thọ trì kinh Kim Cang Bát Nhã

27. Ông Tu Bồ Đề bùi ngùi cảm động rơi nước mắt

28. Người nghe kinh này sanh lòng tin, người ấy được công đức thứ nhứt

29. Người có hạt giống Bát Nhã mới tin và hiểu được kinh này

30. Phật xác nhận lời nói của ông Tu Bồ Đề là phải

31. Phật phá cái chấp: “Bát Nhã là đệ nhứt Ba la Mật”

32. Phật phá cái chấp: “Nhẫn nhục Ba La Mật”

33. Phật nói tiền thân của Ngài là một vị tiên nhơn tu nhẫn nhục Ba la Mật

34. Bồ Tát phát tâm Bồ Đề phải xa lìa tất cả các vọng chấp

35. Bồ Tát bố thí hay làm càc việc lợi ích chúng sanh đều không nên chấp tướng

36. Như Lai nói thật không nói dối

37. Chấp tướng bố thí như vào nhà tối, vô tướng bố thí như đi ban ngày.

26. PHẬT NÓI CÔNG ĐỨC THỌ TRÌ KINH KIM CANG BÁT NHÃ

Phật day: “Tu Bồ Đề!nếu có người tự đem thân mạng mình, nhiều như cát sông Hằng để bố thí, thì người đó phước đức nhiều lắm. Nhưng nếu có người thọ trì đoạc tụng hay giảng dạy kinh này, trọn quyển hay nửa quyển, cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì phước đức người này nhiều hơn người trước”.

LƯỢC GIẢI

Kinh này rất quý báu và lợi ích vô cùng, nên phật đã nhiều lần tán thán công đức, khuyên người thọ trì và giảng dạy cho người. Từ trước đến đây đã năm lần nói về công đức của kinh này.

Đoạn trước (19) nói, người dùng ngoại tài là 7 món báu, nhiều như số cát sông hằng đem bố thí, phước đức của người này tuy nhiều, nhưng không bằng người thọ trì và giảng dạy kinh Kim Cang Bát Nhã phước đức lại nhiều hơn.

Đoạn này nói, người đem nội tài là thân mạng của mình ra bố thí; chỉ bố thí một thân mạng phước đức đã nhiều và ít ai làm được, huống chi là bố thí thân mạng của mình nhiều như số cát sông Hằng, thì phước đức biết là bao nhiêu!

Nhưng nếu co ùngười thọ trì đọc tụng hoặc giảng dạy kinh này từ một quyển hay nữa quyển cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì người này phước đức nhiều hơn người trước.

Bố thí thân mạng, tuy ít người làm được, nhưng phước đức vẫn còn ở trong vòng hữu vi và hữu lậu. Người thọ trì đọc tụng hoặc giảng dạy kinh này, thì mình và người đều được ngộ nhập “Kim Cang Bát Nhã” và sẽ được thành Phật; rồi trở lại hoá độ vô số chúng sanh, nên phước đức của người này, thuộc về vô lậu vô vi, nhiều hơn người trước.

Nói về công đức thọ trì kinh này,

Ngài Trí Giả Đại sư có làm bài tụng:

Nguyên văn (dịch âm):

Hằng sa số thậm đa

Sa số cánh nan lương

Cử sa tề thất bảo

Năng trì bố thí tương

Hữu tướng giai vi huyễn

Đồ ngôn Trí huệ cường

Nhược luận tứ cú đệ

Thử phước mạt vi tường

Dịch nghĩa:

Kể sông Hằng đã quá

Số cát lại nhiệu hơn

Chứa báu nhiều như thế

Thí tài số biết bao

Chấp mê theo giả tướng

Dẫu đặng phước huệ cao

Sánh với bốn câu kệ

Phước kia có chút nào

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Chỉ đếm sông Hằng đã không hết, huống chi là đếm số cát trong vô số sông Hằng. Người đem của báu nhiều bằng số cát trong vô số sông Hằng ra bố thí, phước đức tuy nhiều, nhưng thuộc hữu vi, hữu lậu.

Không bằng người thọ trì hoặc giảng dạy kinh này chừng bốn câu, thì phước đức nhiều hơn người trước.

27. ÔNG TU BỔ ĐỀ BÙI NGÙI CẢM ĐỘNG RƠI NƯỚC MẮT

Sau khi thấy Phật nhiều lần ân cần, nhắc nhở khuyên dạy, ông Tu Bồ Đề nghe hiểu được nghĩa lý thâm thuý của kinh này, nên lúc bấy giờ, ông cảm động bùi ngùi và sa nước mắt!…

Ông Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con tuy đặng huệ nhãn đã lâu, nhưng từng được nghe Phật nói kinh điển, nghĩa lý cao siêu huyền diệu, quí hoá như thế này!”.

LƯỢC GIẢI

Chúng ta mỗi khi bị xúc cảm một việc gì quá mạnh, hoặc buồn hay vui, đều có rưng nước mắt. Ông Tu Bồ Đề vì thấy Phật đã nhiều lần ân cần nhắc nhở thọ trì và khuyên dạy những nghĩa lý thâm thuý cao siêu của kinh này, mà từ hồi nào đến giờ ông chưa từng được nghe, nên ông cảm động rơi nước mắt.

28. NGƯỜI NGHE KINH NÀY SANH LÒNG TIN NGƯỜI ẤY ĐẶNG CÔNG ĐỨC THỨ NHỨT

Ông Tu Bồ Đề thưa Phật: “Bạch Thế Tôn! nếu có người nghe kinh này, sanh lòng tin trong sạch, ngộ được thật tướng (tánh Bát Nhã) thì người ấy sẽ đặng thành tựu công đức hy hữu thứ nhứt.

Bạch Thế Tôn! Như Lai nói “thật tướng” tức là không phải “thật tướng”, chỉ tạm gọi là “thật tướng”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này ông Tu Bồ Đề nói: người nghe kinh này mà ngộ được “thật tướng Bát Nhã”, thì người ấy đặng công đức hi hữu. Và ông phá luôn cái chấp “thật tướng”.

Người có cai khiếu (theo Duy thức học gọi là hạt giống) âm nhạc, nghe âm nhạc mới biết hay. Người có cái khiếu thi thơ, nghe thi tjhơ mới biết thích. Cũng thế, người c cái khiếu hay hạt giống Bát Nhã, nghe đến kinh Bát Nhã mới sanh lòng tin và ngộ nhập được “Thật tướng Bát Nhã”. Bởi thế nên người này công đức vô lượng.

Vừa nói đến “thật tướng”, ông Tu Bồ Đề sợ người chấp “thật tướng”, nên ông liền phá luôn cái chấp ấy, bằng cách dẫn lời Phật dạy: “Như Lai nói thật tướng, tức là không phải thật tướng, chỉ tạm gọi là thật tướng”.

GIẢI DANH TỪ

THẬT TƯỚNG. Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng).

Vậy thì cái không hình tướng mới là chơn thật. Kinh chép: “Vô tướng chi tướng, cố danh thật tướng”, (cái tướng mà không có hình tướng mới gọi là thật tướng).

Căn cứ theo lời giải thích này, thì “thật tướng” là không còn các vọng tướng và vọng chấp, tức là “Bát Nhã chơn không”.

29. NGƯỜI CÓ HẠT GIỐNG BÁT NHÃ MỚI TIN VÀ HIỂU ĐƯỢC KINH NÀY

Ông Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Hiện nay con nghe đặng kinh này, hiểu được, tin được và thọ trì, chẳng lấy làm khó. Khi Đức Như Lai nhật diệt, 500 năm về sau, nếu có người nghe kinh này, mà được hiểu ngộ, tin theo và thọ trì, thì người đó mới là hy hữu!

Tại sao vậy? Vì người này không còn chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả.

Bạch thế Tôn! Nói bốn tướng, không phải thật có bốn tướng, chỉ giả gọi bốn tướng là ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả. Tại sao vậy? Vì phảo xa lìa tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này tiếp với đoạn văn trên, nói người có hạt giống Trí huệ Bát Nhã, phá trừ được bốn tướng, mới tin và hiểu được kinh này.

Khi Phật còn tại thế, chúng sanh căn tánh Đại thừa rất nhiều, nên nghe kinh này hiểu và tin không khó. Đến sau khi Phật nhập diệt, chúng sanh căn tánh Đại thừa rất ít, nên nghe hiểu và tin được kinh này rất khó. Vì người nghe phải không còn chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả, mới hiểu được kinh Kim Cang Bát Nhã này.

Nói đến bốn tướng, ông Tu Bồ Đề sợ người chấp thật có bốn tướng, nên ông liền bác rắng: “Nói bốn tướng, không phải thật có bốn tướng, chỉ giả gọi bốn tướng mà thôi”.

Kết luận, ông nói rằng: “Phải rời tất cả các vọng chấp, vọng tướng, ngộ nhập Kim Cang Bát Nhã, mới gọi là chư Phật”.

Ngài Cảo Thiền sư, ngộ được câu: “Lìa tất cả các vọng chấp, mới là chư Phật”, nên có làm hai bài tụng rằng:

Nguyên văn (dịch âm):

Thân khẩu ý thanh tịnh

Thị danh Phật xuất thế

Thân khẩu ý bất tịnh

Thị danh Phật diệt độ

Tức tâm thị Phật vô dư Pháp

Mê giả đa ư tâm ngoại cầu

Nhứt niệm quách nhiên qui bổn tế

Hoàn như tẩy khước thượng thuyền đầu

Dịch nghĩa:

Thân, khẩu ý thanh tịnh

Đó là Phật xuất thế.

Thân, khẩu ý bất tịnh

Đó là Phật nhập diệt.

Tức tâm là Phật, Phật tại tâm

Kẻ mê rong ruổi, ngoại tâm cầu

Nhứt niệm giác ngộ về đến Phật

Dễ như rửa chân bước lên thuyền.

ĐẠI Ý HAI BÀI TỤNG

Ba nghiệp: Thân, miệng và ý đều thanh tịnh, đó là Phật xuất thế. Trái lại, ba nghiệp không thanh tịnh tức là Phật nhập diệt. Phật tức tâm, tâm tức Phật. Người mê muội không biết, lại tìm Phật ngoài tâm. Nếu trong nhứt niệm mà tâm giác ngộ thì tức thành Phật; rất dễ như người rửa chân bước lên thuyền.

30. PHẬT XÁC NHẬN LỜI NÓI CỦA ÔNG TU BỔ ĐỀ LÀ PHẢI

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Nếu có người nghe kinh này mà không nghi ngờ hay kinh sợ, thì người này rất là hy hữu”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này vẫn còn tiếp với hai đoạn văn trên, Phật xác nhận lời nói của ông Tu Bồ Đề là phải: Người có hạt giống Kim Cang Bát Nhã, không chấp các tướng mới hiểu và tin được kinh này

31. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP: “BÁT NHÃ LÀ ĐỆ NHỨT BA LA MẬT”

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Như Lai nói Bát Nhã là đệ nhứt Ba la mật, không phải Bát Nhã là đệ nhứt Ba la mật, thế mới thật Bát Nhã là đệ nhứt Ba la mật”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật phá cái chấp “Bát Nhã là pháp Ba la mật thứ nhứt”. Đây là lần thứ hai, Phật phá cái chấp Bát Nhã Ba la mật (lần thứ nhứt ở đoạn 22).

Trong 6 pháp Lục độ, tức là 6 pháp Ba la mật, thì Trí huệ Bát Nhã là bao trùm tất cả, nên Phật nói: “Bát Nhã là đệ nhứt Ba la mật”

Nhưng, nếu người còn chấp mình đặng “Bát Nhã là đệ nhứt Ba la mật”(chấp pháp) thì không phải thật đặng “Bát Nhã là đệ nhứt Ba la mật” nữa, vì còn chấp ngã (minh đặng) chấp pháp (Ba la mật). Bởi thế nên Phật dạy tiếp: “Không còn thấy (chấp) mình đặng Bát Nhã là đệ nhứt Ba la mật, thì mới thật đặng Bát Nhã là đệ nhứt Ba la mật”.

