Home > Giảng Kinh > Vang-Sanh-Tinh-Ðo-Luan-Giang-Ky

Lời Nói Đầu


Tịnh Độ không phải chỉ là lý tưởng của Tịnh Độ tông, mà còn là khuôn mẫu lý tưởng chung cho mọi tông phái của Đại thừa Phật giáo nữa.

Người ngoài cũng như Phật tử nói chung, thường bị quan niệm thanh tịnh cá nhân (tức lý tưởng của Tiểu thừa) ám ảnh đến mức độ như tin chắc rằng Phật giáo chỉ là con đường để thanh tịnh cá nhân đến mức tuyệt đối hoàn hảo. Đại thừa bị nghi ngờ là hậu sinh và bị pha trộn đủ thứ lệch lạc trong đó. Thậm chí có người còn cho Đại thừa không phải là Phật giáo mà chỉ là một nỗ lực của ngoại đạo để phá hoại Phật giáo “nguyên thủy” chính thống. Lý do chẳng qua là vì Đại thừa hoàn toàn đượm mùi vị tôn giáo tập thể, phản ngược lại với chất vị cá nhân tuyệt đối trong sạch của Tiểu thừa “nguyên thủy”.

Một sự thẩm xét thấu đáo về Đại thừa sẽ cho thấy rằng những ám ảnh trên là hoàn toàn sai lầm. Lịch sử Phật giáo cũng chứng thật rõ ràng là Đại thừa không hề phá hoại Tiểu thừa, cũng không hề tiếp tay với ngoại đạo. Trước sau Đại thừa vẫn là Đại thừa và hoàn toàn là Phật giáo. Đại thừa cũng không hề xóa bỏ con đường thanh tịnh của cá nhân, trái lại sự thanh tịnh ấy, đối với Đại thừa, lại chính là chân lý tuyệt đối phổ biến khắp mọi nơi và mọi loài. Đại thừa có thể nói với Tiểu thừa rằng: “Chúng ta chẳng có gì khắc nhau, chẳng qua anh cá nhân và tôi tập thể mà thôi. Tất cả mọi nổ lực của tôi làm là để thành tựu sự thanh tịnh cho tất cả chúng sinh. Anh tôn thờ Phật như một cá nhân hoàn toàn thanh tịnh, tôi tôn thờ Phật như một Pháp thân thanh tịnh biến khắp không gian thời gian, mà mỗi vị Phật xuất hiện trong đời chỉ là một hiện thân cá nhân của pháp thân thanh tịnh ấy mà  thôi. Anh thực hiện sự thanh tịnh viên mãn để Niết Bàn hóa toàn thể hiện hữu của cá nhân anh, tôi thực hiện sự thanh tịnh viên mãn cho toàn thể chúng sinh để tịnh độ hóa toàn thể vũ trụ…”.

Tóm lại, theo Đại thừa, cái chân lý viên mãn mà đức Phật giác ngộ ra không phải Tiểu thừa mà cũng chẳng phải Đại thừa, không phải ngoại đạo cũng chẳng phải Phật giáo. Nó vốn cứu cánh thanh tịnh tuyệt đối dứt mọi ngôn ngữ và tư tưởng. Tuy thế nó lại là nền tảng duy nhất cho toàn thể mọi xu hướng hiện hữu, nó là nguồn năng lực sinh khởi bất tận cho mọi sự hữu được hiện hữu. Nó là tất cả, là toàn thể. Song không phải vì thế mà cái gì cũng là Phật giáo được. Cái tính chất “là tất cả” của chân lý này, Phật giáo không hề chịu chia xẻ chung với Ấn Độ giáo. Cái nguyên lý “là tất cả” này là nguyên lý của sự giác ngộ của đức Phật, chứ không phải là nguyên lý của một năng lực huyền bí bao trùm khắp vũ trụ, mà loài người cứ tha hồ võ đoán là thần lực hay Thượng Đế… nói cách khác cái nguyên lý “là tất cả” nầy đã được giác ngộ hóa cũng như thanh tịnh hoá, thế nên toàn thể vũ trụ, tất cả các pháp đều là giác ngộ, đều là thanh tịnh, đều là Phật pháp.

Do đó, tuy chân lý tuyệt đối phải là chân lý chung của mọi loài, mọi tôn giáo, song nếu nó chưa được giác ngộ hóa và thanh tịnh hóa, thì nó không có một tác dụng gì hơn là một giấc mộng “vũ trụ” biến diệt bất tận và vô nghĩa. Nó thật sự không đưa lại một một lối thoát, mà chỉ đưa lại một nguyên lý thần lực tuyệt đối áp đặt vào thân phận của muôn loài. Khi ấy Phật giáo từ chối nó như là chân lý tuyệt đối, mà chỉ coi đó là một nguồn lực vô minh bao trùm khắp mọi loài.

Như thế, với Đại thừa, vô minh và giác ngộ có chung một nguyên lý tuyệt đối. Song trong giới hạn của vô minh, nguyên lý tuyệt đối này là một thảm họa cho muôn loài. Một khi thoát vào thế giới giác ngộ, nguyên lý tuyệt đối sẽ thanh tịnh hóa và giải thoát cho tất cả mọi cõi mọi loài. Và chỉ với giác ngộ, nguyên lý tuyệt đối này mới được coi là chân lý. Do đó, nếu thiếu giác ngộ, (hay rõ hơn, nếu thiếu một vị Phật) sẽ không thể có chân lý tuyệt đối, không thể có Niết Bàn, an lạc, giải thoát chân thật, dù cái nguyên lý tuyệt đối của muôn loài vẫn luôn luôn có mặt ngay đây.

Vì vậy, một mặt chân lý của đạo Phật là chung cho tất cả chứ không riêng gì của Đại thừa, song mặt khác chỉ có xu hướng Đại thừa mới duy nhất hiển lộ ra được toàn thể chân lý chung hết cho mọi loài. Bởi vì có xu hướng Đại thừa mới lấy sự giác ngộ của đức Phật làm lý tưởng cứu cánh, con đường Đại thừa mới nuôi dưỡng và phát triển ánh sáng giác ngộ ấy đến mức viên mãn.

Mà đến mức viên mãn có nghĩa là đưa ánh sáng giác ngộ từ cá nhân sang thẩm nhập vào tất cả mọi hiện hữu đều trở nên hoàn toàn thanh tịnh trong ánh sáng giác ngộ. Khi ấy thế giới trở thành Tịnh Độ và cá nhân giác ngộ trở thành pháp thân thanh tịnh biến khắp không và thời gian. Đây là cảnh giới giác ngộ viên mãn và chân thật nhất của một vị Phật, và là khuôn mẫu lý tưởng của Đại thừa Phật giáo vậy.

Đại thừa trở thành một tôn giáo, bởi đối tượng của Đại thừa giờ đây là pháp thân thanh tịnh Phật, một thật thể siêu việt nhưng tích cực biến hiện cùng khắp theo nguyên tắc giác ngộ và tịnh hóa mọi loài. Đồng thời Đại thừa vẫn là con đường thành tựu thanh tịnh của cá nhân, bởi mỗi cá nhân tin tưởng đều có bổn phận phải thành tựu pháp thân thanh tịnh kia qua sự giác ngộ của mình để cứu độ tất cả chúng sinh.

Trong tiến trình thực hiện sự giác ngộ để thành tựu pháp thân, Tịnh Độ (và báo thân Phật) là một điều không thể thiếu sót được cho hành giả Đại thừa. Đó là huyết mạch giao thông giửa hành giả và thập phương chư Phật, qua đó hành giả thân chứng từ từ ra được pháp thân phổ biến vô cùng tận. Do đó sự thể nhập vào Tịnh Độ của Phật A Di Đà là một phương tiện tối cao, tối cần thiết, và không thể không có được cho một hành giả Đại thừa. Và sự thể nhập chỉ hoàn toàn đúng nghĩa khi hành giả trở thành một với Tịnh Độ, nghĩa là qua sự vãng sinh để trở thành một thành phần (một con dân) của Tịnh Độ. Sự vãng sinh để thể nhập này có thể được thực hiện được là bởi toàn thể vũ trụ đã được quang minh trí tướng của A Di Đà Phật tịnh hóa đã mười kiếp nay rồi, song chúng ta vẫn cứ hóa hiện theo nguyên tắc của vô minh nên vẫn không hề hay biết, song như thế có nghĩa là chúng ta đã ở sẵn trong Tịnh Độ rồi, vấn đề chỉ còn là rũ bỏ tất cả mọi nghiệp lực vô minh của cá nhân qua sự chết và bằng lòng đón nhận Tịnh Độ qua niềm tin quyết liệt. Do đó thể nhập vào Tịnh Độ, niềm tin là căn bản tiên quyết. Hành giả Đại thừa cần phải có niềm tin tuyệt đối vào Tịnh Độ và buông bỏ hết mọi dính dấp với sáu cõi vô minh. Tịnh Độ trở thành một thật thể của hành giả, khi ấy trí huệ thể nhận ra pháp thân cùng đại nguyện cứu độ toàn thể chúng sinh sẽ được phát hiện và thành lập. Và con đường Bồ Tát đạo mở rộng ra trước hành giả…

