Nhất tâm niệm Phật, là chỉ có một tâm niệm Phật, ngoài ra không có niệm tạp vọng tưởng phiền não. Miệng niệm Di Đà mà tâm không tán loạn, miệng niệm Di Đà tâm tán loạn thì không được lợi ích.
Niệm cần phải niệm nhất tâm, trong miệng niệm Phật, trong tâm tưởng Phật, niệm là Phật, tưởng cũng là Phật, không kể là có vọng tưởng hay không vọng tưởng, nếu là niệm Phật mà tâm tán loạn, hoặc tưởng việc khác, thì không phải là nhất tâm niệm Phật.
Niệm Phật không khó mà khó ở chỗ trì lâu, trì lâu không khó mà khó ở nhất tâm, nhất tâm thế nào? Nhất tâm tức là xả bỏ tất cả công việc của thế tục, buông tất cả việc đời đi, chẳng nên nghĩ, chẳng muốn nhớ, không mong lấy, không vọng dùng, mà chỉ có tâm niệm Phật tưởng Phật.
Giữ gìn sáu hoặc bốn chữ danh hiệu Đức A Di Đà, đều cần phải chí thành khẩn thiết, nhất tâm niệm Phật, vọng tưởng tạp niệm khởi, không nên để ý nó, càng không được lởn vởn theo nó, anh niệm Phật của anh, ngày ngày dụng công, năm năm dụng công, thời gian lâu rồi niệm Phật thuần thục, tâm chẳng dong ruổi bên ngoài, vọng tưởng tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay tự nhiên tiêu ma hết. Tối kỵ là tất cả trạng thái bồng bồng bềnh bềnh, một cái tâm trôi trôi nổi nổi, chẳng dùng một chút sức lực nào cả, kiểu như thế thì chỉ có một sự rỗng tuếch buông trôi thời gian mà thôi!
Giữ gìn danh hiệu Phật, niệm từ tâm khởi, tiếng từ miệng phát, âm vào nơi tai, từng chữ từng câu niệm được rõ ràng, nghe được rõ ràng, nhiếp cả sáu căn, chẳng được niệm kiểu nuốt chửng hàm hồ qua đi. Nhất tâm niệm Phật, nếu hay chí thành, chẳng chấp thủ ở nơi tướng, tự có thể nhiếp cả sáu căn, có ngày công phu thuần thục, định huệ tự nhiên hiện tiền, ba món độc (tham sân si) không khởi, ác nghiệp chẳng tạo ra.
Có những người miệng thì niệm Phật, trong tâm ham muốn suy nghĩ sai quấy loạn tưởng, phép niệm như thế là không có chỗ tác dụng. Nên cần phải niệm Phật nơi miệng, tưởng Phật nơi tâm, tâm và miệng họp nhất. Ngoài câu niệm Phật ra, việc gì cũng không tưởng nghĩ, niệm gì cũng không khởi, mới dễ được nhất tâm bất loạn.
Thử nghĩ, miệng niệm Phật, tay lần chuỗi, mà tâm lại tưởng việc khác, hoặc mắt nhìn ngó đông tây, hoặc nghe âm thinh nào đó, hoặc có người nào đi qua bên cạnh thì quay đầu mà dòm ngó đánh tiếng đưa tin, hoặc tâm tình buồn phiền, hoặc công việc bận rộn khó nhọc, vả lại gấp rút thời gian làm như qua loa niệm số mục cho hết việc, tức khiến cho mỗi ngày số lượng niệm đến ngàn câu danh hiệu Phật, cũng chẳng được kể là nhất tâm niệm Phật.
Niệm Phật không nên mong cầu công hiệu tâm mới có thể thanh tịnh, nên làm đến chỗ “vô sở cầu”. Người tu hành niệm Phật, tuy hàng ngày bề bộn công việc, dù công việc bề bộn mà tâm không bề bộn, giữ gìn tâm thanh tịnh.
Học Phật tu hành, điều cần yếu trước nhất là tâm sạch và ít ham muốn, mới hay đạm bạc với việc đời, không mang không vát, không buồn, không suy nghĩ, mới có thể chuyên chí nhất tâm niệm Phật. Nếu đa dục (ham muốn nhiều) thì bị sự trói buộc của tham sân si, bị lao vào sự lao nhọc lọc lừa mưu mẹo của việc đời, tâm tình rối loạn niệm Phật làm sao được nhất tâm?
Niệm Phật cần phải niệm toàn cả phương vị, cũng tức là nói: tâm, hành vi và miệng của người niệm Phật cần phải kết họp thành một thể, mở miệng niệm Phật, trong tâm nên cần phải tưởng nhớ Phật và hành vi cũng không nên trái với lời dạy răn của Phật. Thân, miệng và tâm họp nhất là cương lĩnh chính yếu của niệm Phật giải thoát. Nếu như danh hiệu Phật mà ta niệm chỉ dính ngoài cửa miệng và không cùng tâm, thân kết họp với nhau làm sao có thể đạt được sự lợi ích của niệm Phật.
Chánh tín niệm Phật là không nên chấp trước phải niệm như thế nào, nghĩ tưởng đến thì niệm, quên niệm cũng bất tất phải vấn vương nơi ý, có những lúc bệnh hoạn hoặc đau khổ, có thể niệm thì lập tức niệm.