Phật Học Vấn Đáp


Một người phạm tội bị luật pháp trừng phạt, còn đối với luật nhân quả thì thế nào?
Kính thưa thầy, con phạm tội nhập lậu ma túy vào nước Úc. Con đã bị bắt và bị tuyên án ngồi tù. Con đang thọ bản án của thế gian cũng sắp xong, nhưng con không biết đối với luật nhân quả thì thế nào? Con có phải bị trả quả báo gì không?

8/1/2022 12:41:29 PM

Như trong câu hỏi trên chúng tôi có nói, đối với luật nhân quả không ai thoát khỏi. Dù đó là một ý nghĩ sai lầm cũng có nhân và có quả. Đã thế, nói chi đến lời nói và việc làm. Một lời nói, một việc làm lành hoặc dữ đều có nhân quả báo ứng. Bởi nhân quả là một luật tắc tự nhiên không do ai tạo ra nó. Khác với luật pháp thế gian. Vì luật pháp thế gian là do con người đặt định tạo ra. Thế mà khi chúng ta vi phạm còn không tránh khỏi hình phạt, nói chi đến luật nhân quả. Luật nhân quả tuy vô hình nhưng một mảy may cũng không thoát ra được. Bởi thế mới có câu nói: "Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu". Nghĩa là lưới trời lồng lộng nhưng không lọt một ai. Chẳng qua việc trả quả báo nó đến với chúng ta có mau, có chậm khác nhau đó thôi. Nhưng cuối cùng rồi thì ai cũng phải trả quả cả. Tuy nhiên, trả quả nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào cái nhân mình đã gây. Dù nặng hay nhẹ đã có vay thì phải có trả. Kinh nói: "Giả sử bá thiên kiếp sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ". Nghĩa là: Dù cho trải qua trăm ngàn kiếp, những nghiệp nhân lành, dữ mà mình đã gây ra thì không bao giờ mất. Khi nhân duyên đến rồi thì mình phải nhận chịu lấy quả báo mà thôi. Sách Nho cũng nói: "Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, nhược hoàn bất báo, thời thần vị đáo, bình sanh hành thiện thiên gia phúc. Nhược thị ngu ngoan thọ họa ương. Thiện ác  đáo đầu chung hữu báo. Cao phi viễn tẩu dã nan tàng. Hành tàng hư thiệt tự gia tri. Họa phước nhơn do cánh vấn thùy. Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì..." Nghĩa là: "làm lành thì có quả báo lành; làm dữ thì có quả báo dữ. Hiện thời chưa thấy trả quả báo, vì bởi quả báo chưa đến đó thôi. Trong đời sống bình nhựt, nếu chúng ta làm những điều lành thì trời (tự nhiên) sẽ ban (đem) phúc đến cho ta. Còn như người nào ương ngạnh ngang ngược làm những điều phi pháp, tổn mình hại người, tất nhiên người đó phải nhận lấy tai ương họa hại. Làm lành hay làm dữ cuối cùng rồi cũng phải trả, đừng hòng cao bay xa chạy mà có thể trốn thoát được. Việc làm của mình giả dối hay chân thật thì tự mình mình biết. Việc họa hay phúc mình cũng đừng chạy hỏi ai. Sớm hay muộn gì nó cũng đến với mình mà thôi".

Thưa bạn, sở dĩ chúng tôi dẫn chứng dài dòng như thế để bạn thấy rằng, hành động phi pháp của bạn, thì bạn đã phải trả cái quả báo hình phạt theo luật pháp thế gian. Còn đối với luật nhân quả, bạn cũng phải trả. Bởi có gây nhân dù trực tiếp hay gián tiếp đều có quả báo cả. Ngay cả một hành động vô tình cũng có quả báo vô tình. Nói chi đến việc làm của bạn là bạn đã cố ý gian dối qua mặt luật pháp thì tránh sao khỏi quả báo. Cái quả báo đến với bạn là do cái nhân bất chánh. Một hình phạt như thế đó cũng là luật nhân quả mà bạn phải trả. Việc nhập lậu ma túy của bạn đó là do lòng tham lam thúc đẩy nên bạn mới khởi ý nghĩ và hành động sai lầm. Giả như bạn không bị bắt, thì số nha phiến nầy sẽ gây ra tác hại cho biết bao nhiêu người đau khổ. Tuy đó là một việc làm gián tiếp, nhưng cũng không sao tránh khỏi cái quả báo. Đây là một tệ nạn của xã hội mà có biết bao nạn nhân đã phải khổ sở vất vả oằn oại vì vấn đề nầy. Tệ hại hơn nữa là có biết bao gia đình tan nát dở sống dở chết cũng vì cái thảm nạn đau thương lớn lao của việc làm nầy.

Nếu bạn là Phật tử thì tôi thành thật khuyên bạn nên nghe theo lời Phật dạy. Đối với những việc làm phi pháp có tác hại cho mình và người, thì Phật dạy chúng ta quyết không nên làm. Đã gây nhân bất thiện thì tránh sao khỏi quả báo khổ đau. Bởi nhân và quả chúng bám sát theo nhau như hình với bóng. Hình như thế nào thì bóng như thế ấy. Cũng thế, gây nhân nào thì phải gặt hái quả đó. Tránh nhân thì không có quả. Có lẽ vì một phút vô minh dấy khởi nên bạn mới lỡ gây ra lỗi lầm như thế. Tuy nhiên, trường hợp của bạn đối với luật nhân quả, cụ thể là bạn đã phải trả một cái giá rất đắt rồi. Đó là bạn phải thọ án ngồi tù. Đây cũng là cơ hội để bạn có thể gạn lọc lại tư tưởng. Đồng thời bạn cũng xét lại và thành tâm ăn năn sám hối những gì mà mình đã gây ra. Nếu như bạn ý thức được việc làm sai trái của mình, khi mãn hạn tù ra ngoài, bạn thệ nguyện với lòng là không bao giờ tiếp tục tái phạm nữa. Theo nhân quả thì ngang đó là bạn sẽ hết tội. Vì bạn không có gây nhân thì làm sao có quả?  Bởi nhân quả không phải là cứng ngắc mà luôn luôn có sự linh động chuyển biến. Nếu chuyển nhân xấu thì làm gì có quả báo xấu? Chẳng những chuyển cái chánh nhân xấu ác không thôi mà bạn còn tích cực hành thiện như cứu giúp cho những người khác có cơ hội để họ cai nghiện v.v... Bạn đã gieo nhân tốt như thế thì chắc chắn là bạn sẽ hưởng được cái quả báo tốt đẹp. Nếu nhân không chuyển được và sám hối không hết tội, thì thử hỏi trên đời nầy có mấy ai tu hành mà thành Phật tác Tổ được? Nhờ có chuyển mê khai ngộ nên người tu hành mới thành tựu được đạo quả. 

Nói tóm lại, dù hành động của bạn có sai trái lỗi lầm, nhưng nếu bạn biết hồi tâm chuyển ý ăn năn sám hối nguyện từ nay về sau cho đến trọn đời quyết không bao giờ tái phạm nữa, thì tội lỗi kia tất sẽ không còn. Đó là bạn hành động theo nhân quả. Từ nhân xấu ác bạn chuyển thành nhân tốt lành, và bạn hành động theo nhân tốt, tất nhiên là bạn sẽ hưởng quả báo tốt lành. Đó là bạn đã khéo chuyển nghiệp rồi. Nghiệp mà không chuyển được thì không ai tu hành làm gì cho thêm hao hơi mệt sức.

Kính chúc bạn sẽ có được một đời sống an vui hạnh phúc do bạn đã quyết tâm làm mới lại cuộc đời. 

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Phật Học        Luật       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật