Home > Khai Thị Phật Học > Phong-Sinh
Phóng Sinh
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Ban Dịch Thuật Hán Tạng Pháp Âm, Việt Dịch


Gồm năm phần: Dẫn nhập, Giết hại, Phóng sinh, Cứu nguy, Kệ kết khuyến.

XIV.1. Lời dẫn

Từng nghe, muôn loài hữu tình thảy đều tham sống, trùng nhỏ u mê cũng biết sợ chết. Thế nên, hổ bị mất rừng phải nương mạng nơi am tranh; chim bị gãy cánh đành trú thân bên cạnh án. Đến như Dương Sinh[22] nuôi chim sẻ, đâu có ý với vòng ngọc, họ Khổng[23] thả rùa vốn vô tình nơi ấn vàng, mà nhân lành âm thầm đến, quả tốt đáp trả chẳng sai. Mới hay, hành nghiệp có nhân quả rõ ràng như ban ngày.

Vả lại, sự giáo hóa của đấng Từ Tôn lấy cứu khổ làm đầu, tâm nguyện rộng lớn lấy độ sinh làm gốc. Song năm bộ tộc nổi tiếng đều khoe binh hùng tướng mạnh; [71a] tam phụ[24] bỏ lòng nhân, dấy đao binh làm sự nghiệp. Quần sinh đâu có tội gì mà phải bị chết oan; hàm thức nào có lỗi lầm mà luống chịu nạn thảm sát, khiến cho oán hờn không dứt, thù hận vần xoay.

Nay khuyên mọi người hãy đồng tu hạnh từ bi, tất cả hận cừu, sợ hãi thảy đều buông bỏ. Dù kia là loài chim bay hay cá lặn, tùy tập tính uống ăn của nó mà để cho loài vảy hồng đuôi đỏ đồng thỏa mãn sông hồ; giống yếm gấm, lông xanh lại được tung bay trong bầu trời cao rộng. Hoặc nghe được tam qui mà ngộ đạo không khác rồng mù; hiểu tứ đế được sinh thiên giống như chim két. Tất cả đều là để lập nền móng trường thọ, chiêu cảm quả báo thọ mệnh lâu dài.

XIV.2. Giết hại

Như kinh Niết-bàn ghi: “Có mười sáu việc trái với luật nghi:

1. Vì lợi, chăn nuôi dê con rồi đem bán.
2. Vì lợi, mua dê về làm thịt.
3. Vì lợi, chăn nuôi lợn rồi đem bán.
4. Vì lợi, mua lợn về làm thịt.
5. Vì lợi, mua trâu nghé về vỗ béo rồi đem bán.
6. Vì lợi, mua trâu về làm thịt.
7. Vì lợi, nuôi gà béo mập rồi đem bán.
8. Vì lợi, mua gà về làm thịt.
9. Câu cá.
10. Làm thợ săn.
11. Làm giặc cướp.
12. Giết thuê, hoặc làm đao phủ.
13. Giăng lưới bắt chim.
14. Nói lưỡi đôi chiều.
15. Làm lính giữ ngục.
16. Luyện chú sai khiến rồng.

Người thường vì chúng sinh mà dứt hẳn mười sáu điều ác trên, đó gọi là người trì giới”.

Tạp a-tì-đàm tâm luận ghi: “Có mười hai việc trái với luật nghi:

1. Mổ dê
2. Nuôi gà
3. Nuôi lợn
4. Bắt chim
5. Đánh cá
6. Săn bắn
7. Làm giặc
8. Giết thuê, hoặc đao phủ.
9. Giữ ngục
10. Luyện chú sai khiến rồng
11. Làm thịt chó
12. Chủ đoàn thợ săn”.

Mổ dê nghĩa là giết dê. Vì tâm cố ý giết hại nên hoặc là nuôi, hoặc là bán, hoặc là giết đều gọi là mổ dê. Nuôi gà, nuôi heo cũng như thế.

Bắt chim là dùng nghề bắt giết chim để kiếm sống. Đánh cá, săn bắn cũng như thế.

Làm giặc là thường đi cướp của, giết người.

Giết thuê, làm đao phủ là giết người để nuôi sống.

Giữ ngục là làm nghề giữ ngục để kiếm sống.

Luyện chú rồng là dùng bùa chú sai khiến rồng, rắn làm những trò vui để kiếm sống.

Làm thịt chó chỉ cho nghề làm thịt chó của hạng chiên-đà-la.

Chủ đoàn thợ săn, các vương gia thường làm chủ đoàn săn bắn.

Luận Đối pháp ghi: “Những người nào làm trái luật nghi? Đó là những người thích làm những việc tổn hại chúng sinh như: giết dê, nuôi gà, heo, bắt chim, đánh cá, săn nai, bẫy thỏ, trộm cướp, giết thuê, đao phủ, mổ bò, trói voi, lập đàn chú rồng, giữ ngục, đặt điều gièm pha…”.

[71b] Những ác luật nghi như thế hoặc có người do sinh vào gia đình làm nghề ấy, hoặc có người học theo nghề nghiệp ấy. Nghĩa là có người sinh vào nhà đã làm như thế, hay sinh vào nhà khác sau mới học theo nghiệp ấy. Thời gian quyết định nghiệp ấy hiện hành là dùng phương tiện thân, miệng làm đầu để quyết định thời gian hiện hành ác nghiệp ấy. Đó gọi là trái với luật nghi.

XIV.3. Phóng sinh

Kinh Phạm võng ghi: “Nếu là Phật tử, nên dùng tâm từ tu hạnh phóng sinh. Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta. Đời đời ta đều do cha mẹ sinh ra, cho nên tất cả chúng sinh trong sáu nẻo đều là cha mẹ của ta. Ai giết hại chúng sinh để ăn thịt tức là giết hại cha mẹ của mình và cũng chính là giết hại bản thân. Tất cả đất nước là thân của ta, tất cả gió lửa là thể của ta, cho nên phải thường phóng sinh. Đời đời ta sinh ra, nếu thấy người giết hại chúng sinh, nên tìm phương cách cứu giúp chúng sinh thoát khổ; thường giáo hóa, giảng nói giới Bồ-tát để cứu độ chúng sinh. Khi có cha mẹ, anh em qua đời, nên thỉnh pháp sư giảng giới kinh Bồ-tát để người mất nương nhờ phúc đức ấy được thấy chư Phật, sinh lên cõi trời, cõi người. Nếu không làm như vậy thì phạm khinh cấu tội”.

Luật Tăng-kì ghi: “Tất cả tăng-tục bảy chúng đều phải lọc nước cho sạch rồi mới được uống. Nước đã lọc, nên đổ vào lòng bàn tay, sao cho vừa nhìn qua liền thấy được những đường chỉ nhỏ trong lòng tay. Nếu biết nước không trùng thì mới dùng.

Cần bảo người tin cậy lọc nước, nếu người không đáng tin thì tự lọc. Trùng đã lọc đựợc, nên thả lại chỗ nước đã lấy. Nếu quá xa mà gần đó có ao, giếng trong bảy ngày nước không cạn thì thả trùng vào đó. Nếu biết nước có trùng, không được mang gàu nhờ người múc; nước sông, hồ có trùng không được hô to rằng: ‘Nước ở đây có trùng’. Nếu có người hỏi thì trả lời: ‘Ông hãy tự xem’. Như biết là bạn cùng thầy thì nên bảo: ‘Trong nước có trùng nên lọc rồi dùng’”.

Luật Thập tụng ghi: “Có hai tì-kheo chưa từng được gặp Phật, [71c] nên từ phương bắc xa xôi cùng nhau đi đến Xá-vệ để được gặp Ngài. Trên đường bị khát nước, gặp được vũng nước có trùng, người phá giới nói:

– Chúng ta hãy uống nước này.

Người giữ giới nói:

– Trong nước có trùng, đâu được uống?

Người phá giới nói:

– Nếu chúng ta không uống thì chắc chắn sẽ khát nước mà chết, không được gặp Phật.

Nói xong vị ấy uống nước rồi tiếp tục đi. Người giữ giới vì cẩn thận bảo vệ giới cho nên không uống, bị khát nước mà chết. Thần thức vị này được sinh lên cõi trời Ba Mươi Ba, thân tướng xinh đẹp, đến kính lễ dưới chân Phật. Nghe Phật thuyết pháp, vị này được Pháp nhãn thanh tịnh, thọ tam qui rồi trở về cõi trời.

Sau đó, người uống nước đến gặp Phật. Phật đang thuyết pháp cho bốn chúng, Ngài đưa tay vén y, chỉ vào thân sắc vàng của mình mà nói với người phá giới:

– Ngươi là kẻ ngu si chỉ muốn thấy nhục thân của Ta, đâu bằng người giữ giới đã thấy được pháp thân trí tuệ của Ta?

Phật dạy:

– Từ nay về sau, nếu tì-kheo đi hơn hai mươi dặm không mang theo đãy lọc nước thì phạm tội. Nếu tự thân không có mà bạn cùng đi có đãy lọc nước thì được phép đi.

Lại có quân nhân đi chinh chiến, được một tì-kheo-ni dạy cho phép lọc nước, nên mọi người đi đường đều mang theo đãy lọc nước, treo trên đầu cung. Vị quan nghe được việc ấy liền tâu lên vua. Vua rất giận, muốn giết chết mọi người, liền nói:

– Ngươi đối với loài trùng nhỏ còn sợ không dám giết, huống gì khi gặp giặc lại dám giết sao?

Vị quân nhân đối trước nhà vua phân giải:

– Trùng nhỏ nếu làm hại đất nước thì thần nhất định giết chúng, nhưng chúng chẳng có oán thù gì sao không cho lọc nước để uống?

Vua nghe xong liền tha. Sau đó, nhờ sức căn lành và nghĩa cử nhân ái của quân nhân mà bọn giặc đều được cảm hóa, qui thuận”.

Kinh Chính pháp niệm ghi: “Nước để qua đêm, nếu không xem kỹ e rằng sinh trùng nhỏ, như không lọc lại thì chẳng nên dùng. Đây gọi là cẩn thận giữ giới không sát sinh”.

Luận Trí độ ghi: “Vào thời quá khứ, có nhiều người dân bị bệnh tê liệt và sắc da đổi màu nhợt nhạt. Bấy giờ, bồ-tát làm thân cá hồng tự đem thịt của mình bố thí cho người bệnh. Lại có một kiếp bồ-tát làm thân chim thường ở trong rừng. Một hôm, chim thấy có người bơi vào chỗ nước sâu, nơi bặt dấu chân người, rồi bị thủy thần trói lại không thể thoát ra. Bồ-tát đến Hương sơn lấy loại cỏ thuốc đặt lên dây trói, dây liền đứt đoạn, người đó thoát nạn. Đời trước, bồ-tát làm những việc lợi sinh như thế, ngài nhiều kiếp cứu giúp chúng sinh, nên gọi đó là Bản sinh”.

Luật Thập tụng ghi: “Đức Phật dạy:

– Vào thời quá khứ, gần chân núi Tuyết có con nai đầu đàn tên là Uy Đức, thống lĩnh đàn nai năm trăm con. Bấy giờ có người thợ săn đặt thức ăn cài bẫy, nai đầu đàn đi trước, chân phải bị mắc bẫy. [72a] Nó suy nghĩ: ‘Nếu ta vẫy vùng thì cả đàn nai sẽ không dám đến ăn, phải đợi cả đàn ăn xong mới kiếm cách thoát thân’.

Cả đàn ăn xong, nai đầu đàn vẫy vùng, các con khác đều bỏ đi, chỉ còn một con nai cái ở lại. Nó nói kệ:

Đại vương! Hãy nên biết,
Thợ săn sắp đến rồi,
Xin tìm cách mau mau,
Ra khỏi lưới trói này.
Nai đầu đàn dùng kệ trả lời:
Ta cố tìm nhiều cách,
Đã dùng hết sức rồi,
Lưới ngày càng thắt chặt,
Nào có thể thoát ra.
Nai cái thấy thợ săn đến, nói kệ:
Ông hãy dùng dao bén,
Trước giết chết thân tôi,
Nhưng sau xin hãy thả,
Nai chúa được ra đi.

Thợ săn nghe thế, lòng thương xót đáp kệ:

Ta không hề giết ngươi,
Cũng không giết nai chúa,
Nay thả cả hai ngươi,
Muốn đi đâu tùy ý.

Nói rồi thợ săn liền tháo bẫy thả nai đầu đàn.

Phật dạy:

– Nai đầu đàn thuở ấy chính là thân Ta, đàn nai năm trăm con chính là năm trăm tì-kheo hôm nay.

Thuở xưa, có con nhạn đầu đàn, bị thợ săn bắt được, nhưng lại có một con nhạn bạn nó muốn đến thế mạng. Nhạn đầu đàn bèn nói kệ đáp tạ ý tốt của bạn. Thợ săn thấy thế động lòng thương xót nên thả luôn cả hai. Sau đó, chim nhạn đi tìm châu báu để đền ơn thợ săn. Đại ý cũng giống như trên”.

Luận Đại trí độ ghi: “Vua nghe nai đầu đàn trình bày liền đứng dậy mà đáp kệ:

Ta thật là súc sinh,
Gọi là người đầu nai,
Ngươi tuy là thân nai,
Mà là nai đầu người.
Theo lý để mà luận,
Chớ lấy tướng định người,
Nếu giàu lòng từ bi,
Tuy thú nhưng là người.
Ta bắt đầu từ đây,
Không ăn tất cả thịt,
Sẽ dùng vô úy thí,
Để lòng ngươi được an”.

Luật Thiện kiến ghi: “Một hôm, ngài Mục-kiền-liên Tử Đế-tu[25] nói kinh Bản sinh cho vua A-dục nghe:

– Đại vương! Thuở xưa có một con chim chá cô bị người bắt nhốt trong lồng rồi đặt dưới đất. Nó rầu rĩ lo sợ bèn kêu gào inh ỏi. Bấy giờ, bầy chim chá cô nghe tiếng kêu liền bay lại và tất cả đều bị người kia giết. Thấy vậy, chim chá cô sinh nghi mới hỏi đạo nhân:

– Đồng loại bị giết, tôi có tội không?

