Phật Học Vấn Đáp


Khi đã thốt ra lời thề nặng có bị mắc phải quả báo không?
Kính thưa thầy, con có thói quen mỗi khi giận tức ai thì con hay thốt ra lời thề. Có khi con thề báng mạng vì muốn cho họ phải tin tưởng nơi con. Vậy xin hỏi lời thề đó con có bị mắc phải quả báo không? Vì con nghĩ lời thề như gió thoảng mây bay không có bị nhân quả báo ứng. Con nghĩ như thế không biết có đúng không? Kính xin thầy cho con lời khuyên. Con cảm ơn thầy.

8/1/2022 12:49:04 PM

Trong đạo Phật nơi gây ra thành nghiệp là ở ba chỗ: Thân, Khẩu và Ý. Nói nghiệp, tất nhiên là nói đến thói quen được lặp đi lặp lại nhiều lần.  Về phần nói về nghiệp quả, chúng tôi đã có giải thích rải rác ở trong 100 Câu Hỏi Phật Pháp Tập 1 và 2. Xin Phật tử coi lại thì sẽ rõ. Thế nên, ở đây, tôi không giải thích nhiều về nghiệp quả. Qua sự trình bày về thói quen thề thốt của Phật tử, tôi xin được góp chút thành ý trong vấn đề nầy.

Thói quen xấu hoặc tốt, tất cả đều do mình huân tập mà thành. Suy nghĩ, lời nói hay hành động đều do từ tâm mình gây ra cả. Phật tử cho rằng, lời thề thốt của mình phát ra như là gió thoảng mây bay, điều đó căn cứ theo nhân quả thì không đúng. Vì theo luật nhân quả, bất cứ lời nói hay hành động nào tốt hoặc xấu, lành hay dữ, đều có nhân và có quả cả. Ngay cả sự suy nghĩ của ta cũng đều có nhân và có quả. Nhân quả là một chân lý phổ biến chi phối tất cả sự vật trong vũ trụ, không một vật nào thoát khỏi. Động cơ phát ra lời thề là từ ý nghĩ, tức ý nghiệp. Và từ đó Phật tử mới phát ra thành tiếng. Khi phát ra thành lời thì thuộc về khẩu nghiệp. Nói cho đúng là phải nói ngữ nghiệp. Thế thì nghiệp là nhân, đã có nhân, thì làm sao tránh khỏi quả báo?

Tuy nhiên, nghiệp thì có nghiệp nặng và nghiệp nhẹ. Nghĩa là thói quen nặng và thói quen nhẹ. Như Phật tử cố ý thề báng mạng cho qua chuyện, dù rằng việc đó mình đã có làm, nhưng vì muốn cho đối phương tin tưởng mình, nên mình cố tình thề thốt để cho người đó tin. Đây là lời thề có chủ ý, tức nhiên là tội nặng. Còn nếu là lời thề chỉ là thói quen ở nơi miệng, không có cố tâm để thề, thì đây là tội nhẹ. Như những người có thói quen văng tục hay chửi thề, họ chỉ phát ra theo thói quen mà không có chủ ý. Điều nầy, trong Tâm lý học Tây phương  gọi là Tự động tính. Duy Biểu Học Phật giáo thì gọi là Duy tác nghiệp. Nghĩa là một hành động hay lời nói mà không có chủ ý. Tức là ý thức không hợp tác vào, họ chỉ phản xạ một cách tự nhiên theo quán tính. Điều nầy là không thành tội. Nếu có, thì cũng rất là nhẹ.

Nói thế để Phật tử thấy rằng, nếu lời thề của Phật tử có cố ý nhằm để cho đối phương tin tưởng không nghi ngờ, theo nhân quả báo ứng, thì Phật tử đã có tội rồi. Ngược lại, nếu Phật tử chỉ thề cho qua chuyện mà điều đó thực ra Phật tử không có làm, thì đây chỉ là mang tội khẩu nghiệp nhẹ. Tuy nhiên, dù nặng hay nhẹ, tôi khuyên Phật tử phải nên thành tâm sám hối. Phật tử nên phát nguyện dứt khoát từ nay về sau không tái phạm thói quen thề thốt nầy nữa. Được như vậy, thì tội sẽ hết. Phật tử nên nhớ, lời thề nào cũng mang đến hậu quả không tốt cho mình. Ý thức như thế, Phật tử nên cương quyết từ bỏ. Phật tử nên thành tâm sám hối, như thế thì sẽ hết tội. Bởi tội gây ra từ tâm thì cũng phải từ tâm mà sám hối.

Kính chúc Phật tử luôn sống trong tỉnh thức để được an lạc hạnh phúc.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật