Phật dạy: “Trong đại dương, giọt nước biển nào cũng có vị mặn thì các pháp môn của ta, pháp môn nào cũng có vị giải thoát, mà giải thoát tức là diệt trừ được những tư tưởng tạp loạn của tâm vọng động, chứa đầy nọc độc tham, sân, si… làm cho con người khổ đau, phiền não, được trở về trạng thái an vui của Chân Tâm, Phật tính”.
Kinh A Di Đà giống như đại đa số kinh Phật khác có mục đích:
1. Chỉ cho chúng sinh biết rõ cõi trần là nơi khổ đau.
2. Nguồn gốc của sự khổ đau là tạp nhiễm những thói hư tật xấu, do lục căn, lục trần cấu kết với nhau làm cho tâm vọng động, phát sinh ra những tư tưởng và hành động sai lầm đưa tới quả khổ sinh tử.
3. Chỉ cho ai nấy được biết phần linh thiêng trong con người là Chân Tâm, bản tính hay Phật tính của mình.
4. Muốn thoát ly khổ đau luân hồi sinh tử để được hưởng đời đời hạnh phúc phải trở về với Chân Tâm, Phật Tính của mình hay là thành Phật.
Pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh độ dựa trên cơ sở tư tưởng: “Người ta trở thành cái mà người ta thường mơ ước” hay: “Muốn là được” (“On devient ce à quoi on désire” hay “Vouloir c’est pouvoir”).
Phật dạy: “Cái tính hiện tại của con người do kết quả của những tư tưởng và hành vi của người ấy từ vô thuỷ” hay “Sinh mệnh của một người là kết quả của những nghiệp về thân, khẩu, ý do người đó đã tạo ra từ vô lượng kiếp. Những gì trong quá khứ đều không bị huỷ diệt, chúng để lại những dấu ấn trong tàng thức của ta. Nghiệp báo theo ta như bóng theo hình, do đó mà một con người hiện tại bởi con người quá khứ tạo nên, cũng như con người tương lai là kết quả của những suy tư và hành động của con người đó trong hiện tại. Chính ta đã tạo ra ta. Bởi vậy người ta phải luôn luôn tưởng niệm đến những gì cao quý và hướng đến đích Chân, Thiện, Mỹ. Con người thường mơ ước tới cái vô cùng tận, và một đời sống hạnh phúc tươi đẹp tuyệt đối. Không ai lại khao khát cái xấu xa, ngắn ngủi, tầm thường và gây khổ đau cho mình. Cái Vô cùng Vô tận được thần thánh hóa bằng Đức Phật A Di Đà, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, Vô lượng Công đức, cái cao thượng tốt đẹp vô cùng được lý tưởng hoá bằng cõi Cực lạc Tây phương. Nói cách khác thì tư tưởng chỉ đạo của bộ kinh A Di Đà nằm trong hai chủ thuyết:
1. Nhất thiết duy tâm tạo (Kinh Hoa Nghiêm).
2. Nhất thiết chúng sinh tất hữu Phật tính (Kinh Đại Bát Niết Bàn và Kinh Pháp Hoa) khuyên người đời nên trở về với Chân Tâm, Phật tính của mình.
Cũng như các bộ Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, và Đại Bát Niết Bàn, Kinh A Di Đà chủ trương tâm con người có thể tạo ra tất cả, và ai ai cũng có thể thành Phật, nhập Niết bàn hay vãng sinh Tịnh độ nếu mình thiết tha mong muốn. Nhưng so với các bộ kinh lớn kể trên thì Kinh A Di Đà có phần thông tục hơn và được lan truyền trong đại chúng rộng rãi hơn.
Căn bản của Kinh A Di Đà là thuần niệm Phật, nhằm kết hợp trực giác tâm linh của hành giả với Chân Như Pháp Giới, phá cái giả ngã bé nhỏ của con người để hoà tan vào cái tâm của thiên địa đại đồng, kết quả là phá được vô minh, đập tan được Ngã và Ngã sở, và tỏ ngộ được Chân Tâm trong sáng của ta. Trở về tự tâm hay Kiến tính là duyệt xét lòng mình để thấy những gì là cao đẹp quang minh, và những gì là xấu xa, thấp hèn, rồi tuân theo những lời chỉ dạy của lương tâm, Phật tính của mình.
* Một triết gia Tây phương có những tư tưởng đẹp, được diễn tả qua bông hoa văn nghệ sau đây: “Đối với Thượng đế (hay Phật, Trời) ta nên có trái tim của trẻ thơ. Đối với tha nhân, ta nên có trái tim của người Mẹ hiền. Nhưng đối với chính mình, ta phải có trái tim của một vị thẩm phán anh minh, nghiêm khắc. Ta phải làm chủ ý chí của ta và làm nô lệ cho lương tâm mình”. Nói theo lối Phật giáo thì ta phải tự biết chính mình, ta mới được tự do tự tại, mới thoát khổ, và mới thành Phật.
* Trở về với nội tâm hay Kiến tính là nương tựa vào lương tâm mình, chẳng phải là nương tựa vào một thể xác giả huyễn, một mớ ngũ uẩn, giả ngã biến hoại từng sát na, cũng chẳng phải là nương tựa vào sự phiêu lưu bình bồng của một Ý thức thay đổi không ngừng vì tất cả những thứ đó đều chẳng phải là Chân Ngã hay Chân Tâm, mà chỉ là Vọng thức Vọng niệm đảo điên, sinh diệt luôn luôn biến đổi mà thôi. Trở về với chính mình là nương tựa vào những đức tính sáng suốt, bình đẳng, từ bi hỷ xả của tự tính của mình sẵn có đầy đủ, không bị nhân duyên và căn trần chi phối. Mục đích trở về với bản tâm con người thì bất cứ bộ kinh Phật liễu nghĩa nào cũng có vị giải thoát cả, nhưng mỗi bộ kinh Phật lại có một lối diễn tả riêng, khi thì theo cửa Hữu hay Pháp tướng, khi thì theo cửa Không hay Pháp tính, lại dùng những từ ngữ khác nhau để cùng chỉ một thứ, tỷ như tâm con người.
– Kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp giới hay Pháp giới tính, hoặc Sự Lý viên dung.
– Kinh Lăng Nghiêm gọi là A đà na thức, Chân Tâm, Diệu minh, Chân Như, Chân Tính, Chân Tướng, Thực thể, Chân thể …
– Kinh Thắng Man gọi là Như Lai Tạng.
– Kinh Duy Ma Cật gọi là Pháp Bất Nhị.
– Kinh Viên Giác thì gọi là Viên giác Tính, Thiền định công đức, hay Diệu Giác Nguyên minh…
– Kinh Đại Bát Niết Bàn gọi là Như Lai, Như Lai tính, Pháp tính thường trụ.
– Kinh Bát Nhã gọi nó là Không quán.
– Kinh Lăng Già gọi nó là Như Lai thanh tịnh.
– Kinh Pháp Hoa gọi nó là Phật tính, Tự tính thanh tịnh Niết bàn, Như ý bảo châu, Tri kiến Phật, hay Viên ngọc vô gía giắt trong người.
– Kinh Pháp Bảo Đàn gọi nó là Bản lai diện mục, hay ông chủ nhà.
– Luận Đại Thừa Khởi Tín gọi nó là Bản Giác hay Giác tính.
– Luận Duy Thức gọi nó là Duy Thức tính v.v…
Trong các kinh điển của nhà Phật chữ tâm được diễn tả tuỳ theo Tướng, Dụng hay Thể của nó. Về phương diện hoạt động hay diệu dụng thì tâm được gọi là pháp Nhất thừa, lý Trung Đạo, lý Bất Nhị, hoặc Chân Đế để chỉ cho cái thực tại siêu việt, mầu nhiệm, viên dung, cái Chân không Diệu hữu của vũ trụ. Về phương diện Thể Tính thì gọi Tâm là Phật tính, Giác tính, Pháp tính, Bình đẳng tính, Pháp thân Như Lai, Chân Không, Đại ngã… hay cái tính Bất sinh bất diệt, Bất khứ bất lai, không thiện không ác của các pháp. Đứng về phương diện liên hệ giữa bản thể và hiện tượng thì tâm được diễn tả bằng những danh từ “Như thị, như thị” hay “Như như”.
Tâm của con người chứa đầy hạt giống xấu, tốt lẫn lộn. Đó là nơi tụ hội của Thần lẫn Quỷ, Thần là phần thanh cao tôn quý, Quỷ là phần ô trọc bỉ ổi, thấp hèn. Về mặt chân thì tâm có quyền năng vô hạn, hiện diện khắp nơi như hư không. Về mặt vọng thì nó là động cơ thúc đẩy con người đi theo con đường lục dục, thất tình, gây khổ đau, tai hoạ, nếu nó nghiêng ngả mê mờ. Vì tâm là kho chứa đủ các loại hạt giống của Thánh lẫn phàm nên cổ nhân lo sợ nếu nó nghiêng lệch về một phía, thì sai một ly đi tới vạn dặm.
Đã có Thánh, phàm, ắt có chân tâm hay Phật tâm và phàm tâm hay vọng tâm. Tự tính Di Đà hay chân tâm, Phật tính vốn đầy đủ các đức hạnh viên chiếu hồn nhiên, ở Phật chẳng thêm, ở phàm không thiếu. Khi cái tính thanh cao tuyệt đối ấy chưa phát hiện thì nó vô vi. Đó là phần tiên thiên, vạn tượng hàm chứa trong đó. Nhưng khi nó đã phát hiện ra ngoài thì nó là phần hậu thiên sinh ra thiên hình vạn trạng. Càng đi xa ngọn nguồn trong sạch, nó lại càng ô trọc, mờ tối. Từ một tư tưởng bất chính sinh ra mà tâm vốn bất động đã tạo duyên, tác nghiệp, lôi cuốn con người vào guồng máy luân hối sinh tử. Tu là từ hậu thiên trở về tiên thiên, từ vạn hữu sai thù, trở về nguyên lý căn bản, hay tự vọng thức điên đảo hồi về chân tâm bất động để được giải thoát.
Cái tâm chỉ có một, thuộc về bản thể tuyệt đối sinh ra vạn hữu sai thù, có hình, danh, sắc, tướng, gọi là Sự Sự Pháp giới, nên mới có câu: “Nhất bản tán vạn thù, vạn thù quy nhất bản”. Tất cả các pháp trong vũ trụ đều từ cái “nhất chân” ấy sinh ra nên mới bảo: “Một là tất cả và tất cả là Một”. Tướng và Dụng của các pháp đều vọng mà Bản thể của các pháp lại chân, cho nên giữa Chân và Vọng, Tính và Tướng, Lý và Sự, tuy khác nhau về Tướng, Dụng, nhưng Thể lại vốn đồng và đều dung thông, dung nhiếp với nhau như bóng với hình, nghĩa là các pháp đều “nhất thiết vô ngại”.
Phật và tâm con người rộng lớn như thái hư. Về mặt Thể nó bao hàm cả vạn hữu, ẩn tàng và siêu xuất. Tâm có sức mạnh tinh thần phi thường nên ta biết cách tập trung năng lực của nó vào một mối, đừng để cho năng lực ý phân tán thất thoát qua lỗ hổng của sáu căn thì nó có đủ sức hoán cải cả càn khôn. Người ngồi thiền tập trung tư tưởng trong đại định có dụng ý để năng lực tinh thần của tâm không bị suy giảm bởi đã khép kín được sáu căn. Khi đó họ đã dùng năng lực tinh thần (của Tâm) để quan sát sự vật và đắc một thứ trực giác siêu phàm gọi là Bát nhã trí, thấy rõ Thực tại toàn chân. Người thường, trong phút lâm chung, sáu căn biến hoại cũng có được một lúc tâm không vọng động và lúc ấy nếu biết hướng về Phật pháp hoặc được bên ngoài trợ lực, nhắc nhở cho biết để hướng về nơi thanh cao siêu thoát, và hướng tới Phật, niệm Phật A Di Đà với tâm bất loạn thì có thể nhờ được Tha lực của chư Phật và Bồ tát cùng người bạn hộ niệm cho mình phối hợp với tinh thần của y lúc bấy giờ mà dắt y về cảnh Cực lạc Tây phương.
Về mặt vật lý (theo bản báo cáo của BS Nguyễn Khánh Dư về thành tích hoạt động của Bệnh viện Chợ Rẫy (Saigon) trong ngành chữa trị bệnh tim, đăng trong báo Saigon Giải Phóng) thì tâm là một chiếc máy bơm thần diệu bền bỉ hơn sắt, thép, có sức hút được một khối lượng máu, bằng cả một khối nước chứa đầy một cái hồ dài 10 cây số, rộng 7 cây số, và sâu 2, 50 thước để nuôi cơ thể một người trung bình thọ 60 tuổi, hoặc có thể nâng bổng một cơ thể nặng 60 Kg lên tới đỉnh ngọn núi chọc trời Everest cao 8848 thước, bằng sức của nó chỉ mới tích luỹ trong vòng một tháng mà thôi? Thế mà ta lại cứ tưởng nó yếu ớt tầm thường, không đáng kể!
– Tâm ấy gây sóng gió, làm cho đời người điên đảo, điêu linh mà cũng chính nó lại mở đường cho chúng ta nhập cảnh giới Niết bàn, hạnh phúc nên mới có câu:
Vị bất tòng thức pháp giới lưu,
Mạc bất hoành quy thức pháp giới.
Pháp giới ở đây là Pháp giới tính là tâm của vũ trụ mà cũng là tâm của con người, nơi xuất sinh vạn hữu, và là nơi vạn hữu quay về. Đó cũng là lý nghĩa của câu kinh: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Nếu tâm thức của con người mà không quân bình thì trời đất đều bị điên đảo, đảo điên.
Nếu Tâm con người mà ngả nghiêng nghiêng ngả, chỉ biết cái Ta, chẳng còn lưu ý đến cái tốt, cái hay và quyền lợi của thiên hạ thì bao nỗi mâu thuẫn, bất đồng, xâu xé nhau từ đó phát sinh. Bổn phận và lý tưởng của mọi người là đi theo con đường chính hướng về Chân, Thiện, Mỹ. Giữa hai nẻo Thiên đường và Địa ngục, con người có toàn quyền tự do lựa chọn. Bổn phận của ta là phải thoát ly cảnh mờ tối của tâm hồn vì vô minh che lấp ánh sáng của chân tâm để trở về với chân tính sáng suốt của mình. Bởi vì chân tâm là cái vô hình, vô tướng, khó hiểu và khó chỉ bày nên Phật mới phải mượn những vật hữu hình để chỉ cái vô hình vô tướng ấy, do đó mà kinh Phật, bộ nào cũng chứa đầy mật nghĩa khó hiểu.
Xét trong kho tàng kinh điển Phật giáo có hai bộ Kinh A Di Đà và Địa Tạng có những mối liên hệ mật thiết với nhau, vì cả hai đều được chọn làm Kinh cầu siêu cho người chết, do đó, luận về Kinh A Di Đà mà không bàn qua về Kinh Địa Tạng e bị lỗi thiếu sót.
b. Kinh Địa Tạng.
Cũng giống như Kinh A Di Đà, Kinh Địa Tạng là một bộ Kinh Đại Thừa liễu nghĩa, khế lý, khế cơ, viên đốn, Lý sự viên dung, có gì lợi cho người còn, người mất, bởi vì người sống nhờ đọc tụng các bộ Kinh này được giác ngộ, giải thoát, thì kẻ chết cũng nhờ các bộ Kinh này mà được chuyển nghiệp siêu sinh. Người Phật tử dốc lòng tin lời Phật dạy trong hai bộ kinh này mà tu theo về Sự hay Lý đến mức độ ba la mật đều đắc quả như nhau, cùng tăng trưởng Bi Trí, Phúc Tuệ, cùng đạt tới Lý Sự viên dung.
1. Về mặt Sự tướng: Theo Kinh điển thì Đức Địa Tạng là một người có thật (cũng như Phật A Di Đà là một vị Phật bằng thịt bằng xương), nếu không vì nguyện lớn độ tận chúng sinh trong cõi đời ô trược, ác thế này thoát vòng tử sinh thì Ngài đã thành Phật từ nhiều kiếp trước rồi. Ngài nguyện rằng: “Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề. Địa ngục vị không thệ bất thành Phật”. Lời nguyện của Bồ tát Địa Tạng sâu rộng vô cùng, bởi vì đối tượng của Ngài vô tận. So với những nguyện lớn của Ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc, Quán Thế Âm Bồ tát, còn bao la vĩ đại hơn nhiều bởi vì dù các vị này có hiện ra trăm ngàn muôn ức hoá thân để tế độ chúng sinh khắp mười phương thế giới thoát vòng khổ đau, song những Phật sự của các vị này còn có lúc hoàn mãn, chứ nguyện của Ngài Địa Tạng thề cứu độ hết thảy chúng sinh trong sáu ngả, trải qua vô số kiếp như số cát của muôn ngàn ức sông Hằng thì thật là vô cùng tận. (Phẩm Địa Thần Hộ Pháp thứ 11 Kinh Địa Tạng. Chỉ có 48 lời nguyện của Phật A Di Đà mới sánh ngang với lời nguyện của Ngài Địa Tạng mà thôi).
* Tâm của Bồ tát Địa Tạng viên chiếu, tịch tĩnh, đồng thể với Phật. Vì nguyện độ lớn nên Ngài mới tự nguyện ở ngôi Bồ tát trong thời gian vô tận để hành đạo. Ngài có đủ cả tam Thân:
a. Pháp thân của Ngài Địa Tạng Bồ tát trùm cả tam thiên đại thiên thế giới, hoà đồng cùng vũ trụ.
b. Ứng thân của Ngài hiện diện tại cung Trời Đao Lợi khi Phật Thích Ca thuyết Kinh Địa Tạng cho hàng Trời và Bồ tát nghe. Lúc ấy Phật đã lấy tay xoa đầu Bồ tát Địa Tạng và giới thiệu Ngài với Trời Đế Thích.
c. Báo thân của Ngài ví như thân của Thánh nữ Bà la môn Quang Mục trong Kinh Địa Tạng. Như vậy theo Kinh điển, về mặt Sự, rõ ràng Đức Địa Tạng Bồ tát là một nhân vật lịch sử (cũng như Phật A Di Đà), có đời sống như người thường, nghĩa là có tu hành, phát thệ và có mật độ, không thể bảo Ngài là một nhân vật huyền thoại, có danh vô thực, cũng như không thể bảo Pháp Tạng Tỳ kheo, tiền thân Phật A Di Đà là một nhân vật bịa đặt. Theo tục lệ người đời thường vẽ hoặc đắp tượng Ngài giống như một vị Hoà thượng, tay cầm viên minh châu để soi đường nơi âm phủ, và cây tích trượng để phá cửa ngục thiết vi, giải thoát cho những vong hồn tù đày.
* Trong Kinh Địa Tạng, Phật Thích Ca đã giới thiệu Ngài Địa Tạng cho Trời Đế Thích rõ, cũng như Phật đã từng giới thiệu cảnh Cực lạc Tây phương cho Hoàng Hậu Vi Đề Hy hay và cũng như Phật đã tự giới thiệu mình với hàng đệ tử là Ngài chính là em ruột Phật A Di Đà trong tiền kiếp. Ta phải tin lời Phật dạy trong những trường hợp này bởi vì Phật không bịa đặt bao giờ cả. Đã tin lời nguyện của Phật A Di Đà thề độ tận chúng sinh trong khắp các nẻo mê đồ, hễ kẻ nào thành tâm niệm danh hiệu Phật tới mức nhất tâm bất loạn thì được thoát ly sinh tử, được về thế giới Cực lạc Tây phương thì ta cũng phải tin lời nguyện của Bồ tát Địa Tạng thề cứu vớt hết thảy chúng sinh khỏi khổ đau và thoát ly địa ngục vô gián. Bởi nặng lòng thương chúng sinh sống trong cảnh nhà lửa bốn bề đốt cháy, và bởi Phật đã rõ những lời đại nguyện của Bồ tát Địa Tạng về tiền kiếp nên Phật đã uỷ thác cho Bồ tát Địa Tạng trong thời gian Phật không còn tại thế và Đức Di Lặc chưa xuất hiện để cứu đời, lãnh lấy trọng trách độ hết chúng sinh cương cường khó dạy, còn ngụp lặn trong biển sinh tử nhất là ở cõi địa ngục trần gian này, cũng như ở mọi nơi uế độ khác đều được giải thoát khỏi bát nạn tam đồ. Đức Địa Tạng đã vâng chịu, nhận lãnh lời phó thác ấy tới ba lần. Đọc tới đoạn Kinh trên, ai là người chẳng cảm động trước tấm lòng Từ Bi cao cả và tuyệt đối của bậc Thánh cứu thế ấy?
Theo Triết lý thì Kinh Địa Tạng được gọi là Hiếu Kinh, một bộ Kinh dạy về chữ Hiếu đứng hàng đầu. Trong Kinh Địa Tạng, Phật dạy: “Phận làm con phải thờ cha mẹ, cố giữ chữ hiếu đạo đối với mẹ cha mới đền đáp được công ơn sâu dầy dưỡng dục sinh thành”.
Nhưng cha mẹ của chúng ta là những ai?
– Theo lời Phật dạy ông A Nan trong kinh Đại Báo Phụ Mẫu trọng ân thì không những chúng ta có cha mẹ trong đời hiện tại, mà ta còn có cả phụ mẫu trong các kiếp quá khứ nữa. Đống xương khô của vô số chúng sinh, trong hằng hà sa số kiếp về trước, có thể là hài cốt của cha mẹ ta, bởi vì trong muôn lần kiếp tái sinh, ta đã phải đoạ hết làm loài nọ lẫn loài kia, thì trong chuỗi dài vô tận của thời gian, tất cả chúng sinh trong khắp các cõi mê đồ, người còn kẻ mất đều có thể là cha mẹ của chúng ta, chỉ vì vô minh che khuất bản tâm thanh tịnh mà ta không nhận ra đó thôi. Hiểu lẽ đạo làm con phải hết lòng hiếu kính đối với cha mẹ khi còn, khi mất để đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục trong muôn một, lại hiểu rằng chúng sinh đều có thể là phụ mẫu của mình, thì cũng hiểu được vì sao Phật A Di Đà đã nguyện độ tận chúng sinh, ai nhắc tới tên Ngài đều được Ngài đưa về cõi Tây phương Cực lạc. Bồ tát Địa Tạng đã nguyện cứu vớt chúng sinh thoát khỏi ngục A Tỳ và Bồ tát Quán Thế Âm cũng như các Bồ tát khác lại phân thân ứng hiện khắp nơi, dưới mọi hình tướng để cứu giúp muôn loài khổ đau. Đối với người có tâm Bồ tát thì chúng sinh là những vị ân nhân bởi vì nếu vắng bóng chúng sinh thì Bồ tát không có dịp may để hành đạo và chứng quả Bồ đề, luyện Tứ Vô Lượng Tâm và Lục độ ba la mật.
* Theo lý Tương tức, tương nhập và bình đẳng trên mặt thể tính thì mình là chúng sinh, chúng sinh là mình. Sự sống của muôn loài trên trái đất đều linh thiêng như nhau, và không có loài nào phải hy sinh tính mạng mình cho loài khác để họ được đỏ da thắm thịt cả. Đứng trước thảm cảnh những con thú bị thọc huyết phanh thây, tiếng kêu la thảm thiết, dẫy dụa trên máu đỏ lòm, hay giương đôi mắt lờ đờ nhìn cảnh vật chung quanh ai là người có chút từ tâm lại chẳng mũi lòng, thương xót? Không ai có quyền được dùng trí óc khôn lanh của mình để săn, bẫy, giết hại muông thú, hòng thoả mãn lòng tham ích kỷ và tính hiếu sát của mình! Cũng vì nhớ tới công lao của chúng sinh đã tạo cho mình nguồn sống mà người có đạo tâm không nỡ sát sinh súc vật và phải ăn chay suốt đời.
