Nhân duyên kinh Địa Tạng hiện hữu là do đức Thế Tôn muốn báo đền ân đức của Mẫu thân nên lên cung trời Đao Lợi để thuyết Pháp cho Mẹ; vì thế, các bậc Cổ Đức thường tán thán: “Kinh Địa Tạng là Kinh Hiếu của đạo Phật”. Vào thời gian đức Thế Tôn sắp nhập Niết bàn, Ngài xót thương những chúng sanh chưa được cứu thoát, hiện đang trôi nổi trong bể khổ tử sanh, nên đặc biệt trao lại cho Bồ-Tát Địa Tạng cứu độ. Vì vậy, Kinh này còn có tên “Thác Cô Phó Chúc Kinh” (Kinh Ủy Thác Cứu Vớt Kẻ Cô Độc). Kinh này giảng rộng về sự kiện Bồ-Tát Địa Tạng dùng đại thần lực của mình cứu độ chúng sanh giúp họ ra khỏi Tam đồ Ác đạo để được hạnh phúc ở cõi Người hay cõi Trời, nghĩa là trình bày rõ ràng khúc chiết về sự và lý của Đạo lý Nhân quả. Trong Kinh lại còn diễn bày minh bạch về những hiện tượng người lâm chung hay các Vong linh quyến thuộc của người đang sống, dù bất cứ ở chỗ nào cũng đều thấy biết thân nhân niệm Phật, làm phước cho mình. Thành thật để nói, hiện tại là thời Mạt Pháp làm Ác thì dễ mà làm Thiện thì rất khó, nên đa phần mọi người đều rơi vào Tà kiến; trong khi đó, con đường tu hành Chân chính để đoạn trừ căn nguyên các nghiệp ác độc phải được dẫn dắt bởi Chánh tri kiến – Chánh tri kiến chính là Pháp Bảo chủ yếu để xây dựng và phát huy Thiện nghiệp vậy.
Đoạn văn trong phẩm Lợi Ích Người Còn Kẻ Mất(1) của kinh Địa Tạng ghi:
“… Bạch Thế Tôn! Những người quen thói độc ác, ban đầu chỉ thỉnh thoảng làm ác, nhưng rồi quen tánh dẫn đến thực hiện vô lượng tội ác. Những người này khi sắp chết thì Cha Mẹ, Bà con quyến thuộc nên làm phước để mở đường thiện cho đương sự. Bằng cách hoặc treo phan lọng hoặc thắp đèn hương rồi đọc tụng Kinh điển, cúng dường Thánh tượng của chư Phật và chư Bồ-Tát, hoặc niệm danh hiệu của đức Phật, của Bồ-Tát hay của Bích Chi; mỗi một danh hiệu sẽ thấm vào thính giác của người sắp lâm chung hoặc thẩm thấu vào bổn thức của người ấy. Qua đấy, những nghiệp ác độc người ấy đã làm hẳn nhiên sẽ bị quả báo đọa vào Địa Ngục, song nhờ Cha Mẹ Bà con quyến thuộc làm các phước đức Thánh thiện để hồi hướng, nên nghiệp ác độc của người ấy đều được đoạn trừ. Giả như, sau khi người ấy chết rồi, trong thời gian bốn mươi chín ngày, nếu Cha Mẹ Bà con quyến thuộc lại tiếp tục làm nhiều phước đức Thánh thiện khác để hồi hướng, thì năng lực việc làm thiện này sẽ giúp cho người chết thoát hẳn Tam đồ Ác đạo, được sanh cõi Người hay cõi Trời(2) hưởng thọ hạnh phúc vượt bực và Cha Mẹ Bà con quyến thuộc còn sống cũng được lợi ích vô cùng.”
Đoạn văn trong phẩm Lợi Ích Người Còn Kẻ Mất của kinh Địa Tạng ghi:
“… Khi Bồ-Tát Địa Tạng nói lời này, trong Pháp hội có vị Trưởng giả tên là Đại Biện, vị Trưởng giả này từ lâu đã chứng quả vị Vô Sanh, vì muốn hóa độ chúng sanh khắp mười phương nên thị hiện làm thân Trưởng giả; khi ấy Trưởng giả chấp tay cung kỉnh thưa hỏi Bồ-Tát Địa Tạng: “Thưa Đại Sĩ(3)! Người trong Châu Nam Diêm-Phù-Đề(4) này, sau khi chết, Bà con quyến thuộc lớn nhỏ làm các việc thiện như thiết trai cúng dường… để hồi hướng, thì người chết ấy có được lợi ích to lớn và giải thoát không? – Bồ-Tát Địa Tạng đáp: “Trưởng giả! Tôi vì mọi người trong hiện tại và tương lai nên dựa vào uy-lực của đức Phật mà lược nói về việc ấy. Trưởng giả! Những ai trong hiện tại và mai sau vào giờ lâm chung, nếu được nghe một danh hiệu đức Phật, một danh hiệu Bồ-Tát hay một danh hiệu Bích Chi, thì không phân biệt có tội hay không tội đều được siêu thoát cả. Dù ai, bất cứ đàn ông hay đàn bà khi sống không làm các điều hiền thiện mà lại làm nhiều việc ác độc, nhưng sau khi chết, Bà con quyến thuộc hoặc lớn hay nhỏ đều làm nhiều việc phước đức Thánh thiện để hồi hướng cho người ấy, thì trong bảy phần người chết hưởng một phần, còn lại sáu phần những người đã thực hành Tự lợi. Vì lý do đó, những Thiện Nam hay Thiện Nữ trong hiện tại và mai sau nghe được điều này, thì hãy tự tu để mọi công đức tu tập tự mình hưởng trọn.