Đạo nhân hỏi lại:

– Lúc ngươi kêu gào có tâm muốn giết chúng không?

Chim chá cô nói:

– Tôi chỉ kêu cứu mạng, bạn tôi kéo đến chứ tôi không có tâm giết hại.

Đạo nhân nói:

– [72b] Nếu ngươi không có tâm giết hại thì không có tội.

Thế rồi, đạo nhân nói kệ:

Khác nghiệp mà chịu họa,
Vô tình khiến đớn đau,
Người trí khéo nhiếp ý,
Tội chẳng mang, khỏi sầu”.

Luật Tăng-kì ghi: “Phật dạy các tì-kheo:

– Vào thời quá khứ, có một vị tiên nhân ở tại Hương sơn. Cách núi này không xa có một hồ nước, trong hồ có một con ba ba.

Một hôm, ba ba lên bờ kiếm ăn, sau khi ăn uống no nê, nó hướng về phía mặt trời há miệng mà ngủ. Bấy giờ, trong Hương sơn có bầy khỉ xuống hồ uống nước, khi lên bờ chúng nhìn thấy con ba ba đang há miệng nằm ngủ. Một con khỉ liền đến làm chuyện dâm dục, nó dùng sinh căn[26] đưa vào miệng con ba ba. Ba ba chợt tỉnh giấc ngậm miệng lại và rút sáu chi vào trong mai.

Đức Phật vì việc ấy mà nói kệ:

Người ngu si chấp tướng,
Như ba ba ngậm vật,
Thất thủ bị Ma-la bắt,
Không chặt thì chẳng tha.

Bấy giờ, ba ba cắn chặt con khỉ muốn lôi xuống hồ, khỉ vô cùng sợ hãi, nghĩ: ‘Nếu ta bị kéo xuống nước chắc chắn phải chết’, nhưng vì đớn đau, kiệt sức, khỉ mặc tình cho ba ba kéo đi. Ba ba lôi khỉ đi một đoạn thì gặp phải chỗ gập ghềnh nên bị lật ngửa. Bấy giờ, khỉ dùng hai tay nhấc ba ba lên và nghĩ : ‘Ai sẽ giúp ta thoát khỏi khổ nạn này?’. Khỉ biết có vị tiên nhân ở trong núi, nó thầm nghĩ: ‘Người này sẽ cứu ta’. Thế rồi, nó ôm con ba ba đi đến chỗ vị tiên nhân. Từ xa trông thấy chúng, tiên nhân nghĩ: ‘Trời ơi! Việc gì lạ lùng thế này? Con khỉ đang làm gì đây? Có phải nó muốn bày trò chăng?’. Tiên nhân cất tiếng Hỏi:

– Này khỉ ! Ngươi được bảo vật gì đựng đầy bát đem đến đây? Hay ngươi có việc gì cần mà tìm đến ta?

Bấy giờ con khỉ liền nói kệ :

Tôi, con khỉ ngu si,
Vô cớ phá kẻ khác,
Xin hiền sĩ cứu nguy,
Mạng chẳng còn lâu nữa.
Hôm nay bà-la-môn,
Nếu người không cứu tôi,
Sinh chi[27] sắp bị đứt,
Cùng khốn trở về rừng.

Tiên nhân nói bài kệ đáp lại:

Ta nghĩ cứu được ngươi,
Trở về với núi rừng,
Sợ ngươi là giống khỉ,
Thói cũ ấy lại sinh.

Thế rồi, tiên nhân kể một câu chuyện về kiếp trước:

Ba ba ngươi ngày xưa,
Có tên là Ca-diếp,
[72c] Khỉ kia trong kiếp ấy,
Hiệu là Kiều-trần-như,
Xưa đã làm dâm dục,
Nay nên dứt duyên này,
Ca-diếp! Thả Trần-như,
Được trở về núi rừng.

Ba ba nghe vị tiên nhân nói liền thả cho khỉ đi vào rừng”.

XIV.4. Cứu nạn

Kinh Xuất diệu ghi : “Nam hải bỗng nhiên nổi lên một con sóng lớn dội vào bờ, đẩy ba con cá lớn đến chỗ nước cạn. Chúng nói với nhau: ‘Chúng ta bị mắc cạn ở đây, phải nhân lúc nước chưa rút, ta bơi ngược dòng trở về biển khơi’. Bơi được một đoạn chúng gặp chiếc thuyền chắn ngang dòng nước nên cả ba đều không qua được. Con thứ nhất dốc hết sức nhảy qua thuyền và bơi đi. Con thứ hai lướt dưới đám cỏ mà vượt qua. Riêng con thứ ba vì hơi tàn, sức kiệt nên bị người đánh cá bắt. Phật thấy như thế liền nói kệ:

Ngày nay đã qua,
Mạng sống giảm dần,
Như cá cạn nước,
Nào có vui gì?”.

Kinh Di-lặc sở vấn bản nguyện ghi: “Phật bảo tôn giả A-nan:

– Thuở xưa, khi Ta cầu đạo, phải chịu vô số khổ nhọc. Vào thời quá khứ, có thái tử tên là Bảo Hoa, tướng mạo đẹp đẽ. Một hôm, thái tử từ trong nhà mát của hoa viên đi ra ngoài, dọc đường gặp một người bị bệnh hủi. Thái tử hỏi người bệnh:

– Dùng thuốc gì có thể chữa lành bệnh cho ông?

Người bệnh nói:

– Phải lấy máu tủy của người trong dòng họ nhà vua bôi lên thân tôi thì bệnh này mới hết.

Thái tử nghe nói thế liền tự cắt thân lấy máu tủy, cho người bệnh. Thái tử tâm thành hiến dâng, không chút hối hận”.

Đức Phật bảo A-nan:

– Vị thái tử thuở đó nay chính là Ta. Nước trong bốn biển còn có thể đo lường, nhưng xương, tủy, máu thịt của Ta đem bố thí thì không sao tính đếm được. Vì cầu đạo Chính giác mà Ta xả thân như vậy.

Kinh Đại tập ghi: “Bấy giờ, có năm trăm vị bồ-tát như: bồ-tát Khoáng Dã hiện thân làm quỷ, bồ-tát Tán Chỉ hiện thân làm nai, bồ-tát Tuệ Cự hiện thân làm khỉ, bồ-tát Li Ái hiện thân làm dê, bồ-tát Tận Lậu hiện thân làm ngỗng chúa… Mỗi vị hiện ra các loại thân hình khác nhau. Thân của các vị đều phát ra hương thơm và ánh sáng. Mỗi một vị bồ-tát tay cầm đèn để cúng dường chư Phật trong mười phương. Từ thời bảy vị Phật quá khứ đến nay, các vị thường làm quyến thuộc với bảy Đức Phật, luôn giữ gìn năm giới, phát tâm bồ-đề. Vì muốn điều phục tất cả chúng sinh, khiến họ phát tâm bồ-đề, nên các ngài mang đủ các loại thân hình như thế”.

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Thuở xưa có một vị a-la-hán nuôi một chú sa-di. [73a] Vị a-la-hán biết chú sa-di khoảng bảy ngày sau nhất định sẽ chết. Vì thế ngài mới cho sa-di về thăm nhà và dặn qua bảy ngày mới trở về chùa. Sa-di từ giả thầy trở về nhà. Trên đường đi chú thấy đàn kiến bị nước cuốn trôi, sinh lòng thương xót, cởi áo bưng đất đắp ngăn dòng nước, rồi đem đàn kiến đặt ở chỗ cao ráo. Đàn kiến nhờ vậy mà thoát chết.

Đến ngày thứ bảy chú trở về chùa. Người thầy trông thấy chú trở lại vô cùng ngạc nhiên liền nhập định, dùng thiên nhãn quan sát, biết chú sa-di tuy phúc đức chẳng còn nhưng nhờ cứu sống đàn kiến nên được phúc báo. Trong vòng bảy ngày chẳng những chú không chết mà còn được kéo dài tuổi thọ”.

(Ngoài ra, nếu tu sửa tháp cũ, đắp vá chỗ nứt trong tường chùa cũng được tuổi thọ kéo dài).

Kinh Đại bi chép: “Đức Phật bảo A-nan:

– Vào thời quá khứ có một thương chủ dẫn các thương nhân ra biển tìm châu báu. Châu báu tìm được chở đầy cả thuyền trở về, nhưng giữa biển cả mênh mông thuyền bỗng bị vỡ. Các thương nhân rất sợ hãi. Trong số đó hoặc có người bám vào mảnh ván thuyền, có người đang bồng bềnh, có người đã chết… Bấy giờ, Ta chính là vị thương chủ ấy, đang ôm chiếc phao, có thể an toàn vào bờ.

Nhưng lúc ấy, có năm thương nhân đang bồng bềnh trên mặt nước gọi thương chủ:

– Đại nhân ơi! Xin ngài hãy cứu lấy chúng tôi, hãy giúp chúng tôi được an ổn.

Thương chủ bảo họ:

– Này các vị, chớ có sợ hãi! Tôi sẽ đưa các vị thoát khỏi biển, vào bờ một cách an toàn.

A-nan! Lúc ấy, vị thương chủ mang bên mình một cây kiếm bén, trong lòng nghĩ: ‘Theo đặc tính của biển là không bao giờ dung chứa tử thi, do đó ta nên xả thân mạng này để cho các thương nhân thoát được kiếp nạn’.

