Trích yếu sách Tịnh Ðộ Hoặc Vấn của đại sư Duy Tắc Thiên Như đời Nguyên
Người sanh trong đời có được mấy chốc? [Ðời người như] lửa xẹt từ đá, như ánh chớp nháng lên, chớp mắt đã hết. Hãy giành ngay lúc chưa bệnh, chưa già đây, dốc trọn tinh thần, vứt bỏ sự đời; cứ mỗi một ngày trôi qua là một ngày niệm danh hiệu Phật, được một thời công phu, tu một thời Tịnh nghiệp. Do đấy, lúc mạng lâm chung, dù là chết nhẹ nhàng hay chết đau khổ thì những cái ta vương vấn đã được giải quyết xong, tiền trình của ta đã ổn thỏa, thích đáng rồi!
Người bị ràng buộc trong lưới đời nếu đau đáu nghĩ đến vô thường, dụng tâm chân thành, thiết tha, bất luận khổ, vui, thuận, nghịch, tịnh, ồn, rảnh, bận, mặc lòng công chuyện hoàn tất hay chưa, dù tiếp tân, đãi khách, vạn duyên rối bời, dẫu phải ứng phó mọi mặt mà việc đời và niệm Phật vẫn chẳng trở ngại gì nhau cả!
Nếu ai bận khá nhiều việc đời, sức dù có hơi kém, vẫn nên tìm lấy thời gian rảnh rang giữa lúc bận rộn, tìm lúc yên tịnh giữa chốn huyên náo để mỗi ngày niệm ba vạn câu, hoặc một vạn câu, hoặc ba ngàn câu, một ngàn câu. Lấy đó làm nhật khóa nhất định, chẳng bỏ suông ngày nào!
Lại ngay cả khi bận rộn hết sức không có lúc nào rảnh rang thì mỗi ngày vào lúc sáng sớm nên hành pháp Thập Niệm. Lâu ngày tích tụ thành công lao, cũng chẳng luống uổng.
Ngoài lúc niệm Phật ra thì hoặc là niệm kinh, lễ Phật, hoặc sám hối phát nguyện, làm đủ các thứ kết duyên, tạo phước, tùy sức bố thí, tu các việc lành để hỗ trợ thêm. Với bất cứ điều lành mảy may nào đều phải hồi hướng Tây Phương.
Dụng công như thế, chẳng những sẽ quyết định vãng sanh, mà còn khiến cho phẩm vị được cao thêm nữa!
Chuyên trì danh hiệu, nếu còn lễ bái, sám hối thêm sẽ rất hợp với thuyết Chuyên Tu Vô Gián của ngài Thiện Ðạo. Chuyên Tu Vô Gián là thân phải chuyên lễ A Di Ðà Phật, chẳng lễ xen lẫn các vị khác; miệng chuyên niệm A Di Ðà Phật, chẳng niệm các thánh hiệu khác, chẳng tụng các kinh khác; ý phải chuyên tưởng A Di Ðà Phật, chẳng tưởng vị nào khác. Nếu tham, sân, si xen tạp thì cứ hễ phạm liền sám, chẳng để cách ngày, cách đêm, hay cách giờ; thường giữ cho thanh tịnh thì cũng gọi là Vô Gián.
Pháp Hệ Niệm là chẳng cần biết là đang đi, đứng, hay nằm, ngồi, chẳng cần phải niệm ra tiếng tốn hơi; chỉ cốt sao chí thành, thầm tưởng thầm niệm, niệm niệm liên tục, tâm không gián đoạn. Tôi dám hứa là nhục nhãn của hành nhân trong hiện đời sẽ thấy Phật, hoặc thấy quang minh, hoặc được Phật xoa đảnh v.v… chứ chẳng cần phải đến lúc lâm chung! Ðây là một pháp môn đường tắt, giản dị nhất, thiết yếu nhất, cực kỳ linh nghiệm.
Nhận định:
Mẹ của Ðại Sư tuổi gần bảy mươi; Ngài sợ niệm Phật ra tiếng tốn hơi, nên ngầm sai em trai là Hành Viễn khuyên mẹ tu pháp môn Hệ Niệm. Nếu có thể niệm Phật ra tiếng sẽ dễ xưng danh hơn, dễ giữ được niệm niệm liên tục. Vì thế, sách Tịnh Ðộ Hoặc Vấn quy kết về chuyên trì danh hiệu.