Linh Sơn Hội Thượng
Hòa Thượng Thích Huyền Vi

Trong buổi khai thị hôm nay, Thầy sẽ giảng về bốn chữ : Linh Sơn Hội Thượng. Đề tài này đã được giảng nhiều lần, nhưng trong đại chúng ở đây, có người đã nghe và cũng có nhiều người chưa nghe. Vị nào đã nghe, có thêm tri kiến để thâm nhập diệu lý của bốn chữ Linh Sơn Hội Thượng; vị nào chưa nghe, hãy nên chăm chú để nhận ra cái ý nghĩa vi diệu của hai chữ Linh Sơn, không phải chỉ trên văn tự mà phải hiểu hai chữ Linh Sơn là để chỉ cái gì và Linh Sơn Hội Thượng có ý nghĩa gì khi quý vị, hàng ngày, đọc tụng ‘Nam mô Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát’.

Linh Sơn Hội Thượng, theo văn tự là nói đến những pháp hội mà Đức Phật thuyết pháp trên đỉnh núi LinhThứu, bên Ấn Độ. Linh Sơn là tên một ngọn núi, mà tiếng Phạn là Grdhrakuta. Tiếng Trung Hoa dịch là Linh Thứu Sơn,  gọi tắt là Linh Sơn.

Đây là nơi Đức Phật lưu trú rất lâu và cũng nơi đây nhiều bộ Kinh quan trọng đã được thuyết giảng như:Kinh Diệu Pháp Liên Hoa suốt 8 năm, Kinh Đại Quang Minh, Kinh Đại Tập Phương Đẳng v.v... và cũng tại đây, vô lượng vô biên chúng sanh trong các hàng Trời, Người, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác đã được hóa độ sang bờ giải thoát.

Một điều quan trọng nữa là nguồn Thiền và nguồn Tịnh Độ, cũng được trao truyền tại Linh Sơn Hội Thượng. Vì thế nên khi thành lập Giáo Hội Linh Sơn, Thầy đã chủ trương Thiền Tịnh Song Tu. Đó là căn cứ vào nguồn Thiền và nguồn Tịnh Độ đã được chính Đức Phật trao truyền và giáo huấn tại pháp hội Linh Sơn. Vì sự quan trọng của pháp hội với lịch sử truyền thừa chánh pháp nhãn tạng của thiền tông và đạo lý vi diệu của pháp môn niệm Phật trong Tịnh Độ tông mà câu "Nam Mô Linh Sơn Hội Thượng Phật" đã trở thành câu Kinh nhật tụng.

Nguyên văn tiếng Phạn của câu Kinh là:

Namo Gridhrakutagiriuttara Bouddha ça Mahàbodhisattva ca.

Hôm nay, Thầy sẽ nói về những điểm chính như cảnh trí, lịch sử, truyền thừa, giáo lý, văn hóa, nguồn thiền và nguồn tịnh của Linh Sơn.

1. Cảnh Trí Linh Sơn

Hiện nay, ngọn núi Linh Thứu vẫn còn tồn tại với những di tích lịch sử được kiến tạo từ trên 25 thế kỷ. Những kiến trúc như đền tháp, lâu đài, phòng ốc đã bị băng hoại qua thời gian, nhưng những chân tường, nền móng của kiến trúc vẫn còn và được tu bổ sơ sài để bảo tồn di tích cổ xưa.

Linh Sơn thuộc tiểu bang Bihar của Ấn Độ. Trước đây, tiểu bang này có tên là Bihar Vihara. Vihara, tiếng Ấn là chùa tháp, vì tiểu bang này có rất nhiều chùa tháp. Quý vị nào đã từng đi chiêm bái Phật quốc, đến tiểu bang này đều thấy còn rất nhiều dấu tích của chùa tháp và Phật tích. Tiểu Bang Bihar thuộc vùng Trung Ấn.

Trong một số Kinh Điển Đại Thừa, các Tổ Trung Hoa còn dịch tên núi là Kê Túc Sơn (núi chân gà), có chỗ còn gọi là Kỳ Xà Quật Sơn theo âm chữ Phạn là Grdhrakuta. Nhưng tên phổ thông hơn cả là Linh Thứu Sơn, vì tại núi này, ngày xưa, là nơi cư ngụ của giống chim Thứu (Pisuna Mara) Hiện nay, trên đỉnh Linh Sơn vẫn còn tồn tại những chân tường của căn phòng mà Đức Phật thường cư ngụ. Bên cạnh là căn phòng nhỏ hơn của Ngài A Nan, thị giả của Đức Phật.

Từ chân núi lên đến đỉnh, có một con đường mà ngày nay được mang tên là Bimbisara Road (con đường mang tên Vua Bimbisara Tần Bà Sa La) vì ngày xưa, Vua Tần Bà Sa La thường dùng con đường này để lên đỉnh núi học đạo với đức Phật. Hai bên đường, thỉnh thoảng còn di tích của những trú phòng để Vua tạm nghỉ chân. Nói về cảnh trí Linh Sơn, trong Kinh có một bài kệ như sau :

Linh Sơn Hội Thượng niêm hoa nhựt,
Ca Diếp thâm truyền hướng thượng ky (cơ),
Tùng thử huệ đăng quang hiển hích,
Phổ thiên đại địa mãn trường huy.

Bài kệ này nói về một sự tích : Đó là có một ngày kia, trên pháp hội Linh Sơn, Đức Phật đang thuyết pháp; bỗng dưng Ngài ngừng nói và cầm một bông sen giơ lên. Trong pháp hội chỉ có Ngài Ma Ha Ca Diếp, trịnh trọng đứng lên, cũng không nói một lời mà chỉ nhìn thẳng vào Đức Phật và mỉm một nụ cười (phá nhan vi tiếu). Nhờ hành động này mà được Đức Phật trao truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng cho Ngài.

Từ đó, yến sáng trí tuệ của chánh pháp được đời đời truyền thừa và chiếu soi khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Tất cả mọi thế giới, không riêng quả địa cầu này mà tất cả các thế giới khác (ngoài trái đất hay thế giới Ta Bà (Saha) này đều nhận được đạo lý vi diệu của chánh pháp. Nhớ ân đức của Phật đã để lại cái chân lý nhiệm mầu để cứu khổ cho chúng sanh, mà di tích của Pháp Hội còn tồn tại cho đến ngày nay.

Giáo Hội Nhựt Liên Tôn của Nhật Bản đã đề nghị xây dựng một cái tháp để cúng dường Phật tại đỉnh núi Linh Thứu, nhưng đề nghị này không được chính phủ Ấn Độ chấp thuận vì tính chất thiêng liêng của Linh Sơn và để bảo tồn cổ tích. Tuy thế họ cũng đã chấp thuận cho Giáo Hội Nhựt Liên Tôn được dựng một cái tháp trên đỉnh núi bên cạnh, cũng nằm trong khu vực của thành Vương Xá xưa.

Trong thành Vương Xá xưa có năm ngọn núi thì Linh Sơn là một, ngọn núi có tháp và ngôi chùa Nhật Bản là một ngọn núi bên cạnh. Ngôi tháp của Nhật Bản xây dựng có đường kính tại chân tháp là 100 thước và chiều cao tới đỉnh tháp là 150 thước.

Khi Thầy còn tu học tại Ấn Độ cũng được Giáo  Hội Nhựt Liên Tôn mời dự lễ khánh thành ngôi tháp. Việc quản trị ngôi tháp nay đã được trao cho chính phủ Ấn Độ như một bảo vật cúng dường để nhớ Phật ân đức. Riêng ngọn Linh Sơn và những di tích như tòa Kim  Cang là nơi Đức Phật ngồi thuyết pháp cũng như những phòng xá của Ngài và của Ngài Thị Giả A Nan, mặc dù bây giờ chỉ còn có chân tường. Tuy vậy chính phủ Ấn Độ cũng từ chối đề nghị trùng tu, trang hoàng của các quốc gia như Miến Điện, Thái Lan v.v..., mà chỉ tu bổ sơ sài để cố bảo tồn tính chất nguyên thủy được kiến thiết từ hồi Đức Phật tại thế. Đến đây, Thầy muốn mở một dấu ngoặc để nói tới cái vi diệu trong sự giáo hóa chúng sanh, có liên quan tới cảnh trí Linh Sơn.

Như các kinh điển đã nói:Tại đỉnh Linh Sơn, Đức Phật thuyết pháp và hóa độ cho vô lượng vô biên chúng sanh trong các hàng Thánh, Bồ Tát, Thanh Văn,Trời, Người, các loài phi nhơn, Thiên Long Bát Bộ  v.v... Quý vị đã từng đi chiêm bái Linh Thứu Sơn, đã chụp nhiều hình ảnh của núi Linh Thứu, chắc nhiều vị cũng đặt vấn đề : Tòa Kim Cang của Đức Phật ngồi thuyết pháp trên đỉnh Linh Sơn chỉ là một cái bệ nhỏ, ngang dọc mỗi bề khoảng 2 thước tây, chung quanh tòa Kim Cang là sườn núi dốc, có chỗ dốc nhiều, có chỗ dốc thoai thoải. Theo kinh điển thì Đức Phật, mỗi lần thuyết pháp, có 1250 đệ tử đến nghe, chưa kể các Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và các hàng chúng sanh khác.

Theo con mắt phàm phu, chúng ta thấy thì chung quanh tòa Kim Cang chỉ có thể chứa nổi một hai trăm người; làm thế nào mà có thể có vô lượng chúng sinh đến nghe Pháp ? Đây chính là chỗ vi diệu của Pháp Hội Linh Sơn.

Trong Kinh thường nói, trước khi Phật nói những bài pháp quan trọng hay giảng giáo lý vi diệu, Ngài thường nhập định Tam Muội, rồi từ tướng bạch hào (sợi lông trắng trong suốt loăn xoăn trên trán) phóng ra vô lượng luồng hào quang chiếu soi tới các cõi Phật trong mười phương, rồi âm thanh sáu điệu vang lên, rung động cả Phổ Thiên Đại Địa. Mỗi lần những hiện tượng đó xuất hiện thì chư Đại Bồ Tát, các hàng thiên nhân trong cõi Trời Phạm Thiên, Đế Thích, Thiên Long Bát Bộ v.v... đều vân tập về tham dự pháp hội. Tự nhiên, do thần lực của Phật, chung quanh ngọn Linh Thứu dường như rộng dài hơn. Mỗi mỗi đại chúng nhất là các đệ tử vẫn thường theo Phật, bất luận là ngồi gần hay xa, đều nghe rõ ràng những lời thuyết pháp và người nào cũng cảm thấy lời thuyết pháp của Phật dường như chỉ để nói riêng với mình. Vì vậy nên trong mỗi Kinh, đều có người đứng lên hỏi Phật và xin Phật giảng giải những mối nghi của họ hay của chúng sanh.

Thí dụ như trong Kinh Đại Thừa Kim Cang Luận, Đức Phật giảng những mối nghi của Ngài Văn Thù Sư Lợi. Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật giảng cho Ngài Xá Lợi Phất và trong Kinh Kim Cang thì Ngài giảng cho Tôn Giả Tu Bồ Đề, còn Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì các Bồ Tát, Thanh Văn, đệ tử của Đức Phật thay nhau đứng lên bạch Phật những kiến giải và những mối nghi của mình v.v...

Mấy ngàn năm về trước, làm gì có những phương tiện tối tân về âm thanh như ngày nay. Vậy mà khi Đức Phật thuyết pháp thì tất cả chúng sanh Bồ Tát, Hiền Thánh, Trời, Thần và người phàm phu như các đệ tử của Ngài đều nghe rõ ràng. Đó là sự vi diệu của Tâm. Tâm Phật là tâm thanh tịnh, bao trùm khắp hư không, pháp giới, là tâm đại từ, đại bi với tứ hoằng thệ nguyện, nên âm thanh từ tâm ấy phát ra không bị chướng ngại ngăn che, không chỗ nào là không tới được. Người nghe pháp cũng nhất tâm nhất đức nghe bằng cái tâm thanh tịnh, liền nhận được làn sóng âm thanh vi diệu từ tâm Phật in ngay vào tâm mình. Đây chính là chỗ bất khả thuyết, bất khả luận của cái mà ngôn ngữ thế gian tạm gọi là tâm truyền tâm hay tâm tâm tương ấn.

Vì vậy, khi quý vị có cái phước duyên đi chiêm bái Phật tích, phải dùng cái tâm thanh tịnh để chiêm bái thì sẽ nhận được cái vi diệu bất khả tư nghì đó. Nhiều người đến chiêm bái đã cảm nhận được cái vi diệu của tâm Phật liên quan đến cảnh trí Linh Sơn, mà nhận ra sự hiện hữu thường hằng của Pháp Thân Tỳ Lô Xá Na nên không mấy người cầm được những giọt lệ cảm hoài. Như Tổ Tĩnh Am, khi thuyết giảng về "Phát Bồ Đề Tâm", đã nói lên hai mối cảm hoài : Ngài buồn vì mình phước mỏng nghiệp dày nên không được sanh ra trong thời Đức Phật còn tại thế để được nhìn thấy kim thân Phật; nhưng Ngài lại cảm thấy hoan hỉ vì đã cảm nhận được Pháp Thân Tỳ Lô Xá Na Phật thường hằng và còn có phước duyên được nghe chánh pháp. Khi cảm nhận được cái lý đạo vi diệu đó thì sẽ nhận thấy Phật nhập niết bàn tại Rừng Câu Thi Na (Kushinagara), Phật đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) chỉ là sự thị hiện để cứu độ chúng sanh mà thôi.

