Chánh kinh:
Thiện Tài bạch ngôn:
- Đại Thánh! Vân hà lễ kính, nãi chí hồi hướng?
Phổ Hiền Bồ Tát cáo Thiện Tài ngôn:
- Thiện nam tử! Ngôn lễ kính chư Phật giả: Sở hữu tận pháp giới, hư không giới, thập phương tam thế, nhất thiết Phật sát, cực vi trần số chư Phật Thế Tôn, ngã dĩ Phổ Hiền hạnh nguyện lực cố, thâm tâm tín giải, như đối mục tiền, tất dĩ thanh tịnh thân ngữ ý nghiệp, thường tu lễ kính. Nhất nhất Phật sở, giai hiện bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số thân; nhất nhất thân biến lễ bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số Phật.
Hư không giới tận, ngã lễ nãi tận. Dĩ hư không giới bất khả tận cố, ngã thử lễ kính vô hữu cùng tận. Như thị nãi chí chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, ngã lễ nãi tận, nhi chúng sanh giới nãi chí phiền não vô hữu tận cố, ngã thử lễ kính vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yểm.
(Thiện Tài bạch rằng:
- Thưa đại thánh! Thế nào là lễ kính cho đến hồi hướng?
Phổ Hiền Bồ Tát bảo Thiện Tài rằng:
- Này thiện nam tử! Nói “lễ kính[19] chư Phật” là: [Đối với ] chư Phật Thế Tôn nhiều như số cực vi trần trong tất cả hết thảy cõi Phật tột cùng pháp giới, hư không giới[20], mười phương ba đời, tôi do sức hạnh nguyện Phổ Hiền, thâm tâm tín giải[21], như đối trước mắt, đều dùng thân ngữ ý nghiệp thanh tịnh, thường tu tập sự lễ kính. Nơi mỗi một đức Phật, đều hiện thân như số cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật, mỗi một thân lễ khắp chư Phật nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật.
Hư không có tận, sự lễ kính của tôi mới tận. Vì hư không chẳng thể tận nên sự lễ kính này của tôi chẳng có cùng tận. Như thế cho đến chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, sự lễ kính của tôi mới tận. Nhưng chúng sanh giới cho đến phiền não chẳng có cùng tận, nên sự lễ kính này của tôi chẳng có cùng tận. Niệm niệm tiếp nối, chẳng hề gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp chẳng hề mệt chán).
* Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng là hiếu kính; hiếu kính đến mức viên mãn rốt ráo là lễ kính chư Phật. Trong Đại Thừa Giới Kinh, đức Phật khai thị rõ ràng: “Hiếu thuận phụ mẫu, sư tăng, hiếu thuận với hết thảy chúng sanh. Hiếu gọi là Giới”. Giới luật Đại Thừa tạo dựng trên cơ sở hiếu đạo. Chữ Hiếu thuộc loại Hội Ý: phía trên là chữ Lão, phía dưới là chữ Tử, ghép thành chữ Hiếu. Trong chữ Hiếu, các đời tương thông, đời chữ Lão và một đời sau cùng một thể. Một đời trên (Lão) còn có một đời trên nữa, quá khứ vô thỉ; một đời dưới lại có một đời dưới nữa, vị lai vô chung. Vô thỉ vô chung là một chỉnh thể. Nhìn theo chiều dọc, tổ tiên và con cháu đời sau là một thể; nhìn theo chiều ngang là anh em, thân thích, bè bạn; anh em của anh em, thân thích của thân thích, bè bạn của bè bạn, ngang khắp mười phương. Dọc suốt ba đời, ngang cùng mười phương là toàn thể của pháp giới. Chữ Hiếu là một phù hiệu tiêu biểu toàn thể pháp giới. Chỉ có thành Phật mới có thể tột cùng viên mãn đạo Hiếu.
Vì sao chúng ta phải học Phật? Vì chúng ta muốn viên mãn tột cùng đạo Hiếu, vì biết tận hư không, khắp pháp giới chỉ là chính mình mà thôi! Bởi thế, chính Phổ Hiền Bồ Tát tự nói: Muốn “lễ kính chư Phật” thì phải sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới mới có thể viên mãn được nguyện ấy. Phổ Hiền Bồ Tát là một nhân vật đại biểu cho những người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới trong mười phương thế giới. Phổ Hiền Bồ Tát còn như thế, huống gì chúng ta? Chúng ta muốn viên mãn tột cùng đạo Hiếu, chỉ còn cách noi theo Phổ Hiền Bồ Tát; không noi theo Ngài mà toan thành Phật, chẳng có hy vọng gì đâu!
Trong kinh Phật dạy, từ Sơ Phát Tâm cho đến khi thành Phật là ba đại A Tăng Kỳ kiếp, trong quá khứ chúng ta đã tu cả vô lượng A Tăng Kỳ kiếp, cớ sao chẳng thành Phật? Là vì phiền não không đoạn, đời đời luân hồi lục đạo. Nhận thức Tịnh Độ từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta biết kinh Hoa Nghiêm cuối cùng là niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, vì thế ta mới chết một lòng khăng khắng niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, Phổ Hiền Bồ Tát độ chúng ta vậy.
Lễ kính chư Phật, chư Phật là ai? Phật dạy minh bạch: “Hết thảy chúng sanh vốn là Phật”; phàm các hiện tượng do các duyên hòa hợp mà sanh khởi thì gọi là “chúng sanh”. Chúng ta nghĩ coi: Có pháp nào chẳng phải là do các duyên hòa hợp sanh ra hay không? Chỉ có hư không mới chẳng phải là do các duyên hòa hợp sanh ra. Thân thể của chúng ta, khăn mặt, giảng đường đều là do các duyên hòa hợp sanh ra, đều gọi là chúng sanh. Kinh Hoa Nghiêm có một câu rất trọng yếu như sau: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Tình là hữu tình chúng sanh, chỉ động vật, hữu tình chúng sanh trong mười pháp giới. Vô Tình là vô tình chúng sanh, chỉ thực vật, khoáng vật. “Đồng viên chủng trí” là thành Phật. Hữu tình chúng sanh có thể tu hành, có thể niệm Phật, có thể thành Phật, còn vô tình chúng sanh làm sao thành Phật được? Khăn mặt, bàn ghế, khi nào chúng mới thành Phật?
Giờ đây nhờ phẩm Hạnh Nguyện này chúng ta mới vỡ lẽ: hữu tình chúng sanh là chư Phật, vô tình chúng sanh cũng là chư Phật. Khi nào vô tình thành Phật vậy? Y báo chuyển theo chánh báo. Ngày nào chúng ta thành Phật, liền nhận thấy sơn hà đại địa, hết thảy cỏ cây, vi trần thảy đều thành Phật cả, đó là hiện tượng thành Phật. Nếu ngày nào tự thấy mình thành Phật, thấy người khác vẫn chưa thành Phật, thì nói thật ra, quý vị đang nằm mộng, quý vị khởi vọng tưởng, chắc chắn chẳng phải là thành Phật. Những điều kinh Hoa Nghiêm dạy hoàn toàn là cảnh giới hiện lượng[22] của Phật, Bồ Tát, là những điều các Ngài chính mắt thấy, chính tai nghe, hoàn toàn là chân tướng sự thật, chẳng phải là cảnh giới của phàm phu.
Làm thế nào để học tập pháp môn này? Pháp môn ấy là pháp của Pháp Thân đại sĩ tu tập; chúng ta là phàm phu, một phẩm phiền não chưa đoạn, chúng ta có thể tu được chăng? Được chứ! Sách giáo khoa thuộc phân ban tiến sĩ trong nhà Phật, chúng ta là học trò mẫu giáo cũng áp dụng được, rất kỳ diệu! Kinh điển Phật giáo chẳng thể nghĩ bàn, là kinh điển viên dung. Sách giáo khoa cho kẻ sơ học chính là kinh điển để thành Phật, pháp môn bắt đầu từ việc học cung kính. Dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm cung kính đối đãi hết thảy mọi người, đó là lễ kính chư Phật. Chúng ta đối với Phật, Bồ Tát cung kính phi thường, nhưng đối với người khác kém hơn một tí, thì chẳng phải là hạnh Phổ Hiền. Hạnh Phổ Hiền là hạnh bình đẳng.