GIẢI DANH TỪ

Bát Nhã: (đã giải ở trước, đề mục kinh)

Ba la mật: (đã giải ở trước, đề mục kinh)

32. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “NHẪN NHỤC BA LA MẬT”

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Như Lai nói người Nhẫn nhục Ba la mật (rốt ráo) mà không thấy mình Nhẫn nhục Ba la mật, như thế mới thật là Nhẫn nhục Ba la mật”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật phá cái chấp “Người tu Nhẫn nhục Ba la mật, mà còn chấp mình đặng Nhẫn nhục Ba la mật”.

Nếu hành giả tu hạnh nhẫn nhục rốt ráo (Ba la mật) mà còn chấp minh tu hạnh nhẫn nhục rốt ráo, tức nhiên hành giả còn chấp chơn (người làm nhục) chấp ngã (ta bị nhục) thì chưa phải là nhẫn nhục rốt ráo. Hành giả phải lìa tất cả vọng chấp: nhơn, ngã, bỉ, thử v.v…nhập Kim Cang Bát Nhã, mà tu pháp nhẫn nhục thì pháp nhẫn nhục đó mới hoàn toàn rốt ráo, gọi là nhẫn nhục Ba la mật.

33. PHẬT NÓI TIỀN THÂN NGÀI LÀ MỘT VỊ TIÊN NHƠN TU HẠNH NHẪN NHỤC BA LA MẬT

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! về quá khứ, ta làm vị Tiên nhơn tu hạnh nhẫn nhục đến 500 đời. Bị vua Ca Lợi cắt xẻo thân thể từng đoạn, nhưng ta không sân hận; Vì ta không còn chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này tiếp theo đoạn trên (32) nói về việc tu hạnh nhẫn nhục Ba la mật. Muốn giải thích rõ ràng: thế nào là “nhẫn nhục rốt ráo” (nhẫn nhục Ba la mật), Phật dẫn bằng chứng điển hình, là tiền thân Ngài làm vị Tiên nhơn tu hạnh Nhẫn nhục. Bị vua Ca Lợi cắt xẻi thân thể ra từng mảnh, nhưng Ngài không hề sân hận. Vì ngài không còn chấp bốn tướng: ngã, nhơn v.v…nên mới đặng nhẫn nhục rốt ráo (nhẫn nhục Ba la mật).

Sách chép, một hôm vua Ca Lợi dẫn cung phi mỹ nữ lên núi để yến tiệc. Sau buổi yến tiệc say sưa, vua nằm nghỉ, các cung phi lén vua đi dạo núi.

Qua một đồi khác, thấy một vị Tiên nhơn ngồi tu dưới một gốc cây đại thọ, các cung phi rủ nhau đến chiêm bái.

Sau khi thức dậy, không thấ cung phi, vua liền đi tìm. Đến một đồi núi, thấy các cung phi đang ngồi xoay quanh hỏi đạo vị Tiên nhơn dưới một gốc cây cổ thụ, vua tức giận Hỏi:

Người là ai mà dám quyến rủ cung phi mỹ nữ của ta?

Tôi là Tiên nhơn tu hạnh Nhẫn nhục rốt ráo.

Có thật không?

Thật, tôi tu Nhẫn nhục rốt ráo (Ba la mật). Vua liền rút gươm xẻo mũi, lóc tai, chặt tay v.v…vị Tiên nhơn, mà không thấy vị Tiên nhơn có chút gì phản ứng hay sân hận v.v…

Sau cơn nóng giận, vua hối hận và Hỏi:

Có lẽ vì thế lực của nhà Vua nên Tiên nhơn Nhẫn nhục, không dám chống lại, chứ trong tâm làm sao khỏi buồn giận?

Tiên nhơn thề rằng: Nếu tôi không thiệt tu Nhẫn nhục rốt ráo, trong tâm còn chút giận hờn, thì tôi chết luôn theo với tay chân bị cắt xẻo; trái lại, nếu tôi thật tu Nhẫn nhục rốt ráo, tâm không sân hận thì tay chân của tôi bị cắt, đều hoàn y nguyên trở lại như xưa.

Lời thệ của Tiên nhơn vừa dứt thì mũi, tai, thân thể của Tiên nhơn đều hoàn lại như trước. Vua hết sức ăn năn sám hối tội lỗi của mình và thỉnh cầu Tiên nhơn tha thư.ù

Tiên nhơn đã không hờn giận, lại còn phát nguyện: “sau khi đắc đạo ta sẽ độ người trước”.

34. BỔ TÁT PHÁT TÂM BỔ ĐỀ PHẢI XA LÌA TẤT CẢ CÁC VỌNG CHẤP

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Bồ Tát phát tâm Bồ Đề, phải xa lìa tất cả các chấp tướng. Bồ Tát không nên sanh tâm trụ chấp nơi sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần v.v…

Nói tóm lại, Bồ Tát đừng sanh vọng tâm trụ chấp một nơi nào cả. Nếu Bồ Tát tân còn trụ chấp một nơi nào, thì không phải thật an trụ chơn tâm”.

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ hai (lần thứ nhứt ở đoạn 17), Phật dạy các vị Bồ Tát đừng sanh vọng tâm trụ chấp một nơi nào.

Tâm Bồ Đề là tâm Phật (xem đoạn 2). Bồ Tát phát tâm Bồ Đề, phải xa lìa tất cả các vô minh vọng chấp: Không chấp ngã, chấp nhơn, chấp chúng sanh, thọ giả, không chấp sáu căn, sáu trần và sáu thức v.v…Nói chung là không chấp ngã, chấp pháp.

Khi các vọng chấp hết rồi, thì tâm Bồ Đề hay tánh Bát Nhã v.v…hiện ra. Đó là “Hàng phục vọng tâm và an trụ chơn tâm”.

Nếu tâm còn có chỗ trụ chấp, tức là tâm còn vọng động; tâm còn vọng động thì trụ nơi điên đảo, chứ không phải an trụ chơn tâm hay tánh Bát Nhã. Bởi thế nên Phật dạy: “Nếu Bồ Tát tâm còn trụ chấp một nơi nào thì không phải thật an trụ chơn tâm.

Ngài Xuyên Thiền sư làm bài tụng, nói về việc không trụ chấp nơi sắc, thinh, hương, v.v…

Nguyên văn (dịch âm)

Kiến sắc phi can sắc

Văn thinh bất thị thinh

Sắc thinh vô ngại xứ

Thân đáo pháp vương thành

Dịch nghĩa:

Thấy sắc không mê sắc

Nghe tiếng chẳng nhiễm tiếng

Sắc tiếng đều không ngại

Mới đến pháp vương thành

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Trong khi sáu giác quan tiếp xúc với sáu trần cảnh, mà không khởi vọng niệm phân biệt, nhiễm ô mê hoặc(trụ chấp) nơi trần cảnh, thì hành giả sẽ được vào cảnh giới Phật (thành pháp vương).

35. PHẬT DẠY BỔ TÁT BỐ THÍ HAY LÀM CÁC VIỆC LỢI ÍCH CHÚNG SANH ĐỀU KHÔNG NÊN CHẤP TƯỚNG

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Bồ Tát khi bố thí hay làm các việc lợi ích cho tất cả chúng sanh, không nên sanh tâm trụ chấp các tướng (mình bố thí, người thọ thí, vật bố thí)

Tu Bồ Đề! Như Lai nói các tướng không phải thật (các pháp) chỉ giả gọi các tướng. Như Lai nói chúng sanh, không phải thật chúng sanh, chỉ giả gọi chúng sanh”.

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ hai (lần thứ nhứt về đoạn 4), Phật dạy các vị Bồ Tát bố thí hay làm các việc lợi ích chúng sanh, đều không nên chấp tướng (xem đoạn 4 ở trước).

Hành giả khi làm lợi ích các chúng sanh, mà tâm còn trụ chấp các tướng, nghiã là còn thấy mình bố thí, người thọ thí và vật bố thí, tất nhiên hành giả còn chấp ngã (mính, người) chấp pháp (vật bố thí), thì hành giả chỉ được phước hữu lậu nhiễm ô, nên không phải là bố thí Ba la mật (bố thí rốt ráo).

Bởi thế nên Phật dạy, các vị Bồ Tát, khi bố thí hay làm lợi ích cho các chúng sanh, phải nhập Kim Cang Bát Nhã mà làm; nghĩa là không có chấp các tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả thì được phước đức vô lậu thanh tịnh. Bố thí như vậy, mới phải là bố thí Ba la mật (bố thí rốt ráo).

Đoạn trước nói về Nhẫn nhục, đoạn này nói về bố thí. Muốn giúp cho qui vị Phật tử hiểu thêm và để thật hành, thế nào là “Nhẫn nhục rốt ráo” và thế nào là “bố thí rốt ráo”, chúng tôi xin nói thêm một thí dụ như sau.

Hành giả muốn đặng Nhẫn nhục Ba la mật hay bố thí Ba la mật, thì phải quán chúng sanh và mình đồng một bản thể, mới không thấy ta có bố thí và chúng sanh thọ thí hay người làm nhục và ta thọ nhục.

Thí dụ như tay mặt với tay trái, đồng thấy chung một thân, nên khi tay mặt lỡ làm tổn thương tay trí, (đóng đinh trợt tay) tay trái không giận. Vì tay trái tự nhận mình cùng với tay mặt đồng một thân, nên tay trái không thấy dó tay mặt làm nhục và mình bị nhục. Nhẫn nhục như thế mới là Nhẫn nhục rốt ráo (nhẫn nhục Ba la mật).

Trái lại, tay mặt lo lấy bông gòn và thuốc để băng cho tay trái, nhưng nó không kiêu hảnh, vì tay mặt cũng tự nhận mình cùng với tay trái đồng một thân, nên nó không thấy mình (tay mặt) là người ban ơn và tay trái là kẻ thọ ơn. Bố thí như thế, mới là bố thí rốt ráo (Bố thí Ba la mật).

36. NHƯ LAI NÓI THẬT, KHÔNG NÓI DỐI

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Như Lai nói thật, nói chơn chánh, không nói dối, không nói sai khác. Như Lai có đắc pháp, nhưng pháp ấy không thật không hư”.

LƯỢC GIẢI

Đến thời Bát Nhã, thì Phật phá hất các vọng chấp từ lâu của chúng sanh, để chúng sanh tiến lên một bực cao hơn nữa. Vì thế nên phần lý thuyết cũng như phần tinh thần của thời kinh Bát Nhã, rất lạ lùng hơn các thời thuyết pháp khác.

Sợ chúng sanh nghi ngờ lời Phật nói không chơn thật, khi nói vầy, khi nói khác, thya đổi không chừng, nên Phật gọi ông Tu Bồ Đề dạy rằng: “Như Lai nói thật, nói chơn chánh, không nói dối, không nói sai khác”.

Đức Như Lai được đạo Bồ Đề, nhưng nếu chấp đạo Bồ Đề này là hư hay thật thì không phải là Bồ Đề. Vì thế nên Phật dạy: “Như Lai có đắc pháp, nhưng pháp ấy không thật không hư”.

37. TRỤ TƯỚNG BỐ THÍ NHƯ VÀO NHÀ TỐI, VÔ TƯỚNG BỐ THÍ NHƯ ĐI BAN NGÀY

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát bố thí mà tâm còn trụ chấp nơi pháp bố thí, thì như người vào nhà tối, không thấy gì cả. Trái lại, nếu Bồ Tát bố thí mà tâm không trụ chấp nơi pháp bố thí, thì cũng như người có mắt sáng tỏ, lại nhờ ánh sángcủa mặt nhựt chíêu soi, được thấy tất cả mọi vật”.

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thấy thứ ba (lần thứ nhứt và hai ở đoạn 4 và 35), Phật dạy Bồ Tát bố thí không nên chấp tướng bố thí.

