Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Quan-The-Am-Bo-Tat-Nhi-Can-Vien-Thong-Chuong-Tap-7

Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương Tập 7
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Hạnh Chơn

Xin mở kinh ra, trang 147, hàng thứ ba. “Thế Tôn, nhược chư Bồ Tát, nhập tam ma địa, tiến tu vô lậu, thắng giải hiện viên, ngã hiện Phật thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ giải thoát”. Bắt đầu xem từ đây.

Bên dưới nói về 32 ứng, nói đến 32 ứng, chư vị cần phải nhớ, đây là phát xuất ra từ trong hai loại thù thắng. Cho nên đối với hai loại thù thắng, chính là trên hợp chư Phật, dưới hợp với tất cả chúng sanh, đây là Bồ Tát hiển thị ra đức dụng thù thắng. Những đức dụng này, nếu nói chúng ta tìm tòi nghiên cứu căn nguyên của nó, bản thân Bồ Tát đã nói, do ngài cúng dường Quán Âm Như Lai. Ở trước cũng từng nói với quý vị về ý nghĩa trong sự cúng dường này, có pháp cúng dường đương nhiên cũng có tài cúng dường. Tài cúng dường được phước báo, pháp cúng dường được trí tuệ.

Bồ tát nói về 32 ứng thân, 32 ứng thân này là nói về chủng loại, trong mỗi chủng loại đều vô lượng vô biên thân. Đây là quy nạp nó thành 32 loại lớn, 32 loại lớn đều không xa lìa tâm trên hợp chư Phật, bi ngưỡng dưới hợp với tất cả chúng sanh. 32 ứng này cũng không lìa pháp bố thí, tài bố thí, đều không tách rời. Vì sao vậy? Vì trong này là pháp duyên thù thắng. Pháp duyên thù thắng, ba loại bố thí này đều viên mãn. Chúng ta nói tài thí, pháp thí, vô úy thí, ba loại bố thí đều viên mãn. Trong ba loại bố thí đặc biệt chú trọng pháp bố thí, trong pháp bố thí lại đặc biệt chú trọng việc tự hành hóa tha, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh.

Hôm nay, đoạn kinh văn này nói: nếu chư Bồ Tát, nhập tam ma địa. Chú trọng ở chữ “nhập”. Nhập là gì? Nhập là chứng nhập, giả dụ nếu không chứng nhập tức không thể hiện thân Phật. Chúng ta biết thị hiện thân Phật là độ hàng Bồ Tát nào? Trong kinh điển đại thừa thường nói rằng, là độ hàng pháp thân đại sĩ.

Ở đây nói “nhập tam ma địa”, trong pháp môn niệm Phật chính là lý nhất tâm bất loạn, trong Thiền tông gọi là minh tâm kiến tánh, đây là nhập tam ma địa. Ở đây nói về tam ma địa, cùng một cảnh giới với trong Kinh Viên Giác nói, Kinh Viên Giác cũng nói tam ma địa, Xa ma tha, tam ma bát để, thiền na, cũng nói ba loại này. Ba loại này đều là cảnh giới lý nhất tâm bất loạn, đều là thiền định mà pháp thân đại sĩ đạt được. Người như vậy, đương nhiên Quán Thế Âm Bồ Tát phải thị hiện thân Phật để thuyết pháp cho họ. Như trong kinh điển Tịnh độ thường nói đến, cõi thật báo là thấy báo thân Phật A Di Đà. Ở đây là thị hiện báo thân Phật để độ họ, đây là trình độ hóa độ chúng sanh cao nhất, là pháp thân đại sĩ. Những người này, sau khi chứng được tam ma địa, không chỉ dừng lại ở cảnh giới này, họ không ngừng tăng tiến, tiến tu vô lậu, thắng giải hiện tiền viên mãn. Họ không ngừng nâng cao cảnh giới mình, vì nhập tam ma địa, có thể nói viên giáo sơ trụ là đã nhập.

Chư vị nên biết, từ sơ trụ đi lên còn có 41 địa vị, đây mới viên mãn thành Phật. Ở đây nói “tiến tu vô lậu”, chính là tiến tu của 41 vị thứ này, toàn là pháp vô lậu. Vô lậu, bình thường chúng ta cũng gọi là đại tiểu thừa, ở đây thuộc về Bồ Tát đại thừa. Vì bên dưới nói đến Thanh văn, Duyên giác, đó là tiểu thừa, ở đây nói về Bồ Tát đại thừa. Huống gì bên dưới có một câu: “thắng giải hiện viên”, thắng giải chính là kiến giải có tính quyết định thù thắng nhất. Hoàn toàn không có nghi hoặc, không bị cảnh giới xoay chuyển, như vậy mới gọi là thù thắng.

Chúng ta xem trong giới Phật giáo của chúng ta hiện tại, lại xuất hiện một số nghi vấn. Vào khoảng năm 57, 58, có một thời gian từng tranh luận về Lục Tổ Đàn Kinh. Trong các báo chí diễn đàn của Phật giáo, có rất nhiều bài thảo luận về vấn đề này. Gần đây hình như trong báo, tạp chí lại có thảo luận về đới nghiệp vãng sanh, tiêu nghiệp vãng sanh, lại tranh luận vấn đề này. Chư vị thử nghĩ xem, tranh luận thì không thể vãng sanh, thế giới tây phương Cực Lạc không có tranh luận. Người thông minh thật thà niệm Phật, họ tranh việc của họ, họ nói đới nghiệp cũng được, họ nói tiêu nghiệp cũng tốt, tóm lại có tranh chấp tức không được nhất tâm. Chúng ta niệm Phật để làm gì? Để cầu nhất tâm, trong nhất tâm không có tranh luận, cái gọi là đới nghiệp hay tiêu nghiệp đều không có. Đó là việc của quý vị, chúng tôi không liên quan đến. Tâm địa thanh tịnh mới được nhất tâm bất loạn, đây là đạo lý cơ bản, tuyệt đối đừng tranh luận.

Lúc tranh luận về Lục Tổ Đàn Kinh, cũng có mấy vị cư sĩ kỳ cựu đến tìm tôi, hỏi tôi có nhận xét gì? Tôi hỏi ngược lại họ, tôi hỏi đạo lý trong Lục Tổ Đàn Kinh nói có hợp với những gì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói chăng? Tôi đưa ra câu hỏi như vậy, họ nói rất hợp. Tôi nói vậy là được rồi, đã phù hợp với lời Đức Phật dạy, chúng ta cứ y theo phương pháp này là được, quan tâm gì đến chuyện ai viết. Lục Tổ viết cũng được, không phải Lục Tổ viết cũng không sao, không liên quan, hà tất vì vấn đề này mà tranh luận? Lý luận phương pháp này hay, chúng ta dùng lý luận phương pháp này, có thể tu hành chứng quả là được, quan tâm chi vấn đề ai viết ra. Cho nên tôi khuyên, họ tranh việc của họ, chúng ta cố gắng học điều đáng học của chúng ta.

Hiện nay pháp môn niệm Phật khởi tranh luận, chúng ta cố gắng niệm Phật, căn bản đừng quan tâm đến nó, những bài văn chương đó cũng không cần xem đến. Vì sao vậy? Như vậy chỉ lãng phí thời gian, xem xong khởi phân biệt, khởi ý niệm, hiện tại chúng ta cần tu nhất tâm. Cố gắng hết sức khiến sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần không khởi phân biệt, không sanh vọng tưởng, như vậy rất tốt, tâm luôn thanh tịnh.

Đối với việc nghiên cứu kinh giáo, nghe giảng kinh, tôi cũng khuyên chư vị không khởi phân biệt, không khởi chấp trước, nghe như vậy sẽ khai ngộ. Ngộ ở đây chính là câu “thắng giải hiện viên”, viên là gì? Viên là viên mãn. Điều này nói rõ khi trí chứng sắp viên mãn, Bồ Tát Quán Thế Âm đại từ đại bi làm tăng thượng duyên cho họ, giúp đỡ họ. Ta hiện thân Phật, vì họ thuyết pháp, đây là giúp họ thành Phật.

Ở đây có thể có người muốn hỏi, Bồ Tát sao có thể hiện thân Phật? Chư vị nên biết, Bồ Tát Quán Thế Âm thành Phật từ kiếp lâu xa về trước, sau khi thành Phật ngài trở lại địa vị Bồ Tát, giúp Phật hoằng pháp lợi sanh. Đây là từ bổn tích mà nói, trong bổn tích, chúng ta từ nguồn gốc mà nói, ngài thị hiện thân Phật đương nhiên không có vấn đề gì.

Nếu luận sự, nói từ tướng, chỉ cần ta chứng được chân như bản tánh. Trong chân như bản tánh không có sai biệt, ẩn hiện tự tại. Huống gì Phật lại có bốn giáo: tạng thông biệt viên, sai biệt khác nhau. Phật của Tạng giáo không cần nói đến, đến địa vị sơ trụ Bồ Tát cũng chưa đạt được. Vì thế Viên giáo sơ trụ Bồ Tát phải xuất hiện bằng thân phận Phật của Tạng giáo, có được chăng? Đương nhiên là được. Phật của Thông giáo đã kiến tánh, Phật của Biệt giáo chỉ tương đương với Viên giáo, Bồ Tát của đệ nhị hành vị. Bồ Tát Quán Thế Âm trú Đẳng giác vị, thị hiện Biệt giáo Phật có vấn đề gì chăng? Cho nên những nghi vấn này, quý vị có sự thâm nhập đối với kinh giáo, tự nhiên tiêu trừ, tiêu trừ nghi vấn này. Vì thế Bồ Tát có thể thị hiện thân Phật để thuyết pháp cho các hàng tiểu Bồ Tát. Hàng tiểu Bồ Tát này trong mỗi niệm của họ, đều hy vọng Phật đến độ mình, Bồ Tát Quán Thế Âm có thể thị hiện thân Phật độ họ.

Nói đến đây, có thể bản thân chúng ta cũng có một khuyết điểm, cũng hy vọng Phật đến độ mình. Phải chăng Bồ Tát Quán Thế Âm cũng hiện thân Phật để độ chúng ta? Nếu Bồ Tát Quán Thế Âm cũng hiện thân Phật độ chúng ta, thuyết pháp cho chúng ta. Quý vị nhớ rằng, nhất định là ma vương mạo xưng, không phải thật. Vì sao không phải thật? Vì chúng ta chưa nhập tam ma địa, chưa đủ tư cách này. Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện thân Phật đến độ mình, Phật này là giả không phải thật, không đáng tin.

Nói cách khác, khi ta niệm Phật đến lý nhất tâm bất loạn, thấy Phật đến thuyết pháp cho ta, điều này đáng tin, sự nhất tâm vẫn chưa được. Cho dù Phật đến, Phật A Di Đà đến, ngài cũng thị hiện thân Bồ Tát thuyết pháp cho ta. Như chúng ta hiện nay nghiệp chướng sâu nặng, Chư Phật Bồ Tát thị hiện thân gì để độ? Họ thị hiện thân người để thuyết pháp độ chúng ta, Phật Bồ Tát không có tâm.

Trong kinh ở trước nói rất rõ ràng: “tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng, tuần nghiệp phát hiện”, Bồ Tát hoàn toàn không có tâm. Không như phàm phu chúng ta có tâm, chúng ta muốn như thế như thế, Phật Bồ Tát tuyệt đối không có. Là tùy theo tâm chúng sanh, mà hiện ra cảnh giới này.

Chúng ta hiểu ý nghĩa của đoạn này, trong 32 ứng không có Bồ Tát, vì sao không có Bồ Tát? Vì Bồ Tát Quán Thế Âm trú nơi địa vị này chính là địa vị Bồ Tát, cho nên không cần nói. Trên nói đến Phật, dưới nói đến Duyên giác, không nói đến Bồ Tát, vì bản thân ngài chính là địa vị Bồ Tát.

“Nhược chư hữu học, tịch tịnh diệu minh, thắng diệu hiện viên, ngã ư bỉ tiền, hiện Độc giác thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ giải thoát”. Đây thuộc về Duyên giác. Duyên giác có hai loại, một là xuất hiện khi có Phật xuất thế, Phật nói cho họ pháp 12 nhân duyên, họ khai ngộ, tu hành chứng quả, chúng ta gọi là Duyên giác. Còn có một loại, căn tánh rất lanh lợi, xuất hiện khi không có Phật xuất thế, họ cũng có thể khai ngộ, chúng ta gọi là Độc giác. Trong kinh có nói, hình như ở trước chúng ta cũng từng nói, tiểu thừa tu hành gọi là sơ quả, chứng sơ quả Tu đà hoàn. Từ sơ quả Tu đà hoàn, nương vào đây thứ tự tu chứng, nhất định trải qua bảy lần sanh tử tại cõi trời và người, nghĩa là thêm bảy lần đi về nữa mới chứng A la hán. Khi thế gian không có Phật pháp, họ như thế nào? Khi thế gian không có Phật pháp, đến thời tiết nhân duyên, họ trở thành Độc giác. Do đây có thể biết, sau khi chứng Tu đà hoàn, đối với việc phá kiến tư phiền não chứng quả vị tiểu thừa, có thể nói kỳ hạn này đã được quyết định. Giống như đi học ở trường vậy, đại học bốn năm nhất định tốt nghiệp, chỉ cần không ở lại lớp chắc chắn tốt nghiệp. Sau khi tiểu thừa chứng quả Tu đà hoàn, lui tới cõi trời và người thêm bảy lần, nhất định chứng quả. Phật tại thế chứng A la hán, chứng Duyên giác, Phật không tại thế chứng quả Độc giác.

Đoạn này nói: “nhược chư hữu học”, họ vẫn đang ở trong vị thứ tu tập, công phu đến cực điểm liền chứng được vô học. “Tịch tịnh diệu minh”, chư vị phải biết, không giống với Như Lai quả địa, bổn giác diệu minh mà ở trước Đức Phật nói, không tương đồng. Bổn giác diệu minh là nói chân như bổn tánh của chúng ta, nếu hạ công phu trên bổn giác diệu minh, như vậy dứt khoát thành Phật, không thông qua nhị thừa. Trong Phật pháp đại thừa, đây là hàng thượng thượng căn tu tập. Như lục tổ Huệ Năng, phương pháp tu học của ngài là bắt đầu từ bổn giác diệu minh. Nhân địa tâm và quả địa giác tương ưng, đây là một đời thành Phật.

Ở đây họ cầu là “tịch tĩnh diệu minh”, bình thường chúng ta gọi đây là nhân định phát tuệ, có định có tuệ. Tịch tĩnh là định, diệu minh là tuệ. Vẫn chưa viên mãn, tuy chưa viên mãn, nhưng sắp viên mãn. “Thắng diệu hiện viên”, tức là cảnh giới khi sắp hiện chưa hiện, khi sắp hiện mà chưa hiện, Bồ Tát thấy một chúng sanh nhân duyên thành thục_chư vị cần phải biết, Đức Phật nói cho chúng ta, tất cả pháp thế xuất thế gian đều không lìa nhân duyên, Phật độ chúng sanh cũng như vậy. Khi nhân duyên ta thuần thục, Phật nhất định hiện thân nói pháp cho ta. Bởi vậy trong lòng đừng nghĩ rằng, mình không gặp được thầy giỏi, đời này mình không gặp được thiện tri thức. Hết rồi, vậy là hết, tất cả coi như xong! Như vậy là xong thật. Nếu quý vị thành tâm thành ý, tu hành theo lý luận phương pháp này, chỉ cần bản thân tinh tấn tu hành. Đến khi đó, Phật Bồ Tát không biết khi nào hiện thân, vừa tiếp xúc với mình, hoặc nghe họ nói vài câu, hoặc khi thấy một động tác nào đó lập tức khai ngộ, được Phật Bồ Tát điểm hóa, đây chính là 32 ứng thân này.

Bởi vậy Phật Bồ Tát đối với chúng ta thấy rõ ràng hơn bất kỳ điều gì, bản thân ta thấy chính mình không được rõ ràng. Phật Bồ Tát thấy chúng ta rất rõ ràng. Phật Bồ Tát niệm niệm đều không từ bỏ chúng ta, quả thật là đệ tử Phật môn không bỏ một ai, xưa nay chưa hề từ bỏ chúng ta. Ân đức của Phật Bồ Tát đối với chúng ta lớn lao vô cùng, mấy ai biết được? Chúng ta dùng tâm vọng tưởng cầu Phật Bồ Tát, nịnh bợ Phật Bồ Tát, Phật Bồ Tát sẽ không đến. Thành tâm thành ý tu học, đến khi cần thiết họ nhất định đến. Khi chưa cần thiết, trong mắt họ nhìn thấy một cách rõ ràng, đây là cửa ải quan trọng, công phu sắp thuần thục, chỉ thiếu một chút nữa thôi là đột phá. Ví như khi chứng được quả vị Duyên giác, chỉ kém một chút như vậy, cổ nhân gọi là vẽ rồng thêm mắt. Rồng đã vẽ xong, mắt vẫn chưa điểm. Quý vị vẽ xong, họ dạy quý vị chấm mắt, một điểm này làm con rồng sống lại, lúc này mới đến.

Trong tất cả pháp đều có thời tiết nhân duyên, nếu quả thật ta thành tâm thành ý tu học, trong quá trình tu học này có thể cảm nhận được, chư Phật Bồ Tát, hộ pháp, quỷ thần ngày ngày quan tâm ta, quan tâm rất chu đáo, tức thời tiết nhân duyên đã thuần thục. Thuần thục thì sao? Bồ Tát liền hiện thân Độc giác, đây chính là Bích Chi Phật. Độc giác, Duyên giác, hai quả vị này đều gọi là Bích Chi Phật, đến nói pháp cho họ. Họ vừa nghe Phật thuyết pháp liền khai ngộ, tức là chứng được cảnh giới Bích Chi Phật. “Linh kỳ giải thoát”, đây là nói Bồ Tát hiện thân Độc giác. “Nhược chư hữu học, đoạn thập nhị duyên”. Thập nhị duyên chính là thập nhị nhân duyên. “Duyên đoạn thắng tánh, thắng diệu hiện viên, ngã ư bỉ tiền, hiện Duyên giác thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ giải thoát”. Như vừa mới nói, Duyên giác xuất hiện vào thời có Phật pháp, không phải không có Phật pháp. Như chúng ta hiện nay, là thời kỳ mạt pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vẫn là thời kỳ có Phật pháp. Độc giác xuất hiện vào thời kỳ không có Phật pháp, thời đại pháp diệt. Nói cách khác, tuy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không còn tại thế, chúng ta tính từ bây giờ, thời mạt pháp vẫn còn 9000 năm. Trong 9000 năm này, nếu từ phương pháp tu học này mà nói, Phật Bồ Tát vẫn hiện thân Duyên giác để nói pháp cho họ. Đến khi pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni diệt, trước khi Phật Di Lặc chưa xuất thế, trong giai đoạn này có 56 ức vạn năm không có Phật pháp, thế gian không có Phật pháp. Trong thời gian này, chẳng hạn những người chứng được sơ quả hiện tại, đến lúc đó công phu tu hành của họ đạt được, bảy lần sanh tử ở cõi trời và người, họ đạt được công phu tu chứng này, Chư Phật Bồ Tát thị hiện thân Độc giác để độ họ. Vì thế trước mắt, trong 9000 năm này, không có Độc giác xuất hiện. Có Duyên giác, không có Độc giác, vì vẫn còn Phật pháp. Phật pháp còn trú thế chỉ có Duyên giác, không có Độc giác.

Điều này chúng ta cũng phải biết, tu thập nhị nhân duyên cũng thuộc về tiểu thừa, hạng người này căn tánh lanh lợi hơn tu tứ đế. Do tứ đế, 37 phẩm trợ đạo, nhập môn tu hành chứng quả, thường chưa đoạn tập khí. Từ 12 nhân duyên thông minh hơn, có thể đoạn tập khí. Ở đây cũng không cần nói nhiều về 12 nhân duyên, chính là vô minh duyên hành, hành duyên thức đến sanh duyên lão tử.

“Duyên đoạn thắng tánh”, thắng là thù thắng, “thắng tánh” tức họ đã giác ngộ nhân duyên tánh không, vì thế họ chứng được tánh vô sanh. Như trong kinh điển đại thừa nói: “Vạn pháp nhân duyên sanh, nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị không”. Bồ Tát Long Thọ từ trong nhân duyên giác ngộ được hết thảy pháp không có tự tánh, lý sự này đều viên mãn hiện ra trước mắt.

“Thắng diệu hiện viên”, lúc này người tu thập nhị nhân duyên cũng đồng nghĩa nói, công phu sắp thuần thục, sắp tốt nghiệp. Bồ Tát Quán Thế Âm rất từ bi, lập tức hiện thân Duyên giác để giúp họ, thuyết pháp để họ được giải thoát. Sự giải thoát này thuộc về giải thoát của tiểu thừa, chứ không phải giải thoát rốt ráo.

Trong kinh điển đại thừa Đức Phật nói, tuy Phật thường trách cứ A la hán và Bích Chi Phật, gọi là hạng người không thể phát tâm vô thượng đạo, nhưng tuyệt đối không có định tánh A la hán. Gọi là định tánh nghĩa là không tránh nhỏ hướng lớn, đây gọi là định tánh. Không được có, không được có định tánh này. Trong kinh thường nói đến định tánh, đó là lời mắng người, lời mắng người của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không phải thật. Trong kinh này Đức Phật nói với chúng ta, A la hán trễ nhất là hai vạn đại kiếp, họ cũng tránh nhỏ hướng lớn, phát tâm đại thừa. Bích chi Phật, Duyên giác và Độc giác, giới hạn thấp nhất là một vạn đại kiếp, tránh nhỏ hướng lớn. Chư vị thử nghĩ xem, trong một vạn đại kiếp, hai vạn đại kiếp này, họ dừng tại đó không tiến bộ thêm. Đức Phật thấy đây là một vấn đề rất đáng tiếc, bị rơi vào trong hố sâu của vô vi, trú trong thiên chân niết bàn, không chịu tiến về phía trước, ý là như vậy. Họ cần phải trải qua thời gian khá dài mới giác ngộ, lúc này từ bỏ thiên chân niết bàn học đạo Bồ Tát, học pháp đại thừa.

“Nhược chư hữu học, đắc tứ đế không, tu đạo nhập diệt”. Nhập chính là chứng, diệt là quả, đạo là chỉ 37 phẩm trợ đạo của tiểu thừa. Y theo phương pháp này để tu hành sắp chứng được quả vị tiểu thừa, “nhập diệt” chính là A la hán quả. “Thắng tánh hiện viên, ngã ư bỉ tiền,  hiện Thanh văn thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ giải thoát”. Chúng ta từ tiểu thừa để nói, tam quả trở về trước, tiểu thừa thứ tự đoạn chứng, trong giảng đường này, chúng tôi cũng từng nói với quý vị rất tường tận, có thể nói trước tứ quả hướng đều thuộc về hữu học. Đến đoạn tứ đế hoặc, chứng nhân không, cũng gọi là sanh không, chứng nhân ngã không, lúc này mới gọi là “đắc tứ đế không”. Sơ quả trở về sau, tiếp tục tiến bộ thêm, đoạn tam giới 81 phẩm tư hoặc, cần phải hiểu điều này. Trong lúc tu hành, đoạn tận tam giới 88 phẩm kiến hoặc, gọi là kiến đạo, đây mới được gọi là kiến đạo. Vậy là quý vị biết, chưa đoạn tận tam giới 88 phẩm kiến hoặc là chưa thấy đạo, đạo ở đâu? Chỉ nghe nói không nhìn thấy. Điều này chúng ta cần phải đề cao cảnh giác, chúng ta đã thấy đạo chưa? Sau khi thấy đạo mới có thể nói đến tu đạo, đến đạo cũng chưa thấy ta tu gì chứ?

Trong giáo lý đại thừa phải phá một phẩm vô minh mới gọi là kiến đạo. Tức ở trước nói về 32 ứng, ứng thứ nhất nói phải nhập tam ma địa mới thấy đạo, địa vị viên giáo sơ trụ. Hay nói cách khác, trước sơ trụ tức là thập tín vị, thập tín vị chưa thấy đạo.

Vấn đề này trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy rất rõ ràng, Kinh Hoa Nghiêm thập tín không có địa vị, đến sơ trụ mới có địa vị. Kinh Hoa Nghiêm nói 41 vị pháp thân đại sĩ, thông thường chúng ta gọi 51 địa vị của Bồ Tát. Ở trước có thập tín, họ là thập tín. Quý vị tìm trong kinh, không có kinh văn này, vì sao vậy? Vì chưa thấy đạo, sơ trụ thấy đạo, thấy đạo sau đó tu đạo. Trước khi chưa thấy đạo, tu đạo đều là tu luyện một cách mù quáng. Cho nên trong thời gian này, thời gian chưa thấy đạo, người xưa tu như thế nào? Theo thầy, không xa thầy. Sau khi thấy đạo không cần theo thầy nữa, tự mình đi. Giống như ta lái xe vậy, ta đang đi trong khu đô thị, muốn chạy lên đường cao tốc. Nhưng do mới đến đô thị này, đường sá không quen, nên nhờ một người đi trước dẫn đường, chúng ta đi theo sau, giống như người thầy vậy. Khi lên đường cao tốc không cần đi theo họ nữa, có thể tự đi, đã biết đường, chính là ý này. Đây là người thầy căn bản, gọi là thân giáo sư, hòa thượng.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử thị hiện, trước khi chưa thấy đạo ngài theo Bồ Tát Văn Thù. Bồ Tát Văn Thù dẫn đường cho ngài, đến khi thấy đạo, ngài ra đi tham học, không còn theo thầy nữa, rời xa thầy.

Quý vị xem, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Kinh Hoa Nghiêm, đây là bộ kinh giảng đầu tiên, ngài thị hiện thành Phật. Trong 2 tuần, ngồi dưới cội bồ đề chuyển đại pháp luân, nói cho 41 vị pháp thân đại sĩ nghe Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Mãi đến lúc Phật pháp truyền đến Trung quốc, truyền từ đời này qua đời khác, người xưa gọi đây là sư thừa.

Trước khi chưa khai ngộ thì theo thầy học, vị thầy này đối với học trò phải chịu trách nhiệm có tính quyết định. Nghĩa là phải dùng phương tiện thiện xảo dẫn dắt họ khai ngộ. Hàng căn tánh sắc bén, trong Lục Tổ Đàn Kinh chúng ta thấy ba hoặc năm năm khai ngộ. Căn tánh chậm lụt, có người hai ba mươi năm khai ngộ. Có một số người không khai ngộ, vì sao vậy? Đó là ai? Đó là người không chịu y giáo phụng hành, nên không khai ngộ. Nếu ta đi theo một bậc thiện hữu, thiện tri thức, thật sự y giáo phụng hành, không ai không khai ngộ.

Chúng ta lấy Đàn Kinh làm ví dụ, quý vị biết trong Đàn Kinh đại sư Huệ Năng nói, sau khi ngài đi khỏi Hoàng Mai, có bao nhiêu người đuổi theo ngài muốn đoạt lại y bát. Trong đó có một người tên Huệ Minh, người này rất thô lỗ, ở trong hội của Ngũ tổ nhiều năm. Ông thấy Lục tổ được truyền ý bát  nên không phục, muốn đoạt lại nó, quả thật ông đuổi theo kịp. Khi đuổi kịp, ngài Huệ Năng cũng biết người này không dễ đụng đến, ông ra rất mạnh, có sức có võ, không phải người bình thường, phải làm sao? Được, mục đích ông ta là đến cướp lại y bát, liền đặt y bát lên trên tảng đá, ngài trốn chỗ khác. Huệ Minh thấy y bát để đó cũng biết, được thôi! Ông trốn thì cứ trốn, có được y bát là đủ, nào ngờ đến cầm y bát lên cầm không nổi. Quý vị thử nghĩ xem, ông ta là tướng quân tứ phẩm, y bát nặng bao nhiêu. Thử nghĩ xem chắc chắn không hơn một ký, trẻ con đều có thể cầm lên được, vì sao một vị tướng quân không nhấc lên được? Ông ta biết rằng, có thần hộ pháp giữ ở đây, không phải của ta không thể lấy đi được. Do đó thật sự phát tâm sám hối, nói là đến cầu pháp. Đại sư Huệ Năng vừa nói pháp, ông liền khai ngộ ngay.

Quý vị thử nghĩ xem, Ngũ tổ kém hơn Lục tổ ư? Vì sao ông ta ở trong hội của Ngũ tổ nhiều năm như vậy mà không khai ngộ, đại sư Huệ Năng chỉ nói mấy câu đã điểm tỉnh, liền hoát nhiên đại ngộ? Trong hội của Lục tổ độ, có 43 người khai ngộ, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, ông là người đầu tiên, vì sao vậy? Vì ông biết nghe lời, lúc này ông thật sự nghe lời. Cho thấy, ông ở trong hội của Ngũ tổ nhiều năm như vậy, tuy ngày ngày nghe pháp, như gió thoảng qua tai, không để ý, nên không khai ngộ. Đến lúc này, thấy không nhấc y bát lên được, ông phát khởi tâm thành kính. Bởi vậy ngộ hay không ngộ chính là đối với thầy có tin hay không, có tuân theo 100% không? Lúc đó Huệ Minh không còn gì để nói, hoàn toàn nương theo ngài, cho nên vừa điểm đến là phá trừ ngay.

Do đây có thể biết, những người chưa khai ngộ đều là học trò không biết nghe lời, không phải thầy không có phương tiện thiện xảo, không phải thầy không nhiệt tâm dạy dỗ. Họ không tin thì còn cách nào khác, hết cách, dù thầy có phương pháp tuyệt diệu đến đâu, quý vị không tiếp thu cũng đành chịu, chư vị cần hiểu điều này.

Ở đây nói 32 ứng thân, vì sao Bồ Tát Quán Thế Âm nhất định đến khi họ sắp thuần thục? Vì lúc này họ hoàn toàn tiếp nhận, khi họ không tiếp thu đến cũng vô ích. Khi hoàn toàn tiếp thu, lúc này vừa điểm liền phá, một đạo lý đơn giản như thế.

Do đây có thể biết, gọi là sư thừa, trong này đặc biệt chú trọng sư tư hợp đạo. Lúc này thầy và trò quả thật là cùng một tâm, một tâm không có hai tâm, tâm tâm tương tức, cho nên vừa điểm là thông.

Chúng ta chưa thấy đạo, cần phải nương vào thầy, phát tâm nương tựa thầy. Như cổ nhân, khi chưa khai ngộ, tuyệt đối không rời thầy một bước. Chư vị đọc Thiền Lâm Bảo Huấn, mới biết người xưa đối với thầy như thế nào, thái độ đối với thầy ra sao, cho nên họ thành tựu. Người thầy thấy học sinh, khi thấy họ sắp thành tựu, cũng dùng vô số phương tiện thiện xảo để độ họ. Những gì thấy trong Thiền Lâm Bảo Huấn là một loại căn bản là vô lý, phương pháp không nói đạo lý, ức hiếp người, không nói đạo lý, ức hiếp người. Học sinh này không hề lầm lỗi, cố ý gây phiền phức, vì sao vậy? Dạy họ tu nhẫn nhục, xem họ có nhẫn được chăng? Không nhẫn được thì thôi, nếu nhẫn được phải đưa họ vào sâu hơn.

Trong này có một người, đến cuối cùng_thầy nhìn thấy ông ta là không thuận mắt, ghét ông ta, dù ông cố gắng đến đâu cũng không được, sau cùng đuổi ông ta đi, đuổi đi nơi khác, buổi tối ông ngủ nơi hành lang, không chịu ra khỏi chùa, thầy cũng biết nhưng giả như không biết. Ban ngày khi nghe kinh, ông ta đứng nghe lén ngoài cửa sổ, thật ra thầy đều biết hết. Sau đó, dù đuổi như thế nào ông ta đều không đi, thậm chí thầy còn lấy nước rửa chân dội lên đầu, ông ta vẫn không đi. Về sau hòa thượng tuyên bố chọn tân trụ trì, hòa thượng muốn nghỉ hưu, mời ai? Chính là mời người đó.

Bao nhiêu năm dày vò, xem ông ta là đại khí, luyện lâu thành giang. Không trải qua những nỗi khổ này, nhẫn nhục ba la mật học từ đâu? Tâm từ bi bồi dưỡng từ đâu? Không có chỗ bồi dưỡng. Toàn bộ đại chúng trong tự viện, tương lai họ phải thống lãnh đại chúng, làm sao để đại chúng đối với họ có thể tâm phục khẩu phục? Bởi vậy chúng ta biết, hòa thượng đạo tạo người này rất gian khổ, quả thật không dễ. Hòa thượng làm như vậy, khi đề bạt ông ta lên chức trú trì, mọi người đều phục, vì sao vậy? Nghĩ lại chúng ta làm không được, ông ta đều làm được. Người khác không làm được, nhẫn người không nhẫn được, ông ta đã thành tựu, đây là người được nhắm.

Chư vị phải biết rằng, trước đây chúng tôi theo học với thầy Lý, thầy Lý đối với người là như vậy. Thấy quý vị là người có thể thành tựu, thường gây phiền phức, có đánh có mắng. Thấy người này không thể thành tựu, đối với họ rất khách sáo. Xem từ gốc độ nào? Chính là đánh quý vị mắng quý vị, nhưng quý vị vẫn không hận thầy, người này đáng để dạy. Đánh một lần, mắng một lần, để hận trong lòng, dù thầy không làm gì cả, cứ cảm thấy thầy nhìn mình không thuận mắt. Đương nhiên thầy biết điều này, lần sau rất khách sáo với họ, từ đó về sau đều rất khách sáo, vì sao vậy? Vì không muốn kết oán với họ. Họ muốn đến nghe kinh thì cứ đến, muốn nghe bao nhiêu cũng tùy, không cố gắng dạy, nghĩa là sao? Nghĩa là quý vị không thể nhẫn thọ, học sinh như thế đồng nghĩa nói từ bỏ, từ bỏ. Thầy Lý dạy học là dạy bằng phương pháp này. Hay nói cách khác, nếu thật sự chịu tiếp thu họ mới nỗ lực dạy, tiếp thu được một phần họ dạy một phần, đồng ý tiếp thu mười phần họ liền dạy mười phần. Lượng quý vị rất nhỏ bé, chỉ cần một phần, họ nói nếu tôi dạy nhiều hơn một phần, vậy là lãng phí sức lực, vì sao vậy? Vì ta chỉ có thể tiếp thu một phần. Nếu dạy hai phần, hai phần quý vị không chịu được, không thể tiếp thu được. Thầy đối với học sinh rất công bằng, đừng nói thầy đối với người này thế này, người kia thế nọ, quả thật rất công bằng. Đều do căn tánh mỗi học sinh không tương đồng, cho nên chúng ta thấy dạy học có sai biệt, đạo lý chính là như vậy.

Phật pháp là học vấn lớn nhất của thế xuất thế gian, chưa đến chín mười năm không thể nhập môn. Chư vị thử nghĩ xem, trong thời đại hôm nay, có mấy người có thể theo một vị thầy đến chín mười năm? Quả thật rất khó. Người bây giờ muốn học, tốt nhất khoảng vài tháng học xong, tốt nghiệp, vậy là họ vui nhất, ba năm đều chê quá lâu. Thật ra chư vị thử nghĩ xem, ba năm có thể học được những gì? Cho dù một ngày học tám tiếng, ba năm đều có hạn. Hy vọng mọi người thông đạt, thấu hiểu điều này.

Thật sự gặp một vị thiện tri thức, nếu quý vị dễ dàng bỏ qua, điều này thật là đáng tiếc. Trong Phật pháp thường nói: “trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được”, khi cơ hội này qua đi, rất khó gặp lại, không dễ gặp được cơ hội thứ hai. Đây là then chốt tu học thành bại trong đời này của chúng ta, nhất định phải thấy đạo. Khi thấy đạo, muốn ở bên thầy thầy cũng không bằng lòng, thầy nhất định bắt buộc quý vị ra đi tham học. Vì sao vậy? Chỉ có tham học, trải sự luyện tâm, mới có thể tăng trưởng định lực, tăng trưởng trí tuệ, không ngừng nâng cao cảnh giới của mình, đó là tình hình của việc tham học. Bởi vậy nếu thầy tiếp tục để quý vị bên mình, là có lỗi với quý vị. Quý vị có khả năng đi tham học mà không để ra đi, điều này là không thể. Không có năng lực đi tham học, thầy không để quý vị đi tham học. Nếu bản thân muốn đi tham học, muốn ra đi, tức là từ bỏ thầy, là ta từ bỏ trình tự tu học.

Đây là nói đến thấy đạo, tu đạo, sau đó mới chứng đạo. Ở đây nói đến nhập diệt, tu đạo nhập diệt. Quý vị xem từ thấy đạo sau đó tu đạo, do tu đạo sau đó mới chứng đạo, nhập diệt chính là chứng đạo. Khi họ sắp chứng mà chưa chứng, đây là cửa ải khó khăn.

Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện thân A la hán_Thanh văn tức là A la hán, để giúp họ chứng quả A la hán. Ở trước nói, đây là tứ thánh pháp giới, ở dưới là nói lục phàm pháp giới, trong kinh văn này có sự khác nhau. Ở trước tứ thánh pháp giới “nếu chư hữu học”, vì hàng hữu học đều là người đã thấy đạo, phàm phu bên dưới chưa thấy đạo. Người chưa thấy đạo và người thấy đạo trong tâm không giống nhau. Người thấy đạo tâm ở trong đạo, người chưa thấy đạo tâm ở nơi ngũ dục lục trần. Khác nhau rất lớn, hoàn toàn không giống nhau, hoàn toàn không tương đồng. Cho nên nói, “nhược chư chúng sanh”, bên dưới gọi là “chúng sanh”, không phải gọi là người học. Ở trước đều là người học đạo, gọi là người học đạo, bên dưới là “chúng sanh”.

“Dục tâm minh ngộ, bất phạm dục trần. Dục thân thanh tịnh, ngã ư bỉ tiền, hiện phạm vương thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ giải thoát”. Đây là một loại chúng sanh, cũng coi là không tệ, họ tu gì? Hy vọng có thể sanh lên cõi trời, mà còn sanh lên cõi trời rất cao, trời sắc giới. Phạm vương là trời sắc giới, chí hướng cao hơn chúng ta nhiều.

Trong thế gian ngày nay, có rất nhiều Tôn giáo, mục đích của họ đều hy vọng tương lai được sanh lên thiên đường. Thực tế phạm vi của trời rất rộng, cũng có rất nhiều cấp bậc. Như trời đại phạm đẳng cấp khá cao, Bà la môn giáo của Ấn độ như Du già, Số luận, mục tiêu của họ đều ở phạm thiên, được coi là thế giới Tôn giáo cao cấp.

Chúng ta muốn hỏi rốt cuộc có Phạm thiên chăng? Thế gian gọi những trời người quỷ thần này, trong tất cả các Tôn giáo nói, rốt cuộc có chăng? Nếu quý vị đưa ra vấn đề này hỏi tôi, tôi sẽ hỏi ngược lại, theo quý vị có chăng? Quý vị thử nghĩ xem, kinh văn ở trước nói: “tuần nghiệp phát hiện”. Quý vị suy tưởng từ lý luận này, có chăng? Nếu thông đạt giáo lý đại thừa, đều viễn ly những vấn đề này. Vì sao vậy? Vì thập pháp giới y chánh trang nghiêm đều là tâm thức vọng tưởng mình biến hiện ra, như vậy sao không có? Quý vị có tâm này, có niệm này là có điều này, vì tất cả pháp hữu vi không có tự tánh. Trong Độc giác, Duyên giác ở trước nói không có tự tánh, cho nên tất cả quỷ thần này thật sự tồn tại, thiên đường có thật không phải giả. Có trời đại phạm, có trời lục dục, có trời tứ thiền, có trời tứ không, tuyệt đối là có thật không phải giả. Chúng ta đến đó được chăng? Đương nhiên có thể đến được. Kinh Hoa Nghiêm nói: “ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo”, vậy sao không thể đến được? Chúng ta tạo nhân duyên này tương ưng với nhân duyên của họ là đi, tức cảm ứng đạo giao. Loại chúng sanh này họ cầu sanh lên thiên đường.

