Home > Khai Thị Phật Học
Bổn Tích Của Bồ Tát Địa Tạng
Pháp Sư Tâm Nhiên | Hòa Thượng Thích Pháp Chánh, Việt Dịch


Trong Phật giáo Đại thừa, có năm vị Bồ tát trứ danh, tượng trưng cho năm ý nghĩa Đại thừa, đó là Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, Đại Hạnh Phổ Hiền, Đại Bi Quán Thế Âm, Đại Từ Di Lặc và Đại Nguyện Địa Tạng Vương. Năm vị Bồ tát này biểu hiện cho năm đức: Trí, Hành (hoặc Hạnh), Bi, Từ và Nguyện. Năm đức này là nhân cách cụ thể tối thượng của đức Phật. Do đó, có thể nói rằng năm vị Bồ tát này là năm phân thân của Đức Phật.
 
Trong năm vị Bồ tát, đối với tín ngưỡng nhân gian, ngài Quán Thế Âm có thể nói là nổi danh nhất; còn bốn vị Bồ tát kia, trong sự nhận thức thông thường của tín đồ, ít được tín ngưỡng thờ phượng. Hôm nay, nhân ngày ba mươi tháng bảy (AL), vía Đức Bồ Tát Địa Tạng, soạn giả đặc biệt biên tập quyển sách này, với mục đích trình bày, tán dương một phần nào, dù rất ít, công đức bổn sự của Ngài.
 
Tập sách này chia làm ba đoạn: 1/ Nhân địa của ngài Địa Tạng.  Căn cứ vào kinh Địa Tạng Bổn Nguyện để viết về mẫu truyện ngài Địa Tạng lúc còn làm thân người nữ phàm phu. Đức Phật, lúc sắp nhập Niết bàn, lên cung trời Đao Lợi giảng kinh này để báo hiếu cho mẹ là Ma Da Phu Nhân. 2/ Sử tích của ngài Địa Tạng. Ở đây căn cứ vào các tác phẩm như Tống Cao Tăng Truyện, Thần Tăng Truyện, Cửu Hoa Sơn Chí, v.v… để biên dịch các mẫu truyện ứng hóa thật sự trong lịch sử của ngài Bồ Tát Kim Địa Tạng. 3/ Kinh chứng. Trích lục từ các kinh điển Đại thừa những mẫu truyện liên qua đến công đức lợi ích của ngài Địa Tạng. Trừ phần Kinh chứng ra, hai phần trên toàn bộ là những mẫu truyện phổ thông nhân gian, dùng lời văn bình dị diễn đạt, và cũng sẽ dùng lời kinh để dẫn chứng.
 
I/ Nhân địa của ngài Địa Tạng.
 
1/ Câu chuyện về phát nguyện.
  
a/ Sự phát nguyện của con ông trưởng giả.
 
Một thuở rất lâu xa về trước, khi ngài Địa Tạng còn là phàm phu, con của một vị đại trưởng giả. Một hôm, ngài đi du ngoại đến một khu đồng vắng, thấy đức Như Lai Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh, thân tướng hoàng kim, trang nghiêm vô tỷ, trong tâm nảy sanh sự kính trọng, vui mừng, vội sụp xuống chân đức Phật đảnh lễ. Lạy xong, ngài bèn hỏi đức Phật:
 
- Bạch Đức Như Lai! Ngài thật vô cùng trang nghiêm, vô cùng khả kính! Xin hỏi Ngài, cần phải tu những nhân lành nào để có được tướng hảo viên mãn trang nghiêm như vậy?
 
Đức Phật Sư Tử Phất Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh bèn từ ái trả lời:
 
- Nếu con muốn được thân tướng trang nghiêm như vầy, thì phải ở trong sanh tử dài lâu để độ tất cả chúng sanh đang bị khổ đau. Hơn nữa, trong quá trình độ sanh, con phải tiêu trừ vọng niệm ngã tướng, mới có hy vọng thành tựu!
           
Nghe xong, ngài cảm thấy vô cùng hân hoan, bèn phát nguyện rằng:
 
- Con nguyện từ ngày hôm nay cho đến tận đời vị lai, sẽ vì tất cả chúng sanh tội khổ trong sáu nẻo, dùng tất cả phương tiện, khiến cho họ đều được giải thoát, sau đó con mới thành Phật!
 