Người bố thí, nếu còn chấp tướng, nghĩa là còn thấy ta là người ban ơn, kia là kẻ thọ ơn, đó là vật bố thí, thì bị mây vô minh ngã, pháp che mờ Trí huệ Bát Nhã, nên Phật thí dụ: “như người đi vào nhà tối không thấy gì cả”.

Trái lại, nếu bố thí mà không chấp tướng, trong kinh gọi là “tam luân không tịch”; nghĩa là không thấy mình bố thí, (ban ơn) người thọ thí (thọ ơn) và vật bố thí (xem thí du tay mặt bó tay trái ở đoạn 35) thì mây vô minh ngã, pháp đều hết, nên mặt trời Trí huệ Bát Nhã hiện ra, chiếu soi khắp tất cả pháp. Bởi thế nên Phật nói: “Như người có mắt sáng tỏ, lại nhờ ánh sáng của mặt nhựt chiếu soi, được thấy mọi vật”.


Bài Thứ 7

PHẦN CHÁNH TÔN

38. Người thọ trì kinh này công đức vô lượng

39. Công đức kinh này vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn

40. Phật khuyên người thọ trì đọc tung kinh này sẽ được đạo quả Bồ Đề

41. chỗ phụng thờ kinh này, cũng được nhơn thiên và thánh thần cúng dường

42. Người thọ trì kinh này mà bị người kkhinh khi là do tội chướng đời trước của họ rất nặng nề.

43. Người thọ trì kinh này, công đức nhiều hơn Phật Thích Ca cúng dường vô số chư Phật

44. Kinh này nghĩa lý không thể nghĩ bàn, nên phước báo của người thọ trì kinh này cũng không thể nghĩ bàn.

45. Đây là lần thứ hai, ông Tu Bồ Đề hỏi lại Phật hai câu quan trọng

46. Phật phá cái chấp “Như Lai có đắc pháp với Phật Nhiên Đăng”.

47. Phật nói: “Tất cả các pháp đều là Phật pháp.

38. NGƯỜI THỌ TRÌ KINH NÀY CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Như Lai dùng Trí huệ Phật, thấy rõ ràng và biết chắc chắn: đời sau nếu có người phát tâm thọ trì đọc tụng kinh này, người ấy sẽ thành tựu công đức vô lượng vô biên”.

LƯỢC GIẢI

Đầy là lần thứ 6, Phật khuyến khích về công đức thọ trì kinh này.

Kinh này nghĩa lý cao siêu khác thường, quá tầm hiểu biết của người, sợ người không hiểu và không tin thì sẽ mất lợi ích lớn, nên Phật dạy: “Như Lai dùng Trí huệ Phật, thấy biết rõ ràng và chắc chắn: sau này nếu có người thọ trì đọc tung kinh này, sẽ được công đức vô lượng”.

Người hiểu biết được nghĩa lý và thọ trì kinh này, người ấy sẽ ngộ được kinh Kim Cang Bát Nhã, tức là đã trồng hạt giống Bồ Đề, tất nhiên sẽ đặng quả Bồ Đề nên Phật nói: “được công đức vô lượng”.

39. CÔNG ĐỨC KINH NÀY VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu có người nào, một ngày ba lần: Sớm mai, đem thân mình nhiều như số cát sông Hằng để bố thí; Trưa, đem thân mình nhiều như số cát sông Hằng để bố thí; Chiều, cũng đem thân mình nhiều như số cát sông Hằng để bố thí. Bố thì như vậy cho đến vô lượngtrăm ngàn muôn ức kiếp, phước đức của người này vô lượng vô biên.

Nếu có người nghe kinh này, tin hiểu không nghi ngờ, thì người này phước đức nhiều hơn người trước. Chỉ tin mà thôi còn được phước đức như vậy, huống chi là thọ trì đọc tụng, hoặc phiên dịch hay giảng dạy cho người. Tóm lại, công đức của kinh này vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn”.

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ 7, Phật tán thán công đức của kinh này không thể nghĩ bàn. Người đem một thân mình bố thí đã khó, huống chi là nhiều thân. Nhưng, giả sử có người đem nhiều thân mình ra bố thí, mỗi ngày ba lần, sớm mai, trưa và chiều đều bố thí vô lượng vô số thân mình, cho đến nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm và nhiều kiếp đều bố thí như vậy, thì phước đức người này biết là bao nhiêu.

Nhưng, nếu có người nghe kinh này, chỉ sanh lòng tin, không nghi ngờ, thì phước đức còn nhiều hơn người trước, huống chi thọ trì đọc tụng hoặc giảng dạy cho người khác.

Tại sao vậy? Vì người tin được kinh này là người đã ươm trồng hạt giống Kim Cang Bát Nhã; thọ trì đọc tụng là huân tưởng hạt giống Bát Nhã; giảng dạy cho người là làm cho người huân sanh hạt giống Bát Nhã. Hạt giống Bát Nhã đã sanh trưởng thì thế nào cũng được thành Phật. Bởi thế nên nguời tin thọ hoặc giảng dạy kinh này, phước đức nhiều hơn người bố thí thân mạng.

Tóm tắt đoạn này, Ngài Xuyên Thiền sư có làm bài tụng rằng:

Nguyên văn (dịch âm):

Sơ tâm hâu phát thí tân đồng

Công đức vô biên toán mạc cùng

Tranh tợ tín tâm tâm bất lập

Nhứt quyền đã phá thái hư không,

Dịch nghĩa:

Sớm trưa bố thí phát tâm đồng

Công đức vô biên tính chẳng cùng

Đâu bằng tính tâm không trụ chấp

Một tay đánh phá cõi hư không.

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Đây là lần thứ 8, Phật tán thán công đức người thọ trì kinh này sẽ đặng quả Bồ Đề của Phật .

Phật vì những hàng Đại thừa Bồ Tát và những người phát tâm Tối thượng thừa cầu quả Phật, mà nói kinh này. Bởi thế nên những người chịu nghe và tin theo kinh này, hoặc thọ trì đọc tụng hay giảng dạy cho người nghe, tất nhiên người ấy đã có căn tánh (hạt giống) Đại thừa hay Tối thượng thừa, nên đặng công đức vô lượng vô biên và sẽ thành Phật.

Trái lại, những người căn tánh Tiểu thừa, bị gò bó trong cái khung bốn tướng, tư tưởng không hợp với giáo lý Đại thừa, nên không bao giờ họ lãnh hội được kinh Đại thừa và tu hành theo Đại thừa hoặc giảng dạy cho người.

41. CHỖ PHỤNG THỜ KINH NÀY CŨNG ĐƯỢC NHƠN THIÊN VÀ THÁNH THẦN CÚNG DƯỜNG

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Chỗ nào phụng thờ kinh này, thì chổ ấy như có chùa tháp của Phật; tất cả trời người, thánh thần đều cung kính lễ bái, dâng hoa cúng dường hoặc di nhiễu”.

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ 9, Phật tán thán công đức Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.

Trong đoạn thứ 13, Phật dạy: ”Tất cả Phật và Pháp đ62u từ kinh này sanh ra”. Vì kinh này rất quý báu như vậy, nên trong đoạn 20 và đoạn này (41) đều nói, chỗ thờ kinh này, cũng được trời, người, thần thánh xem như chùa Phật hay tháp Phật, đều đến cung king lễ bái cúng dường, hoặc đi kinh hành (đi xung quanh chỗ thờ kinh).

42. NGƯỜI THỌ TRÌ KINH NÀY MÀ BỊ NGƯỜI KHINH KHI LÀ DO TỘI CHƯỚNG ĐỜI TRƯỚC CỦA HỌ RẤT NẶNG NỀ.

Phật dạy: ” Tu Bồ Đề! Nếu người tho trì đọc tụng kinh này, mà bị người khing khi, thì người này do tội chướng đời trước rất nặng nề còn thừa lại, đáng lẽ phải đoạ vào ác đạo; nhưng nay chỉ bị người khinh khi, nhưng tội chướng đời trước bị tiêu diệt và họ sẽ mau đặng quả Bồ Đề”.

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ 10, Phật tán thán công đức Kinh Kim Cang Bát Nhã.

Kinh này công đức vô biên và rất quý báu như thế, nên người thọ trì kinh này lẽ ra phải được sự cung kính tôn trọng. Nhưng trái lại, bị người khing khi, thì biết người này do tội chướng đời trước nặng nề còn thừa lại, đáng lẽ phải bị đoạ vào ác đạo. Nhờ công đức thọ trì kinh này, nên họ bị quả báo rất nhẹ, là chỉ bị người khinh khi. Từ đây các tội chướng đời trước tiêu diệt và họ sẽ đặng thành quả Phật.

Tóm tắt đoạn này, Ngài Trương Vô Tận có làm bài tụng:

Nguyên văn (dịch âm):

Tứ tự diêm hương khứ phục hoàn

Thánh phàm chỉ tại sát na gian

Tiền nhơn tội nghiệp kim nhơn tiện

Đáo khước tiền nhơn tội nghiệp sơn.

Dịch nghĩa:

Bốn mùa lạnh nóng mãi trôi qua

Phàm thánh không ngoài một sát na

Tội nghiệp tiền thân nay phải chịu

Chịu rồi mới hết nghiệp oan gia.

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Bốn mùa nóng lạnh, ngày thánh trôi qua là sự tuần hoàn của vũ trụ. Chứng thánh hay đoạ phàm, chỉ ở trong sát na mê hay ngộ. Kiếp trước làm tội ác nên kiếp này phải trả, bị người khinh khi. Trả xong nghiệp chướng oan gia mới được tự tại giải thoát.

43. NGƯỜI THỌ TRÌ KINH NÀY CÔNG ĐỨC NHIỀU HƠN PHẬT THÍCH CA CÚNG DƯỜNG VÔ SỐ CHƯ PHẬT

Phật dạy: ” Tu Bồ Đề! Ta nhớ trong quá khứ, về vô lượng vô số kiếp, trước thời Phật Nhiên Đăng, ta cúng dường và phụng thờ tám trăm bốn ngàn muôn ức vô số chư Phật. Nhưng về sau này, nếu có người thọ trì đọc tụng kinh này, thì công đức của người này so với công đức của ta cúng dường phụng thờ vô số chư Phật trước kia, công đức của ta không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần vạn, một phần ức của người này; cho đến dùng toán số hay thí dụ cũng không thể tính toán hay thí dụ được công đức của người thọ trì kinh này”.

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ 11, Phật tán thán công đức Kinh Kim Cang Bát Nhã.

Cúng Phật thuộc về tu phước, dù nhiều bao nhiêu, cũng thuộc về phước hữu vi.

Người thọ trì kinh này, sẽ tỏ ngộ được lý Bát Nhã và sẽ mau đặng đạo quả Bồ Đề. Sau khi thành đạo, họ sẽ trở lại hoá độ vô số chúng sanh đều được giải thoát, thì công đức làm sao thí dụ được hay tính toán cho hết. Bởi thế nên Phật nói: ”Công đức của người thọ trì kinh này nhiều hơn công đức của Phật cúng dường vô số chư Phật về quá khứ”.

44. KINH NÀY NGHĨA LÝ KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN NÊN PHƯỚC BÁO CỦA NGƯỜI THỌ TRÌ KINH NÀY CŨNG KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN

Phật dạy: ” Nếu ta nói hết công đức của người thọ trì đọc tụng kinh này, sợ e người nghe, tâm sanh cuồng loạn, hoặc nghi ngờ không tin.

Tóm lại, kinh này nghĩa lý vô biên, không thể suy nghĩ và luận bàn, nên phước báu của người thọ trì kinh này cũng không thể suy nghĩ và luận bàn”.

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ 12, Phật tóm lại, tán thán nghĩa lý của kinh này vô biên, nên công đức của người thọ trì kinh này, cũng không thể nghĩ bàn.

