Niệm Phật quá chậm, không bằng Viên đốn ngay trong đời thành Phật... Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Xem: 578


Câu Hỏi

Quê hương của đệ tử có rất nhiều nhóm niệm Phật nhỏ, hiện nay đều đang tổ chức học tập “Viên Đốn”, nói niệm Phật quá chậm, không bằng Viên đốn ngay trong đời thành Phật nhanh, xin Lão pháp sư khai thị.

Trả Lời

Thế Tôn dạy chúng ta Tứ Y Pháp, “Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa, y trí bất y thức”. Bạn nhớ kỹ điều này thì vấn đề của bạn sẽ được giải quyết thôi. Viên đốn và niệm Phật, học tập Viên đốn. Viên đốn không phải là người thông thường có thể học được. Viên đốn là đại pháp, là Phật pháp rốt ráo đại viên mãn, đúng thật là thành Phật rất nhanh. Chúng tôi đưa ra một ví dụ, bạn sẽ hiểu được. Hiện nay, chúng ta để cho những học sinh, không cần học mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học, chúng ta tổ chức một lớp Viên đốn; Viên đốn là Tiến sĩ ở viện nghiên cứu, mỗi người đều đến đó học một năm, nửa năm là lấy được học vị Tiến sĩ, có được không? Tôi nghĩ nếu bạn làm lớp này thì rất nhiều người hoan nghênh, vì sao vậy? Rất dễ dàng lấy được học vị Tiến sĩ, đó là Viên đốn đại pháp. Hơn nữa bạn không biết bên dưới Viên đốn đại pháp là nền tảng rất dầy, không có nền tảng thì sao thể Viên, sao thể Đốn được?

Khi tôi mới học Phật, ba vị Lão sư của tôi đều nghe danh của nhau, nhưng chưa từng gặp mặt. Tiên sinh Phương Đông Mỹ, Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Đại sư Chương Gia, ba người chưa từng gặp mặt. Nhưng những gì chỉ đạo đối với tôi, có một việc mà ba người nói giống nhau, đó chính là “Lục Tổ Đàn Kinh”, “Lục Tổ Đàn Kinh” là Viên đốn. Ba vị Lão sư đều nói với tôi, anh không phải là căn cơ này, anh không thể học pháp môn này. Các Ngài nói pháp môn này, trước Lục Tổ Đại Sư chưa từng xuất hiện, sau Lục Tổ Đại Sư cũng chưa từng xuất hiện. Đây là lớp thiên tài, anh không phải là thiên tài, anh học thứ này thì sẽ không được chút lợi ích gì cả. Cho nên, chính chúng ta trước hết phải thừa nhận chính mình là căn tánh gì. Tôi thừa nhận chính mình là căn tánh trung hạ, nói cho các vị biết, không phải là trung thượng, không phải là trung trung, mà là căn tánh trung hạ. Căn tánh trung hạ thì thật thà niệm Phật nhất định có thể nương tựa. Nếu bạn nói pháp môn Niệm Phật không đủ nhanh, trong Kinh “A Di Đà” có nói: “Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày”, bảy ngày là thành công. Pháp môn Viên đốn của bạn bảy ngày có thể thành công không? Đại sư Huệ Năng rất đặc biệt, Đại sư Huệ Năng là một ngày thành công, một ngày là thành Phật. Dùng pháp môn Niệm Phật trong bảy ngày là thành công, thật có, thời xưa có, thời nay cũng có.

Khi tôi ở Washington DC nước Mỹ nhìn thấy cư sĩ Chu Quảng Đại niệm Phật ba ngày vãng sanh, đó là thật, không phải giả. Ông bị ung thư thời kỳ cuối. Bác sĩ trong bệnh viện đã buông xuôi việc điều trị, người nhà đưa ông về nhà, tìm đến “Hội Phật Giáo Hoa Phủ” của chúng tôi, đồng tu chúng tôi chăm sóc cho ông, trợ niệm giúp ông, thấy bệnh của ông rất nặng, khuyên ông đừng cầu khỏi bệnh, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Thế giới Cực Lạc. Chúng tôi giới thiệu Thế giới Tây Phương cho ông đơn giản và ngắn gọn, ông nghe rồi vô cùng hoan hỉ. Người này cả đời không tin Tôn giáo, chưa tiếp xúc với Phật pháp, ba ngày trước khi lâm chung mới tiếp xúc, vừa tiếp xúc thì đã hoan hỉ, nói với người nhà của ông, đừng cầu khỏi bệnh, tất cả người trong nhà hãy giúp ông niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Tâm này vừa phát, bệnh của ông đang rất nặng đã không còn đau nữa, vốn dĩ bệnh này rất đau đớn, không còn đau đớn nữa, vô cùng hoan hỉ. Niệm được bảy ngày thì nói với người nhà là Phật đến tiếp dẫn ông, ông đi đến Thế Giới Cực Lạc. Còn có pháp môn nào nhanh hơn Pháp môn này nữa chứ? Người ta tu thế nào, đó là việc của họ, chúng ta không thể đi can thiệp họ. Hiện nay, xã hội này là dân chủ tự do cởi mở, ai cũng không có quyền can thiệp vào ai cả. Nhưng chính chúng ta phải rõ ràng pháp môn này, chúng ta không phải là căn tánh Viên đốn, chúng ta nên tiếp nhận giáo huấn của mười phương hết thảy chư Phật, một lòng một dạ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

Trích từ: Học Phật Vấn Đáp