Thâm nhập được lý đạo vi diệu đó thì sẽ nhận ra rằng chơn thân của chư Phật ba đời không hề sanh ra và không hề nhập diệt. Tâm của chư Phật vẫn hằng hữu trong thế gian hiện tượng này, ngay bây giờ và ở đây, ngay trong tâm của mỗi chúng sanh. Vì vậy, câu Kinh ‘Nam Mô Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát’ có nghĩa là tại Pháp Hội Linh Sơn, tâm Phật, tâm Bồ Tát và tâm chúng sanh đã trở nên thanh tịnh, nhất như và nhập vào biển tâm của pháp giới. Cũng không có thời gian nào, thực sự, gọi là Chánh Pháp, Tượng Pháp và Mạt Pháp mà chỉ có phật pháp vĩnh hằng với Pháp Thân Tỳ Lô Xá Na mà thôi.

Đó là cái ý của Thầy khi nói với quý vị về cảnh trí Linh Sơn. Nếu quý vị vẫn chưa thâm nhập được cái lý đạo vi diệu đó thì Linh Sơn chỉ là tên một ngọn núi như tên của trăm nghìn ngọn núi khác, rồi cũng sẽ hao mòn và hoại diệt cùng thời gian.  

2. Lịch sử

Nói tới lịch sử của Linh Sơn, là nói tới khoảng thời gian mà Đức Phật cư trú và hoằng pháp tại Linh Thứu Sơn. Tại đây, Ngài đã đặc biệt thuyết giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa liên tiếp 8 năm trường và cuối cùng Ngài nói Kinh Đại Bát Niết Bàn trong một ngày một đêm rồi nhập diệt. Vì vậy đời sau có làm một bài kệ nói về 49 năm hoằng pháp độ sanh của Đức Phật, trong đó có câu ‘Pháp Hoa, Niết Bàn cộng bát niên’ để chỉ cho thời gian này. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, Đức Phật còn nói nhiều Kinh quan trọng khác.

Đến đây, Thầy lại muốn mở một dấu ngoặc để nói với quý vị về tâm ý của Thầy khi sáng lập Giáo Hội Linh Sơn. Thầy ước mong có đủ thời gian để dịch sang Việt ngữ tất cả những bộ Kinh mà Đức Phật đã thuyết giảng tại Linh Sơn. Tất cả những Bộ Kinh này đều được ghi chép trong Đại Tạng Kinh. Với mục đích phát huy Phật học cũng như bảo tồn nền Văn Hóa Linh Sơn nên Thầy muốn dịch những bộ Kinh đó, để dành lại cho đời sau như một Pháp Bảo Linh Sơn. Chắc chắn rằng trong cuộc đời của Thầy, ước nguyện đó không thể thành tựu được. Thầy tha thiết mong các vị đệ tử của Thầy sẽ cố gắng nối tiếp công cuộc bảo tồn nền Văn Hóa Linh Sơn này.

Thí dụ như trong thời gian cư trú tại Linh Sơn, Đức Phật đã thuyết giảng Bộ Đại Tập Phương Đẳng tới 60 tập, mà trong khi Bộ Pháp Hoa chỉ có 7 quyển. Thầy mới dịch được 2,3 tập của Bộ Đại Tập Phương Đẳng, rồi vì bận rộn về Phật sự nên Thầy đã phải tạm ngưng. Một lần nữa  Thầy mong quý vị sẽ tiếp nối công việc của Thầy.

Trở lại lịch sử Linh Sơn. Đạo Phật tồn tại cho tới ngày nay, đã được khởi truyền từ Đức Phật cho Ngài Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyapa) tại Pháp Hội Linh Sơn. Rồi Chánh Pháp được tiếp tục trao truyền cho các đại đệ tử khác như Ngài A Nan (Ananda) là Tổ Thiền Tông đời thứ hai, ngài Thương Na Hòa Tu (Sanakanasa) là Tổ đời thứ ba v.v... cho đến Ngài Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) là Tổ đời thứ 28 Thiền Tông Ấn Độ.

Theo lời phó chúc của Tổ đời thứ 27 là Tổ Bát Nhã Đa La (Prajnadala), khi thấy Phật Giáo bắt đầu suy đồi tại Ấn Độ, đã khuyến khích Ngài Bồ Đề Đạt Ma hàng hải nhi lai Đông độ (vượt biển qua phương Đông) để truyền bá Giáo Pháp của Đức Phật. Ngài Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Hoa truyền pháp và trở thành Sơ Tổ (Tổ thứ nhất) của Phật Giáo tại Trung Hoa. Lịch sử hoằng truyền Giáo Pháp Linh Sơn được đúc kết trong một bài kệ như sau :

"Lục niên khổ hạnh Thích Ca Tôn,
Ca Diếp hân hoan diệu lý chơn,
Tùng thử Linh Sơn đăng bỉ ngạn,       
Nhứt chi ngũ diệp lợi Nhơn Thiên".

Nói đến lịch sử của Linh Sơn là nói đến lịch sử của Phật Giáo và công cuộc tu hành, giáo hóa của Đức Phật, từ khi Ngài rời bỏ cung vàng điện ngọc đi tìm chân lý giải thoát cho mình và cho chúng sanh (tự lợi, lợi tha).

Câu đầu của bài kệ : ‘Lục niên khổ hạnh Thích Ca Tôn’ là ca ngợi, tán thán sự tu tập khổ nhọc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong rừng già (sau này, để kỷ niệm cho sự khổ nhọc đó mà khu rừng này được gọi là Khổ Hạnh Lâm nghĩa là Rừng Khổ Hạnh). Theo quan niệm của Tôn Giáo thời đó, cái Thân là nguồn gốc của vô minh và phiền não, nên người đi tu phải hành hạ cái thân để diệt trừ bản ngã. Chúng ta ngày nay thì lại quý cái thân giả tạo này quá mức, suốt ngày chỉ tìm cách làm cho thân được lợi dưỡng, được sung sướng, nên không có một hy vọng gì dẹp được bản ngã giả dối cũng như đoạn được vô tận phiền não.

Trong thời gian tu khổ hạnh, mỗi ngày, Đức Phật chỉ dùng một ít hạt mè (vừng), đến nỗi thân thể bị sa sút, chỉ còn da bọc xương, thân thể khô héo như ngọn lửa sắp tàn vì không còn chất đốt. Khi thân thể suy yếu đến cùng cực, Ngài mới ngộ ra rằng, sự hành hạ xác thân đến cùng cực như thế không giúp gì được cho sự giác ngộ. Vì đến lúc mà mạng sống suy giảm đến mức sắp tiêu vong mà Ngài vẫn chưa đạt được chân lý (Đạo). Ngay lúc đó, có hai chị em nàng Du Già Ta (Sujata) đến dâng cho Ngài một bát sữa bột.

Ngài tiếp thọ bát sữa và phát một lời nguyện rằng: ‘Nếu đường lối tu hành của tôi mà đúng thì chiếc bát này sẽ trôi ngược dòng nước’. Nguyện xong, Ngài thả chiếc bát xuống dòng sông Ni Liên Thiền (Neranjara). Kỳ diệu thay ! chiếc bát trôi ngược dòng nước đang tuôn chảy.  Biết được rằng minh đang làm đúng trên con đường tu hành, Ngài vạch ra một con đường tu hành cho chính mình và sau này là kim chỉ nam cho những người tu Phật: ‘Con đường Trung Đạo’ (Majjhimà Patipadà). Ngài đã thấy rằng, muốn đạt được một tinh thần dõng mãnh để phát huy Trí Tuệ, phải có một thân căn khỏe mạnh.

Do đó, Ngài lại tiếp tục ăn uống để gìn giữ thân thể khỏe mạnh mà tiếp tục tu tập, nhưng cũng không cung ứng quá đầy đủ cho thân thể e tâm sẽ móng khởi tham luyến sự lợi dưỡng. Con đường trung đạo, sau này được những người tu Phật áp dụng trong tất cả pháp môn tu hành: Không quá cứng rắn, nghiệt ngã (chấp thủ) nhưng cũng không buông lung, phóng dật (giải đãi).

Câu kệ thứ hai : ‘Ca Diếp hân hoan diệu lý chơn’ là để nói lên giờ phút thiêng liêng trong lịch sử truyền thừa Chánh Pháp.

Trong cả một pháp hội có vô lượng chúng sanh tham dự, khi bỗng nhiên Đức Phật ngưng thuyết pháp, lặng lẽ cầm một hoa sen đưa lên; cả pháp hội ngẩn ngơ, không hiểu ý tứ của Phật. Riêng có Ngài Ma Ha Ca Diếp đứng dậy, nét mặt hớn hở (phá nhan), mắt nhìn thẳng vào mắt Phật, mà mỉm một nụ cười. Đức Phật cũng nhìn Ngài Ca Diếp và nói rằng: ‘Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng trao truyền cho Ông’.

Câu ‘Ca Diếp hân hoan diệu lý chơn’ diễn tả lại cái ‘sát na’ lịch sử đó. Sự hân hoan của Ngài Ca Diếp, khi 4 mắt nhìn nhau, mà nhận được tâm ấn của Phật giao trọng trách truyền thừa Chánh Pháp cho mình. Vì trọng trách này mà 90 ngày sau khi Đức Phật nhập diệt, Ngài Ma Ha Ca Diếp đã tổ chức kết tập Kinh Tạng lần thứ nhất tại hang động Pippala, gần thành Vương Xá (Rajagrha).

Câu kệ thứ ba : ‘Tùng thử Linh Sơn đăng bỉ ngạn’ để nói lên cái diệu dụng, diệu lý của những pháp hội tại Linh Sơn. Hiểu theo văn tự, nhờ Pháp Hội Linh Sơn mà người nghe pháp qua được bờ bên kia (bờ Giác). Hiểu theo lý đạo thì tại Linh Sơn, Đức Phật đã khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật cho vô lượng chúng sanh khi Ngài nói Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa để phá tất cả những chấp trước về Tứ Diệu Đế, về Thập Nhị Nhân Duyên, về tu Thập Thiện của hàng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát v.v... mà chỉ thẳng cho chúng sanh cái tâm chơn thật, cái đệ nhất tối thắng của chúng sanh. Nhờ đó mà các vị Hiền Thánh xả bỏ được những kết quả tu hành của hàng Nhị Thừa và tiến lên quả vị Nhất Thừa là quả vị Phật. Từ đó, nói tới Linh Sơn, người tu Phật phải hiểu ngay Linh Sơn chỉ cho cái tâm chơn thật, cái Phật tánh, chân như.

Quý vị có hiểu như vậy thì mới có thể hiểu được những bài kệ của chư Tổ mà Thầy sẽ nói tới trong những phần sau của buổi Khai Thị hôm nay.

Câu kệ cuối : ‘Nhứt chi ngũ diệp lợi Nhân, Thiên’. Đọc câu này thì người ta thấy ngay bài kệ này là của một vị Tổ người Trung Hoa. Bài kệ tóm lược lịch sử truyền thừa Chánh Pháp từ Linh Thứu Sơn bên Ấn Độ sang tới Trung Hoa và một nhánh (nhất chi) mà truyền tới năm lá (ngũ diệp) là nói tới lịch sử truyền thừa Phật pháp tại Trung Hoa.

Từ tổ Bồ Đề Đạt Ma, người Ấn, được tôn làm Sơ Tổ truyền cho vị tổ Trung Hoa đầu tiên, được tôn làm Nhị Tổ là Ngài Huệ Khả, rồi Tổ Huệ Khả truyền y bát cho Tam Tổ Tăng Xán và cứ thế Tổ Tổ tương truyền cho Tổ thứ Tư Đạo Tín, Tổ thứ Năm Hoằng Nhẫn và Tổ thứ Sáu Huệ Năng.

Từ Tổ Huệ Năng, Đạo Phật tại Trung Hoa không còn được truyền theo lối cũ là truyền y bát cho một người, để tránh sự tranh đoan, có hại cho chánh pháp, mà được truyền rộng rãi cho những vị Cao Tăng đắc đạo bằng cách thiết lập giới đàn để truyền pháp. Phương pháp truyền thừa này đã đưa Phật giáo lên đến cực thịnh và phổ biến ra đến năm châu bốn biển cho tới ngày nay. 

3. Truyền thừa

 Vì thì giờ giới hạn của buổi khai thị hôm nay, nên trong phần nói về truyền thừa, Thầy chỉ nói tới một bài tán thán sự truyền thừa và một bài kệ nói về Chánh Pháp được truyền thừa. Lịch sử truyền thừa đã vừa được giảng cho quý vị trong phần lịch sử Linh Sơn ở trên rồi.

Bài tán thứ nhất là bài khen ngợi sự truyền thừa kể từ Tổ Ma Ha Ca Diếp, như sau :

Niêm Hoa ngộ chỉ,
Tổ Đạo Sơ hưng,
Miên diên tứ thất diễn chơn thừa,
Lục đại diễn truyền đăng,
Diệc diệp tương thừa,
Chánh pháp vĩnh xương minh.

Nam mô Độ Nhân Sư Bồ Tát.

Giảng : ‘Niêm hoa ngộ chỉ’: Trong pháp hội Linh Sơn, Đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên, (Ngài Ma Ha Ca Diếp) liền hiểu ngay được ý chỉ của Phật.

‘Tổ Đạo sơ hưng’ : Từ đó Ngài trở thành Sơ Tổ của Phật Giáo và Thiền Tông để tiếp tục làm cho chánh pháp được hưng thịnh.

‘Miên diên tứ thất diễn chơn thừa’: Tứ thất ở đây là 4 x 7 = 28, nói rằng từ Sơ Tổ Ma Ha Ca Diếp, chân lý được soi sáng, diễn giảng suốt qua 28 đời Tổ tại Ấn Độ. Đến Ngài Bồ Đề Đạt Ma là Tổ thứ 28, bắt đầu đem chánh pháp vượt biển sang miền Đông (hàng hải nhi lai Đông độ) và Phật giáo bắt đầu được truyền bá tại Trung Hoa.

‘Lục Đại truyền đăng, diệc diệp tương thừa’ : Tại Trung Hoa, ngọn đèn nhiệm mầu của đạo được truyền qua 6 đời Tổ, nối tiếp trọng trách truyền thừa bắt đầu từ Tổ Ca Diếp tại Ấn Độ.

‘Chánh Pháp vĩnh xương minh’ : Cũng từ Ngài Ca Diếp, Chánh Pháp đã trở thành một ngọn đèn sáng soi bất diệt.

‘Nam mô Độ Nhân Sư Bồ Tát’ : Câu Kinh này để tán thán vị Sơ Tổ Ma Ha Ca Diếp,  vị Thầy độ cho chúng sanh (loài người) trong cõi Ta Bà này.

Đó là bài kệ tán thán cho sự truyền thừa. Từ sự ngộ được ý chỉ Phật của Ngài Ca Diếp, yến sáng của đạo mầu được truyền qua 28 đời Tổ tại Ấn Độ, sau đó lại truyền thêm 6 đời Tổ nữa tại Trung Hoa. Tất cả là 33 vị Tổ được trao truyền y bát.

Sang đến bài kệ thứ hai, nói về chánh pháp hay nói về cái pháp vi diệu độ sanh được Đức Phật truyền cho Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp. Khi Ngài Ca Diếp, tại Pháp Hội Linh Sơn, đứng lên và mỉm cười, thì Đức Phật hiểu ngay là Ngài Ca Diếp đã cảm nhận được ý chỉ của Phật nên đã nói lên bài kệ như sau : ‘Ta có...

Chánh Pháp Nhãn Tạng,
Niết Bàn Diệu tâm,
Thật tướng vô tướng,
Vi diệu pháp môn,

.....nay trao lại cho Ông’. 

Khi nói bài kệ trên, Đức Phật đã mang cái tâm nhiệm mầu, bất sanh, bất diệt, cái tâm chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh mà in ấn vào cái tâm thanh tịnh của Tôn Giả Ca Diếp vì Đức Phật biết rằng Ngài Ca Diếp đã tiếp nhận được Phật Tri Kiến. Thật tướng của phật tri kiến vốn không hình không tướng, vì hữu hình tất hữu hoại. Cái mà Đức Phật trao truyền và phó chúc cho Ngài Ma Ha Ca Diếp là cái pháp tu tập để đạt được cái tâm chân thật của chư Phật, là cái cửa đạo nhiệm mầu bất sanh bất diệt, để giáo hóa chúng sanh. Pháp môn được trao truyền là một cái không hình không tướng và chỉ có thể dùng cái tâm thanh tịnh (thường được nói trong Kinh Điển: Chỉ có Phật với Phật mới hiểu) để thọ nhận mà thôi.

Vì sự truyền trao một ‘cái ấn’ không hình không tướng đó nên, khi muốn truyền trao, Đức Phật cũng không thể dùng ngôn ngữ thế gian mà diễn tả cái ý muốn tìm một đệ tử xứng đáng để phó chúc, Ngài đã phải dùng đến một phương tiện thiện xảo là giơ một cành sen trắng lên, may ra có vị đệ tử nào hiểu được ý của Ngài lúc đó muốn phó chúc cái Tâm Pháp Vi Diệu hầu truyền thừa cho hậu thế chăng? Rất may cho chúng sanh đời vị lai là Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp đã hiểu được ý chỉ của Đức Phật và cũng bằng một phương tiện thiện xảo ‘không lời’ là đứng dậy với nét mặt hân hoan mà mỉm cười. Chỉ có bằng ánh mắt mà Ngài Ca Diếp đã nhận lãnh sứ mạng của Đức Phật muốn trao phó. Cũng bằng ánh mắt ấy, Đức Phật đã nhận ra Ngài Ma Ha Ca Diếp có đầy đủ phước và trí, xứng đáng để nhận lãnh trách nhiệm truyền thừa cái ‘Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Thật tướng vô tướng, Vi diệu pháp môn’ của chư Phật. Chỉ sau khi thấy được sự triệt ngộ của Ngài Ma Ha Ca Diếp, Đức Phật mới tuyên bố lời phó chúc long trọng bằng bốn câu kệ như trên.

Ngay trong pháp hội đó, chắc chắn có sự hiện diện của vị đại đệ tử trí tuệ bậc nhất là Ngài Xá Lợi Phất, người đã được trao phó trọng trách hướng dẫn Tăng đoàn, và Ngài A Nan, vừa là em vừa là thị giả, lại là người đa văn đệ nhất. Vậy mà cả hai vị đều không hiểu được ý chỉ của Phật thì chúng ta có thể thấy cái thiện xảo tìm người phó chúc trách nhiệm truyền thừa đó vi diệu đến chừng nào ! Đó là sơ lược về sự truyền thừa Đạo Pháp. 

4.   Giáo Lý Linh Sơn

Giáo lý là những bài pháp dài, ngắn, những bộ Kinh do Phật nói ra hay những lời giải những nghi vấn của người nghe pháp. Vì Đức Phật lưu trú tại Linh Sơn một thời gian khá dài nên kinh điển Ngài nói trong các pháp hội tại Linh Sơn rất nhiều. Tất cả đều được ghi chép lại trong Đại Tạng Kinh. Đặc biệt là những bộ kinh quan trọng như bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, gồm 7 quyển. Kinh Pháp Hoa được coi là bộ kinh quan trọng nhất trong hệ thống tư tưởng đại thừa Phật giáo.

Trong bản Kinh xưa bằng tiếng Sanskri, bộ Kinh này có 27 phẩm. Khi đem sang Trung Hoa, các Tổ sắp đặt lại và chia ra thêm một phẩm Đề Bà Đạt Đa, nên Bộ Kinh Pháp Hoa mà chúng ta thường tụng ngày nay là theo bản dịch từ tiếng Sanskri sang tiếng Trung Hoa của Ngài Cưu Ma La Thập và được Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch từ tiếng Trung Hoa sang tiếng Việt, gồm 28 phẩm. Người ta thường cho rằng Kinh Pháp Hoa là Vua của các Kinh vì Đức Phật đã chỉ thẳng cho chúng sanh cái Pundarika tức là cái Bạch Liên Hoa (Hoa Sen Trắng).

Bạch Liên Hoa tượng trưng cho cái chân tâm không thể bị ô nhiễm (bất cấu bất tịnh) thường hằng trong mỗi chúng sanh. Cái tâm Bạch Liên Hoa của chúng sanh và của chư Phật đồng thể trùm khắp, tròn đầy như thái hư, mà kinh điển gọi là Phật tánh hay Phật Tri Kiến (Kinh Pháp Hoa). Toàn bộ Kinh Pháp Hoa chỉ nói tới cái tâm này. Cũng nhân đây, Thầy muốn nói để giúp quý vị đương thọ trì đọc tụng hay đương nghiên cứu Kinh Pháp Hoa, về phương pháp mà Đức Phật đã dùng để chỉ thẳng cái chân tâm của mỗi chúng sanh trong Kinh. Hãy tạm bỏ qua phẩm Tựa là phẩm nói một cách tổng quát về ý nghĩa của toàn bộ Kinh.

Từ phẩm thứ hai đến phẩm thứ 12, Phật dùng phương pháp ‘Khai’ tức là mở cho chúng sanh thấy Phật Tri Kiến hay Phật Tánh nằm ở đâu.

Phẩm 13 (Phẩm Hiện Bửu Tháp), Đức Phật dùng phương pháp ‘Thị’ là Phật chỉ cho chúng sanh Phật Tri Kiến hay phật tánh là gì ?

Từ phẩm thứ 14 đến phẩm thứ 23, Phật chỉ cho cách ‘Ngộ’ Phật Tri Kiến hay là cách thấu triệt Phật Tri Kiến như thế nào.

Từ phẩm 24 đến phẩm chót (28), Đức Phật dạy chúng sanh cách ‘Nhập’ Phật Tri Kiến hay nói một cách khác là ‘thật hành’ Phật Tri Kiến, để sống với cái Thấy và cái Biết chân thật (như thị) của chư Phật và áp dụng cái thấy biết như thị đó vào công phu tu tập hàng ngày mà đạt được quả vị Phật, quả vị Nhất Thừa của Đạo.

Ngoài Bộ Kinh Pháp Hoa, cũng tại Linh Sơn (còn gọi là Núi Kỳ Xà Quật), Đức Phật cũng giảng thêm các Kinh như Bộ Lăng Nghiêm (10 quyển), Bộ Đại Tập Phương Đẳng (60 quyển), Bộ Kim Quang Minh (4 quyển), Bộ Chuyển Nữ Tánh Kinh, Kinh Tiêu Tai Duyên Thọ, Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu v.v... và còn rất nhiều Kinh khác mà trong buổi khai thị hôm nay, Thầy không có đủ thời giờ để nói cho hết. Quý vị muốn nghiên cứu thêm về Giáo Lý Linh Sơn, có thể tham khảo trong Đại Tạng Kinh. Tóm lại, hầu hết những Kinh quan trọng trong hệ thống tư tưởng Bát Nhã và Đại Thừa đều được Đức Phật thuyết tại Linh Sơn.

Trong thời gian đầu đi hoằng pháp, giáo hóa chúng sanh, Đức Phật nhận thấy căn cơ của người Ấn Độ và ngoại đạo (Bà La Môn, Sát Đế Lợi), Thần giáo còn quá chấp trước và mê tín vào thần linh, nên Đức Phật, sau 21 ngày giảng Kinh Hoa Nghiêm mà chúng sanh không hiểu gì cả, mới chú trọng đến sự hướng dẫn những phương pháp tu hành để đạt những Thánh Vị  Nhị Thừa Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Bích Chi Phật để gỡ cho chúng sanh khỏi những mê tín về thần, quỷ v.v... Thời gian cuối cùng tại Linh Sơn, căn cơ của các đệ tử, chúng sanh đã mở mang, Đức Phật mới chú trọng tới cứu kính của sự tu hành mà nói những kinh điển thuộc hệ thống tư tưởng đại thừa để độ cho chúng sanh tiến lên quả vị rốt ráo là quả vị Phật. Đức Phật đã giảng rất kỹ lưỡng và chỉ thẳng cho chúng sanh về cái chân tâm, Phật tánh sẵn có trong mỗi người mà ai cũng có thể thành Phật nếu nhận ra và sống được với cái phật tánh đó. Do đó, giáo lý Linh Sơn được coi như tinh túy của Đạo Phật, tư tưởng Linh Sơn là hệ thống tư tưởng quan trọng nhất trong 5 thời Thuyết Giáo của Đức Phật. 

5. Văn Hóa Linh Sơn

Trong cuộc đời hành đạo của Đức Phật, ngoại trừ vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) là nơi Đức Phật đản sanh và rừng Câu Thi Na (Kushinagara) là nơi Ngài nhập niết bàn, có hai địa danh mà người đương thời và vị lai hằng ca ngợi trong những áng văn, thơ, nhạc, kịch làm tiêu biểu cho sự khai sáng của Phật Giáo là Linh Thứu Sơn hay núi Kỳ Xà Quật và Trúc Lâm Tịnh Xá. Trúc Lâm Tịnh Xá là nơi Đức Phật chế ra giới luật cho Tăng Ni đệ tử và cũng là nơi Ngài thường cư trú. Nhưng quan trọng hơn hết là Linh Sơn là nơi Đức Phật đã thuyết giảng cái cốt tủy của Đạo Phật.

Nói đến Linh Thứu Sơn là nói đến tinh túy của đạo và sự hưng thịnh của Phật giáo ngay trong khi Phật tại thế mà người ta thường gọi là thời Chánh Pháp, mười người tu thì mười người chứng. Khi Ngài bắt đầu giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì Đạo Phật với giáo lý vi diệu của Phật đã thâu hút được những vị hiền triết, Thánh Tăng, lãnh tụ của ngoại đạo như Ngài Ma Ha Ca Diếp, Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, trưởng giả Cấp Cô Độc, Vua Tần Bà Sa La v.v...

Một điểm rất đặc biệt là đạo Phật đã phá vỡ hệ thống giai cấp đã từng ăn sâu vào tâm hồn, đời sống và văn hóa xã hội của người Ấn Độ. Khi người thợ cạo cùng đinh Ưu Bà Li được Phật đối xử bình đẳng và được các nhà quyền quý như Vua Chúa kính trọng ngang với các lãnh tụ Thần giáo hay các nhà hiền triết như các Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na v.v... và khi người phụ nữ được phép gia nhập tăng đoàn đã là một thách thức lớn cho truyền thống xã hội Ấn Độ. Cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa đó đã nâng cao nền minh triết Ấn Độ nên những áng thơ, văn ca tụng Văn Hóa Linh Sơn đã được phổ biến rộng rãi. Các nhà hiền triết như Tagore, Krisnamurti  đã để lại nhiều tác phẩm siêu văn hóa ca tụng tư tưởng giải thoát siêu việt của đại thừa Phật Giáo. Trong các vị Tổ được trao truyền y bát, có hai nhà hiền triết người Ấn là Tổ Mã Minh (Asvaghosa) và Long Thọ (Nagarjuna) cũng đã để lại những bài luận giải có tính chất siêu văn hóa để ca ngợi cái ánh sáng của đạo lý Linh Sơn.

Tóm lại, hiện nay những thơ, văn, kịch, nhạc, luận về Linh Sơn vẫn còn lưu truyền và vẫn tiếp tục được sáng tác. Thầy mong quý vị có thời giờ hãy tìm đọc trong những bộ sách, những tập thơ nói về nền minh triết của Ấn Độ sau thời đức Phật nhập niết bàn. Trong khuôn khổ của thời pháp khai thị hôm nay, Thầy muốn đề cập tới một bài kệ tuyệt tác của một vị Tổ người Trung Hoa. Không những bài kệ này, trên phương diện nghệ thuật được coi là tuyệt phẩm, mà mỗi câu kệ hàm chứa một lý đạo xâu xa : 

    Phật tại Linh Sơn mạc viễn cầu,
    Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu,
    Nhơn nhơn hữu cá Linh Sơn tháp,
    Đạt đáo Linh Sơn giải hận sầu. 

Đại cương, ý nghĩa của bài kệ này như sau : ‘Cái ông Phật ở Linh Sơn đó không cần tìm ở nơi xa xôi nào cả. Cái Linh Sơn đó ở tại đầu trái tim của ông. Mỗi người đều có cái bửu tháp Linh Sơn. Tới được Linh Sơn là mọi phiền não đều được giải toả’.

Sự tuyệt diệu của bài kệ này là trong mỗi câu đều có hai chữ Linh Sơn, nhưng mỗi chữ Linh Sơn lại mang một ý nghĩa khác nhau và cả 4 câu kệ đó lại chỉ thẳng cho cái giáo lý rốt ráo của đạo mà đức Phật đã phải nói ròng rã suốt 8 năm.

Câu đầu : ‘Phật tại Linh Sơn mạc viễn cầu’. Hai chữ Linh Sơn này nói tới ngọn núi Linh Thứu bên Ấn Độ, nơi có Phật Thích Ca thuyết pháp. Tất cả những người phàm phu hay những vị tu hành thường ước ao được gặp Ngài hay được giác ngộ như Ngài. Nhưng cầu giác ngộ  thành Phật như Ông Phật tại núi Linh Sơn xa xôi ấy là cầu Ông Phật ở bên ngoài mà Phật thường quở là ngoại đạo.

Câu hai : ‘Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu’.  Hai chữ Linh Sơn trong câu này lại không nói về địa danh mà nói về cái mà Linh Sơn tiêu biểu : tâm (chân tâm). Linh Sơn là chân tâm, lúc nào cũng nằm trong tâm của mỗi người.

Câu ba : ‘Nhơn nhơn hữu cá Linh Sơn tháp’. Linh Sơn ở đây chỉ cho cái tháp báu như tháp Đa Bảo trong Kinh Pháp Hoa. Mỗi chúng sanh đều có sẵn cái của báu đó giống như chàng cùng tử vốn là con nhà giàu có, nhưng đã rời nhà, bỏ cha ra đi lang thang mà xin ăn như Đức Phật giảng trong Kinh Pháp Hoa. Vốn là người giàu có mà không biết rằng mình vẫn giàu có.

Câu bốn : ‘Đạt đáo Linh Sơn giải hận sầu’.  Hai chữ Linh Sơn này lại nói tới cái vi diệu của Chân Tâm và cứu kính rốt ráo của Đạo.

Cả bốn câu kệ này muốn nói cho chúng ta biết Linh Sơn là cái chân tâm hằng có trong mỗi chúng ta. Không cần phải đi tới nơi nào xa xôi như Ấn Độ, mới nhìn thấy Linh Sơn hoặc không cần phải đi cầu những ông Phật bên ngoài, chúng ta mới có thể thành Phật. Ngộ được cái Linh Sơn (chân Tâm) bên trong chúng ta là bao nhiêu phiền não (hận sầu) đều được giải tỏa.

Như Thầy đã nói, quý vị phải thâm nhập được ý nghĩa hàm chứa trong hai chữ Linh Sơn thì mới có thể thấu triệt diệu lý Siêu Văn Hóa Linh Sơn. 

6. Nguồn Thiền

Như trên Thầy đã nói, cái tinh túy, cốt lõi của giáo lý Phật giáo được Đức Phật giảng rộng bằng những bài thuyết pháp hay kinh điển trong thời gian Ngài lưu trú tại Linh Sơn. Ta có thể nói, trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời thị hiện của Đức Phật, Ngài đã nói rõ cái lý do tại sao Ngài phải giáng trần: Vì thương xót chúng sinh mãi đắm chìm trong mê lầm, không hề biết tới cái Phật tánh sẵn có trong mình mà cứ mãi mê chạy theo những dục lạc giả dối của vọng tình, vọng tưởng để phải chịu không biết bao nhiêu nỗi khổ đau và luân hồi trong sáu nẻo. Vì vô minh mà chúng sanh không biết rằng ngoài cái thế giới đầy đau khổ và phiền não này, còn có một thế giới an lạc vĩnh cửu của chư Phật mà Phật tạm gọi là niết bàn. 

Tại Linh Sơn, khi giảng về cái cốt lõi, tinh túy đó, Ngài đã thuyết về giáo lý vi diệu của Pundarika (bông sen trắng), một loài hoa tượng trưng cho sự thanh tịnh của chân tâm, vốn nằm rất sâu trong tạng thức của mỗi chúng sanh. Muốn vào được cảnh giới thanh tịnh đó hay muốn làm cho chân tâm hiển lộ, người tu Phật phải tinh tấn tu thiền định, dùng trí tuệ bát nhã để quán chiếu sâu xa đến tự tánh của các Pháp trong thế giới hiện tượng này. Trí tuệ đó gọi là Phật Tri Kiến. Trong cuộc đời của Đức Thích Ca với cái thân thị hiện là cái thân phàm phu, đức Phật đã chỉ cho chúng sanh một phương pháp tu tập của Ngài dưới gốc cây bồ đề để chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là phương pháp thiền định.

Khi thấy cuộc hoằng pháp tại trần gian đã đến thời kỳ viên mãn, Ngài đã dùng phương tiện thiện xảo mà truyền trao giáo lý vi diệu cũng như phương pháp tu tập cho Ngài Ma Ha Ca Diếp, rồi từ đó, giáo lý và pháp môn tu tập phát triển Phật Tri Kiến được đời đời tiếp nối. Cho nên Linh Sơn được coi là nguồn gốc của sự truyền thừa Phật giáo và Thiền tông.  

Các tông phái tu thiền được phát triển cho tới ngày nay qua sự nối tiếp của Lịch Đại Tổ Sư từ Ấn Độ qua Trung Hoa (hệ Đại Thừa), Tích Lan (hệ Tiểu Thừa) và phát triển khắp năm châu bốn biển, đã bắt đầu từ Tổ Ma Ha Ca Diếp truyền bá cho tới đời Tổ Bồ Đề Đạt Ma tại Ấn Độ là 28 đời. Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã chuyển  giòng truyền thừa sang phía Đông (Đông độ) là Trung Hoa. Tại Trung Hoa lại theo truyền thống trao truyền y bát thêm 5 đời nữa cho đến  đời Tổ Huệ Năng thì Thiền Tông và Phật Giáo đã được khai triển rộng rãi để hóa độ cho các hàng chúng sanh trong cõi trời và người.

Khi tới Trung Hoa, Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã nói một bài kệ như sau :

Ngô bổn lai tư độ,
Truyền pháp cứu mê tình,
Nhất hoa khai ngũ diệp,
Kết quả tự nhiên thành.

Ý của bài kệ trên là nói tới yếu chỉ của Tổ: Tại sao Ngài đến Đông độ? Mục đích Đông độ là để truyền thừa một giáo pháp cứu vớt chúng sinh khỏi mê muội và để phát triển nguồn Thiền Linh Sơn. 

7. Nguồn Tịnh.

Pháp môn Tịnh độ cũng được đức Phật phát khởi tại Linh Sơn vì lời khẩn nguyện của Bà Thái Hậu Vi Đề Hy (Videhiràji), mẹ của Vua A Xà Thế (Ajatusatra). Trong thời Đức Phật tại thế, Vua A Xà Thế nghe lời xúi dục của ông Đề Bà Đạt Đa và soán ngôi và hạ ngục Vua cha là Vua Bình Sa Vương (Bimbisaraj). Không những đã soán ngôi và hạ ngục Vua Cha, Vua A Xà Thế còn dùng cực hình để hành hạ Vua Cha cho đến nỗi phải chết vì không chịu nổi.

Trong thời gian Vua Bình Sa Vương bị cầm tù và hành hạ, nhiều khi bị bỏ đói thì Hoàng Hậu là Bà Vi Đề Hy phải dùng đủ mọi cách lén thăm nuôi và săn sóc. Khi biết được Vua Cha vẫn được Mẹ thăm nuôi săn sóc, A Xà Thế lại cầm tù luôn cả Mẹ và hạ lệnh giết chết Vua Cha trong ngục tối. Trong khi bị hạ ngục, Hoàng Hậu Vi Đề Hy đã ngày ngày khẩn nguyện Đức Phật chỉ cho Bà một thế giới nào không có :

 1) Ba đường ác (Súc sanh, Ngạ Quỷ, Địa Ngục).
 2) Những đứa con ngỗ nghịch hay chỉ có những người hiền lành (thượng thiện nhân) và,
 3) Người nữ và sự sanh nở trần tục.

 Lời khẩn nguyện của Bà Vi Đề Hy trong ngục đã cảm ứng tới Đức Phật đang ở trên Linh Sơn Hội Thượng. Đức Phật đã dùng thần lực làm hiển lộ các thế giới của chư Phật mười phương, trong đó có Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, là nơi thù thắng hơn cả và dễ được về vì nguyện lực độ chúng sanh của Đức Phật A Di Đà. Đức Phật đã dạy cho Bà Vi Đề Hy pháp môn Niệm Hồng Danh của Đức Phật A Di Đà và phát nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Khi Ngài nói về pháp môn niệm hồng danh đức Phật A Di Đà và phát nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì pháp môn Niệm Phật và phát nguyện vãng sanh đều được chư Phật các thế giới khác đồng tán thán và hộ niệm. Từ đó, pháp môn Tịnh Độ được ban truyền và cũng có nguồn gốc từ Linh Sơn.

Quý Vị Tăng Ni và Phật Tử ! Thầy vừa giảng cho quý vị cái ý nghĩa sâu xa của bốn chữ Linh Sơn Hội Thượng và sự quan trọng trong nguồn gốc tu tập Thiền và Tịnh. Đó cũng là lý do mà Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn Thế Giới  chủ trương thiền tịnh song tu, là vì muốn duy trì truyền thống và phương pháp giáo hóa của Đức Phật đã được truyền thừa từ trên 2500 năm về trước.

Để kết luận cho buổi khai thị hôm nay, nói tới Linh Sơn là nói tới sự viên dung cả sự và lý trong đạo Phật. Linh Sơn tượng trưng cho giáo lý vi diệu của Phật giáo và được truyền thừa và phát triển rộng rãi ra khắp năm châu nhờ ân đức và giới hạnh của Lịch Đại Tổ Sư cho tới ngày nay. Sự truyền thừa phải được quý vị Tăng Ni, Phật tử làm cho ngọn đèn trí tuệ, mà Đức Phật và chư Tổ đã dày công khai sáng cho chúng ta, được đời đời tiếp nối (tục diệm truyền đăng) để cứu vớt chúng sanh khỏi mê tình. Thầy đã đúc kết cái lý thâm sâu của Đạo và ước nguyện của Thầy, mong cho tiền đồ Phật giáo mãi mãi xương minh, bằng hai bài kệ dưới đây :

‘Linh Sơn Phật thuyết đạo mầu,
Linh Sơn các Tổ đồng cầu chân như,
Linh Sơn đại sự thừa tư,
Linh Sơn hóa độ muôn người thành công.
Linh Sơn chỉ Tánh bên trong,
Linh Sơn vi diệu cõi lòng từ xưa,
Linh Sơn bản tánh nhất thừa,
Linh Sơn ta ngộ mới vừa công tu.
Linh Linh thường chiếu, Sơn Sơn thường tịch.
Linh Sơn chiếu tịch, Phật quả viên thành.’



Linh Sơn đèn tuệ thắp cùng nơi,
Chiếu tỏa đông tây bốn góc trời.
Hoằng Pháp sáng soi người trí thức,
Thuyền từ cứu vớt kẻ chơi vơi.

Trong bài kệ thứ hai, ý nguyện của Thầy là mong mỏi quý vị tiếp tay với Thầy trong công cuộc hoằng dương chánh pháp, phổ biến đạo mầu của Phật Tổ tới các xứ sở Âu, Mỹ, Phi, Úc, làm con thuyền từ bi cho người người nương theo mà trở về được với cái tâm thánh thiện sẵn có để chúng sanh muôn loài trong thế giới này có thể sống chung một cách Hòa Bình, đem tình thương xóa bỏ hận thù.

Nam Mô Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát 
Trích từ: Những Dòng Sữa Mẹ Tập 2
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Học Tinh Hoa, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận Tải Về
2 Phật Học Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
3 Phật Học Phổ Thông - Quyển 1, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa Tải Về
4 Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư, Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ Tải Về
5 Giáo Trình Phật Học, Lê Kim Kha Tải Về
6 Phật Học Trung Đẳng Tập 1, Nguyễn Khuê Tải Về
7 Phật Học Trung Đẳng Tập 2, Nguyễn Khuê Tải Về
8 Phật Học Vấn Đáp, Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan Tải Về
9 Phật Học Dị Giải, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về