Từ trước đến đây đã 12 lần, Phật so sánh, khuyến khích và tán dương công đức của người thọ trì kinh này. Nếu nói hết lời, Phật e người nghe rối trí, hoặc nghi ngờ không tin. Nếu người hiểu được nghĩa lý cao thâm của kinh này, không thể nghĩ bàn, thì họ sẽ tin công đức phước báu của người thọ trì kinh này, cũng không thể nghĩ bàn.

45. ĐÂY LÀ LẦN THỨ HAI, ÔNG TU BỔ ĐỀ HỎI LẠI PHẬT HAI CÂU QUAN TRỌNG

Khi ấy, ông Tu Bồ Đề bạch Phật: ”Bạch Thế Tôn! nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì làm sao hàng phục vọng tâm và làm sao an trụ chơn tâm?”

Phật dạy: ” Tu Bồ Đề! nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì phải dụng tâm như vầy: Ta hoá độ tất cả chúng sanh, nhưng không thấy có mình độ và chúng sanh được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ Tát còn tướng ngã, nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả, tức nhiên không phải là Bồ Tát.

Tu Bồ Đề! Thật không có một pháp gì gọi là phát tâm Bồ Đề”.

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ hai (lần thứ nhứt ở đoạn 1), ông Tu Bồ Đề hỏi Phật “Làm sao hàng phục vọng tâm? Và làm sao an trụ chơn tâm?”.

Đại ý Phật dạy: ” Nguời phát tâm Bồ Đề ra làm các Phật sụ, lợi ích tất cả chúng sanh, không nên chấp ngã, pháp hay bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả. Nếu không chấp ngã pháp hay bốn tướng thì sóng phiền não vọng niệm không sanh. Nếu sóng phiền não vọng niệm không sanh thì biển chơn tâm tự yên tịnh. Đó là phương pháp “hàng phục vọng tâm” mà cũng là “an trụ chơn tâm”.

Nếu Bồ Tát làm Phật sự, hoá độ chúng sanh, mà còn thấy có mình hoá độ (ngã) và người được độ (nhơn) thì Bồ Tát chưa nhập được Kim Cang Bát Nhã, vì còn chấp bốn tướng: ngã, nhơn v.v…nên không phải là Bồ Tát.

Nói đến “Tâm Bồ Đề”, sợ có người trụ chấp tâm Bồ Đề, nên Phật liền phá chấp: ” Thật không có một pháp gì gọi là phát tâm Bồ Đề”.

Ngộ được lý vô trụ của kinh Kim Cang Bát Nhã, Ngài Trường Sa có làm bài kệ như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Bách xích can đầu bất động nhơn

Tuy nhiên đắc nhập vị vi chơn

Bách xích can đầu tu tấn bộ

Thập phương thế giới hiện toàn thân.

Dịch nghĩa:

Đầu sào trăm thước đứng vững trân

Tuy ngộ nhưng chưa đúng lý chơn

Đầu sào trăm thước thêm một bước

Mười phương thế giới hiện toàn thân.

ĐẠI Ý BÀI KỆ

Hai câu đầu là nói, người tu hành dầu cao siêu đến đâu, nhưng nếu còn chấp một tí nào, thì cũng chưa phải là thật tu, thật chứng, cũng như người đứng trên đầu sào trăm thước, tuy cao, nhưng chưa thoát ly được đầu sào.

Hai câu sau là nói, hành giả phải rời tất cả vọng chấp ngã, pháp mới nhập được pháp giới tánh (chơn tâm hay Bát Nhã); lúc bấy giờ thân mình hiện khắp cả mười phương pháp giới; cũng như chim đã bỏ đầu sào trăm thước, thung dung tự tại bay đi trong cõi thái hư.

46. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “NHƯ LAI CÓ ĐẮC PHÁP VỚI PHẬT NHIÊN ĐĂNG”

Phật Hỏi: ” Tu Bồ Đề! Về quá khứ, Như Lai có đắc pháp Bồ Đề với Phật Nhiên Đăng không?”

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn!Như Lai không có đắc pháp Bồ Đề với phậ Nhiên Đăng: .

Phật dạy: “Đúng như vậy, Như Lai không có đắc pháp gì cả. Nếu Như Lai có đắc pháp thì Phật Nhiên Đăng không thọ ký cho ta rằng: về sau, ông sẽ thành Phật hiệu là Thích ca Mâu Ni”.

Phật dạy tiếp: “Tu Bồ Đề! Có người nói: “Như Lai đặmng quả Bồ Đề “. Thật ra, Như Lai là bản thể như như của các pháp, nên Như Lai không đặng pháp gì cả.

Tu Bồ Đề! Như Lai đặng đạo Bồ Đề, không phải hư, không phải thật”.

LƯỢC GIẢI

Đây là lần thứ hai (lần thứ nhứt ở đoạn 15) phật dùng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã, phá cái chất “Phật có đắc pháp”. Đúng theo thinh thần kinh Kim Cang Bát Nhã, thì phải phá trừ hết các mây vô minh vọng chấp nhơn, ngã v.v…lúc bấy giờ mặt trời Bát Nhã chơn không (chơn như hay Phật tánh) mới hiện.

Bởi thế nên Phật tuy đắc pháp Bồ Đề, nhưng không thấy mình có đắc (vô ngã) và pháp Bồ Đề (vô pháp) đã đắc, nên mới được Phật nhiên Đăng thọ ký.

Nếu Như Lai còn thấy mình có đắc pháp Bồ Đề, tức nhiên Như Lai còn chấp ngã (mình đặng) và chấp pháp (pháp Bồ Đề), chưa nhập được Kim Cang Bát Nhã, thì đâu được Cổ Phật Nhiên Đăng chứng nhận cho: “Về sau ông sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni”.

Chúng sanh chấp “Như Lai đặng quả Bồ Đề”, vì chúng sanh chưa hiểu hai chữ “Như Lai”. Phật giải thích: ”Như Lai là bản thể như như của các pháp”; đã là như như, nên không có đặng pháp gì cả.

Phật dạy tiếp: ” Như Lai đặng đạo Bồ Đề, không phải hư, không phải thật”. Nếu đạo Bồ Đề mà còn có hư hay là thật, thì không phải Bồ Đề. Đến chỗ này thì dùng lời nói luận bàn không trúng, đem ý thức suy nghĩ phân biệt cũng chẳng nhằm. Đây là lần thứ ba, Phật phá cái chấp “Như Lai đặng đạo Bồ Đề” (lần thứ nhứt và thứ hai ở về đoạn 15 và 36).

Ngộ được lý “Phật tuy đã thành Phật, nhưng không thấy mình được thành Phật”, nên ngài Phật Quốc Thiền sư có làm bài kệ như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Tâm tâm tức Phật, Phật tâm tâm

Phật Phật tâm tâm, tức Phật tâm

Tâm Phật ngộ lai vô nhứt vật

Tướng quân chỉ khát vọng mai lâm.

Dịch nghĩa:

Tâm tâm tức phật, phật tức tâm

Phật phật tức tâm, tâm tức Phật

Tâm, Phật ngộ rồi không chi cả

Nói me đỡ khát vạn quân binh.

ĐẠI Ý BÀI KỆ

Người mê, chấp tâm và Phật riêng khác. Kẻ hiểu lại nói: Phật tức tâm, tâm tức Phật. Người tỏ ngộ rồi không còn thấy có Phật và tâm. Vì cảm hoá chúng sanh nên mới đặt ra có danh từ tâm và Phật để kêu gọi. Cũng như vì muốn cho vạn quân đỡ khát nước, nên vị Chỉ huy mới phương tiện nói “gần đến rừng me”.

GIẢI DANH TỪ

Thọ ký: Truyền trao và ký nhận.

47. PHẬT NÓI: ” TẤT CẢ CÁC PHÁP ĐỀU LÀ PHẬT PHÁP”

Phật dạy: ” Tu Bồ Đề! Như Lai nói: ” Tất cả các pháp đều là Phật pháp”. Tu Bồ Đề! Như Lai nói các pháp thật ra không phải các pháp, chỉ giả gọi “các pháp”; cũng như thân Phật cao lớn, Như Lai nói không phải thân Phật cao lớn, chỉ giả gọi “thân Phật cao lớn”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật phá cái chấp “các pháp và thân Phật”. Kinh chép: ” Pháp thân Phật biến khắp tất cả; cảnh giới của Phật ở gọi là Thường tịch quang?. Bởi thế nên nói “tất cả các pháp đều là Phật pháp”.

Chúng ta bị mây vô minh che khuất trăng Bát Nhã, nên chỉ thấy các pháp ngã, nhơn v..v.. chư Phật và Bồ Tát đã giác ngộ, phá tan mây vô minh, trăng Bát Nhã được sáng tỏ, nên chỉ thấy toàn là Phật pháp.

Vừa nói đến “các pháp”, sợ chúng sanh chấp “các pháp? mà không ngộ được tánh Bát Nhã chơn không, nên Phật liền phá: ” Như Lai nói “các pháp” thật ra không phải “các pháp”, chỉ giả gọi là “các pháp”. Cũng như thân Phật, thật ra không phải thân Phật, chỉ giả gọi thân Phật”.


Bài Thứ 8

PHẦN CHÁNH TÔN

48. Phật phá cái chấp “Bồ Tát có độ sanh”

49. Phật phá cái chấp “Bồ Tát có làm trang nghiêm cõi Phật”

50. Phật có đủ 5 loại con mắt

51. Phật thấy biết hết các tâm niệm của chúng sanh trong hằng sa thế giới

52. Phật phá cái chấp “phước đức nhiều”

53. Phật phá cái chấp “thấy sắc thân và tướng tốt của Phật là thấy Phật”

54. Phật phá cái chấp “Như Lai có thuyết pháp”

55. Phật phá cái chấp “thật có chúng sanh”

48. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “BỔ TÁT CÓ ĐỘ SANH”

Phật dạy: ” Tu Bồ Đề! nếu Bồ Tát còn chấp mình hoá độ vô số chúng sanh thì không phải là Bồ Tát. Tại sao vậy? vì thật ra không có một pháp gì gọi là Bồ Tát. Bởi thế nên Phật nói: ”Tất cả các pháp không ngã, không nhơn, không chúng sanh và không thọ giả”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá trừ cái chấp “thật có Bồ Tát, thật có độ sanh” và Phật dạy: ” Các pháp đều giả, không có bốn tướng”.

Đúng theo tinh thần kinh Bát Nhã, thì pháp nào hay việc làm nào của Bồ Tát, hợp với tánh Bát Nhã chơn không, thì pháp đó hay việc làm đó mới là thật.

Nếu Bồ Tát còn chấp có mình độ sanh tức là Bồ Tát còn nhơn (người được độ) ngã (mình độ) v.v…thì không hợp với tinh thần Bát Nhã, nên không phải là Bồ Tát. Đây là lần thứ hai (lần thứ nhứt ở đoạn 3) Phật phá cái chấp “Bồ Tát có độ sanh”.

Vì Bồ Tát hợp với tánh Bát Nhã chơn không, nên Phật dạy: ” Không có một pháp gì gọi là Bồ Tát”. Cũng vì các pháp hợp với tánh Bát Nhã chơn không, nên Phật dạy: ” Tất cả các pháp đều không ngã, không nhơn, không chúng sanh và không thọ giả”.

49. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “BỔ TÁT CÓ LÀM TRANG NGHIÊM CÕI PHẬT”

Phật dạy: ” Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát chấp rằng: ” Ta làm trang nghiêm cõi Phật”, thì không phải là Bồ Tát. Tại sao vậy? Như Lai nói: ” Bồ Tát làm trang nghiêm cõi Phật, mà không chấp mình có làm trang nghiêm cõi Phật, mới thật là trang nghiêm cõi Phật.

Tóm lại, nếu Bồ Tát không còn chấp ngã chấp pháp, Như Lai mới gọi là “thật Bồ Tát”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dạy: Bồ Tát không còn chấp ngã, chấp pháp, phải hợp với tánh Bát Nhã chơn không, mới phải thật là Bồ Tát và mới phải là trang nghiêm cõi Phật. Đây là lần thứ hai (lần thứ nhứt, xem đoạn 16) Phật phá cái chấp “Bồ Tát có trang nghiêm cõi Phật”.