Thế rồi, thương chủ bèn gọi các thương nhân:

– Này các bạn ! Hãy bám chặt vào thân tôi.

Lúc ấy các thương nhân, có người ngồi lên lưng, có người nắm hai vai, có người ôm vào bắp đùi… Vị thương chủ vì muốn cứu sống họ, lòng đại bi khơi dậy mạnh mẽ liền lấy kiếm bén đâm vào thân mình, nhận lấy cái chết. Thế rồi, biển đẩy tử thi vào bờ, năm người kia nhờ thế sống sót bình an trở về Diêm-phù-đề”.

A-nan! Vị thương chủ lúc ấy đâu phải người nào khác, mà chính là Ta. Năm thương nhân kia nay chính là năm tì-kheo. Năm tì-kheo ngày xưa ở trong biển được Ta cứu thoát, nay trong biển lớn sinh tử cũng được Ta độ thoát, an ổn không sợ hãi, đi đến bờ giải thoát niết-bàn.

[73b]Luận Trí độ ghi: “Thời quá khứ vô lượng a-tăng-kì kiếp, ở trong khu rừng nọ có rất nhiều cầm thú. Một hôm, bỗng lửa từ ngoài lan vào làm cháy khắp cả ba mặt của khu rừng, chỉ còn lại một phía giáp với con suối. Những con thú sống trong khu rừng này lâm vào cảnh khốn cùng mà không có lối thoát.

Đức Phật nói:

– Ta lúc ấy, là một con nai lớn, với sức lực mạnh mẽ, nên dùng hai chân trước gác bờ bên kia, hai chân sau gác bờ bên này để những con thú đạp lên lưng qua bờ bên kia thoát nạn, vì thế, thịt da trên lưng Ta đều bị rách nát. Với lòng từ bi, Ta chịu đựng sự đau đớn cho đến chết. Có một con thỏ đi sau cùng, sức lực Ta lúc đó đã cạn kiệt, nhưng cố hết sức để nó qua được bờ kia. Sau khi thỏ qua được bờ, xương sống Ta bị gãy, rơi xuống dòng nước mà chết.

Những việc như thế, Ta đã làm từ nhiều đời trước, chứ chẳng phải chỉ hôm nay thôi đâu. Những con thú được thoát nạn khi xưa, nay đều là đệ tử của Ta. Con thỏ qua sau chính là Tu-bạt-đà-la.

Phật đời đời siêng năng thích làm những việc như thế, đến nay vẫn còn chưa dừng”.

Kinh Hiền ngu ghi: “Vào thời quá khứ rất lâu xa, lúc Như Lai còn là bồ-tát, gặp lúc đói kém, Ngài khởi lòng từ bi cứu độ, nên Ngài hóa làm một con cá lớn, thân dài đến năm trăm do-tuần để cung cấp thịt cho nhân dân khắp nước. Không kể là người hay vật đều có thể đến lấy thịt để dùng, khi vừa cắt xong thì thịt trên thân liền lại như cũ. Ta cung cấp như vậy trải qua mười hai năm”.

Kinh Thụ sinh chép: “Ngày xưa, có một vị bồ-tát làm ba ba chúa, sống giữa đại dương để giáo hóa đồng loại. Con dân của ba ba đều tu hành nhân đức, còn ba ba chúa thì thực hành lòng từ bi, cứu giúp chúng sinh như con ruột. Biển cả mênh mông không bờ bến mà lòng từ của ba ba bủa khắp.

Bấy giờ, ba ba bơi lên bờ biển để nghỉ ngơi, trải qua nhiều ngày tháng, lưng nó khô cứng như mặt đất. Những người thương buôn từ xa đến dừng lại nghỉ trên lưng ba ba. Họ chẻ củi, nhúm lửa nấu ăn và còn đẩy cả xe hàng hóa, cột cả ngựa, bò trên lưng nó.

Lúc ấy, ba ba chúa muốn bò xuống nước nhưng sợ sẽ nhấn chìm tất cả, làm mất lòng nhân từ, nên nó tìm cách khác. Ba ba bò xuống chỗ nước cạn dập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt mà chẳng làm hại đến các thương buôn. Các thương buôn lúc ấy hốt hoảng lo sợ cho rằng thủy triều đang dâng cao nên kêu la thống thiết, đem hết tâm thành cầu trời cứu giúp.

Ba ba chúa thấy thế trong lòng càng thương xót nói với các thương buôn:

– Các ngươi chớ sợ hãi, ta bị lửa đốt nóng nên muốn dời xuống nước để dập tắt ngọn lửa cho bớt đau đớn mà thôi. Các người vẫn bình an, ta không làm nguy hại đến các người.

Các thương nhân nghe vậy biết là còn sống, nên cùng nhau niệm: “ Nam-mô Phật”.

