Home > Khai Thị Phật Học
Nguyện Thứ Hai Xưng Tán Như Lai
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Chánh kinh:

Phục thứ, thiện nam tử! Ngôn xưng tán Như Lai giả, sở hữu tận pháp giới, hư không giới, thập phương tam thế, nhất thiết sát độ, sở hữu cực vi, nhất nhất trần trung, giai hữu nhất thiết thế gian cực vi trần số Phật. Nhất nhất Phật sở, giai hữu Bồ Tát hải hội vi nhiễu. Ngã đương tất dĩ thậm thâm thắng giải, hiện tiền tri kiến, các dĩ xuất quá Biện Tài thiên nữ vi diệu thiệt căn. Nhất nhất thiệt căn xuất vô tận âm thanh hải. Nhất nhất âm thanh, xuất nhất thiết ngôn từ hải, xưng dương tán thán nhất thiết Như Lai chư công đức hải, cùng vị lai tế, tương tục bất đoạn, tận ư pháp giới vô bất châu biến.

Như thị hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, ngã tán nãi tận, nhi hư không giới nãi chí phiền não vô hữu tận cố, ngã thử tán thán vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yểm.

(Lại nữa thiện nam tử! Nói “xưng tán Như Lai” là: Tất cả cực vi trần trong tất cả hết thảy cõi nước cùng tận pháp giới, hư không giới, mười phương ba đời. Trong mỗi một vi trần đều có chư Phật nhiều như số cực vi trần trong hết thảy thế gian, nơi mỗi đức Phật đều có hải hội[23] Bồ Tát vây quanh. Tôi sẽ đều dùng sự hiểu biết thù thắng[24] rất sâu, tri kiến hiện tiền[25], [trước mỗi đức Phật] đều hiện lưỡi vi diệu hơn lưỡi của Biện Tài thiên nữ[26]. Mỗi một lưỡi phát xuất vô tận biển âm thanh. Mỗi một âm thanh phát xuất hết thảy biển ngôn từ, xưng dương tán thán biển công đức của hết thảy Như Lai đến cùng tận đời vị lai liên tục chẳng ngừng, tột cùng pháp giới không đâu chẳng trọn khắp.

Như thế hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, tôi khen ngợi mới tận. Nhưng vì hư không giới cho đến phiền não chẳng có cùng tận, sự tán thán này của tôi chẳng có cùng tận. Niệm niệm tiếp nối, chẳng có gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp chẳng hề mệt chán)

Như Lai khác với chư Phật như thế nào? Vì sao không nói “xưng tán chư Phật”? Chư Phật và Như Lai có sai khác. Kinh nói Phật, nói đến chư Phật là nói từ mặt Tướng, nói trên mặt Sự. Nói đến Như Lai là nói từ Tánh (bản tánh). Trên mặt sự tướng chúng ta phải bình đẳng cung kính, chẳng phân biệt, chấp trước. Chúng ta tôn kính Phật, Bồ Tát; phàm phu, quỷ thần chúng ta cũng phải tôn kính. Tâm tôn kính và lễ mạo [phàm phu, quỷ thần] và tâm tôn kính chư Phật chẳng sai khác, cho đến kính sự, kính vật cũng chẳng sai biệt. Đó gọi là “lễ kính chư Phật”.

Xưng tán không giống như thế. Lễ kính là vô điều kiện, xưng tán có điều kiện. Kẻ ác làm chuyện ác, chẳng thể khen ngợi việc họ làm là rất tốt. Sát sanh và trộm cắp cũng chẳng thể khen ngợi. Kẻ sát sanh và trộm cắp chúng ta phải lễ kính, nhưng việc họ làm chúng ta chẳng thể khen ngợi được. Xưng tán là có điều kiện, phải là thiện hạnh và tương ứng với tự tánh thì mới xưng tán. Chẳng tương ứng tự tánh thì chúng ta lễ kính nhưng không xưng tán.

Phương pháp tu hành này có thể thấy từ năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử. Năm mươi ba vị thiện tri thức thị hiện các hạnh, các nghiệp, có những hạnh nghiệp đáng nên tán thán, có những hạnh nghiệp chẳng thể tán thán. Thiện Tài đồng tử lễ kính năm mươi ba vị thiện tri thức, đảnh lễ ba lạy, hữu nhiễu ba vòng, thái độ cung kính hoàn toàn tương đồng như kính Phật và tán thán bọn họ. Thế nhưng, đối với ba người, Thiện Tài chỉ bình đẳng đảnh lễ nhưng không tán thán: Thắng Nhiệt Bà La Môn đại diện cho ngu si, Cam Lộ Hỏa Vương nóng tánh, đại diện cho sân khuể; Phạt Tô Mật Đa nữ là kỹ nữ, đại diện tham ái. Tham Sân Si là ba độc phiền não, Thiện Tài chẳng xưng tán.

Xưng tán là khen ngợi cái hay, ngôn hạnh của người đó rất đáng học theo, đáng làm gương cho chúng ta thì mới được đại chúng tán thán. Ngôn hạnh chẳng đáng cho mọi người bắt chước theo thì chẳng thể tán thán. Sự xưng tán của Phổ Hiền Bồ Tát là xứng tánh, chẳng giống với việc khen ngợi bình thường, bởi lẽ dụng tâm chẳng tương đồng, mục đích chẳng tương đồng, cảnh giới cũng chẳng tương đồng, giống như chư Phật khen ngợi nhau. Chủ bạn chứa đựng lẫn nhau, hết thảy chư Phật cũng khen ngợi lẫn nhau. Kinh A Di Đà vốn là kinh “được hết thảy chư Phật hộ niệm”. Không vị Phật nào chẳng giảng kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ. Giảng kinh là tán thán A Di Đà Phật, tán thán y chánh trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Cùng một đạo lý đó, A Di Đà Phật cũng tán thán mười phương hết thảy chư Phật Như Lai.

Trong Phật pháp thường nói đến pháp môn Tổng Trì, Tổng Trì là nắm giữ vững tổng cương lãnh. Tổng trì tán thán thì ngôn ngữ rất đơn giản nhưng ý nghĩa sẽ viên mãn như giảng kinh. Tổng trì tán thán là chấp trì danh hiệu. Hết thảy các kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật giảng trong bốn mươi chín năm đều nằm trong một câu Phật hiệu “A Di Đà Phật”. Niệm câu Phật hiệu này là niệm hết tất cả hết thảy kinh đức Thế Tôn đã giảng trong bốn mươi chín năm, phương tiện đơn giản, mới biết danh hiệu có công đức to lớn như thế. Niệm A Di Đà Phật là xưng tán Như Lai.

Xưng tán Như Lai lại còn có một tầng ý nghĩa sâu phi thường. Như Lai là Chân Như bản tánh. Chân Như bản tánh của hết thảy chư Phật và Chân Như bản tánh của chính chúng ta là một, chẳng phải hai. Xưng tán Như Lai là xưng tán tánh đức của Chân Như bản tánh của chính mình. A Di Đà Phật chính là chúng ta, Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng là chính chúng ta, nên nói: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. Tự tánh là Như Lai, duy tâm cũng là Như Lai. Niệm Phật là khuôn phép xưng tán Như Lai cao nhất. Niệm kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà cho đến đọc tụng hết thảy kinh điển Đại Thừa đều là xưng tán Như Lai. Chúng ta dùng cái tâm thanh tịnh chân thành rộng lớn khôn sánh để xưng niệm, đọc tụng sẽ tương ứng với nguyện này.

Muốn xưng tán đến mức viên mãn chẳng dễ dàng gì. Dẫu chẳng dễ dàng chúng ta vẫn phải nỗ lực, làm được một phần là tốt một phần. Chân chánh phát tâm tu học sẽ được Phổ Hiền Bồ Tát, A Di Đà Như Lai, hết thảy chư Phật gia trì. Học Phật chẳng những nhằm để chính mình tu học đạt được lợi ích chân thật, mà còn là để báo ân Phật, ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân hết thảy chúng sanh, phải đem những điều hay chân thật phổ biến, đề cao, giới thiệu cho mọi người. Đề cao, giới thiệu là xưng tán Như Lai. Tổ chức pháp hội diễn giảng kinh điển là xưng tán, khuyên người niệm Phật là xưng tán, cho đến tại bất cứ thời gian, địa điểm nào, chúng ta chắp tay niệm một câu A Di Đà Phật đều là xưng tán cả. Xưng tán như thế được oai thần của Phật gia trì, được cảm ứng hiện tiền là biện tài. Trước kia chẳng khéo ăn nói, nay nói rất khéo, đó là Phật lực gia trì. Còn có một sự thật do chính tôi thể nghiệm: Kinh điển Phật pháp (thiện pháp) tôi nói rất dễ, ác pháp một câu nói không được. Với thiện pháp có biện tài, với ác pháp không có vậy!

Cảnh giới của nguyện này cũng rộng lớn giống như nguyện trước. Phổ Hiền Bồ Tát nói: “Xưng dương tán thán biển công đức của hết thảy Như Lai đến tận cùng đời vị lai, liên tục chẳng đoạn, tột cùng pháp giới, không đâu chẳng trọn khắp”. Chúng ta có làm được như thế hay không? Điều này thật sự tùy thuộc tâm lượng của chúng ta. Giống như sóng vô tuyến điện, chỉ cần chẳng bị núi cao ngăn trở, sóng điện phát xạ truyền xa vô lượng vô biên; nếu trong khoảng đó bị chướng ngại thì sóng điện bị gián cách. Tâm của chúng ta cũng giống như thế: Trong tâm có phân biệt, có chấp trước, có phiền não như núi cao, âm ba xưng dương liền bị chướng ngại, bèn có phạm vi, chẳng thể trọn khắp pháp giới tột cùng hư không. Nếu tâm quý vị rất thanh tịnh, chẳng có phân biệt, chấp trước, chẳng có vọng tưởng, công đức xưng dương đúng là trọn khắp pháp giới, tột cùng hư không. Do đây biết rằng: mấu chốt thật sự là Nhất Tâm, dùng ba tâm (tức tâm vọng tưởng, chấp trước, phân biệt) thì chướng ngại trùng trùng, chẳng thể trọn khắp.

Phật dạy chúng ta: Quyền Giáo Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, lục đạo phàm phu đều dùng tám Thức. Tám Thức quy nạp lại là ba tâm hai ý. Ba tâm là A Lại Da Thức, Mạt Na Thức và Đệ Lục Thức. Nhị Ý chỉ Mạt Na Thức (thức căn) và Đệ Lục Thức (ý thức). Chẳng dùng tam tâm nhị ý là dùng Chân Như bản tánh, chỉ cần dùng được Chân Như bản tánh quyết định sẽ trọn khắp pháp giới. Sách Lăng Nghiêm Chánh Mạch chú giải kinh Lăng Nghiêm của Giao Quang đại sư căn cứ vào nghĩa kinh, dạy chúng ta “bỏ Thức dùng Căn”. Bỏ Thức là trong sanh hoạt thường nhật, thấy Sắc nghe Tiếng chớ dùng tám Thức mà phải dùng Chân Tánh. Phàm phu mắt thấy là dùng Nhãn Thức để thấy, tai nghe là dùng Nhĩ Thức để nghe, tức là dùng sáu Thức. Đại sư dạy chúng ta dùng tánh Thấy để nhìn, dùng tánh Nghe để nghe, xoay trở lại như vậy, lập tức thành Phật. Bỏ Thức, dùng Tánh của Căn. Tánh của Căn là thật, chẳng phải hư vọng. Đại Sư đề xướng rất hay, đích thực là bổn ý giảng kinh Lăng Nghiêm của Thế Tôn, chẳng hiểu sai lạc.

Trong phần Tự, đại sư Giao Quang có kể một câu chuyện đáng cho chúng ta thức tỉnh, học theo. Giao Quang đại sư mắc bệnh nặng, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn Ngài vãng sanh. Công phu niệm Phật chẳng lầm, Phật đến tiếp dẫn, Ngài sực nghĩ các bản chú giải kinh Lăng Nghiêm từ cổ đến nay đều chưa nói lên được bổn ý của Phật. Ngài hướng về A Di Đà Phật xin hẹn, mong ở lại thế gian để viết bản chú giải mới cho kinh Lăng Nghiêm, chú giải xong mới đi. A Di Đà Phật gật đầu cho phép, Sư được lành bệnh. Đó cũng là sanh tử tự tại, đến đi tự do. Bởi thế, âm thanh xưng tán chẳng thể trọn khắp pháp giới thì chúng ta phải coi lại mình đang dùng cái tâm gì. Cổ đại đức dạy chúng ta hai nguyên tắc lớn để học Phật:

1) Nghe kinh phải “tiêu quy tự tánh”: nghe xong phải tương ứng với tự tánh, trọn chẳng được vừa nghe vừa suy nghĩ lung tung.

2) Tu hành chẳng quản là niệm Phật, trì chú hay tham thiền, tám vạn bốn ngàn pháp môn đều phải “chuyển Thức thành Trí”. Đấy cũng như nói chẳng dùng tám Thức, chẳng dùng ba tâm hai ý, phải dùng Tự Tánh, dùng căn tánh của sáu căn vậy.

“Vì hư không giới cho đến phiền não chẳng có cùng tận, sự tán thán này của tôi chẳng có cùng tận. Niệm niệm tiếp nối, chẳng có gián đoạn”: Bồ Tát dạy chúng ta nhất tâm xưng niệm, chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi mà tu học pháp môn này. “Thân ngữ ý nghiệp chẳng hề mệt chán”: chẳng có chán nản, mệt mỏi. Nếu dụng công đắc lực đúng pháp, xác thực là chẳng mệt, chẳng chán. Có đồng tu niệm Phật đắc lực, một câu Phật hiệu trong lúc ngủ vẫn niệm, mệt mỏi cũng vẫn niệm, niệm đến thân tâm tự tại, khoái lạc khôn sánh. Người chân chánh niệm Phật, càng niệm tinh thần càng phấn chấn, thân thể càng khỏe mạnh.

Thân thể chúng ta do vì có vọng tưởng, chấp trước, phiền não nên thân thể phát sanh biến hóa, biến thành chẳng bình thường, có bệnh tật. Hiện tại, địa cầu bị môi trường ô nhiễm, mất cân bằng sanh thái, địa cầu đổ bệnh cũng chẳng bình ổn. Xú khí tằng (tầng ozone) bị lủng, trời cũng bất bình thường. Thân thể có bệnh mà thể chất biến đổi sẽ tự nhiên khôi phục bình thường. Thế nào là tự nhiên? Trong tâm chẳng có sự là tự nhiên. Tâm vốn là vô sự. Lục Tổ đại sư nói: “Bổn lai vô nhất vật” (vốn không có một vật). Vốn không có một vật là tự nhiên. Nếu như tâm quý vị thanh tịnh, chẳng có vật gì, thân quý vị sẽ tự nhiên khôi phục, tế bào nơi thân thể đổi mới tổ chức, trở thành ổn định vô cùng, thân thể bèn khang kiện, cũng chẳng đổ bệnh, sống lâu.

Người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới ai nấy vô lượng thọ, ai nấy trường sanh bất lão, nguyên nhân là do họ vĩnh viễn giữ gìn tự nhiên. Muốn biến đổi thể chất chỉ có tu tâm thanh tịnh. Thế gian bàn chuyện thuốc men, tẩm bổ đều chẳng đáng tin. Người tánh tình ôn hòa thiện lương chẳng dễ sanh bệnh; người nóng nảy, hung hăng, tánh tình bất hảo thường hay đau bệnh. Biết được chân tướng sự thật, liền hiểu nên làm như thế nào. Thân ngữ ý nghiệp không mệt chán là cương lãnh tu học, cũng là công phu chân chánh, phải nỗ lực học tập.

[23] Hội ở đây là pháp hội, tức là nơi Phật thuyết pháp. Hội ấy rộng lớn đông đảo vô cùng nên thêm chữ Hải để hình dung hội ấy to lớn như biển cả. Hải hội vây quanh nghĩa là các vị Bồ Tát, Thanh Văn, các loài chúng sanh đến nghe pháp, đông không thể tính đếm được. Kinh Hoa Nghiêm hay dùng chữ Hải để hình dung những gì rộng lớn, phạm vi quá rộng.

[24] Nguyên văn “thắng giải”. Giải nghĩa là hiểu rõ, phân biệt rành rẽ; Thắng là thù thắng (tốt đẹp đặc biệt). Nghĩa là khéo hiểu biết, phân biệt hết thảy mọi sự, mọi pháp trong thế giới một cách thù thắng.

[25] Tri kiến hiện tiền: Dùng ý thức để phân biệt là Tri, dùng nhãn thức để phân biệt gọi là Kiến. “Hiện tiền” là những gì hiện diện trước mắt.

Gộp ý hai câu này có nghĩa là dùng tâm khéo quyết định, dùng sức thấy biết rõ ràng như sự vật đang đối ngay trước mắt.

[26] Biện Tài thiên nữ (Shri Devi): Là một thiên nữ trong cung Tự Tại Thiên Vương (trời Tự Tại thuộc tầng thứ sáu trong hai mươi tám tầng trời, tính từ dưới lên), còn gọi là Thiện Khẩu. Cô này có thể biến hóa đủ loại tướng lưỡi, mỗi một lưỡi phát ra vô cùng vô tận các thứ âm thanh, mỗi một âm thanh phát ra lại có cả mấy trăm thứ tiếng nhạc hòa theo. Trong các âm thanh của Biện Tài thiên nữ phát ra, lại còn có những lời lẽ hay khéo ca ngợi công đức Phật.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Nguyện Thứ Hai Xưng Tán Như Lai