Home > Khai Thị Phật Học > Vuot-Len-Noi-Kho-Chia-Lia
Vượt Lên Nỗi Khổ Chia Lìa
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


“Trăng có lúc tròn lúc khuyết, người có lúc tụ lúc tan”, trong đời chẳng có buổi tiệc nào không dứt. Người sống trong đời khó tránh được bi hoan li hợp. Khi chia lìa với người thân cũng ít ai cầm được nước mắt, đây là sự thật về khổ trong đời, Phật giáo gọi là “ái biệt li khổ”.

Tình cảm con người có tình cha con, tình vợ chồng, tình yêu nam nữ, tình cảm bạn bè, ... trong đó tình cảm người thân trong gia đình và tình yêu nam nữ là những tình cảm thân thiết nhất. Khi đối diện với sinh li tử biệt cũng là lúc đau khổ nhất. Tình cảm bè bạn nhạt hơn nhưng nếu là những người bạn từng sống chết có nhau, chân thành giúp đỡ nhau trong ngọt bùi, hoạn nạn thì khi phải chia lìa cũng là một nỗi khổ lớn.

Tình thân chủ yếu chỉ tình thương của bố mẹ giành cho con cái vì thực ra, như người ta nói “nước mắt chảy xuôi” nên tình cảm con cái dành cho bố mẹ không đầm ấm, vô tư và đại lượng như tình bố mẹ dành cho con cái. Sự trưởng thành khôn lớn của con cái không thể thiếu sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của bố mẹ. Thế nhưng, khi con cái lớn khôn cũng là lúc sắp phải chia xa vì trai phải dựng vợ, gái phải gả chồng, không thể sống mãi bên bố mẹ được, như những chú chim đủ lông đủ cánh không thể ở mãi trong tổ được. Đó tuy là sự thực nhưng chưa từng có bố mẹ nào không rơi nước mắt khi nhìn “chim non xây tổ ấm mới”. Có người muốn cho con đi du học nhưng lại không chịu được cảnh xa con, khóc lóc nhung nhớ, đó âu cũng là lẽ thường. Tất cả đó chính là “ái biệt li khổ” (khổ vì yêu thương chia lìa).

Khi có con cái, các bậc làm cha làm mẹ phải chuẩn bị tâm lí để một ngày nào đó con khôn lớn phải tách rời tổ ấm cũ, xây dựng tổ ấm mới, tránh đau buồn quá mức. Khi chúng ta có sự chuẩn bị trước sẽ không thấy sốc hay quá đau khổ vì chia lìa. Ngoài ra, sự chia lìa của tình yêu thương nam nữ cũng là nỗi đau lớn của con người: tình yêu càng sâu đậm thì biệt li càng đau khổ. Nếu yêu thương nhau không đến được với nhau đấy là một nỗi khổ lớn của con người trong tuổi yêu đương.

Cũng may tôi là người xuất gia, khi vào quân ngũ từ Trung Quốc đại lục đến Đài Loan ít bị tình thân, tình yêu ràng buộc nên cũng nhẹ nhàng khi ra đi. Tuy nhiên, cảnh bin rịn, quyến luyến hôm chúng tôi vào quân ngũ giữa đông đảo bạn bè, các bậc bố mẹ và người thân đưa tiễn chúng tôi quả thực rất khó lòng dứt khoát ra đi.

Tôi nghĩ rằng giữa con người với con người chỉ cần có tình cảm dành cho nhau, bất luận là tình thân, tình bạn hay tình yêu thương nam nữ đều sẽ rất đau khổ khi biệt li. Tuy tôi là người xuất gia nhưng trái tim tôi vẫn bằng xương thịt, cũng có phần đau buồn khi phải chia tay với người thân, bè bạn. Ví dụ năm lên 14 tuổi, tôi vào chùa xin xuất gia, còn nhớ có lần mẹ đến thăm tôi và ở lại trong chùa một ngày rồi về. Mẹ tôi không nỡ rời xa nhưng cũng không muốn bắt tôi về lại nhà. Cái cảm giác như đứt ruột khi phải xa tôi lúc đó của mẹ quả thực khiến tôi thấy nhói đau.

Tuy nhiên, sau đó tôi nghĩ bụng, chính mình phát tâm xuất gia, muốn dùng tấm thân do bố mẹ tác thành này để báo đáp ân đức sinh thành dưỡng dục của bố mẹ. Tôi muốn vượt lên giới hạn nhỏ bé của bản thân để mang lại lợi ích cho nhiều người trên đời này nữa, tôi muốn gieo hạt giống Phật vào lòng người để giúp họ tránh khổ tìm vui đồng thời tôi xem đó là cách báo ân cha mẹ. Theo tôi, nếu sáng tối bên bố mẹ suốt đời cũng không phải là cách báo đáp thâm ân hay nhất. Nghĩ thế, tôi thấy lòng mình vơi đi đau khổ rất nhiều.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Vượt Lên Nỗi Khổ Chia Lìa