Hiểu được lẽ chúng sinh có thể là phụ mẫu của ta trong tiền kiếp, chúng sinh đồng một bản thể với ta, và là những vị Phật sẽ thành thì cũng hiểu được vì sao mà ta phải có tâm vô phân biệt, không nên tự kiêu, coi oán thân không khác và phải sống với chân lý Bất Nhị, Một là Tất cả và Tất cả là Một.
Trong Kinh Hoa Nghiêm có câu: “Ở sa mạc có một hồ nước. Trên bờ mọc lên một gốc đại thụ cành, lá, hoa quả sum xuê. Nước ở trong hồ ví như chúng sinh. Rễ cây, thân cây và cành, lá tượng trưng cho Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn, còn hoa quả là Phật. Nếu không có nước ở trong hồ thấm nhuần vào rễ thì cây ấy không mọc được để nẩy chồi, đâm lộc sinh hoa kết trái”. Quả Phật thuộc về chúng sinh. Nếu không có chúng sinh thì Bồ tát không có nơi nương tựa để hành đạo và thành tựu được quả vị Bồ đề. Cũng vì lẽ đó mà các khoá lễ Phật đều kết thúc lời Kinh bằng hồi hướng công đức khắp tất cả, âu cũng là nghĩa cử thông thường nhằm nghĩ đến ân sâu đối với chúng sinh.
Người học đạo Phật cần phải hiểu đạo Phật, hiểu đạo không phải chỉ là nghiên cứu Kinh điển, mà còn phải trải qua một quá trình lâu dài thấy Đạo, hành Đạo và chứng Đạo tức là hiểu Đạo qua thực nghiệm của bản thân, vượt ra ngoài lý luận viễn vông, nghĩa là phải đi qua nhiều chặng đường thử thách của Tri Hành hợp nhất. Những mớ hiểu biết lỏng lẻo, lý thuyết ban đầu rất cần thiết. Đó là phần tư lương dự trữ trong bọc hành lý buổi đăng trình. Nhưng Trí có thể dễ mà Hành mới thật là khó. Người học đạo Phật chịu khó nghiên cứu và nghe những lời thuyết pháp có thể hiểu được Phật pháp phần nào, nhưng làm những lời vàng ngọc của Phật dạy thì ít ai làm được, chỉ có Phật mới làm theo đúng những lời mình đã nói. Hiểu thiên kinh vạn điển còn dễ, chứ Hành, dù chỉ một chữ thôi (như chữ Xả, chữ Nhẫn, chữ Hiếu chẳng hạn) thực khó vô cùng! Do đó, đôi khi ta phải coi Hành nặng hơn Tri. Hiểu thì phải cố gắng hành trì theo như mình đã hiểu. Nếu Tri mà không Hành, Lý mà thiếu Sự thì Lý phỏng có ích gì?
Nếu ta coi chúng sinh những kiếp trước và kiếp này đều là ân nhân của ta thì ta phải hết lòng nhớ ơn họ, và phải làm đúng theo lời Phật dạy.
Trong Kinh Địa Tạng, Phật đã chỉ bảo tường tận bổn phận làm con phải giữ hiếu đạo đối với cha mẹ, mà một việc cần phải làm là dâng lễ cầu siêu cho cha mẹ quá cố. Phật sự này nhằm đạt hai lợi ích cụ thể, vừa độ sinh lại vừa độ tử như sau:
1. Đối với người còn sống thì dậyi nấy phải hết lòng hiếu kính đối với cha mẹ, dù phải khoét mắt, cắt da, lóc thịt để làm thuốc thang cứu chữa cho cha mẹ mắc bệnh cũng không đền đáp được công ơn dưỡng dục một trong muôn phần.
2. Đối với người chết, trong thời gian hấp hối, thần thức hay thân trung ấm hãy còn, phần hồn chưa lìa khỏi xác, mặc dù xác thân bất động nhưng thần thức hãy còn nghe và cảm thọ chính là lúc nghiệp lực nổi dậy chiêu cảm, và cũng là thời gian thuận tiện nhất để chuyển nghiệp nặng thành nghiệp nhẹ, và nghiệp nhẹ được tiêu tan, do đó mới có tục lệ muốn cho người chết được hưởng lợi ích để chuyển nghiệp thì thân nhân của họ thường tổ chức những buổi tụng Kinh A Di Đà hay Địa Tạng để cầu siêu cho người chết, mong thoát ly cảnh khổ địa ngục và được siêu thăng về cảnh giới Cực lạc, Niết bàn, có ý nghĩa thoả mãn lòng hiếu và xót thương của người sống đối với người đã qua đời, đó là một mỹ tục và việc làm đúng theo lời Phật dạy. Tóm lại, về mặt Sự Tướng thì tín ngưỡng về sự hiện hữu của Phật A Di Đà cũng như của Bồ tát Địa Tạng đã khắc sâu vào tâm khảm của quảng đại tín đồ Phật giáo xuyên qua các kinh điển và hình tượng của các Ngài, những vị Phật và Bồ tát cứu nhân độ thế có những đại nguyện rộng lớn như nhau. Tín ngưỡng đó không bao giờ phải lạt, bởi vì về mặt tâm lý quần chúng thì Đức Phật A Di Đà cũng như Bồ tát Địa Tạng là những điểm tựa tinh thần vững chắc và cần thiết để người đời an tâm, tin hễ cứ niệm Phật A Di Đà hay cầu nguyện Bồ tát Địa Tạng thì người sống, kẻ chết đều được lợi ích cả.
Đối với người còn sống, việc niệm hồng danh A Di Đà là phương pháp thần diệu để an tâm, tĩnh trí, phá tan phiền não để trở về với Phật tính, Chân Tâm. Việc tụng Kinh Địa Tạng, cầu siêu cho người chết, dạy người đời chữ Hiếu, nhắc nhở ai nấy làm tròn đạo làm con, tỏ lòng biết ơn đối với người khuất bóng.
3. Đối với người đã chết thì chuyển được nghiệp nặng biến thành nghiệp nhẹ, và nghiệp nhẹ được tiêu tan. Tin như vậy là chính tin. Muốn cho đức tin thành tựu được công đức tốt lành thì việc lễ bái, cúng dường, cầu siêu, niệm Phật phải được thực hành đúng cách (không sát sinh không đốt vàng mã), làm với tâm thành tuyệt đối, vì thiếu tâm thành thì tín ngưỡng chẳng sâu xa và quả đạt được chẳng đáng là bao, người sống kém phần lợi lạc, mà người chết lại càng hưởng phúc ít hơn. Phật dạy: Kẻ hết lòng tôn kính và biết ơn Như Lai là kẻ đã hành trì đúng theo lời Phật dạy. Chính kẻ ấy đã làm cho giáo pháp của Như Lai trường tồn trên thế gian này.
2. Về mặt Lý tính: Kinh A Di Đà cũng như Địa Tạng, hoặc bất cứ một bộ Kinh liễu nghĩa nào khác của đạo Phật đều nhằm mục tiêu thanh tịnh hoá tâm của con người đọc tụng. Xét về ý nghĩa những danh từ Địa Tạng, U Minh, Bản Tôn và địa ngục, ta thấy:
Địa là đất; Tạng là chỗ chứa.
Đất có tính chất cứng rắn, sâu dầy, dung chứa muôn loài. Hạt giống nào gieo xuống đất được chăm sóc, gặp duyên lành đều mọc thành cây, đâm hoa kết trái. Lấy đất dụ cho tâm con người nên mới có danh tự Tâm địa. Bởi vì đất khó đo lường được mức độ nông sâu nên tâm con người, cũng như đất, khó đoán được tầm mức nông sâu. Bởi bản thể của tâm vô hình vô tướng, không đập phá nổi, nên đất cũng như tâm cứng rắn và trường tồn. Bởi tâm con người thiếu từ bi, đầy tham vọng, vị kỷ, cũng như đất thiếu nước sẽ khô cằn, không gieo trồng gì được. Tâm như bầu thái hư, bao trùm tất cả, không vật gì ở ngoài tâm, tâm sinh ra vạn hữu, rồi vạn hữu lại trở về với tâm, cũng như mọi vật đều từ đất sinh ra rồi lại trở về với lòng đất nên tâm cũng như đất, bất sinh, bất diệt, rộng lớn vô lượng vô biên.
U Minh là tối tăm, hắc ám như lòng đất. Lấy cái tối tăm của địa ngục để dụ cho cái đen tối vô minh trong lòng người mê muội. Mặt biển tuy rộng song không bằng bầu trời bao la. Bầu trời tuy mênh mông bát ngát song đã thấm gì với lòng người rộng lượng vô biên? Nhìn vào đâu mà thấy có ánh hào quang rực rỡ hay có bóng tối đen ngòm bằng nhìn vào lòng người thanh cao đạo đức hay nham hiểm thâm trầm?
Bản là gốc, ám chỉ nguồn gốc của muôn loài là đất hay tâm.
Tôn là kính trọng. Bản Tôn là vật đáng kính trọng, quý báu trong ta. Đó là tâm, phần quý giá nhất trong cơ thể của một sinh vật.
Như vậy về mặt Lý Tính thì Địa Tạng là danh từ chỉ cái gì cực kỳ tôn quý trong con người, có khả năng phá tan vô minh phiền não và giải thoát con người ra khỏi địa ngục hắc ám, thoát vòng khổ đau, dẫn con người từ địa vị phàm phu tiến tới nơi cao quý là nhập Niết bàn, thành Phật.
Danh từ Địa Tạng đồng nghĩa với danh từ Pháp Tạng (một ẩn danh của tâm), và Bồ tát Địa Tạng cũng chỉ là một cái tên ngụ ý như Pháp Tạng Tỳ kheo (tức Phật A Di Đà trong tiền kiếp) và Bồ tát Địa Tạng cũng như Phật A Di Đà (Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Công Đức) chỉ là những danh từ có tên không thực, tượng trưng cho tâm con người mà thôi.
Còn địa ngục là gì? Theo Phật học đại Từ điển thì địa ngục (tiếng Phạn là Naraka hay Niraya) có nghĩa là nơi chứa đầy khổ não, chốn tù đày chẳng lúc nào yên vui cần phải được thoát ly ra khỏi. Mà địa ngục sâu kín nhất trần gian chính là địa ngục thiết lập trong tâm hồn của mỗi cá thể. Đó là thứ địa ngục khổ hơn mọi thứ địa ngục và cũng xuất phát mọi quang cảnh khổ đau nơi trần gian. Khi ngọn lửa tâm tư bùng cháy trong mỗi cá nhân thì ngọn lửa khổ đau của toàn thể nhân loại không sao dập tát nổi. Bởi tâm trạng của thế giới loài người là phản ảnh trung thực của đời sống nội tâm và cộng nghiệp của nhân loại là tổng số các biệt nghiệp của từng cá nhân. Thế giới ngoại cảnh biến hiện tuỳ thuộc vào sự biến đổi của tâm thức mỗi người và của toàn thể quần chúng. Khi đôi mắt đã đỏ ngầu cuồng vọng tham tàn thì cảnh vật bên ngoài sao không ngập tràn khói lửa? Nhìn tha nhân qua sương mù cách biệt, ảm đạm, thì sao thấy được cảnh đời lung linh mầu sắc? Trái lại, nếu dùng con mắt Phật mà “từ nhãn thị chúng sinh” thì sao còn diễn ra cảnh đâm chém giết nhau trên chiến trường không thương xót? Đeo cặp kính màu đen thì cảnh vật hiện ra trong một mầu ảm đạm. Nhìn thiên hạ qua cặp kính màu hồng thì cõi trần gian này hoá thành Tiên cảnh, Bồng lai.
* Kinh A Di Đà cũng như Kinh Địa Tạng chứa đựng một chân lý: khuyên người đời nên trở về với Chân Tâm, diệt trừ vô minh để hiển bày Tự tính Di Đà hay Phật tính của mình. Với ý nghĩa trên thì Ngài Địa Tạng Bồ tát chỉ là một vị Bồ tát tiêu biểu cho những đức tính kiên quyết mong đạt tới Chân Tâm, bản tính của mình. Đó là người đã dùng trí tuệ Bát Nhã và ý chí sắt đã muốn diệt trừ phiền não, phá tan hắc ám vô minh để trở về với tự tính sáng suốt thanh tịnh của mình. Khi nào tâm ta buồn phiền, tuyệt vọng, bứt rứt, khổ đau, bị cuồng nộ vò xé, thì lúc đó ta đang sống trong địa ngục tối đen. Sống trong địa ngục vô gián là sống trong ngu muội, si mê triền miên, tâm bị đảo điên cuồng loạn. Người bị giam trong ba nghiệp thân, khẩu, ý cũng ví như người bị tù đày trong địa ngục thiết vi khó thoát.
* Kinh Địa Tạng nói: Trong việc cứu độ chúng sinh thì lời nguyện của Bồ tát Địa Tạng thâm trọng hơn cả bốn vị Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm và Di Lặc. Ý Kinh muốn nói: Muốn được giải thoát khỏi khổ đau thì ngoài bốn đức tính: Trí tuệ (của Ngài Văn Thù), Hạnh nguyện (của Phổ Hiền), Đại Bi (của Quan Âm) và Đại Từ (của Di Lặc), còn cần phải có lòng dũng cảm, cương quyết và tinh tiến (của Địa Tạng) với hạt minh châu và cây tích trượng trong tay tiêu biểu cho Trí sáng suốt và lòng dũng cảm, quyết tâm thoát cảnh vô minh, ra khỏi ràng buộc của lục dục, thất tình, để được tự do, hạnh phúc.
Trong đoạn kinh nói về Bồ tát Địa Tạng nhận lãnh trọng trách cứu vớt chúng sinh từ thời Đức Thích Ca Niết bàn đến thời Đức Di Lặc ra đời, ý Phật muốn nói: Gặp thời mạt pháp, không có Phật tại thế thì phải nương tựa vào tâm mình. Quy y Bồ tát Địa Tạng của mình, mong được giải thoát phải có đủ hai điều kiện là Thệ và Nguyện.
Thệ là thề cương quyết hành động, không rụt rè lùi bước trước mọi khó khăn cản trở, do nội ma và ngoại ma thử thách lòng mình. Nguyện là phải thiết tha mong đạt tới mục tiêu. Muốn được thoát nạn, khỏi khổ đau mà không thề với lương tâm mình sẽ không tái phạm, lại chẳng cương quyết diệt trừ phiền não, vô minh thì không thể thành công được. “Nhất thiết duy tâm tạo” thì Cực lạc, Niết bàn hay Ta bà, địa ngục đều ở tâm ta và do ta tự tạo cả. Những gì ta tạo được thì ta cũng phá được, do đó chỉ có Bồ tát Địa Tạng của mình (hay tâm ta) mới phá được địa ngục do ta tạo ra, và chỉ có Phật A Di Đà của ta (hay tâm mình) mới dẫn ta tới miền Cực lạc được. Người theo về Lý bảo rằng: Nếu tin có Đức Địa Tạng và tin rằng Ngài có đủ khả năng phá tan địa ngục để giải cứu cho chúng sinh có tội cũng như tin có Phật A Di Đà và tin luôn rằng Phật A Di Đà có thừa hùng lực dẫn dắt chúng sinh, dù nặng nghiệp về cõi Cực lạc Tây phương thì chẳng hoá ra luật nhân quả nghiệp báo lại chẳng có tác dụng sao? Nếu sinh thời mà con người tha hồ gây tội ác, rồi ỷ lại, sau khi chết đã có người sống bỏ tiền ra thiết lễ cầu siêu đọc tụng các bộ Kinh A Di Đà và Địa Tạng, nhờ oai lực của Bồ tát Địa Tạng phá tan cửa ngục thiết vi để cứu vớt vong linh kẻ có tội ấy thoát khỏi địa ngục, rồi lại nhờ tha lực hùng hậu của Phật A Di Đà và Thánh chúng tiếp dẫn vong linh kẻ đầy nghiệp ác ấy về cõi Cực lạc Tây phương, thì chẳng hoá ra các Ngài lại nhận sự lạy lục, cúng dường của thân nhân họ mà cứu vớt họ thoát khỏi ngục tù và cho họ hưởng hạnh phúc đời đời hay sao? Nếu muốn được giác ngộ giải thoát, diệt trừ vô minh để trở về với Chân Tâm thanh tịnh của mình thì bất cứ bộ Kinh Phật nào liễu nghĩa dùng để tụng cũng đều công hiệu cả, nhưng dùng Kinh A Di Đà và Địa Tạng để mong giải thoát khổ đau được kết quả hoàn toàn theo ý muốn của người sống thì khó đạt được lắm, bởi vì Kinh Địa Tạng, phẩm thứ 7 có nói: Nếu thân nhân người quá cố biết cách cúng dường và tụng Kinh đúng phép thì trong bảy phần công đức, người chết chỉ được hưởng một phần, với điều kiện là thần thức của người chết biết hướng về Phật pháp, ăn năn sám hối, có Tín Tâm sâu xa, nghĩa là tha lực phải cộng với tự lực mới mong được cứu vớt. Ta nên biết rằng trong lúc ta nằm mộng khi còn sống, hay thời gian sau khi chết, còn ở trong thân trung ấm, thần thức chưa đi đầu thai kiếp khác thì Tiềm thức trở thành Thức và lúc đó là thời gian quyết định cho cuộc đời sau của mình. Nếu trong đời vừa qua ta làm được nhiều việc thiện thì Tiềm thức tạo ra những giấc mơ êm đềm đưa hồn ta vào cõi Niết bàn tưởng tượng, nhưng nếu trong cõi đời qua, ta lại làm nhiều điều ác thì sẽ có những giấc mộng hãi hùng đưa hồn ta tới địa ngục tưởng tượng để phải chịu cực hình. Song nếu Niết bàn hay địa ngục chỉ là những nơi tưởng tượng thì sự khổ đau, sợ hãi hay sung sướng, mừng vui trải qua trong thời gian đó, đối với người trong cuộc lại là sự thực, cũng như lúc thôi miên, Pháp sư tạo ra những cảnh vui buồn, sướng khổ tưởng tượng, song kẻ bị thôi miên lại cảm thấy thật sự có buồn vui, sướng khổ trong cơn hôn mê, chẳng khác nào kẻ bị mê sảng phải chịu cực hình trong cơn ác mộng vậy. Những hành động thiện hay ác đều để lại trong A lại da thức hay Tiềm thức những tấm âm bản (Plaque négative) hay hạt giống để hiện hình trong kiếp sau như những tấm âm bản trở thành dương bản trong cuốn phim ảnh được chiếu ra.
