Ý nghĩa tam tự tánh như thế nào? Thượng Tọa Thích Phước Thái | Xem: 695


Câu Hỏi

Trong khi trao đổi với một người bạn về vấn đề Duy Thức Học, ông bạn có thắc mắc hỏi con về Tam tự tánh mà trong Duy Thức đã nói, con có trả lời đại khái, nhưng ông bạn của con không mấy hài lòng, vì cách trả lời của con còn non kém chưa giải thích được rõ, vậy kính xin thầy giải thích thêm về Ba tánh nầy cho chúng con được rõ. Kính cảm niệm ơn thầy.

Trả Lời

Ba tự tánh: Biến kế, Y tha và Viên thành thật tánh là đặc sản của Duy Thức hay Duy Biểu học. Tự tánh là đối tượng của nhận thức. Tự tánh tiếng Phạn là svabhàva, dịch nghĩa là bản chất của chính nó, tiếng Anh là the True Nature, the Self Nature.

 Tự tánh đầu tiên là tự tánh biến kế (Parikapita, nature of imaginery construction and discrimination). Theo sự giải thích của Hòa Tthượng Thích Nhất Hạnh: "Tự tánh nầy không phải chính nó tự có mà do vô minh, ngu muội tạo nên. Khi chúng ta buồn, nhìn mặt trăng chúng ta thấy mặt trăng buồn! Tự tánh biến kế là tạo tác của tâm ý. Khi quan niệm thế giới có sinh, có diệt, có thành, có hoại, có một, có nhiều, có đến, có đi ... là tạo tác ra những tính chất mà chính thực tại không có. Chúng ta bị giam hãm trong thế giới vô minh sinh tử, là vì chúng ta đã tạo ra một thế giới mà chúng ta tưởng là thực tại tự thân nhưng kỳ thật chỉ là biến kế chấp". Dựa trên lý giải nầy, hằng ngày chúng ta sống trong ảo giác của tính cố chấp so đo hơn thua, tất cả đều do vọng tưởng mà ra. Khác nào thấy sợi dây luộc nằm giữa đường trong đêm nhá nhem tối, ta lại tưởng lầm là con rắn. Từ nhận thức sai lầm đó, ta mới hốt hoảng sợ hãi. Hiện trạng tâm lý tri giác sai lầm nầy hầu hết chúng ta đều mắc phải. Từ đó, mới có sự tranh chấp đấu đá cấu xé gây ra cảnh chiến tranh tàn sát lẫn nhau. Mọi khổ đau có ra đều do tính biến kế nầy tạo tác cả.

Ngược lại với tự tánh biến kế là tự tánh viên thành thật (parinispanna, fulfilled nature). Theo Hòa thượng Nhất Hạnh cho rằng: "Thế giới của tự tánh viên thành thật là thế giới không có sự tạo tác của tâm ý, không có những khái niệm. Tự tánh viên thành thật là tự tánh đích thực của vạn pháp trong đó không có sinh, không có diệt, không có thành, không có hoại, không có một, không có nhiều, không có đến, không có đi..."

Đó là một thực thể viên mãn bao trùm pháp giới là bản thể uyên nguyên của vạn pháp. Sống với tự tánh viên thành thật, thì mọi hiện tượng vọng chấp sẽ không còn. Nói cách khác sạch hết vi tế vô minh phiền não, chỉ còn lại một bầu trời tâm thể trong sáng vượt ngoài những phạm trù đối đãi nhị nguyên. Đến đây là bặt dứt tất cả, không còn nói năng suy nghĩ luận bàn đến được. Theo Khởi Tín Luận nói: "Đó là như thật không và như thật bất không". Nói cách khác đó là chân không mà diệu hữu vậy.

Tự tánh thứ ba là tự tánh y tha khởi (Paratantra, nature of interdepenđence). Theo sự giải thích của Hòa thượng Nhất Hạnh: "Tha là khác. Y tha là nương vào những cái khác, những hiện tượng khác mà phát khởi. Tự tánh của một bông là một ví dụ của y tha khởi. Hạt giống, mặt trời, đám mây là những điều kiện khác mà bông hoa nương vào để hiện hữu.

Y tha khởi là tự tánh của vạn pháp. Nếu biết quán chiếu tánh y tha khởi của vạn sự, vạn vật thì chúng ta có thể chuyển vô minh thành tuệ giác. Quán chiếu tánh y tha ở đây là sử dụng vô thường quán cũng là vô ngã quán và vô ngã quán cũng là nhân duyên quán".

Khi nhận ra được tánh y tha (do nương những thứ khác tạo thành) là nhận ra được tánh viên thành thật. Bởi những hiện tượng tâm lý hay vật lý đều hình thành bởi tánh y tha khởi. Nhìn một bông hoa, không phải tự nhiên có ra bông hoa, mà bông hoa được hình thành là do những điều kiện khác không phải là bông hoa kết hợp lại mà thành. Buồn là một hiện tượng tâm lý, nhưng không phải tự nhiên có buồn, quán chiếu sâu vào ta thấy hiện tượng buồn phải do nhiều thứ khác tạo nên hiện trạng tâm lý buồn. Như nghe tin người thân bị tai nạn, tai nạn đó do tài xế bị buồn ngủ, đụng phải xe khác v.v... Nghĩa là do nhiều nhân tố khác gây nên. Khi quán chiếu buồn ta thấy được tánh y tha.  Như vậy buồn là do nhiều thứ không phải buồn gây nên. Do đó, ta kết luận buồn là một trạng thái không thật mà tánh y tha khởi là thật. Quán chiếu sâu như thế ta thấy mọi hiện tượng tâm lý và vật lý đều hư giả không thật.

Trích từ: Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3