Bồ Tát làm trang nghiêm cõi Phật, mà không chấp minh có làm trang nghiêm, như thế mới thật là trang nghiêm cõi Phật. Trái lại, nếu Bồ Tát chấp mình có làm trang nghiêm cõi Phật, tức là Bồ Tát còn chấp ngã (ta làm) chấp pháp (cõi Phật), không hợp với tinh thần Bát Nhã, thì không phải là trang nghiêm và cũng không phải là Bồ Tát.

Tóm lại, Phật dạy: ” Nếu Bồ Tát nhập vào Bát Nhã chơn không, không còn các vọng chấp ngã, pháp, thì Như Lai mới gọi là thật “Bồ Tát?.

Ngài Xuyên Thiền sư làm bài tụng tóm tắt lại ý nghĩa trên, như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Tá bà sam tử bái bà môn

Lễ số châu truyền dĩ thập phần

Trúc ảnh tảo dai, trần bất động

Nguyệt luân xuyên hải thuỷ vô ngần.

Dịch nghĩa:

Mượn áo tràng bà để lạy bà

Lễ rồi, áo trả lại cho bà

Bóng trúc quét sân, trần chẳng động

Vừng trăng xuyên biển, nước không xao.

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Bài kệ này nói về lý “vô trụ vô tướng? của kinh Bát Nhã, Bồ Tát làm trang nghiêm cõi Phật; cũng như người mượn áo tràng của bà để lạy bà. Nhưng Bồ Tát không chấp có trang nghiêm cõi Phật; như người lạy rồi trả áo, không còn giữ lại vết tích gì cả.

Bồ Tát độ sanh hay làm các Phật sự mà không thấy có mình độ và chúng sanh được độ v.v…cũng như bóng trúc quét bụi, tia sáng của vừng trăng xuyên biển; bụi trần không động mà nước cũng không dợn.

50. PHẬT CÓ ĐỦ NĂM LOẠI CON MẮT

Phật Hỏi: ” Tu Bồ Đề! Như Lai có nhục nhãn không? ” Tu Bồ Đề thưa: ” Bạch thế Tôn! Như Lai có nhục nhãn”.

“Tu Bồ Đề! Như Lai có thiên nhãn không?”

“Bạch Thế tôn! Như Lai có thiên nhãn “.

” Tu Bồ Đề! Như Lai có Huệ nhãn không?”

“Bạch Thế tôn! Như Lai có Huệ nhãn “.

” Tu Bồ Đề! Như Lai có Pháp nhãn không?”

“Bạch Thế tôn! Như Lai có Pháp nhãn “.

” Tu Bồ Đề! Như Lai có Phật nhãn không?”

“Bạch Thế tôn! Như Lai có Phật nhãn “.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này phá cái chấp “Phật và Bồ Tát không thấy chi hết”.

Mục đích của kinh Bát Nhã là phải phá hết các vọng chấp, thì chơn tâm hay Phật tánh (Bát Nhã) mới hiện. Bởi thế nên, chấp “có” đã bị bác, mà chấp “không” cũng bị bác.

Từ trước đến đây, Phật đã nhiều lần phá về chấp có. Như nói: ”Bồ Tát phải không thấy có mình độ sanh, không thấy có chúng sanh được độ. Bồ Tát không thấy mình làm trang nghiêm và không thấy cõi Phật được trang nghiêm v.v…”

Sợ người chấp: ” …như thế thì chư Phật và Bồ Tát không thấy chi hết”, nên đến đoạn này, Phật mới hỏi ông Tu Bồ Đề: ” Như Lai có năm món nhãn không?” . Ông Tu Bồ Đề thưa: ”Như Lai có đủ năm món nhãn”; nghĩa là có đủ năm loại con mắt, nên Như Lai thấy tất cả.

GIẢI DANH TỪ

1. Nhục nhãn: Con mắt thịt cùa phàm phu, chỉ thấy trong phạm vi nhỏ hẹp; nếu bị vật gì che ngăn thì không thấy.

2. Thiên nhãn: Con mắt của chư thiên, do tu thiền định hoặc sanh lên các cõi trời, mới được con mắt này. Thiên nhãn thấy được xa và thấu suốt tất cả, không bị vật gì làm chướng ngại.

3. Hụê nhãn: Con mắt Trí huệ. Huệ nhãn chỉ thấy “ngã không”; nghĩa là chúng sanh không thật, chỉ do ngũ uẩn và tứ đại hoà hợp. Hàng Thinh văn và Duyên giác mới có Huệ nhãn.

4. Pháp nhãn: Con mắt thấy suốt tất cả các pháp. Bồ Tát đặng pháp nhãn, thất “ngã pháp”, đều không; nghĩa là Bồ Tát không những rõ thấu ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả đều không, mà cũng rõ thấu tất cả các pháp đều không thật, chỉ do các duyên hoà hợp sanh.

5. Phật nhãn: Con mắt Phật. Phật thấy biết tất cả các pháp trong thế gian và xuất thế gian. Phật thấy hoàn toàn viên mãn, dù hằng sa thế giới, vô lượng chúng sanh. Phật cũng đều thấy và biết tất cả.

Tóm lại, Phật có đủ 5 con mắt; Bồ Tát có 4 con mắt; Nhị thừa còn 3; phàm phu chỉ một; chư thiên có 1 hoặc 2.

Cổ nhơn làm bài tụng nói về ngũ nhãn như sau:

Dịch âm (nguyên văn):

Thiên nhãn thông phi ngại

Nhục nhãn ngại phi thông

Pháp nhãn phi quán tục

Huệ nhãn liễu trí thông

Phật nhãn như thiên nhựt

Chiếu dị thể hoàn đồng.

Dịch nghĩa:

Mắt Trời thấy thông suốt

Mắt Thịt thấy có ngại

Mắt Pháp thấy pháp không

Mắt Huệ thấy ngã không

Mắt Phật thất tất cả

Muôn pháp đồng nhứt thể.

51. PHẬT THẤY BIẾT HẾT TÂM NIỆM CỦA CÁC CHÚNG SANH, TRONG HẰNG SA THẾ GIỚI

Phật Hỏi: “Tu Bồ Đề! Cát ỏ trong song hằng, Như Lai có gọi là cát không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Như Lai cũng gọi là cát”.

Phật Hỏi: “Như một sông Hằng có vô số cát, rồi lấy mỗi một hạt cát, để thí dụ một song Hằng, thì có vô số sông Hằng. Trong vô số sông hằng, mỗi một sông Hằng lại có vô số cát nữa, rồi đem vô số hạt cát trong vô số sông Hằng đó, lại thí dụ nữa, mỗi một hạt cát là một hạt cát của Phật (Đại thế giới). Như thế, thế giới của Phật có nhiều không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn nhiều lắm”.

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Tất cả chúng sanh ở trong vô số thế giới như vậy, có bao nhiêu tâm niệm, Như Lai đều thấy biết tất cả”.

Phật dạy tiếp: “Tu Bồ Đề! Như Lai nói tâm, không phải thật có tâm, chỉ giả gọi là “tâm”. Tại sao vậy? Vì tâm quá khứ tìm không được, tâm hiện tại tìm không được, tâm vị lai cũng tìm không được”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn nay tiếp với đoạn trên (50), Như Lai có 5 con mắt, nên Như Lai thấy biếtvô cùng thế giới và vộ tận chúng sanh.

Trong vô số thế giới, mỗi thế giới có vô số chúng sanh, mỗi chúng sanh có bao nhiêu tâm niệm, Như Lai đều thấy biết tất cả.

Vừa nói đến “tâm”, sợ chúng sanh vọng chấp “có tâm” mà không nhhập được Kim Cang Bát Nhã, nên Phật liền phá: “Như Lai nói “tâm” không phải thật có tâm, chỉ giả gọi là “tâm”.

Phật giải thích thêm: Vì tâm quá khứ đã diệt, tâm vi lai chưa đến, tâm hiện tại không dừng trụ, nên trong ba đời tìm tâm không thể được.

Thuở xưa, Ngài Huệ Khả (Nhị Tổ) đến cầu Tổ Đạt Ma (Sư Tổ) về pháp an tâm (xen “bản đồ tu Phật” tập 4).

Tổ Đạt ma Hỏi: “Ông đến đây để làm gì?”.

Ngài Huệ Khả thưa: “Bạch Tổ Sư! Con đến đây để cầu pháp an tâm”.

Tổ Đạt Ma Hỏi: ” Quá khứ tâm bất đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc, vậy ông muốn an cái tâm nào?”.

Ngài huệ Khả thưa: “Trong ba thời (quá khứ, hiện tại và vị lai) con tìm tâm đều không thể được”.

Tổ Đạt Ma dạy: “ta đã an tâm cho ông rồi”. Ngài huệ Khả liền tỏ ngộ.

Ngài Xuyên Thiền sư có làm bài kệ nói về ba tâm

Nguyên văn (dịch âm):

Tam tế cầu tâm, tâm bất biến

Luỡng nhãn y nhiên đối lưỡng nhãn

Bất tu di kiếm khắc chu tầm

Tuyết tuyệt phong hoa thường kiến diện

Dịch nghĩa:

Hai mắt trơ trơ chỉ ngó chăm

Tìm mãi ba đời chẳng thấy tâm

Tuyết nguyệt phong ba thường đối diện

Kiếm rơi hà tất khắc khe tầm

LƯỢC GIẢI VÀ ĐẠI Ý

Thuở xưa, có người đi thuyền làm rơi cây kiếm dưới sông. Người ấy liền lấy dao khắc be thuyền, để chờ thuyền đậu nghỉ sẽ tìm. Đến khi thuyền đậu, người ấy xuống sông mò hoài không được kiếm. Anh ta thắc mắc: “Cây kiếm mới rớt, tôi khắc thuyền làm dấu ngay chỗ này, sao tìm hoài không được”.

Người trí thấy vậy bảo: ”Anh dại quá! Kiếm rớt hồi nãy, thì anh phải tìm ngay chỗ hồi nãy và tại chỗ đó; chớ đợi đến bây giờ, đã khác chỗ rồi, thì làm sao tìm được”.

Cũng thế, người tu hành phải trực ngộ bản tâm mình. Nếu còn móng tâm để tìm tâm ở đâu đâu, thì không bao giờ tìm được; vì tâm quá khứ đã diệt, tâm hiện tại không dừng, tâm vị lai chưa đến.

Tóm lại, đại ý bài tụng:

Những cảnh vật thiên nhiên, như tuyết trong, trăng sáng, gió mát, hoa tươi ở trước mắt, d8èu biểu lộ bản thể chơn tâm thường trú. Hành giả phải tức nơi muôn vật đó mà trực ngộ bản tâm mình, cần gì phải tìm đâu xa. Nếu hành giả không trực ngộ, mà cứ lo tìm tâm quá khứ, hiện tại và vị lai, thì cũng như người khắc dấu lên thuyền để mò kiếm, không bao giờ mò được.

52. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “PHƯỚC ĐỨC NHIỀU”

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu có người dùng 7 món báu, đựng đầy trong một Đại thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) đem bố thí, người này được phước đức không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “nếu chấp phước đức này thật có, thì Như Lai nói phước đức này không nhiều. Không chấp phước đức nhiều, Như Lai mới nói “đặng nhiều phước đức”.

LƯỢC GIẢI

Nếu đem tân chấp tướng mà làm việc phước đức, thì phước đức đó thành hữu vi hữu lậu; dầu có nhiều bao nhiêu cũng có ngày cùng tận. Trái lại, nếu đem tâm vô tướng (không cầu danh, cầu lợi, không chấp nhơn, chấp ngã v.v…) mà làm việc phước đức, thì phước dức này thuộc về vộ lậu thanh tịnh, hợp với tánh Bát Nhã chơn không (chơn tâm) dù làm ít, nhưng phước đức vô cùng tận.