Như vậy thì sướng hay khổ, Cực lạc hay Ta bà đều do tâm tạo, và Đức Phật A Di Đà cùng Bồ tát Địa Tạng cũng do tâm ta tạo ra mà thôi. Ta không làm điều ác chẳng phải vì lo sợ Trời, Phật bắt tội, phải chịu hình phạt đoạ địa ngục. Ta phải hiểu rằng chính bản thân ta phải trả giá đắt vì những hành vi phạm tội của mình.
Khi ta làm điều thiện thì gây được quả báo tốt lành cho mình được hưởng, dù ta không lưu tâm đến việc thiện đó. Cũng chẳng phải là Phật, Trời đã ban phúc cho ta khi ta làm điều lành. Chính ta tự ban thưởng cho mình nếu ta làm được điều thiện. Nghiệp báo là mối quan hệ theo luật nhân quả và biểu hiện cho hai phương diện: hoạt động tâm lý và hưởng thụ hoạ phúc. Người toạ nghiệp lành làm cho mình thành người tốt và tự cảm thấy mình được hạnh phúc do việc làm của mình gây ra, còn người tạo nghiệp ác thì trái lại.
* Nếu hiểu rõ lý “Nhất thiết duy tâm tạo” thì ta quyết phải thực hiện lời Phật dạy: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”, dù việc làm của ta không ai chứng kiến, ta cũng cố gắng làm điều thiện, tránh điều ác. Ta chẳng quan tâm, lo buồn vì đại nghĩa chưa thành, và quả tu chưa viên mãn tới lúc lâm chung. Hoặc nếu ta đã trót gây nghiệp ác lúc sinh thời thì ta cũng chẳng nên nghĩ rằng chết là hết, bởi lẽ bánh xe nhân quả nghiệp báo vẫn âm thầm lăn đều qua không gian và thời gian.
Kính thưa quý vị,
Trong phần bình luận về Kinh Địa Tạng ở trên, tôi đã đưa ra những ý kiến khách quan và tương phản của hai phái: một bên thiên về Sự Tướng, tin có Bồ tát Địa Tạng bằng thịt, bằng xương; một bên thiên về Lý Tính, cho rằng vị Bồ tát ấy tượng trưng cho tâm con người muốn tích cực thoát ly đau khổ, diệt trừ vọng niệm để trở về nguồn thanh tịnh của bản tâm hồi nguyên thuỷ. Cả hai phái đó đều lấy Kinh Địa Tạng làm căn bản để biện minh cho lập trường của mình. Một bên theo nghĩa đen, một bên theo nghĩa bóng; một bên theo Sự Tướng hay pháp Hữu vi, một bên theo Không Tính hay pháp Vô vi; một bên hướng ngoại cầu Tha lực, nặng về lễ bái, tín ngưỡng (như phái Sự trì danh của tông Tịnh độ thuần tuý), một bên thì xoay ngược luồng nhãn quang, hướng nội, nương vào Tự lực, quán chiếu tự tâm, hay “minh tâm kiến tính” (như phái Lý trì danh hiệu Phật của Thiền Tịnh song tu); một bên tu theo Phúc, một bên tu theo Tuệ, nhưng Tính Tướng vốn Bất Nhị, Lý Sự vốn không hai, bên nào cũng làm theo lời Phật dạy cả. Bởi vậy, người tu, tuỳ theo tình cảm và trình độ của mình mà chọn lối tu, không nên bài bác lẫn nhau. Tốt hơn hết là nên theo cả lối tu Phúc lẫn tu Tuệ, luyện cả Bi lẫn Trí, chẳng nên bám chặt vào Có hoặc Không. Theo về Sự hay tu Phúc thì được quả báo tốt lành, được sinh về Cõi Tây phương Cực lạc, tiếp tục đường tu, không sợ chướng ngại làm cho tâm thoái chuyển. Cho nên những vị Đại Bồ tát như Di Lặc, nhất sinh bổ xứ, tuy đã ngộ được tâm thanh tịnh rồi, nhưng vẫn tiếp tục hành trì tu Phúc, chuyên cần niệm Phật A Di Đà, cầu được vãng sinh Tịnh độ, không bỏ lỡ cơ hội nào chẳng lập đức bồi công, sáu thời siêng năng sám hối để tiêu trừ sạch nghiệp chướng tế vi cho mau chóng đạt tới ngôi chính đẳng, chính giác, đủ cho chúng ta thấy không thể bỏ Sự mà thuần theo về Lý được.
Với công đức thậm thâm vi diệu của sáu chữ hồng danh, cộng với sự tinh tiến hành trì thì mỗi câu niệm Phật diệt được một phần vô minh, trừ được một phần phiền não, hưởng được hai phần Phúc – Trí, lần lần hành giả đi sâu thêm vào cảnh giới thanh tịnh Chân Như.