Đức Phật nghe xong, im lặng tán đồng. Từ đó đến nay, trải qua không biết bao nhiêu số kiếp, không biết có bao nhiêu chúng sanh đã thành Phật, chỉ có Bồ tát Địa Tạng, vì lòng từ bi tha thiết độ thoát vô tận chúng sanh, mãi cho đến nay vẫn chưa thành Phật.
           
b/ Sự phát nguyện của vị vua nước nhỏ.
 
Vô số kiếp về trước, có một đức Phật hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu. Lúc chưa xuất gia, ngài là vua một nước nhỏ, còn ngài Bồ Tát Địa Tạng (cũng chưa xuất gia) là vua của một nước nhỏ lân cận. Hai vua là bạn thân, đều dùng thập thiện của Phật pháp là không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời thô ác, không nói lời đâm thọc, không nói lời vô ích, không tham, không sân, không si, để lãnh đạo quốc gia; không những thế, lại còn nâng cao mực sống của nhân dân trong nước. Thế nhưng, dân chúng của các nước láng giềng, phần lớn đều tạo nghiệp ác, không thể dùng các pháp thiện để trị vì. Hai vị vua thấy thế, cảm thấy rất ưu tư, bèn gặp nhau để tìm biện pháp cứu vãn, khiến những chúng sanh đó bỏ ác làm thiện, thế nhưng, bọn họ tâm tánh cang cường, quen thói làm ác, làm thế nào cũng không cảm hóa được. Một vị vua thấy vậy, rất cảm khái, bèn phát nguyện rằng: “Tôi nguyện sớm thành Phật, độ những chúng sanh cang cường này, không bỏ sót một ai.” Còn vị vua kia thì phát nguyện rằng: “Tôi nguyện rằng nếu tôi không độ tận tất cả chúng sanh tội khổ, khiến cho tất cả đều từ trong sự an lạc thành tựu quả Phật, thì tôi sẽ không thành Phật.”
 
Không bao lâu, vị vua phát nguyện sớm thành Phật, xuất gia tu hành, thành Phật hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai; còn vị phát nguyện độ tận chúng sanh sau đó mới thành Phật, mãi cho đến nay, vẫn còn trụ trong giai vị Bồ tát, không từ lao nhọc, hóa độ chúng sanh cang cường, vị đó chính là Bồ tát Địa Tạng. (Kinh Tâm Địa Quán xưng là Bồ tát Địa Tạng Vương).
 
2/ Câu chuyện về đức hiếu.
 
a/ Đức hiéu của người nữ Bà la môn.
 
Khoảng thời gian mà đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương giáo hóa chúng sanh có thể gọi là dài nhất so với các đức Phật khác. Đức Phật ấy thọ mạng bốn vạn ức a tăng kỳ kiếp, đây là điều mà chúng sanh trong thời hiện đại không thể tưởng tượng nổi.
 
Trong thời tượng pháp của Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, có một người nữ dòng Bà la môn, trang nghiêm đoan chánh, siêng tu phước thiện, cứu người nghèo đói, được mọi người ngưỡng mộ kính phục. Cha cô đã mất, chỉ còn bà mẹ. Rất tiếc, người mẹ lại tin theo tà giáo, điên đảo thị phi, xem thường chánh giáo, làm cho cô gái cảm thấy vô cùng sầu khổ. Cô gái cũng thường khuyên mẹ làm thiện, cải tà quy chánh. Lần lần, bà mẹ cũng sanh khởi một chút lòng tin. Rủi thay, chưa kịp hưởng được ánh sáng lợi ích của chánh pháp, thì bà đột nhiên bị bệnh qua đời.
 
Cô gái Bà la môn biết rằng mẹ mình lúc còn sống không tin nhơn quả, tạo nhiều nghiệp sát sanh, ác khẩu, v.v…, ắt sẽ bị đọa vào ba đường ác. Cô bèn bán tất cả tài sản, lấy tiền mua các loại danh hương, hoa quả, phẩm vật, v.v… đem đến các chùa bố thí cúng dường. Đến một chùa nọ, thấy trong chùa thờ tượng Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, vô cùng trang nghiêm, tướng hảo phi phàm, càng thêm kiền thành cung kính, bèn chí thành đảnh lễ, trong lòng nghĩ thầm: “Đức Phật là bậc thánh đại giác ngộ, có trí tuệ bất khả tư nghì. Nếu như đức Phật còn tại thế gian, con đến hỏi ngài về việc đầu thai của mẹ, ắt ngài sẽ biết rõ.” Nghĩ như thế xong, cô bèn bất giác rơi lệ.
 
Cô gái đứng trước tượng Phật chiêm ngưỡng rất lâu, bổng nhiên từ trên không trung có âm thanh vọng xuống: “Này hiếu nữ đang khóc kia! Con không nên bi ai quá lắm. Ta sẽ chỉ chỗ sanh của mẹ con.” Vừa xong, không còn nghe âm thanh nào khác. Cô gái cảm thấy rất phấn khởi, vui mừng chắp tay hỏi vọng lên: “Vị thánh nào có lòng thương tưởng đến con như vậy! Từ khi mẹ con mất đến nay, ngày đêm con thương nhớ vô vàn, nhưng không biết đi hỏi ai chỗ đầu thai của mẹ con!”
 
Lúc đó, trên không lại có âm thanh vang lên: “Hiếu nữ! Ta là Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương mà con đang đảnh lễ. Nhân vì thấy con thương tưởng đến mẹ tha thiết, quá hơn người thường, cho nên ta đến bảo cho con biết.”
 
Cô gái Bà la môn nghe âm thanh từ bi của đức Phật, cảm động đến đỗi ngã quỵ trên mặt đất, giống như núi đổ. Những người chung quanh bèn đỡ cô dậy, một lúc lâu sau mới tỉnh. Lúc đó, cô gái lại ngước mặt lên không trung thưa rằng: “Nguyện Phật từ bi thương xót! Xin hãy cho biết mẹ con sanh về chỗ nào. Hiện nay, mạng sống của con cũng chẳng còn bao lâu nữa. Xin Phật từ bi thương xót!”
 
- Hiếu nữ! Con hãy an tâm. Sau khi cúng dường xong, con hãy về nhà, ngồi ngay thẳng, niệm danh hiệu ta, liền có thể biết được mẹ con sanh về chốn nào.
 
Cô gái cúng dường xong, tuân theo lời đức Phật, bèn trở về nhà, dùng lòng hiếu thảo tha thiết nhớ mẹ, ngồi ngay ngắn, niệm danh hiệu của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Trải qua một ngày đêm, bổng nhiên cảm thấy thân mình đến một bờ biển. Nước trong biển sôi sùng sục. Trên mặt biển có nhiều ác thú, chó sắt, rắn sắt, v.v…, đang chạy tới lui, rượt đuổi vô số nam nữ đang trồi hụp. Lại có những quỷ dạ xoa nhiều tay, nhiều mắt, nhiều đầu, răng nanh chỉa ra như gươm, hành hạ tội nhân làm cho họ cực kỳ thống khổ! Cảnh tượng hãi hùng, không ai dám nhìn lâu. Đang lúc cô gái chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp xảy ra, bổng có một quỷ vương tên là Vô Độc đến gần cung kính vái chào: “Thánh nữ! Cô vì cớ gì mà đến nơi này?”
 
Cô gái cảm thấy rất kỳ quái, bèn hỏi quỷ vương: “Xin hỏi đây là chốn nào?”
 
- Đây là tầng biển thứ nhất ở phía tây núi Đại Thiết Vi.
 
- Nghe nói trong núi Thiết Vi có địa ngục, điều này có đúng không?
 
- Dạ đúng như thế!
 
- Nếu vậy, tại sao hiện nay tôi lại đến đuợc chốn này?
 
- Có hai nguyên nhân đến được địa ngục. Nếu không nhờ uy đức thần lực của chư Phật Bồ tát, thì phải do ác nghiệp lực chiêu cảm. Ngoài ra, không cách nào đến được chốn này.
 
- Nước trong biển tại sao lại sôi sùng sục? Những kẻ đang thọ khổ kia, vì cớ gì mà bị ác thú rượt đuổi như vậy?
 