Tâm từ bi của ba ba chúa nhân đó càng gia tăng, nên đưa mọi người vào bờ. Được an toàn họ rất vui mừng không ngớt khen ngợi ân đức của ba ba: ‘Ngài là chiếc cầu đưa người qua sông, là con thuyền lớn đưa chúng sinh vượt khỏi ba cõi. [73c] Khi đắc đạo ngài nhớ cứu thoát nạn sinh tử cho chúng tôi’.

Ba ba chúa nói:

– Lành thay, lành thay! Tôi sẽ làm theo ý nguyện của các người !

Nói rồi, mỗi bên đi mỗi đường.

Đức Phật bảo:

– Ba ba chúa ngày ấy chính là Ta. Năm trăm thương nhân kia nay là năm trăm đệ tử của Ta, như ông Xá-lợi-phất…”.

Kinh Chính pháp niệm chép: “Nếu có người thấy kẻ phạm pháp bị tội chết, nên lấy tiền của để chuộc, khiến họ được thoát mà không cần báo đáp. Người làm như thế, đến khi mạng chung, được sinh lên cõi trời Hoan Hỷ[28]; khi tuổi thọ hết, sinh xuống làm người cũng không gặp nạn vua quan bức bách. Người nào giữ giới khi thấy chúng sinh bị lửa dữ thiêu đốt thì hãy lấy nước mà dập tắt, cứu họ thoát nạn, đến khi mạng chung được sinh lên cõi trời, thụ hưởng vô số niềm vui”.

Kinh Độ cẩu chép: “Ngày xưa, tại một nước nọ, ngũ cốc tăng giá, khiến nhân dân đói khổ. Bấy giờ, có một sa-môn vào thành khất thực, ngài đi khắp mọi nhà nhưng không xin được thứ gì. Sa-môn đi dần đến gia đình trưởng giả giàu có xin được chút cơm nhạt. Sa-môn vừa định ra khỏi thành thì chợt gặp một người thợ săn, trên tay đang ôm con chó đem về làm thịt. Thấy vị sa-môn anh ta vui mừng hành lễ, ngài cầu nguyện và chúc thọ cho người thợ săn.

Vị sa-môn biết anh đang ôm con chó, nghi là đem về giết, nên Hỏi:

– Anh đang mang thứ gì vậy?

Đáp:

– Tôi đi tay không có mang gì đâu?

Sa-môn nói:

– Tôi đã thấy rồi, anh đâu cần giấu diếm?

Sa-môn lại nói:

– Anh nên biết giết hại mạng sống là việc làm bất thiện, ta xin đem bát cơm này đổi lấy con chó để cứu nó và giúp anh được phúc vô lượng.

Thợ săn Đáp:

– Tôi không thể đổi cho ngài được, bởi tôi còn có người nhà, chút cơm của ngài chúng tôi làm sao ăn đủ?

Sa-môn hết lòng thuyết phục, nhưng thợ săn vẫn không chịu đổi.

Sa-môn bèn nói:

– Nếu anh không đổi thì hãy để con chó gặp tôi một lát có được không?

Thợ săn liền đưa con chó ra. Sa-môn lấy bát cơm của mình cho chó ăn, lấy tay xoa đầu nó, rơi lệ mà chú nguyện:

– Ngươi mang tội phải làm thân chó không được tự do, bị người đem giết để ăn thịt. Ta cầu mong cho ngươi đời đời tội diệt phúc sinh, lìa bỏ thân chó được làm thân người, ở đâu cũng gặp được Phật pháp, gặp được tam bảo.

Con chó được thức ăn, trong lòng phát khởi thiện tâm, vui mừng khôn xiết, biết tự qui y.

Thợ săn đem chó về giết thịt rồi cùng nhau ăn. Sau khi mạng chung, chó được sinh vào một gia đình trưởng giả giàu có. Lúc vừa chào đời trong lòng đã sẵn có từ tâm.

Bấy giờ, vị sa-môn kia theo thứ lớp đi khất thực, dần đến nhà ông trưởng giả. Đứa bé con ông trưởng giả khi thấy vị sa-môn thì chợt nhớ lại việc xưa, nên đến cúi đầu hành lễ dưới chân sa-môn, [74a] xin được cúng dường những thức ăn ngon.

Thế rồi, đứa bé đến trước cha mẹ thưa:

– Con nay muốn theo đại hòa-thượng làm đệ tử, thụ học kinh giới, xin cha mẹ bằng lòng!

Cha mẹ đứa bé vì rất thương con, nên không bằng lòng, nói:

– Gia đình ta chỉ có mình con nối dõi tông đường, kế thừa tài sản, vì sao con muốn bỏ đi?

Đứa bé khóc lóc không chịu ăn uống, thưa:

– Nếu cha mẹ không đồng ý thì con sẽ chết.

Cha mẹ thấy thế liền đồng ý cho đứa bé theo thầy học đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, đọc tụng kinh điển, hiểu sâu nghĩa lý, liền đắc tam-muội, không còn thoái chuyển, giáo hóa mọi người khiến phát đạo tâm.

Ở đời, gặp Phật là khó, được nghe giáo pháp là khó. Nếu có duyên được gặp Phật pháp thì không loài nào không được độ. Súc sinh còn đắc đạo, lẽ nào loài người không chứng quả thánh sao? Nếu có sai phạm điều gì thì phải biết sinh lòng hổ thẹn. Ánh sáng thanh tịnh chiếu đến thì trần cấu đen tối tự diệt”.

Kinh Tạp a-hàm ghi: “Bấy giờ, Phật bảo các tì-kheo:

– Vào thời quá khứ, có một con chim tên la-bà, bị chim ưng gắp bay lên hư không. Ở trên cao chim la-bà kêu:

– Tôi vừa ra khỏi nơi thân yêu tôi sống để đến nơi khác, do không cảnh giác, nên tôi bị người khác bắt, không được tự do.

Chim ưng nói với la-bà:

– Ngươi phải ở nơi đâu mới được tự do?

La-bà Đáp:

– Tôi ở nơi gò ruộng. Ở đó mới chính là chỗ tự do, hoàn toàn không có các nạn và cũng chính là nơi cha mẹ tôi đang sinh sống.

Chim ưng kiêu mạn nói với La-bà:

– Nếu như ta thả ngươi về lại gò ruộng, có chắc chắn ngươi được thoát nạn không?

Bấy giờ, La-bà thoát khỏi móng vuốt của chim ưng trở về lại nơi gò ruộng. Sau khi về được chỗ an ổn dưới gò đất, La-bà lên trên khiêu chiến với chim ưng.

Thấy vậy, chim ưng đùng đùng nổi giận nói:

– Ngươi là con chim nhỏ mà dám khiêu chiến với ta?

Do quá giận nên chim ưng lao xuống để mổ la-bà, lúc ấy la-bà thụt xuống núp dưới gò đất. Chim ưng dùng hết sức lao xuống, ngực nó va vào gò đất nên bị vỡ mà chết.

Bấy giờ, la-bà núp dưới gò đất ngước lên nói kệ:

Chim ưng lao xuống mổ,
La-bà trốn vào gò,
Do vì quá sân giận,
Đưa đến họa tan thân.
Ta đã đủ khôn khéo,
Nên ẩn núp trong gò,
Phục thù, khéo dùng kế,
Thấy vui với sức mình.
Ngươi hung tợn mà ngu,
Dẫu sức nghìn rồng, voi,
Cũng thua ta trí tuệ,
Một phần mười sáu thôi.
[74b] Xét trí ta siêu việt
Tiêu diệt được chim ưng.

XIV.5. Kết khuyến

Chúng sinh đều sợ chết,
Ai chẳng ngại hiểm nguy,
Như cá trong ao cạn,
Khó gặp được dòng nước.
Thân sơ đều cha mẹ,
Cớ sao lại không thương,
Thường từ bi cứu khổ,
Phúc báo đến tự nhiên”.

—————————————
[22] Dương Sinh 楊生: người Hoằng Nông, đời Đông Hán. Thuở nhỏ ông cứu một con chim sẻ vàng, sau đó có một đồng tử áo vàng tặng cho ông bốn vòng ngọc trắng, khiến cho con cháu được hiển vinh, tước vị lên đến tam công.

[23] Họ Khổng (Khổng thị 孔氏): chỉ cho Khổng Tử.

[24] Tam phụ 三輔: tiếng hợp xưng ba chức quan cùng cai trị một địa phương thời Tây Hán.

[25] Mục-kiền-liên Tử Đế-tu 目犍連子帝須 (S: Maudgaliputra Tiśya): vị a-la-hán sống vào thời vua A-dục ở Ấn Độ. Theo truyền thuyết ngài là Đại Phạm thiên Đế-tu từ cõi trời Phạm giáng sinh vào gia đình bà-la-môn Mục-kiền-liên, cho nên gọi là Mục-kiền-liên Tử Đế-tu.

[26] Sinh căn 生根: tức nam căn.

[27] Sinh chi 生支: tức nam căn.

[28] Trời Hoan Hỉ (Hoan Hỉ thiên 歡喜天; S: Nandikeśvara): tên một cõi trời. Hoan Hỉ thiên còn là tên khác của thần Thấp-bà ở Ấn Độ. Phật giáo gọi Nga-na Bát-để là con của Thấp-bà và Ba-la-hòa-để. Nga-na Bát-để ý dịch là quân đội, nghĩa là Hoan Hỉ thiên và em trai là Tắc-kiền-đà cùng nhau thống trị quyến thuộc của cha là trời Đại Tự Tại, cho nên có tên là Hoan Hỉ thiên.