Home > Khai Thị Niệm Phật
Thân Tuy Xuất Gia, Chẳng Cầu Tịnh Độ
Đại Sư Tông Bổn | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch


Hòa thượng Thiên Như nói: “Gần đây có những người xuất gia, tuy nói lìa tục nhưng thói tục chẳng bỏ, xưng là xuất trần nhưng duyên trần chẳng dứt. Kinh sách giáo điển đã không biết đến, việc tham thiền lại không chỗ hội nhập. Tâm như con vượn lăng xăng, ý như con ngựa hối hả. Những kẻ ấy kết thành bè đảng, suốt ngày quát tháo, đánh nhau. Chẳng những uổng cơm tín thí mà còn làm mai một linh tánh của chính mình. Một mai khi dứt bỏ thân này, biết đi về đâu?

“Thật rõ ràng như giữa ban ngày, đã không biết đến cha mẹ, mà việc tu hành chưa chứng lại nói rằng chứng, chưa được lại nói rằng được, thật uổng thay cho việc bước vào cửa Không, phí cả một đời!

“Xin hỏi các vị rằng: Vì điều chi mà xuất gia? Vì cơm áo chăng? Vì tham phú quý chăng? Vì cầu được an vui chăng? Cha mẹ cho con xuất gia chỉ mong có một ngày sẽ siêu độ cha mẹ, báo đáp bốn ơn, nhưng hiện nay các vị tự thân còn không đáng nương dựa vào, huống chi lại có thể cứu vớt người khác hay sao? Một mai Diêm vương sẽ cùng các vị tính sổ cơm tiền, các vị lấy gì mà đền trả? Nếu không đọa vào các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, ắt cũng phải sanh làm các loài súc sanh. Người xuất gia như thế thật đáng thương thay! Thật đau xót thay!

“Này các vị! Ngay trong lúc tuổi già chưa đến, thân này không có bệnh, hãy sớm thực hành nếp sống tốt đẹp, bền lòng ăn chay giữ giới, niệm Phật tụng kinh, lễ tán phát nguyện cầu sanh

Tịnh độ. Sau khi được gặp đức Phật A di đà, mới có thể siêu độ cha mẹ, mới có thể báo đáp bốn ơn, mới có thể cứu vớt muôn loài, mới có thể được an vui mãi mãi. Người xuất gia như vậy mới xứng đáng là đệ tử Phật.

“Than ôi! Lại có một hạng người làm tăng, tu đạo, khi dạy người khác việc cầu sanh Tịnh độ luôn nói rằng: Các người hiện nay công hạnh không có, công phu chưa đủ, chỉ nên cầu cho đời sau được sanh làm nam giới, rồi lại xuất gia, tu hành từng bước tiến tới mới có thể sanh về Tịnh độ. Đó là hạng người hèn kém thối chí, ngu si thái quá. Tự mình mê lầm còn có thể tha thứ, lại còn muốn dối gạt người khác!

“Xin hỏi các vị, nay được làm thân nam tử xuất gia, không cầu sanh Tịnh độ thì đợi đến bao giờ?

“Người xưa dạy rằng: ‘Kiếp này chẳng được vãng sanh, thì trăm kiếp sau cũng sẽ lặp lại sai lầm ấy. Thân này không cầu giải thoát trong kiếp này, lại chờ đến kiếp nào mới được giải thoát?’ Lời nói đúng lắm thay!

“Này các vị, nếu luận về việc tu tập công hạnh, công phu để mong thành Phật, ắt phải chờ mãi đến Phật Di lặc đản sanh, ngàn đức Phật ra đời. Còn nói về pháp môn Chín phẩm cầu sanh Tịnh độ thì chỉ cần một niệm khởi lòng tin, trong thời gian khảy móng tay đã có thể sanh về cõi Phật! Vì sao vậy? Đó là nhờ nương vào sức Phật.

“Sách Liên tông bảo giám nói rằng: ‘Tu tập những pháp môn khác, ví như con kiến bò lên núi cao, còn tu pháp môn vãng sanh Tịnh độ, ví như thuyền buồm thuận gió xuôi dòng. Phật A diđà tiếp dẫn, thẳng tới quả Bồ đề; các vị thánh dìu dắt, vượt thoát ngay Ba cõi. Bậc Thượng phẩm liền đạt quả Phật; bậc Hạ sanh vẫn còn hơn cung điện các cõi trời. Khuyên tất cả các vị đừng nghi ngờ nữa, hãy cùng nhau tu tập không lùi bước.

“Trong Quyết nghi luận có dạy rằng: ‘Thân người thật khó được, Tịnh độ dễ sanh về.’ Vì sao vậy? Nếu không giữ trọn Năm giới thì không thể sanh trong hai cõi trời, người. Năm giới giữ trong sạch thì mới được làm người. Huống chi, Năm giới đã khó giữ theo, lại không có nguyện lực hỗ trợ. Vì vậy nên nói rằng: Thân người thật khó được. Còn người tu Tịnh độ thì không nhất thiết việc giữ giới có được trọn vẹn hay không, chỉ thường nhớ niệm danh hiệu Phật A di đà, dù có tội nghiệp cũng có thể sám hối. Đến khi lâm chung thì đức Phật A di đà, các vị Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí và đại chúng thanh tịnh nhiều như biển lớn cùng hiện đến, tất cả các vị ấy đều có nguyện lực tiếp dẫn, đón nhận mình. Vì vậy cho nên nói rằng: Tịnh độ dễ sanh về.

“Kinh Thập lục quán dạy rằng: ‘Chí tâm niệm một tiếng Adi đà Phật thì dứt được các tội nặng trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Đó là nói từ những bậc đạt được nhất tâm bất loạn, cho đến kẻ chỉ trọn đủ mười niệm. Cho dù đã phạm vào Năm tội nghịch, Mười điều ác, nhưng khi lâm chung niệm Phật A di đà mười tiếng cũng được vãng sanh Tịnh độ, huống chi người xuất gia ăn chay, giữ giới, niệm Phật lại chẳng được vãng sanh hay sao?

“Than ôi! Đối với pháp môn mau chóng thẳng tắt này, chỉ sợ người không chịu tin nhận mà thôi. Nhưng nếu không tin nhận và kính cẩn làm theo thì việc xuất gia liệu có ích gì?”