- Đây là những chúng sanh tạo ác ở cõi Nam Diêm Phù Đề, vừa mới chết trong vòng bốn mươi chín ngày, không có bà con thân thuộc tu tập công đức để cứu vớt khổ nạn cho họ. Bọn họ lúc sống cũng không tích tập thiện nhân, căn cứ vào những ác nghiệp mà họ đã tạo, chiêu cảm quả báo địa ngục, tự nhiên trước tiên phải đến biển này. Tại phía đông biển này, cách đây khoảng mười vạn do tuần, lại có một biển nữa, những điều thống khổ phải chịu lại còn gấp bội. Qua phía đông nữa, lại có một biển, sự khổ ở đó lại tăng gấp bội. Đây gọi là nghiệp hải, do thân, khẩu, ý tạo nghiệp ác chiêu cảm. 
 
- Như vậy, địa ngục còn ở nơi nào nữa?
 
- Địa ngục ở trong ba biển vừa nói. Mỗi biển đều có trăm ngàn đại địa ngục khác nhau.  Trong mỗi đại địa ngục có mười tám đại địa ngục, hình phạt thống khổ nhất, lại có năm trăm trung địa ngục và trăm ngàn tiểu địa ngục. Trong mỗi ngục đều có vô lượng sự thống khổ.
 
- Mẹ tôi mới chết chưa được bao lâu, không rõ thần hồn hiện ở chốn nào?
 
- Thánh nữ! Mẹ cô tên họ là gì?
 
- Cha mẹ tôi dòng dõi Bà la môn. Cha tôi tên Thi La Thiện Hiện, mẹ tôi tên Duyệt Đế Lợi.
 
Vô Độc nghe đến tên Duyệt Đế Lợi, bèn vội chắp tay thưa: “Thánh nữ! Xin cô hãy an tâm trở về, không cần phải lo lắng nữa. Tội nhân Duyệt Đế Lợi đã được sanh lên trời ba ngày rồi. Nghe nói nhờ cô tu phước cúng dường chùa tháp thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Ngày hôm đó không những bà ấy được thoát khổ, mà nhiều tội nhân trong địa ngục cũng được sanh lên trời.
 
Vô Độc nói xong, bèn chắp tay cáo từ. Cô gái Bà la môn dường như tỉnh mộng. Nhớ lại câu chuyện trong giấc chiêm bao, bèn đến trước tháp thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, thành kính phát nguyện:
 
- Nguyện cho đến cùng tận đời vị lai, con sẽ thiết lập mọi phương tiện, cứu độ tất cả tội khổ chúng sanh đều được giải thoát.
 
Sau khi phái nguyện, cô ta bèn chuyên tâm tinh tiến tu tập phước đức. Người con gái ấy, hiện nay là đức Bồ Tát Địa Tạng. Còn quỷ vương Vô Độc, hiện nay là Bồ Tát Tài Thủ.
 
b/ Đức hiếu của nàng Quang Mục.
 
Quá khứ, vào thời tượng pháp của đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, có một vị A la hán thường dùng phương tiện ứng cúng để hóa độ chúng sanh. Một hôm, trong lúc đi giáo hóa, gặp một cô gái tên là Quang Mục, thỉnh ngài đến nhà thọ cúng dường. Sau khi thọ trai, vị La hán hỏi cô gái có tâm nguyện gì. Cô gái trả lời: “Hôm nay là ngày giỗ mẹ, con thiết trai cúng dường. Hy vọng nhờ nhân duyên này, cứu được mẹ con. Không biết mẹ con hiện giờ sanh về chốn nào?
 
Vị La Hán liền nhập định quán sát, thấy mẹ của cô gái đang đọa trong địa ngục, chịu nhiều thống khổ. Sau khi xuất định, bèn hỏi Quang Mục: “Mẹ con lúc sanh tiền đã tạo nghiệp gì mà hiện nay phải đọa vào địa ngục chịu nhiều thống khổ?”
 
Quang Mục nghe xong nghẹn ngào trả lời: “Mẹ con lúc còn sống, có thói quen ưa ăn cá và ba ba sống, đặc biệt thích ăn cá con và ba ba con. Cách ăn rất là cầu kỳ, thảm khốc. Hơn nữa, số sanh mạng bị giết hại nào chỉ có ngàn muôn! Cúi xin tôn giả nhỏ lòng từ bi thương xót, cứu vớt mẹ con!”
 
Vị La Hán an ủi Quang Mục: “Nếu con muốn cứu mẹ, phải nên khởi lòng chí thành niệm danh hiệu đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Hơn nữa, nên tạo vẽ hình tượng của ngài mà cung kính cúng dường, không bao lâu nữa, con sẽ thấy được sự linh ứng.”
 
Quang Mục nghe xong, liền bèn bán tất cả những vật quý báu, lấy tiền tạo vẽ hình tượng của đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục, sắc tướng hoàng kim, vô cùng trang nghiêm mỹ lệ. Sau đó dùng tâm tha thiết, thành kính lễ bái.
 
Một hôm, Quang Mục nằm mộng, thấy đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai hiện đến, ngài nói: “Chẳng bao lâu nữa, mẹ con sẽ đầu thai vào nhà này. Khi đứa trẻ vừa biết đói lạnh, sẽ nói cho nghe những gì nó đã trải qua.”
 
Chẳng bao lâu sau, một tớ gái trong nhà sanh một bé trai. Chưa đến ba ngày, đứa bé khóc ròng, chắp tay nói với Quang Mục: “Sinh tử nghiệp duyên đều là tự làm tự chịu. Tôi là mẹ của cô, từ lúc biệt ly đến nay, tôi bị đọa vào địa ngục thọ khổ. Hiện nay, nhờ phước của cô bố thí cúng dường Phật pháp, mà tôi được đầu thai làm con một người hạ tiện. Nhưng chỉ sống được mười ba tuổi, sau đó lại phải bị đọa vào địa ngục. Quang Mục! Hiện giờ cô có biện pháp nào khác để cứu tôi hay không?”
 
Quang Mục nghe xong, biết đứa bé là mẹ mình đầu thai, cảm thấy nghẹn ngào, bèn hỏi: “Nếu đã là mẹ tôi, ắt phải biết nguyên nhân đọa vào địa ngục. Như vậy mẹ đã tạo những tội ác nào mà phải chịu quả báo này?”
 
Đứa bé trả lời: “Chỉ phạm hai tội sát sanh và hủy báng Tam bảo là đủ để bị quả báo địa ngục. Nếu không nhờ phước bố thí cúng dường của cô, tôi không cách nào ra khỏi địa ngục!”
 
Quang Mục lại hỏi: “Quả báo địa ngục, rốt ráo thế nào?”
 
Đứa bé trả lời: “Sự việc ở địa ngục, không nỡ nói ra. Giả như có nói, thì trăm ngàn vạn kiếp cũng không nói hết.”
 
Quang Mục nghe nói, nức nỡ nghẹn ngào, hướng lên không trung phát nguyện: “Nguyện mẹ con được vĩnh viễn thoát khổ địa ngục, sau mười ba tuổi không còn bị đọa vào ba đường ác, không sanh vào nhà hạ tiện, và cũng không bị đầu thai làm người nữ. Từ ngày hôm nay trở đi cho đến cùng tận đời vị lai, con nguyện sẽ cứu độ tất cả chúng sanh tội khổ trong địa ngục và ba đường ác, khiến cho chúng sanh thoát ly địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, v.v… Sau khi tất cả đều thành Phật đạo, con mới chứng quả Vô thượng Bồ đề.”
 
Vừa phát nguyện xong, trên không vang lên tiếng của đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai: “Quang Mục! Con quả thật là đại từ bi. Vì muốn cứu mẹ mà phát đại thệ nguyện. Ta thấy mẹ con sau khi thọ mười ba tuổi, sẽ đầu thai làm người Phạm chí, sống lâu trăm tuổi, kế đó vãng sanh về cõi Vô Ưu, thọ mạng lâu dài, không thể nghĩ bàn. Cuối cùng sẽ được thành Phật, quảng độ vô số chúng sanh. Hiếu nữ, con hãy an tâm!”
 
Vị La Hán thuở đó, hiện nay là Bồ Tát Vô Tận Ý, còn mẹ của nàng Quang Mục, là Bồ Tát Giải Thoát.
 
Những mẫu truyện về phát nguyện và đức hiếu của ngài Địa Tạng, thật sự nhiều như cát sông Hằng,không thể kể xiết. Hiện nay chỉ y vào Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, trích lục bốn đoạn vừa kể ở trên.
 
Trích từ: Sự Linh Nghiệm Của Địa Tạng Bồ Tát