“Dục tâm minh ngộ”, dục là chỉ dục vọng. Hay nói cách khác, họ cho rằng dục giới ô uế, sắc giới là quang minh, do đó phát tâm vượt thoát cảnh giới ô uế này, hy vọng sanh đến trời sắc giới quang minh.

Câu bên dưới nói về phương pháp tu học của họ: “bất phạm dục trần, dục thân thanh tịnh”. Đây là pháp tu hành căn bản của họ, bất luận họ tu pháp môn gì, lý luận y cứ của họ là hai câu này. Hay nói cách khác, họ lìa dục, “dục trần” là chỉ ngũ dục lục trần trong dục giới. Chư vị nên nhớ, ngũ dục lục trần trong dục giới, họ đều có thể từ bỏ danh văn lợi dưỡng, tài sắc danh thực thùy, sắc thanh hương vị xúc pháp trong dục giới họ đều không nhiễm, lúc này mới có thể đạt được thân tâm thanh tịnh.

Trong Phật pháp thường nói, những người này tu gì? Tu tứ thiền bát định, thượng phẩm thập thiện, tứ vô lượng tâm, họ tu những điều này. Khi đã tu thành, xem công phu họ sâu hay cạn, đây chính là sắc giới và vô sắc giới. Bồ Tát Quán Thế Âm thấy người như vậy, cũng mãn nguyện họ. Nguyện của họ không cầu giải thoát, chỉ cầu được phú quý của cõi trời, thanh tịnh của cõi trời. Mục tiêu của họ là đây, Bồ tát làm mãn nguyện họ, vì họ “hiện thân Phạm vương”. Hiện thân thiên vương của trời đại phạm để thuyết pháp cho họ. “Linh kỳ giải thoát”, giải thoát này không phải thật sự giải thoát, là giải thoát khỏi dục giới, đi vào sắc giới, cho nên đây không phải là giải thoát tam giới. Như ở trước nói, giải thoát này là vượt thoát tam giới, còn đây chỉ vượt thoát dục giới. Siêu việt dục giới, chúng ta gọi nó là giải thoát, đây có thể gọi là Tôn giáo thế gian cao cấp, hoàn toàn không ra khỏi phạm vi này, tất cả Tôn giáo đều không ra khỏi phạm vi này.

Xem tiếp đoạn bên dưới: “Nhược chư chúng sanh, dục vi thiên chủ, thống lĩnh chư thiên, ngã ư bỉ tiền, hiện Đế thích thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ thành tựu”. Trình độ này thấp hơn trước rất nhiều, đây là nói đến trời dục giới, mà trong trời dục giới trời đao lợi làm đại biểu. “Hiện thân Đế thích”, Đế thích chính là đao lợi thiên chủ. Hạng người này họ không thể xa lìa ngũ dục lục trần của dục giới, nghĩa là vô số hưởng thụ của dục giới. Họ không thể xa lìa, nhưng họ cũng cầu sanh lên cõi trời. Trong Phật môn nói tu thập thiện nghiệp đạo, thượng phẩm thập thiện nghiệp đạo, có thể cảm sanh thiên chủ của trời dục giới. Ở đây nói về thiên chủ, làm tròn nguyện vọng cho họ, thành tựu công nghiệp của họ. Loại chúng sanh này muốn là thiên chủ, xem ra chí hướng này cũng không nhỏ. Ở thế gian này có rất nhiều người muốn tranh cử tổng thống, làm quốc vương. Đối với thế gian này họ không thích lắm, vì sao vậy? Vì họ biết thế gian này, dù làm tổng thống, làm quốc vương cũng rất khổ, không tự tại. Muốn làm thiên chủ cõi trời, làm vua trời, làm thiên vương, chắc tự tại hơn nhiều, đúng thế. Vì sao vậy? Vì trời thanh tịnh hơn nhân gian, phước báo của trời lớn hơn nhân gian rất nhiều, thù thắng hơn nhiều. Cho nên họ phát tâm, không muốn làm vua người, chỉ muốn làm vua trời, có chăng? Có.

Trong hàng người tu hành có rất nhiều, quý vị hỏi nguyện vọng tu hành của họ là gì? Có người nói, đời này tôi tu hành khổ hạnh, hy vọng tương lai đời sau làm tổng thống, thống lãnh đại chúng. Người vãng sanh tây phương Cực Lạc không nhiều, còn có rất nhiều người như thế nào? Đời sau tôi làm quan lớn, được giàu có là được, mục đích là đây.

Quý vị xem trong Cao Tăng Ngữ Lục đều có thể thấy, vì họ thấy phú quý nhân gian liền động tâm, hy vọng bản thân có thể đạt được. Vậy là tương lai của họ, tất cả phước báo tu hành trong đời này, vừa chuyển thế là có thể đạt được. Cho nên nếu muốn giác ngộ, thế gian này dù là đế vương cũng không tự tại, cũng rất khổ, không muốn chịu, tôi muốn làm thiên vương, làm thiên chủ. Nếu họ tu phước báo thù thắng, họ cũng có thể đạt được.

Như vừa mới nói với quý vị, thượng phẩm thập thiện, hoặc là trung hạ phẩm tứ vô lượng tâm, đích thực có thể đạt được thiên chủ của trời dục giới, họ có nguyện vọng thống lĩnh chư thiên. Bồ Tát thật tự bi, quý vị có nguyện vọng này, cho quý vị mãn nguyện.

“Ngã ư bỉ tiền, hiện đế thích thân”, tức hiện thân thiên chủ của trời đế thích để thuyết pháp cho họ, giúp họ thành tựu, giúp họ mãn nguyện. Đúng là cửa Phật rộng lớn, ta có nguyện gì Phật Bồ tát đều giúp ta thành tựu. Nhưng trong đó có một nguyên tắc, thiện nguyện, không giúp ta thành tựu ác nguyện, ai giúp ta thành tựu ác nguyện? Ma vương. Ma vương khác với Phật Bồ Tát là đây. Phật Bồ Tát giúp người thành tựu thiện nguyện, nghĩa là tương lai ta làm quốc vương, cũng là làm một vị quốc vương tốt, có thể yêu thương trăm họ, tạo phước cho đại chúng, vị quốc vương này là Phật Bồ Tát thành tựu. Nếu quý vị muốn làm một bạo quân, độc tài, chuyên chế, chỉ tham hưởng thụ quyền lực cá nhân, không quan tâm đến sự sống chết của trăm họ. Vua như vậy, Phật Bồ Tát không giúp, ai giúp? Có ác ma ma vương giúp họ, thành tựu cho họ, ma vương đó có sức mạnh. Nhưng chư vị phải biết, trong này vẫn còn một nguyên tắc, khi chúng sanh không có phước, chúng sanh tạo tội nghiệp quá nặng, liền xuất hiện vị vua này. Khi nghiệp quá nặng, Chư Phật Bồ Tát, thiện thần không thể độ quý vị, những vị thần này đều viễn ly. Thiện thần xa rời, ác quỷ tụ tập, vấn đề này rất rắc rối, thiện thần đều không còn. Cho nên tôi nói với chư vị, có thiện thần.

Tôi nhớ khoảng năm dân quốc thứ hai mươi mấy, hình như là lúc tôi vừa biết ghi nhớ sự việc, sáu bảy tuổi đã ghi nhớ được sự việc. Ở quê tôi xảy ra một việc kỳ lạ, thành hoàng ở đây dọn đi nơi khác. Quý vị biết, thần hoàng là phước đức chánh thần bảo hộ nơi đây. Làm sao biết họ đi nơi khác?

Lúc đó tôi ở nhà bà ngoại, còn nhà chúng tôi ở nông thôn, bà ngoại tôi ở thành phố, ở trong nhà bà ngoại. Cạnh nhà bà ngoại, cạnh nhưng cũng cách vài nhà, không phải sát nhau. Trong thôn có người bị bệnh, bệnh rất nặng, mời bác sĩ chữa đều không lành. Miệng ông ta luôn nói người nhà mình, ông ta nói ông thành hoàng sắp đi nơi khác, bắt người bắt được ông ta, nghĩa là muốn ông ta giúp họ dọn đồ, rất khổ. Ông ta liền hỏi có cách nào không? Họ nói ông nhanh chóng đốt giấy tiền, tôi có tiền là có thể thuê người khác thay vào, có điều này. Do đó trong nhà đốt rất nhiều giấy tiền, ông ta liền khỏi bệnh. Chắc họ thuê được người thay, nên ông ta không cần đi, có xảy ra vấn đề này.

Sau khi việc này xảy ra hơn một tháng, lúc đó vẫn là thời kỳ quân phiệt, có một vài quân đội tiến hành bí mật, vì sợ dân chúng địa phương phản đối. Trong một đêm phá nát miếu thành hoàng này, hủy hết tất cả tượng thần trong đó, về sau họ đặt cơ quan quân đội tại miếu thần hoàng này. Chúng tôi mới biết thì ra người bị bệnh nói hơn một tháng trước, thành hoàng này đã dọn đi rồi. Về sau nơi này thường xuyên có loạn, không còn an định như trước nữa.

Bởi vậy một địa phương khi gặp thiên tai, khi dân chúng tạo nghiệp nặng, chư vị phước đức chánh thần này, luôn đi khỏi đó trước mấy tháng. Sau khi họ ra đi, đều là ma vương quỷ quái đến. Chư vị thử nghĩ xem, dân chúng ở đây làm sao còn có những tháng ngày tốt đẹp nữa? Vấn đề này là thật.

Người học Phật chúng ta cũng như thế, nếu tâm không trú trong đạo, tuy ta có thờ tượng Phật Bồ Tát, thật ra Phật và Bồ Tát đều không ở đạo tràng. Ở đạo tràng là ai? Là yêu ma quỷ quái mạo xưng Phật Bồ Tát đến dạy ta, không phải Phật Bồ Tát thật. Phật và ma đều là do tâm mình cảm ứng nên, một niệm tâm chánh cảm ứng Phật Bồ Tát đến, một niệm tâm tà cảm ứng yêu ma quỷ quái đến.

Phật Bồ Tát cũng biết biến hiện vô số thân, nhưng chư vị phải biết giúp chúng ta hành thiện, thành tựu thiện nguyện cho chúng ta, đây là nguyện vọng thấp nhất ở thế gian. Tôi hy vọng Phật gia hộ gia đình được bình an, gia hộ bản thân thăng chức phát tài. Phật Bồ Tát cũng giúp, cũng khiến quý vị viên mãn, thành tựu nguyện vọng của mình, đó là chánh.

Phật Bồ Tát gia hộ, hôm nay tôi ra ngoài ăn trộm, ăn cắp, không bị cảnh sát bắt được. Phật Bồ Tát không gia hộ như vậy, vì sao vậy? Vì đó là hành vi bất chánh, đó là tà pháp, không phải chánh pháp. Phàm làm điều thuộc chánh pháp, Phật Bồ Tát đều gia hộ, tất cả thiện nguyện đều thành tựu. Cho nên người học Phật, nếu có thể tin vào chuyện cư sĩ Viên Liễu Phàm có thể thay đổi vận mệnh, đều nhờ vào tín tâm, họ thật sự tin.

Ở miền nam có một vị đồng tu, tôi giảng kinh ở miền nam sáu năm. Ba năm đầu giảng tại liên xã Phụng Sơn của pháp sư Chữ Vân, giảng được mấy bộ kinh. Có một bà cụ chép bài lại, bà cụ hơn 60 tuổi, mỗi lần nghe một bài giảng bà đều ghi chép, bà ghi chú thích. Vì bà không có khả năng ghi lại hết tất cả, chỉ nghe bao nhiêu ghi lại bấy nhiêu, bút ký này cũng rất đặc sắc. Phương thức của bà hơi giống cư sĩ Lưu Thừa Phù ghi chú thích vậy, nhưng trình độ bà không cao như Lưu Thừa Phù. Những gì Lưu cư sĩ ghi lại đương nhiên rất hay, còn bà ghi chép rất trung thực, rất thật thà, đúng là có ưu điểm của bà. Như mọi người vậy, rất thành khẩn, không hề có chút hư ngụy nào, bởi vậy văn tự không chải chuốt, rất bộc trực. Hy vọng như những gì bà nói vậy, tung gạch giữ ngọc, hy vọng mọi người đều có thể phát tâm. Sau khi nghe xong có thẻ có một chút tâm đắc.

Thôi, hôm nay chúng ta dừng tại đây.

Hết tập 7

Trích từ: Kinh Thủ Lăng Nghiêm Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
2 Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Tâm Châu Tải Về
4 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Thánh Tri Phỏng Tải Về
5 Lăng Nghiêm Kinh Thế Chí Niệm Phật Viên Thông chương sớ sao, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ni Sư Hải Triều Âm Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Viên Lý Tải Về
9 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám Tải Về
10 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Thích Hằng Quang Tải Về