Thuở xưa, Tổ Đạt Ma đến Trung Hoa truyền đạo. Vua Lương Võ Đế đem việc bố thí làm phước, đúc chuông, tạo tượng và lập 72 cảnh chùa v.v…để hỏi Tổ Đạt Ma. Trong câu hỏi có tánh cánh khoe khoang chấp tướng.

Vua Hỏi: “Trẫm lập 72 cảnh chùa, đúc chuông, tạo tượng, tu kiều, bồi lộ v.v…phước đức có nhiều không?”.

Trả lới đúng theo tinh thần “vô trụ, vô tướng” của kinh Bát Nhã, Tổ Đạt Ma nói: “Không có phước đức”. Vua Lương Võ Đế vì trình độ quá kém, không hiểu được lời của Tổ dạy, nên nghi rằng không phải Tổ, lại đem dâng thuốc độc cho Tổ Đạt Ma uống …(xem quyển “Tổ Đạt Ma”, do Hương Đạo xuất bản).

Ngài Xuyên Thiền sư tả về cảnh: khi các mây vô minh vọng chấp hết, thì mặt trăng Trí huệ Bát Nhã hiện ra, bằng hai câu như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Vô hạn dã tâm phong quyển tận

Nhứt luân cô nguyệt chiếu thiên tâm

Dịch nghĩa:

Gió cuốn mây đen về biển cả

Một vừng trăng sáng giữa trời không

53. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “THẤY SẮC THÂN VÀ TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT LÀ THẤY PHẬT”

Phật Hỏi: “Tu Bồ Đề! ông có thể cho thấy sắc thân của ta đây là thấy được Phật không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Không thể cho thấy sắc thân của Phật là thấy được Phật. Tai sao vậy? Vì Như Lai nói sắc thân, không phải thật sắc thân, chỉ giả gọi là sắc thân”.

Phật hỏi tiếp: “Tu Bồ Đề! ông có thể cho thấy các tướng tốt (32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp) của ta đây là thấy được Phật không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! không thể cho thấy các tướng tốt của Phật là thấy được Phật. Tại sao vậy? Vì Như Lai ní các tướng tốt, không phải thật tướng tốt, chỉ giả gọi là tướng tốt”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã phá trừ cái chấp: “Thấy sắc thân và tướng hảo của Phật lá thấy được Phật”. Đây là lầ thứ ba (lần thứ nhứt và nhì ở đoạn 7 và 25) Phật phá cái chấp về việc thấy Phật.

Kinh Kim Cang, Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (phàm cái gì có hình tướng đều là hư dối).

Sắc thân của Phật, do bốn đại hoà hợp giả tạo ra thân tướng, nên thân tướng của Phật cũng hư vọng không thật, chỉ giả gọi là thân Phật.

Rồi từ trên thân tướng, do bốn đại giả tạo, lại sanh ra nhiều tướng, những tướng ấy cũng hư vọng không thật, chỉ giả gọi là 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp.

Đến lúc hoàn thành nhiệm vụ độ sanh, Phật thâu thần nhập diệt, xả thân tướng tứ đại để vào cõi Niết bàn, thì xác thân và 32 tướng tốt, do tứ đại giả hợp của Phật cũng thao luật “sanh, trụ, dị, diệt” mà biến đổi. Lúc bấy giờ không còn cái gì để gọi là sắc thân và tướng tốt.

Bởi thế nên Phật dạy: “Không phải sắc thân, chỉ giả gọi sắc thân; không phải tướng tốt, chỉ giả gọi là tướng tốt”. Vì thế nên ông Tu Bồ Đề thưa: “Không thể cho thấy sắc thân hay thấy tướng tốt của Phật mà cho là thấy được Phật”.

54. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “NHƯ LAI CÓ THUYẾT PHÁP”

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Ông chớ nên nghĩ rằng: “Như Lai có thuyết pháp”. Tại sao vậy? Nếu người nào không hiểu lời của Phật dạy, lại nói rằng: “Như Lai có thuyết pháp”, thì người ấy khinh báng Phật”.

Tu Bồ Đề! Như Lai nói: “Thuyết pháp, tức là không có pháp gì có thể nói được, mới gọi là thuyết pháp”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã phá trừ cái chấp “Như Lai có thuyết pháp”. Đây là lần thứ 3, Phật phá cái chấp về “Như Lai có thuyết pháp” (lần thứ nhứt ở đoạn 11 và 23)

Nếu người nào chấp: “Phật có thuyết pháp”, thì người đó còn chấp ngã (Phật) và chấp pháp (thuyết pháp). Đem tâm vọng chấp ngã pháp cuả phàm phu mà suy nghĩ luận bàn đến chánh pháp của Phật, thì chánh pháp của Phật, trở thành vọng chấp của phàm phu. Ngài Xuyên Thiền sư nói: “Tà nhơn thuyết chánh pháp, chánh pháp tức qui tà” (người tà nói pháp chánh, pháp chánh trở thành tà). Bởi thế nên Phật nói: “người đó khinh báng Phật “. Vì họ không nhập được “lý Kim Cang Bát Nhã”, nên Phật nói: “Họ không hiểu được lời của Phật dạy”.

Đức Lão Tử nói: “Đạo mà có thể nói được, thì không phải thật là Đạo (Đạo khả đạo, phi thường đạo)”. Cũng đồng một ý này, Đức Phật dạy: “Không có pháp gì có thể nói được, mới gọi là thuyết pháp”.

Phật nói bài kệ như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Thị tùng thành đạo hậu

Chung chí Bạt đề hà

Ư thị nhị trung gian

Vị thường thuyết nhứt tự

Dịch nghĩa:

Từ khi mới thành đạo

Đến lúc nhập Niết bàn

Trong khoảng thời gian ấy

Ta không nói một chữ.

ĐẠI Ý BÀI KỆ

Bài kệ này, nói về lý kinh Bát Nhã. Cổ nhơn dạy: “vô thuyết vô văn chơn Bát Nhã”, (không nói Bát Nhã và không nghe Bát Nhã, mới thật là nói Bát Nhã và nghe Bát Nhã), (xin độc giả xem lại đoạn giải 11 và 23).

55. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “THẬT CÓ CHÚNG SANH”

Khi đó, ông Tu Bồ Đề thưa Phật: “Bạch Thế Tôn! Đời sau, nếu có chúng sanh nào nghe đến kinh Bát Nhã, không biết họ có thể tin được không?”. Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Chúng kia, không phải chúng sanh, cũng không phải phi chúng sanh. Tại sao vậy? Như Lai nói chúng sanh, thật không phải chúng sanh, chỉ giả gọi là chúng sanh”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã phá cái chấp “thật có chúng sanh”. Trong tánh Bát Nhã chơn không thì ngã và pháp đều không, bốn tướng chẳng còn.

Bốn tướng đã không, ngã chấp chẳng còn, thì đâu có gì là chúng sanh hay phi chúng sanh. Đã không phải chúng sanh hay phi chúng sanh, thì có gì là tin hay không tin. Đúng theo tinh thần kinh Bát Nhã, nếu còn phân biệt vọng chấp, thì không phải là thật. Bởi thế nên Phật dạy tiếp: “Như Lai nói chúng sanh, không phải thật chúng sanh, chỉ giả gọi là chúng sanh”.

Ngài Phó Đại sĩ làm bài tụng, để tóm tắt lại đoạn này, như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Chúng sanh dữ thọ giả

Uẩn thượng lập hư danh

Như qui mao bất thật

Tợ thố giác vô hình

Dịch nghĩa:

Ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả

Trên năm uẩn chỉ có giả danh

Như lông rùa không có thậ thể

Tợ như sừng thỏ chẳng có hình.

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Tất cả các pháp trên năm uẩn như ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả v.v…đều không thật có, như lông rùa, sừng thỏ, chỉ có giả sanh mà thôi.


Bài Thứ 9

PHẦN CHÁNH TÔN

56. Phật phá cái chấp “Như Lai đặng đạo quả vô thượng Bồ Đề”

57. Pháp này bình đẳng không có thấp cao

58. Phật nói công đức của người thọ trì kinh này không thể nghĩ bàn

59. Phật phá cái chấp “Như Lai có độ chúng sanh”.

60. Thấy 32 tướng tốt của Phật chưa phải là thấy được Phật .

61. Phật nói bài kệ, phá cái chấp “thấy Phật bằng sắc tướng, nghe Phật bằng âm thanh”.

62. Phật phá cái chấp “không” (tức là chấp đoạn diệt)

63. Người ngộ “tất cả các pháp không thật”, phước đức nhiều hơn người bố thí vô số bảy báu

56. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “NHƯ LAI ĐẶNG ĐẠO QUẢ VÔ THƯỢNG BỔ ĐỀ”

Ông Tu Bồ Đề bạch Phật: “Bạch Thế tôn! Như Lai có chứng đặng đạo quả Vô thượng Bồ Đề không? Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Như Lai không có một tí gì gọi là đặng đạo quã Vô thượng Bồ Đề”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã phá trừ cái chấp “Phật có đặng Đạo quả Bồ Đề”. Đây là lần thứ 4 (lần thứ nhứt, hai và ba ở đoạn 15, 36, và 46).

Trong Duy thức Tam thập tụng có chép: ” Nếu hành giả hiện tiền còn phần nào thấy mình có chứng Duy thức tánh, thì chưa phải thật chứng Duy thức tánh, vì còn chấp “có sở đắc” vậy”.

Đồng một ý với đoạn kinh này, nếu còn chấp “mình đặng đạo quả Vô thượng Bồ Đề”, tức là còn bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả thì không phải thật chứng đạo vô thượng Bồ Đề.

Hành giả phải ngộ nhập Kim Cang Bát Nhã, xa lìa các vọng chấp, không còn thấy mình chứng (không ngã) và đạo quả Bồ Đề để chứng (không pháp) thì mới thật là chứng đạo vô thượng Bồ Đề. Bởi thế nên Phật dạy: “Như Lai không có một tí gì gọi là đặng đạo vô thượng Bồ Đề”.

57. PHÁP NÀY BÌNH ĐẲNG KHÔNG CÓ CAO THẤP

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Pháp này bình đẳng không có cao thấp, không ngã, không nhơn, không chúng sanh và không thọ giả, tạm gọi là đạo vô thượng Bồ Đề.

Tu Bồ Đề! Do tu tất cả pháp lành mà đặng đạo vô thượng Bồ Đề, Như Lai nói pháp lành, không phải pháp lành, mới gọi là pháp lành”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật nói “pháp này bình đẳng, không có cao thấp”, và phá cái chấp “pháp lành”.

Hành giả còn chấp “ta tu pháp lành” tức là còn chấp ngã (ta tu) chấp pháp (pháp lành). Nếu đem tâm chấp ngã chấp pháp mà tu pháp lành, thì pháp lành ấy thuộc về hữu vi hữu lậu, không phải là pháp lành cứu cánh.

Hành giả phải dùng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã, phá trừ các chấp ngã, chấp pháp mà tu các pháp lành, thì các pháp lành ấy mới hợp với Bát Nhã chơn không, thuộc về vô lậu thanh tịnh, mới phải lá pháp lành rốt ráo. Bởi thế nên Phật dạy: “Như Lai nói các pháp lành, không phải pháp lành, mới gọi là pháp lành”.

Hành giả nhập Kim Cang Bát Nhã, phá trừ các vọng chấp mà tu các pháp lành thì sẽ chứng được đạo vô thượng Bồ Đề. Đạo này không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ giả, nên Phật nói: “Pháp này bình đẳng, không có cao thấp”.

Cổ nhơn có làm một bài tụng, nói về cảnh giới khi ngã và pháp đều hết, như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Võ tiền chỉ kiến hoa gian điệp

Võ hậu toàn vô điệp để hoa

Hoa điệp phân phân quá tường khứ

Bất tri xuân sắc lạc thi gia

Dịch nghĩa:

Trước mưa chỉ thấy hoa cùng bướm

Mưa rồi chẳng thấy bướm với hoa

Hoa rụng bướm bay qua khỏi vách

Vậy ai đã hưởng thú xuân này

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Đây là lần thứ 13, Phật tán thán công đức không thể nghĩ bàn của người thọ trì và truyền bá kinh này.

Bố thí 7 báu tuy quí, nhưng chỉ giúp cho người về vật chất, giàu có sung sướng trong một đời mà thôi. Phước đức tuy nhiều, nhưng thuộc về hữu vi hữu lậu.

Người thọ trì hay giảng dạy kinh Kim Cang Bát Nhã, sẽ được lợi ích về phần tinh thần, mình và người đều sẽ tỏ ngộ lý Bát Nhã và sẽ thành Phật, rồi tự độ và độ tha, lợi ích muôn đời, nên mặc dù thọ trì rất ít, nhưng phước đức vẫn nhiều hơn người trước. Phước này thuộc về vô lậu thanh tịnh, nên không thể tính lường hay thí dụ được.

59. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “NHƯ LAI CÓ ĐỘ CHÚNG SANH”

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Ông chớ lầm tưởng: Như Lai nghĩ rằng: “Ta độ chúng sanh”. Tại sao vậy? Nếu Như Lai có nghĩ: “Ta độ chúng sanh”, thì Như Lai còn chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả, tức nhiên không phải Như Lai. Bởi thế nên, Như Lai thật không có độ chúng sanh nào cả.

Tu Bồ Đề! Như Lai nói “ta”, thật ra không có “ta”; nhưng chúng phàm phu lại chấo có ta. Tu Bồ Đề! Như Lai nói phàm phu, không phải phàm phu, chỉ giả gọi là phàm phu”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá cái chấp “Phật có độ chúng sanh”.

Nếu còn thấy “ta độ chúng”, tức là còn vọng chấp ngã (ta) nhơn (chúng sanh) thì không nhập được Kim Cang Bát Nhã, nên không phải là Phật .

Vì Như Lai đã nhập Kim Cang Bát Nhã, không còn các vọng chấp ngã, nhơn, v.v…nên Như Lai không thấy “thật có độ sanh”.

Vì phá trừ nghi vấn: Phật đã không chấp bốn tướng, tai sao còn nói “ta”? nên Phật dạy tiếp: “Như Lai nói “ta”, nhưng thật ra không có cái “ta”, do chúng phàm phu vọng chấp là ta”.

Nói đến phàm phu, sợ chúng sanh chấp “thật có phàm phu”, nên Phật liền phá: “Như Lai nói phàm phu, không phải thật phàm phu, chỉ gizả gọi là phàm phu”.

60. THẤY 32 TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT CHƯA PHẢI LÀ THẤY ĐƯỢC PHẬT

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Ông có thể cho thấy 32 tướng tốt của ta đây, là thấy được Phật không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy được Phật”. Phật dạy: “Ông hiểu lầm rồi! nếu thấy 32 tướng tốt của ta đây, mà cho là thấy được Phật, thì Vua Chuyển Luân Thánh Vương cũng có đủ 32 tướng tốt như ta, vậy vua Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Phật hay sao?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Con hiểu ý Phật rồi, không thể cho thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy được Phật”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá cái chấp: “thấy sắc thân của Phật là thấy được Phật”. Đây là lần thứ 4 (lần 1, 2, 3 ở đoạn 7, 25, 3) nói về viễc thấy Phật .

Muốn rõ thêm đoạn này, tôi xin nhắc lại một lần nữa:

Thuở xưa, có hai vị Tỳ kheo, từ phương xa đến yết kiến Phật. Đi nữa đường, một vị vì sợ phạm giới, không uống nước có sinh trùng, nên bị khát chết. Một vị kia nhờ uống nước được sống, đến yết kiến Phật.

Phật quở: “Ông Tỳ kheo kia giữ giới, không uống nước tuy chết, nhưng ông đã thấy ta trước rồi. Còn ông không giữ giới, tuy sống đến yết kiến ta, nhưng ông lại cách ta ngàn dặm!”.

Vậy thì, thấy Phật là thấy cái gì? Không thể cho thấy sắc thân có 32 tướng tốt của Phật, mà cho là thấy được Phật. Bởi thế nên Phật nói: “Nếu thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy đượ Phật, thì vua Chuyển Luân Thánh Vương cũng có đủ 32 tướng tốt như Phật, vậy thì vua Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Phật hay sao?”.

Tóm lại, theo tinh thần Bát Nhã, phải xa lìa tất cả các vô minh vọng chấp, thì chơn tâm hay Phật tánh mói hiện. Đó mới là thật thấy Phật.

Ngộ được nghĩa lý uyên thâm của đoạn này, nên Cổ nhơn có làm bài tụng như sau:

Nguyên văn (dịch âm)

Phật tức tâm hề tâm tức Phật

Tâm Phật tùng lai giai vọng vật

Nhược tri vô Phật phục vô tâm

Thỉ thị chơn như pháp thân Phật

Dịch nghĩa:

Phật tức là tâm, tâm tức Phật

Tâm Phật cả hai đều vọng vật

Người ngộ vô tâm và vô Phật

Liền chứn chơn như pháp thân Phật

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Phật tức tậm, tâm tức Phật. Tâm và Phật chỉ là hai danh từ để gọi mà thôi, chớ không có cái gì chơn thật. Nếu người diệt trừ các vô minh vọng chấp, ngộ được lý Phật và tâm đều không, thì người ấy sẽ chứmng đặng chơn như hay Pháp thân Phật.

61. PHẬT NÓI BÀI KỆ PHÁ CÁI CHẤP “THẤY PHẬT BẰNG SẮC TƯỚNG, NGHE PHẬT BẰNG ÂM THANH”[^]

Khi đó, đức Thế Tôn nói tiếp bài kệ rằng:

Nếu thấy ta bằng sắc tướng

Nghe ta bằng âm thanh

Người này đi đường tà

Không thấy được Như Lai.

LƯỢC GIẢI

Bài kệ này tóm lại đoạn trên, Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá cái chấp “thấy Phật qua sắ tướng của Phật ” và “nghe Phật qua âm thanh của Phật “.

Đoạn trên đã giải nếu chấp sắc thân có 32 tướng tốt của Phật là Phật, thì vua Chyển Luân Thánh Vương cũng có đủ 32 tướng tốt như Phật, vậy vua Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Phật hay sao?

Nếu chấp tiếng nói thanh thao vi diệu của Phật là tiếng Phật, thì tiếng chim Ca Lăng Tần Già, cũng thanh thao vi diệu như tiếp Phật, vậy tiếng chim Ca Lăng Tần Già cũng là tiếng Phật hay sao?

Tóm lại, phải phá trừ các vô minh vọng chấp, nhập Kim Cang Bát Nhã, mới thật thấy và nghe được Phật. Trái lại, nếu còn vô minh vọng chấp, chấp sắc tướng hay âm thanh của Phật, không nhập được Kim Cang Bát Nhã, thì không bao giờ thấy được Phật. Bởi thế nên Phật quở: “Người này đi đường tà (vọng), không bao giờ thấy được Như Lai”.

62. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “KHÔNG” (TỨC LÀ CHẤP ĐOẠN DIỆT)

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Ông chớ nên nghĩ rằng: “Như Lai không thừa nhận thân tướng, tốt đẹp này là thân Phật”. Tại sao vậy? Nếu người phát tâm Bồ Đề mà nghĩ như vậy, thì mắc về cái chấp “đoạn diệt”. Tu Bồ Đề! Người phát tâm Bồ Đề, đối với các pháp, không nên chấp “đoạn diệt” (chấp không).

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá cái chấp “sắc thân đủ 32 tướng tốt của Phật không phải là Phật”.

Đúng theo tinh thần kinh Bát Nhã, thì phá hết các chấp: ngã, pháp hữu, vô v.v…lúc bấy giờ chơn tâm, Phật tánh hay Bát Nhã v.v…mới hiện.

Bởi thế nên “chấp sắc thân đầy đủ tướng tốt của Phật là Phật”, đã bị Phật quở là “lạc vào đường tà, không thấy được Phật”; mà “chấp sắc thân đầy đủ tướng tốt của Phật, không phải là Phật”, cũng bị Phật quở là “chấp đoạn diệt” nghĩa là “chấp không”, thuộc về “đoạn kiến ngoại đạo”.

Chấp “có” (chấp thường) chấp “không”(chấp đoạn) cũng đều là vọng chấp cả, không thể chứng đặng Đạo Bồ Đề. Bởi thế nên Phật dạy: “Người phát tâm Bồ Đề, đối với các pháp, không nên chấp đoạn diệt”.

Kinh chép:

Nhược nhơn dục thức Phật cảnh giới

Đương tịnh kỳ ý như hư không

Dịch nghĩa:

Nếu người muốn biết cảnh giới Phật

Tâm phải thanh tịnh như hư không

ĐẠI Ý

Người muốn nhập cảnh giới Phật hay chứng đạo Bồ Đề, thì phải xa lìa các vọng chấp: có, không, đoạn, thường v.v…giữ tâm ý thanh tịnh như hư không

63. NGƯỜI NGỘ “TẤT CẢ CÁC PHÁP KHÔNG THẬT”, PHƯỚC ĐỨC NHIỀU HƠN NGƯỜI BỐ THÍ VÔ SỐ BẢY BÁU

Phật day: “Tu Bồ Đề! Nếu các vị Bồ Tát dùng 7 món báu, đựng đầy trong hằng sa thế giới, đem bố thí; và có vị Bồ Tát ngộ “tất cả pháp không thật” (nhứt thế pháp vô ngã) và chứng đặng “pháp không” (pháp nhẫn) thì công đức của vị Bồ Tát sau này, nhiều hơn vị Bồ Tát trước. Tại sao vậy? Vì vị Bồ Tát sau này không lãnh thọ phước đức”.

Tu Bồ Đề bạch Phật: “Bạch Thế tôn! Tại sao Bồ Tát không lãng thọ phước đức”. Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Bồ Tát làm các việc phước đức, nhưng không tham trước, nên nói Bồ Tát không lãnh thọ phước đức

LƯỢC GIẢI

Đoạn này có Bồ Tát nhập Kim Cang Bát Nhã chứng được “các pháp vô ngã” (vô sanh pháp nhẫn) nên làm các việc phước đức, mà không tham trước, không mong cầu về mình, không chấp tướng phước đức, nên phước đức nhiều hơn vị Bồ Tát bố thí bảy món báu đựng đầy trong hằng sa thế giới.

Người đem tâm vọng chấp ngã, pháp của phàm phu, mà làm các việc phước đức, dù phước đức ấy có nhiều đến dâu, cũng thuộc về hữu vi hữu lậu của thế gian phàm phu mà thôi.

Trái lại, nếu người đem tâm thanh tịnh, không chấp ngã, chấp pháp, hợp với tánh Bát Nhã chơn không, mà l;àm việc phước đức, không tham cầu phước đức riêng về phần mình, thì người này mặc dù làm rất ít, mà phước đức nhiều vô tận; vì phước đức này thuộc về vô lậu thanh tịnh.

Giải thích đoạn này. Ngài Trí Giả Đại sư làm bài tụng:

Nguyên văn (dịch âm)

Tam thiên đại thế giới

Thất bảo mãn kỳ chung

Hữu nhơn trì bố thí

Đắc phước giả như phong

Du thắng xan tham giả

Vị đắc đạt chơ tông

Chung tu tứ cú kệ

Tri giác chứng toàn không

Dịch nghĩa:

Cả đại thiên thế giới

Đựng đầy bảy món báu

Bố thí để cầu phước

Đặng phước cũng như gió

Còn hơn người bỏn xẻn

Chưa hiểu nghĩa chơn thật

Trì tụng bốn câu kệ

Mới ngộ được lý không

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Người đem bảy báuđựng đầy một nghìn triệu thế giới nhỏ, để bố thí, được phước đức tuy nhiều, nhưng không lâu dài, như gió thổi qua; không bằng người tỏ ngộ lý chơn không của kinh Bát Nhã, sẽ đặng phước vô lậu thanh tịnh.