Quỷ sứ lớn nhất là sự vô thường chết chóc bất chợt ập đến không ai biết trước, rồi trong cảnh mịt mờ thăm thẳm, thần thức chơi vơi một mình, chưa biết chịu tội hay hưởng phước. Do đấy, trong thời gian bốn mươi chín ngày người mới chết như ngây như điếc, bị dẫn đến những tòa án liên hệ với Địa Ngục để tra hỏi, luận bàn về những việc đã làm để định quả báo, sau khi đã thẩm định mới tùy theo nghiệp lực mà đi thọ báo. Trong thời gian chưa có kết quả mà khổ sở đã hàng ngàn hàng vạn lần rồi, huống gì thật sự bị đọa vào Tam đồ Ác đạo! Người mới chết ấy, khi chưa đi thọ báo, tức trong thời gian bốn mươi chín ngày, từng giây từng phút luôn trông chờ Bà con ruột thịt làm việc phước thiện để cứu vớt; quá thời gian này thì tùy theo nghiệp lực để đi thọ quả báo. Nếu là người ác độc thì phải trải qua hàng trăm hàng ngàn năm chịu khổ trong các đường ác khó có ngày thoát khỏi, nếu tạo tội cực ác Ngũ nghịch thì phải đọa vào đại Địa Ngục Vô gián hàng ngàn hàng vạn kiếp, mãi phải chịu đủ mọi thứ cực hình”.
Đoạn văn trong phẩm Chúa, Tôi Diêm La Tán Thán của kinh Địa Tạng(5) ghi:
“… Những người làm thiện ở Châu Nam Diêm Phù Đề khi sắp chết vẫn có hàng trăm hàng ngàn Quỷ, Thần ác độc hóa hiện giống như Cha Mẹ, Bà con quyến thuộc, để dẫn dụ người ấy sa lạc vào đường dữ huống gì những kẻ chỉ biết làm ác. Bạch Thế Tôn! Như thế, bất cứ đàn ông hay đàn bà ở Châu Diêm phù Đề, khi sắp chết hầu hết thần thức của họ đều mê mờ, chẳng phân biệt được đâu là Thiện đâu là Ác, và cả thị giác thính giác cũng chẳng thấy nghe được gì. Lúc này, Bà con quyến thuộc cần nên phát tâm bố thí cúng dường, đọc tụng Kinh điển, niệm danh hiệu chư Phật, chư Bồ-Tát. Với những thiện duyên này sẽ có năng lực giúp người chết thoát ly các đường ác, hết thảy Ma, Quỷ, Thần đều lùi bước và biến mất. Bạch Thế Tôn! Tất cả mọi người, khi đến giờ phút lâm chung nếu được nghe một danh hiệu đức Phật, một danh hiệu Bồ-Tát hay một câu, một bài kệ của Kinh điển Đại Thừa thì con thấy những người ấy, ngoại trừ họ gây tội Ngũ nghịch và tội Sát sanh, còn những Ác nghiệp tương đối nhẹ hơn nhưng vẫn bị đọa Ác đạo, thì tức khắc được diệt trừ toàn bộ.”
Đoạn văn trong phẩm Trì Niệm Danh Hiệu Chư Phật của kinh Địa Tạng(6)ghi:
“… Giả như những người sắp chết, thân nhân trong nhà dù chỉ một người vì người ấy mà lớn tiếng niệm danh hiệu của một đức Phật đi nữa, thì trừ tội Ngũ nghịch người ấy đã làm còn những tội ác khác đều được tiêu diệt tất cả. Tội Ngũ nghịch mặc dù rất nặng sẽ bị đọa vào Địa Ngục Vô gián trải qua hàng ức kiếp vẫn không thể thoát khỏi; nhưng khi lâm chung được người khác niệm giúp danh hiệu của đức Phật, thì Ác nghiệp Ngũ nghịch ấy cũng được tiêu diệt dần dần, huống gì những người tự mình niệm danh hiệu của đức Phật, thì được phước đức vô lượng và tội lỗi cũng được diệt trừ vô số.”
_____________
[1] Phẩm Lợi Ích Người Còn Kẻ Mất (Lợi Ích Tồn Vong Phẩm): Phẩm thứ 7 của kinh Địa Tạng.
[2] Cõi Trời: Cõi Trời tại đây thuộc Dục giới (Lục Dục thiên).
[3] Đại Sĩ: Đồng nghĩa với Bồ-Tát.
[4] Nam Diêm-Phù-Đề: Một trong bốn Châu bao quanh núi Tu-Di, là Châu chúng ta đang ở.
[5] Phẩm Chúa, Tôi Diêm-La Tán Thán (Diêm La Vương Chúng Tán Thán Phẩm): Phẩm thứ tám của kinh Địa Tạng.
[6] Phẩm Trì Niệm Danh Hiệu Chư Phật (Xưng Phật Danh Hiệu Phẩm): Phẩm thứ chín của kinh Địa Tạng.
[7] Ung Châu: Hiện nay là một vùng thuộc Thiểm Tây.
[8] Tam Thiên đại thiên thế giới: Một ngàn triệu Thái dương hệ.
[9] Địa ngục Khiếu Hoán: Địa ngục kêu gào khóc lóc, là địa ngục thứ tư trong tám địa ngục cực nóng, vì bị hành hình quá đau khổ nên kêu gào, khóc lóc.
Trích từ: Lợi Ích Thù Thắng Của Khai Thị Trợ Niệm