Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Da-Gap-Nhieu-Duc-Phat-The-Nhung-Tai-Sao-Van-Luan-Hoi-Sinh-Tu-Chua-Duoc-Ra-Khoi-Nha-Lua...?

Đã Gặp Nhiều Đức Phật Thế Nhưng Tại Sao Vẫn Luân Hồi Sinh Tử Chưa Được Ra Khỏi Nhà Lửa...?
Pháp Nhiên Thượng Nhân | Dịch Giả : Thích Pháp Chánh

Ngài Đạo Xước thiền sư lập hai môn Thánh Đạo và Tịnh Độ, sau đó bỏ Thánh Đạo mà quay về Tịnh Độ.

An Lạc Tập, quyển thượng nói:

Hỏi: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, từ xưa đến nay, ắt đã gặp nhiều Đức Phật, thế nhưng tại sao vẫn luân hồi sinh tử, chưa được ra khỏi nhà lửa?

Đáp: Y vào thánh giáo Đại thừa mà nói, lý do là vì chúng sinh không được hai pháp thù thắng để diệt trừ sinh tử, cho nên không thể ra khỏi nhà lửa. Hai pháp này là gì? Một là Thánh đạo, hai là vãng sinh Tịnh độ. Pháp tu Thánh đạo, hiện nay rất khó chứng đắc, điều này có hai lý do, một là vì thời đại đã cách Phật rất lâu xa, hai là do nghĩa lý Đại thừa sâu xa khó hiểu. Đại Tập Nhật Tạng Kinh có nói: “Trong thời mạt pháp, có ức ức chúng sinh phát tâm tu hành, nhưng có rất ít người đắc đạo.”

Đời mạt pháp hiện nay là đời ác ngũ trược, chỉ có pháp môn Tịnh Độ là con đường để vào đạo. Bởi thế, Vô Lượng Thọ Kinh nói: “Nếu có chúng sinh, dù là cả đời tạo ác, giả sử lúc lâm chung, niệm danh hiệu của ta mười lần liên tiếp, nếu như không được vãng sinh, ta thệ không giữ ngôi Chánh Giác.””

Lại nữa, tất cả chúng sinh đều không tự lượng sức mình. Nếu luận về chân như thực tướng, đệ nhất nghĩa không của Đại thừa, bọn họ đều chưa từng để tâm đến, còn nếu luận về sự kiến đế tu đạo, nhẫn đến chứng quả A na hàm, A la hán, đoạn trừ năm phiền não lợi sử, năm phiền não độn sử1, thì tất cả người xuất gia, tại gia đều không có phần. Giả sử có được quả báo trời người, đều là do sự hành trì ngũ giới thập thiện chiêu cảm, thế nhưng ít có người trì giới đến chỗ viên mãn; còn nếu luận về sự làm ác tạo nghiệp, thì thế lực chẳng khác gì mưa to gió lớn. Bởi lý do này, chư Phật đều đại từ đại bi, khuyên nhắc chúng sinh vãng sinh Tịnh Độ. Cho dù cả đời tạo ác, chỉ cần chuyên tâm tinh tấn, thường thường Niệm Phật, thì tất cả chướng ngại, tự nhiên sẽ được tiêu trừ, quyết định sẽ được vãng sinh. Tại sao mọi người không chịu suy ngẫm, mà phát tâm cầu vãng sinh!

Lời bàn: Trong sự phán định giáo pháp của Đức Thế Tôn, lập trường của các tông phái không giống nhau. Chẳng hạn như Hữu Tướng Tông (Duy Thức Tông) lập ba thời giáo là Hữu tông, Không tông và Trung đạo tông; Vô Tướng Tông (Tam Luận Tông) lập hai thời giáo là Bồ tát giáo và Thanh văn giáo; Hoa Nghiêm Tông (Hiền Thủ Tông) lập năm thời giáo là Tiểu thừa giáo, Đại thừa thỉ giáo, Đại thừa chung giáo, Đại thừa đốn giáo và Đại thừa viên giáo; Pháp Hoa Tông (Thiên Thai Tông) thiết lập bốn thời giáo là Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, Viên giáo, và năm mùi vị là Nhũ, Lạc, Sinh tô, Thục tô và Đề hồ; Chân Ngôn Tông thiết lập hai thời giáo là Hiển giáo và Mật giáo. Hiện nay, Tịnh Độ Tông, theo bổn ý của Thiền Sư Đạo Xước, sẽ thiết lập hai môn: Thánh Đạo và Tịnh Độ, để phán định giáo pháp của Phật.

