Việc hồi hướng có trái với lý nhân quả hay không? Trần Tuấn Mẫn | Xem: 171


Câu Hỏi

Xin được giải thích về sự hồi hướng công đức. Xin hỏi thêm: “Công đức được hồi hướng có đến với người không làm nên việc thiện, thậm chí đã hay đang làm ác không? Việc hồi hướng có trái với lý nhân quả hay không?”

Trả Lời

Hồi hướng công đức là ý niệm do Phật giáo Đại thừa triển khai, được trình bày rất đa dạng nên có thể khiến người ta hiểu theo nhiều cách. Về công đức (Punya, Guna) được Đại Thừa Nghĩa Chương giải thích: “Công là công năng làm tăng trưởng phước lợi, công là đức của người tu hành nên gọi là công đức”. Theo đó, công tạo ra phước lợi nhân quả, đức là đức độ, đức hạnh và công cũng được hiểu biết là công đức. Sách Thắng Man Bảo Quật ghi: “Hết sạch điều ác gọi là công, điều thiện tràn đầy gọi là đức”. Theo đó, công đức là sự toàn thiện. Xưa kia, Lương Võ Đế hỏi Sơ tổ Bồ đề đạt ma rằng vua đã cho lập chùa, bố thí, độ tăng vô số, như thế vua được công đức gì không thì sơ tổ đáp rằng không có công đức gì cả (xem Cảnh Đức Truyền Đăng Lục). Lục Tổ Huệ Năng giảng rằng: “Đấy là cầu phước, không thể đem phước đổi lấy công đức (...). Công đức là ở trong pháp thân, không thể do tu mà được (...). Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Mỗi niệm không ngưng trệ, thường thấy bản tính chân thật, diệu dụng, đấy gọi là công đức” (xem Pháp Bảo Đàn Kinh). Ở đây, công đức thuộc bình diện tuyệt đối, là chân như, bình đẳng, vô sai biệt. Từ các giải thích trên về công đức, ta có thể hiểu công là hành động, là công việc thực hiện, là tu hành, hành thiện; đức là sự phát triển tâm linh, là tánh hạnh, thiện căn tăng trưởng do kết quả tốt đẹp của công và công cũng là sự thể hiện của cái đức bên trong. Công đức là sự viên dung giữa thể và dụng, tính và tướng.

Hồi hướng (Paridanayati) là hành động chuyển về, trao đến, nhận về và trao đến. Hồi hướng công đức (Pridana) nghĩa là bố thí (Dana) khắp cả (Pari), tức bố thí công đức của mình cho hết thảy chúng sinh. Sách Đại Thừa Nghĩa Chương phân biệt ba ý nghĩa của hồi hướng công đức:

a/ mong cầu trí tuệ,
b/ đem thiện pháp do mình tu được ban cho chúng sinh và
c/ đưa thiện căn của mình đến pháp tính bình đẳng như thật.

Có thể hiểu hồi hướng công đức là công hạnh tu hành vừa là lợi lạc, là sự thể hiện của từ bi (cũng là một công hạnh tu tập), thiện nguyện của người hồi hướng; và theo lý bình đẳng thì mọi chúng sinh đều được hưởng công đức hồi hướng. Cũng trong ý nghĩa bình đẳng, vô chấp, vô phân biệt, Kinh Tiểu Phẩm Bát nhã ghi: “Hồi hướng mà không có một pháp nào được gọi là hồi hướng mới gọi là hồi hướng A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề (...), vì chư Phật dạy rằng hồi hướng thì không được chấp tướng”.

Thấy tính, chân thật, bình đẳng (như Ngài Huệ Năng giảng và đoạn trích trong Đại Thừa Nghĩa Chương, đã dẫn) là những pháp vô vi thuộc chân lý tuyệt đối hay chân như thì không liên hệ gì đến lý nhân quả của thế giới hiện tượng (hữu vi) này. Do đó mọi chúng sinh đều được thọ nhận công đức hồi hướng. Mặt khác, về lý nhân quả thì tùy theo sức hồi hướng (tức trình độ tâm linh) của người hồi hướng và tùy theo nghiệp lực, nghiệp quả của mỗi chúng sinh mà sự thọ nhận có mức độ ít nhiều khác nhau. Đối với người không làm thiện, thậm chí làm ác thì người ấy cũng thọ nhận được đôi phần công đức; điều này không trái với lý nhân quả vì chắc chắn trong quá khứ, trong vô số kiếp trước, chắc chắn người ấy cũng có hành thiện, tích đức ít nhiều.

Hồi hướng công đức là mục tiêu, hướng đi của chư Phật, Bồ tát; là một thể cách tu hành để phát triển tâm linh, thể hiện nguyện ước thiện lành, lòng từ bi cao độ mà mọi Phật tử nên thực hiện trong sinh hoạt hàng ngày.

Trích từ: Vấn Đáp Phật Giáo