Chứng vô thượng Bồ đề ở tuổi 31, chỉ trong 49 năm hoằng dương đại pháp mà Ðức Thích Ca Mâu Ni nói có đến 84. pháp môn là vì quán xét căn cơ của chúng sinh có cao thấp, lợi độn khác nhau mà rộng lập. Nhưng pháp môn nào cũng khả dĩ nhập đạo, thí như thành phố có muôn vạn nẻo vào. Kinh Lăng Nghiêm nói rằng: "Bổn lai chỉ có một, phương tiện lập nhiều môn”. Nhưng trong muôn ngàn pháp môn ấy, pháp tu dễ nhất, chắc chắn nhất chỉ có niệm Phật. Chỉ niệm sáu chữ "Nam mô A Di Ðà Phật” thì bất luận người nào ngu hạ đến đâu cũng có thể tu trì được, dạy một lần họ hiểu ngay. Chỉ cần tâm niệm, miệng niệm, niệm niệm tương tục thì chắc chắn chứng niệm Phật tam muội thật là dễ dàng vậy. Nếu chỉ dễ tu thôi mà không có công hiệu thì cũng chả quý. Nhưng pháp môn niệm Phật này chỉ cần phát khởi lòng tin sâu xa, tha thiết cầu vãng sinh, niệm Phật không dừng nghỉ thì không cần tham cứu, chẳng cần quán tưởng cũng được vãng sinh. Bằng tu tập các pháp môn khác chỉ dựa vào sức tự lực, nếu tự lực không đủ, hoặc lầm đường lạc lối, hoặc tẩu hỏa nhập ma, hoặc công hạnh chưa thành thì khi duyên đời đã hết, đời sau không thể tiếp tục tu hành, công phu trước đây coi như bỏ, đây là việc rất nguy hiểm vậy.
Chỉ có pháp môn niệm Phật dựa vào tự lực cùng tha lực. Tự lực tức là tâm lực của chính mình nhất tâm niệm Phật. Tha lực là những nguyện lực của 48 đại nguyện mà Ðức Phật A Di Ðà đã phát lúc còn ở nhân địa tu hành. Ngoài tự lực còn có thêm tha lực, chỉ cần thành thật, nhất tâm niệm Phật thì cầm chắc chiếc vé vãng sinh. Chỉ cần giữ chặt câu Phật hiệu, niệm đến dứt hơi thở cuối cùng, nhất tâm cầu sinh Tịnh độ thì tự mình không bị lạc đường, lại cũng không rơi vào đường ma, như thế sẽ không nguy hiểm cho kiếp lai sinh.
Hành giả niệm Phật, khi sắp mạng chung thì được Phật A Di Ðà hiện thân tiếp dẫn, đây tức được cả hai lực trong cùng một lúc, thành công trong một niệm, quyết định sẽ thấy Phật A Di Ðà, trong khoảnh khắc được vãng sinh thế giới Cực lạc, nghiệp để lại Ta bà, thần thức thong dong Tịnh độ, siêu vượt tam giới khổ, hóa sinh chín phẩm hoa sen, sinh vào ngôi bất thoái chuyển, chứng được vô sinh pháp nhẫn. Cho nên cổ đức nói rằng: "Pháp môn niệm Phật là chắc chắn nhất”. Thật không hư dối vậy.
Người thời nay, phần đông khen Thiền tông là pháp tối thượng thừa, là pháp môn đốn giáo, có thể nhanh chóng ra khỏi sinh tử, ngay trong phút chốc thành Phật tác Tổ. Lời này quả thật không sai nhưng phải là người thượng căn lợi trí mới có thể làm xong việc trong một đời; còn nếu hạ căn độn trí thì hoàn toàn vô phần. Cho dù là những kẻ căn cơ bậc trung cũng không thể một đời mà xong việc, kiếp sau lại hôn muội không nhớ việc tu hành đời trước của mình để tiếp tục thì cuối cùng cũng không thỏa đáng.
Như ngài Thanh Thảo Ðường đời Tống là một vị cự phách trong Thiền tông, một đời tinh tấn tu hành. Lúc về già, thấy một vị Tể tướng cáo lão về hưu vẻ vang quá bèn khởi tâm ao ước, kiếp sau bèn sinh làm con trai trong gia đình họ Tăng, còn nhỏ đã đăng khoa, sau làm quan đến chức Tể tướng. Lấy nghiệp tu hành đời trước để đổi lấy công danh đời sau há không đáng tiếc sao! Thân Tể tướng sau này thăng trầm lên xuống rất là lao nhọc. La trạng nguyên nói rằng: "Giàu sang no đủ nhiều đố kỵ, công danh vinh hiển lắm thù riêng”. Và người niệm Phật chỉ cần đầy đủ ba món tư lương tín nguyện hạnh thì lúc lâm chung được Phật A Di Ðà tiếp dẫn vãng sinh về thế giới Cực lạc, vĩnh viễn không còn bị trầm luân. Hóa sinh hoa sen ở thế giới Cực lạc là lần sinh sau chót, thọ mạng không thể lường. Ðược ở cùng với chư thượng thiện nhân, nương theo chư thượng thiện nhân nên việc tiến tu rất nhanh chóng, được thành Phật, thẳng chứng vô thượng Bồ đề. Pháp môn ổn đáng như vậy, thử hỏi còn có pháp môn nào hơn?