Tịnh độ như thế là chung cho tất cả hành giả Đại thừa chứ không riêng gì của Tịnh Độ tông. Vãng Sinh Luận ở đây do Thế Thân (Vasubandhu) Bồ Tát tạo, và được giảng giải qua hai bậc Đại sư khả kính: Ấn Thuận Đại sư, một cao tăng hiện đại của Trung Hoa, và Đàm Loan Đại sư, một bậc cổ đức của triều đại nhà Tùy bên Trung Hoa. Thế Thân vốn là tổ của Duy Thức học; Ấn Thuận là một bậc bác học về tam tạng kinh điển, nhưng có thiên về tính Không học; Đàm Loan như khai tổ  của Tịnh Độ học vậy, bởi có lẽ trước ngài không ai khai triển hay đả động gì đến Tịnh Độ… Như thế đủ thấy mọi xu hướng của Đại thừa một khi đi sâu vào chân ý nghĩa của Đại thừa, ắt sẽ gặp nhau nơi Tịnh Độ.

Những sự hiểu lầm về Tịnh Độ cần phải được tẩy rửa đi, lòng tin vào Tịnh Độ cần phải được thành lập, trước khi chúng ta có thể đặt bước vào con đường Đại thừa Bồ Tát đạo.

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Vãng Sanh Luận, Bồ Tát Thế Thân | Hòa Thượng Thích Nhất Chân, Việt Dịch
2.    Vãng Sanh Tịnh Ðộ Luận Giảng Yếu, Đại Sư Thái Hư | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
3.    Chánh Hạnh Niệm Phật Vãng Sanh, Pháp Nhiên Thượng Nhân | Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn, Việt Dịch
4.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
5.    Hộ Niệm Vãng Sanh Tây Phương, Liên Xã Đài Trung
6.    Vãng Sanh Tịnh Độ Quyết Nghì Hành Nguyện Nhị Môn, Đời Tống Sa Môn Tuân Thức | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
7.    Vãng Sanh Tịnh Độ Sám Nguyện Nghi, Đời Tống Sa Môn Tuân Thức | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Vãng Sanh Truyện, Sa Môn Giới Châu ở Phi Sơn , thuộc Phước Đường Đời Tống Soạn | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
10.    Chuyện Vãng Sanh Trọn Bộ 3 Tập, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến
11.    Vãng Sanh Lễ Tán Kệ, Đại Sư Thiện Đạo Đời Đường | Tỳ Kheo Thích Hoằng Đạo, Việt Dịch
12.    Bốn Chúng Vãng Sanh, Chúc Đức, Việt Dịch
13.    Tập Vãng Sanh, Cư Sĩ Định Huệ | Thích Nguyên Lộc, Việt Dịch
14.    Vãng Sanh Lễ Tán Kệ, Đại Sư Thiện Đạo Đời Đường | Huyền Thanh, Việt Dịch
15.    Vãng Sanh Tịnh Độ Sám Nguyện Nghi, Đời Tống Sa Môn Tuân Thức | Ni Sư Hải Triều Âm, Việt Dịch
16.    Vãng Sanh Tịnh Độ Cảm Hiện Điềm Lành, Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn | Tỳ Kheo Thích Vạn Ngộ, Việt Dịch
17.    Vãng Sanh Thập Nghi Quảng Ngũ Uẩn Chư Luận Giảng Ký, Đại Sư Đạo Nguyên | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
18.    Nguyên Lý Về Vấn Đề Niệm Phật Vãng Sanh, Đại Sư Thái Hư | Thượng Tọa Thích Chánh Lạc, Việt Dịch
19.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký, Pháp Sư Thích Trí Viên | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
20.    Phật Thuyết Thanh Tịnh Tâm Kinh Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch