Phật Học Vấn Đáp


Đi chùa bị cản trở phải ứng xử như thế nào cho đúng?
Kính bạch thầy, khi con xin người chồng đi chùa, thì anh ấy vui vẻ cho đi, nhưng không hiểu sao lúc con trở về nhà, thì mặt anh ta quạu quọ và rồi kiếm chuyện la rầy con. Con không dám đi nữa vì con sợ anh ấy tạo thêm nghiệp. Như vậy, xin thầy cho con biết ý kiến con phải ứng xử như thế nào mà gia đình không bị xáo trộn bất hòa?

8/1/2022 8:57:22 AM

Qua sự trình bày về hoàn cảnh khó khăn đi chùa của Phật tử, thật chúng tôi rất thông cảm và cũng muốn chia sẻ góp chút thành ý cùng với Phật tử đôi điều. Hay nói đúng hơn, Phật tử hãy xem đây là những lời khuyên giải chân thành của chúng tôi. Hy vọng có thể giúp cho Phật tử phần nào để giải quyết trong vấn đề khó khăn nầy.

Như Phật tử đã biết, việc cãi vã bất hòa trong gia đình, đó là chuyện thường xảy ra mà hầu như ít nhiều gì gia đình nào cũng có. Tuy nhiên, cường độ xảy ra nặng hay nhẹ, nhiều hay ít là còn tùy thuộc vào việc khéo biết tế nhị cư xử của hai người. Điều quan trọng để giữ được mái ấm hạnh phúc trong gia đình là mỗi người cần phải thành thật "yêu thương, hiểu biết và cảm thông" với nhau. Ngoài ba yếu tố hệ trọng nầy ra, thật khó đảm bảo cho gia đình được êm ấm hạnh phúc. Hầu hết sự xung đột mâu thuẫn cãi vã xảy ra trong gia đình đều do chúng ta thiếu "Tình thương, Hiểu biết và Thông cảm". Có thật sự thương yêu thì không ai nỡ nặng lời hay hành hạ làm khổ đau cho nhau.

Theo lời Phật dạy, gia đình là kết quả của một cọng nghiệp. Mỗi thành viên trong gia đình là có mỗi biệt nghiệp khác nhau. Biệt nghiệp là thói quen xấu hoặc tốt riêng của mỗi cá nhân. Vì thế, mỗi người đều có mỗi cá tính và sở thích khác nhau. Như Phật tử thích đi chùa đó là một thói quen tốt. Còn ông không thích đi chùa đó cũng là một thói quen của ông. Tuy ông không thích đi chùa nhưng ông vẫn vui vẻ cho Phật tử đi đó cũng là điều tốt của ông. Mình không nên bắt người khác phải làm theo ý mình. Mình có sở thích nầy thì người khác có sở thích nọ. Bởi căn duyên và sự huân tập chủng tử thành tánh của mỗi người khác nhau. Hiểu thế thì mới thông cảm cho nhau.

Phật tử nói, khi Phật tử xin người chồng đi chùa thì anh ấy vui vẻ cho đi, nhưng không hiểu sao lúc Phật tử trở về nhà, thì mặt anh ta quạu quọ và rồi kiếm chuyện la rầy Phật tử. Điều nầy, theo tôi, thì Phật tử cũng nên suy xét kiểm nghiệm lại thật kỹ lý do tại sao như thế?  Phật tử nên biết rằng, bất cứ việc gì xảy ra cũng đều có cái nguyên nhân nội tại của nó. Dù đó là nguyên nhân gần hay xa. Có những nguyên nhân gây ra hơi xa mà Phật tử quên không để ý. Những nguyên nhân đó có thể là do nơi thái độ, hành động hoặc lời nói bất cẩn khiếm nhã của mình, làm cho người khác cứ mãi ôm ấp trong lòng sự hờn giận bực tức mà mình không hề quan tâm hay biết. Phật tử thử nghĩ, nếu không có lửa thì làm sao có khói? Tôi khuyên Phật tử nên chịu khó suy xét tìm hiểu kỹ rõ vấn đề. Nếu ông ta thật sự khó khăn hay có ác cảm, thì tại sao khi Phật tử xin đi chùa thì ông ta lại vui vẻ cho đi? Đã vui vẻ cho đi thì tại sao khi Phật tử trở về thì ông lại có thái độ hằn hộc quạu quọ như thế? Người xưa nói: "Tiên trách kỹ hậu trách bỉ". Nghĩa là trước phải trách mình rồi sau mới trách người. Phật tử nên kiểm điểm lại lỗi mình trước. Xem mình có thái độ, lời nói, hoặc làm điều gì đó mà gây ra cho ông ta bực mình tức giận khó chịu hay không? Nhiều khi, mình nghĩ mình đi chùa là mình biết tu hành, còn người khác không đi chùa thì mình lại tỏ thái độ coi thường và cho họ là không biết tu hành như mình. Điều tế nhị nầy có đôi khi mình không để ý. Nếu thế, chứng tỏ là mình chỉ biết đi chùa chớ chưa biết tu. Tu là phải thường xuyên quán chiếu lại mình để sửa đổi chuyển hóa những lỗi lầm ở nơi ba nghiệp: "Thân, Ngữ, Ý". Nghĩa là phải dẹp bớt tham, sân, si v.v... Thế mới gọi là tu.

Trong trường hợp của Phật tử, Phật tử thử xét lại việc đi chùa của Phật tử từ trước tới nay như thế nào. Phật tử đã đi chùa nhiều lần hay chỉ mới đi lần đầu. Nếu đã đi nhiều lần thì những lần trước ông có tỏ thái độ quạu quọ la rầy như thế không? Và nếu chỉ mới đi lần đầu thì Phật tử xét lý do tại sao mà ông nổi cáo la rầy như thế? Khi Phật tử xin đi ông có thật sự vui vẻ không? Hay là lúc Phật tử xin đi thì ông đồng ý trong sự hờn lẫy. Trước đó Phật tử có làm gì phật lòng gây cho ông buồn phiền không? Nghĩa là Phật tử nên xét lại mình trước. Biết đâu Phật tử đã làm điều gì đó gây cho ông bất mãn buồn phiền nên hôm nay ông mới có thái độ giận trách như thế. Phật tử nên nhớ, việc tu hành hay đi chùa đó là việc riêng của mình. Không phải vì việc riêng mà mình lại bỏ phế việc chung. Việc chung đó là bổn phận và trách nhiệm bảo vệ mái ấm hạnh phúc gia đình. Có đôi khi vì nghĩ đến việc riêng cá nhân của mình nhiều quá mà làm cho người khác phải bực tức khó chịu. Lẽ ra, người biết tu hành thì sẽ đem lại cho gia đình có nhiều hạnh phúc an vui, nhưng ngược lại chẳng những không có hạnh phúc an vui mà còn gây thêm sự bất hoà đổ vỡ tan nát. Có biết bao gia đình đã vấp phải lỗi lầm nầy. Nếu như trong gia đình cả hai người chồng và vợ đều biết tu hoặc cùng nhau đi chùa tu học, thì điều nầy tương đối còn có dễ thông cảm hiểu biết nhau hơn. Ngược lại, trường hợp của Phật tử thì lại khác.

Khi quán chiếu biết rõ nguyên nhân, nếu như Phật tử xét thấy mình có lỗi lầm gây ra làm cho ông ta bực bội khó chịu, thì Phật tử nên dùng lời nhỏ nhẹ hòa nhã để thành thật xin lỗi ông. Người biết tu là người khéo biết dùng lời ái ngữ và lắng nghe. Đó là noi theo hạnh nguyện  cao cả tuyệt vời của Bồ tát Quan Thế Âm. Khi một người nói thì người khác phải chịu khó lắng nghe. Lắng nghe trong sự yêu thương và trầm tỉnh. Có thế thì mới thực sự hòa giải và xây dựng hạnh phúc gia đình. Tục ngữ có câu: "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Hay "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe". Cũng một lời nói và một thái độ nếu chúng ta khéo biết cư xử êm dịu hòa nhã thật lòng với nhau thì sẽ đem lại niềm an vui hạnh phúc cho nhau. Bằng ngược lại, thì chỉ gây thêm cho nhau sự đau khổ mà thôi.

Cách hay nhứt trong trường hợp của Phật tử là Phật tử nên khéo léo ứng dụng theo lời Phật dạy để xử sự bằng tất cả tấm lòng thành thật, hòa ái, yêu thương đối với người chồng của mình. Đồng thời, cũng nên nói rõ về nguyện vọng của mình để cho ông hiểu và thông cảm. Ngược lại, ông cũng phải tôn trọng cái sở thích hay thói quen tốt của người vợ mình. Nghĩa là cả hai cần phải thiết lập truyền thông bày tỏ với nhau trong tình yêu thương thực sự. Có thế, thì mới có thể cảm thông và tháo gỡ những gút mắc nội kết mà lâu nay hai người chưa có dịp nói ra để tìm cách tháo gỡ. Đừng vì tự ái thỏa mãn cho cái lợi ích cá nhân mình mà làm cho người khác phải khó chịu tức giận. Dù đó là một sự lợi ích của vấn đề tâm linh. Bởi cuộc sống cần có sự hỗ tương đồng cảm với nhau giữa hai người. Sự đồng cảm hỗ tương đó tất nhiên là phải được xây dựng trên nền tảng yêu thương. Đó là phương cách để giữ vững mái ấm hạnh phúc gia đình. Nếu vì việc đi chùa mà gây thêm sự rắc rối phiền phức không vui trong gia đình thì thử hỏi đi chùa đâu có lợi ích gì?! Một khi ông đã hiểu rõ nguyện vọng thiết tha của Phật tử rồi, thì chắc chắn là ông sẽ thông cảm hoan hỷ để cho Phật tử được tròn ý nguyện. (Theo các chuyên gia về khoa tâm lý cho biết, bản chất chung của phái nam bao giờ họ cũng có tấm lòng hỷ xả độ lượng bao dung và dễ tha thứ hơn phái nữ. Họ không có cái tâm ích kỷ hẹp hòi cố chấp bảo thủ thù ghét dai như phái nữ. Và bất cứ người đàn ông nào cũng thích cách đối xử mềm mỏng tế nhị và lời nói ngọt ngào êm dịu của người đàn bà"). Tuy nhiên, muốn được thế, thì Phật tử cũng nên làm tròn trách nhiệm bổn phận của một người vợ hiền và một người mẹ tốt trong gia đình.

Kính chúc Phật tử luôn được an vui hạnh phúc và chóng đạt thành sở nguyện.

 

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Nghiệp       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật