Kinh Viên Giác dạy:
“Chúng sanh đời mạt muốn phát Ðại tâm nên cầu thiện tri thức. Muốn tu hành thì nên cầu hết thảy người chánh tri kiến, tâm chẳng trụ tướng, chẳng vướng cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác, tuy hiện trần lao mà tâm thường thanh tịnh. Dẫu hiện có các lầm lỗi nhưng khen ngợi phạm hạnh, chẳng hề khiến chúng sanh làm điều chẳng đúng giới luật. Cầu được người như thế thì liền được thành tựu vô thượng Bồ Ðề”.
Lại như luận Trí Ðộ chép:
“ Với các đạo sư, tưởng như Thế Tôn. Nếu có người có thể khai thị, giải thích nghĩa sâu, xóa tan mối nghi, có ích cho mình thì tận tâm cung kính, chẳng quan tâm đến các điều điều ác khác [của người ấy]. Ví như túi rách đựng của báu, chẳng vì do [túi đựng] tệ ác mà chẳng nhận lấy của báu ấy. Lại như ban đêm đi đường hiểm, có người tệ hại cầm đuốc[soi đường] thì chẳng vì người ấy xấu ác mà chẳng cần nhờ [ánh đuốc] soi”.
Kinh Hoa Nghiêm dạy: ‘Ðối với tự thân nên sanh ý tưởng bịnh, khổ. Với thiện tri thức, tưởng như y vương. Ðối với pháp họ nói, tưởng như thuốc tốt lành. Với pháp họ tu hành, tưởng như trừ bịnh. Nếu nghe được một câu pháp vị tằng hữu (chưa từng có) thì còn hơn có được bảy báu chứa đầy trong cả tam thiên đại thiên thế giới và ngôi Thích, Phạm, Chuyển Luân’ .
Luận Khởi Tín chép: “Như tánh lửa [có sẵn] nơi cây là chánh nhân của lửa. Nếu không có người biết, cũng chẳng nhờ đến phương tiện mà có thể tự đốt lấy cây thì thật chẳng có lẽ ấy. Chúng sanh cũng thế: Tuy có sức chánh nhân huân tập, nhưng nếu chẳng gặp chư Phật, Bồ Tát, thiện tri thức để làm duyên mà tự mình có thể đoạn được phiền não, nhập Niết Bàn thì thật chẳng có lẽ ấy”.