Phật Học Vấn Đáp


Người khác vì con mà hủy báng Phật pháp, xin hỏi tội lỗi này thuộc về bên nào?

8/12/2022 12:03:24 PM

Thuộc về bạn. Vì bạn mà họ hủy báng Phật pháp, bạn làm không đủ tốt cho nên chính bạn phải gánh lấy trách nhiệm. Nhưng người bịa đặt hủy báng cũng có lỗi, vì sao vậy? Họ ngu si, nếu họ không ngu si thì sẽ không vì chúng ta làm không đúng mà đi hủy báng. Chúng ta đã học Phật nhiều năm, hiểu rõ hơn, không ngu si nữa, nhìn thấy người trong đạo tràng làm không như pháp, chúng ta không hoan hỉ tán thán, cũng không hủy báng họ. Trước đây thì không được, trước đây chắc chắn là đã hủy báng rồi. Đây chính là chỗ không giống nhau của chúng ta, chúng ta hoàn toàn tích cực, xem thấy người khác làm không như pháp, quay đầu nghĩ xem chính mình làm có như pháp không? Nếu mình không như pháp thì phải nhanh chóng sửa đổi. Bởi vì con người rất khó nhìn thấy khuyết điểm của mình, dễ nhất là nhìn thấy khuyết điểm của người khác, người khác là tấm gương soi của chúng ta, bạn lấy họ làm gương soi thì chúng ta sẽ có lợi ích. Nhìn thấy họ làm không tốt thì phải nhanh chóng quay đầu lại nghĩ xem mình có hay không? Người đó là thầy của ta, họ là thiện tri thức của ta, sao ta lại hủy báng họ chứ?

Chúng ta quay đầu trở lại, biết sám hối, biết sửa lỗi, chúng ta phải đem công đức tu học để hồi hướng cho họ. Vì sao vậy? Chúng ta biết nghiệp mà họ tạo ra rất nặng, ắt sẽ đọa vào ác đạo, chúng ta đem công đức hồi hướng cho họ, hi vọng nghiệp chướng của họ giảm nhẹ, hi vọng thời gian chịu khổ của họ rút ngắn. Đây là một dạng báo đáp của chúng ta, phải nên vậy, phải hiểu nhân tình sự lý thông thường. Tu hành thì trước hết phải học chư Phật Bồ tát, chúng ta đối với hết thảy chúng sanh trong khắp pháp giới hư không giới, không có một oan gia nào, không có một ai đối lập cả. Nếu người nào đó chống lại chúng ta, chúng ta lập tức phải phản tỉnh, họ chống lại ta, ta không chống lại họ. Họ hủy báng ta, ta tán thán họ. Họ nhục mạ ta, ta cung kính họ, vậy thì hóa giải rồi. Vì sao phải làm như vậy? Chư Phật Bồ tát đối với hết thảy chúng sinh đều là làm như vậy, chúng ta học Phật thì phải học tâm trạng căn bản làm người của Phật Bồ tát, vậy chúng ta mới chân thật học được, nhất định không được ghi nhớ oán hận.

Trong lúc giảng kinh, tôi thường khuyên đồng học, quan trọng nhất là ở sâu thẳm trong nội tâm của chính mình, hóa giải hết thảy ý niệm đối lập với người việc vật, tuyệt đối không đối lập với người, tuyệt đối không đối lập với hết thảy chúng sanh, phải biết khiêm nhường, phải biết tôn trọng. Chúng ta xem thấy một con muỗi, chúng ta liền chắp tay, “chào Bồ tát muỗi”, nhìn thấy một con kiến, chúng ta chắp tay, “chào Bồ tát kiến”. Nhất định không dám coi thường, xem chúng giống như là Phật Bồ tát, chúng cũng hoan hỉ. Không phải là chúng không hiểu, chúng hiểu, hơn nữa, lại cùng chung sống với chúng ta, vô cùng hợp tác, tuyệt đối sẽ không gây phiền phức. Đây là thí nghiệm của chúng tôi trong nhiều năm nay, rất có hiệu quả.

Gần đây, bên cạnh nhà cũ của tôi ở An Huy có hai thanh niên đã gọi điện cho tôi, nói với tôi một sự việc, tôi nói các bạn hãy viết việc đó ra. Là việc gì vậy? Ruồi nhặng, chuột bọ, vốn dĩ gia đình họ rất ghét, hiện nay nghe thấy chúng ta phải cung kính đối với chúng, hai chị em họ đã gọi là Bồ tát ruồi, Bồ tát chuột. Kết quả các Bồ tát ấy cùng tu hành với họ, cùng niệm Phật, đã vãng sanh rồi, ba chú ruồi vãng sanh, một chú chuột vãng sanh. Tôi nói các bạn hãy viết việc đó ra để mọi người làm tham khảo, để cúng dường đại chúng. Đây đều là việc tốt, là thật, không phải giả. Những động vật nhỏ này đều có linh tính, vì sao họ bị đọa lạc ở đó? Họ ở đó học tập, tội nghiệp đã tạo trong quá khứ, cõi súc sanh là ngu si, họ phải đi đoạn tham sân si. Họ buông xuống tham sân si thì họ thoát ra, liền được giải thoát.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật