Home > Khai Thị Phật Học > Hay-Bien-Tinh-Yeu-Thuong-Thanh-Dong-Luc-Song
Hãy Biến Tình Yêu Thương Thành Động Lực Sống
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Tình yêu là thứ tình cảm đáng trân trọng, đáng quý, đáng ca tụng trong đời, cuộc đời nhờ có tình cảm mới phát triển, tươi vui hạnh phúc. Nhưng những năm gần đây, các phương tiện báo chí trong và ngoài nước thường đăng tải những vụ án tình thảm khốc, trong đó nguyên nhân chính, chủ yếu là do các nạn nhân đều là “tín đồ tình ái” nhưng không hiểu tình yêu là gì. Yêu có thể chia thành tình yêu ích kỉ và tình yêu dâng hiến: tình yêu dâng hiến là lòng từ bi, tức là tình yêu thương rộng lớn mà người ta thường gọi là bác ái; tình yêu ích kỉ là thứ tình yêu muốn chiếm hữu, thường là tình yêu nam nữ.

Đương nhiên trong tình yêu nam nữ vẫn có rất nhiều mối tình đáng được người đời trân trọng.

Tuy vậy, tình yêu nam nữ có tính chiếm hữu lớn, lúc nào cũng muốn giữ lấy người mình yêu. Vì thế khi yêu, đôi bên cứ ngỡ đấy là thứ tình yêu dâng hiến, thực ra đấy là thứ tình cảm luôn luôn tranh thủ, chiếm lấy trọn vẹn tình cảm của đối phương và đấy cũng là cái đích của tình yêu này. Trong quá trình “chiếm hữu”, thể hiện tình yêu, nếu chỉ thấy đối phương không như những gì mình mong muốn hoặc không phù hợp với tâm nguyện mình thì sẽ nảy sinh xung đột, oán hận, hoài nghi, thậm chí sinh lòng thù hận.

Không thể có một tình yêu nam nữ hoàn toàn vô tư, dâng hiến, vì khi yêu rất dễ gây ra nghi ngờ, nghi ngờ dẫn đến cãi vã, nhất là trong những mối tình tay ba, yêu và hận quyện chặt nhau rất khó phân định: yêu vì hận, hận vì yêu.

Vì tình yêu nam nữ xuất phát tự lòng ích kỉ, chiếm hữu nên tình yêu thường không yên bình. Nhân gian có câu “yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Một khi không đạt được mục đích, tất cả công sức theo đuổi không được đền đáp thường sinh lòng oán hận, khi đó họ có tư tưởng “ăn không được thì đạp đổ”. Khi “đạp đổ”, họ không lường được kết quả sẽ thế nào, trong cơn nóng giận sẽ hủy hoại đối phương, thậm chí có người còn cướp mất mạng sống của người mình yêu, đây chính là bi kịch tình yêu của con người.

Có người rất mù quáng trong tình yêu, chỉ biết yêu và yêu chứ không nghĩ đến các nhân tố hiện thực khác, đấy chính là “si tình”. Si tình có thể vì mục đích tình dục, cũng có thể do mù quáng trong cách nhìn nhận đánh giá đối phương. Trong mắt gã si tình, người mình yêu là đẹp nhất, tài giỏi nhất. Trường hợp này đối phương không còn là đối phương nữa mà chỉ là cái xác cho người kia tưởng tượng ra một con người hoàn hảo như thế. Vì thế, kết cục của những tình yêu mù quáng, si tình không bao giờ tốt đẹp như ý cả. Khi rơi vào trường hợp này, bạn cần sớm thức tỉnh.

Tại sao có người nói “hôn nhân là mộ phần của tình yêu?”. Vì trước khi lấy nhau, cả hai đều che giấu cái xấu, tô điểm cái đẹp vốn không phải của mình hoặc mình không có như thế, thậm chí có người còn tìm cách làm đẹp cho những khuyết điểm của mình. Đến khi kết hôn thành vợ thành chồng chung sống với nhau, tất cả khuyết điểm dần dần hiện rõ và đôi bên dần thất vọng về nhau, cuối cùng hạnh phúc tan vỡ. Vì thế, trong tình cảm nam nữ, không nên sống mơ mộng, ảo tưởng về tính cách cao đẹp của đối phương, không nên mụ mị trong tình cảm.

Tình yêu đích thực là phải không ngừng học tập, kiện toàn bản thân vì người mình yêu, biết cách tôn trọng, giúp người yêu phát triển ưu điểm, bỏ dần khuyết điểm, biết cách biến tình yêu thành động lực sống tốt, không để tình cảm nam nữ trở thành gánh nặng, tạo nên bi kịch cho cuộc sống của mình và người yêu. Yêu tức là tìm người bạn để chung sống trọn đời, nên giữa hai người không những phải tôn trọng, thương yêu nhau như khi ban đầu mà còn phải biết san sẻ, thẳng thắn, không giấu giếm nhau điều gì. Hai bên phải đối đãi bình đẳng, ôn hòa, trong sáng mới mong sống với nhau trọn đời. Khi nào bạn thực hiện được như thế mới được gọi là tình yêu thực sự.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Hãy Biến Tình Yêu Thương Thành Động Lực Sống