GIẢI DANH TỪ

“PHÁP KHÔNG” (hay PHÁP NHẪN): bản thề chơn như thanh tịnh; nhưng vì mây ngã pháp che mờ. Hành giả tu hành phá trừ được ngã chấp (ngã không) thì một phần chơn như hiện ra, nên gọi là “ngã không chơn như”; phá trừ pháp chấp (pháp không) thì một phần nữa chơn như hiện ra, nên gọi là “pháp không chơn như”.

Chứng được lý ngã không (sanh không) và pháp không, thì gọi là “nhị không chơn như” tức là đặng “vô sanh pháp nhẫn”, (chứng đặng ngã pháp đều không).


Bài Thứ 10

PHẦN CHÁNH TÔN

64. Phật phá cái chấp “Như Lai cũng có đi, đứng, nằm, ngồi”

65. Phật phá cái chấp “thật có vi trần và thế giới”

66. Phật phá”chấp ngã”

67. Phật phá”chấp pháp”

68. Phật tán thán công đức thọ trì kinh Kim Cang Bát Nhã.

69. Phật nói bài kệ: Quán các pháp hữu vi đều giả.

64. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “NHƯ LAI CŨNG CÓ ĐI, ĐỨNG, NẰM, NGỔI”

Phật dạy: ” Tu Bồ Đề! Nếu có người chấp: Như Lai cũng tới, lui, nằm, ngồi v.v…thì người đó không hiểu nghĩa Như Lai.

Tu Bồ Đề! Như Lai nghĩa là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá cái chấp “Như Lai cũng đi, đứng, nằm, ngồi v.v…”

Pháp thân của Phật như như bất động, không khứ không lai, không sanh không diệt. Phật chứng được pháp thân này, nên gọi là Như Lai.

65. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “THẬT CÓ VI TRẦN VÀ THẾ GIỚI”

Phật dạy: ” Tu Bồ Đề! Nếu có người chẻ nhỏ Đại thiên thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) thành vi trần. Vậy số vi tr6àn này nhiều không?”

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Nhiều lắm”.

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Như Lai nói các vi trần, không phải thật vi trần, chỉ giả gọi là vi trần. Nếu các vi trần thật có, thì Như Lai không gọi là vi trần (chỉ gọi cái tướng, do chẻ nhỏ thế giới mà thành).

Tu Bồ Đề! Như Lai nói thế giới, không phải thật thế giới, chỉ giả gọi thế giới. Nếu thế giới thật có, thi Như Lai không gọi là thế giới, mà chỉ gọi là cái tướng của tổng hợp của nhiều vi trần.

Tu Bồ Đề! Như Lai nói cái tướng tổng hợp (thế giới) không phải tướng tổng hợp, chỉ giả gọi là tướng tổng hợp.

Tu Bồ Đề! chúng phàm phu vì không biết đó là một cái tướng tổng hợp của nhiều vi trần, nên chấp là thật có thế giới, rồi sanh tâm tham lam luyến ái v.v…”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Bát Nhã phá cái chấp “thật có vi trần và thế giới”. Đây là lần thứ hai (lần thứ nhứt ở đoạn 24) Phật phá cái chấp vi trần và thế giới.

Chẻ vật lớn nhứt như thế giới, chẻ cho đến lúc không còn chẻ được nữa, thì tạm gọi đó là “vi trần” (bụi nhỏ). Rồi tổng hợp rất nhiều vi trần, đến mức cùng tột mà tạm thành. Cả hai vi trần và thế giới đều không thật thể, chỉ có giả danh mà thôi.

Tóm lại, tất cả muôn sự muôn vật trong vũ trụ, lớn như thế giới, nhỏ như vi trần, đều không thật thể, chỉ có giả danh mà thôi. Chúng sanh không biết, vọng chấp là thật, nên gặp cảnh thuận thì sanh tâm tham lam; còn gặp cảnh nghịch thì sân, si v.v…rồi tạo ra các nghiệp sanh tử luân hồi, từ đời này đến kiếp nọ, không biết bao giờ cùng tận.

Bởi thế nên Phật thuyế kinh Kim Cang Bát Nhã, mục đích để phá các vô minh vọng chấp thật ngã. Lhi mây vô minh vọng chấp hết rồi, thì trăng Phật tánh (Trí huệ Bát Nhã) hiện ra, chiếu khắp cả mười phương thế giới.

66. PHẬT PHÁ CHẤP NGÃ

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu có người nói: “Phật cũng có ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng và thọ giả tướng”. Vậy, người này có hiểu được nghĩa của Như Lai nói không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Người này không hiểu được nghĩa của Như Lai nói. Tại sao vậy? Vì Như Lai nói bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả, nhưng không phải thật có bốn tướng, chỉ giả gọi bốn tướng ngả, nhơn, chúng sanh và thọ giả mà thôi”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã phá trứ cái “ngã chấp”.

Có người chấp: “Nếu không có “ngã”, tại sao Phật cũng nói có bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả? “ Vì chúng sanh chấp bốn tướng thật có, nên Phật cũng nói cái tên bốn tướng, để giải thích cho chúng sanh biết bốn tướng đó là giả, chứ không phải Phật chấp thật có bốn tướng như chúng sanh. Bởi thế nên Phật day: “Như Lai nói bốn tướng, nhưng không phải thật có bốn tướng, chỉ giả gọi bốn tướng”.

67. PHẬT PHÁ CHẤP PHÁP

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Người phát tâm Bồ Đề chẳng nên chấp các pháp thật có, mà phải thấy các pháp là giả, biết các pháp là giả, hiểu các pháp là giả và tin các pháp là giả

Tu Bồ Đề! Như Lai nói “các pháp” không thật có “các pháp”, chỉ giả gọi là “các pháp”

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dùng Trí huệ Kim Cang

Bát Nhã, phá trừ cái chấp pháp

Chúng sanh vì chấp thật có ta (ngã) nên suốt đời, chỉ lo cho ta ăn ngon, lo cho ta mặc đẹp, lo nhà cửa cho ta, lo tiền cho ta tiêu dùng, lo cho ta có dsanh vọng, quyền tước v.v…làm việc gì cũng vì ta. Rồi cái gì hợp với ta thì sanh tâm tham lam luyến ái, cái gì nghịch với ta thi sân, si, tật đố v.v…tạo đủ điều tội lỗi.

Không ngờ cái “ta”chẳng thật, do các duyên hoà hợp giả tạo. Khi các duyên tan rã rồi, thì có cái gì gọi là “ta”.

Ngoài sự chấp “ta”, chúng sanh còn chấp “pháp”; nghĩa là chấp muôn sự muôn vật thật có. Vì chất sự vật thật có vcà lâu dài, nên chúng sanh cả đời chịu khổ sở, vất vả để tìm cầu. Được rồi tham cầu nữa, không biết bao giờ đủ; không được thì sân hận, tạo không biết bao nhiêu tội lỗi. Do đó mà bị sanh tử luân hồi, không biết bao giờ cùng tận.

Không ngờ các pháp cũng đều hư giả, không thật, như bể cả biến làm ruộng dâu, ruộng dâu hoá làm bể cả, có cái gì chơn thật và trường tồn. Bởi thế nên Phật dạy: “Người phát tâm Bồ Đề, không nên chấp các pháp thật có, m phải thấy các pháp là giả, hiểu các pháp là giả, và tin các pháp là giả”.

Hành giả thấy biết và tin các pháp là giả, mới ngăn chận được vọng tưởng tham, sân, si v.v…và mới trở về với chơn tâm thanh tịnh của mình.

Cũng vì thế, nên toàn bộ kinh Kim Cang Bát Nhã, đều nhắm mục đích dả phá các vọng chấp ngã, pháp để chúng sanh trở về với bản tâm thanh tịnh hay Phật tánh sáng suốt của mình.

Đó là phương pháp “hàng phục vọng tâm mà cũng là để an trụ chơn tâm”.

68. PHẬT TÁN THÁN CÔNG ĐỨC THỌ TRÌ KINH KIM CANG BÁT NHÃ

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! nếu có người dùng 7 món báu, đựng đầy vô lượng vô số thế giới đem bố thí. Và, nếu có người phát tâm Bồ Đề thọ trì đọc tụng hoặc giảng dạy kinh này, trọn quyển hay nữa quyển, cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì phước đức của người này nhiều hơn người trước.

Tại sao người thọ trì đọc tụng kinh này, phước đức nhiều hơn người trước? Vì người này chẳng chấp thủ các tướng (ngã, chấp), nhập được thể tánh Kim Cang, như như bất động vậy”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật tán thán công đức người thọ trì kinh này, nhiều hơn người bố thí vô số thất bảo. Đây là lần thứ 14, phật nói về công đức trì kinh.

Người thọ trì kinh này, sẽ phá trừ hết các vọng chấp ngã, pháp hay bốn tướng, ngộ nhập được Kim Cang Bát Nhã là tánh như như bất động và sẽ thành Phật, rồi trở lại giáo hoá vô lượng vô số chúng sanh đều được giải thoát, nên phước đức nhiều hơn người bố thí bảy báu

69. PHẬT NÓI BÀI KỆ: QUÁN CÁC PHÁP HỮU VI ĐỀU HƯ GIẢ

Dịch âm (nguyên văn):

Nhứt thế hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào, ảnh

Như lộ diệc như điển

Ưng tác như thị quán.

Dịch nghĩa:

Phải quán như thế này:

Tất cả pháp hữu vi

Như mộng, huyễn, bọt, bóng

Như sương, như điển chớp

LƯỢC GIẢI

Phật kết thúc thời kinh Bát Nhã bằng một bài kệ, quán các pháp hữu vi đều giả, để hàng phục vọng tâm và an trụ chơn tâm.

Hành giả phải luôn luôn quán tất cả các pháp trong vũ trụ đều hư giả, như chiêm bao, như vật huyễn thuật, như bọt nước, như bóng tối, như sương mai và điện chớp.

Khi hành giả đã đi sâu vào pháp quán giả; nghĩa là thấy một cách chắc chắn “các pháp đều hư giả” như sáu món hư huyễn trên, thì hành giả không còn khởi vọng tâm chấp thủ ngã pháp hay bốn tướng.

Khi các vô minh vọng chấp không còn thì chơn tâm thanh tịnh hiện ra, hay nói cách khác là tánh Kim Cang Bát Nhã như như bất động hiện ra. Lúc bấy giờ, hành giả liền chứng được quả Bồ Đề, không cần phải gian lao khổ hạnh, nhiều kiếp tu hành hay phải tìm đâu xa lạ.

Tóm lại, đây là một phương pháp tu mau chóng, đặc biệt của kinh Kim Cang Bát Nhã, để “hàng phục vọng tâm và an trụ chơn tâm”.

PHẦN LƯU THÔNG

PHẦN TRUYỀN BÁ LƯU THÔNG

Khi Phật nói kinh này rồi, ông Trưởng lão Tu Bồ Đề, các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, thiện nam, tín nữ, trời, người và thần A Tu La, đều tin thọ và jhoan hỷ vâng làm.

LƯỢC GIẢI

Theo thông lệ, thì tất cả các kinh của Phật đều chia làm ba phần: Phần Tự (phần mở đề), phần Chánh tôn (phần chánh đề) và phần Lưu thông (phần truyênbá lưu thông).

Đoạn này là phần Lưu thông, nói về các thính giả, sau khi nghe Phật nói kinh Kim Cang Bát Nhã rồi, tất cả đều lãnh thọ tin theo và hoan hỷ vâng làm.

Dịch xong, ngày 10 7 Ất Tỵ

(Nhằm ngày 6 8 1965)

Từ Ngữ Phật Học Trong: Kinh Kim Cang Lược Giải