Hỏi: Việc lập tên tông phái, vốn là do các tông như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, v.v…, thiết định. Chưa từng nghe các hành giả Tịnh độ thiết lập tên của tông phái mình. Hiện nay, việc thiết lập tên Tịnh Độ Tông này có chứng cứ gì không?

Đáp: Tên Tịnh Độ Tông, chứng cứ không phải ít, như ngài Nguyên Hiểu trong Du Tâm An Lạc Đạo nói: “Bổn ý của Tịnh Độ Tông là chính vì phàm phu, kiêm vì thánh nhân”, ngài Từ Ân trong Tây Phương Yếu Quyết nói: “Y vào tông này”, hơn nữa, ngài Ca Tài trong Tịnh Độ Luận cũng nói: “Tông này, theo ý của tôi, là con đường trọng yếu.” Những chứng cứ như vậy, thật không còn nghi ngờ gì nữa. Thế nhưng, ý chính ở đây, không phải bàn luận về sự phán lập giáo nghĩa của các tông phái, mà muốn nói sơ lược về hai môn của Tịnh Độ Tông, tức là Thánh đạo và Tịnh độ.

1. Thánh Đạo:

Ở đây có hai phần, một là Tiểu thừa, hai là Đại thừa.

Trong Đại thừa, có Hiển Giáo, Mật Giáo, Quyền Giáo, Thực Giáo khác nhau. Đại thừa Hiển Giáo và Đại thừa Quyền giáo, trên nguyên tắc, tu tập những công hạnh dài lâu để thành Phật. Còn như chủ trương có thể tu tập trong một đời thành tựu, thì chỉ có Đại thừa Mật giáo và Đại thừa Thực giáo (Viên giáo). Mục đích của tập sách này là nhấn mạnh đến chân nghĩa của Mật giáo và Thực giáo. Tám tông phái như Chân Ngôn, Phật Tâm (Thiền), Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Tam Luận, Pháp Tướng, Địa Luận, Nhiếp Luận đều có cùng quan điểm này.

Trong Tiểu Thừa, tất cả kinh luật luận đều nói về con đường tu tập để đoạn trừ phiền não, thấu rõ chân lý, chứng đắc thánh quả. Theo đây luận đoán, giáo lý Tiểu Thừa chỉ có thể bao hàm các tông phái như Luật Tông, Câu Xá Tông và Thành Thực Tông.

Một cách khái quát, bổn ý của Thánh Đạo Môn, bất luận Đại thừa hay Tiểu thừa, đều là ở tại thế giới Ta Bà này tu tập để chứng đắc đạo quả của bốn Thừa. Bốn Thừa, nghĩa là ngoài ba Thừa (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát), còn thêm Phật Thừa.

2. Tịnh Độ:

Trong đây có hai phần, (1) nói trực tiếp giáo nghĩa Tịnh Độ, (2) nói gián tiếp giáo nghĩa Tịnh Độ.

1. Nói trực tiếp giáo nghĩa Tịnh Độ: Có ba bộ kinh và một bộ luận. Ba bộ kinh là Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh, và A Di Đà Kinh, còn một bộ luận là Vãng Sinh Luận của ngài Thế Thân.

Hỏi: Gọi Ba bộ kinh, còn có trường hợp nào khác không?

Đáp: Gọi Ba bộ kinh, có nhiều trường hợp: (a) Ba bộ kinh Pháp Hoa, tức là Vô Lượng Nghĩa Kinh, Pháp Hoa Kinh, và Phổ Hiền Quán Kinh; (2) Ba bộ kinh Đại Nhật, tức là Đại Nhật Kinh, Kim Cang Đỉnh Kinh, và Tô Tất Địa Kinh; (3) Ba bộ kinh trấn thủ bảo hộ quốc gia, tức là Pháp Hoa Kinh, Nhân Vương Kinh, và Kim Quang Minh Kinh; (4) Ba bộ kinh Di Lặc, tức là Di Lặc Thượng Sinh Kinh, Di Lặc Hạ Sinh Kinh, và Di Lặc Đại Thành Phật Kinh. Hiện nay ba bộ kinh A Di Đà, v.v…, là ba bộ kinh chính yếu của Tịnh Độ Tông.

2. Nói gián tiếp giáo nghĩa Tịnh Độ: Những bộ kinh như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Tùy Cầu (Phật Thuyết Tùy Cầu Tức Đắc Đại Tự Tại Đà La Ni Thần Chú Kinh), v.v…, đều có nêu rõ các công hạnh vãng sinh Tịnh Độ. Lại còn có các bộ luận như Đại Thừa Khởi Tín, Bảo Tính, Thập Trụ Tỳ Bà Sa, Nhiếp Đại Thừa, v.v…, cũng đều nêu rõ các công hạnh vãng sinh Tịnh Độ.

Trong tập sách này, bổn ý của sự thiết lập hai môn Thánh Đạo và Tịnh Độ là muốn cho chúng sinh bỏ Thánh Đạo Môn, theo Tịnh Độ Môn. Điều này có hai lý do: (1) do vì cách xa đời Phật, (2) do vì giáo lý thâm sâu khó hiểu. Trong Tịnh Độ Tông, thiết lập hai môn, không chỉ có ngài Đạo Xước, mà các ngài Đàm Loan, Thiên Thai, Ca Tài, Từ Ân, v.v…, cũng có cùng quan điểm. Hơn nữa, Vãng Sinh Luận Chú của ngài Đàm Loan nói:

Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận của ngài Long Thọ nói: “Bồ tát cầu A bệ bạt trí, có hai con đường, một là Đường khó đi (Hán: nan hành đạo), hai là Đường dễ đi (Hán: dị hành đạo).

Đường khó đi, nghĩa là ở trong đời ác năm trược, lúc không có Phật, cầu A bệ bạt trí là khó, sự khó khăn này có nhiều phương diện, một là pháp thiện của ngoại đạo làm loạn pháp tu của Bồ tát, hai là sự tự lợi của hàng Thanh văn làm chướng ngại tâm đại từ bi, ba là những kẻ ác vô cớ phá hoại thắng đức của người khác, bốn là quả báo thiện điên đảo, có thể phá hoại phạm hạnh, năm là chỉ có tự lực, không có tha lực hộ trì. Những việc như vậy, chỗ nào cũng có, ví như đường lộ, lội bộ ắt là khổ nhọc.

Đường dễ đi, nghĩa là chỉ cần nhờ nhân duyên Niệm Phật, nguyện sinh Tịnh Độ, nhờ nguyện lực của Phật, sẽ được vãng sinh cõi Phật thanh tịnh. Nhờ Phật lực gia trì, sẽ tiến nhập vào giai bậc chính định tụ, chính định tức là A bệ bạt trí, ví như đường thủy, đi thuyền ắt là vui sướng.”

Ở đây, Đường khó đi, tức là Thánh Đạo Môn, còn Đường dễ đi, tức là Tịnh Độ Môn. Khó đi Dễ đi, Thánh Đạo Tịnh Độ, tên gọi tuy khác, ý nghĩa tương đồng. Nên biết, hai ngài Thiên Thai và Ca Tài cũng có cùng quan điểm. Tây Phương Yếu Quyết nói:

Đức Thích Ca khai sáng Phật giáo, hoằng dương lợi ích chúng sinh, tùy nơi chốn mà xiển dương giáo nghĩa, rưới nước pháp mầu, làm cho chúng sinh được độ hóa, chứng ngộ ba Thừa, đối với những người phước ít duyên mỏng, thì khuyên họ vãng sinh Tịnh Độ.

Người tu Tịnh Độ phải chuyên niệm A Di Đà, tất cả những thiện căn, đều phải hồi hướng về Tịnh Độ. Bổn nguyện của Đức A Di Đà là thệ độ tất cả chúng sinh cõi Ta Bà, từ người chuyên tâm tu tập cả đời, nhẫn đến người lúc lâm chung chỉ niệm mười danh hiệu, đều được quyết định vãng sinh Tịnh Độ.”

Hơn nữa, lời bạt của Tây Phương Yếu Quyết cũng nói: “

Do vì sinh vào đời tượng pháp, cách xa đời Phật, nếu tu hạnh của Tam Thừa, khó mà khế ngộ. Hai cõi trời người xao động bất an, chỉ có những bậc Bồ tát đại trí đại từ mới có thể ở lâu trong sinh tử. Nếu như kiến giải mê ám, công hạnh nông cạn, e rằng sẽ bị đọa lạc ba đường ác, bởi thế, phải nên lìa bỏ Ta Bà, cầu sinh Tịnh Độ.”

Ở đây, nói Tam Thừa, ý muốn chỉ Thánh Đạo Môn, còn nói Tịnh Độ, là muốn chỉ Tịnh Độ Môn. Tam Thừa Tịnh Độ, Thánh Đạo Tịnh Độ, tên gọi tuy khác, ý nghĩa tương đồng. Các hành giả Tịnh Độ, trước tiên phải biết ý chỉ này. Giả như trước đó tuy đã học Thánh Đạo Môn, nếu có chí hướng cầu sinh Tịnh Độ, nên bỏ Thánh Đạo, cầu sinh Tịnh Độ. Chẳng hạn, ngài Đàm Loan bỏ sự giảng thuyết bốn bộ luận2, ngài Đạo Xước bỏ việc giảng giải Niết Bàn Kinh mà nhất ý hoằng dương Tịnh Độ. Các bậc hiền triết khi xưa đã từng như thế, lẽ nào những kẻ ngu độn thô thiển mà lại không chịu tuân hành!

Hỏi: Các tông phái Thánh Đạo Môn đều có sự truyền thừa từ đời này qua đời khác, chẳng hạn, Thiên Thai Tông, truyền từ ngài Huệ Văn, đến các ngài Nam Nhạc, Thiên Thai, Chương An, Trí Uy, Tuệ Uy, Huyền Lãng, Trạm Nhiên; Chân Ngôn Tông, truyền từ Đức Đại Nhật Như Lai đến các ngài Kim Cang Tát Đỏa, Long Thọ, Long Trí, Kim Trí, Bất Không. Các tông phái khác cũng có sự truyền thừa. Hiện nay Tịnh Độ Tông có sự truyền thừa như thế hay không?

Đáp: Giống như Thánh Đạo Môn, Tịnh Độ Tông cũng có sự truyền thừa; thế nhưng đối với sự truyền thừa của Tịnh Độ Tông, các học giả có những quan điểm không đồng, chẳng hạn như hệ phái của ngài Lô Sơn Tuệ Viễn Pháp Sư, hệ phái của ngài Từ Mẫn Tam Tạng, hoặc hệ phái của ngài Đạo Xước, Thiện Đạo, v.v… Nay y theo hệ phái của ngài Đạo Xước, Thiện Đạo mà luận về sự truyền thừa. Điều này có hai giả thuyết: (1) Bồ Đề Lưu Chi Tam Tạng, Tuệ Sủng Pháp Sư, Đạo Trường Pháp Sư, Đàm Loan Pháp Sư, Đại Hải Thiền Sư, Pháp Thượng Thiền Sư (trích từ An Lạc Tập), (2) Bồ Đề Lưu Chi Tam Tạng, Đàm Loan Pháp Sư, Đạo Xước Thiền Sư, Thiện Đạo Thiền Sư, Hoài Cảm Pháp Sư, Thiếu Khang Pháp Sư.
__________________
1.  Năm phiền não độn sử, tức là tham, sân, si, mạn và nghi; năm phiền não lợi tức là thân kiến, biên kiến, tà kiến, thủ kiến và giới cấm thủ. 
2. Bốn bộ luận: tức là Trung Luận, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận và Đại Trí Độ Luận. 

Trích từ: Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
3 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
4 Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập, Hòa Thượng Thích Tịnh Nghiêm Tải Về
5 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
6 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
7 Vạn Thiện Đồng Quy Tập, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
8 Tử Thư Tây Tạng, Cư Sĩ Nguyên Phong Tải Về
9 Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
10 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
11 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
12 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
13 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
14 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
15 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về