Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Trong-Tam-Co-Ba-Doc-Tham-San-Si-Thi-Se-Chieu-Cam-Ma-Quy-Tu-Ben-Ngoai-Vao

Trong Tâm Có Ba Độc Tham Sân Si Thì Sẽ Chiêu Cảm Ma Quỷ Từ Bên Ngoài Vào
Đại Sư Hoài Cảm | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Pháp Chánh

Hỏi: Kinh nói: “Trong tâm có ba độc tham sân si thì sẽ chiêu cảm ma quỷ từ bên ngoài vào.” Hiện nay nói Niệm Phật Tam Muội được thấy Đức Phật A Di Đà, đến lúc lâm chung thấy Phật và thánh chúng đem hoa đến rước. Hành giả vãng sanh là phàm phu, trong tâm đầy đủ ba độc, như vậy Phật và thánh chúng đến rước có phải là quỷ thần giả hiện hay không?

Đáp: Nếu tâm có tam độc, tu hành Niệm Phật Tam Muội thấy được Phật A Di Đà, đến lúc lâm chung thánh chúng đến nghinh đón đều là quỷ thần giả hiện, thì tất cả chúng sanh đầy đủ tham sân si, dù không đắc Niệm Phật Tam Muội, hoặc không tu hạnh nghiệp Tây Phương, thì thường phải thấy Phật, và khi lâm chung đều phải thấy Phật A Di Đà mang hoa đến rước. Nếu cho rằng không thấy Phật, Phật không đến rước, thì người đó ắt không có ba độc tham sân si. Hơn nữa, chí tâm xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, tu hành nghiệp Tây Phương, trì trai giữ giới, v.v…, là nhân của ba độc tham sân si, hay không phải là nhân của tham sân si? Nếu là nhân cho ba độc tham sân si, vì lý do gì niệm Phật tu thiện lại sanh khởi ba độc? Nếu vậy, đức Thế Tôn không nên khuyên chúng sanh niệm Phật, v.v… Vả lại, tu thiện niệm Phật chiêu cảm quỷ thần, thì phá trai phá giới ắt không chiêu cảm cảnh tướng ma quỷ! Còn nếu trì trai giữ giới không phải là nhân cho ba độc, thì đó là pháp để trừ diệt ba độc. Tôi tu pháp diệt ba độc mà chỉ thấy ma quỷ, còn ông chưa từng tu pháp diệt ba độc, tại sao ông lại chưa từng thấy Phật?

Nếu dùng đoạn văn này làm chứng cứ để phán quyết nhất định là ma, và người không còn ba độc ắt không bị ma quấy nhiễu, tại sao tôn giả A Nan bị ma làm mê hoặc, không thỉnh đức Thế Tôn tiếp tục an trụ tại thế gian, và tôn giả Ưu Ba Cúc Đa trong khi nhập định lại bị thiên ma lấy vòng hoa choàng lên đầu? Cho nên biết rằng không phải ba độc tham sân si nhất định chiêu cảm ma quỷ, và những người không còn ba độc không bị ma quấy nhiễu. Tại sao lại cứ cho rằng lâm chung thấy Phât đều là quỷ thần ma giả hiện. Lại nữa, nếu ba độc chiêu cảm ma quỷ, tại sao lại chỉ biến hình Phật mới gọi là chiêu cảm cảnh tướng ma. Kinh Đại Niết Bàn nói: “Trong đời vị lai, ma biến hiện thành thân tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, thân Phật, v.v…, đến mê hoặc hành giả.” Đức Phật dạy các đệ tử phải biết biện biệt lời dạy của Phật và lời dụ hoặc của ma, làm cho mọi người nhận thức rõ. Chúng sanh đọa lạc vào cảnh giới ma, phần lớn là y theo lời dụ hoặc, chứ đâu phải hoàn toàn bị hình tướng làm thác loạn. Cho nên Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy rằng trong lúc tu mười sáu pháp quán, giả như cảnh giới thanh tịnh hiện tiền, không luận là tà hay chánh, nếu trong lúc quán tưởng mà nghe âm thanh giảng nói diệu pháp thì Đức Phật dạy phải xuất định, nhớ kỹ không quên những lời dạy trong định, sau đó đem so sánh với kinh điển để biện định tà chánh.

Căn cứ vào kiến giải của ông, những cảnh tướng biến hiện đều là ma, đây là do thân ông có tà độc tham sân si. Dù thân Phật là do ma biến hiện, đây là do pháp của tôi chân chánh mà hiện ra cảnh ma, thấy thân Phật đến não loạn, hay là do pháp của tôi không chân chánh, tăng trưởng tà pháp, chiêu cảm ma hiện đến? Nếu do pháp chân chánh mà hiện ra cảnh ma, thì lại càng phải chuyên tâm niệm Phật, bởi vì niệm Phật là pháp khiến xuất ly cảnh giới ma. Còn như pháp không chân chánh, tăng trưởng tà độc tham sân si mà lại chiêu cảm ma hiện thân Phật, thì bọn đồ tể, chiên đà la, v.v…, chuyên làm việc ác, ắt phải thường thấy chư Phật mười phương hiện thân. Lúc bọn họ lâm chung, thân tâm ắt phải an lạc, mắt nhìn thấy chư Phật mang hoa đến rước. Nếu đúng như vậy thì Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói về chín phẩm vãng sanh, thánh chúng đến tiếp dẫn ắt phải là pháp ba độc tham sân si. Nếu các thánh chúng đến nghinh tiếp đều là ma, thì Kinh Quán Vô Lượng Thọ ắt không phải là pháp Phật, mà là pháp ma. Vả lại, nếu ba độc tham sân si chiêu cảm ma đến, cần gì phải thấy Phật đến mới gọi là ma đến, nguyện vãng sanh Tây Phương mới gọi là chiêu cảm quỷ thần đến. Thế nhưng, bốn mươi tám nguyện của Đức A Di Đà, tiếp dẫn tất cả chúng sanh phạm tội ác vãng sanh, đây là điều mà kinh Phật nói rõ ràng. Những điềm lành về cảnh tướng vãng sanh, xưa nay đã được ghi chép trong các truyện ký, nào là tiếng nhạc thánh thót, mùi hương vi diệu, tướng lành hiển hiện, lẽ nào đây là những điều bịa đặt hay sao?

Trích từ: Thích Tịnh Độ Quần Nghi Luận
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về