Mỗi khóa kinh sáng chúng ta dùng tâm kiền thành cung kính nhất để lễ Phật, sau đấy, dùng cái tâm đó đối đãi người khác. Bất luận đối đãi cha mẹ, người nhà, quyến thuộc, bằng hữu, đồng sự, hết thảy người thiện kẻ ác trong xã hội, đều dùng một tấm lòng chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, cung kính để đối đãi, đó là hạnh Phổ Hiền. Ngoài con người ra, cũng phải dùng cái tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm cung kính để đối đãi hết thảy vạn vật. Khăn mặt là chư Phật, dùng khăn xong đừng vo thành một cục vứt lung tung, phải xả sạch, phơi khô, xếp ngay ngắn, đó là thể hiện lòng cung kính đối với nó. Bàn ghế cũng là chư Phật, phải chùi sạch, xếp ngay ngắn đó là lòng cung kính đối với nó. Đối với sự, bất cứ sự việc nào mình đảm trách cũng phải tận tâm tận lực làm cho viên mãn, đó là cung kính đối với sự, chẳng thể qua loa tắc trách, đừng đùn đẩy lẫn nhau.
Pháp môn này khó, chẳng dễ tu, nó vốn là pháp tu của Đẳng Giác Bồ Tát; chúng ta học lớp mẫu giáo, phải gắng hết sức mình dẫu chưa thể thực hiện viên mãn. Học được một phần là được một phần lợi ích; lợi ích lớn lao chẳng thể nghĩ bàn. Nêu một thí dụ: Nếu có thể dùng cái tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, cung kính để đối đãi người và sự vật thì quý vị vĩnh viễn chẳng sanh phiền não, trong tâm khoái lạc khôn sánh, ngay lập tức đạt được hạnh phúc, khoái lạc. Hiện tại vì sao quý vị chẳng hạnh phúc, sung sướng? Là vì trong tâm quý vị phân biệt kẻ này tốt, người kia xấu, suốt một ngày từ sáng đến tối phân biệt, chấp trước, phiền não vọng tưởng chẳng ngừng, làm sao quý vị hạnh phúc, sung sướng cho được? Nếu muốn tu hạnh phúc, sung sướng thì hạnh Phổ Hiền là nhanh chóng hữu hiệu nhất. Quý vị cứ thử mở rộng tâm lượng đi. Chỉ cần quý vị chân chánh phát tâm, Phổ Hiền Bồ Tát bèn gia trì quý vị. Kinh dạy: “Tôi do sức hạnh nguyện Phổ Hiền, thâm tâm tín giải, như đối trước mắt”. Thần lực Phổ Hiền Bồ Tát gia trì, chúng ta nỗ lực đôi chút, gắng sức đôi chút, cũng có thể đạt được mấy phần.
“Đều dùng thân ngữ ý nghiệp thanh tịnh, thường tu tập sự lễ kính”: Lễ là lễ mạo, lễ tiết. Chẳng những đối với người phải có lễ, mà đối với vật cũng phải có lễ. Nếu tâm chí thành cung kính, biểu hiện bên ngoài sẽ hợp với lễ tiết. Tâm thanh tịnh là chân tâm, trong tâm thanh tịnh chẳng có thị phi nhân ngã, phân biệt, chấp trước. Bồ Tát dùng tâm thanh tịnh để tu tập lễ kính thường chẳng gián đoạn. Tu học Phật pháp thành hay bại cốt ở tâm nhẫn nại. Có nhiều người lúc mới phát tâm rất dũng mãnh, được mấy ngày bèn ngã lòng. Nếu có thể giữ được cái tâm ban đầu chẳng thoái chuyển thì không có một ai chẳng thành Phật chỉ trong một đời. Ở đây, Phổ Hiền Bồ Tát làm gương, khuyến khích chúng ta phải gìn giữ cái tâm ban đầu. Ngài nói: “Hư không giới tận, sự lễ kính của tôi mới tận”. Hư không giới chẳng thể tận, chúng ta phát nguyện tu đại hạnh Phổ Hiền, cũng chẳng thể thoái chuyển. Ngài lại nói: “Chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, sự lễ kính của tôi mới tận”. Thế giới nhân khẩu ngày càng tăng trưởng, chúng sanh giới chẳng tận. Phiền não của chúng sanh cũng mỗi ngày một nhiều hơn. Chỉ có học Phật đắc lực, phiền não mới giảm thiểu. Phiền não ít đi, trí huệ bèn tăng trưởng. Phiền não của chúng sanh chẳng thể tận, chúng ta bắt chước Phổ Hiền Bồ Tát lễ kính, đương nhiên cũng chẳng có ngày cùng tận.
Phổ Hiền Bồ Tát lại khuyên lơn chúng ta: “Niệm niệm tiếp nối, chẳng có gián đoạn”. Đấy là bí quyết công phu. Người niệm Phật thực hiện được hai câu này trong vòng từ ba tháng đến nửa năm, công phu niệm Phật đắc lực, quyết định đạt được công phu thành phiến. Hai câu này ý nghĩa hoàn toàn tương đồng với câu “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” của Đại Thế Chí Bồ Tát trong hội Lăng Nghiêm.
“Thân ngữ ý nghiệp chẳng hề chán mệt”: Thân phải thực hiện; chúng ta thấy ai cũng phải lễ kính; ngôn ngữ phải cân nhắc, tâm phải thật sự thanh tịnh, bình đẳng, cung kính. Phổ Hiền Bồ Tát dụng tâm thanh tịnh cho nên chẳng mệt mỏi, chẳng buồn phiền. Chúng ta dụng tâm phân biệt, tâm nhiễm ô, nên trong một thời gian dài sẽ mệt mỏi. Trong công việc hằng ngày dùng tâm thanh tịnh, tâm hoan hỷ, tâm lợi ích chúng sanh mà làm, dù công việc vừa nhiều vừa nặng nề, cũng chẳng thấy mệt mỏi, chán nản. Đó là được mấy phần lợi ích do công phu tu học Phổ Hiền hạnh.
Cảnh giới của Phổ Hiền Bồ Tát rộng lớn, đấy chính là điểm khác biệt so với hạnh của các Bồ Tát khác. Phổ Hiền hạnh là hạnh xứng tánh. Bản tánh Chân Như rộng lớn phi thường, Phật thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” (tâm gồm khắp hư không, lượng trọn các cõi nước nhiều như cát). Mỗi một hạnh nguyện của Phổ Hiền hạnh đều tương ứng với tự tánh; bởi thế, mỗi một hạnh nguyện đều bao trùm hư không pháp giới. Chẳng những tâm địa Phổ Hiền Bồ Tát chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, mà còn rộng lớn vô lượng. Dùng cái tâm như vậy để tu hành thì hạnh môn ấy mới gọi là Phổ Hiền Hạnh!
[19] Lễ là biểu hiện của sự tôn kính. Thể hiện sự tôn kính đức Phật bằng những cách chắp tay, cúi đầu, cúc cung (cung là thân thể, gập mình lại thì gọi là cúc cung), phủ phục (thân thể nằm rạp xuống đất), phản chưởng (ngửa hai lòng bàn tay hướng lên trên), đảnh lễ (đầu mặt chạm xuống đất), tiếp túc (hai tay đặt hai bên mặt mình, lòng bàn tay ngửa lên, đầu áp sát đất, như ôm lấy chân đức Phật). Kính là lòng chí thành. Đây là cách hiểu theo mặt văn tự của chữ “lễ kính”.
[20] Giới có thể hiểu là giới hạn. Bất cứ vật gì có thể nêu tên được thì đều gọi là Pháp. Như vậy bất cứ cảnh giới, sự vật, sự tình nào đều có thể gọi là pháp. Pháp giới hàm ý tất cả vạn hữu. Hư không giới tức là toàn thể hư không.
[21] Thâm tâm là tâm thiết tha sâu đậm. Tín là tin, giải là hiểu biết rõ ràng. Dùng lòng tin hiểu sâu đậm, hiểu biết tường tận nên thấy chư Phật rõ ràng giống như các Ngài đang hiện diện trước mặt.
[22] Hiện lượng: Hiện lượng là thuật ngữ của Nhân Minh Học, là một trong ba lượng. Lượng có nghĩa là suy lường, chỉ căn những tiêu chuẩn của nhận thức, tri thức và sự phán đoán. Hiện lượng thuộc mức độ cảm giác, chưa nẩy sanh khái niệm, không suy nghĩ mảy may gì